Tắc ruột là hội chứng rất nguy hiểm, có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa tính mạng. Qua bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về bệnh học tắc ruột (tắc ruột bệnh học). Từ đó, có được những kiến thức cần thiết để xử lý phù hợp trong trường hợp bị tắc ruột.
Mục lục
- I – Tắc ruột là gì? Hình ảnh tắc ruột
- II – Nguyên nhân bị tắc ruột
- III – Triệu chứng tắc ruột
- IV – Bị tắc ruột có nguy hiểm không?
- V – Bị tắc ruột nên ăn gì và kiêng ăn gì?
- VI – Bị tắc ruột có phải mổ không?
- VII – Bị tắc ruột phải làm sao? Mẹo chữa tắc ruột tại nhà
- VIII – Chăm sóc bệnh nhân tắc ruột sau mổ
I – Tắc ruột là gì? Hình ảnh tắc ruột
Tắc ruột là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ ruột gây cản trở quá trình lưu thông khí, chất lỏng, chất rắn từ trên xuống.
Bán tắc ruột là gì? Trường hợp sự tắc nghẽn không xảy ra hoàn toàn được gọi là bán tắc ruột.
Tình trạng tắc ruột khá phổ biến, có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau như: tắc ruột sơ sinh, tắc ruột ở trẻ nhỏ, người lớn, đặc biệt là người lớn tuổi.
Có nhiều cách khác nhau để phân loại tắc ruột. Trong giới hạn bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu phân loại tắc ruột theo vị trí bị tắc.
– Tắc ruột cao: Vị trí tắc nằm ở trên các quai đầu tiên của hỗng tràng (tắc ruột non)
– Tắc ruột thấp: Nguyên nhân gây tắc nằm phía dưới của van hồi manh tràng, hay nói cách khác tắc ruột thấp là tắc ở đại trực tràng/ tắc ruột già.
Hội chứng tắc ruột.
II – Nguyên nhân bị tắc ruột
Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng tắc ruột, nhưng chủ yếu được chia thành 2 nhóm nguyên nhân là tắc ruột cơ năng và tắc ruột cơ học.
- Nhóm nguyên nhân tắc ruột cơ năng là gì?
– Viêm màng bụng do viêm ruột thừa, thủng dạ dày…
– Tắc ruột hoặc bán tắc ruột sau mổ
– Do rối loạn điện giải (giảm natri máu, giảm canxi máu…)
– Tổn thương tủy sống, máu tụ sang màng bụng
Tắc ruột sau mổ ruột thừa là tắc ruột cơ năng.
- Nhóm nguyên nhân tắc ruột cơ học là gì?
– Tắc nghẽn từ trong thành ruột: do dị vật, bã thức ăn (chẳng hạn như tắc ruột vì trà sữa), sỏi mật rơi xuống đường ruột, búi giun…
– Tắc nghẽn từ thành ruột: Thường do khối u lành tính hoặc ác tính, bệnh nhân bị viêm ruột lâu ngày gây xơ teo đoạn ruột nào đó.
– Tắc nghẽn do bên ngoài chèn vào: U nang buồng trứng, u ổ bụng chèn ép, xoắn ruột, thoát vị thành bụng nghẹt, thoát vị bên trong, bẩm sinh hay sau mổ…
III – Triệu chứng tắc ruột
- Triệu chứng tắc ruột sau mổ
Sau khi mổ, bệnh nhân có những biểu hiện sau đây có khả năng đã bị bệnh tắc ruột:
– Có cảm giác buồn nôn, sau đó nôn và nôn ngày càng nhiều.
– Bệnh nhân không trung tiện.
– Bị đau bụng theo từng cơn và cơn đau ngày càng nhiều.
– Bụng chướng lên ngày một nhiều.
– Nhu động ruột có cảm giác như rắn đang bò.
Triệu chứng tắc ruột sau mổ.
>> Xem VIDEO dấu hiệu đau dạ dày tưởng bình thường mà nguy hiểm <<
- Triệu chứng tắc ruột ở trẻ em và trẻ sơ sinh
Tắc ruột ở trẻ dưới 3 tuổi thường là lồng ruột. Nhưng trẻ em thường khó diễn đạt triệu chứng bệnh đang gặp phải. Do đó, người lớn có thể dựa trên các triệu chứng dưới đây để nhận biết tắc ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
– Nôn trớ
– Tiêu chảy
– Sờ thấy có khối u trong bụng
– Đi ngoài ra phân có lẫn chất nhầy và máu, trông có vẻ giống thạch nho.
– Trẻ bị sốt, lịm đi, ngủ mê man.
Không phải tất cả trẻ em bị tắc ruột đều có biểu hiện như trên. Vì có những bé ít hoặc nhiều biểu hiện hơn. Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường, ba mẹ cần thường xuyên theo dõi và đưa bé tới gặp bác sĩ sớm để tìm cách chữa tắc ruột cho trẻ em.
- Triệu chứng tắc ruột ở người bình thường
– Đau bụng: Đây là triệu chứng đầu tiên và dễ nhận biết nhất của bệnh tắc ruột. Thông thường, cơn đau xuất hiện đột ngột trong vòng 2 – 3 phút.
Sau đó, cơn đau sẽ giảm dần và lại xuất hiện. Ban đầu, bệnh nhân chỉ đau ở khu trú quanh bụng, dần dần sẽ thấy đau khắp bụng.
– Nôn: Triệu chứng này có thể gặp hoặc không. Ban đầu, bệnh nhân sẽ nôn ra thức ăn, sau đó thì nôn ra dịch mật, dịch tiêu hóa.
– Bí trung, đại tiện: Đây là dấu hiệu cảnh báo tắc ruột đã trở nên nghiêm trọng. Lúc này ruột đã ngưng trệ.
– Bụng căng và trướng: Ở những người thành bụng mỏng có thể thấy quai ruột nổi lên trên thành bụng.
– Triệu chứng toàn thân: Khi bệnh đã nặng, người bệnh xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, nếu để lâu ruột có thể bị hoại tử, gây viêm màng bụng, có thể tử vong.
IV – Bị tắc ruột có nguy hiểm không?
Tắc ruột là hội chứng thực sự rất nguy hiểm. Bởi nếu hội chứng tắc ruột không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến thủng ruột.
Lúc này, các thành phần có trong ruột như thức ăn, nước, vi khuẩn, khí lan tràn đến các khoang trong cơ thể và dẫn đến nguy cơ tử vong rất lớn.
Ngoài nguy hiểm đến tính mạng, hội chứng tắc ruột còn dẫn đến 2 biến chứng nặng nhất là hoại tử và viêm phúc mạc.
Vì thế, khi có dấu hiệu của hội chứng tắc ruột, người bệnh nhất định không được chủ quan mà nên đến cơ sở y tế thăm khám. Bác sĩ sẽ giúp bạn làm bệnh án tắc ruột và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Tắc ruột có nguy hiểm không?
V – Bị tắc ruột nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Chế độ ăn uống rất quan trọng với người bị tắc ruột. Vì quá trình lưu thông chất trong ruột đang bị tắc nghẽn, nên bệnh nhân cần nạp vào thức ăn dễ tiêu hóa.
- Những thực phẩm người bị tắc ruột nên sử dụng bao gồm:
– Thức ăn mềm, dạng lỏng và dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh, món ăn hầm nhừ,…
– Một số rau củ quả người bị tắc ruột có thể sử dụng là cà rốt, cải bó xôi, đậu xanh, măng tây, bơ, chuối chín, dưa gang, đu đủ chín…
– Một lượng sữa vừa đủ
– Các loại thịt động vật không chứa chất xơ như thịt gà, thịt bò, thịt lợn, cá,…
– Bệnh nhân nên uống nhiều nước lọc và nước ép hoa quả.
– Thay vì ăn 3 bữa như bình thường, bệnh nhân có thể chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa để dễ tiêu hóa hơn.
- Những thực phẩm người bị tắc ruột không nên sử dụng là:
– Hạn chế chất xơ từ các loại ngũ cốc, từ rau củ già…
– Không sử dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán, đồ ăn đóng hộp, hải sản, xúc xích, thịt nguội…
– Không ăn đồ ăn cay nóng, chua, chát, nhiều gia vị, nhiều muối…
– Hạn chế hoa quả sấy khô và một số hoa quả tươi như mận, dứa, nho khô, sung…
– Không sử dụng rượu bia, cà phê, đồ uống có gas
Người bị tắc ruột không nên ăn hoa quả sấy khô.
( → Xem thêm: Hẹp môn vị là gì? Có nguy hiểm không? Cách chữa hẹp môn vị dạ dày)
VI – Bị tắc ruột có phải mổ không?
Người bị tắc ruột có cần mổ không còn tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng tắc ruột.
Thông thường, các trường hợp tắc ruột nhẹ sẽ được áp dụng phương pháp giảm áp lực cho người bệnh như:
– Hậu môn nhân tạo
– Hút mũi dạ dày
– Giải áp đường trực tràng
– Sử dụng thuốc
– Xây dựng chế độ ăn ít chất xơ
– Chữa tắc ruột bằng diện chẩn
Một số trường hợp đặc biệt sau đây thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ:
– Tắc ruột hoàn toàn làm cản trở quá trình lưu thông của máu đến các vùng bị ảnh hưởng vì nếu không mổ kịp thời ruột có thể bị chết, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
– Bệnh nhân tắc ruột xuất hiện biến chứng vì không mổ kịp thời ruột có thể bị vỡ, khiến vi khuẩn và bã thức ăn rò rỉ vào ổ bụng, đe dọa đến tính mạng.
– Bệnh nhân tắc ruột non có chỉ định phẫu thuật để cấp cứu.
Lưu ý: Việc điều trị tắc ruột sau mổ cũng được áp dụng các phương pháp đã nêu trên.
Bị tắc ruột có cần mổ không?
VII – Bị tắc ruột phải làm sao? Mẹo chữa tắc ruột tại nhà
Khi ở nhà, bị tắc ruột phải làm sao? Tắc ruột là một hội chứng rất nguy hiểm. Thông thường, bệnh nhân sẽ khó tự xử lý tại nhà.
Tốt nhất là nên đưa bệnh nhân tới khám chữa tại các cơ sở có uy tín. Tại đây, các bác sĩ sẽ thăm khám, tìm ra nguyên nhân từ đó chỉ định bài thuốc chữa tắc ruột phù hợp cho từng bệnh nhân.
Bên cạnh đó, để phòng tránh ngay nguy cơ tắc ruột, bạn nên:
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
– Giảm cân
– Nghỉ ngơi phù hợp
VIII – Chăm sóc bệnh nhân tắc ruột sau mổ
Chăm sóc bệnh nhân sau khi mổ tắc ruột rất quan trọng. Việc này đòi hỏi người chăm sóc phải để ý và quan sát rất kỹ các dấu hiệu sinh tồn.
1. Quan sát kỹ lưỡng dấu hiệu sinh tồn của người bệnh
– Hãy xem bệnh nhân đã tỉnh chưa
– Quan sát xem bệnh nhân có dấu hiệu bị mất nước không. Dấu hiệu để nhận biết mất nước là nôn nhiều, ứ đọng dịch trong lòng ruột, ổ bụng.
– Đặc biệt, quan sát xem bệnh nhân có dấu hiệu bị nhiễm trùng không.
– Theo dõi xem bụng bệnh nhân có bị trướng không và thông báo ngay để bác sĩ can thiệp kịp thời.
2. Các hoạt động chăm sóc cần thiết
– Vệ sinh vùng mổ sạch sẽ
– Đảm bảo thông khí cho người bệnh.
– Nếu người bệnh còn hôn mê, hãy đặt người bệnh nghiêng đầu sang 1 bên phòng khi người bệnh nôn chất nôn không bị lọt vào đường hô hấp.
Bệnh nhân sau khi mổ tắc ruột nên vệ sinh sạch sẽ
– Hút đờm dãi để bệnh nhân không bị nghẽn đường thở
– Đặt ống tránh tụt lưỡi cho bệnh nhân, đặt ống hút dịch dạ dày.
– Bù nước, điện giải cho bệnh nhân khi cần.
– Nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
– Chăm sóc vết mổ bằng cách thay băng vết mổ hàng ngày.
– Vệ sinh cá nhân thường xuyên cho bệnh nhân.
– Sau khi bệnh nhân tỉnh, ngày thứ nhất cho bệnh nhân xoay trở lại trên giường, vỗ lưng và khuyến khích họ thở sâu đề phòng biến chứng viêm phổi. Ngày thứ 2, có thể cho bệnh nhân ngồi dậy và tập đi lại.
– Nên cho bệnh nhân tắc ruột ăn các thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa.
– Ngay lập tức báo cho bác sĩ điều trị nếu bệnh nhân có dấu hiệu bất thường.
Sau khi mổ, nếu không được kiêng khem kỹ càng, người bệnh vẫn có thể bị tắc ruột trở lại. Vậy làm thế nào để phòng ngừa tắc ruột sau mổ?
– Người bệnh cần được vận động sớm nhưng phải phù hợp để tránh ruột ì ạch, dính vào nhau.
– Sau khi mổ, không ăn thực phẩm có chứa tanin như quả ổi, quả hồng… vì chúng có thể tạo thành khối dính, tạo thành bã thức ăn, gây tắc ruột.
Như vậy, chúng ta vừa mới cùng nhau giải đáp các thắc mắc quan trọng về hội chứng tắc ruột. Nếu bạn cần tư vấn thêm vui lòng gọi đến hotline 1800.1125 (miễn phí cước) để dược sĩ của Yumangel giải đáp trực tiếp nhé!
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…