Vùng bụng dưới rốn chứa nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể. Do đó, khi xuất hiện cơn đau bụng vùng dưới rốn, rất nhiều người lo lắng muốn biết nguyên nhân do đâu, có nguy hiểm không và điều trị thế nào.
Mục lục
I. Đau bụng vùng dưới rốn là gì? Vị trí đau
Vùng bụng dưới rốn chứa nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể gồm đại tràng, ruột non, ruột thừa, niệu quản, bàng quang, buồng trứng và tử cung ở nữ giới. Nếu một trong các cơ quan này có vấn đề hoặc hoạt động không bình thường đều có thể gây ra triệu chứng đau bụng dưới rốn và đi kèm các triệu chứng khác.
Đau bụng dưới rốn là tình trạng đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng bụng phía dưới rốn. Cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, gồm:
- Đau bụng dưới rốn bên phải (hố chậu phải).
- Đau bụng dưới rốn bên trái (hố chậu trái).
- Đau bụng dưới rốn ở giữa (hạ vị).
Tình trạng đau bụng vùng dưới rốn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm ở nhiều cơ quan của bụng dưới như: viêm ruột thừa, viêm túi thừa, hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh Crohn và vấn đề về tiêu hóa khác như táo bón, đầy hơi, tiêu chảy. Do đó, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan, nên thăm khám và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hại cho sức khỏe.
II. Nguyên nhân gây đau bụng vùng dưới rốn
Đau bụng ở vùng dưới rốn có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý khác nhau. Tùy theo vị trí xuất hiện cơn đau mà sẽ cảnh báo bệnh khác nhau, trong đó bệnh lý điển hình có thể kể đến như viêm ruột thừa, viêm túi thừa đại tràng, hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm bàng quang,…
1. Nguyên nhân đau dưới rốn bên phải
Cơn đau bụng vùng dưới rốn xuất hiện ở phía bên phải có thể liên quan một số bệnh lý tiêu hóa như viêm túi thừa đại tràng, viêm ruột thừa, viêm hạch mạc treo ruột, bệnh Crohn,…
- Viêm túi thừa đại tràng: Bệnh lý này có thể gây ra các cơn đau bụng kéo dài trong nhiều ngày kèm theo một số triệu chứng như đầy hơi, tiêu chảy, nôn mửa, táo bón, phân có máu, sốt, ớn lạnh…
- sViêm ruột thừa: Bệnh có thể gây ra các cơn đau đột ngột tại phần bụng dưới bên phải, hoặc bắt đầu ở vùng quanh rốn rồi dần lan xuống bụng dưới bên phải. Cơn đau tăng nặng khi người bệnh ho hoặc di chuyển. Triệu chứng khác của viêm ruột thừa gồm sốt nhẹ, đầy bụng, chán ăn, nôn mửa, táo bón, tiêu chảy.
- Bệnh Crohn: Triệu chứng điển hình của bệnh Crohn là đau bụng kèm tiêu chảy, sụt cân, mệt mỏi, phân có máu. Nguyên nhân gây bệnh chính xác hiện vẫn chưa được xác định.
- Viêm hạch mạc treo ruột: Là tình trạng viêm các hạch bạch huyết trong mạc treo ruột khiến người bệnh bị đau bụng dưới bên phải, tiêu chảy, sốt, buồn nôn hoặc nôn mửa…
2. Nguyên nhân gây đau dưới rốn bên trái
Cơn đau bụng vùng dưới rốn bên trái có thể do một số bệnh lý gây ra gồm: táo bón, hội chứng ruột kích thích (IBS), sỏi niệu quản trái, xoắn buồng trứng trái (nữ). Cụ thể:
- Táo bón: Là tình trạng đi tiêu khó khăn hoặc đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần. Khi bị táo bón, người bệnh cảm thấy đau bụng, chướng bụng và buồn nôn. Nguyên nhân gây táo bón chủ yếu là do chế độ ăn ít chất xơ, uống không đủ nước hoặc không vận động thể thao đều đặn.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS): Đây là là tình trạng rối loạn chức năng ruột, nhưng không có dấu viêm hoặc loét trong lòng ống tiêu hóa. Biểu hiện của hội chứng này ngoài đau bụng còn có đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón..
- Sỏi niệu quản trái: Là tình trạng viên sỏi thận bị mắc kẹt bên trong niệu quản- ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Đối với sỏi niệu quản trái, bệnh nhân thường có cảm giác đau từng cơn ở thắt lưng, đau lan đến phần bụng dưới bên trái. Một số triệu chứng khác như tiểu gấp, tiểu buốt,nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu, đi kèm sốt, buồn nôn và nôn mửa,…
- Xoắn buồng trứng trái: Xảy ra ở nữ giới, khi buồng trứng xoắn quanh các dây chằng cố định. Bệnh gây đau nhói vùng bụng dưới hoặc đôi khi có thể lan đến nhiều vị trí khác kèm theo buồn nôn, nôn mửa, sốt…
3. Nguyên nhân gây đau bụng vùng dưới rốn ở giữa (hạ vị)
Nếu xuất hiện cơn đau vùng bụng dưới rốn bạn không nên chủ quan. Vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như viêm tuyến tiền liệt ở nam giới, viêm bàng quang, có thai ngoài tử cung hoặc viêm vùng chậu ở nữ giới.
- Viêm bàng quang: Ngoài gây ra cơn đau hoặc tiểu buốt, nước tiểu đục, có mùi hôi và máu, bệnh viêm bàng quang còn đi kèm sốt nhẹ, khó chịu ở vùng chậu và vùng bụng dưới rốn.
- Viêm tuyến tiền liệt (nam): Bệnh lý này có thể gây đau bụng hoặc khó chịu ở dương vật và tinh hoàn. Kèm theo đó là một số triệu chứng khác như tiểu buốt, khó tiểu và có máu trong nước tiểu…
- Thai ngoài tử cung (nữ): Là tình trạng trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung không chỉ gây đau bụng dưới một bên, khó chịu khi tiểu tiện, đại tiện mà còn có thể làm chảy máu âm đạo hoặc tiết dịch màu nâu.
- Viêm vùng chậu (nữ): Dấu hiệu nhận biết của bệnh là nữ giới bị đau ở phần bụng dưới và xương chậu, có thể đi kèm theo sốt, ớn lạnh, tiểu buốt hoặc chảy máu âm đạo bất thường…
4. Nguyên nhân gây đau bụng vùng dưới rốn ở nữ giới
Các nguyên nhân gây ra các cơn đau bụng ở vùng dưới rốn ở nữ giới gồm:
- Xoắn buồng trứng trái.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Bệnh viêm vùng chậu (PID).
- U xơ tử cung.
- Ung thư tử cung.
Trường hợp chị em bị đau bụng vùng dưới rốn kéo dài cần đi khám phụ khoa để xác định rõ nguyên nhân và đây là dấu hiệu của bệnh gì. Từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời.
5. Nguyên nhân gây đau dưới rốn ở nam
Các nguyên nhân gây đau bụng vùng dưới rốn ở nam giới gồm:
- Viêm tuyến tiền liệt.
- Thoát vị bẹn.
- Xoắn tinh hoàn.
Trường hợp nam giới bị đau bụng vùng dưới rốn kéo dài cần đi thăm khám để có biện pháp điều trị kịp thời.
6. Nguyên nhân đau bụng vùng dưới rốn không do bệnh lý
Ngoài các nguyên nhân bệnh lý ở trên thì tình trạng đau bụng vùng dưới rốn có thể còn xuất phát từ các nguyên nhân không do bệnh lý dưới đây:
- Đau bụng dưới rốn do rối loạn tiêu hóa: Các triệu chứng thường gặp khi bị rối loạn tiêu hóa như đau bụng dưới rốn, đầy hơi, táo bón, chướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy. Tình trạng rối loạn tiêu hóa gây táo bón nặng khiến phân bị mắc lại trong ruột có thể gây áp lực lên trực tràng và gây ra cảm giác đau thắt tại vùng bụng dưới rốn.
- Đau bụng ở dưới rốn trong thời kỳ rụng trứng: Nguyên nhân là khi buồng trứng giải phóng trứng trưởng thành có thể kích thích một số dây thần kinh và cơ bên trong bụng dưới. Điều này gây ra cảm giác đau bên trong vùng bụng dưới rốn.
- Đau bụng vùng dưới rốn trong thời kỳ kinh nguyệt: Trứng đã rụng không được thụ tinh khiến lượng hormone progesterone giảm dần co bóp tử cung dẫn cơn đau âm ỉ dưới rốn.
- Đau bụng âm ỉ dưới rốn do tiền kinh nguyệt: Thường xuất hiện từ 1-2 ngày trước khi kỳ kinh bắt đầu và kéo dài khoảng 1 tuần. Đây là tình trạng bình thường do các thay đổi trong hormone nội tiết trong giai đoạn tiền kinh nguyệt.
III. Phương pháp chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng vùng dưới rốn
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây triệu chứng đau bụng vùng dưới rốn, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Cụ thể:
- Thăm khám lâm sàng: Gồm thăm khám phần bụng của bệnh nhân và đặt ra nhiều câu hỏi, ví dụ như: vị trí đau bụng, cơn đau âm ỉ hay dữ dội, có kèm triệu chứng khác hay không. Điều này giúp bác sĩ có đánh giá ban đầu về mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau bụng dưới rốn của người bệnh.
- Thăm khám cận lâm sàng: Bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như: xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm bụng, chụp MRI, chụp CT, nội soi tiêu hóa để đưa ra được chẩn đoán chính xác.
IV. Cách điều trị đau bụng ở khu vực dưới rốn
Dựa trên kết quả thăm khám, bác sĩ căn cứ vào nguyên nhân gây tình trạng đau bụng vùng dưới rốn để tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Một số trường hợp triệu chứng đau bụng vùng dưới rốn tiến triển nặng và nghiêm trọng, bác sĩ có thể cần can thiệp phẫu thuật để điều trị.
Bên cạnh việc tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học như ăn chậm nhai kỹ, ăn đủ bữa, ăn thức ăn mềm và lỏng; tăng cường chất xơ, tinh bột; hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, gia vị cay nóng; uống nhiều nước, tập thể dục,…để hỗ trợ giảm thiểu cơn đau.
V. Giải đáp thắc mắc về tình trạng đau bụng vùng dưới rốn
Dưới đây chúng tôi sẽ giải đáp một số thắc mắc về tình trạng đau bụng vùng dưới rốn:
1. Đau bụng vùng dưới rốn khi nào nên gặp bác sĩ?
Người bệnh nên đi thăm khám ngay khi triệu chứng đau vùng bụng dưới rốn không thuyên giảm và có dấu hiệu bất thường dưới đây:
- Cơn đau xuất hiện đột ngột.
- Đau dữ dội, kéo dài dai dẳng.
- Có máu trong phân hoặc trong nước tiểu.
- Sốt dai dẳng.
- Liên tục buồn nôn và nôn.
- Vàng da và mắt.
- Chán ăn.
2. Đau bụng vùng dưới rốn có nguy hiểm không?
Tình trạng đau bụng vùng dưới rốn nếu chỉ đơn thuần do ăn uống không khoa học thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân là do bệnh lý và không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hại cho sức khỏe.
3. Đau bụng khu vực dưới của rốn cảnh báo bệnh gì?
Triệu chứng đau bụng vùng ở dưới rốn có thể là dấu hiệu cảnh báo rất nhiều bệnh lý ở các cơ quan, bộ phận khác nhau trong cơ thể nên người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan. Cụ thể là:
- Viêm túi thừa đại tràng.
- Viêm ruột thừa.
- Viêm hạch mạc treo ruột.
- Bệnh Crohn.
- Táo bón.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Sỏi niệu quản trái.
- Xoắn buồng trứng trái ở nữ giới.
- Viêm tuyến tiền liệt ở nam giới.
- Viêm bàng quang.
- Có thai ngoài tử cung.
- Viêm vùng chậu ở nữ giới.
- Lạc nội mạc tử cung ở nữ giới.
- U xơ tử cung.
- Ung thư tử cung.
- Thoát vị bẹn.
- Xoắn tinh hoàn.
Có thể thấy, triệu chứng đau bụng vùng dưới rốn do nhiều nguyên nhân gây ra và cũng là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Người bệnh không nên chủ quan khi triệu chứng xuất hiện, nên đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...