Skip to main content

Trẻ sơ sinh đau bụng về đêm do đâu? Nguy hiểm không?

Trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm liên tục quấy khóc khiến ba mẹ lo lắng. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có các bệnh lý nguy hiểm như nhiễm trùng đường tiểu, viêm ruột thừa, viêm ruột… Vì vậy ba mẹ không nên chủ quan, cần đưa con đi thăm khám ngay khi bị đau bụng dữ dội kèm nôn mửa, sốt cao, tiêu chảy… 

I. Trẻ sơ sinh đau bụng về đêm là tình trạng gì? 

Trang raisingchildren.net.au cho hay, trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm là tình trạng trẻ khóc và quấy khóc nhiều về đêm.

Đau bụng ở trẻ sơ sinh không phải là một căn bệnh mà là sự kết hợp của nhiều hành vi khó hiểu. Thuật ngữ để chỉ việc khóc quá nhiều ở những đứa trẻ khỏe mạnh, xảy ra ở khoảng 1 trong 5 trẻ sơ sinh.

Các bác sĩ thường chẩn đoán chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh dựa trên “quy tắc ba” như sau:

  • Khóc ít nhất 3 giờ/ngày.
  • Khóc ít nhất 3 ngày một tuần.
  • Kéo dài ít nhất 3 tuần liên tiếp.
Trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm khiến trẻ khóc và quấy khóc nhiều về đêm.
Trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm khiến trẻ khóc và quấy khóc nhiều về đêm.

II. Trẻ sơ sinh đau bụng về đêm nguyên nhân do đâu?

Thống kê cho thấy, có tới 28% trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh bị đau bụng, thường bắt đầu từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 6 sau khi sinh. Tình trạng trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm có thể do các nguyên nhân dưới đây:

1. Đau bụng và khóc dạ đề

Hội chứng khóc dạ đề hay Colic là tình trạng trẻ sơ sinh khóc không ngừng, với khoảng 20% trẻ sơ sinh khóc dạ đề có biểu hiện đau bụng. 

Tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ  sơ sinh 2-3 tuần tuổi và kéo dài tới khi trẻ được 4-5 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh bị đau bụng và khóc về đêm có thể do các cơ thắt tâm vị của trẻ hoạt động chưa tốt dẫn đến tiêu hóa kém, đầy hơi, chướng bụng.

2. Không dung nạp lactose

Nguyên nhân trẻ bị đau bụng về đêm do không dung nạp lactose thường gặp ở trẻ bú sữa công thức. Lý do là vì cơ thể của trẻ thiếu enzyme lactase có tác dụng phân hủy đường lactose có trong sữa. 

Các triệu chứng không dung nạp lactose phụ thuộc vào lượng lactose trẻ sơ sinh tiêu thụ. Trẻ càng tiêu thụ nhiều lactose thì trẻ sẽ càng gặp nhiều triệu chứng hơn. Các triệu chứng không dung nạp lactose có thể xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi uống sữa hoặc ăn các sản phẩm từ sữa và có mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo lượng tiêu thụ và lượng dung nạp. 

Ngoài triệu chứng đau bụng, bé sau sinh không dung nạp lactose  có thể kèm theo tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn…

Trẻ sơ sinh khóc về đêm có thể do khóc dạ đề hoặc không dung nạp lactose.
Trẻ sơ sinh khóc về đêm có thể do khóc dạ đề hoặc không dung nạp lactose.

3. Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột

Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn rất non yếu nên dễ bị tổn thương, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột là tình trạng thay đổi thành phần và số lượng vi sinh vật trong đường ruột làm vi khuẩn có lợi giảm đi và vi khuẩn có hại tăng lên.

Khi hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng, trẻ sơ sinh ngoài đau bụng còn bị đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, ợ chua hoặc chướng bụng…

4. Táo bón

Táo bón xảy ra khi phân của bé cứng và khô khiến bé khó đi đại tiện. Đôi khi, việc đại tiện có thể gây đau đớn. Trẻ sơ sinh thường bị táo bón khi chuyển từ sữa công thức hoặc sữa mẹ sang thức ăn đặc.

Thống kê cho thấy, trong số 4.157 trẻ < 2 tuổi có 185 trẻ bị táo bón. Tỷ lệ mắc táo bón trong năm đầu đời là 2,9% và trong năm thứ hai tỷ lệ này là 10,1%. Táo bón chức năng là nguyên nhân ở 97% trẻ. Bé trai và bé gái bị ảnh hưởng với tần suất như nhau. 

Trẻ sơ sinh bị táo bón kéo dài ngoài đau bụng và đau bụng về đêm, còn có các biểu hiện sau:

  • Phân khô và cứng.
  • Trẻ có dấu hiệu căng thẳng khi cố gắng đi đại tiện.
  • Quấy khóc hoặc cáu kỉnh.
  • Bú kém hơn bình thường.
  • Một vết rách hoặc vết nứt có thể xuất hiện ở vùng da xung quanh hậu môn, đôi khi có thể chảy máu.
Trẻ sơ sinh khóc về đêm do táo bón, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột
Trẻ sơ sinh khóc về đêm do táo bón, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột

5. Hội chứng ruột kích thích (IBS) 

Hội chứng ruột kích thích (IBS) ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể xảy ra khi ruột nhạy cảm với các loại thực phẩm cụ thể hoặc các tác nhân khác như căng thẳng . 

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn lâu dài (mãn tính) ảnh hưởng đến ruột già hoặc ruột kết. Các triệu chứng của IBS ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm:

  • Đau bụng, đau dạ dày và ruột. 
  • Buồn nôn. 
  • Đầy hơi và chướng bụng, ợ hơi sau ăn. 
  • Quấy khóc, khó ngủ và mệt mỏi.
  • Táo bón và/hoặc tiêu chảy.
  • Có chất nhầy trong phân. 

6. Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa ở trẻ sơ sinh rất hiếm và có thể gây tử vong. Tỷ lệ được báo cáo là 0,04 % đến 0,2 %. Chẩn đoán vẫn còn khó khăn vì các triệu chứng không được xác định.

Viêm ruột thừa ở trẻ sơ sinh thường có biểu hiện chán ăn, khó chịu, chướng bụng, sốt, protein phản ứng C tăng cao. Bệnh cũng có thể gây nôn dịch mật, tiêu chảy, đại tiện ra máu và tăng bạch cầu.

Trẻ sơ sinh khóc về đêm do viêm ruột thừa, hội chứng ruột kích thích. 
Trẻ sơ sinh khóc về đêm do viêm ruột thừa, hội chứng ruột kích thích.

7. Bệnh viêm ruột (IBD)

Sự phát triển của bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease/IBD) ở trẻ sinh cực kỳ kiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Dữ liệu được công bố từ các nghiên cứu dịch tễ học và đăng ký IBD ở Bắc Mỹ và Châu Âu cho thấy rằng có ít hơn 1% trẻ em mắc IBD xuất hiện trong 12 tháng đầu đời.

Khi bị viêm ruột, trẻ sơ sinh có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy, đặc biệt nếu có máu.
  • Có máu trong phân hoặc phân đen, giống như nhựa đường.
  • Mệt mỏi, cơ thể suy yếu.
  • Bỏ ăn, ăn ít.
  • Sụt cân.

Nguyên nhân của IBD vẫn chưa rõ ràng nhưng có thể bao gồm sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường với rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch.

8. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra ở hầu hết trẻ sơ sinh, biểu hiện dưới dạng ợ hơi sau khi bú và/hoặc nhổ ra (sữa hoặc chất trong dạ dày quay trở lại thực quản, hầu họng và miệng một cách không mạnh). 

Tỷ lệ trào ngược dạ dày thực quản tăng lên từ 2 tháng đến 6 tháng tuổi (có thể do lượng chất lỏng tăng lên trong mỗi lần bú) và sau đó bắt đầu giảm sau 7 tháng. Trào ngược dạ dày thực quản sẽ khỏi ở khoảng 85% trẻ sơ sinh sau 12 tháng và 95% trẻ sau 18 tháng. 

Ngoài đau bụng về đêm, trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày còn có gặp các triệu chứng như: 

  • Nôn trớ thường xuyên.
  • Khó chịu, bỏ bú.
  • Ho tái phát mãn tính.
  • Thở khò khè, đôi khi có tiếng thở rít.
  • Không tăng cân hoặc giảm cân.

Nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh bị trào ngược là do cơ thắt thực quản  dưới LES (Lower Esophageal Sphincter) dưới yếu và chưa hoàn chỉnh nên không thể ngăn chặn sự trào ngược của dịch dạ dày vào thực quản. Các nguyên nhân khác bao gồm dị ứng thực phẩm, phổ biến nhất là dị ứng protein sữa bò. 

Trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm. 
Trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm.

9. Bệnh Celiac (bệnh không dung nạp Gluten)

Bệnh Celiac là một rối loạn tự miễn dịch, xảy ra trẻ không dung nạp thực phẩm với gluten. Gluten (GLOOT-in) là tên chung của protein có trong lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác.

Bệnh Celiac có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Trẻ sơ sinh có thể không tăng cân và chiều cao như mong đợi, tình trạng này gọi là chậm phát triển. Một số triệu chứng khác có thể gồm: đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, mệt mỏi…

10. Nhiễm trùng đường tiểu

Nhiễm trùng đường tiểu (UTI) là nhiễm trùng khuẩn ảnh hưởng đến bàng quang, niệu đạo hoặc thận. 

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ở trẻ sơ sinh khá phổ biến. Các nghiên cứu nhỏ cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh bị sốt là từ 10,7% đến 15,4%. Escherichia Coli là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ sơ sinh.

Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng đường tiểu thường bị sốt, đôi khi đau bụng, ăn kém, nôn mửa, tiêu chảy, lơ mơ. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng (nhiễm trùng huyết ) do nhiễm trùng tiểu không được điều trị.

11. Nguyên nhân khác

Tình trạng trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác như tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, đầy hơi, lo lắng căng thẳng, rối loạn tiêu hóa… 

Trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác. 
Trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác.

III. Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm 

Trẻ sơ sinh chưa thể nói vì vậy khi bị đau bụng, bé sẽ biểu lộ sự khó chịu thông qua tiếng khóc. Dưới đây là một số biểu hiện trẻ bị đau bụng về đêm giúp bố mẹ nhận biết:

1. Trẻ khóc khác thường

Trẻ sơ sinh đau bụng về đêm ba mẹ khó nhận biết hơn với trẻ lớn vì con chưa biết nói. Biểu hiện rõ ràng nhất của trẻ sơ sinh khi bị đau bụng lá khóc. Trẻ sơ sinh khóc do đau bụng với khóc bình thường có sự khác biệt rất lớn. Cụ thể:

  • Trẻ khóc rất to, như đang la hét hoặc đau đớn.
  • Trẻ khóc từng cơn một lúc.
  • Khóc kéo dài không rõ nguyên nhân. 
  • Trẻ không ngừng khóc dù bố mẹ dỗ dàng và ôm ấp bé.

2. Tư thế, hành vi khác thường

Khi bị đau bụng về đêm, trẻ sơ sinh còn có một số tư thế và hành vi khác thường như: 

  • Ưỡn ngực.
  • Cong lưng.
  • Nắm chặt tay.
  • Gồng người.
  • Uốn cong đầu gối khi khóc.
  • Bứt tóc.
  • Đưa chân lên bụng.
  • Co ro chân tay.
  • Mặt đỏ ứng.

3. Triệu chứng khác

Ngoài khóc và một số hành vi bất thường, trẻ sơ sinh bị đau bụng có thể có các triệu chứng khác như: 

  • Xì hơi hoặc ợ hơi nhiều hơn bình thường.
  • Bỏ bú hoặc bú ít. 
  • Ngủ kém, khó ngủ. 
  • Tiêu chảy.
  • Buồn nôn, nôn mửa. 
  • Bụng cứng.
  • Sốt.
  • Táo bón.
  • Bụng cứng hoặc chướng.
  • Hay gắt gỏng, cáu. 
Trẻ sơ sinh khóc rất to, như đang la hét hoặc đau đớn.
Trẻ sơ sinh khóc rất to, như đang la hét hoặc đau đớn.

Không phải tất cả trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm đều có các triệu chứng giống nhau. Khi xuất hiện các triệu chứng trên, bố mẹ nên đưa con tới bệnh viện để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và khắc phục kịp thời. 

IV. Trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm có nguy hiểm không? 

Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đau bụng mà có thể gây nguy hiểm hoặc không.

  • Trường hợp nguy hiểm: Trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm do bệnh lý, ví dụ như nhiễm khuẩn đường ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm ruột thừa, bệnh Crohn,…  có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
  • Trường hợp không nguy hiểm: Trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm do khóc dạ đề, rối loạn tiêu hóa, dị ứng thức ăn hay nguyên nhân tâm lý thường không gây nguy hiểm nếu được xử lý đúng cách.
Trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm do bệnh lý có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm do bệnh lý có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

V. Ba mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm?

Khi bé sơ sinh bị đau bụng về đêm, ba mẹ hãy thực hiện theo hướng dẫn dưới đây: 

1. Theo dõi triệu chứng 

Khi trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm, điều ba mẹ nên làm là theo dõi các triệu chứng của con để cung cấp cho bác sĩ khi cần thiết. Không tự ý cho trẻ uống thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

2. Giảm đau cho con 

Để giảm cảm giác đau bụng cho con, ba mẹ có thể tham khảo một số cách giảm đau bụng tự nhiên tại nhà dưới đây:

  • Massage bụng nhẹ nhàng: Giúp giảm bớt sự khó chịu cho trẻ. Ba mẹ có thể làm ấm tay cùng chút tinh dầu (bạc hà, tràm) sau đó xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng cho con.
  • Chườm ấm cho con: Hơi ấm kích thích lưu thông máu đến vùng bụng giúp giảm đau. Ba mẹ có thể dùng túi chườm chuyên dụng hoặc ngâm khăn mặt trong nước ấm sau đó vắt kiệt rồi đắp lên bụng của bé.
  • Giữ ấm: Khi bị lạnh bụng, cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn. Vì vậy ba mẹ hãy lưu ý giữ ấm bụng cho con nhé!

3. Thăm khám bác sĩ  

Các cách xử lý tại nhà ở trên chỉ phù hợp khi trẻ đau bụng nhẹ, cơn đau kéo dài không quá 30 phút và không có các triệu chứng khác như nôn mửa, tiêu chảy, sốt hoặc mất nước…

Nếu tình trạng đau bụng không thuyên giảm hoặc triệu chứng nghiêm trọng hơn, hãy đưa con đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức. Các triệu chứng trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm cần thăm khám ngay gồm:

  • Đau bụng dữ dội: trẻ khóc thét, ôm bụng đau đớn như lá hét, cảm giác không thể chịu đựng được. 
  • Trẻ quấy khóc từng cơn: khóc dữ dội sau đó có khoảng ngưng không khóc, thường gặp ở trẻ lồng ruột.
  • Nôn mửa liên tục: trẻ sơ sinh nôn nhiều lần, dịch nôn có cả thức ăn, dịch xanh, vàng, hoặc máu.
  • Sốt cao: trên 38,5 độ C.
  • Tiêu chảy nhiều lần: hơn 3 lần/ngày, phân lỏng, có thể lẫn máu hoặc nhầy.
  • Mất nước: miệng khô, mắt trũng, tiểu ít.
  • Triệu chứng khác: tím tái, lờ đờ, co giật.
Hãy đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ nếu tình trạng đau bụng không thuyên giảm. 
Hãy đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ nếu tình trạng đau bụng không thuyên giảm.

VI. Phương pháp chẩn đoán và điều trị trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm 

Khi ba mẹ đưa trẻ đến bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện chẩn đoán để có kết quả chính xác về nguyên nhân và mức độ đau. Căn cứ vào kết quả chẩn đoán bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp cho bé. 

1. Chẩn đoán

  • Thăm khám triệu chứng: Bác sĩ hỏi về ba mẹ mức độ, vị trí và thời gian đau. Các triệu chứng kèm theo như nôn mửa, tiêu chảy, sốt, hoặc phát ban. Kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ và hỏi về chế độ ăn uống của con. 
  • Xét nghiệm máu: Để đánh giá số lượng tế bào trong máu và mức độ điện giải trong cơ thể của trẻ.
  • Phân tích nước tiểu: Nhằm loại trừ sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
  • Xét nghiệm phân: Lấy mẫu phân của trẻ để kiểm tra mầm bệnh.
  • Một số xét nghiệm hình ảnh chụp X-quang, CT… cũng có thể được bác sĩ chỉ định cho trẻ để có thể hình dung rõ hơn các cơ quan trong bụng của bé.

2. Điều trị 

Tình trạng đau bụng về đêm ở trẻ sơ sinh do nhiều nguyên nhân gây ra. Theo đó, bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân được chẩn đoán để chỉ định phác đồ điều trị phù hợp cho từng trẻ.

Khi bác sĩ chỉ định phương án điều trị, ba mẹ cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn. Không tự ý thay đổi phương pháp điều trị, bớt hoặc thêm thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn vì điều này có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Trẻ sơ sinh bị đau bụng về đêm là vấn đề phổ biến và có thể do nhiều nguyên nhân. Khi bé gặp phải tình trạng này, mẹ hãy cố gắng cho bé bú nhiều nhất có thể kết hợp  giữ ấm và massage bụng cho con. Tuy nhiên, ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy con có các dấu hiệu nguy hiểm như nôn mửa liên tục, đau bụng dữ dội, tiêu chảy nhiều lần, sốt cao, mất nước…

Tài liệu tham khảo:

  • https://www.healthychildren.org/English/healthy-living/nutrition/Pages/Lactose-Intolerance-in-Children.aspx
  • https://www.webmd.com/parenting/baby/what-is-colic
  • https://www.whattoexpect.com/first-year/health-and-safety/what-is-colic/
  • https://www.childrens.com/specialties-services/conditions/pediatric-microbiome-imbalance
  • https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15756220/
  • https://www.uchicagomedicine.org/forefront/gastrointestinal-articles/pediatric-irritable-bowel-syndrome-ibs-vs-pediatric-inflammatory-bowel-disease-ibd#:~:text=Pediatric%20IBS%20may%20occur%20when,and%20constipation%20and%2For%20diarrhea.
  • https://www.childrensnational.org/get-care/health-library/irritable-bowel-syndrome-ibs
  • https://www.msdmanuals.com/en-pt/professional/pediatrics/gastrointestinal-disorders-in-neonates-and-infants/gastroesophageal-reflux-in-infants
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3805279/

Xem thêm:

Đánh giá
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.