Skip to main content

U ruột non: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, điều trị

Tác giả: Đinh Thị Hiền

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thị Thu

U ruột non là bệnh hiếm gặp hơn so với các bệnh lý khác về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm với đường tiêu hóa. 

I. U ruột non là bệnh gì? 

Ruột non là một bộ phận của cơ quan tiêu hóa, đảm nhận nhiệm vụ hấp thụ dinh dưỡng cho cơ thể. Ruột non nối tiếp sau dạ dày và chia thành 3 bộ phận chính gồm: 

  • Tá tràng: Phần nối tiếp với dạ dày.
  • Hỗng tràng: Phần giữa. 
  • Hồi tràng: Phần cuối, nối với đại tràng.

U ruột non là tình trạng ruột non xuất hiện một hoặc nhiều khối u trong cùng một thời điểm. Các khối u  ruột non bắt đầu hình thành khi các tế bào trong ruột non phát triển ngoài tầm kiểm soát. 

U ruột non hiếm gặp nhưng lại không có nhiều biểu hiện cụ thể. Nhiều trường hợp u ruột non chỉ tình cờ được phát hiện trong những buổi thăm khám với mục đích khác. 

U ruột non là tình trạng ruột non xuất hiện một hoặc nhiều khối u trong cùng một thời điểm.

II. U ruột non gồm những loại nào? 

Giống với nhiều loại u khác, u ruột non cũng được chia thành 2 loại: U lành tính và u ác tính (hay còn gọi là ung thư ruột non).

1. U ruột non lành tính

U ruột non lành tính chiếm 25% trong các trường hợp. Bao gồm bệnh đa polyp ruột hoặc u mỡ. 

U ruột non lành tính chiếm 25% trong các trường hợp.

2. U ruột non ác tính

U ruột non ác tính hay còn được gọi là ung thư ruột non. Gồm 5 loại là: u lympho ruột (Lymphoma), u Sarcoma, carcinoma tuyến, u thần kinh nội tiết và u mô đệm dạ dày ruột (GIST).

U ruột non ác tính

II. Các dạng u ruột non lành tính và u ruột non ác tính

Với u lành tính và ác tính ở ruột non, các chuyên gia thường phân theo các loại sau đây:

1. Các dạng u ruột non lành tính 

Khối u lành tính ở ruột non gồm 5 loại với đặc điểm cụ thể như sau: 

  • Leiomyoma: Đây là những khối u phát triển trong lớp cơ của thành ruột, chúng có thể gây chảy máu và rất khó chẩn đoán. Loại u này thường dễ trở thành ác tính nếu không được phát hiện kịp thời
  • Adenomas: Đây là những khối u phát triển trong các tế bào tuyến. Chúng thường trở thành ác tính và có thể gây tắc nghẽn trong ruột.
  • Lipomas: Hay còn gọi là u mỡ, là những tập hợp chất béo vô hại trên thành ruột. Chúng không thể trở thành ung thư và chỉ cần cắt bỏ nếu chúng trở nên lớn hơn và gây biến chứng.
  • U máu: Đây là sự tăng sinh các mạch máu tạo thành các khối u mạch máu lành tính trong thành của dạ dày và ruột. Chúng có thể gây chảy máu đáng kể trong đường tiêu hóa và có thể cần điều trị.
  • Khối u thần kinh: Đây là những khối u lành tính phát triển từ mô thần kinh.

Một số khối u ban đầu lành tính, sau đó có thể tiến triển thành ác tính. Vì vậy, bạn nên thường xuyên đến các cơ sở y tế kiểm tra, để từ đó có được phương pháp điều trị phù hợp cho bản thân.

Khối u lành tính ở ruột non gồm 5 loại là Leiomyoma, Adenomas, Lipomas, u máu và khối u thần kinh.

2. Các dạng u ruột non ác tính

U ác tính (hay còn được gọi là ung thư ruột non) được chia thành 5 loại khác nhau. Việc phân loại u sẽ phụ thuộc chính vào tế bào ung thư phát triển từ đầu.

Các loại u được tìm thấy trong ruột non là:

  • U lympho ruột (Lymphoma): loại u này biểu lộ lần đầu cũng là tắc hoặc xuất huyết. Hiện tượng thủng ruột hoặc kém hấp thu cũng có thể sẽ xảy ra.
  • U Sarcoma: Loại u này hay xảy ra nhất ở giữa ruột non, và có thể biểu hiện lần đầu là khối u, tắc và xuất huyết.
  • U biểu mô tuyến/Carcinoma tuyến: Đây là loại u ruột non ác tính thường gặp nhất, chiếm khoảng 30-50% trường hợp, xảy ra nhiều nhất ở tá tràng và hỗng tràng. 
  • U mô đệm dạ dày ruột (GIST): Là dạng u  có thể phát sinh ở các vị trí khác ở dạ dày, ruột kết.
  • U thần kinh nội tiết: Được gọi là u carcinoid, đa phần các u này bắt đầu từ ruột non và giải phóng serotonin. 

Trong đó, u biểu mô tuyến là loại ung thư ruột non phổ biến nhất. Loại u này bắt đầu trong niêm mạc của ruột non trong các tế bào tuyến. Các khối u phát triển từ loại ung thư này xảy ra ở phần trên của ruột non và có thể phát triển làm tắc ruột.

U ruột non ác tính gồm 5 loại là u lympho ruột (Lymphoma), u Sarcoma, carcinoma tuyến, u thần kinh nội tiết và u mô đệm dạ dày ruột (GIST).

III. 6 triệu chứng nhận biết u ruột non

Các triệu chứng u ruột non rất giống với các dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Dưới đây là 6 triệu chứng phổ biến:

1. Tiêu chảy

Bệnh nhân bị u ruột non gặp triệu chứng tiêu chảy,  đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày.

2. Đau bụng

Người bệnh bị đau bụng âm ỉ, ít khi đau dữ dội. Triệu chứng này khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

3. Buồn nôn hoặc nôn ói

Buồn nôn hoặc nôn ói cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo xuất hiện khối u ở ruột non.

4. Phân lẫn máu

Màu máu trong phân của bệnh nhân bị u ruột non ác tính thường không phải máu tươi, chủ yếu là đi ngoài phân đen, giống màu bã cà phê, mùi khó chịu, thối khắm.

5. Bụng nổi u

Người bệnh có thể phát hiện tình cờ khối u ở ruột non hoặc được chẩn đoán sau khi thăm khám.

6. Sụt cân không lý do

Sụt cân không rõ nguyên nhân là triệu chứng rất hay gặp đối với những trường hợp bị ung thư ruột non giai đoạn cuối.

Ngoài ra, một triệu chứng khác là rối loạn tiêu hóa ở người lớn cũng có thể là dấu hiệu của u ruột non.

IV. 5 biến chứng của u ruột non

U ruột non nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:

1. Tắc dòng di chuyển thức ăn 

Khối u ở ruột non có thể gây tắc dòng di chuyển của thức ăn và ảnh hưởng đến sự tiêu hóa.

2. Tắc ruột

Khối u ở ruột non có kích thước lớn gây tắc ruột khiến hoạt động vận chuyển các chất trong ruột bị ngừng hoàn toàn. Đây là tình trạng nguy hiểm cần được cấp cứu ngoại khoa ngay.

Các triệu chứng nhận biết tắc ruột là: đau, co thắt dạ dày; đầy bụng, sưng bụng; cảm giác khó chịu ở bụng; buồn nôn, nôn mửa; táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng từng ít một; đầy hơi, chướng bụng, căng tức bụng; mất cảm giác ngon miệng, thèm ăn.

3. Vỡ thủng tạng rỗng

U ruột non có thể gây biến chứng vỡ thủng tạng rỗng. Triệu chứng nhận biết là bệnh nhân bị đau bụng đột ngột và dữ dội; bụng cứng như gỗ, co cứng thành bụng; có thể kèm nôn nhưng thường ít gặp. 

4. Thiếu máu 

Khối u ruột non bị chảy máu kéo dài dẫn đến thiếu máu với các dấu hiệu như: mệt mỏi, buồn ngủ, ngất và khó thở khi gắng sức, đau thắt ngực, chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu…

5. Suy giảm hệ miễn dịch

Bệnh nhân u ruột non bị đau bụng liên tục và kéo dài gây mệt mỏi, dẫn đến chán ăn, kém hấp thu. Hậu quả là hệ miễn dịch bị suy giảm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

U ruột non nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tắc ruột, vỡ thủng tạng rỗng, thiếu máu…

V. 6 phương pháp chẩn đoán u ruột non

Để xác định bạn có đang mắc một trong các loại khối u ruột non hay không, ngoài thăm khám lâm sàng, các bác sĩ có thể phải tiến hành làm một hoặc nhiều xét nghiệm, có thể kể đến như: 

1. Nội soi 

Dùng một ống mềm nhỏ có camera để đưa vào nhiều khu vực của đường tiêu hóa, bao gồm cả ruột non. 

Sinh thiết cũng là phương pháp có thể được thực hiện khi nội soi ruột non. Phương pháp này được hiểu đơn giản là lấy 1 mẫu mô xét nghiệm để xác định xem khối u là lành hay ác tính.

2. Siêu âm nội soi

Phương pháp này sẽ giúp các bác sĩ xem và xác định vị trí có thể có khối u trong thành ruột.

3. Xquang ổ bụng

Sau khi tiêu thụ một lượng chất lỏng có chứa barium, các bác sĩ sẽ chụp X-quang ở vùng ruột non. Lớp phủ barium sẽ giúp các bác sĩ có được những hình ảnh chính xác hơn.

4. Chụp X-quang 

Chụp X-quang có thể được thực hiện vào những thời điểm khác nhau tùy thuộc vào sự di chuyển của barium trong đường tiêu hóa.

5.  Xét nghiệm máu

Số lượng huyết sắc tố, hồng cầu giảm có thể cho biết bệnh nhân đang đối mặt với tình trạng chảy máu đường tiêu hóa hay không.

Đồng thời xét nghiệm chức năng thận, gan với mục đích xác định khối u có ảnh hưởng gì đến các cơ quan này hay chưa. 

6. Chụp CT hoặc MRI

CT hoặc MRI có thể cho thấy những bất thường trong đường tiêu hóa và giúp loại trừ các bệnh lý khác.

Bác sĩ chẩn đoán cho bệnh nhân nghi ngờ bị u ruột non.

VI. Cách điều trị u ruột non

Phác đồ điều trị u ruột non tùy thuộc vào loại khối u được tìm thấy, tình trạng khối u là lành tính hay ác tính.

1. Đối với khối u ruột non lành tính

Thông thường, các khối u ruột non lành tính sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ. Phương pháp này giúp loại bỏ các khối u mà không làm hỏng các mô xung quanh. 

2. Đối với khối u ruột non ác tính 

Trong trường hợp khối u ruột non là ác tính, việc điều trị ung thư ruột non có thể phải sử dụng một hoặc nhiều phương pháp kết hợp bao gồm: phẫu thuật cắt u ruột non, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch tùy thuộc vào tình trạng ung thư.

  • Phẫu thuật: Để cắt bỏ 1 phần hoặc toàn bộ ruột non. 
  • Hóa trị: Dùng hóa chất để tiêu diệt và ngăn cản tế bào ung thư phát triển. 
  • Xạ trị: Sử dụng sóng năng lượng cao như tia X để tiêu diệt các tế bào ung thư, thu nhỏ khối u và làm giảm các triệu chứng bệnh.
  • Điều trị đích: Sử dụng các loại thuốc thay đổi cách thức hoạt động của tế bào và giúp cơ thể kiểm soát sự lây lan của ung thư.
Thông thường, các khối u ruột non sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ.

VII. Cách chăm sóc bệnh nhân bị u ruột non

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị mà có hướng chăm sóc người bị u ruột non khác nhau. Các bác sĩ thường sẽ hướng dẫn cho người nhà để biết cách chăm sóc bệnh nhân đúng và phù hợp để nhanh hồi phục và ngăn ngừa bệnh tái phát. 

Ngoài ra, bệnh nhân hay những người có nguy cơ bị u ruột non cũng không nên hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc, các món luộc, hấp, giảm đồ ăn chiên nướng, hoặc đồ ăn chế biến sẵn. 

Đồng thời các bệnh nhân mắc bệnh Celiac, bệnh Crohn, bệnh FAP nên thường xuyên đi khám sàng lọc khoảng 6 tháng 1 lần.

Bệnh nhân bị u ruột non cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.

VIII. Giải đáp thắc mắc về u ruột non

Một số thắc mắc khác về u ruột non sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết dưới đây: 

1. U ruột non có nguy hiểm không?

Mặc dù hiếm gặp hơn các loại u hay ung thư đường tiêu hóa khác, tuy nhiên u ruột non vẫn dễ tiến triển thành ung thư.

Nếu tình trạng trên không được phát hiện và điều trị, ung thư ruột non còn có thể gây ra 1 số biến chứng nguy hiểm như: Thiếu máu, tắc ruột, thủng tạng rỗng,…

Tình trạng u ruột non xuất hiện trong thời gian dài có thể khiến hệ miễn dịch bị suy giảm trầm trọng, dẫn đến 1 số bệnh lý nguy hiểm khác.

2. U ruột non ác tính có chữa được không?

U ruột non ác tính có thể chữa được nếu bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Vì lúc này các khối u chưa xâm lấn sang các cơ quan và bộ phận khác trong cơ thể nên khả năng chữa khỏi cao.

3. U ruột non khi nào cần thăm khám bác sĩ?

U ruột non dù là căn bệnh hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Vì vậy, bạn nên thăm khám khi thường xuyên xuất hiện các triệu chứng như: đau bụng, giảm cân không rõ nguyên nhân, nôn mửa, ói, phân có máu hoặc nổi khối u ở vùng bụng.

4. Người bị u ruột non nên ăn gì?

Người bị u ruột non nên ăn đa dạng và phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất thiết yếu là tinh bột, đạm, béo và vitamin, khoáng chất. Cụ thể:

  • Tinh bột: Ngô, gạo, khoai củ, bún, ngũ cốc nguyên hạt, phở…
  • Chất đạm: Thịt lợn, thịt bò, vịt, cá, ngan, gà, trứng…
  • Vitamin và chất khoáng: Cà rốt, cà chua, bắp cải, táo, thanh long, bí đỏ, rau ngót, ớt chuông, cam, bưởi, quýt,…
  • Chất béo: Nên bổ sung chất béo từ thực phẩm giàu omega-3 như: cá biển, dầu lạc, vừng, hạt điều, cá hồi, dầu mè, quả óc chó,…
  • Nên ăn sữa chua, sữa lên men: Để cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột.

5. Bệnh nhân u ruột non không nên ăn gì?

Khi bị u ở ruột non, bệnh nhân nên kiêng ăn thịt đỏ, mỡ động vật; thực phẩm chế biến sẵn; đồ ăn chiên nướng; thực phẩm chứa nhiều muối, lên men; đồ cay như ớt, hạt tiêu; hoa quả chua; món ăn nhiều đường; bia rượu, cà phê, đồ uống có ga…

U ruột non dù là bệnh lý  hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, ngay khi nghi ngờ có dấu hiệu mắc bệnh, hãy đến ngay bệnh viện để được bác sĩ chuyên gia thăm khám và điều trị hiệu quả. 

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)
Hà Thị Kim Liên

Tác giả:

Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.