Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhũ nhi: Triệu chứng và cách điều trị

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhũ nhi là một tình trạng phổ biến, thường biểu hiện qua hiện tượng nôn trớ hay ọc sữa sau khi bú. Đa phần các trường hợp là sinh lý và sẽ tự cải thiện khi trẻ lớn hơn, thường là sau 7-8 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu trào ngược gây ra bởi các nguyên nhân bệnh lý, việc đưa trẻ đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng, giúp tránh các biến chứng không mong muốn.

I. Trào ngược ở trẻ nhũ nhi là gì? Phân loại

Nhũ nhi là thuật ngữ chỉ giai đoạn đầu tiên sau sơ sinh, áp dụng cho trẻ từ lúc mới sinh đến 1 năm tuổi.

Trào ngược ở trẻ nhũ nhi hay còn gọi là trào ngược ở trẻ sơ sinh là tình trạng trào ngược dịch vị, thức ăn từ dạ dày lên thực quản và khoang miệng trong khoảng thời gian trẻ từ 1 tháng đến 1 năm tuổi.

Trào ngược ở trẻ nhũ nhi có thể là sinh lý hoặc bệnh lý, tuỳ từng loại mới có ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ.

Tình trạng này được chia thành hai loại chính:

  1. Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý (GER): Đây là hiện tượng phổ biến, xảy ra do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, đặc biệt là cơ thắt thực quản dưới còn yếu. Trẻ thường trớ sữa nhưng vẫn vui vẻ, bú tốt và tăng cân bình thường.
  2. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Đây là tình trạng trào ngược nghiêm trọng hơn, gây ra các triệu chứng lặp đi lặp lại, gây khó chịu cho trẻ hoặc dẫn đến các biến chứng như viêm thực quản, chậm tăng cân.
Trào ngược ở trẻ nhũ nhi là tình trạng trào ngược dịch vị, thức ăn từ dạ dày lên thực quản và khoang miệng

Trào ngược ở trẻ nhũ nhi là tình trạng trào ngược dịch vị, thức ăn từ dạ dày lên thực quản và khoang miệng

II. Dấu hiệu và triệu chứng trào ngược ở trẻ sơ sinh

Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, trẻ nhũ nhi có thể biểu hiện các triệu chứng sau:

  • Nôn trớ, ọc sữa: Đây là dấu hiệu phổ biến nhất, sữa có thể trào ra từ miệng, đôi khi cả mũi của trẻ, thường xảy ra sau khi bú hoặc khi trẻ thay đổi tư thế.
  • Quấy khóc, khó chịu: Trẻ thường xuyên quấy khóc, đặc biệt là sau khi bú hoặc khi nằm.
  • Biếng ăn, bỏ bú: Trẻ có thể từ chối bú hoặc bú ít do cảm giác khó chịu.
  • Giấc ngủ không sâu: Trẻ khó vào giấc, ngủ không ngon giấc, hay giật mình.
  • Chậm tăng cân: Nếu trào ngược kéo dài và nghiêm trọng, trẻ có thể chậm tăng cân, thậm chí suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt.
  • Triệu chứng hô hấp: Một số trẻ có thể gặp các vấn đề về đường hô hấp như ho kéo dài, khò khè, thở rít, thậm chí là viêm phổi hít tái diễn do sữa hoặc dịch vị trào ngược vào đường thở.
  • Hội chứng Sandifer (1): Trẻ có thể có những cơn ưỡn người, ngửa cổ ra sau, xoay đầu sang một bên.

III. Nguyên nhân gây trào ngược thực quản ở trẻ nhũ nhi

Nguyên nhân gây trào ngược ở trẻ sơ sinh được phân thành 2 nhóm là nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý. Cụ thể như sau:

1. Nguyên nhân sinh lý

Các nguyên nhân sinh lý gây trào ngược ở trẻ nhũ nhi gồm:

  • Cơ quan tiêu hóa chưa ổn định: Hệ tiêu hóa và dạ dày của trẻ nhũ nhi chưa hoàn thiện, thậm chí dạ dày lại nằm gần lồng ngực hơn so với người lớn.
  • Cơ thắt thực quản chưa phát triển: Cơ thắt thực quản của trẻ chưa phát hiện hoàn toàn nên hoạt động đóng mở không hiệu quả, dễ khiến thức ăn trào ngược lên thực quản.
  • Tư thế cho bé bú: Các mẹ thường cho trẻ bú ở tư thế nằm ngang, nhất là về ban đêm. Khi bú ở tư thế này, dạ dày sẽ nằm ngang nên dễ khiến sữa khi xuống đến dạ dày lại bị trào ngược lên miệng.
  • Uống sữa ngoài: So với trẻ bú sữa mẹ, trẻ bú sữa ngoài có nguy cơ bị trào ngược cao hơn. Vì sữa bò tiêu hóa chậm nên thường lưu lại trong dạ dày lâu hơn.
  • Thức ăn tiêu thụ mỗi ngày: Với những trẻ đã bước vào giai đoạn ăn dặm, thức ăn thường được chế biến ở dạng mềm lỏng nên dễ dàng lọt qua khe hở nhỏ ở cơ vòng dẫn đến trào ngược. 
Cơ thắt thực quản của trẻ chưa phát hiện hoàn toàn nên hoạt động đóng mở không hiệu quả

Cơ thắt thực quản của trẻ chưa phát hiện hoàn toàn nên hoạt động đóng mở không hiệu quả

2. Nguyên nhân bệnh lý

Một số bệnh lý bẩm sinh cũng là nguyên nhân khiến trẻ nhũ nhi mắc phải chứng trào ngược dạ dày. Cụ thể là:

  • Dị ứng đạm sữa bò: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây trào ngược kèm theo các triệu chứng khác như tiêu chảy, phân có máu.
  • Chậm làm rỗng dạ dày: Khi thức ăn lưu lại trong dạ dày quá lâu, áp lực trong dạ dày tăng lên, dẫn đến trào ngược.
  • Bất thường giải phẫu: Một số dị tật bẩm sinh như hẹp môn vị, thoát vị hoành, sa dạ dày nặng có thể gây trào ngược.
  • Bệnh lý khác: Các bệnh lý như bại não, nhiễm trùng toàn thân, hoặc một số bệnh chuyển hóa hiếm gặp cũng có thể là nguyên nhân.
  • Tiếp xúc khói thuốc lá: Khói thuốc lá có thể làm giảm trương lực của cơ thắt thực quản dưới.

Các bệnh lý trên làm suy yếu cơ thắt phần thực quản dưới nên thức ăn bị trào ngược lên thực quản. Ngoài ra, một số trẻ bị trào ngược còn do bệnh lý hở van tim, nhiễm trùng toàn thân hay bại não…

IV. Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Biến chứng tiềm ẩn

Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý thường không nguy hiểm và tự khỏi. Tuy nhiên, nếu tình trạng trào ngược là bệnh lý (GERD) hoặc không được chăm sóc đúng cách, có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ:

  • Biến chứng về tiêu hóa: Ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ, nghiêm trọng nhất là bị barrett thực quản – thực quản bị viêm, đường thực quản hẹp khiến thức ăn lưu thông từ miệng xuống dạ dày khó khăn.
  • Biến chứng về hô hấp: Trẻ thở khò khè, ho kéo dài không thuyên giảm; dây thanh ở cổ họng dày lên khiến trẻ bị khàn giọng, khò khè; nặng hơn là dẫn đến hen suyễn.
  • Biến chứng về răng miệng và tai mũi họng: Trẻ có thể bị viêm xoang, viêm tai, mòn răng, suy dinh dưỡng, chậm tăng cân, ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi…

Để phòng tránh nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm trên, bố mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám sớm khi thường xuyên bị nôn trớ kèm bỏ ăn, chán ăn, quấy khóc…

V. Khi nào cha mẹ cần đưa trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản đi gặp bác sĩ?

Trẻ nhũ nhi nếu có các dấu hiệu và triệu chứng sau cần đi thăm khám ngay:

  • Nôn trớ nhiều, nôn vọt, nôn ra dịch mật (màu xanh, vàng) hoặc máu.
  • Trẻ quấy khóc dữ dội, khó dỗ kéo dài hơn 2-3 giờ mỗi ngày.
  • Biếng ăn, bỏ bú, sụt cân hoặc chậm tăng cân rõ rệt.
  • Có dấu hiệu mất nước: môi khô, mắt trũng, thóp lõm, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
  • Khó thở, thở khò khè, ho kéo dài, tím tái, hoặc có cơn ngừng thở trên 10 giây.
  • Tiêu chảy kéo dài, phân có nhầy máu.
  • Trẻ lừ đừ, kém linh hoạt.
  • Triệu chứng trào ngược mới xuất hiện ở trẻ trên 6 tháng tuổi hoặc không cải thiện khi trẻ đã lớn (sau 18-24 tháng).
Trẻ quấy khóc dữ dội, khó dỗ kéo dài hơn 2-3 giờ mỗi ngày là dấu hiệu nghiêm trọng

Trẻ quấy khóc dữ dội, khó dỗ kéo dài hơn 2-3 giờ mỗi ngày là dấu hiệu nghiêm trọng

VI. Phương pháp chẩn đoán trào ngược ở trẻ nhũ nhi 

Để chẩn đoán tình trạng trào ngược ở trẻ nhũ nhi, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng và thăm hỏi bệnh sử. Nếu nghi ngờ trẻ bị trào ngược do bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng cần thiết như:

  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Chụp X Quang thực quản dạ dày.
  • Nội soi nếu cần để đánh giá niêm mạc thực quản.

VII. Cách điều trị và chăm sóc trẻ nhũ nhi bị trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả

Tùy theo nguyên nhân cũng như mức độ và tình trạng bệnh trào ngược ở trẻ nhũ nhi mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. 

1. Điều trị không dùng thuốc

Trẻ nhũ nhi bị trào ngược nếu không xảy ra biến chứng thì không cần điều trị. Phương pháp điều trị ưu tiên hàng đầu là thay đổi lối sống. Cụ thể là:

  • Cho bé bú đúng tư thế.
  • Bế trẻ đứng sau khi bú.
  • Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Đối với trẻ bú mẹ, các mẹ cần thay đổi chế độ ăn của mình.
  • Sử dụng các loại sữa chống trào ngược cho trẻ sơ sinh.
  • Chế độ ăn kiêng sữa bò, cho ăn đặc…
  • Tránh cho ăn quá nhiều.
Cho bé bú đúng tư thế hạn chế trào ngược, ọc sữa

Cho bé bú đúng tư thế hạn chế trào ngược, ọc sữa

Nghiên cứu cho thấy, có đến 80% trẻ sơ sinh cải thiện hoàn toàn hoặc một phần tình trạng trào ngược thực quản thông qua các biện pháp không dùng thuốc. 

2. Điều trị dùng thuốc

Trường hợp trẻ bị trào ngược không đáp ứng với việc thay đổi chế độ ăn và tư thế khi ăn hoặc trẻ bị viêm thực quản do trào ngược, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc. Một số thuốc thường dùng là:

  • Thuốc ức chế bơm proton: Giảm lượng axit do dạ dày tiết ra.
  • Thuốc kháng histamin-2 (H2): Ngăn chặn tiết axit dạ dày. 
  • Thuốc điều hòa nhu động ruột. 
  • Thuốc prokinetic: Tăng co bóp thực quản, tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới giúp làm rỗng dạ dày.

Lưu ý, khi điều trị trào ngược cho trẻ sơ sinh bằng thuốc, bố mẹ cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc nào.

3. Điều trị phẫu thuật

Với những trẻ nhũ nhi bị trào ngược ở mức độ nghiêm trọng gây cản trở hơi thở và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, bác sĩ có thể phải sử dụng phương pháp phẫu thuật. 

Phẫu thuật cơ thắt thực quản dưới sẽ được thực hiện để thắt chặt ngăn acid chảy ngược vào thực quản.

VIII. Biện pháp phòng ngừa chứng trào ngược ở trẻ nhũ nhi

Để phòng ngừa tình trạng trào ngược ở trẻ nhũ nhi, các bố mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Nên cho bé ăn trước khi đi ngủ ít nhất khoảng 3 tiếng.
  • Chia bữa ăn của bé thành nhiều bữa nhỏ, không nên ăn quá no trong một cữ.
  • Sau khi ăn, bố mẹ nên bế trẻ ở tư thế thẳng đứng trong khoảng 30 phút kết hợp vỗ ợ hơi.
  • Không nên đặt bé nằm ngay sau khi vừa bú hoặc ăn xong.
  • Cho bé bú ở tư thế đầu cao 30 độ và duy trì tư thế này khi đặt bé nằm ngủ. Hoặc mẹ cũng có thể cho bé nằm nghiêng bên trái để giảm triệu chứng ợ hơi, ợ nóng.
  • Luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Việc kê cao đầu giường chỉ nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Đảm bảo môi trường không khói thuốc lá cho trẻ.
  • Với các bé đã ăn dặm, các mẹ cần tránh những thực phẩm có tính axit, cay nóng, caffeine, nhiều chất béo vì đều không tốt cho sức khỏe dạ dày và hệ tiêu hóa.
  • Mặc cho bé quần áo rộng rãi và thoải mái.

IX. Giải đáp thắc mắc về trào ngược ở trẻ nhũ nhi

Dưới đây chúng tôi sẽ giải đáp một số thắc mắc khác về tình trạng trào ngược ở trẻ nhũ nhi:

1. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhũ nhi có tự khỏi không và kéo dài bao lâu?

Đa số các trường hợp trào ngược sinh lý sẽ giảm dần và tự khỏi khi trẻ lớn hơn, thường là khi trẻ được 7-8 tháng đến 12-18 tháng tuổi. Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ đã hoàn thiện hơn, trẻ bắt đầu ngồi và ăn thức ăn đặc hơn.

2. Chăm sóc trẻ nhũ nhi bị trào ngược như thế nào?

Để cải thiện tình trạng trào ngược ở trẻ sơ sinh, khi chăm sóc trẻ bố mẹ cần thực hiện những biện pháp sau:

  • Uống sữa với lượng nhỏ: Mỗi cữ bú, mẹ nên cho bé bú trong khoảng từ 30 – 60ml/lần, không nên cho bé ăn quá no. 
  • Vỗ ợ hơi, bế cao đầu: Sau khi bú, mẹ nên bế trẻ ở tư thế đầu cao đồng thời vỗ nhẹ vào lưng trẻ để giúp trẻ ợ hơi. Lưu ý không nên bế vác trẻ lên vai vì tư thế này sẽ khiến dạ dày của bế bị chèn ép gây ọc sữa.
  • Làm sữa đặc hơn: Có thể làm cho sữa của bé đặc hơn bằng cách pha thêm vào sữa mẹ hoặc sữa công thức một lượng nhỏ bột ngũ cốc hoặc bột gạo. Khi pha thêm bột vào bữa mẹ nên sử dụng núm vú có lỗ rộng hơn để giúp sữa chảy ra dễ dàng hơn. Với cách này, các mẹ tốt nhất nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện để đảm bảo an toàn. 
  • Đặt nằm ở thế đầu cao hơn thân: Khi đặt bé nằm, các mẹ cần chú ý đặt phần đầu của bé cao hơn phần thân để giảm triệu chứng trào ngược.
  • Đổi loại sữa: Trường hợp trẻ sơ sinh bị trào ngược do dị ứng với đạm sữa bò hoặc do sữa công thức không phù hợp, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi loại sữa khác phù hợp hơn.
Trường hợp trẻ sơ sinh bị trào ngược do dị ứng với đạm sữa bò, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi sữa khác

Trường hợp trẻ sơ sinh bị trào ngược do dị ứng với đạm sữa bò, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi sữa khác

3. Sữa nào tốt cho trẻ nhũ nhi bị trào ngược dạ dày thực quản?

Các loại sữa công thức chống trào ngược (AR formula) được làm đặc sẵn có thể hữu ích. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại sữa phù hợp nhất cho trẻ cần có sự tư vấn của bác sĩ Nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt nếu nghi ngờ trẻ có dị ứng đạm sữa bò.

Đa phần các trường hợp trào ngược dạ dày ở trẻ nhũ nhi sẽ tự thuyên giảm hoặc khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên cũng không loại trừ tình trạng trẻ nhũ nhi bị trào ngược do nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm cần thăm khám và điều trị ngay.

*Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho chẩn đoán và điều trị y tế chuyên nghiệp. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về sức khỏe của trẻ, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế có trình độ để được tư vấn cụ thể. Không tự ý sử dụng thuốc hoặc thay đổi phác đồ điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Xem thêm:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

0/5 (0 lượt bình chọn)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *