Skip to main content

Thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol: Công dụng, Chỉ định, Liều dùng, Tác dụng phụ, Giá cả

Tác giả: Đinh Thị Hiền

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thị Thu

Thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol chứa hoạt chất Esomeprazol, được chỉ định trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, thuốc còn dùng trong điều trị loét dạ dày, phòng ngừa và điều trị viêm loét dạ dày enzym – tá tràng do thuốc kháng viêm… Dưới đây là tổng hợp các thông tin cần biết về thuốc Esomeprazol!

Mục lục

I. Thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol là thuốc gì?

Esomeprazol (Esomeprazole) là thuốc ức chế bơm proton (Proton Pump Inhibitor/PPI), hoạt động bằng cách ức chế quá trình tiết axit trong dạ dày. Từ đó, làm giảm các triệu chứng khó nuốt, ợ nóng và ho kéo dài.

Thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol chứa hoạt chất chính là Esomeprazol, được chỉ định trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày, phòng ngừa và điều trị viêm loét dạ dày enzym – tá tràng do thuốc kháng viêm…

Bên cạnh đó, thuốc Esomeprazole có thể giúp chữa lành các tổn thương trong cuống họng và dạ dày do acid gây ra, phòng ngừa được viêm loét và ngăn ngừa ung thư vòm họng.

II. Dạng bào chế và độ tuổi chỉ định thuốc Esomeprazol

Thuốc Esomeprazol được bào chế dưới dạng viên nén, có khả năng phóng thích kéo dài như Magnesium. Hàm lượng 20mg và 40mg.

Theo thông tin cung cấp từ nhà sản xuất, độ tuổi được chỉ định sử dụng thuốc Esomeprazol là người lớn và trẻ từ 12 tuổi trở lên. Trẻ dưới 12 tuổi không nên dùng thuốc. 

Thuốc Esomeprazol 20mg
Thuốc Esomeprazol 20mg
Thuốc Esomeprazol 40mg
Thuốc Esomeprazol 40mg

III. Thành phần của thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol

Thành phần của thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol 20mg và Esomeprazol 40mg cụ thể như sau: 

  • Thuốc Esomeprazol 20mg: Thành phần hoạt chất chính là Esomeprazol 20mg. Tá dược gồm Manitol; Natri carbonate, natri lauryl sulphat; Talc, titan dioxyd; Hypromellose, hypromellose phthalate; Dinatri hydrogen orthophosphate; Cetyl alcohol.
  • Thuốc Esomeprazol 40mg: Thành phần hoạt chất chính là Esomeprazol 40mg. Tá dược gồm Manitol; Natri carbonate, natri lauryl sulphat; Talc, titan dioxyd; Hypromellose, hypromellose phthalate; Dinatri hydrogen orthophosphate; Cetyl alcohol.
Thành phần chính của thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol là hoạt chất Esomeprazol. 
Thành phần chính của thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol là hoạt chất Esomeprazol.

IV. Dược lực học và dược động học của thuốc Esomeprazol

Dưới đây là thông tin về dược lực học và dược động học của thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol: 

1. Dược lực học

Esomeprazol thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton có tác dụng làm giảm tiết acid dạ dày bằng cách ức chế chuyên biệt enzym H+/K+ – ATPase tại tế bào thành dạ dày.

Esomeprazol là đồng phân S của Omeprazol, được biến đổi và proton hóa trong khoang có tính acid của tế bào thành tạo thành dạng sulphenamide – chất ức chế có hoạt tính. 

Tác động chuyên biệt trên bơm proton giúp esomeprazol ngăn chặn bước cuối cùng trong quá trình sản xuất acid, từ đó giúp làm giảm độ acid dạ dày. Tác dụng của Esomeprazol không phụ thuộc liều dùng (liều dùng từ 20 – 40mg/ngày).

2. Dược động học

  • Phân bố: 97% liều dùng Esomeprazol gắn kết với protein huyết tương.
  • Hấp thu: Esomeprazol được hấp thu nhanh và hoàn toàn sau khi uống. Nồng độ đỉnh của thuốc đạt được sau 1 – 2 giờ. Esomeprazol có sinh khả dụng tăng lên theo liều dùng và khi dùng nhắc lại (khoảng 68% đối với liều 20mg và 89% đối với liều 40mg).
  • Quá trình hấp thu thuốc bị giảm dưới tác dụng của thức ăn, diện tích dưới đường cong (AUC) khi dùng liều duy nhất 40mg vào bữa ăn giảm khoảng 33 – 53% so với lúc đói. Vì vậy, khuyến cáo nên dùng Esomeprazol khoảng 1 giờ trước bữa ăn.
  • Chuyển hóa: Thuốc chuyển hóa ở gan qua hệ thống cytochrom P450 isoenzym CYP2C19 thành dẫn chất demethyl và hydroxyl không hoạt tính, một phần nhỏ được chuyển hóa qua isoenzym CYP3A4 thành dẫn chất esomeprazol sulfon. 
  • Esomeprazol dùng liều nhắc lại thì quá trình chuyển hóa qua gan, độ thanh thải của thuốc giảm do isoenzym CYP2C19 bị ức chế. Tuy vậy không có sự tích lũy thuốc khi dùng liều 1 lần trong ngày. Một số người bệnh thiếu isoenzym CYP2C19 di truyền làm chậm sự chuyển hóa esomeprazol, từ đó làm tăng AUC lên 2 lần so với người có đủ enzym.
  • Thải trừ: 80% liều thuốc Esomeprazol được thải trừ ở dạng chất chuyển hóa không hoạt tính trong nước tiểu, một phần nhỏ được thải trừ qua phân. Thời gian bán thải của esomeprazol là 1 – 1,5 giờ (nhỏ hơn 1% chất mẹ được thải trừ trong nước tiểu). 

Đối với người suy gan nặng, giá trị AUC cao hơn từ 2 – 3 lần so với người chức năng gan bình thường, vì vậy cần giảm liều ở những đối tượng này và lưu ý không dùng liều cao hơn 20mg mỗi ngày.

Esomeprazol thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton có tác dụng làm giảm tiết acid dạ dày.
Esomeprazol thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton có tác dụng làm giảm tiết acid dạ dày.

V. Công dụng, chỉ định của thuốc Esomeprazol

Thuốc Esomeprazol chứa hoạt chất Esomeprazol bào chế dưới dạng viên nang cứng. Sản phẩm được chỉ định điều trị trào ngược dạ dày thực quản trong các trường hợp sau:

  • Viêm xước thực quản do trào ngược. 
  • Điều trị dài hạn cho người bị viêm thực quản đã chữa lành để phòng ngừa tái phát.
  • Điều trị triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD).

Ngoài ra, thuốc Esomeprazol còn có công dụng:

  • Điều trị bệnh viêm loét dạ dày thực quản.
  • Điều trị viêm loét dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori.
  • Ngăn ngừa nguy cơ tái phát ở người bệnh loét dạ dày tá tràng nhiễm Helicobacter pylori;
  • Điều trị và phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng do thuốc kháng viêm không steroid.
  • Điều trị hội chứng Zollinger – Ellison.
Thuốc Esomeprazol dùng trong điều trị trào ngược axit, viêm loét dạ dày và hội chứng Zollinger – Ellison.
Thuốc Esomeprazol dùng trong điều trị trào ngược axit, viêm loét dạ dày và hội chứng Zollinger – Ellison.

VI. Cơ chế tác dụng của thuốc Esomeprazol

Thuốc Esomeprazol phát huy tác dụng ức chế axit dạ dày bằng cách ngăn chặn bước cuối cùng trong quá trình sản xuất axit dạ dày bằng cách liên kết cộng hóa trị với các nhóm sulfhydryl của cysteine có trên enzyme (H+, K+)-ATPase ở bề mặt bài tiết của tế bào thành dạ dày. Tác dụng này dẫn đến ức chế sự tiết axit dạ dày cơ bản và do kích thích, bất kể tác nhân kích thích. 

Vì sự gắn kết của Esomeprazole với enzyme (H+, K+)-ATPase là không thể đảo ngược và cần phải tiết ra enzyme mới để tiếp tục tiết axit. Do đó thời gian tác dụng kháng tiết của esomeprazole kéo dài hơn 24 giờ. 

VII. Cách sử dụng thuốc Esomeprazol trong điều trị trào ngược dạ dày 

Cách sử dụng thuốc Esomeprazol 20mg và Esomeprazol 40mg trong điều trị trào ngược dạ dày cụ thể như sau:

1. Liều dùng

Liều dùng thuốc Esomeprazol cho người lớn và trẻ vị thành niên 12 tuổi trở lên như sau:

  • Điều trị bệnh trào ngược dạ dày–thực quản nặng có viêm thực quản: 20 – 40 mg/lần x 1 lần/ngày, trong 4–8 tuần. Có thể uống thêm 4–8 tuần nữa nếu vẫn còn triệu chứng hoặc biểu hiện viêm qua nội soi. Trường hợp nặng có thể tăng liều lên 80 mg/ngày chia 2 lần. 
  • Điều trị duy trì sau khi đã khỏi viêm thực quản: 20 mg x 1 lần/ngày, có thể kéo dài tới 6 tháng.
  • Điều trị bệnh trào ngược dạ dày–thực quản có triệu chứng nhưng không bị viêm thực quản: 20 mg x 1 lần/ngày trong 4 tuần. Có thể uống thêm 4 tuần nếu các triệu chứng chưa khỏi hoàn toàn. Khi đã hết triệu chứng, có thể duy trì việc kiểm soát triệu chứng với liều 20 mg x 1 lần/ngày.

Với viêm loét dạ dày và hội chứng Zollinger – Ellison, liều dùng thuốc Esomeprazol tham khảo như sau:

  • Điều trị và phòng ngừa tái phát loét dạ dày–tá tràng có Helicobacter pylori: Esomeprazole là một thành phần trong phác đồ điều trị cùng với kháng sinh, ví dụ phác đồ 3 thuốc (cùng với amoxicillin và clarithromycin). Uống Esomeprazol 20 mg x 2 lần/ngày trong 7 ngày hoặc 40 mg x 1 lần/ngày trong 10 ngày.
  • Phòng và điều trị loét dạ dày do dùng thuốc kháng viêm không steroid: 20 mg x 1 lần/ngày.
  • Điều trị loét dạ dày do dùng thuốc kháng viêm không steroid: 20 mg x 1 lần/ngày trong 4–8 tuần.
  • Điều trị hội chứng Zollinger – Ellison: Liều khởi đầu khuyến cáo là 40 mg x 1 lần/ngày. Các dữ liệu lâm sàng cho thấy phần lớn người bệnh được kiểm soát với liều 80–160 mg/ngày. Khi liều hàng ngày lớn hơn 80 mg, nên chia liều dùng thành 2 lần/ngày.

Lưu ý: 

  • Người suy thận và người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều.
  • Bệnh nhân suy gan: không cần chỉnh liều ở người suy gan nhẹ và trung bình. Người suy gan nặng không dùng quá liều tối đa là 20 mg Esomeprazol. 
  • Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Người bệnh nên uống theo liều lượng bác sĩ tư vấn. 

2. Cách uống 

Thuốc dùng đường uống, nên uống ít nhất 1 giờ trước bữa ăn, không nên uống sau bữa ăn. Khi uống Esomeprazol nên nuốt nguyên viên thuốc với nước, không được nhai hay nghiền nát.

3. Cách xử lý khi quên liều hoặc quá liều 

  • Quá liều: Chưa có báo cáo về quá liều Esomeprazol ở người. Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho Esomeprazol. Chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Thẩm tách máu không có khả năng tăng thải trừ thuốc vì Esomeprazol gắn nhiều vào protein huyết tương.
  • Quên liều: Nếu bị quên không uống thuốc, hãy uống bổ sung càng sớm càng tốt. Nhưng nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như đã định. Tuyệt đối không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Nên uống thuốc cho Esomeprazol ít nhất 1 giờ trước bữa ăn, không nên uống sau bữa ăn.
Nên uống thuốc cho Esomeprazol ít nhất 1 giờ trước bữa ăn, không nên uống sau bữa ăn.

VIII. Chống chỉ định, thận trọng khi dùng thuốc Esomeprazol

Nhà sản xuất khuyến cáo các đối tượng chống chỉ định hoặc cần thận trọng khi dùng thuốc Esomeprazol như sau:

1. Chống chỉ định

Thuốc Esomeprazol chống chỉ định dùng trong các trường hợp dưới đây:

  • Người mẫn cảm với các thuốc ức chế bơm proton.
  • Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc esomeprazol.
  • Đối tượng là trẻ em < 12 tuổi.
  • Phụ nữ đang cho con bú. 

2. Thận trọng khi sử dụng thuốc

Một số đối tượng dưới đây cần thận trọng khi dùng thuốc Esomeprazol:

  • Người bệnh dưới 18 tuổi.
  • Người bị bệnh gan.
  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Người bị suy thận nặng.
  • Người cao tuổi. 
  • Người lái xe và vận hành máy móc: Vì một số bệnh nhân sau khi uống Esomeprazol có thể xuất hiện triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, choáng váng.
Trẻ dưới 12 tuổi không được uống thuốc Esomeprazol.
Trẻ dưới 12 tuổi không được uống thuốc Esomeprazol.

Xem thêm:

IX. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Esomeprazol

Khi sử dụng thuốc Esomeprazol, người uống có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn (ADR). Tác dụng không mong muốn được xếp theo tần suất xảy ra gồm: thường gặp ≥1/100 đến < 1/10; ít gặp ≥1/1 000 đến < 1/100; hiếm gặp ≥ 1/10 000 đến < 1 000, rất hiếm gặp < 1/10 000, không rõ (không thể ước tính trên dữ liệu hiện có).

1. Thường gặp, ADR > 1/100

  • Toàn thân: Đau đầu, ban ngoài da, chóng mặt. 
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, nôn, đau bụng, đầy hơi, khô miệng.

2. Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

  • Toàn thân: Mệt mỏi, buồn ngủ, mất ngủ, phát ban, ngứa.
  • Rối loạn thị giác.

3. Hiếm gặp, ADR < 1/0100

  • Toàn thân: sốt, phù ngoại biên, đổ mồ hôi, mẫn cảm với ánh sáng.
  • Phản ứng quá mẫn: mày đay, co thắt phế quản, phù mạch, sốc phản vệ.
  • Thần kinh trung ương: trầm cảm, lú lẫn có hồi phục, kích động, ảo giác ở người bệnh nặng.
  • Huyết học: chứng mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu. 
  • Gan: tăng enzyme gan, viêm gan, vàng da, suy chức năng gan.
  • Tiêu hóa: ăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở đường tiêu hóa, rối loạn vị giác. 
  • Cơ xương: đau cơ, đau khớp.
  • Tiết niệu: viêm thận kẽ.
  • Da: ban bọng nước, hoại tử biểu bì nhiễm độc, viêm da, hội chứng Stevens–Johnson. 

Khi gặp bất kỳ tác dụng phụ nào do uống thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol ở trên, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời. 

Đau đầu, ban ngoài da, chóng mặt là những tác dụng phụ thường gặp sau khi uống thuốc Esomeprazol.
Đau đầu, ban ngoài da, chóng mặt là những tác dụng phụ thường gặp sau khi uống thuốc Esomeprazol.

X. Lưu ý khi sử dụng thuốc Esomeprazol

Một số lưu ý khác khi sử dụng thuốc Esomeprazol:

1. Tương tác thuốc

Thuốc Esomeprazol có thể xảy ra tương tác với một số thuốc sau: 

  • Ketoconazol, Digoxin, muối sắt: Thuốc Esomeprazol có thể gây ảnh hưởng đến sinh khả dụng của các thuốc hấp thu phụ thuộc pH như ketoconazol, digoxin, muối sắt…
  • Clarithromycin và Amoxicillin: Dùng Esomeprazol cùng lúc với thuốc Clarithromycin và Amoxicillin có thể làm tăng nồng độ Esomeprazol và 14 – hydroxy clarithromycin trong máu.
  • Diazepam: Dùng đồng thời diazepam và 30mg Esomeprazol: Làm giảm 45% độ thanh thải của Diazepam.
  • Saquinavir: Esomeprazol làm tăng nồng độ của Saquinavir trong máu và giảm nồng độ của Nelfinavir, Atazanavir qua cơ chế chưa được xác định rõ. Do đó, cần xem xét giảm liều thuốc saquinavir khi uống chung với Esomeprazol nhằm tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc Saquinavir.
  • Clopidogrel: Thuốc esomeprazol làm giảm hoạt động của enzym chuyển hóa thuốc clopidogrel thành dạng hoạt tính, vì vậy làm giảm hoạt tính của thuốc clopidogrel. Vì vậy khuyến cáo chỉ dùng 2 thuốc khi thực sự cần thiết, lợi ích lớn hơn nguy cơ.
  • Cilostazol: Thuốc Esomeprazol dùng cùng với Cilostazol làm tăng nồng độ của cilostazol và các chất chuyển hóa của nó. Do vây, liều dùng thuốc cilostazol cần được giảm từ 100mg/lần x 2 lần/ngày xuống còn 50mg/lần x 2 lần/ngày khi dùng chung với thuốc Esomeprazol.

2. Lưu ý khác

  • Điều trị dài hạn: Bệnh nhân điều trị thời gian dài (đặc biệt những người đã điều trị hơn 1 năm) bằng thuốc Esomeprazol cần được theo dõi thường xuyên.
  • Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: Điều trị bằng thuốc Esomeprazol có thể làm tăng nhẹ nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do Salmonella và Campylobacter.
  • Giảm hấp thụ vitamin B12: Esomeprazol cũng như các thuốc kháng acid khác, có thể làm giảm hấp thu vitamin B12 (cyanocobalamin) do sự giảm hoặc thiếu acid dịch vị.
  • Giảm magie máu: Đã có báo cáo về giảm magnesi máu nặng ở những bệnh nhân điều trị bằng PPI trong ít nhất 3 tháng, trong đó đa số là trong 1 năm. Biểu hiện nặng của giảm magie máu như có cứng, mê sảng, mệt mỏi, co giật, choáng váng, có thể bị loạn nhịp tim.
  • Nguy cơ gãy xương: Dùng Esomeprazol liều trong thời gian dài (>1 năm), có thể làm tăng nhẹ nguy cơ gãy xương hông, xương cổ tay và cột sống, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi.

XI. Giá cả, cách bảo thuốc Esomeprazol

Thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol được bày bán rộng rãi và phổ biến tại nhiều hiệu thuốc Tây trên toàn quốc. Giá cả và cách bảo quản thuốc như sau: 

1. Giá cả

  • Loại 20mg: Khoảng 30.000 VNĐ/hộp 2 vỉ x 10 viên.
  • Loại 40mg: Khoảng 60.500 VNĐ/hộp 2 vỉ X 10 viên. 

2. Cách bảo quản

Để đảm bảo hiệu quả của thuốc, bạn cần chú ý cách quản: 

Cất thuốc ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Không bảo quản thuốc ở nơi có nhiệt độ cao, nhiệt độ phòng (15-30°C) là phù hợp nhất để bảo quản thuốc. 

Tránh để thuốc tiếp xúc với nước, độ ẩm vì sẽ làm hỏng thuốc. Không bóc thuốc ra khỏi vỉ khi chưa sử dụng. Cất thuốc ở xa tầm tay trẻ em.

XII. Câu hỏi thường gặp

Một số thắc mắc khi sử dụng thuốc chữa trào ngược dạ dày sẽ được thuốc dạ dày chữ Y giải đáp cụ thể dưới đây:

1. Nên uống thuốc Esomeprazol trước hay sau ăn?

Theo khuyến nghị của nhà sản xuất, nên uống thuốc Esomeprazol trước bữa ăn ít nhất 30 phút đến 1 giờ. Bởi vì Esomeprazol hoạt động tốt nhất khi trong bụng không có thức ăn. 

Thời điểm tốt nhất để uống là trước bữa ăn sáng. Nếu liều điều trị 2 lần/ngày, nên uống liều đầu tiên vào trước bữa sáng và liều thức 2 trước khi ăn tối.

2. Có nên nhai viên thuốc Esomeprazol trước khi nuốt không? 

Người bệnh không nên nhai nát thuốc Esomeprazol. Thay vào đó, cần nuốt nguyên viên thuốc, không được nhai, nghiền hay cắn viên thuốc. 

3. Nên làm gì khi quên uống 1 liều thuốc Esomeprazol?

Bạn nên uống bổ sung thuốc Esomeprazol ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu quá gần đến giờ dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống liều tiếp theo như chỉ định. Tuyệt đối không uống bù cùng lúc 2 liều.

4. Uống quá liều thuốc Esomeprazol phải làm sao?

Trường hợp người bệnh uống quá liều thuốc Esomeprazol, hãy lập tức thông báo cho bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Các triệu chứng khi uống thuốc Esomeprazol quá liều có thể bao gồm: lú lẫn, mờ mắt, buồn ngủ, tim đập nhanh, buồn nôn, đổ mồ hôi, đau đầu, khô miệng…

5. Nên tránh dùng thuốc nào khi uống thuốc Esomeprazol? 

Trước khi uống thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol, người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu đang sử dụng hoặc có ý định dùng các loại thuốc dưới đây:

  • Thuốc dùng để điều trị nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV). 
  • Một số chất làm loãng máu: clopidogrel. 
  • Một số loại thuốc chống nấm: itraconazole và ketoconazole.
  • Một số loại thuốc điều trị tâm trạng: citalopram, imipramine và clomipramine. 
  • Một số loại thuốc để điều trị co giật: phenytoin. 
  • Các loại thuốc khác: digoxin, tacrolimus, methotrexate và muối sắt.

6. Uống Esomeprazol mỗi ngày có hại không?

Esomeprazol là thuốc kê đơn, nên bạn chỉ cần dùng thuốc trong vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ. 

Đôi khi bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc lâu hơn, thậm chí nhiều năm. Bác sĩ có thể đề nghị chỉ dùng Esomeprazol khi bạn có triệu chứng. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không phải dùng nó mỗi ngày.

7. Cần dùng Esomeprazol trong bao lâu để điều trị chứng trào ngược dạ dày? 

Thời gian uống thuốc Esomeprazol chữa trào ngược dạ dày có thể kéo dài từ 4-8 tuần tùy theo tình trạng bệnh. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều và thời gian uống thuốc khi cần thiết.

8. Tại sao nên dùng Esomeprazol khi bụng đói?

Thông thường nên dùng PPI từ 30 đến 60 phút trước khi ăn bữa ăn, và Esomeprazol cũng không phải ngoại lệ. Điều này là do phần lớn nghiên cứu về PPI cho thấy, chúng được hấp thu tốt nhất khi uống lúc bụng đói.

9. Điều gì xảy ra nếu uống thuốc Esomeprazol sau khi ăn?

Dùng thuốc Esomeprazole cùng với thức ăn có thể làm giảm lượng magiê esomeprazole trong cơ thể. Vì vậy, nhà sản xuất khuyến nghị bạn nên dùng thuốc này ít nhất một giờ trước bữa ăn.

10. Cần kiêng ăn gì khi uống thuốc Esomeprazol? 

Bạn có thể ăn uống bình thường trong thời gian uống thuốc Esomeprazole. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên tránh tiêu thụ các thực phẩm khiến tình trạng khó tiêu nghiêm trọng hơn, ví dụ như đồ ăn cay và nhiều chất béo.

Bên cạnh đó, cần cố gắng không uống rượu; cắt giảm đồ uống có chứa caffeine, chẳng hạn như trà, cà phê và cola. 

Hy vọng với những thông tin về thuốc trào ngược dạ dày Esomeprazol chúng tôi cung cấp ở trên, các bạn đã có thêm kiến thức hữu ích trước khi sử dụng loại thuốc này. Điều quan trọng là bạn không nên tự ý dùng thuốc, hãy gặp bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn cụ thể.

Tài liệu tham khảo:

https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a699054.html

https://www2.hse.ie/conditions/esomeprazole/

https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/esomeprazole-oral-route/side-effects/drg-20074322?p=1

https://www.webmd.com/drugs/2/drug-20537-4143/esomeprazole-magnesium-oral/esomeprazole-delayed-release-capsule-oral/details

https://www.healthhub.sg/a-z/medications/esomeprazole

https://go.drugbank.com/drugs/DB00736

https://www.nhs.uk/medicines/esomeprazole/how-and-when-to-take-esomeprazole/

https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/esomeprazole-oral-route/proper-use/drg-20074322

https://www.healthline.com/health/drugs/esomeprazole-oral-capsule

Đánh giá
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.