Nứt kẽ hậu môn không chỉ gây chảy máu, đau đớn mà còn khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ biến chứng nguy hiểm như rò hậu môn, hẹp hậu môn, nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí là ung thư hậu môn… Hãy cùng Yumangel tìm hiểu chi tiết bệnh lý này trong bài viết dưới đây.
Mục lục
I. Nứt kẽ hậu môn là gì?
Nứt kẽ hậu môn là tình trạng xuất hiện một vết rách nhỏ ở niêm mạc ống hậu môn – vị trí nối giữa trực tràng và bên ngoài cơ thể. Vết nứt này thường gây đau rát, đặc biệt là khi đi đại tiện, kèm theo cảm giác ngứa ngáy hoặc chảy máu tươi.
Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị đúng cách, nứt kẽ hậu môn có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp giảm đau, phòng ngừa biến chứng và rút ngắn thời gian hồi phục.
II. Nguyên nhân của nứt kẽ hậu môn
1. Táo bón kinh niên
Táo bón được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nứt kẽ hậu môn. Khi phân trở nên khô cứng do thiếu nước và chất xơ, chúng sẽ cọ xát mạnh vào niêm mạc hậu môn trong quá trình đại tiện, tạo thành các vết rách nhỏ.
Đặc biệt, thói quen nhịn đi cầu khiến phân bị ứ đọng lâu trong trực tràng, càng làm tăng độ cứng và ma sát. Những người có chế độ ăn ít rau xanh, uống không đủ nước hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng thường nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Táo bón mà nguyên nhân thường thấy nhất gây nứt kẽ hậu môn ở trẻ em. Tìm hiểu chi tiết tại:Nứt kẽ hậu môn ở trẻ |
2. Tiêu chảy kéo dài
Nhiều người nghĩ chỉ táo bón mới gây nứt hậu môn, nhưng tiêu chảy thường xuyên cũng là nguyên nhân đáng lưu ý. Việc đi ngoài liên tục khiến vùng hậu môn luôn trong tình trạng ẩm ướt và bị kích thích, làm suy yếu lớp niêm mạc bảo vệ.
Những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng hoặc nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thường phải đối mặt với nguy cơ này. Đáng nói, tình trạng tiêu chảy còn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vết nứt, dẫn đến nhiễm trùng.
3. Thói quen rặn mạnh
Rặn quá sức khi đại tiện là thói quen nguy hiểm nhưng ít được chú ý. Hành động này làm tăng đột ngột áp lực lên thành hậu môn, khiến các mô mềm bị căng giãn quá mức và rách.
Tình trạng này thường gặp ở người bị táo bón, người có cơ vòng hậu môn co thắt bất thường hoặc bệnh nhân trĩ. Điều đáng nói là nhiều người còn có thói quen ngồi lâu trong nhà vệ sinh, vô tình tạo áp lực kéo dài lên vùng hậu môn và làm trầm trọng thêm tình trạng nứt kẽ.
4. Sinh đẻ tự nhiên
Phụ nữ sau sinh thường, đặc biệt những trường hợp thai to hoặc chuyển dạ kéo dài, có nguy cơ cao bị nứt kẽ hậu môn. Quá trình rặn đẻ khiến vùng tầng sinh môn và hậu môn bị giãn căng tối đa, dễ dẫn đến các vết rách nhỏ.
Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ cũng khiến các mô liên kết trở nên lỏng lẻo hơn, làm tăng tính nhạy cảm của niêm mạc hậu môn. Đây cũng là lý do nhiều sản phụ phải đối mặt với tình trạng đau rát hậu môn trong những tháng đầu sau sinh.
Tìm hiểu chi tiết: nứt kẽ hậu môn sau sinh |
5. Các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng
Những bệnh nhân mắc các bệnh về hậu môn như trĩ, áp xe hậu môn hay viêm nhiễm vùng hậu môn thường có nguy cơ bị nứt kẽ cao hơn người bình thường. Cụ thể, búi trĩ khi phát triển lớn sẽ chèn ép và làm giảm khả năng đàn hồi của ống hậu môn, khiến niêm mạc dễ bị tổn thương khi đại tiện.
Trong khi đó, tình trạng viêm nhiễm do áp xe hoặc nấm sẽ làm mỏng lớp niêm mạc bảo vệ, tạo điều kiện cho các vết nứt hình thành. Đáng chú ý, nứt kẽ hậu môn ở nhóm bệnh nhân này thường lâu lành và dễ tái phát do tình trạng viêm nhiễm kéo dài.
6. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
Mặc dù không phổ biến nhưng quan hệ tình dục qua đường hậu môn có thể gây nứt kẽ hậu môn nếu không được thực hiện đúng cách. Khác với âm đạo, hậu môn không có khả năng tiết chất nhờn tự nhiên nên dễ bị trầy xước khi có ma sát mạnh.
Những trường hợp không sử dụng chất bôi trơn, thực hiện động tác thô bạo hoặc có vật thể lạ đi qua hậu môn đều có nguy cơ cao gây rách niêm mạc. Đặc biệt, tổn thương do nguyên nhân này thường sâu và dễ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng nếu không được xử lý kịp thời.
III. Triệu chứng của nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn và bệnh trĩ dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, nứt kẽ hậu môn có các triệu chứng đặc trưng, thường xuất hiện rõ rệt khi đi đại tiện hoặc sau đó. Các triệu chứng bao gồm:
Đau nhức dữ dội khi đi đại tiện
- Đây là triệu chứng nổi bật nhất. Đau thường được mô tả như cảm giác xé rách, rát bỏng hoặc đâm nhói ở vùng hậu môn.
- Đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ sau khi đi đại tiện, đặc biệt nếu vết nứt bị kích ứng.
- Đau thường liên quan đến co thắt cơ vòng hậu môn (sphincter spasm), làm tăng áp lực và cản trở quá trình lành vết nứt.
Cảm giác co thắt hoặc căng tức
- Do cơ vòng hậu môn co thắt bất thường, người bệnh có thể cảm thấy căng tức hoặc khó chịu liên tục ở vùng hậu môn.
- Triệu chứng này có thể nặng hơn ở những người bị nứt kẽ hậu môn mãn tính.
- Khối u nhỏ hoặc nếp da thừa (skin tag):
- Ở một số trường hợp mãn tính, vùng da gần vết nứt có thể hình thành một khối nhỏ (sentinel pile) do viêm kéo dài.
- Khối này không phải búi trĩ nhưng dễ bị nhầm lẫn.
Chảy máu nhẹ
- Máu thường xuất hiện ở dạng vệt máu tươi trên phân hoặc trên giấy vệ sinh.
- Lượng máu ít, không đáng kể, khác với chảy máu nhiều trong một số trường hợp trĩ nặng.
- Máu thường liên quan trực tiếp đến vết rách ở niêm mạc hậu môn.
Ngứa hoặc kích ứng vùng hậu môn
- Vết nứt có thể gây viêm nhẹ, dẫn đến ngứa hoặc cảm giác khó chịu quanh hậu môn.
- Ngứa thường không phải triệu chứng chính, nhưng có thể xuất hiện nếu vệ sinh không tốt hoặc vết nứt bị nhiễm trùng.
Táo bón hoặc khó khăn khi đi đại tiện
- Nứt kẽ hậu môn thường liên quan đến táo bón, phân cứng làm rách niêm mạc.
- Ngược lại, đau do nứt kẽ khiến người bệnh sợ đi đại tiện, dẫn đến giữ phân lâu hơn, làm tình trạng táo bón trầm trọng hơn, tạo vòng xoắn bệnh lý.
IV. Biện pháp chẩn đoán nứt kẽ hậu môn
Chẩn đoán nứt kẽ hậu môn chủ yếu dựa trên thăm khám lâm sàng và một số xét nghiệm hỗ trợ khi cần thiết. Việc chẩn đoán sớm và chính xác giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tránh nhầm lẫn với các bệnh lý hậu môn khác như trĩ, áp-xe hay polyp.
1. Triệu chứng lâm sàng
Trước khi tiến hành khám thực thể, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng đã và đang gặp phải. Đây là bước giúp định hướng ban đầu, bởi nứt kẽ hậu môn có biểu hiện dễ bị nhầm lẫn với bệnh trĩ hoặc áp-xe hậu môn.
Những câu hỏi thường gặp:
- Bạn có cảm thấy đau rát vùng hậu môn không? Cơn đau xuất hiện vào thời điểm nào – đặc biệt là sau khi đi đại tiện?
- Có máu xuất hiện trên giấy vệ sinh, trong bồn cầu hoặc kèm theo phân không?
- Bạn có thường xuyên bị táo bón, tiêu chảy, phải rặn mạnh khi đi ngoài không?
- Đã từng dùng thuốc gì? Có tiền sử bệnh lý hậu môn – trực tràng nào không?
Việc khai thác kỹ lưỡng không chỉ giúp xác định khả năng bị nứt kẽ hậu môn mà còn giúp phân biệt với các rối loạn hậu môn khác có triệu chứng tương tự.
2. Khám hậu môn bằng mắt thường
Sau khi khai thác bệnh sử, bác sĩ sẽ quan sát trực tiếp vùng hậu môn để tìm kiếm dấu hiệu tổn thương. Đây là bước khám đơn giản, ít gây đau và mang lại giá trị chẩn đoán cao.
Những gì bác sĩ quan sát được có thể gồm:
- Vết nứt nhỏ hình rãnh ở rìa hậu môn, thường nằm ở vị trí 6 giờ (nữ giới) hoặc 12 giờ (nam giới) – theo vị trí kim đồng hồ.
- Niêm mạc xung quanh vết nứt có thể sưng đỏ, phù nề hoặc chảy ít dịch.
- Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính, có thể thấy sẹo xơ, cục da thừa (thịt thừa hậu môn) hoặc nhú phì đại trong ống hậu môn – những dấu hiệu phân biệt với nứt cấp tính.
Việc nhìn trực tiếp giúp bác sĩ định hình mức độ tổn thương, đánh giá giai đoạn bệnh (cấp hay mạn) để lựa chọn hướng điều trị phù hợp.
3. Khám bằng dụng cụ
Ở một số người, vết nứt nằm sâu trong ống hậu môn hoặc có kèm theo đau, sưng khiến việc khám bằng mắt thường khó khăn. Khi đó, bác sĩ có thể dùng các dụng cụ hỗ trợ:
- Ống soi hậu môn (anoscope): Dụng cụ nhỏ có khả năng mở rộng ống hậu môn để bác sĩ quan sát kỹ bên trong. Qua đó, bác sĩ có thể xác định kích thước vết nứt, độ sâu, tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng đi kèm.
- Nội soi đại – trực tràng: Thường được chỉ định nếu bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ bệnh lý ở phía trên như viêm đại tràng, polyp hoặc xuất huyết kéo dài, giúp loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm khác như ung thư đại trực tràng.
Chẩn đoán nứt kẽ hậu môn không quá phức tạp, chủ yếu dựa vào triệu chứng và thăm khám trực tiếp. Tuy nhiên, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra đúng cách, không nên tự suy đoán hoặc trì hoãn vì có thể làm bệnh tiến triển nặng hơn.
V. Biện pháp điều trị nứt kẽ hậu môn
Hầu hết các vết rách hậu môn đều có xu hướng thuyên giảm sau khi áp dụng cách chữa nứt kẽ hậu môn tại nhà. Nhưng cũng có trường hợp nứt hậu môn nghiêm trọng có thể phải dùng thuốc, thậm chí là phẫu thuật.
1. Nứt hậu môn điều trị bằng thuốc
Thuốc điều trị nứt kẻ hậu môn thường là thuốc làm mềm phân, làm lành vết nứt và giảm trương lực cơ thắt.
Một số loại được bác sĩ chỉ định trong điều trị nứt hậu môn như: Nitroglycerin (Rectiv); các loại kem gây tê tại chỗ Lidocaine Hydrochloride (Xylocaine); Nifedipine dạng uống (Procardia) hoặc thuốc bôi nứt kẽ hậu môn Diltiazem (Cardizem); tiêm Botulinum toxin loại A (Botox)…
2. Phẫu thuật nứt hậu môn
Nếu tình trạng nứt hậu môn đã tiến triển đến mức độ mãn tính và điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, triệu chứng của bệnh càng thêm nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân thực hiện phẫu thuật thuật cắt cơ vòng bên trong.
(LIS là thủ thuật cắt một phần nhỏ cơ thắt hậu môn để giảm triệu chứng đau nhức và co thắt, thúc đầy quá trình phục hồi vết thương. Phương pháp này cho hiệu quả cao nhưng nhược điểm là có nguy cơ gây ra chứng tiểu không kiểm soát.
Thời gian vết mổ hậu môn lành nhanh hay chậm phụ thuộc vào thể mức độ nặng nhẹ và cơ địa bệnh nhân, phương pháp phẫu thuật, tay nghề bác sĩ cũng như cách chăm sóc sau mổ.
V. Phương pháp phòng ngừa nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn tuy không phải bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, nếu không điều trị hoặc phòng ngừa đúng cách, bệnh dễ chuyển sang giai đoạn mạn tính, khó chữa dứt điểm. Dưới đây là những biện pháp phòng ngừa đơn giản nhưng hiệu quả:
1. Duy trì chế độ ăn giàu chất xơ
- Chất xơ giúp làm mềm phân, giảm táo bón – nguyên nhân hàng đầu gây nứt hậu môn.
- Nên ăn nhiều rau xanh (rau mồng tơi, rau dền, rau lang…), trái cây tươi (đu đủ, chuối, táo, lê…), các loại ngũ cốc nguyên cám.
- Tránh ăn quá nhiều đạm, đồ cay nóng, đồ chiên rán và thức ăn nhanh.
- Bổ sung thêm các loại nước ép từ hoa quả, rau quả. Ví dụ bạn có thể thêm 1–2 thìa hạt chia/ngày hoặc uống nước ép rau má, nước mát tự nhiên cũng giúp cải thiện nhu động ruột hiệu quả.
2. Uống đủ nước mỗi ngày
- Nước giúp làm mềm phân và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
- Nên uống ít nhất 1,5–2 lít nước/ngày, ưu tiên nước lọc, nước ấm, canh rau củ.
- Hạn chế rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga – vì các loại này gây mất nước và táo bón gián tiếp.
3. Tập thói quen đi đại tiện đúng giờ, không nhịn
- Đi đại tiện đều đặn, tốt nhất vào buổi sáng, giúp tạo phản xạ tự nhiên cho hệ tiêu hóa.
- Không nên nhịn đại tiện khi có nhu cầu, vì phân tích tụ lâu sẽ trở nên khô cứng hơn.
- Không ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh, tránh mang điện thoại, đọc báo để hạn chế áp lực lên vùng hậu môn.
4. Tăng cường vận động thể chất
- Vận động nhẹ nhàng giúp kích thích nhu động ruột, chống táo bón.
- Nên duy trì thói quen đi bộ, tập yoga, bơi lội hoặc thể dục nhịp điệu ít nhất 30 phút/ngày.
- Tránh ngồi hoặc nằm quá lâu, đặc biệt là dân văn phòng, người cao tuổi hoặc người làm việc ít vận động.
5. Giữ vệ sinh hậu môn sạch sẽ, đúng cách
- Rửa sạch hậu môn sau khi đại tiện bằng nước ấm và khăn mềm, tránh dùng giấy khô thô ráp.
- Không dùng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh có chất tẩy mạnh vì dễ gây kích ứng.
- Lau khô hậu môn nhẹ nhàng, tránh cọ xát mạnh làm tổn thương da niêm mạc.
6. Tránh rặn mạnh khi đi vệ sinh
- Khi có biểu hiện táo bón, nên ưu tiên điều chỉnh chế độ ăn thay vì cố rặn mạnh – dễ gây nứt hoặc rách hậu môn.
- Có thể dùng các mẹo dân gian hỗ trợ như: uống nước mật ong ấm buổi sáng, ăn chuối chín, uống nước vừng đen rang…
7. Phụ nữ sau sinh cần chăm sóc hậu môn kỹ lưỡng
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ, uống đủ nước.
- Tránh ngồi lâu, đứng lâu, nên vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ tiêu hóa.
- Nếu xuất hiện dấu hiệu đau rát hậu môn, cần đi khám sớm, tránh để bệnh tiến triển thành nứt mạn tính.
8. Quan hệ tình dục an toàn
- Tránh quan hệ qua đường hậu môn nếu không có biện pháp bảo vệ phù hợp (dùng gel bôi trơn, bao cao su…).
- Việc quan hệ thô bạo có thể gây tổn thương và tạo điều kiện cho nứt hậu môn hình thành.
VI. Một số câu hỏi thường gặp
1. Nứt kẽ hậu môn có nguy hiểm không?
Nứt kẽ hậu môn không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây đau rát dữ dội, chảy máu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể chuyển sang mạn tính, hình thành vết loét sâu, gây co thắt cơ vòng hậu môn, hoặc nhiễm trùng, áp-xe hậu môn.
2. Nứt kẽ hậu môn có tự lành không?
Nứt kẽ hậu môn có thể tự lành nếu là dạng cấp tính, vết nứt nhỏ và người bệnh điều chỉnh tốt chế độ ăn uống, sinh hoạt (như uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ, tránh táo bón).
3. Nứt kẽ hậu môn bao lâu lành?
Thắc mắc của rất nhiều người bệnh đó là “Nứt kẽ hậu môn bao lâu lành?”. Bình thường nứt hậu môn có thể tự khỏi sau 4 – 6 tuần nhưng nếu kéo dài hơn 8 tuần thì sẽ biến chứng thành mãn tính. Do đó, người bệnh không nên đi thăm khám sớm ngay khi có triệu chứng để được điều trị kịp thời.
Bài viết trên là những chia sẻ chi tiết của chúng tôi về bệnh lý nứt kẽ hậu môn. Như vậy, việc chậm trễ trong điều trị nứt hậu môn có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như rò hậu môn, nhiễm trùng hậu môn, thậm chí là ung thư hậu môn… Do đó người bệnh không nên chủ quan mà nên đi thăm khám và điều trị sớm.
Đinh Thị Hiền (Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2014-2018). Cô có 6 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copy Write tại các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, làm đẹp,… Hiện nay, Đinh Thị Hiền được biết đến với vai trò biên tập viên cho nhãn hàng Yumangel, với mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến sản phẩm cũng như các phương pháp trị đau dạ dày. Hy vọng, những nội dung mà Hiền truyền tải sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin hữu ích, giúp bạn có được những phương pháp chăm sóc dạ dày phù hợp.