Cắt thực quản: Chỉ định, quy trình, biến chứng, chăm sóc

Cắt thực quản là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản do bệnh ung thư thực quản gây ra. Bài viết cung cấp thêm các thông tin quan trọng về cắt thực quản đồng thời lưu ý trước, trong và sau quá trình phẫu thuật để tránh nguy cơ biến chứng và đạt kết quả điều trị tốt nhất.

I. Cắt thực quản là gì?

Cắt thực quản là một phẫu thuật nhằm cắt bỏ đi một phần hoặc toàn bộ phần thực quản. Và có thể một phần nhỏ của dạ dày cũng sẽ bị cắt bỏ. 

Sau khi cắt bỏ các đoạn thực quản và dạ dày cần thiết, thực quản mới sẽ được tái tạo bằng cách nối phần thực quản và dạ dày còn lại với nhau. Thông thường, dạ dày sẽ phải kéo lên ngực hoặc cổ. Nếu dạ dày không đủ để đưa lên cao kết nối với thực quản thì các bác sĩ có thể sẽ phải sử dụng thêm một đoạn ruột để lấp khoảng trống này. 

Hình ảnh minh họa mổ cắt thực quản.

II. Tại sao cần phẫu thuật cắt thực quản?

Hầu hết các trường hợp cắt thực quản hiện nay đều xuất phát từ bệnh ung thư thực quản. Nếu khối u nhỏ và vẫn giới hạn ở niêm mạc thực quản, bác sĩ sẽ thực hiện cắt u tại chỗ qua nội soi bằng phương pháp cắt niêm (EMR) hoặc dưới niêm (ESD).

Ung thư thực quản là loại ung thư phổ biến, đứng thứ 5 trong nhóm ung thư đường tiêu hóa hiện nay. Ung thư thực quản là một khối u ác tính xuất hiện từ tế bào biểu mô ở thực quản, điều này khiến cho quá  trình phân chia tế bào diễn ra một cách bất bình thường. Khó nuốt và sụt cân nhanh là hai triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh này. 

Ung thư thực quản được chia thành nhiều giai đoạn, tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. 

Các bệnh nhân mắc ung thực quản ở giai đoạn sau thường sẽ phải thực hiện phẫu thuật. Cụ thể: 

  • Nếu khối u nằm ở phần dưới của thực quản (gần dạ dày) sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần thực quản có chứa khối u và phần trên dưới xung quanh khối u đó. Tức là khoảng 15-20 cm phần thực quản phía bên trên vị trí khối u và một phần dạ dày gần khối u. 
  • Nếu khối u ác tính nằm ở giữa hoặc phần trên thực quản sẽ phải cắt bỏ toàn bộ thực quản để đảm bảo loại bỏ hết tế bào ung thư.

Ngoài ra, phẫu thuật cắt thực quản còn có thể được dùng để điều trị:

  • Barrett thực quản tiến triển: Có loạn sản nặng, nguy cơ cao dẫn đến ung thư thực quản. 
  • Các bệnh lý lành tính: U lành quá to, các rối loạn vận động của thực quản đã điều bằng các phương pháp khác thất bại, hẹp thực quản do hóa chất.

Hầu hết các trường hợp cắt thực quản hiện nay đều xuất phát từ bệnh ung thư thực quản.

III. Các kỹ thuật cắt thực quản

Phẫu thuật cắt thực quản gồm 2 kỹ thuật là mổ mở và mổ nội soi. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật cắt thực quản phù hợp:

1. Cắt thực quản mở

Trong kỹ thuật này,, bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản thông qua một hoặc một vài vết rạch lớn ở cổ, ngực hoặc bụng bệnh nhân.

Có nhiều kỹ thuật cắt bỏ thực quản mở khác nhau, trong đó 2 phương pháp phổ biến nhất là:

  • Cắt thực quản không mở ngực (transhiatal esophagectomy – THE):  Vết rạch chính ở cổ và bụng của bệnh nhân. 
  • Cắt thực quản được thực hiện qua ngực (transthoracic esophagectomy – TTE): Vết rạch chính ở ngực và bụng của bệnh nhân.

Cả hai kỹ thuật trên đều cắt bỏ phần thực quản hỏng và một phần trên cùng của dạ dày. Phần dạ dày bên dưới được kéo lên và nối với phần thực quản khỏe mạnh còn lại tạo thành thực quản mới.

Bác sĩ sẽ căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe của bệnh nhân; vị trí, kích thước khối u, khối u đã di căn hạch hay chưa để chỉ định kỹ thuật cắt thực quản phù hợp cho từng bệnh nhân.

Phẫu thuật cắt thực quản mở

2. Cắt thực quản nội soi

Với phương pháp phẫu thuật này, phần thực quản hỏng sẽ được cắt bỏ bằng các dụng cụ chuyên biệt thông qua vài vết rạch rất nhỏ ở bụng hoặc ngực bệnh nhân.

Phẫu thuật cắt bỏ thực quản nội soi sở hữu nhiều ưu điểm như: hạn chế xâm lấn,  ít đau hơn, giảm nguy cơ biến chứng và nằm viện, thời gian phục hồi nhanh hơn.

Phẫu thuật cắt thực quản nội soi

IV. Quy trình phẫu thuật cắt thực quản

Quy trình cắt bỏ thực quản được phân thành 3 giai đoạn là trước, trong và sau phẫu thuật. Cụ thể từng bước như sau:

1. Chuẩn bị cắt thực quản

Để chuẩn bị cho việc cắt thực quản, bệnh nhân và bác sĩ cần thực hiện các công việc sau:

  • Bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo có đủ sức khỏe cho cuộc phẫu thuật.
  • Bác sĩ xem xét bệnh sử và các loại thuốc (nếu có) mà người bệnh đang sử dụng. Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật và cần ngừng uống trước khi mổ.
  • Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc điều trị đang dùng, kể cả vitamin, chất bổ sung hoặc thực phẩm chức năng. 
  • Người bệnh cần ngừng hút thuốc lá, thuốc lào ít nhất 10 ngày trước mổ cắt thực quản.  Vì hút thuốc làm tăng nguy cơ biến chứng hô hấp, tim mạch sau mổ và có thể ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.
  • Bác sĩ tư vấn và hướng dẫn cho người bệnh chế độ vật lý trị liệu hô hấp, ăn uống, vệ sinh và những điều cần chuẩn bị khác trước mổ. 
  • Bệnh nhân nên trao đổi kỹ càng với bác sĩ về các vấn đề lo ngại như: nguy cơ tai biến, thời gian nằm viện và phục hồi sau mổ để yên tâm bước vào ca phẫu thuật. 
  • Đối với người bệnh bị ung thư thực quản, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị hoặc xạ trị hoặc cả hai trước khi phẫu thuật cắt bỏ thực quản. 

Bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo có đủ sức khỏe cho cuộc phẫu thuật.

2. Thực hiện cắt thực quản

Người bệnh được gây mê trong suốt quá trình tiến hành phẫu thuật cắt bỏ thực quản. Phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bao nhiêu phần thực quản và dạ dày. 

Đối với bệnh ung thư thực quản, bác sĩ sẽ căn cứ vào kích thước và vị trí khối u. Cụ thể:

  • Cắt bỏ một phần thực quản và một phần dạ dày (phẫu thuật cắt bỏ thực quản dạ dày): Áp dụng với bệnh nhân ung thư thực quản ở2/3 phần dưới của thực quản, gần dạ dày hoặc tại vị trí chuyển tiếp giữa thực quản và dạ dày. Bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ phần thực quản bị ung thư, đoạn thực quản bình thường ở trên khối u và một phần dạ dày. Sau đó, dạ dày được nối với phần thực quản còn lại ở ngực hoặc cổ của bệnh nhân.  
  • Cắt bỏ toàn bộ thực quản: Áp dụng cho bệnh nhân ung thư thực quản ở 1/3 phần trên của thực quản. Theo đó, bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ thực quản để đảm bảo loại bỏ hết các mô có chứa tế bào ung thư. Sau đó, dạ dày sẽ được đưa lên và nối tại vùng hầu họng.

Bên cạnh đó, xung quanh khu vực cắt bỏ thực quản thường sẽ có các hạch bạch huyết. Các hạch này sẽ được cắt bỏ trong quá trình làm phẫu thuật, dù là phương pháp mở hay nội soi. 

Sau đó, các bác sĩ sẽ phải kiểm tra xem các hạch bạch huyết này có chứa tế bào ung thư hay không? Nếu có, có nghĩa là ung thư thực quản đã lan rộng ra các khu vực xung quanh. Khi đó, bệnh nhân sẽ phải điều trị thêm bằng xạ trị hoặc hóa trị. 

Bác sĩ thực hiện cắt thực quản.

3. Sau cắt bỏ thực quản

Sau khi hoàn thành cắt bỏ thực quản, người bệnh được đưa về phòng hồi tỉnh và được theo dõi sát sao về tình trạng tim mạch. Một số vấn đề cần lưu ý sau mổ cắt thực quản là:

  • Những ngày đầu sau phẫu thuật, người bệnh được nuôi dưỡng qua ống thông hỗng tràng, có thể kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch.
  • Trường hợp bệnh nhân không mở thông được sẽ được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.
  • Bác sĩ sẽ đưa một số ống chuyên dụng vào cơ thể bệnh nhân để hỗ trợ dẫn lưu dịch hoặc các chất tiết khác ra ngoài cơ thể. 
  • Tùy thuộc vào phương pháp cắt bỏ thực quản và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ thông báo khi nào bệnh nhân có thể tháo ống thông dinh dưỡng và bắt đầu tập ăn uống trở lại.

Đa số bệnh nhân cắt thực quản thường được xuất viện sau 5-10 ngày nếu không xảy ra biến chứng. Khoảng 6 – 12 tuần sau mổ, người bệnh có thể trở lại sinh oạt và làm việc bình thường.

Những ngày đầu sau mổ, người bệnh được nuôi dưỡng qua ống thông hỗng tràng, có thể kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch.

V. Biến chứng phẫu thuật cắt bỏ thực quản

Mổ cắt thực quản kết hợp nạo hạch là kỹ thuật phức tạp do thực quản nằm gần với tim, phổi, nhiều mạch máu lớn và dây thần kinh. Do vậy, tỷ lệ tai biến và biến chứng sau mổ của người bệnh tương đối cao.

Các tai biến và biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật cắt thực quản gồm:

  • Nhiễm trùng.
  • Chảy máu.
  • Rò miệng nối thực quản – dạ dày.
  • Phản ứng dị ứng hoặc tác dụng phụ của thuốc gây mê.
  • Chấn thương dạ dày, ruột, phổi hoặc các cơ quan khác khi phẫu thuật.
  • Hình thành cục máu đông.
  • Biến chứng hô hấp: viêm phổi.
  • Trào ngược axit hoặc mật.
  • Khó nuốt.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Tiêu chảy.
  • Rung tâm nhĩ.
  • Giọng nói thay đổi. 

Trong đó, một số biến chứng sau cắt thực quản có thể đe dọa tính mạng. Do đó, cần theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật cắt bỏ sát sao để phát hiện biến chứng sớm và xử lý kịp thời.

Người bệnh hoặc người chăm sóc bệnh nhân cần gọi ngay cho bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường sau:

  • Sốt trên 38.5 độ C
  • Vết mổ bị sưng, đau nhiều, viêm đỏ, chảy dịch
  • Không ăn uống được. 
  • Khó thở, tim đập nhanh.
  • Tiêu chảy/đi ngoài phân đen.
  • Cổ họng nóng rát.
  • Ho dai dẳng.
  • Vàng da hoặc lòng trắng mắt.

Tỷ lệ tai biến và biến chứng sau mổ cắt thực quản tương đối cao nên cần theo dõi người bệnh sát sao sau mổ.

VI. Cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ cắt thực quản

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ thực quản, người bệnh sẽ rất khó khăn trong việc nhai, nuốt. Cần ít nhất 1 tháng để vết mổ có thể lành lại. Hơn nữa, phẫu thuật còn có thể có các biến chứng cắt thực quản. Bởi vậy, người chăm sóc bệnh nhân sau mổ cắt thực quản cần chú ý những điều sau: 

1. Nghe và làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ 

Theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân để phát hiện kịp thời các biến chứng sau phẫu thuật như viêm phổi, vị trí nối lại giữa thực quản và dạ dày bị rò rỉ, buồn nôn, nôn, ợ nóng,… 

Người bệnh cần có không gian riêng tư, sạch sẽ, thoáng mát để nghỉ ngơi và nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân để phát hiện kịp thời các biến chứng sau phẫu thuật

2. Chế độ dinh dưỡng và ăn uống

Việc ăn uống sau phẫu thuật của bệnh nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tiêu hóa, rối loạn chức năng nuốt, nhu động đường tiêu hóa và cả các tác dụng phụ sau phẫu thuật. Do đó, người bệnh cần đặc biệt chú ý có chế độ ăn uống khoa học và phù hợp để đảm bảo nhận đủ chất dinh dưỡng và hạn chế các biến chứng/tác dụng phụ của phẫu thuật.

  • Những ngày đầu sau mổ: Bệnh nhân được nuôi dưỡng qua ống thông, chế độ ăn cần có độ dinh dưỡng và calo cao và ở dạng xay nhuyễn để bơm qua ống thông dễ dàng. Căn cứ theo khả năng dung nạp của người bệnh để lên khẩu phần và chia nhỏ bữa ăn hợp lý, cung cấp đầy đủ năng lượng.
  • Sau khi dần hồi phục và có khả năng nuốt an toàn: Bệnh nhân có thể bắt đầu bằng các thức ăn mềm và dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh… rồi sau đó tăng dần độ đặc. Bữa ăn nên chia nhỏ và ăn nhiều lần. Bổ sung thêm sữa, nước hoa quả tươi (không vị chua), sinh tố hoa quả để bổ sung thêm vitamin cho người bệnh. Ngoài ra, rau xanh cũng là món ăn không thể thiếu giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

Người bệnh cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng giúp hạn chế các biến chứng/tác dụng phụ của phẫu thuật.

3. Chế độ luyện tập, vận động

Khi bệnh nhân đã khỏe hơn và xuất viện về nhà, hãy khuyến khích vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe theo chỉ dẫn của bác sĩ để tăng cường sức đề kháng và cải thiện tinh thần.

Tinh thần của người bệnh cũng đóng vai trò không hề nhỏ trong quá trình hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật cắt thực quản. Họ vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, họ còn chưa quen với điều mới trên cơ thể mình. Hãy động viên người bệnh để họ vượt qua giai đoạn khó khăn này nhé.

Khi bệnh nhân đã khỏe hơn và xuất viện về nhà, hãy vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe.

VII. Giải đáp thắc mắc thường gặp về cắt thực quản

Một số thắc mắc thường gặp về phẫu thuật cắt thực quản sẽ được giải đáp dưới đây: 

1. Sau mổ cắt thực quản có đau không?

Bệnh nhân sẽ bị đau sau khi mổ cắt thực quản và bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp phù hợp để kiểm soát cơn đau. Nếu cơn đau không thuyên giảm, bệnh nhân cần thông báo ngay với bác sĩ.

Khi xuất viện, bác sĩ  có thể kê đơn thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Nếu thấy xuất hiện tác dụng phụ sau khi uống thuốc, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ ngay để được xử lý. 

2. Cắt thực quản sau bao lâu được xuất viện?

Thời gian nằm viện phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình trạng sức khỏe của người bệnh, phương pháp phẫu thuật… Thông thường, nếu không có biến chứng, bệnh nhân mổ cắt thực quản sẽ được xuất hiện sau 5 – 10 ngày.  

3. Cắt thực quản bao nhiêu tiền?

Chi phí cắt thực quản ở mỗi bệnh viện/cơ sở y tế sẽ khác nhau, phụ thuộc vào phương pháp điều trị, bác sĩ thực hiện, cơ sở vật chất và các chính sách y tế tại đó. Nếu bệnh nhân có tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ giảm được phần nào gánh nặng về chi phí điều trị.

4. Mổ cắt thực quản ở đâu hiệu quả – an toàn?

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi mổ cắt thực quản, người bệnh nên lựa chọn các bệnh viện uy tín, có đội ngũ bác sĩ/phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm, vững vàng chuyên môn cùng hệ thống thiết bị y tế hiện đại. Điều này giúp xử lý tốt các vấn đề có thể xảy ra trong ca mổ, giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong.

Cắt thực quản không chỉ là phương pháp điều trị ung thư thực quản mà  còn được dùng điều trị nhiều bệnh lý thực quản khác làm ảnh hưởng đến quá trình đưa thức ăn rắn và chất lỏng vào dạ dày. Khi cần thực hiện cắt thực quản, bệnh nhân nên đến bệnh viện/cơ sở y tế uy tín để hạn chế biến chứng và giảm nguy cơ tử vong do phẫu thuật.

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ

Nguyễn Thị Thu

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…

0/5 (0 lượt bình chọn)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *