Nứt kẽ hậu môn sau sinh: Nguyên nhân và cách điều trị

“Nứt kẽ hậu môn sau sinh” được nhiều mẹ gọi vui là ‘nỗi đau thầm lặng sau sinh’. Đó là cơn đau cứa như dao mỗi lần đi vệ sinh, là cảm giác sợ hãi khi ngồi xuống, là những vết nứt nhỏ nhưng khiến mẹ bỉm ăn không ngon, ngủ không yên. Nhưng điều đáng nói hơn là rất nhiều mẹ không biết mình đang mắc phải. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị nứt hậu môn sau sinh để mẹ phục hồi nhanh chóng, không còn khổ sở vì tình trạng này.

I. Nguyên nhân nứt kẽ hậu môn sau sinh

“Đi vệ sinh sau sinh còn đau hơn cả lúc vượt cạn” – đó là lời tâm sự của một người mẹ khi nhắc đến những ngày đầu sau sinh bé đầu lòng. Nứt kẽ hậu môn là kết quả của chuỗi áp lực cơ học, thay đổi nội tiết và sai lầm trong sinh hoạt – tất cả đều xảy ra sau một cuộc vượt cạn gian nan.

Nguyên nhân nứt kẽ hậu môn sau sinh

Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn sau sinh là do táo bón, hậu môn bị co thắt đột ngột trong quá trình sinh tự nhiên…

 1. Táo bón

Táo bón là nguyên nhân hàng đầu gây nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh. 

Sau sinh, nhiều mẹ gặp phải rối loạn tiêu hóa sau sinh như táo bón, tiêu chảy, đầy bụng  do mất nước, ăn uống thất thường, ít vận động…khiến phân cứng và to. Việc đi vệ sinh trở nên khó khăn, tạo áp lực lớn lên vùng hậu môn đã yếu sau sinh, dẫn đến nứt rách niêm mạc. Vết nứt vì thế mà từ nhỏ hóa to, từ đau nhẹ thành đau buốt.

2. Áp lực lên vùng hậu môn khi sinh thường

Trong quá trình sinh thường, cơ thể mẹ phải dùng toàn bộ lực để rặn em bé ra ngoài. Áp lực này không chỉ tác động lên tử cung mà còn lan xuống cơ vòng hậu môn và các mô xung quanh. Trong quá trình đó, các mao mạch nhỏ, niêm mạc hậu môn có thể bị căng giãn, rách nhẹ, tạo thành vết nứt.

3. Tăng áp lực ổ bụng khi mang thai

Suốt 9 tháng mang thai, tử cung phát triển tạo áp lực ngày càng lớn lên các cơ quan trong ổ bụng, bao gồm cả hệ tiêu hóa và vùng hậu môn. Vùng cơ vòng bị kéo giãn, sức ép từ thai kỳ khiến hậu môn dễ tổn thương – và nứt kẽ hậu môn chỉ là một hệ quả trong chuỗi thay đổi đó.

4. Suy giảm miễn dịch sau sinh

Sau khi sinh, hệ miễn dịch của người mẹ thường bị suy giảm tạm thời, làm chậm quá trình lành vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các tổn thương nhỏ ở vùng hậu môn, khiến chúng dễ phát triển thành nứt kẽ hậu môn.

5. Ảnh hưởng từ thủ thuật sinh nở

Các thủ thuật hỗ trợ sinh như forceps (kẹp), giác hút, hay thậm chí là rạch tầng sinh môn đều có thể gây tổn thương gián tiếp đến vùng hậu môn. Những tổn thương này kết hợp với các yếu tố khác như táo bón sẽ làm tăng nguy cơ nứt kẽ hậu môn sau sinh.

II. Biểu hiện & Chẩn đoán

Nứt kẽ hậu môn là một trong những vấn đề thường gặp trong quá trình chăm sóc hậu sản mà nhiều mẹ bỉm chưa được hướng dẫn kỹ. Việc hiểu đúng và điều trị kịp thời không chỉ giúp mẹ dễ chịu hơn mà còn hỗ trợ phục hồi toàn diện sau sinh.

Biểu hiện & Chẩn đoán nứt kẽ hậu môn

1. Biểu hiện

Nứt kẽ hậu môn sau sinh thường biểu hiện qua các triệu chứng đặc trưng sau:

  • Đau nhói, rát buốt khi đi đại tiện, cảm giác như có kính vỡ cắt vào vùng hậu môn
  • Đau kéo dài từ vài phút đến vài giờ sau khi đi vệ sinh
  • Có máu tươi dính trên giấy vệ sinh hoặc nhỏ giọt xuống bồn cầu
  • Ngứa, khó chịu vùng hậu môn
  • Tránh đi vệ sinh do sợ đau, dẫn đến táo bón nặng hơn
  • Nhìn bằng mắt thường thấy có thể thấy vết rách ở vùng hậu môn.
  • Ở cạnh vết nứt có mẩu da thừa.
  • Cảm giác đau hoặc rát khi ngồi

2. Những lầm tưởng thường gặp khi bị nứt kẽ hậu môn sau sinh

2.1 Nhầm lẫn với bệnh trĩ

“Thấy chảy máu khi đi vệ sinh, chắc là trĩ rồi…” – Đây là lầm tưởng phổ biến nhất. Thực tế, trĩ sau sinh và nứt kẽ hậu môn đều gây chảy máu hậu môn, đau rát khi đi ngoài.

Tuy nhiên, hai bệnh này hoàn toàn khác nhau

Nứt kẽ hậu môn Trĩ
Đau như dao cắt, buốt Âm ỉ, nặng vùng hậu môn
Vài giọt, tươi, trên giấy Có thể nhỏ giọt hoặc thành tia
Không có khối lòi ra Có búi trĩ lồi ra ngoài

2.2 Nghĩ là do ăn nóng, ăn cay

Một lầm tưởng phổ biến là cho rằng nứt kẽ hậu môn sau sinh là do ăn thức ăn cay nóng. Thực tế, dù chế độ ăn có thể làm nặng thêm các triệu chứng, nhưng nguyên nhân chính vẫn là các yếu tố như táo bón và tổn thương từ quá trình sinh nở.

2.3 Cố nhịn đi vệ sinh để “vết nứt có thời gian lành”

Nhiều bà mẹ cố tình nhịn đi vệ sinh với hy vọng vết nứt sẽ lành lại. Đây là sai lầm nghiêm trọng vì nhịn đi vệ sinh chỉ khiến táo bón nặng hơn, phân cứng hơn và gây tổn thương lớn hơn khi cuối cùng phải đi vệ sinh.

2.4 Dùng mẹo dân gian không đúng cách

Sử dụng các mẹo dân gian như ngâm nước muối, bôi nghệ hoặc các loại dầu không được kiểm chứng có thể gây kích ứng, nhiễm trùng và làm chậm quá trình lành vết thương. Thậm chí, một số trường hợp còn trở nên nặng hơn sau khi tự điều trị tại nhà.

3. Các phương pháp chẩn đoán chính xác

Các phương pháp chẩn đoán chính xác

3.1 Nội soi hậu môn

Nội soi hậu môn là phương pháp đơn giản, không gây đau và hiệu quả để chẩn đoán nứt kẽ hậu môn. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên biệt để quan sát trực tiếp niêm mạc hậu môn, xác định vị trí, kích thước và mức độ nghiêm trọng của vết nứt.

3.2 Nội soi đại tràng

Trong một số trường hợp, nếu nghi ngờ có vấn đề khác liên quan đến đại tràng hoặc nứt kẽ hậu môn tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể chỉ định nội soi đại tràng để kiểm tra kỹ hơn. Phương pháp này giúp loại trừ các bệnh lý khác như viêm đại tràng, polyp hoặc ung thư đại trực tràng.

III. Nứt kẽ hậu môn sau sinh có nguy hiểm không?

Nứt kẽ hậu môn sau sinh thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng không nên xem nhẹ. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại:

  • Nhiễm trùng vết nứt, dẫn đến áp xe hậu môn
  • Nứt kẽ hậu môn mãn tính, khó điều trị
  • Đau mãn tính, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày
  • Táo bón nặng do sợ đau khi đi vệ sinh
  • Ảnh hưởng tâm lý, gây căng thẳng, lo âu và thậm chí trầm cảm sau sinh

IV. Cách điều trị nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh

Điều trị nứt kẽ hậu môn sau sinh cần phối hợp nhiều phương pháp, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Điều quan trọng là bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt để tránh tình trạng mãn tính hóa.

1. Điều trị bằng thuốc

Cách chữa nứt hậu môn sau sinh bằng thuốc, không phẫu thuật thường được bác sĩ chỉ định với các sản phụ bị nứt kẽ hậu môn sau sinh lành tính. Một số loại thuốc điều trị gồm: 

  • Thuốc làm mềm phân để làm giảm triệu chứng đau và chảy máu. 
  • Sử dụng một số loại thuốc mỡ thoa tại chỗ thuộc nhóm Nitroglycerin hoặc ức chế calci có tác dụng làm giãn cơ vòng trong, tăng tưới máu vùng nứt.
chữa nứt hậu môn sau sinh bằng thuốc

Bác sĩ chỉ định thuốc làm mềm phân, thuốc bôi với tình trạng lành tính

2. Điều trị bằng phẫu thuật

Trường hợp sản phụ sau sinh bị nứt kẽ hậu môn đã điều trị bằng thuốc nhưng không có hiệu quả hoặc cải thiện thì bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành phẫu thuật. Một phần bên cơ vòng trong ống hậu môn sẽ được cắt đi với tỷ lệ thành công lên đến 90%.

  • Phẫu thuật cắt cơ thắt nội hậu môn (LIS – Lateral Internal Sphincterotomy): Đây là phương pháp phổ biến nhất, cắt một phần nhỏ cơ thắt hậu môn để giảm áp lực, giúp vết nứt lành nhanh hơn
  • Phẫu thuật tạo hình hoặc cắt bỏ vết nứt: Áp dụng cho các trường hợp nứt kẽ mãn tính có mô sẹo hoặc polyp canh
  • Tiêm Botox: Làm giãn cơ thắt tạm thời, giảm áp lực và tạo điều kiện cho vết nứt lành
Tìm hiểu thêm: Phẫu thuật nứt kẽ hậu môn có đau không? Quy trình, chi phí, lưu ý

3. Kết hợp thay đổi lối sống

Để tăng hiệu quả điều trị và phòng ngừa tái phát, cần kết hợp thay đổi lối sống:

chăm sóc hậu sản

Thay đổi lối sống và chăm sóc hậu sản kỹ càng

  • Chế độ ăn giàu chất xơ: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt giúp phòng táo bón
  • Uống đủ nước: Tối thiểu 2-2.5 lít nước mỗi ngày
  • Tập thói quen đại tiện đều đặn: Không nên nhịn khi có nhu cầu đi vệ sinh
  • Vệ sinh hậu môn đúng cách: Rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm, không dùng xà phòng có mùi hoặc chất tẩy rửa mạnh
  • Ngâm hậu môn với nước ấm 40 độ C trong thời gian từ 10 – 20 phút, mỗi ngày 3 – 4 lần/ngày để làm giãn cơ vòng, tăng tưới máu và giảm. Sản phụ cũng có thể chườm nóng ở vùng hậu môn để giảm đau và dễ chịu hơn.
  • Tập luyện các bài tập vùng sàn chậu: Giúp cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường cơ vùng đáy chậu

Thông thường, các vết nứt kẽ hậu môn sau sinh sẽ tự lành sau khoảng 3 – 5 ngày nếu sản phụ chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, trường hợp vết nứt có kích thước lớn và gây ra nhiều đau đớn kéo dài hơn 1 tuần thì các mẹ nên đi thăm khám sớm để có cách chữa kịp thời, phòng tránh biến chứng và ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.

Đinh Thị Hiền (Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2014-2018). Cô có 6 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copy Write tại các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, làm đẹp,… Hiện nay, Đinh Thị Hiền được biết đến với vai trò biên tập viên cho nhãn hàng Yumangel, với mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến sản phẩm cũng như các phương pháp trị đau dạ dày. Hy vọng, những nội dung mà Hiền truyền tải sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin hữu ích, giúp bạn có được những phương pháp chăm sóc dạ dày phù hợp.

0/5 (0 lượt bình chọn)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *