Hội chứng ruột kích thích ở trẻ em thường rất khó xác định vì hầu hết trẻ không biết cách diễn tả chính xác các triệu chứng mình đang gặp phải. Vì vậy, bố mẹ cần trang bị những kiến thức về hội chứng này để chăm sóc con tốt hơn.
Mục lục
- I. Hội chứng ruột kích thích ở trẻ em là gì?
- II. Triệu chứng nhận biết hội chứng ruột kích thích ở trẻ em
- III. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích ở trẻ
- IV. Phương pháp chẩn đoán trẻ bị hội chứng ruột kích thích
- V. Cách điều trị hội chứng ruột kích thích ở trẻ
- VI. Hội chứng ruột kích thích ở trẻ có nguy hiểm không?
- VII. Giải pháp phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
I. Hội chứng ruột kích thích ở trẻ em là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) ở trẻ em là một rối loạn chức năng tiêu hóa gây đau bụng và khó chịu. Theo thống kế, có khoảng 5 đến 20% trẻ mắc hội chứng ruột kích thích, trong khi đó con số này ở người trưởng thành là 1%.
Trẻ em mắc tiền sử đau bụng tái phát nhiều lần có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích ở tuổi vị thành niên và trưởng thành cao hơn so với trẻ có sức khỏe bình thường.
II. Triệu chứng nhận biết hội chứng ruột kích thích ở trẻ em
Triệu chứng phổ biến khi trẻ bị kích thích ruột là đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Một số trẻ có thể bị đầy hơi, táo bón hoặc đi tiêu chảy không ngừng khiến trẻ vô cùng khó chịu.
Tùy thuộc vào cơ địa mà trẻ em bị mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) có nhiều biểu hiện khác nhau. Một số biểu hiện phổ biến gồm:
- Trẻ bị đau bụng liên tục trên 3 tháng.
- Thói quen đi tiêu thay đổi: tiêu chảy, táo bón.
- Trào ngược dạ dày thực quản (ở trẻ dưới 2 tuổi).
- Đau bụng ở trẻ sơ sinh (dưới 4 tháng tuổi).
- Tiêu chảy mạn tính không đặc hiệu (ở trẻ dưới 4 tuổi).
- Táo bón (ở mọi lứa tuổi).
- Bụng khó chịu, buồn nôn.
- Chóng mặt.
- Đầy hơi, chướng bụng.
- Nổi cục cứng ở bụng.
- Chuột rút.
- Nghe rõ âm thanh của rối loạn nhu động ruột.
- Cảm giác đi tiêu không hết phân.
- Phân có lẫn chất nhầy.
III. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích ở trẻ
Nguyên nhân khiến trẻ bị kích thích ruột hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng và chính xác. Dưới đây là một số yếu tố thể làm tăng nguy cơ mắc IBS ở trẻ:
- Căng thẳng và khó chịu: Khiến tốc độ hoạt động của ruột già nhanh hơn và chậm hoạt động ở dạ dày.
- Di truyền: Trẻ có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn nếu bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ đều mắc chứng rối loạn này.
- Hại khuẩn: Quá nhiều hại khuẩn phát triển trong ruột cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này.
- Ăn uống không khoa học: Chế độ ăn uống của trẻ có nhiều chất béo, đồ cay nóng.
IV. Phương pháp chẩn đoán trẻ bị hội chứng ruột kích thích
Để chẩn đoán trẻ có bị mắc hội chứng ruột kích thích không, bác sĩ có thể sẽ sử dụng cả phương pháp chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng. Cụ thể:
1. Thăm khám lâm sàng
Bác sĩ thực hiện sàng lọc lâm sàng các triệu chứng thường thấy ở trẻ bị kích thích ruột. Đồng thời theo dõi các biểu hiện đi kèm để có chẩn đoán chính xác hơn như:
- Sút cân.
- Nôn mửa.
- Sốt không lý do.
- Tiêu chảy ra máu.
- Chậm phát triển.
- Gan to.
2. Thăm khám cận lâm sàng
Một số xét nghiệm cận lâm sàng giúp kiểm tra viêm và nhiễm trùng gồm:
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra xem trẻ có bị nhiễm trùng, thiếu máu, bị bệnh do viêm hay kích ứng không.
- Xét nghiệm phân: Kiểm tra ký sinh trùng và vi khuẩn có thể gây tiêu chảy
- Xét nghiệm phát hiện máu ẩn trong phân: Để xác định viêm nhiễm, tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa và giúp chẩn đoán loại trừ.
- Thử nghiệm dung nạp lactose (lactose tolerance test): Kiểm tra xem trẻ có mắc chứng không dung nạp lactose hay không
- Nội soi: Giúp kiểm tra các tổn thương niêm mạc ruột.
V. Cách điều trị hội chứng ruột kích thích ở trẻ
Y học hiện vẫn chưa tìm ra được thuốc đặc trị hội chứng này, mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống
Bố mẹ có thể hỗ trợ kiểm soát và phòng ngừa hội chứng này xuất hiện bằng một số biện pháp dưới đây:
- Thay đổi khẩu phần ăn theo chế độ FODMAP, tức là giảm các carbohydrate khó tiêu ra khỏi thực đơn ăn uống.
- Bổ sung lợi khuẩn nếu trẻ liên tục bị các triệu chứng này.
- Áp dụng liệu pháp chăm sóc sức khỏe tâm lý và tinh thần
- Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm kích thích hệ tiêu hóa như: thực phẩm giàu chất béo; sữa và các chế phẩm từ sữa có lactose (đối với trẻ không dung nạp lactose); caffeine, chất làm ngọt nhân tạo..
- Nên chia nhỏ bữa ăn của trẻ, tránh để trẻ ăn quá no dẫn đến quá tải dinh dưỡng.
Trường hợp trẻ bị các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, táo bón kéo dài bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau để điều trị tạm thời. Tuy nhiên, giải pháp tối ưu nhất với trẻ bị hội chứng ruột kích thích vẫn là hạn chế tối đa các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này.
VI. Hội chứng ruột kích thích ở trẻ có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích ở trẻ không phải là một bệnh nguy hiểm. Đa số trẻ mắc bệnh được phát hiện ở mức độ nhẹ, rất hiếm các trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất.
Ở một số trường hợp trẻ bị hội chứng ruột kích thích nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau khi điều chỉnh chế độ ăn uống mà không cần điều trị bằng thuốc. Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc hội chứng ruột kích thích hoặc được chẩn đoán bệnh, bố mẹ nên tiến hành điều trị ngay cho con. Tuyệt đối không nên chủ quan làm các triệu chứng nặng thêm và kéo dài, ảnh hưởng đến những cơ quan trong hệ tiêu hóa khác.
VII. Giải pháp phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
Vì nguyên nhân chính xác gây hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được xác định nên cách tối ưu nhất để phòng tránh hội chứng ruột kích thích ở trẻ bảo vệ sức khỏe tiêu hóa và phòng tránh tất cả các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa luôn ở tình trạng ổn định sẽ hạn chế nguy cơ mắc các bệnh liên quan, trong đó có hội chứng ruột kích thích.
Để chủ động phòng tránh hội chứng ruột kích thích, bố mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống và dinh dưỡng cho trẻ khoa học. Cụ thể là:
- Hạn chế tối đa tình trạng bỏ bữa, nhịn đói, ăn uống thất thường và không điều độ
- Nên ăn chậm và nhai kỳ, không nên ăn quá nhanh.
- Hạn chế tiêu thụ những thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn, thức ăn đóng hộp.
- Hạn chế uống nước ngọt có gas, không uống rượu bia.
- Hạn chế các loại hoa quả có hàm lượng fructose cao như: nho, táo, chuối, dưa đỏ, mía, mận. Không nên ăn quá 240g/ngày.
- Khuyến khích trẻ ăn nhiều hoa quả, rau củ, thực phẩm nhiều chất xơ, sữa chua có lợi khuẩn để ruột hoạt động đúng cách.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, tránh cơ thể bị thiếu nước.
- Bổ sung cho trẻ các vi khoáng chất thiết yếu như Lysine, kẽm, crom, selen, vitamin B1… để hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất.
Hội chứng ruột kích thích ở trẻ với các triệu chứng khó chịu có thể ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, trẻ thiếu tự tin và bị kém hấp thu dưỡng chất dẫn đến sụt cân. Với trẻ bị hội chứng ruột kích thích, sự đồng hành của bố mẹ là cần thiết để con làm quen và thích nghi.
Hy vọng với những thông tin ở trên, bố mẹ đã có thêm thông tin và kiến thức về hội chứng ruột kích thích ở trẻ. Từ đó, biết cách chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng phù hợp để trẻ thoát khỏi các triệu chứng khó chịu do hội chứng ruột kích thích gây ra.
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...