Táo bón sau sinh khiến sản phụ khó chịu, thậm chí đau đớn và gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Táo bón sau sinh kéo dài có thể gây nhiều biến chứng khó lường như són phân, sói tiểu, sa trực tràng, ứ phân hay bệnh trĩ.
Mục lục
- I. Táo bón sau sinh là gì?
- II. Dấu hiệu nhận biết mẹ sau sinh bị táo bón
- III. Nguyên nhân gây táo bón sau sinh
- IV. Táo bón sau sinh có nguy hiểm không?
- V. Táo bón sau sinh khi nào cần thăm khám?
- VI. Phương pháp chẩn đoán táo bón sau sinh
- VII. Cách chữa táo bón sau sinh hiệu quả – an toàn
- VIII. Giải đáp thắc mắc về táo bón sau sinh
I. Táo bón sau sinh là gì?
Táo bón sau sinh là vấn đề phổ biến ở nhiều mẹ sau sinh. Đây là tình trạng táo bón chức năng, sản phụ thường đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần, kèm theo đó là tình trạng khó khăn khi đi đại tiện và đau rát hậu môn do phân cứng.
Táo bón sau sinh khiến người mẹ cảm thấy mệt mỏi, nặng nề, cảm giác bụng luôn đầy. Đáng nói, táo bón sau sinh còn là một trong các nguyên nhân gây bệnh trĩ ở mẹ sau sinh.
II. Dấu hiệu nhận biết mẹ sau sinh bị táo bón
Để biết mình có bị táo bón sau sinh hay không, các mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu nhận biết dưới đây:
- Đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần.
- Khó khăn khi đi đại tiện.
- Phân khô cứng, vón cục, khó đẩy ra ngoài.
- Chướng bụng, mót rặn, đau bụng nhiều lần.
- Phân lẫn máu hoặc đại tiện ra máu.
- Muốn đi tiếp ngay sau khi đi đại tiện.
III. Nguyên nhân gây táo bón sau sinh
Tình trạng táo bón sau sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó các nguyên nhân phổ biến là:
1. Vết thương sau sinh
Sinh mổ hay sinh thường đều để lại vết thương sau sinh. Điều này khiến các mẹ ngại đi vệ sinh và thường xuyên nín nhịn lâu ngày dẫn đến táo bón.
Không chỉ vậy, cơ thắt hậu môn co thắt chặt và việc rặn trong khi sinh thường có thể làm căng hoặc hỏng cơ sàn chậu cũng như cơ vòng hậu môn. Hậu quả là khiến phân khó ra ngoài và mẹ bị táo bón.
2. Mất nước, chế độ ăn uống thay đổi
Việc chăm sóc em bé quá bận rộn với các công việc không tên khiến các mẹ ăn uống thất thường. Kết hợp với việc uống không đủ nước khiến cơ thể bị mất nước gây ảnh hưởng đến nhu động ruột và gây táo bón.
3. Thay đổi giờ sinh học
Giờ giấc sinh hoạt của mẹ sau sinh phụ thuộc vào em bé. Mẹ thường xuyên phải dậy cho bé ăn, thay tã bỉm và kiểm tra em bé nên bị thiếu ngủ, mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài có thể khiến mẹ bị căng thẳng ảnh hưởng không tốt tới hoạt động tiêu hóa gây táo bón.
4. Ít vận động
Việc chăm sóc em bé chiếm nhiều thời gian khiến mẹ thiếu ngủ, mệt mỏi nên ít có thời gian tập luyện, vận động. Điều này khiến quá trình tiêu hóa bị chậm lại, ruột ít vận động nên dẫn đến táo bón ở mẹ sau sinh.
5. Dùng thuốc sau sinh
Một số mẹ sau sinh sử dụng thuốc giảm đau có thể bị táo bón do tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, một số loại thuốc kháng sinh cũng có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy.
6. Vitamin sau sinh
Việc bổ sung vitamin sau sinh là cần thiết để cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho người mẹ. Tuy nhiên, đây cũng có thể là nguyên nhân gây táo bón sau sinh.
7. Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác gây tình trạng mẹ sau sinh bị táo bón gồm:
- Những thay đổi về nội tiết tố từ khi mang thai và sau khi sinh có thể làm chậm chức năng của ruột.
- Các loại thuốc, nhất là thuốc gây mê toàn thân có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, gây chứng táo bón sau sinh.
- Thiếu ngủ và lo lắng có thể làm tăng đột biến các hormone căng thẳng như cortisol. Lượng hormone căng thẳng cao có thể gây rối loạn tiêu hóa dẫn đến táo bón hoặc tiêu chảy sau sinh ở một số mẹ.
IV. Táo bón sau sinh có nguy hiểm không?
Chứng táo bón sau sinh có thể tự biến mất sau khoảng 3 – 6 tháng hoặc thuyên giảm mẹ thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu mẹ bị táo bón kèm một số dấu hiệu bất thường như: phân dính chất chầy, máu thì có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý.
Bên cạnh đó, trường hợp mẹ bị táo bón xen kẽ tiêu chảy kéo dài cũng nên đi khám vì đây có thể là triệu chứng của bệnh đại tràng hoặc một cơ quan tiêu hóa nào đó đang gặp vấn đề.
Theo các chuyên gia sức khỏe, mẹ sau sinh bị táo bón tốt nhất nên chủ động thăm khám sớm để được điều trị kịp thời. Việc điều trị muộn và để táo bón kéo dài dai dẳng có thể gây nhiều biến chứng khó lường như:
- Són phân: Táo bón kéo dài khiến ruột không thể loại bỏ chất thải và có thể bị đầy đến phân tự đào thải ra ngoài.
- Són tiểu: Việc rặn liên tục do táo bón khiến các cơ sàn chậu bị suy yếu khiến mẹ đi tiểu không tự chủ, nhất là khi ho, cười hoặc hắt xì.
- Sa trực tràng: Nguyên nhân là do mẹ cố gắng đi đại tiện nhiều lần khiến một phần niêm mạc trực tràng sa ra ngoài hậu môn.
- Ứ phân: Là tình trạng trực tràng đầy phân khiến các cơ của ruột không thể đẩy nó ra ngoài.
- Bệnh trĩ: Rặn quá nhiều khi bị táo bón có thể làm hỏng các mạch máu trong trực tràng gây bệnh trĩ.
V. Táo bón sau sinh khi nào cần thăm khám?
Táo bón ở phụ nữ sau sinh có thể tự biến mất hoặc cải thiện sau khi mẹ thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt. Nhưng nếu tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn hoặc có các triệu chứng dưới đây, các mẹ nên đi khám ngay:
- Không đi ngoài được sau hơn 3 ngày sinh con.
- Buồn đi ngoài liên tục nhưng không thể đi.
- Phân có lẫn máu hoặc chất nhầy.
- Táo bón xen kẽ với tiêu chảy.
- Chảy máu trực tràng, đau trực tràng dữ dội.
- Đau ở vùng đáy chậu.
- Đau và sưng phồng lên trong âm đạo hoặc âm hộ.
- Đau bụng dữ dội, không cắt được cơn đau.
VI. Phương pháp chẩn đoán táo bón sau sinh
Chẩn đoán táo bón cho mẹ sau sinh cũng tương tự như với táo bón ở người bình thường. Các phương pháp chẩn đoán gồm:
1. Chẩn đoán lâm sàng
Dựa trên tiêu chuẩn Rome IV, người bệnh được chẩn đoán bị táo bón mạn tính khi có ít nhất 2 trong số các triệu chứng dưới đây và kéo dài từ 2-3 tháng trở lên:
- Số lần đi ngoài ít hơn 3 lần/1 tuần.
- 25% số lần đi ngoài có hiện tượng khó đi.
- 25% số lần ngoài có cảm giác không hết phân
- 25% số lần ngoài có hiện tượng phân rắn..
- 25% số lần đi ngoài có cảm giác tắc hoặc hẹp ống hậu môn trực tràng.
- 25% số lần đi ngoài phải hỗ trợ bằng tay.
2. Chẩn đoán nội soi
Nội soi trực tràng và đại tràng sigma có thể được bác sĩ chỉ định khi chẩn đoán táo bón cho mẹ sau sinh. Mục đích là để phát hiện các tổn thương gây hẹp, tắc nghẽn lòng, sinh thiết tổn thương và cắt các polyp qua nội soi.
3. Chẩn đoán hình ảnh
- Chup X-quang bụng: Sử dụng khi táo bón xuất hiện sớm ngay sau sinh và kéo dài.
- Chụp lưu thông ruột: Được chỉ định khi mẹ sau sinh mắc chứng táo bón mạn tính không đáp ứng với điều trị bằng thuốc nhuận tràng.
VII. Cách chữa táo bón sau sinh hiệu quả – an toàn
Khi tình trạng táo bón kéo dài, tốt nhất các mẹ nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân để tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
1. Điều trị tại nhà
Sử dụng thuốc điều trị táo bón thường không được áp dụng với sản phụ, đặc biệt là các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó, để cải thiện táo bón, các mẹ sau sinh có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:
1.1. Thay đổi chế độ ăn uống
Một số thay đổi trong chế độ ăn uống mẹ sau sinh bị táo bón nên tham khảo và áp dụng là:
- Tăng cường chất xơ: Đảm bảo ăn uống đa dạng và đủ dinh dưỡng nhưng cố gắng tăng cường chất xơ. Thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên cám, rau củ (mồng tơi, rau đay, cà rốt, súp lơ), hoa quả (táo, đu đủ, bơ, lê)… giúp phân mềm hơn để mẹ đi đại tiện dễ dàng mà không phải gắng sức rặn.
- Chế biến thức ăn dạng lỏng, mềm: Giúp dễ tiêu hóa, giảm áp lực lên hệ tiêu hóa và dạ dày.
- Ăn nhiều bữa nhỏ: Thay vì ăn no trong 3 bữa chính, mẹ sau sinh bị táo bón nên chia thành 5-6 bữa. Điều này giúp giảm bớt áp lực lên hệ tiêu hóa, ngăn chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.
- Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế: Gồm đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, chất kích thích…
2. Rèn luyện thói quen đi đại tiện
Rèn luyện thói quen đi đại tiện tốt vừa giúp cải thiện táo bón vừa hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Một vài nguyên tắc khi đi đại tiện các mẹ cần nắm được đó là:
- Đi vệ sinh đúng giờ: Hình thành thói quen đại tiện vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày và duy trì để giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru.
- Ngồi đúng tư thế: Tư thế ngồi tốt nhất khi đi đại tiện là ngồi xổm. Tuy nhiên, đa số các gia đình hiện nay dùng bồn cầu bệt. Để khắc phục, khi đi đại tiện các mẹ có thể kê một chiếc ghế nhỏ dưới chân.
- Không nhịn đại tiện: Khi muốn đi đại tiện, mẹ nên đi ngay. Thường xuyên nhịn đại tiện khiến phân bị ứ đọng và khô cứng làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón.
- Không ngồi quá lâu: Không nên vừa đi ngoài vừa xem điện thoại, đọc báo hay đọc truyền. Vì nếu ngồi quá lâu sẽ tạo áp lực lớn lên các tĩnh mạch ở hậu môn, dẫn đến táo bón, nặng hơn là bệnh trĩ.
1.3. Uống đủ nước
Mẹ sau sinh cần uống nhiều nước hơn người bình thường để tăng cường tạo sữa cho con bú. Thiếu nước khiến phân khô cứng và làm nặng thêm chứng táo bón.
Bên cạnh nước lọc, mẹ sau sinh có thể uống bổ sung nước ép hoa quả, nước ép rau củ, sữa, nước canh để cơ thể được bổ sung đầy đủ nước. Lượng nước mẹ cần uống 1 ngày là từ khoảng 2,5 đến 3 lít theo khuyến nghị của các chuyên gia.
1.4. Giữ tinh thần vui vẻ, tích cực
Căng thẳng, stress sau sinh là vấn đề khó tránh khỏi khi cuộc sống của người mẹ có quá nhiều thay đổi. Tâm lý không tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tiêu hóa dẫn đến táo bón.
Vì vậy, để cải thiện tình trạng táo bón, mẹ sau sinh hãy cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, tích cực, cố gắng dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để để hạn chế tối đa nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.
1.5. Vận động nhẹ nhàng
Vẫn biết sau sinh các mẹ rất mệt mỏi và hầu như không có thời gian cho bản thân. Tuy nhiên, nếu có thể mẹ hãy cố gắng đi lại và vận động nhẹ nhàng vừa giúp hồi phục sức khỏe vừa giúp nhu động ruột vận động tốt hơn, giảm nguy cơ táo bón.
2. Điều trị bằng thuốc
Trường hợp đã thay đổi chế độ ăn uống và lối sống theo hướng tích cực nhưng tình trạng táo bón sau sinh không cải thiện, mẹ sau sinh nên nhờ bác sĩ tư vấn để chọn được loại thuốc chữa táo bón phù hợp.
Một số loại thuốc nhuận tràng ít hấp thu vào máu như lactulose, macrogol,sorbitol, bisacodyl, docusate… có thể được bác sĩ chỉ định cho mẹ sau sinh cho con bú.
Lưu ý: Các mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về uống khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ, nhất là với các mẹ sau sinh nuôi con bằng sữa mẹ.
VIII. Giải đáp thắc mắc về táo bón sau sinh
Táo bón sau sinh khiến các mẹ cảm giác rất khó chịu, mệt mỏi ảnh hưởng đến việc chăm sóc bé yếu. Có rất nhiều thắc mắc về chứng táo bón sau sinh được các mẹ đặt ra và chúng tôi sẽ giải đáp ngay dưới đây:
1. Táo bón sau sinh có tự khỏi không?
Trong đa số các trường hợp, hiện tượng táo bón sau sinh sẽ tự biến mất và thường đáp ứng tốt sau khi mẹ thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt hàng ngày.
Trường hợp táo bón không tự khỏi và thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp cải thiện, các mẹ nên đến gặp bác sĩ chuyên gia để được thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp.
2. Táo bón sau sinh bao lâu thì hết?
Chứng táo bón sau sinh có thể tự biến mất sau khoảng 3 – 6 tháng hoăc khi mẹ thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, một số mẹ có thể bị táo bón đến 12 tháng sau sinh.
3. Sau sinh bị táo bón có nên rặn?
Rặn là phản xạ tự nhiên của con người khi muốn đi ngoài. Tuy nhiên, với mẹ sau sinh bị táo bón, nếu rặn quá nhiều và thường xuyên khi đi đại tiện có thể làm hỏng các mạch máu trong trực tràng gây bệnh trĩ.
Do đó, các mẹ nên tìm cách khắc phục chứng táo bón để hạn chế hành động rặn khi đi vệ sinh nhé!
4. Táo bón sau sinh nên ăn gì để dễ đi ngoài?
Chế độ ăn uống của mẹ sau sinh nên đa dạng để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong chế độ ăn của mẹ sau sinh bị táo bón, các mẹ nên tăng cường ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như súp lơ, mồng tơi, rau đay, cà rốt, táo, lê, bơ, đu đủ… để dễ đi ngoài hơn.
5. Táo bón sau sinh kiêng ăn gì?
Một số thực phẩm, đồ ăn và thức uống có thể khiến tình trạng táo bón ở mẹ sau sinh nghiêm trọng hơn như: đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, bia rượu, cà phê, nước trà đặc…
6. Thuốc trị táo bón cho mẹ sau sinh?
Thuốc nhuận tràng thường được bác sĩ chỉ định trong điều trị táo bón sau sinh. Một số loại thuốc nhuận tràng ít hấp thu vào máu như lactulose, macrogol,sorbitol, bisacodyl, docusate… có thể được bác sĩ chỉ định cho mẹ sau sinh cho con bú.
7. Phòng ngừa táo bón sau sinh bằng cách nào?
Mẹ sau sinh có thể chủ động phòng ngừa nguy cơ táo bón bằng một số cách như: uống đủ 2,5 đến 3 lít nước/ngày; tăng cường thực phẩm giàu chất xơ; vận động phù hợp…
Táo bón sau sinh thường là do người mẹ có nhiều thay đổi trong thai kỳ và sau quá trình sinh nở. Đa phần các trường hợp bị táo bón sau sinh sẽ tự biến mất hoặc cải thiện sau khi mẹ khắc phục tại nhà thông qua chế độ ăn uống và vận động. Nếu bị táo bón kéo dài, mẹ nên đi thăm khám ngay nhé!
Có thể bạn quan tâm:
Chưa có bình luận!