Viêm loét đại tràng là căn bệnh khá phổ biến, khiến bệnh nhân gặp nhiều phiền toái, khó điều trị dứt điểm. Trong bài viết này, cùng Yumangel dành thời gian tìm hiểu kỹ viêm loét đại tràng bệnh học, từ đó có được phương pháp điều trị phù hợp bạn nhé!
Mục lục
- I. Viêm loét đại tràng là gì? Hình ảnh đại tràng bị viêm loét
- II. Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng
- III. Triệu chứng, dấu hiệu viêm loét đại tràng
- IV. Bệnh viêm loét đại tràng có nguy hiểm không?
- V. Phương pháp chẩn đoán viêm loét đại tràng
- VI. Cách điều trị viêm loét đại tràng
- VII. Bị viêm loét đại tràng nên ăn gì và kiêng ăn gì?
- VIII . Cách phòng ngừa viêm loét đại tràng
I. Viêm loét đại tràng là gì? Hình ảnh đại tràng bị viêm loét
Đại tràng (ruột già) là đoạn cuối của ống tiêu hóa, nhiệm vụ chính là hấp thụ nước và chất khoáng trong thức ăn. Bã thức ăn còn lại sẽ được đẩy xuống trực tràng và đào thải ra ngoài.
Viêm loét đại tràng là tình trạng lớp lót bên trong của đại tràng bị viêm nhiễm và tổn thương. Sự kích ứng từ dịch tiêu hóa giúp phân giải thức ăn xảy ra ở ruột non, ruột già có thể khiến các vết loét lan rộng. Các vết loét này đôi khi gây chảy máu, tạo ra mủ hoặc dịch nhầy.
Nếu nhẹ (viêm loét đại tràng cấp tính) thì niêm mạc sưng đỏ, có các vệt trợt. Nếu nặng (viêm loét đại tràng mãn tính) thì xuất hiện các vết loét, có thể xuất huyết và có các ổ áp xe nhỏ.
II. Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở độ tuổi trước 30 đến 60 tuổi.
Viêm loét đại tràng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc không rõ nguyên nhân. Trong đó, các nguyên nhân thường gặp là nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm virus, nhiễm nấm, sau khi dùng một số loại thuốc kháng sinh.
Ngoài ra còn có viêm loét đại tràng vô căn, nguyên nhân có thể liên quan đến rối loạn miễn dịch và xảy ra trên bệnh nhân bị stress nặng.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Di truyền: Cha mẹ có tiền sử mắc bệnh thì con cái có nguy cơ bị viêm loét đại tràng tương đối cao.
- Ăn uống: Chế độ ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh; ăn quá no; không đảm bảo dinh dưỡng; thói quen dùng đồ uống có cồn cũng làm tăng khả năng mắc bệnh viêm loét đại tràng. Tất cả những thói quen trên có thể khiến chức năng của nhu động ruột dễ bị thay đổi và hoạt động kém hiệu quả hơn, dần dần đây là nguyên nhân khiến đại tràng gặp những tổn thương nghiêm trọng.
- Kháng sinh: Sự mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột do sử dụng kháng sinh dài ngày có thể gây viêm loét đại tràng.
III. Triệu chứng, dấu hiệu viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng gây rối loạn hoạt động của hệ thống đại tràng. Bệnh có 2 nhóm triệu chứng chính là đau và rối loạn tiêu hóa. Cụ thể như sau:
1. Nhóm triệu chứng đau
Các triệu chứng đau của bệnh viêm loét đại tràng gồm đau bụng và đau nhức xương khớp:
- Đau bụng và co thắt vùng bụng: Cơn đau thường xuyên xuất hiện và kéo dọc theo khung đại tràng. Các vị trí đau dễ nhận biết là hố chậu trái, phải; dưới rốn; hạ sườn trái, phải. Cơn đau có thể kéo dài âm ỉ hoặc xuất hiện từng cơn rõ ràng. Cảm giác đau sẽ giảm xuống khi đại tiện – trung tiện.
- Đau nhức xương khớp: Triệu chứng này xuất hiện do viêm loét đại tràng thường liên quan đến lưng, hông và đầu gối. Không chỉ vậy, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác như: da, mắt, gan và phổi.
2. Nhóm triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa bệnh nhân có thể gặp phải khi bị viêm loét đại tràng gồm: đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón:
- Thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng, trung tiện nhiều.
- Tiêu chảy: Đại tiện nhiều lần trong ngày (tới 10 lần/ngày), phân lỏng hoặc nát, có thể kèm theo máu, mủ hoặc chất nhầy.
- Táo bón và mót rặn: Triệu chứng này ít phổ biến hơn so với tiêu chảy. Người bệnh có thể gặp phải cảm giác đi ngoài không hoàn toàn hoặc nhu cầu đi tiêu ngay cả khi vừa mới đi tiêu. Táo bón có thể gây căng thẳng và chuột rút.
- Chảy máu: Viêm loét đại tràng gây chảy máu khiến phân có máu nên phân thường có màu đen.
Nếu tình trạng viêm loét đại tràng kéo dài, người bệnh dễ bị mệt mỏi, sốt, mất nước, sút cân, chán ăn, thiếu máu, đau đầu, chóng mặt, da nhợt nhạt…
IV. Bệnh viêm loét đại tràng có nguy hiểm không?
Tình trạng viêm loét đại tràng có thể chuyển thành bệnh viêm loét đại tràng mãn tính, tăng nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
1. Phình đại tràng nhiễm độc
Phình đại tràng nhiễm độc là tình trạng đại tràng phình to, nhu động ruột bị tê liệt. Biến chứng này khiến cho chức năng của đại tràng bị suy giảm nghiêm trọng.
Bệnh có biểu hiện khá giống với các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa khác, chẳng hạn như: tiêu chảy kéo dài, đau bụng dữ dội, chướng bụng, mất nước, sốt cao,…
2. Thủng đại tràng
Vết loét trên niêm mạc đại tràng có thể ăn sâu xuống các cơ của đại tràng, khiến cho thành đại tràng bị mỏng và xuất hiện lỗ thủng.
Triệu chứng điển hình nhất chính là cơn đau dữ dội, cảm giác như bị dao đâm. Ngoài ra, thủng đại tràng còn khiến bệnh nhân mất ý thức, sốc, nhịp thở gấp, nhịp tim tăng nhanh…
Thủng đại tràng cần được phẫu thuật gấp. Nếu bệnh không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến mất mạng.
3. Xuất huyết đại tràng ồ ạt
Đôi khi, người bị viêm đại tràng có thể nôn ra máu hoặc đi đại tiện có màu đen. Lâu dần, cơ thể bị thiếu máu. Nhưng đây chỉ là tình trạng chảy máu từ từ.
Khi đại tràng bị viêm loét nặng, đại tràng có thể bị chảy máu ồ ạt, khiến bệnh nhân bị mất máu cấp. Bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời để tránh tử vong.
4. Ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là một trong những biến chứng rất nguy hiểm và phổ biến của viêm loét đại tràng mãn tính. Biến chứng này cũng có khả năng đe dọa tính mạng và làm giảm tuổi thọ của người bệnh.
5. Các biến chứng ngoài đường tiêu hóa
Các biến chứng ngoài đường tiêu hóa có thể kể đến như: loãng xương, tăng đông, sỏi mật, thiếu máu, viêm đường mật xơ hóa, viêm khớp…
Đa phần các biến chứng của viêm loét đại tràng đều rất nguy hiểm. Do vậy, khi bạn nghi ngờ mình bị viêm loét đại tràng, bạn cần sớm đến gặp bác sĩ để được tư vấn phác đồ điều trị viêm loét đại tràng.
Xem thêm: Viêm loét dạ dày uống thuốc gì?
V. Phương pháp chẩn đoán viêm loét đại tràng
Bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, bước đầu định hướng chẩn đoán các bệnh viêm loét đại tràng. Tiếp đó, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện 1 hoặc nhiều xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán như:
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng, hoặc các nguyên nhân miễn dịch khác.
- Xét nghiệm mẫu phân: Hồng cầu, bạch cầu hoặc ký sinh trùng trong phân có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính xác hơn.
- Nội soi đại tràng: Cho phép bác sĩ xem toàn bộ ruột kết, lấy các mẫu mô nhỏ (sinh thiết) nhằm khẳng định chẩn đoán chính xác hơn
- Nội soi đại tràng sigma: Sử dụng ống nội soi mảnh và có ánh sáng để kiểm tra trực tràng và đại tràng xích ma – phần dưới của đại tràng.
- Chụp X-quang: Nếu các triệu chứng bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể chụp X-quang vùng bụng để loại trừ các biến chứng nghiêm trọng, ví dụ như thủng ruột kết, tắc ruột.
- Chụp cắt lớp CT: Chụp CT vùng bụng hoặc xương chậu có thể được bác sĩ chỉ định nếu nghi ngờ biến chứng từ viêm đại tràng. Bên cạnh đó, chụp CT cũng có thể tiết lộ mức độ viêm của ruột kết.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) ruột non và cộng hưởng từ (MR) ruột: Bệnh nhân cần thực hiện phương pháp này khi bác sĩ muốn loại trừ bất kỳ chứng viêm nào trong ruột non.
VI. Cách điều trị viêm loét đại tràng
Dựa vào tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Các phương pháp điều trị viêm loét đại tràng hiện nay gồm:
1. Điều trị bằng thuốc Tây y
Ở giai đoạn đầu của bệnh viêm loét đại tràng, đa số bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa tức là dùng thuốc kê đơn từ bác sĩ. Dưới đây là một số nhóm thuốc viêm loét đại tràng thường được sử dụng:
- Thuốc chống viêm.
- Thuốc ức chế miễn dịch.
- Thuốc chống tiêu chảy.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt.
- Bổ sung thêm sắt và vitamin B12
Thuốc Tây y có thể gây ra một số tác dụng phụ như tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương… Để hạn chế tác dụng phụ và ngăn ngừa viêm loét đại tràng tái phát, người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
2. Điều trị phẫu thuật
Khi điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, bệnh nhân không đáp ứng thuốc, đặc biệt với các trường hợp bệnh nhân thủng đại tràng hay có dấu hiệu ung thư hóa thì phương pháp tốt nhất là điều trị ngoại khoa – phẫu thuật.
Tùy tình trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng.
Trong trường hợp người bệnh viêm loét đại tràng có biến chứng không phải ung thư cần được nội soi hậu phẫu định kỳ. Việc này có tác dụng phát hiện các dấu hiệu bất thường bởi vì niêm mạc đại tràng còn giữ lại thì nguy cơ bị ung thư vẫn còn.
3. Bài thuốc dân gian trị viêm loét đại tràng
Bệnh nhân viêm loét đại tràng cũng có thể áp dụng các bài thuốc dân gian để hỗ trợ điều trị viêm loét đại tràng. Dưới đây là một số bài thuốc dân gian có thể sử dụng.
- Bài thuốc từ nghệ và mật ong: Rửa sạch 1kg nghệ vàng, để ráo nước rồi sắt thành miếng nhỏ, cho vào bình thủy tinh. Tiếp theo, đổ đầy mật ong vào bình và ngâm trong vòng 2 tuần. Sau 2 tuần, bạn uống 1 thìa mật ong và ăn kèm nghệ. Mỗi ngày bạn thực hiện 2 – 3 lần trước các bữa ăn.
- Bài thuốc từ nghệ và mật lợn: Bạn chuẩn bị 200g nghệ tươi, 1 năm ngải cứu, 30ml mật ong, 1 cái mật lợn. Sau đó rửa sạch nghệ tươi và ngải cứu. Sau khi 2 nguyên liệu ráo nước, bạn đem ép lấy nước. Sau đó, bạn hòa nước ép nghệ tươi, ngải cứu với mật ong và mật lợn. Tiếp đến, bạn nấu hỗn hợp trên thành cao trong lửa nhỏ. Trước khi ăn, bạn lấy 1 thìa cao hòa với nước ấm để uống. Mỗi ngày thực hiện 1 lần.
Lưu ý: Các cách trên chỉ mang tính chất tham khảo và chưa được kiểm chứng.
VII. Bị viêm loét đại tràng nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Lựa chọn thực phẩm phù hợp có thể giúp bạn kiểm soát triệu chứng viêm loét đại tràng. Vì thế hãy theo dõi xem bệnh nhân viêm loét đại tràng nên ăn gì và không nên ăn gì nhé.
1. Viêm loét đại tràng ăn gì?
Các thực phẩm thân thiện và an toàn với dạ dày – hệ tiêu hóa bệnh nhân viêm loét đại tràng có thể bổ sung các thực phẩm dưới đây vào thực đơn ăn uống hàng ngày:
- Các loại rau họ bí (bí ngô, bí xanh, bí đao, mướp, bầu): Nhóm thực phẩm này chứa nhiều chất xơ hòa tan, nên dễ hấp thụ và tiêu hóa. Hơn nữa, bã thải từ chất xơ hòa tan thường mềm nên dễ di chuyển trong đường ruột và dễ dàng đào thải ra ngoài.
- Gừng: Bạn có thể cho thêm vài lát gừng vào để chế biến món ăn, nó sẽ làm giảm triệu chứng đầy bụng, khó tiêu. Các chất chống oxy hóa trong gừng giúp giảm viêm nhiễm và làm dịu các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng. Mặt khác, một số loại enzyme có trong gừng như Trypsin, Lipase có khả năng kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, hạn chế táo bón lâu ngày do bệnh lý ở tràng gây ra.
- Nghệ: Curcumin trong nghệ có tác dụng kháng khuẩn, làm lành vết thương của đại tràng. Bạn có thể uống tinh bột nghệ hoặc bổ sung nghệ vào các món ăn hàng ngày.
- Bơ: Trong bơ chứa nhiều chất dinh dưỡng, giúp chống lại tình trạng suy dinh dưỡng ở bệnh nhân bị viêm loét đại tràng.
- Đậu nành, hạt óc chó, dầu hạt lanh: Đây là nguồn thực phẩm cung cấp nhiều omega 3, rất tốt cho cơ thể. Bệnh nhân viêm loét đại tràng có thể ăn 1 ít hạt này với bánh mì vào bữa sáng.
- Thịt trắng như gia cầm, hải sản… phù hợp với người viêm loét đại tràng vì dễ hấp thụ.
- Cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi: Các loại cá này chứa nhiều omega 3, một loại chất béo dễ dàng dung nạp.
- Trứng: Đây là nguồn cung cấp protein tốt và cũng dung nạp tương đối tốt. Bên cạnh đó, trứng còn chứa nhiều vitamin B, giúp chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng nhanh chóng.
- Sữa chua: Giúp bổ sung men vi sinh có lợi cho hệ tiêu hóa, trong đó có đại tràng.
2. Viêm loét đại tràng kiêng ăn gì?
Bệnh nhân viêm loét đại tràng nếu không muốn tình trạng bệnh nặng hơn thì nên kiêng ăn các thực phẩm dưới đây:
- Các loại rau họ cải như súp lơ, cải xanh, bắp cải…: Bởi hầu hết các loại rau họ cải đều chứa chất xơ không hòa tan, nó sẽ tích thành cặn bã dư thừa, dễ gây chứng táo bón.
- Thịt đỏ có nhiều mỡ: Vì loại thịt này dễ gây tức bụng, khó tiêu.
- Đồ ăn cứng, khó tiêu hóa như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây sấy, bắp rang bơ, hoa quả khô…
- Đồ ăn cay: Vì nó sẽ làm rối loạn chức năng đại tràng và ảnh hưởng đến hệ vi sinh trong đường ruột.
- Thực phẩm chứa nhiều đường: Vì nó là nguyên nhân chính gây co thắt đại tràng, đi ngoài nhiều lần, khó tiêu…
- Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, nhất là thực phẩm được chế biến theo kiểu chiên xào dễ dẫn đến đầy hơi, khó chịu.
- Thực phẩm tanh sống, bảo quản lâu ngày: Vì nhóm thực phẩm này là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn có hại tồn tại.
- Các chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà, nước tăng lực, đồ uống có gas… gây kích ứng dạ dày và làm nghiêm trọng thêm các vết loét.
VIII . Cách phòng ngừa viêm loét đại tràng
Để phòng ngừa viêm loét đại tràng, việc quan trọng nhất là bạn cần thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Cụ thể là:
- Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn có thể tham khảo thêm thực phẩm nên và không nên sử dụng đã được nêu ở trên.
- Kiểm soát căng thẳng và lo âu vì tình trạng này kéo dài có thể gây giảm nhu động ruột.
- Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng
- Uống đủ nước, khoảng từ 1.5 – 2 lít nước/ngày.
- Xoa bóp nhẹ nhàng vùng thượng vị để kích thích tăng nhu động ruột.
Viêm loét đại tràng gây rất nhiều phiền toái và khó chịu cho người mắc bệnh. Bệnh có tỷ lệ tái phát cao do liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống vì vậy người bệnh cần kiên trì chữa trị và phòng bệnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt điều độ.
Nếu bạn còn băn khoăn gì, vui lòng gọi đến hotline 1800.1125 (miễn phí cước) để nhận được sự giải đáp trực tiếp từ dược sĩ của Yumangel nhé!
Có thể bạn quan tâm:
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…