Triệu chứng đau lưng do trào ngược dạ dày thường ít phổ biến hơn so với ợ nóng, ợ hơi, buồn nôn, nôn, đau họng, đau lưng nhưng có thể liên quan đến GERD. Cùng Yumangel khám phá cơ chế gây đau và cách nhận biết, đồng thời biết được khi nào cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế là rất quan trọng.
Mục lục
I. Tại sao trào ngược dạ dày gây đau lưng?
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch vị, thức ăn thường xuyên hoặc thỉnh thoảng trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Bệnh lý này có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó có đau lưng.
Nguyên nhân chính không phải là do dạ dày “chèn ép” vào lưng, mà thường liên quan đến cách các dây thần kinh truyền tín hiệu đau:
- Đau quy chiếu (Referred Pain): Đây là cơ chế phổ biến nhất. Các dây thần kinh cảm nhận sự kích ứng do axit trong thực quản (phần ống nối họng với dạ dày) chia sẻ đường dẫn truyền tín hiệu đến não bộ với các dây thần kinh từ vùng lưng (thường là lưng trên hoặc giữa hai bả vai). Khi thực quản bị kích thích bởi axit trào ngược, não bộ có thể “nhầm lẫn” và diễn giải tín hiệu đau này như thể nó đến từ lưng.
- Co thắt thực quản: Axit dạ dày trào ngược có thể gây kích ứng và làm co thắt các cơ trong thành thực quản. Cơn co thắt này có thể gây đau ở ngực và đôi khi lan ra sau lưng.
- Biến chứng (Ít gặp hơn): Trong những trường hợp GERD nặng và kéo dài không được điều trị, các biến chứng như viêm loét thực quản có thể xảy ra. Tình trạng viêm hoặc loét này có thể gây ra cơn đau dữ dội hơn, lan tỏa ra ngực và lưng.
- Yếu Tố Gián Tiếp: Mặc dù không phải nguyên nhân trực tiếp từ trào ngược, các triệu chứng nặng của GERD như ho mãn tính hoặc nôn ói thường xuyên có thể gây căng cơ lưng, dẫn đến đau lưng thứ phát (đau do cơ học). Tương tự, việc duy trì một tư thế nhất định để giảm triệu chứng trào ngược cũng có thể gây đau cơ xương khớp. Cần phân biệt rõ loại đau này với đau quy chiếu.
- Yếu tố nguy cơ: Các yếu tố như thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng dẫn đến tiết dư axit dạ dày, uống rượu bia, cà phê… là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh GERD. Khi đã mắc GERD, khả năng gặp các triệu chứng liên quan như đau lưng quy chiếu cũng có thể tăng lên.
Trào ngược dạ dày gây đau lưng liên quan đến cách các dây thần kinh truyền tín hiệu đau
II. Triệu chứng đau lưng do trào ngược dạ dày
Để nghi ngờ đau lưng có liên quan đến GERD, cần chú ý các đặc điểm sau:
- Đặc điểm cơn đau: Thường là cảm giác đau âm ỉ, nóng rát hoặc đôi khi nhói lên.
- Vị trí: Điển hình nhất là vùng lưng trên hoặc giữa hai bả vai. Ít phổ biến hơn ở vùng lưng dưới.
- Thời điểm xuất hiện: Cơn đau thường xuất hiện hoặc tệ hơn sau khi ăn (đặc biệt là bữa ăn lớn, nhiều chất béo, cay nóng), khi nằm xuống hoặc khi cúi người về phía trước.
Dưới đây là một số triệu chứng đau lưng do bệnh trào ngược dạ dày thực quản:
- Cơn lưng đau âm ỉ, khó chịu: Cơn đau lưng có mức độ từ nhẹ đến trung bình, có thể lan tỏa sang vùng ngực, vai và cánh tay.
- Đau lưng tái phát: Cơn đau lưng lặp đi lặp lại mà không do chấn thương có thể là dấu hiệu của trào ngược dạ dày.
- Cơn đau lưng xuất hiện sau khi ăn: Cơn đau lưng do trào ngược dạ dày thực quản thường xuất hiện sau ăn, nhất là khi ăn thực phẩm kích thích dạ dày như thức ăn cay, chua, nhiều dầu mỡ.
- Đau lưng khi nằm xuống: Cơn đau lưng trở nên tồi tệ hơn khi nằm có thể là triệu chứng của trào ngược dạ dày.
- Triệu chứng khác: Trào ngược dạ dày gây đau lưng còn có thể kèm theo các triệu chứng khác của bệnh trào ngược như ợ chua, khó nuốt, nóng rát cổ họng, buồn nôn, nôn.
Nếu bạn chỉ bị đau lưng đơn độc mà không có bất kỳ triệu chứng nào kể trên của GERD, thì rất ít khả năng nguyên nhân là do trào ngược dạ dày. Đau lưng có rất nhiều nguyên nhân khác cần được xem xét (vấn đề cột sống, cơ, thận…).
Cơn đau lưng trở nên tồi tệ hơn khi nằm có thể là triệu chứng của trào ngược dạ dày
III. Cách trị trào ngược dạ dày thực quản gây đau lưng
Để chữa trào ngược dạ dày thực quản gây đau lưng, việc quan trọng là điều trị nguyên nhân gây bệnh. Có nghĩa là, trước tiên, bạn cần chữa khỏi trào ngược dạ dày – thực quản.
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Tốt nhất, bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và được hướng dẫn điều trị phù hợp.
Thông thường, trào ngược dạ dày thực quản sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng nhóm thuốc làm giảm tiết axit dịch vị và chống trào ngược. Các biện pháp phẫu thuật để chữa trào ngược dạ dày, thực quản cũng có thể được áp dụng, tùy trường hợp.
Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp. Nếu các triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như thay đổi thói quen, lối sống và chế độ ăn uống. Nếu các triệu chứng nặng, bệnh nhân có thể cần điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
1. Điều trị không dùng thuốc
Các biện pháp không dùng thuốc để điều trị các triệu chứng trào ngược dạ dày, từ đó giúp giảm đau lưng. Các biện pháp này gồm:
- Tránh các yếu tố kích thích dạ dày: Các yếu tố kích thích dạ dày có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của trào ngược dạ dày gây đau lưng. Các yếu tố này bao gồm: thức ăn cay, nóng, chua, nhiều dầu mỡ, cà phê, rượu bia, thuốc lá, đồ uống có ga; ăn quá no; nằm nghiêng về phía trước…
- Thay đổi chế độ ăn: Người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm như hoa quả, rau quả, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá, sữa chua.
- Thực phẩm nên ăn: Nên sử dụng đạm dễ tiêu, ít gây đầy bụng như thịt nạc, thịt gà; có thể ăn sữa chua với lượng vừa đủ để cải thiện sức khỏe tiêu hóa; ăn nhiều rau củ trong chế độ ăn để bổ sung vitamin và chất xơ, cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
- Thực phẩm không nên ăn: Không nên ăn thực phẩm chua, chứa nhiều axit như cà chua, chanh; đồ ăn lên men như dưa, cà, kim chi; các loại gia vị kích thích dạ dày như hạt tiêu, ớt; đồ ăn nhanh, thực phẩm chưa chế biến kỹ, thực phẩm bảo quản lâu ngày; uống rượu bia, đồ uống có gas, thực phẩm nhiều đường
- Điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt: Nên chia khẩu phần ăn thành các bữa nhỏ, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt và ăn lượng vừa phải trong 1 bữa. Không vận động, làm việc nặng, tắm gội hoặc nằm ngay sau khi ăn.
- Giảm cân: Nếu người bệnh bị thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể giúp giảm áp lực lên dạ dày, từ đó giúp giảm trào ngược dạ dày gây đau lưng.
- Tập thể dục để giảm đau lưng: Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe tổng quát, đồng thời có thể làm giảm các triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Đồng thời, thể dục giúp chúng ta duy trì cân nặng phù hợp, nhờ vậy làm giảm áp lực cân nặng lên lưng.
Điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt
2. Điều trị bằng thuốc
Nếu các biện pháp điều trị trào ngược dạ dày gây đau lưng không dùng thuốc không hiệu quả, người bệnh có thể cần sử dụng thuốc để điều trị trào ngược. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm:
- Thuốc trung hòa Acid: Công dụng làm giảm tính axit bằng cách trung hòa axit, làm giảm nồng độ axit trong dạ dày và giảm lượng axit trào ngược lên thực quản. Các thuốc thường dùng gồm: thuốc có chứa các muối nhôm (carbonat, hydroxyd, phosphate); các muối magnesi (carbonat, hydroxyd, trisilicate) như Maalox, Gastropulgite, Alusi…
- Thuốc ức chế bơm Proton (PPI): Công dụng ngăn tiết acid dạ dày. Một số loại thuốc phổ biến hiện nay gồm: Omeprazole, Esomeprazole, Rabeprazole, Lansoprazole, Dexlansoprazole…
- Thuốc kháng thụ thể Histamin H2: Tác dụng tranh chấp với thụ thể H2 tại tế bào thành, giảm tiết acid dịch vị trong dạ dày. Thuốc thường dùng là Cimetidine, famotidine, nizatidine, Ranitidine, Zantac, Tagamet… (1)
- Thuốc điều hòa nhu động ruột: Công dụng của nhóm thuốc này là điều hoà nhu động ruột, tăng đào thải acid trong lòng thực quản, đẩy mạnh làm rỗng dạ dày và tăng nhu động của cơ thực quản. Một số thuốc thường dùng gồm: Metoclopramide; Domperidone, Baclofen…
- Thuốc tạo màng bọc ổ loét, bảo vệ dạ dày: Nhóm thuốc này có khả năng kết dính với dịch nhầy trong dạ dày thành 1 màng bao bọc niêm mạc dạ dày và đáy ổ loét, bảo vệ dạ dày. Các thuốc thuộc nhóm có: Silicate Al (Kaolin, Smecta), Bismuth (Subcitrate Bismuth hay CBS), Silicate Mg (Gastropulgite); Sucralfate (Ulcer, Keal, Sucrate gel, Sucrabest); Prostaglandin.
- Thuốc kháng sinh: Được sử dụng khi bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn HP, tác dụng tiêu diệt vi khuẩn HP. Tùy vào khả năng dung nạp thuốc của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể lựa chọn các loại kháng sinh khác nhau như: Amoxicillin, Clarithromycin, Tetracycline, Metronidazole…
- Thuốc chống trầm cảm: Dùng thuốc giúp bệnh nhân giảm lo âu, căng thẳng, stress- các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày. Các thuốc thường dùng gồm: Nortriptyline, Imipramine, Trazodone, Sertraline…
Thuốc tạo màng bọc ổ loét, bảo vệ dạ dày Gastropulgite
Lưu ý khi uống thuốc trào ngược dạ dày thực quản
Khi uống thuốc trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh cần chú ý những vấn đề sau để đảm bảo hiệu quả và an toàn:
- Tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ về liều lượng, thời gian, liệu trình, loại thuốc. Đặc biệt là thuốc kháng sinh, việc không tuân thủ chỉ định của bác sĩ có thể làm giảm hiệu quả dẫn đến thất bại điều trị hoặc bệnh tái đi tái lại không dứt điểm.
- Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ loại thuốc đang dùng, kể cả các loại thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm bổ sung khác để tránh tương tác bất lợi.
- Uống thuốc đúng thời điểm, uống thuốc trước hoặc sau ăn không đúng theo hướng dẫn của bác sĩ cũng có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị.
- Cần đi khám ngay nếu thấy xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như nôn mửa, đau quặn bụng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, mệt yếu…
- Khi xuất hiện tác dụng phụ do uống thuốc điều trị trào ngược dạ dày, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
3. Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc hoặc tình trạng bệnh trào ngược dạ dày gây đau lưng nghiêm trọng hơn. Các phương pháp phẫu thuật được dùng hiện nay gồm:
- Phẫu thuật Nissen: Đây là phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Trong kỹ thuật này, một vòng thắt được đặt xung quanh thực quản dưới để thắt chặt cơ thắt thực quản dưới để ngăn chặn axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
- Phẫu thuật Toupet: Trong phẫu thuật này, một vòng thắt được đặt xung quanh thực quản dưới nhưng không bao phủ toàn bộ thực quản dưới.
- Phẫu thuật để tăng cường cơ vòng thực quản dưới (Linx): Linx là một vòng các hạt từ tính nhỏ được được quấn quanh cơ vòng thực quản, ngăn trào ngược từ dạ dày. Tác dụng của các hạt nam châm là cung cấp thêm lực để giữ cho cơ vòng thực quản đang yếu có thể đóng lại sau khi nuốt thức ăn. Tuy nhiên, thức ăn vẫn có thể đi qua bình thường.
- Phẫu thuật Laparoscopic fundoplication: Là thủ thuật được thực hiện thông qua một số lỗ nhỏ trên bụng. Với kỹ thuật này, một phần của dạ dày được quấn quanh thực quản dưới để thắt chặt cơ thắt thực quản dưới (LES) để ngăn chặn axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
- Phẫu thuật Heller myotomy: Bác sĩ cắt một phần của cơ thắt thực quản dưới (LES) để giảm áp lực của LES, từ đó ngăn không cho axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Phẫu thuật này được thực hiện qua một đường rạch ở bụng hoặc nội soi dạ dày. Thủ thuật này có thời gian phục hồi ngắn và ít gây ra tác dụng phụ.
Bên cạnh đó, nếu muốn cắt nhanh các triệu chứng khó chịu của trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh có thể dùng thuốc dạ dày chữ Y – Yumangel.
Yumangel giảm nhanh đầy bụng, ợ hơi, ợ nóng, nóng rát thượng vị, buồn nôn…
Yumangel có thành phần chính là hoạt chất almagate giúp trung hòa axit dịch vị, đồng thời tạo lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, thực quản. Qua đó, các triệu chứng như đầy bụng, ợ hơi, ợ nóng, nóng rát thượng vị, buồn nôn… sẽ nhanh chóng thuyên giảm.
IV. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bạn bị đau lưng kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Đau ngực dữ dội, cảm giác ép chặt hoặc lan ra cánh tay, hàm (có thể là dấu hiệu bệnh tim).
- Khó thở đột ngột.
- Khó nuốt nghiêm trọng hoặc nuốt đau.
- Nôn ra máu (máu đỏ tươi hoặc như bã cà phê).
- Đi ngoài phân đen, như hắc ín (dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa).
- Sụt cân không giải thích được.
- Sốt cao kèm đau lưng.
- Yếu hoặc tê bì đột ngột ở chân, mất kiểm soát tiểu tiện/đại tiện (dấu hiệu chèn ép thần kinh).
Đau lưng có thể là một triệu chứng ít phổ biến nhưng vẫn có khả năng liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản, chủ yếu thông qua cơ chế đau quy chiếu. Điều quan trọng nhất là không tự chẩn đoán và cần đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân chính xác, loại trừ các bệnh lý nguy hiểm khác.
Nếu GERD được xác định là nguyên nhân, việc kiểm soát tốt tình trạng trào ngược dạ dày gây đau lưng thông qua thay đổi lối sống và điều trị theo chỉ định của bác sĩ là phương pháp hiệu quả để cải thiện cả triệu chứng GERD và cơn đau lưng liên quan.
*Thông tin trong bài viết này chỉ nhằm mục đích tham khảo, không thay thế cho lời khuyên, chẩn đoán hoặc điều trị từ chuyên gia y tế.
Xem thêm:
Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…