Hội chứng ruột kích thích ở bà bầu khá phổ biến, thường xảy ra vào ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ. Nếu không được kiểm soát và can thiệp kịp thời, hội chứng ruột kích thích khi mang thai có thể khiến mẹ sinh non, sảy thai, tăng trượt tử cung…
Mục lục
- I. Thế nào là hội chứng ruột kích thích ở bà bầu?
- II. Dấu hiệu mẹ bầu mắc hội chứng ruột kích thích
- III. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích ở bà bầu
- IV. Hội chứng ruột kích ở mẹ bầu có nguy hiểm không?
- V. Phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích khi mang thai
- VI. Cách điều trị hội chứng ruột kích thích ở bà bầu
I. Thế nào là hội chứng ruột kích thích ở bà bầu?
Hội chứng ruột kích thích (IBS – Irritable Bowel Syndrome) là một rối loạn phổ biến lâu dài hoặc tái phát của chức năng đường tiêu hóa (GI). Theo thống kê, có 10 đến 15% dân số bị ảnh hưởng bởi hội chứng này.
Hội chứng ruột kích thích khi mang thai gặp ở khá nhiều mẹ bầu, thường xảy ra vào ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, có những trường hợp mẹ bầu bị hội chứng cả thai kỳ.
II. Dấu hiệu mẹ bầu mắc hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích ở mẹ bầu thường có những biểu hiện sau:
- Đau bụng.
- Tiêu chảy.
- Táo bón.
- Đầy hơi.
- Chướng bụng.
- Ợ chua.
- Thay đổi tần suất đại tiện.
Các triệu chứng ruột kích thích ở bà bầu thường trầm trọng hơn sau khi ăn và giảm nhẹ sau khi đại tiện.
III. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích ở bà bầu
Có nhiều nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích ở bà bầu như: do hay đổi hormon, áp lực của thai nhi, ăn uống thiếu khoa học, căng thẳng và stress…
1. Sự thay đổi của hormon
Khi mang thai cơ thể của mẹ bầu có rất nhiều biến đổi, đặc biệt là gia tăng của hormon progesterone khiến nhu động ruột kém hoạt động hơn.
2. Áp lực của thai nhi
Sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là các tháng cuối thai kỳ gây chèn ép lên thành ruột. Điều này khiến hoạt động bình thường của các cơ quan tiêu hóa bị ảnh hưởng.
3. Chế độ ăn uống thiếu khoa học
Nhiều mẹ bầu có tâm lý ăn nhiều sẽ tốt cho con nên thường ăn nhiều hơn so với thời điểm chưa mang thai. Chính điều này đã gây áp lực lên hệ tiêu hóa dẫn đến tình trạng đầy hơi, đau bụng, ợ chua…
4. Stress, căng thẳng
Phụ nữ trong thời gian mang thai rất nhạy cảm và dễ có những cảm xúc tiêu cực. cơ thể thay đổi khi mang thai cộng với tâm lý lo lắng thái quá cho thai nhi và chuẩn bị cho hành trình sinh nở hay chăm sóc con khiến nhiều mẹ rơi vào trạng thái căng thẳng. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích ở bà bầu.
5. Viên uống bổ sung
Bà bầu thường sử dụng viên uống bổ sung khoáng chất và vitamin trong thai kỳ. Đây là điều cần thiết nhưng những viên bổ sung này có thể gây tác dụng phụ táo bón nếu mẹ bầu dùng không đúng cách hoặc lạm dụng bổ sung quá nhiều.
IV. Hội chứng ruột kích ở mẹ bầu có nguy hiểm không?
Đa phần các trường hợp mẹ bầu bị hội chứng ruột kích thích chỉ diễn ra trong thời gian ngắn với mức độ nhẹ. Nếu được xử lý đúng cách và kịp thời sẽ không gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích ở mẹ bầu không được kiểm soát và can thiệp kịp thời sẽ gây nhiều nguy hiểm khôn lường như:
- Tiêu chảy kéo dài gây mất nước, có thể khiến mẹ sinh non.
- Táo bón làm giãn cơ, mô, dây thần kinh ở xương chậu, từ đó làm tăng trượt tử cung.
- Mẹ bầu có nguy cơ bị sảy thai.
Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bị hội chứng ruột kích thích, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.
V. Phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích khi mang thai
Để xác định chính xác mẹ bầu có bị hội chứng ruột kích thích hay không, bác sĩ sẽ dựa vào các phương pháp sau:
1. Khám lâm sàng
Bác sĩ tiến hành xem xét triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, táo bón, số lần đi ngoài. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng hỏi mẹ bầu về thực phẩm đã sử dụng, tiền sử bệnh, các loại thuốc bổ sung trong thai kỳ.
2. Xét nghiệm
Bên cạnh thăm khám lâm sàng, để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích ở thai phụ, bác sĩ có thể chỉ định tiến hành một số xét nghiệm để loại trừ các căn bệnh khác và xác định chính xác nguyên nhân. Cụ thể gồm:
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra xem bà bầu có bị nhiễm trùng, thiếu máu, bị bệnh do viêm hay kích ứng không.
- Xét nghiệm phân: Kiểm tra ký sinh trùng và vi khuẩn có thể gây tiêu chảy
- Xét nghiệm phát hiện máu ẩn trong phân: Để xác định viêm nhiễm, tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa và giúp chẩn đoán loại trừ.
- Xét nghiệm H2 hơi thở: Đo nồng độ hydro trong hơi thở, giúp chẩn đoán các vấn đề tiêu hóa thường gặp, trong đó có hội chứng ruột kích thích.
VI. Cách điều trị hội chứng ruột kích thích ở bà bầu
Việc sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích nào với mẹ bầu đều phải cân nhắc cẩn thận để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Thông thường, bác sĩ sẽ hạn chế tối đa việc chỉ định dùng thuốc điều trị cho bà bầu.
Để khắc phục và thuyên giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, thay vì dùng thuốc, bác sĩ khuyến khích mẹ bầu nên thay đổi chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và tập luyện. Đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh loại và liều lượng viên uống bổ sung cho hợp lý.
Đặc biệt, khi mắc hội chứng ruột kích thích, mẹ bầu tuyệt đối không nên tự ý xoa bụng vì có thể gây kích thích co bóp tử cung, ảnh hưởng xấu đến em bé.
1. Thay đổi chế độ ăn uống và dinh dưỡng
Để đẩy lùi hội chứng ruột kích thích, mẹ bầu nên có những thay đổi trong chế độ ăn uống và dinh dưỡng như sau:
- Nên chia nhỏ bữa ăn, mỗi bữa chỉ nên ăn với lượng thức ăn vừa đủ, không nên ăn quá no.
- Ghi lại những thức ăn để tiêu thụ hàng ngày có nguy cơ làm xuất hiện hội chứng ruột kích thích để hạn chế hoặc loại bỏ ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày.
- Trường hợp mẹ bầu bị táo bón, hãy bổ sung nhiều hơn các thực phẩm giàu chất xơ trong bữa ăn hàng ngày. Ví dụ như ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả, rau củ…
- Mỗi ngày ăn từ 1-2 hộp sữa chua để hỗ trợ hệ tiêu hóa.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
- Tránh ăn những thực phẩm gây kích thích khiến triệu chứng bệnh nặng hơn như: thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, thực phẩm tạo khí; rượu, bia, cà phê, đồ uống có ga…
2. Chế độ sinh hoạt khoa học
Về chế độ sinh hoạt, mẹ bầu mắc hội chứng ruột kích thích nên:
- Làm việc và nghỉ ngơi điều độ.
- Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh lo âu, căng thẳng.
- Thư giãn cơ thể và tinh thần bằng cách đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè.
3. Rèn luyện thể lực hợp lý
Nhiều mẹ bầu lo lắng việc vận động có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên mẹ bầu nên tập luyện đều đặn hàng ngày với các bài tập nhẹ nhàng để giúp nhu động ruột hoạt động ổn định hơn. Mặt khác, còn giúp quá trình chuyển dạ diễn ra thuận lợi hơn.
Một số môn thể thao phù hợp để mẹ bầu tập luyện trong thai kỳ như: yoga, bơi lội đi bộ, hít thở sâu… Tuy nhiên, mẹ bầu nên tham khảo huấn luyện viên chuyên nghiệp trước khi tập luyện để đảm bảo an toàn.
4. Hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc
Dùng thuốc giúp kiểm soát triệu chứng tiêu chảy, táo bón và những triệu chứng khác do hội chứng ruột kích thích gây ra. Tuy nhiên, một số thành phần của thuốc có thể không an toàn với mẹ bầu nên mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý sử dụng. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Hy vọng với những thông tin ở trên, các mẹ đã hiểu rõ hơn về hội chứng ruột kích thích ở bà bầu. Từ đó giúp nhận biết sớm để có cách khắc phục kịp thời, tránh gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé.
Có thể bạn quan tâm:
Chưa có bình luận!