Táo bón sau sinh khiến sản phụ khó chịu, thậm chí đau đớn và gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Táo bón sau sinh kéo dài có thể gây nhiều biến chứng khó lường như són phân, sói tiểu, sa trực tràng, ứ phân hay bệnh trĩ.
Mục lục
I. Táo bón sau sinh là gì?
Táo bón sau sinh là tình trạng khó khăn trong việc đi tiêu mà nhiều mẹ gặp phải sau khi sinh. Đây là tình trạng sản phụ thường đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần, kèm theo đó là tình trạng khó khăn khi đi đại tiện và đau rát hậu môn do phân cứng. Tình trạng này có thể xuất hiện ở cả mẹ sinh thường và sinh mổ và thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và cách chăm sóc của mỗi người.
Tình trạng táo bón sau sinh ảnh hưởng thế nào đến mẹ?
Táo bón sau sinh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần của mẹ, từ đó tác động đến quá trình chăm sóc con nhỏ và phục hồi sau sinh. Dưới đây là một số ảnh hưởng chính:
- Đau đớn và khó chịu: Khi táo bón, phân khô và cứng làm mẹ phải cố gắng rặn khi đi vệ sinh, gây đau đớn ở vùng hậu môn và có thể làm nứt hoặc tổn thương khu vực này.
- Tăng nguy cơ trĩ: Việc rặn nhiều để đi tiêu có thể làm gia tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở vùng hậu môn, dẫn đến tình trạng trĩ.
- Ảnh hưởng đến vết mổ hoặc vết khâu: Với mẹ sinh mổ hoặc có vết khâu tầng sinh môn, việc rặn có thể tạo áp lực lên vùng vết mổ hoặc vết khâu, làm chậm quá trình lành vết thương.
- Ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sau sinh, tâm lý mệt mỏi khiến mẹ khó đạt được sức khỏe tốt để chăm sóc bản thân và con.
II. Nguyên nhân gây táo bón sau sinh
Táo bón sau sinh có thể do nhiều yếu tố tác động cùng lúc, từ yếu tố cơ thể, sinh lý, đến yếu tố tâm lý và lối sống.
Thay đổi hormone
Sau khi sinh, cơ thể mẹ trải qua những biến đổi lớn về hormone, đặc biệt là giảm nồng độ progesterone. Hormone này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu động ruột. Khi progesterone giảm đột ngột sau sinh, nhu động ruột cũng hoạt động chậm lại, dẫn đến việc tiêu hóa và đào thải trở nên khó khăn hơn.
Ngoài progesterone, sự thay đổi của các hormone khác cũng có thể tác động đến hệ tiêu hóa. Hormone oxytocin (giúp co bóp tử cung) và prolactin (kích thích sản xuất sữa mẹ) được tăng cường sau sinh để hỗ trợ quá trình hồi phục và nuôi dưỡng con, nhưng đôi khi lại làm giảm sự tập trung và điều tiết của cơ thể vào quá trình tiêu hóa. Kết quả là, mẹ có thể gặp phải tình trạng táo bón trong thời gian sau sinh.
Ảnh hưởng của thuốc gây tê và thuốc giảm đau
Nguyên nhân phổ biến gây táo bón ở mẹ sau sinh, đặc biệt ở các mẹ sinh mổ. Các loại thuốc này tác động đến hệ thần kinh và làm giảm sự hoạt động của nhu động ruột, khiến thức ăn di chuyển chậm hơn qua đường tiêu hóa và gây ra tình trạng táo bón.
Vết thương sau sinh
Sinh mổ hay sinh thường đều để lại vết thương sau sinh. Điều này khiến các mẹ ngại đi vệ sinh và thường xuyên nín nhịn lâu ngày dẫn đến táo bón. Điều này dễ dẫn đến tình trạng táo bón vì phân không được đào thải kịp thời.
Không chỉ vậy, cơ thắt hậu môn co thắt chặt và việc rặn trong khi sinh thường có thể làm căng hoặc hỏng cơ sàn chậu cũng như cơ vòng hậu môn. Hậu quả là khiến phân khó ra ngoài và mẹ bị táo bón.
Mất nước
Sau sinh, cơ thể mẹ mất nhiều nước trong quá trình sinh nở. Ngoài ra, một số loại thuốc giảm đau/gây tê có tác dụng phụ làm mất nước. Nếu không uống đủ nước, phân sẽ trở nên khô và cứng, làm tăng nguy cơ táo bón.
Chế độ ăn uống thay đổi
Trong giai đoạn sau sinh, nhiều mẹ kiêng cữ quá mức, giảm bớt lượng rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu chất xơ. Việc thiếu chất xơ làm cho phân cứng, gây khó khăn trong việc đi tiêu.
Thay đổi giờ sinh học
Giờ giấc sinh hoạt của mẹ sau sinh phụ thuộc vào em bé. Mẹ thường xuyên phải dậy cho bé ăn, thay tã bỉm và kiểm tra em bé nên bị thiếu ngủ, mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài có thể khiến mẹ bị căng thẳng ảnh hưởng không tốt tới hoạt động tiêu hóa gây táo bón.
Ít vận động
Sau sinh, đặc biệt là sau sinh mổ, mẹ thường hạn chế vận động để tránh ảnh hưởng đến vết mổ hoặc vết khâu. Việc thiếu vận động khiến nhu động ruột giảm, thức ăn và phân di chuyển chậm qua đường tiêu hóa, dẫn đến táo bón. Ngoài ra, việc chăm sóc em bé chiếm nhiều thời gian cũng khiến mẹ ít có thời gian tập luyện, vận động.
Vitamin sau sinh
Nhiều mẹ bổ sung sắt và canxi sau sinh để phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, các loại viên bổ sung này có thể gây táo bón như là một tác dụng phụ, đặc biệt là sắt, vì sắt làm cho phân cứng hơn và khó đi tiêu.
III. Táo bón sau sinh kéo dài bao lâu?
Táo bón sau sinh thường chỉ kéo dài vài ngày đến một tuần, nhưng trong một số trường hợp có thể kéo dài từ vài tuần đến một tháng nếu mẹ không có chế độ chăm sóc và khắc phục kịp thời. Thời gian táo bón kéo dài có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp sinh, tình trạng sức khỏe cá nhân, chế độ ăn uống, và mức độ vận động.
Nếu táo bón kéo dài trên 2 tuần hoặc kèm theo các triệu chứng như đau bụng dữ dội, khó chịu hoặc có máu khi đi tiêu, sụt cân mệt mỏi, sốt hoặc các triệu chứng nhiễm trùng, mẹ nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp kiểm tra như nội soi, siêu âm, hoặc chụp X-quang để xác định nguyên nhân chính xác và đưa ra hướng điều trị an toàn.
IV. Cách chữa táo bón sau sinh hiệu quả – an toàn
Khi tình trạng táo bón kéo dài, tốt nhất các mẹ nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân để tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
1. Điều trị tại nhà
Sử dụng thuốc điều trị táo bón thường không được áp dụng với sản phụ, đặc biệt là các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó, để cải thiện táo bón, các mẹ sau sinh có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:
1.1. Thay đổi chế độ ăn uống
Một số thay đổi trong chế độ ăn uống mẹ sau sinh bị táo bón nên tham khảo và áp dụng là:
- Tăng cường chất xơ: Đảm bảo ăn uống đa dạng và đủ dinh dưỡng nhưng cố gắng tăng cường chất xơ. Thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên cám, rau củ (mồng tơi, rau đay, cà rốt, súp lơ), hoa quả (táo, đu đủ, bơ, lê)… giúp phân mềm hơn để mẹ đi đại tiện dễ dàng mà không phải gắng sức rặn.
- Chế biến thức ăn dạng lỏng, mềm: Giúp dễ tiêu hóa, giảm áp lực lên hệ tiêu hóa và dạ dày.
- Ăn nhiều bữa nhỏ: Thay vì ăn no trong 3 bữa chính, mẹ sau sinh bị táo bón nên chia thành 5-6 bữa. Điều này giúp giảm bớt áp lực lên hệ tiêu hóa, ngăn chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.
- Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế: Gồm đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, chất kích thích…
1.2. Rèn luyện thói quen đi đại tiện
Rèn luyện thói quen đi đại tiện tốt vừa giúp cải thiện táo bón vừa hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Một vài nguyên tắc khi đi đại tiện các mẹ cần nắm được đó là:
- Đi vệ sinh đúng giờ: Hình thành thói quen đại tiện vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày và duy trì để giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru.
- Ngồi đúng tư thế: Tư thế ngồi tốt nhất khi đi đại tiện là ngồi xổm. Tuy nhiên, đa số các gia đình hiện nay dùng bồn cầu bệt. Để khắc phục, khi đi đại tiện các mẹ có thể kê một chiếc ghế nhỏ dưới chân.
- Không nhịn đại tiện: Khi muốn đi đại tiện, mẹ nên đi ngay. Thường xuyên nhịn đại tiện khiến phân bị ứ đọng và khô cứng làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón.
- Không ngồi quá lâu: Không nên vừa đi ngoài vừa xem điện thoại, đọc báo hay đọc truyền. Vì nếu ngồi quá lâu sẽ tạo áp lực lớn lên các tĩnh mạch ở hậu môn, dẫn đến táo bón, nặng hơn là bệnh trĩ.
1.3. Uống đủ nước
Mẹ sau sinh cần uống nhiều nước hơn người bình thường để tăng cường tạo sữa cho con bú. Thiếu nước khiến phân khô cứng và làm nặng thêm chứng táo bón.
Bên cạnh nước lọc, mẹ sau sinh có thể uống bổ sung nước ép hoa quả, nước ép rau củ, sữa, nước canh để cơ thể được bổ sung đầy đủ nước. Lượng nước mẹ cần uống 1 ngày là từ khoảng 2,5 đến 3 lít theo khuyến nghị của các chuyên gia.
1.4. Giữ tinh thần vui vẻ, tích cực
Căng thẳng, stress sau sinh là vấn đề khó tránh khỏi khi cuộc sống của người mẹ có quá nhiều thay đổi. Tâm lý không tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tiêu hóa dẫn đến táo bón.
Vì vậy, để cải thiện tình trạng táo bón, mẹ sau sinh hãy cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, tích cực, cố gắng dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để để hạn chế tối đa nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.
1.5. Vận động nhẹ nhàng
Vẫn biết sau sinh các mẹ rất mệt mỏi và hầu như không có thời gian cho bản thân. Tuy nhiên, nếu có thể mẹ hãy cố gắng đi lại và vận động nhẹ nhàng vừa giúp hồi phục sức khỏe vừa giúp nhu động ruột vận động tốt hơn, giảm nguy cơ táo bón.
1.6 Massage bụng
Massage bụng là một biện pháp tự nhiên, an toàn và hiệu quả để hỗ trợ giảm táo bón sau sinh. Phương pháp này giúp kích thích nhu động ruột, tăng cường tuần hoàn máu và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Cách thực hiện:
- Thực hiện massage vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau bữa ăn khoảng 1-2 giờ để đạt hiệu quả cao nhất.
- Mẹ nằm ngửa trên giường hoặc sàn nhà, đầu gối hơi cong lên và có thể đặt một chiếc gối nhỏ dưới đầu để thư giãn.
- Dùng lòng bàn tay xoa nhẹ lên vùng bụng theo chuyển động tròn, từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ, di chuyển quanh rốn. Thực hiện liên tục trong 5-10 phút để kích thích nhu động ruột. Áp lực nhẹ nhàng, không nên nhấn quá mạnh để tránh gây khó chịu hoặc đau đớn.
- Dùng đầu ngón tay ấn nhẹ theo các điểm trên đường vòng tròn xung quanh rốn. Điều này có thể giúp tăng cường kích thích các dây thần kinh trong hệ tiêu hóa và giúp phân di chuyển trong ruột dễ dàng hơn.
- Đặt tay bên cạnh hông phải và di chuyển tay lên vùng bụng trên, sau đó kéo xuống hông trái. Động tác này mô phỏng quá trình di chuyển của phân trong ruột, giúp khuyến khích quá trình đào thải.
2. Điều trị bằng thuốc
Trường hợp đã thay đổi chế độ ăn uống và lối sống theo hướng tích cực nhưng tình trạng táo bón sau sinh không cải thiện, mẹ sau sinh nên nhờ bác sĩ tư vấn để chọn được loại thuốc chữa táo bón phù hợp.
Một số loại thuốc nhuận tràng ít hấp thu vào máu như lactulose, macrogol,sorbitol, bisacodyl, docusate… có thể được bác sĩ chỉ định cho mẹ sau sinh cho con bú.
Lưu ý: Các mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về uống khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ, nhất là với các mẹ sau sinh nuôi con bằng sữa mẹ.
⇒ Có thể bạn quan tâm: [Giải đáp] Cho con bú uống thuốc đau bao tử được không?
V. Phòng ngừa táo bón sau sinh
Phòng ngừa táo bón sau sinh là một phần quan trọng giúp mẹ duy trì sức khỏe tiêu hóa và thoải mái trong quá trình hồi phục sau sinh. Dưới đây là các biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giảm nguy cơ táo bón:
Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn
Chất xơ là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống, giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón, đặc biệt là sau khi sinh.
Nếu mẹ chưa quen với việc ăn nhiều chất xơ, nên bắt đầu từ từ để tránh gây khó chịu cho dạ dày. Tăng dần lượng chất xơ mỗi ngày cho đến khi đạt được mục tiêu. Cố gắng tạo ra bữa ăn với sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ. Ví dụ, một bữa sáng có thể bao gồm yến mạch với trái cây và một ít hạt chia. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng các công thức nấu ăn chứa nhiều rau củ và các loại đậu để tăng cường hàm lượng chất xơ trong bữa ăn hàng ngày.
Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các loại hạt như hạt chia, hạt lanh…
Uống đủ nước
Uống đủ nước là một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì sức khỏe tiêu hóa và ngăn ngừa tình trạng táo bón sau sinh. Nước không chỉ hỗ trợ chức năng tiêu hóa mà còn giúp cơ thể hoạt động hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn hồi phục sau sinh.
Để bổ sung nước hiệu quả, thay vì chờ đến khi khát mới uống, mẹ nên uống nước đều đặn trong suốt cả ngày. Có thể thiết lập thói quen uống nước sau mỗi giờ hoặc sau mỗi bữa ăn. Ngoài nước lọc, mẹ có thể bổ sung nước từ các loại đồ uống khác như trà thảo mộc, nước ép trái cây tươi, nước dừa, hoặc canh. Tuy nhiên, nên tránh đồ uống có ga và đồ uống chứa caffeine.
Lưu ý: Tránh uống quá nhiều nước trong một lần, uống từ từ trong suốt cả ngày giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn. Mẹ nên lắng nghe cơ thể mình và điều chỉnh lượng nước phù hợp với mức độ hoạt động và thời tiết. Trong những ngày nắng nóng hoặc khi tập luyện thể thao, cần uống nhiều nước hơn.
Giữ thói quen vận động
Mẹ bầu và sau khi sinh vận động nhẹ nhàng có thể kích thích nhu động ruột, cải thiện lưu thông máu và giải tỏa căng thẳng. Các hoạt động thể chất phù hợp bao gồm đi bộ, yoga cho mẹ bầu/mẹ sau sinh, bài tập với bé.
Mẹ nên cố gắng dành ít nhất 20-30 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất nhẹ nhàng để phòng ngừa táo bón sau sinh.
⇒ Có thể bạn quan tâm: Táo bón khi mang thai
VI. Giải đáp thắc mắc về táo bón sau sinh
Táo bón sau sinh khiến các mẹ cảm giác rất khó chịu, mệt mỏi ảnh hưởng đến việc chăm sóc bé yếu. Có rất nhiều thắc mắc về chứng táo bón sau sinh được các mẹ đặt ra và chúng tôi sẽ giải đáp ngay dưới đây:
1. Sau sinh bị táo bón có nên rặn?
Rặn là phản xạ tự nhiên của con người khi muốn đi ngoài. Tuy nhiên, với mẹ sau sinh bị táo bón, nếu rặn quá nhiều và thường xuyên khi đi đại tiện có thể làm hỏng các mạch máu trong trực tràng gây bệnh trĩ.
Do đó, các mẹ nên tìm cách khắc phục chứng táo bón để hạn chế hành động rặn khi đi vệ sinh nhé!
2. Táo bón sau sinh nên ăn gì để dễ đi ngoài?
Chế độ ăn uống của mẹ sau sinh nên đa dạng để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong chế độ ăn của mẹ sau sinh bị táo bón, các mẹ nên tăng cường ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và giúp tăng cường hệ tiêu hóa như:
- Mận, chuối, táo, kiwi, táo, lê, bơ, đu đủ…
- Bông cải xanh, cà rốt, cải xoăn, súp lơ, mồng tơi, rau đay…
- .Đậu lăng, hạt chia, hạt lanh
- Yến mạch, lúa mì nguyên cám
- Sữa chua
- Dầu oliu, dầu dừa
- Mật ong
3. Táo bón sau sinh kiêng ăn gì?
Một số thực phẩm, đồ ăn và thức uống có thể khiến tình trạng táo bón ở mẹ sau sinh nghiêm trọng hơn như: đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, bia rượu, cà phê, nước trà đặc…
4. Táo bón sau sinh có nên thụt?
Thụt rửa có thể là một phương pháp điều trị táo bón sau sinh nhưng cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ. Mẹ nên ưu tiên các biện pháp tự nhiên và an toàn trước khi xem xét phương pháp này.
Trước khi quyết định thụt rửa, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe và chỉ định phương pháp phù hợp. Thụt rửa không đúng cách hoặc quá thường xuyên có thể gây tổn thương cho niêm mạc trực tràng, làm mất cân bằng điện giải, và thậm chí dẫn đến phụ thuộc vào phương pháp này để đi tiêu.
5. Táo bón sau sinh có nguy hiểm không?
Táo bón sau sinh tuy không phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe
- Chấn thương hậu môn: Rách hoặc nứt hậu môn có thể dẫn đến chảy máu và nhiễm trùng, gây đau đớn và cần điều trị y tế.
- Trĩ: Táo bón kéo dài có thể gây trĩ, một tình trạng có thể làm mẹ cảm thấy không thoải mái và gây khó khăn trong việc ngồi hoặc đi lại.
- Nhiễm trùng: Nếu có rách ở hậu môn, có nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Táo bón sau sinh thường là do người mẹ có nhiều thay đổi trong thai kỳ và sau quá trình sinh nở. Đa phần các trường hợp bị táo bón sau sinh sẽ tự biến mất hoặc cải thiện sau khi mẹ khắc phục tại nhà thông qua chế độ ăn uống và vận động. Nếu bị táo bón kéo dài, mẹ nên đi thăm khám ngay nhé!
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...