Bệnh Celiac là tình trạng đường ruột dị ứng với gluten. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng ở ruột non, đồng thời gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị. Cùng yumangel.vn tìm hiểu về Celiac Disease là gì trong bài viết dưới đây.
Mục lục
- I. Bệnh Celiac là gì?
- II. Nguyên nhân gây bệnh Celiac Disease
- III. Triệu chứng của bệnh không dung nạp Gluten Celiac
- IV. Bệnh Celiac có nguy hiểm không?
- V. Bệnh nhân Celiac khi nào cần gặp bác sĩ?
- VI. Phương pháp chẩn đoán bệnh Celiac
- VII. Tìm hiểu cách điều trị bệnh Celiac
- VIII. Biện pháp phòng tránh bệnh Celiac
I. Bệnh Celiac là gì?
Bệnh Celiac (Celiac Disease) hay còn gọi là bệnh không dung nạp Gluten, đây là tình trạng đường ruột dị ứng với gluten, khiến cơ thể không thể hấp thụ gluten.
Gluten là các dạng protein có trong lúa mì và một số loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mạch đen, lúa mì, các loại bột.
Hội chứng không dung nạp gluten xuất hiện ở nhiều độ tuổi, kể cả trẻ em và thường liên quan đến các bệnh lý tự miễn khác như viêm tuyến giáp tự miễn, tiểu đường tuýp 1…
Chứng không dung nạp gluten có khả năng gây ra tình trạng viêm và bất sản niêm mạc ruột non, dẫn đến rối loạn tiêu hóa và khiến ruột non khó hấp thụ dinh dưỡng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, trung bình cứ 100 người sẽ có 1 người gặp ảnh hưởng của bệnh Celiac. Trong đó, có đến 50% người bệnh vẫn xuất hiện triệu chứng kể cả khi đã kiêng gluten trong khẩu phần ăn.
Bệnh Celiac có liên quan chặt chẽ đến yếu tố gia đình, nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh Celiac thì khoảng 10% thành viên khác trong gia đình cũng bị mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh Celiac còn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột non và mạch vành.
II. Nguyên nhân gây bệnh Celiac Disease
Bệnh không dung nạp Gluten có nguyên nhân là do di truyền. Nếu trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh, thì khả năng mắc Celiac lên đến 10 – 20%.
Bệnh Celiac sẽ không có biểu hiện gì nếu không gặp các tác nhân gây bệnh như:
- Ăn các thực phẩm chứa gluten.
- Stress, căng thẳng quá mức.
- Làm phẫu thuật hoặc sinh con.
- Nhiễm trùng đường ruột…
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh Celiac gồm:
- Mắc các bệnh nhiễm trùng đường ruột.
- Rối loạn hệ lợi khuẩn đường ruột.
- Đái tháo đường tuýp 1.
- Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto.
- Bệnh Addison: bệnh tự miễn ở tuyến thượng thận.
- Viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống.
- Hội chứng ruột kích thích.
- Hội chứng bẩm sinh liên quan đến nhiễm sắc thể như Down hoặc Turner,…
III. Triệu chứng của bệnh không dung nạp Gluten Celiac
Bệnh Celiac đa số được phát hiện từ bé, nhưng cũng có nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi đã trưởng thành. Các triệu chứng của Celiac có nhiều sự khác nhau giữa người lớn và trẻ em.
1. Dấu hiệu bệnh Celiac ở trẻ em
Thông thường, trẻ sẽ có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, phân có mùi hôi và có thêm nhờn như dầu ăn. Bên cạnh đó, thể trạng của trẻ cũng không bình thường, thể hiện qua chậm tăng cân, ít chơi đùa, người mệt mỏi. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng. Cụ thể:
1.1. Triệu chứng đường tiêu hóa
Bệnh Celiac ở trẻ hay gặp các triệu chứng về đường tiêu hóa hơn so với người lớn. Các triệu chứng gồm:
- Đau bụng, nôn trớ thường xuyên khiến trẻ quấy khóc.
- Bụng chướng, có tiếng óc ách trong bụng.
- Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài trên 14 ngày.
- Phân lỏng, có mùi hôi, nhạt màu.
1.2. Triệu chứng của việc không hấp thụ chất dinh dưỡng
- Chậm hoặc không phát triển thể chất, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
- có thể bị chậm mọc răng, còi xương, men răng kém, dễ mắc các bệnh lý về răng.
- Thiếu máu, thiếu sắt.
- Dậy thì muộn: Sau 13 – 14 tuổi với trẻ nữ; với trẻ nam là sau 15 – 16 tuổi.
- Các triệu chứng về thần kinh: giảm sự chú ý trong học tập, đau đầu, co giật hoặc mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
1.3. Viêm da dạng Herpes
Có khoảng 2 – 3% trẻ em và 0 – 20% người lớn mắc bệnh Celiac có triệu chứng mắc viêm da dạng Herpes với biểu hiện đặc trưng sau:
- Kích thước các nốt ban vài mm, dạng phỏng nước kèm ngứa rát.
- Xuất hiện nhiều ở da đầu, mông, khuỷu tay và đầu gối,…
- Thường xuất hiện sau khi ăn thực phẩm chứa gluten.
2. Dấu hiệu bệnh Celiac ở người lớn
Người lớn ít có bất thường về tiêu hóa như trẻ em nhưng hầu hết đều có sức khỏe kém với các biểu hiện như đau xương khớp, mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.
2.1. Triệu chứng đường tiêu hóa
Người lớn mắc bệnh Celiac thường có những biểu hiện rối loạn tiêu hóa khi ăn gluten ở các mức độ khác nhau như:
- Khó tiêu, đầy hơi.
- Đau bụng, buồn nôn.
- Táo bón, tiêu chảy.
- Mệt mỏi, ăn uống kém dẫn đến giảm cân.
2.2. Triệu chứng ngoài đường tiêu hóa
Có tới hơn 50% người bệnh Celiac đến khám vì các triệu ngoài đường tiêu hóa như:
- Thiếu máu thiếu sắt: Nguyên nhân là do giảm hấp thu sắt, vitamin B9, B12 và các chất dinh dưỡng khác cần thiết cho sự tạo máu.
- Giảm mật độ xương: Gây nhuyễn xương hoặc loãng xương liên quan đến việc hấp thu canxi và vitamin D.
- Phát ban: Xuất hiện các nốt ban đỏ, ngứa rát và phồng rộng trên da.
- Triệu chứng thần kinh: Người bệnh có cảm giác tê bì, kiến bò ở lòng bàn chân, bàn tay. Một số ít người bệnh Celiac có thể bị suy giảm nhận thức hoặc rối loạn thăng bằng.
- Triệu chứng khác: Đau nhức các khớp, loét miệng, suy giảm chức năng gan và lá lách.
IV. Bệnh Celiac có nguy hiểm không?
Bệnh Celiac nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp phải nếu bị hội chứng celiac:
- Niêm mạc ruột non bị tổn thương do gluten: Tình trạng này khiến ruột non không hấp thụ được chất dinh dưỡng từ thức ăn đi nuôi cơ thể, khiến người mệt mỏi, thiếu sức sống, miễn dịch kém và hàng loạt rối loạn khác.
- Làm tăng nguy cơ mắc ung thư: Ví dụ như ung thư hạch, ung thư biểu mô ở ruột non. Đây là biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm.
- Loãng xương, suy yếu xương: Cơ thể người bệnh hấp thu vitamin D3, canxi và phospho giảm sẽ khiến mật độ xương giảm, xương suy yếu gây còi xương hoặc gãy xương.
- Vô sinh: Bệnh Celiac gây rối loạn kinh nguyệt, dậy thì muộn ở cả trẻ nữ và nam dẫn đến vô sinh.
- Sảy thai: Thiếu dinh dưỡng chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ sảy thai ở phụ nữ mắc bệnh Celiac.
- Không dung nạp Lactose: Nhiều người bệnh Celiac còn kèm theo biểu hiện không dung nạp lactose trong sữa bò.
- Tổn thương hệ thần kinh: co giật, mất cảm giác đau ở các chi, mệt mỏi, chán nản, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em…
- Các biến chứng khác: Viêm loét ruột non, co hẹp ruột non, suy dinh dưỡng, các bệnh lý ở tụy.
Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, nếu nghi ngờ mắc bệnh hoặc trong gia đình có người mắc bệnh, chúng ta cần tới bệnh viện thăm khám sớm.
V. Bệnh nhân Celiac khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi có các triệu chứng sau, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời:
- Đau bụng kéo dài trên 1 tuần, không thuyên giảm.
- Xuất hiện các triệu chứng về thần kinh như: rối loạn cảm xúc, tê bì chân tay.
- Phát hiện bất thường về phân như: phân màu nâu, mùi hôi hoặc phân nhầy lẫn máu.
- Người bệnh mệt mỏi, xanh xao, suy dinh dưỡng.
- Trẻ em chậm phát triển thể chất.
VI. Phương pháp chẩn đoán bệnh Celiac
Các phương pháp được bác sĩ sử dụng trong chẩn đoán bệnh Celiac gồm:
1. Hỏi về tiền sử bệnh và tiền sử gia đình
Do bệnh Celiac có yếu tố di truyền nên bác cần hỏi về tiền sử mắc bệnh Celiac hoặc các bệnh tự miễn khác của người bệnh cũng như các thành viên khác trong gia đình.
2. Khám lâm sàng
Bác sĩ thăm khám vùng bụng để tìm kiếm bất thường ở đường tiêu hóa, gan và lá lách. Mặt khác, việc khám lâm sàng còn giúp bác sĩ đánh giá các triệu chứng bệnh Celiac ngoài đường tiêu hóa và các biến chứng của bệnh.
3. Thực hiện một số xét nghiệm
- Xét nghiệm huyết thanh: Tìm ra các kháng thể.
- Xét nghiệm di truyền: Tìm ra kháng nguyên bạch cầu ở người.
- Xét nghiệm máu: Giúp tìm các kháng kháng thể tự miễn.
- Sinh thiết ruột non: Lấy được mảnh sinh thiết ruột, nó giúp ích cho việc chẩn đoán xác định bệnh.
- Sinh thiết da: Thực hiện với các bệnh nhân có viêm da dạng herpes.
- Thử nghiệm gen: Tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh do di truyền.
VII. Tìm hiểu cách điều trị bệnh Celiac
Hiện vẫn chưa có cách chữa bệnh Celiac đặc hiệu. Cách trị bệnh celiac tốt nhất là bệnh nhân nên ngừng ăn gluten. Điều này có nghĩa là, bệnh nhân cần kiêng hoàn toàn các thực phẩm chứa gluten như lúa mạch, lúa mạch đen, lúa mì, tiểu hắc mạch… và thức ăn được chế biến từ chúng.
Bên cạnh thực phẩm, gluten cũng có thể xuất hiện trong kem đánh răng, dược phẩm, thuốc,… Vì thế, người bệnh cần chú ý đọc nhãn sản phẩm một cách cẩn thận.
VIII. Biện pháp phòng tránh bệnh Celiac
Bạn có thể kiểm soát và phòng tránh bệnh Celiac thông qua những cách sau:
- Tuân theo chế độ ăn không có gluten: Các thực phẩm gluten có như lúa mì, lúa mạch, lúa mì đen, các ngũ cốc và mì ống. Ngoài ra, gluten cũng có thể chứa trong thành phần của bia và đồ uống có cồn khác.
- Có chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng: Các thực phẩm không có gluten nên ăn gồm lúa gạo, khoai, kiều mạch, miến, ngô, diêm mạch, các loại thịt cá, rau xanh, hoa quả tươi hoặc các loại mì, bánh mì có nhãn dán “không chứa gluten”…
- Tập luyện thể dục thể thao thời xuyên mỗi ngày, ngủ đủ 7- 8 tiếng 1 ngày để nâng cao thể trạng và sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật.
Bệnh Celiac là loại không phổ biến nhưng khi mắc phải sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nếu không được điều trị. Vì không có thuốc điều trị đặc hiệu nên người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc ăn uống không có gluten để phòng tránh bệnh.
Nếu bạn còn bất kỳ băn khoăn nào về bệnh gluten hoặc các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, đừng quên gọi tới hotline miễn cước 1800.1125 để được dược sĩ của thuốc dạ dày chữ Y – Yumangel tư vấn kỹ hơn nhé!
Xem thêm:
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…