Thuốc chữa ung thư dạ dày là các hoạt chất được dùng trong nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày khác nhau. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về 16 loại thuốc chữa ung thư dạ dày phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay ngay dưới đây!
Ung thư dạ dày (stomach cancer, gastric cancer) là sự phát triển bất thường của các mô trong dạ dày. Căn cứ vào kích thước và vị trí của khối u trong cơ thể cũng như các triệu chứng người bệnh gặp phải mà bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các phương pháp điều trị gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, thuốc điều trị mục tiêu và một số cách khác.
Thuốc chữa ung thư dạ dày là các hoạt chất được dùng trong nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày khác nhau. Bệnh nhân có thể dùng 1 loại thuốc hoặc kết hợp 2-3 loại thuốc với nhau để nâng cao hiệu quả điều trị. Dưới đây là danh sách 16 loại thuốc điều trị ung thư dạ dày phổ biến và hiệu quả hiện nay dùng trong phương pháp hóa trị, điều trị đích và liệu pháp miễn dịch.
Mục lục
I. Thuốc chữa ung thư dạ dày trong phương pháp hóa trị
Hóa trị là phương pháp truyền thuốc vào đường tĩnh mạch để tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn chặn chúng di căn.
Điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị thường kéo dài với các đợt xen kẽ và chi phí khá cao. Theo khảo sát, chi phí cho mỗi đợt hóa trị là từ khoảng 4 đến 15 triệu đồng/đợt, bệnh nhân thường phải thực hiện 6-10 đợt và mỗi đợt cách nhau 1 tháng.
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, sức khỏe, có kết hợp với xạ trị ung thư dạ dày không mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng thuốc, thời gian hóa trị và sự kết hợp phác đồ điều trị cho phù hợp.
Các hóa chất trên có thể dùng đơn thuần hoặc phối hợp với nhau hoặc phối hợp với thuốc tác dụng đích để điều trị ung thư dạ dày.
Sử dụng các thuốc chữa ung thư dạ dày khi hóa trị, bên cạnh việc tiêu diệt tế bào ung thư, nó còn đồng thời phá hủy các tế bào khỏe mạnh của cơ thể, từ đó gây ra các tác dụng không mong muốn như: buồn nôn và nôn, chán ăn, rụng tóc, tiêu chảy, dễ chảy máu do thiếu tiểu cầu, thiếu máu…
Một số thuốc hóa chất điều trị có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh hoặc hệ tim mạch. Ví dụ như doxorubicin, epirubicin gây tổn thương trên tim và cisplatin, oxaliplatin, docetaxel, paclitaxel gây tổn thương hệ thần kinh.
Các thuốc chữa ung thư dạ dày bằng phương pháp hóa trị hiện nay gồm:
1. 5-FU fluorouracil, Capecitabine
- Công dụng: Điều trị ung thư dạ dày trở nặng hoặc đã di căn sang các bộ phận khác. Ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư.
- Cơ chế hoạt động: Thuốc 5-FU fluorouracil, Capecitabine tấn công vào quá trình phân bào bằng việc giảm Thymin – một thành phần quan trọng của DNA. Theo đó, các tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt.
2. Carboplatin
Carboplatin là thuốc hóa trị có chứa platium (bạch kim), thường đường dùng riêng biệt hoặc kết hợp với các thuốc khác để chữa ung thư dạ dày.
- Công dụng: Ức chế các tế bào ung thư phát triển, hạn chế các khối u di căn.
- Dạng thuốc và hàm lượng: Lọ 450 và 150mg, dạng bột khô màu trắng đã diệt khuẩn. Mỗi lọ có thêm cùng khối lượng manitol và ống dung môi để pha thành dung dịch 1%.
- Cơ chế hoạt động: Đóng vai trò là tác nhân alkyl hóa, dễ dàng liên kết cộng hóa trị với DNA của tế bào ung thư do chứa các nguyên tử bạch kim. Từ đó ức chế và can thiệp chức năng của DNA bằng cách tạo ra liên kết ngang trong phân tử DNA. Khi DNA bất hoạt thì cũng đồng nghĩa với việc tế bào ung thư sẽ bị phá hủy.
- Cách dùng: Tiêm tĩnh mạch trong ít nhất 15 phút.
- Liều lượng: Phụ thuộc vào cân nặng, sức khỏe và khả năng đáp ứng của người bệnh. Tiêm tối đa 1 lần trong 4 tuần.
3. Cisplatin
Đây là thuốc chữa ung thư dạ dày chứa bạch kim, có thể dùng để điều trị các bệnh ung thư khác.
- Công dụng: Làm chậm hoặc triệt tiêu sự tăng trưởng của các tế bào ung thư.
- Cơ chế hoạt động: Thuốc Cisplatin khi đi vào cơ thể sẽ tạo thành các liên kết chéo bên trong và giữa các sợi DNA. Từ đó làm thay đổi cấu trúc và ức chế tổng hợp DNA. Ngoài ra, Cisplatin còn ức chế tổng hợp protein và RNA. Kết quả là giúp tiêu diệt các tế bào ung thư.
- Dạng thuốc và hàm lượng: Lọ 10mg/20ml, 25g/50ml, 50g/100ml. Lọ 10mg, 25mg và 50mg dạng bột khô, kèm một ống dung môi để pha tiêm.
- Cách dùng: Tiêm tĩnh mạch.
- Liều lượng: Có thể tiêm 5 ngày liên tiếp hoặc 3-4 tuần 1 lần.
4. Docetaxel
Docetaxel thuộc nhóm thuốc taxan, có khả năng làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào ung thư.
- Cơ chế hoạt động: Kích thích sự bó chặt của các tubulin thành cấu trúc vi ống bền vững đồng thời ức chế sự phân rã của các bó tubulin này để làm giảm các tubulin tự do. Các tubulin này có vai trò quan trọng trong việc phân hóa tế bào, việc bất hoạt thành phần này giúp ngăn chặn các tế bào ung thư sinh sôi.
- Dạng thuốc và hàm lượng: Dung dịch tiêm đậm đặc (10mg/ml, 20mg/ml, 20mg/0,5ml để pha loãng truyền tĩnh mạch). Thuốc bột đông khô pha tiêm 20mg, 80mg và 160mg đóng kèm ống dung môi pha tiêm).
- Cách dùng: Tiêm vào tĩnh mạch.
- Liều lượng: Thường tiêm hơn 1 giờ 1 lần sau 3 tuần.
5. Epirubicin
Tác dụng của thuốc Epirubicin là ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư.
- Cơ chế hoạt động: Thuốc thuộc nhóm Anthracyclin có khả năng gây độc cho tế bào tương tự như thuốc Doxorubicin và Daunorubicin. Thuốc khi đi vào cơ thể sẽ tạo thành một phức hợp với DNA, xen vào giữa các cặp base gây ức chế tổng hợp DNA và RNA phụ thuộc DNA. Từ đó gây kích hoạt topoisomerase làm tách rời DNA và tiêu diệt tế bào.
- Dạng thuốc và hàm lượng: Lọ 25ml và 100ml (nồng độ 2mg/ml). Thuốc bột pha tiêm lọ 10mg và 50mg.
- Cách dùng: Tiêm tĩnh mạch, có thể kết hợp với các thuốc chữa ung thư dạ dày khác.
- Liều lượng: Tiêm 21 ngày 1 lần trong 6 chu kỳ hoặc tiêm 2 lần vào ngày 1 và 8 mỗi 28 ngày trong 6 chu kỳ điều trị.
6. Irinotecan
Irinotecan được gọi là chất ức chế topoisomerase I, hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư dạ dày.
- Cơ chế hoạt động: Irinotecan khi đi vào cơ thể dưới tác dụng của carboxylesterase sẽ chuyển thành chất chuyển hóa có hoạt tính mạnh hơn irinotecan nhiều là SN-38. Chất này gắn với phức hợp topoisomerase I – DNA ngăn chặn sự kết hợp 2 chuỗi đơn của DNA. Kết quả là tích lũy các chuỗi đơn trong tế bào và phá hủy sự tạo thành chuỗi kép DNA và làm chết tế bào.
- Dạng thuốc và hàm lượng: Dung dịch tiêm, truyền tĩnh mạch chứa irinotecan hydrochloride 20mg/ml; lọ hoặc ống 2ml, 5ml và 25ml.
- Cách dùng và liệu lượng: Tiêm truyền tĩnh mạch trong khoảng 90 phút.
7. Paclitaxel
- Cơ chế hoạt động: Thuốc Paclitaxel làm tăng quá trình trùng hợp dime tubulin tạo thành các ống vi thể và làm ổn định các ống vi thể sẵn có do ức chế quá trình giải trùng hợp. Từ đó, ức chế các mạng ống vi thể tái cấu trúc bình thường ở gian kỳ của quá trình phân bào và cả với hoạt động của ty lạp thể. Thuốc cũng tạo ra các cấu trúc bất thường trong ống vi thể của quá trình phân bào, làm phá vỡ các nhiễm sắc thể.
- Dạng thuốc: Dung dịch đậm đặc để pha dịch truyền tĩnh mạch.
- Hàm lượng: Lọ thủy tinh 5ml, chứa 30mg paclitaxel, các tá dược cremophor EL và Ethanol.
- Cách dùng: Tiêm tĩnh mạch.
- Liều lượng: Theo phác đồ của bác sĩ, có thể truyền tim mạch với liều 175mg/m2 trong 3 giờ và lặp lại ít nhất sau 3 tuần.
8. Oxaliplatin
Oxaliplatin là thuốc hóa trị chữa ung thư dạ dày có chứa platin, được dùng kết hợp với các thuốc khác đề ngăn chặn hoặc làm giảm các tế bào ung thư tăng trưởng.
- Cơ chế hoạt động: Sau khi hoạt hóa, oxaliplatin liên kết ưu tiên với các đơn vị guanin và cytosine của DNA, dẫn đến liên kết chéo của DNA. Từ đó ức chế sự tổng hợp và phiên mã DNA.
- Dạng thuốc và hàm lượng: Thuốc dạng bột pha tiêm chứa 50mg và 100mg. Lọ dung dịch tiêm nồng độ 5mg/ml (10, 20 và 40ml).
- Cách dùng: Tiêm truyền tĩnh mạch trong tối thiểu 2 giờ.
- Liều lượng: Dùng 1 lần/2 tuần kết hợp với thuốc 5-FU fluorouracil và Leucovorin. Liều lượng thuốc phụ thuộc vào khả năng đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân.
Dưới đây là một số ví dụ về phác đồ dùng thuốc phối hợp với phẫu thuật chữa ung thư dạ dày:
- ECF (epirubicin, cisplatin và 5-FU) , có thể dùng trước hoặc sau phẫu thuật.
- Docetaxel hoặc paclitaxel kết hợp 5-FU hoặc capecitabine, thường được sử dụng kết hợp với xạ trị dùng trước phẫu thuật.
- Cisplatin + 5-FU hoặc capecitabine kết hợp với xạ trị điều trị trước phẫu thuật.
- Paclitaxel + carboplatin kết hợp với xạ trị điều trị trước phẫu thuật.
- 5 –FU hoặc capecitabine kết hợp với xạ trị điều trị sau phẫu thuật.
Để điều trị ung thư dạ dày tiến triển, có thể dùng một số phác đồ như sau:
- DCF: docetaxel+cisplatin +5-FU.
- Irinotecan + cisplatin.
- Irinotecan +5-FU hoặc capecitabine..
- Oxaliplatin + 5-FU hoặc capecitabine.
II. Thuốc chữa ung thư dạ dày dùng trong liệu pháp điều trị tại đích
Thuốc điều trị đích là các thuốc có cơ chế tự tìm tế bào ung thư dựa trên các dấu hiệu miễn dịch, bám dính lên các tế bào đó và giải phóng ra dược chất tiêu diệt tế bào.
- Công dụng: Tăng hiệu quả loại bỏ các tế bào ung thư nhưng hạn chế được các tác dụng phụ của hóa trị. Vì thuốc điều trị tại đích có khả năng tự tìm kiếm và tiêu diệt chủ đích các tế bào ung thư.
- Thời điểm sử dụng: Có thể sử dụng thuốc điều trị đích suốt trong quá trình điều trị bệnh ung thư dạ dày.
- Tần suất: Tuân thủ theo đúng phác đồ được các Hiệp hội y khoa đã thống nhất và công bố.
Dưới đây là các loại thuốc điều trị đích ung thư dạ dày:
1. Thuốc chữa ung thư dạ dày nhắm vào HER2
Ở một số bệnh nhân ung thư dạ dày, các tế bào ung thư có quá nhiều protein thúc đẩy tăng trưởng, có tên gọi là HER2 trên bề mặt. Ung thư có nồng độ HER2 tăng được gọi là HER2 dương tính. Các loại thuốc nhắm vào protein HER2 nhằm ức chế sự phát triển của tế bào ung thư dạ dày gồm:
1.1. Trastuzumab (Herceptin)
Là một kháng thể đơn dòng, là phiên bản nhân tạo của protein miễn dịch, nhắm vào mục tiêu HER2. Thuốc Trastuzumab có thể giúp bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối kéo dài sự sống.
- Đối tượng: Thuốc Trastuzumab chỉ hoạt động khi các tế bào ung thư có quá nhiều HER2. Do đó, bệnh nhân cần phải kiểm tra để tìm HER2 trước khi bắt đầu dùng thuốc.
- Cách dùng:Thuốc điều trị tại đích Trastuzumab được đưa vào cơ thể người bệnh bằng 2 con đường là truyền tĩnh mạch và thường tiêm. Tần suất dùng thuốc 2-3 tuần/lần cùng với đợt truyền hóa chất.
- Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ của thuốc Trastuzumab gồm: sốt và ớn lạnh, nôn, ho, tiêu chảy, yếu, buồn nôn, và đau đầu.
1.2. Fam-trastuzumab deruxtecan (Enhertu)
Thuốc Fam-trastuzumab deruxtecan là dạng liên hợp của kháng thể – thuốc (ADC: kháng thể đơn dòng liên kết với một loại thuốc hóa hóa). Kháng thể HER2 hoạt động giống như một tín hiệu di chuyển bằng cách gắn vào HER2 trên bề mặt tế bào ung thư, từ đó đưa hóa chất trực tiếp tấn công những tế bào ung thư này.
Lưu ý: Thuốc Fam-trastuzumab deruxtecan không dùng cho bệnh nhân ung thư dạ dày âm tính với protein HER2.
Sử dụng thuốc điều trị đích Fam-trastuzumab deruxtecan người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: nôn, buồn nôn, sốt, ớn lạnh đau đầu, tiêu chảy, yếu. Một số tác dụng phụ hiếm gặp hơn cũng có thể xảy ra khi tăng liều trastuzumab hoặc kết hợp với thuốc epirubicin, doxorubicin.
2. Thuốc chữa ung thư dạ dày nhắm vào VEGF
Các khối u ung thư dạ dày muốn nhân lên cần tạo ra các mạch máu mới để lấy máu và các chất dinh dưỡng. Trong đó VEGF là một trong những loại protein có trách nhiệm thông báo cho các tế bào trong cơ thể tạo ra nhiều mạch máu mới cung cấp cho khối u.
Cơ chế tăng sinh mạch máu của protein VEGF là: Các protein VEGF gắn vào các thụ thể tương ứng trên bề mặt tế bào, từ đó tạo ra các tín hiệu để tăng sinh các mạch máu mới.
Do đó, trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân ung thư dạ dày điều trị với các loại thuốc nhắm vào mục tiêu VEGF. Các loại thuốc thường dùng gồm:
2.1. Ramucirumab (Cyramza)
Ramucirumab là loại kháng thể đơn dòng liên kết với thụ thể VEGF, ngăn cản chúng liên kết với tế bào nhằm hạn chế tạo ra nhiều mạch máu hơn. Từ đó làm chậm quá trình tiến triển của tế bào ung thư.
- Đối tượng: Thuốc chữa ung thư dạ dày Ramucirumab thường được sử dụng ở giai đoạn bệnh tiến triển.
- Cách dùng: Thuốc dùng qua đường tiêm tĩnh mạch 2 lần/ tuần.
- Tác dụng phụ: Sử dụng thuốc Ramucirumab người bệnh có thể gặp tác dụng phụ như đau đầu, huyết áp cao, tiêu chảy. Một số tác dụng phụ hiếm gặp hơn như: cục máu đông, chảy máu nghiêm trọng, thủng ruột, thủng dạ dày…
2.2. Bevacizumab
Là một kháng thể đơn dòng ức chế yếu tố phát triển mạch máu VEGF. Thuốc Bevacizumab có tác dụng ngăn không cho VEGF gắn với các thụ thể của nó, FLT – 1 và KDR, trên bề mặt tế bào nội mạc. Sự trung hòa hoạt tính sinh học của VEGF làm giảm sinh mạch của khối u, từ đó ức chế khối u tăng trường.
Thuốc Bevacizumab thường được dùng trong điều trị ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn. Hiệu quả của Bevacizumab khi dùng trong phác đồ hóa chất irinotecan và cisplatin có tỉ lệ đáp ứng là 65%, thời thời sống là 12,3 tháng.
3. Thuốc chữa ung thư dạ dày nhắm vào EGFR
Thuốc chữa ung thư dạ dày nhắm vào EGFR phổ biến là Cetuximab. Đây là kháng thể đơn dòng ức chế thụ thể yếu tố phát triển biểu mô EGFR.
Thuốc Cetuximab hoạt động bằng cách tấn công vào các tế bào gắn thụ thể tăng trưởng biểu mô (EGFR). Từ đó làm bất khả năng của thụ thể này, làm giảm tốc độ phát triển của khối u.
Một thử nghiệm lâm sàng pha II cho thấy, dùng kết hợp thuốc Cetuximab với hóa chất trên bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn muộn cho tỷ lệ đáp ứng khoảng 10 tháng.
4. Thuốc khác
Một số thuốc khác dùng trong điều trị ung thư dạ dày tại đích cũng đang được nghiên cứu như: Lapatinib, Gefitinib, Erlotinib, Sunitinib…
III. Thuốc chữa ung thư dạ dày trong liệu pháp miễn dịch
Thuốc chữa ung thư dạ dày trong liệu pháp miễn dịch được sử dụng trong mọi giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên, thuốc thường được dùng khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả rõ rệt như: người bệnh không chịu được tác dụng của phác đồ hóa trị, bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật và điều trị đích.
- Công dụng: Thuốc tác động lên một trong những cơ chế miễn dịch. Từ đó tăng cường khả năng tiêu diệt tế bào có hại, đặc biệt là tế bào ung thư.
- Cơ chế: Sử dụng các dược chất tác động tới hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh. Nhờ đó tăng khả năng phát hiện các tế bào ung thư và xử lý các tế bào bạch cầu, tế bào NK. Từ đó gián tiếp tiêu diệt và điều trị ung thư dạ dày.
- Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị ung thư dạ dày trong liệu pháp miễn dịch gồm: mệt mỏi, buồn nôn, sốt, ho, cạn kiệt năng lượng, phát ban, chán ăn, đau cơ hoặc đau khớp, ngứa, khó thở, táo bón hoặc tiêu chảy…
Dưới đây là danh sách các loại thuốc chữa ung thư dạ dày dùng trong liệu pháp miễn dịch:
1. Pembrolizumab (Keytruda)
Pembrolizumab là một kháng thể đơn dòng nhắm vào mục tiêu PD-1 và ức chế hoạt động của tế bào này. Từ đó, giúp tăng cường đáp ứng hệ miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư.
Thuốc Pembrolizumab được sử dụng dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch, với liều dùng là 3 tuần/lần.
2. Ipilimumab (Yervoy)
Ipilimumab (Yervoy) là một kháng thể đơn dòng hoạt động để kích hoạt hệ thống miễn dịch bằng cách nhắm vào CTLA – 4, một thụ thể protein điều chỉnh hệ thống miễn dịch.
Các tế bào lympho T gây độc tế bào (CTL) có thể nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, một cơ thể ức chế làm gián đoạn sự hủy diệt này. Ipilimumab làm tắt cơ chế ức chế này là cho phép các CTL hoạt động để loại bỏ các tế bào ung thư.
3. Nivolumab (Opdivo)
Loại thuốc này thường được dùng kết hợp với thuốc Pembrolizumab, vì có cơ chế tương tự liên kết với PD-1. Nhờ đó tăng cường hoạt động của tế bào T và tiêu diệt ung thư.
IV. Thuốc điều trị triệu chứng ung thư dạ dày
Bệnh ung thư dạ dày gây nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Do đó ngoài điều trị các tế bào ung thư, bác sĩ sẽ có thể chỉ định bệnh nhân dùng các loại thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng.
Các loại thuốc điều trị triệu chứng cũng giúp giảm tác dụng của thuốc hóa trị. Nhóm thuốc này cũng giúp bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn cuối giảm đau đớn và khó chịu.
1. Thuốc giảm đau
Bệnh nhân ung thư dạ dày thường gặp phải triệu chứng đau ở vùng bụng, cơn đau có thể dữ dội. Sử dụng thuốc giảm đau có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng này.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ung thư dạ dày, các loại thuốc giảm đau thông thường có tác dụng rất ít. Để giảm đau, người bệnh cần sử dụng thuốc giảm đau trung ương có tác dụng mạnh hơn do ức chế trung tâm đau ở não và ngăn cản đường dẫn truyền cảm giác đau từ tủy sống lên não.
Hai nhóm thuốc giảm đau bệnh nhân ung thư dạ dày thường dùng hiện nay gồm:
- Thuốc giảm đau trung bình: Tramadol, Codeine, Propoxyphen…
- Thuốc giảm đau mạnh: Morphin, pethidine (dolargan, dolosan..), oxycodone, methadon, fentanyl…
Các loại thuốc giảm đau được sử dụng theo thang đau như sau:
- Bậc 1- Đau vừa phải: Sử dụng thuốc Aspirin, Paracetamol, NSAID.
- Bậc 2- Đau dữ dội: Codeine, Tramadol kết hợp NSAID.
- Bậc 3 – Đau tột bậc: Morphin, pethidine, fentanyl, Oxycodone.
2. Thuốc làm giảm tác dụng phụ của hóa xạ trị
Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định giúp làm giảm tác dụng phụ của hóa xạ trị gồm:
- Ondansetron: Giảm nôn và buồn nôn.
- Seduxen: An thần nhẹ, giúp người bệnh ngủ tốt hơn.
- Vitamin A, C, B, D và các vi chất: Bổ sung dinh dưỡng giúp bệnh nhân mau hồi phục.
V. Những lưu ý khi sử dụng thuốc chữa ung thư dạ dày
Trong quá trình sử dụng thuốc chữa ung thư dạ dày, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau để đảm bảo hiệu quả và an toàn:
1. Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ
Bệnh nhân ung thư dạ dày cần tuân thủ thực hiện đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Không tự ý tăng, giảm liều hoặc bỏ thuốc.
Trong thời gian dùng thuốc điều trị ung thư dạ dày, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần thông báo ngay cho bác sĩ.
2. Không dùng thuốc chưa được khoa học kiểm chứng
Người bệnh không sử dụng các loại thuốc điều trị ung thư dạ dày chưa được khoa học nghiên cứu và kiểm chứng.
Không tự ý sử dụng thuốc Đông y, thuốc Nam, bài thuốc dân gian chữa ung thư dạ dày khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Vì các phương pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày, không chữa khỏi bệnh. Đáng nói, nhiều trường hợp bệnh nhân đã bỏ lỡ “thời điểm vàng” chữa bệnh ung thư dạ dày vì tin vào những quảng cáo không có thật.
Tốt nhất khi có dấu hiệu nghi ngờ bị ung thư dạ dày, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin về các loại thuốc chữa ung thư dạ dày chúng tôi tổng hợp được. Trong quá trình điều trị bằng thuốc, người bệnh cần tuân thủ và thực hiện theo đúng chỉ định phác đồ bác sĩ đề ra để mang lại hiệu quả cao nhất đồng thời đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm:
Chưa có bình luận!