Skip to main content

Ruột non là gì? 6+ bệnh lý ruột non thường gặp

Tác giả: Đinh Thị Hiền

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thị Thu

Ruột non có chức năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì hàng ngày phải tiêu hóa một khối lượng thức ăn nên ruột non có nguy cơ cao mắc một số bệnh lý như: viêm ruột non, viêm túi thừa Meckel, tắc ruột non, hội chứng kích thích ruột,  ung thư ruột non… 

I.  Ruột non là gì? Vị trí, cấu tạo, độ dài, các lớp, chức năng

Ruột non tiếng Anh là Small Intestine, là một bộ phận thuộc ống tiêu hóa và của hệ tiêu hóa. 

1. Vị trí 

Trong cơ thể con người, ruột non nằm ở vị trí trước ruột già (đại tràng) và sau dạ dày.

Vị trí của ruột non trong hệ tiêu hóa

2. Cấu tạo

Cấu tạo của ruột non gồm có: tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng. Trong đó:

  • Tá tràng: Là phần đầu của ruột non, có hình dáng chữ C và chiều dài 25m.
  • Hỗng tràng: Là 4/5 độ dài đoạn đầu.
  • Hồi tràng: Là phần còn lại.
Giải phẫu cấu tạo của ruột non.

2. Chiều dài 

Chiều dài của ruột non được tính từ môn vị dạ dày đến góc tá – hỗng tràng. Thông thường ở người trưởng thành, chiều dài của ruột non dao động từ khoảng 5 – 9m, rộng khoảng 1.5 – 3cm.

Độ dài ruột non của người còn dài hơn cả ruột già (từ 1,2 – 1,8m) và đây cũng là bộ phận dài nhất trong cơ thể. Ngoài ra, tổng diện tích bề mặt bên trong của ruột non cũng rất lớn, có thể đạt đến 500m2.

Thông thường ở người trưởng thành, chiều dài của ruột non dao động từ khoảng 5 – 9m, rộng khoảng 1.5 – 3cm.

3. Các lớp của ruột non

Thành ruột non gồm có 4 lớp là: màng bọc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc. Trong đó:

  • Màng bọc: Cấu tạo của lớp màng bọc gồm phúc mạc ở mặt dưới và mô liên kết ở mặt sau. Trong đó, phúc mạc lại gồm 2 lớp là lớp thanh mạc và tấm dưới thanh mạc.
  • Lớp cơ: Có 2 lớp cơ trơn, giữa 2 lớp cơ trơn là những mạch máu, mạch bạch huyết và đám rối thần kinh tự chủ có nhiệm vụ chi phối cơ trơn. Lớp cơ có các nhu động ruột làm nhiệm vụ nhào trộn thức ăn và di chuyển chúng đến ruột già.
  • Lớp dưới niêm mạc: Có các mô liên kết lỏng lẻo, chứa các đám rối mạch máu và thần kinh, các mạch bạch huyết.
  • Lớp niêm mạc trong ruột non: Chức năng chính là tiết dịch, hấp thụ chất dinh dưỡng và bảo vệ cơ quan này. Cấu tạo của lớp niêm mạc trong ruột non là lớp tế bào thượng mô trụ, xen kẽ là các tế bào tiết nhầy.
Thành ruột non gồm có 4 lớp gồm màng bọc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc.

4. Chức năng

Chức năng chính của ruột non đó là tiêu hóa thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Quy trình này cụ thể như sau: 

  • Thức ăn khi ở ruột non sẽ được trộn nhào với dịch mật, dịch tụy và dịch ruột non.   
  • Thành ruột có các kiểu vận động để hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa gồm: vận động lắc lư, co bóp nhu động, co bóp phân đoạn và vận động của nhung mao.
  • Dưới tác động của các men tiêu hóa, các thức ăn là lipid, protein, glucid được tiêu hóa thành các acid amin, acid béo, monosaccarit và các glycerol. Các chất dinh dưỡng này sẽ được hấp thu qua thành ruột, rồi theo các đường tĩnh mạch về gan, sau đó theo tĩnh mạch chủ dưới về tim.
  • Lượng dịch được hấp thu tại ruột non hàng ngày vào khoảng khoảng 8-9 lít bao gồm cả dịch của thức ăn và dịch tiêu hóa. Trong đó ruột non hấp thu khoảng 77.5 lít, số còn lại sẽ được vận chuyển xuống ruột già.
Chức năng chính của ruột non đó là tiêu hóa thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

5. Phân biệt ruột non với ruột già và dạ dày

Do ruột non, ruột già và dạ dày đều là một bộ phận thuộc ống tiêu hóa và của hệ tiêu hóa nên rất nhiều người chưa hiểu rõ về vị trí cũng như chức năng của từng bộ phận. Vì vậy chúng tôi đã có bảng so sánh sự khác nhau giữa dạ dày, ruột non và ruột già dưới đây:

5.1. Giống nhau

  • Cả ruột non, ruột già và dạ dày đều là một bộ phận thuộc ống tiêu hóa và của hệ tiêu hóa.
  • Cấu tạo đều gồm 4 lớp là: màng bọc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc. 

5.2. Khác nhau

Dưới đây là bảng so sánh sự khác nhau giữa ruột non với ruột già và dạ dày: 

Tiêu chí  Ruột non Ruột già Dạ dày 
Vị trí Nằm trước ruột già (đại tràng) và sau dạ dày. – Ruột già (đại tràng) nằm ở vị trí áp cuối trong hệ tiêu hóa.

– Bộ phận này nằm bao quanh ruột non và có hình chữ U ngược.

Nằm hoàn toàn trong ổ bụng.
Kích thước Dài từ 5 – 9m Dài từ 1,2 – 1,8m Kích thước dạ dày người trưởng thành có dung lượng khoảng 1.500ml
Chức năng Tiêu hóa thức ăn và hấp thu dinh dưỡng cho cơ thể. – Hấp thu các dưỡng chất còn sót lại ở ruột non.

– Bài tiết phân.

– Co bóp nghiền trộn cho thức ăn thấm acid dịch vị

– Chuyển hóa thức ăn nhờ hệ enzyme tiêu hóa trong dịch vị.

Ruột non, ruột già và dạ dày đều là một bộ phận thuộc ống tiêu hóa và của hệ tiêu hóa nhưng đảm nhận chức năng khác nhau.

II. 6+ bệnh lý thường gặp ở ruột non

Đều đặn hàng ngày ruột non cần thực hiện nhiệm vụ tiêu hóa và hấp thu một lượng thức ăn lớn nên cơ quan này rất dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như: 

  • Viêm ruột non.
  • Viêm túi thừa Meckel.
  • Tắc ruột non thực thể cấp tính.
  • Hội chứng kích thích ruột.
  • Trào ngược dạ dày.
  • Ung thư ruột non.

1. Viêm ruột non

Là tình trạng viêm xảy ra tại ruột non, cụ thể là tại thành ruột non gây viêm, phù nề, viêm mủ và tổn thương tại các vùng bị ảnh hưởng.

1.1. Nguyên nhân

Các nguyên nhân có thể gây ra viêm ruột non gồm:

  • Viêm ruột do yếu tố vi sinh: Các vi sinh vật như virus, vi khuẩn, vi nấm hoặc ký sinh trùng có thể gây viêm ruột non. Ngoài ra, còn có một số yếu tố khcs như nguồn nước và thức ăn bị nhiễm khuẩn; vệ sinh không sạch sẽ…
  • Bệnh Crohn: Còn gọi là là bệnh viêm đường ruột mãn tính từng vùng – một loại bệnh tổn thương tự miễn dịch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của ống tiêu hoá, phổ biến hỗng tràng và đại tràng. 
  • Lao ruột: Đây là tình trạng tổn thương do vi khuẩn lao gây ra và thường đi kèm với tổn thương ở phổi hoặc màng bụng hoặc có tiền sử với bệnh lao.
  • Bệnh viêm ruột non do Celiac: Đây là một bệnh liên quan đến miễn dịch, khi cơ quan tiêu hoá không thể dung nạp gluten gây niêm mạc ruột, teo niêm mạc, và giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng.
  • Do các nguyên nhân viêm mạch hoặc các bệnh tự miễn: Bao gồm bệnh Henoch-Schönlein, Behcet, Lupus ban đỏ hệ thống, viêm nút động mạch, và các bệnh tự miễn khác.
  • Do xuất huyết thành ruột non: Nguyên nhân thường do bị rối loạn đông máu hoặc sử dụng các loại thuốc chống đông máu.
  • Do thiếu máu nuôi dưỡng: Có thể do tắc động tĩnh mạch mạc treo ruột cấp hoặc mãn tính.
  • Bệnh không dung nạp Lactose: Bệnh nhân không có men tiêu hóa lactose gây bất dung nạp với các triệu đau bụng, tiêu chảy và những triệu chứng khác khi tiêu thụ lactose.

1.2. Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh nhân viêm ruột non có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí viêm và mức độ viêm. Dưới đây là các triệu chứng phổ biến:

  • Đau bụng: Thường đau ở vùng thượng vị trái hoặc vùng bụng dưới.
  • Tiêu chảy: Có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc thậm chí cả tuần; phân màu xanh hoặc đen.
  • Khó tiêu: Ruột non bị viêm khiến khả năng tiêu hóa của cơ thể bị suy giảm, người bệnh bị chướng bụng, khó tiêu và đầy hơi.
  • Buồn nôn và nôn mửa: Xảy ra khi ruột non bị viêm nặng.
  • Sốt và mệt mỏi: Viêm ruột non trở nặng, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi và yếu, sốt.
  • Rối loạn tiêu hóa: Viêm ruột non có thể gây ra các rối loạn tiêu hóa khác nhau, bao gồm đầy hơi, táo bón, khó tiêu và đau bụng.
  • Xuất hiện của máu trong phân: Đây là dấu hiệu cảnh bảo niêm mạc ruột non bị tổn thương.

1.3. Mức độ nguy hiểm/Biến chứng

Mức độ nguy hiểm của viêm ruột non phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ của bệnh. Dưới đây là một số tác động và nguy cơ liên quan đến viêm ruột non:

  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, buồn nôn thường xuyên xuất hiện gây chán ăn, sụt cân và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Suy giảm hấp thu chất dinh dưỡng: Viêm ruột non thường làm giảm khả năng ruột non hấp thu chất dinh dưỡng khiến cơ thể người bệnh bị thiếu hụt vitamin, khoáng chất và protein. Điều này có thể gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe như nhiễm trùng, thiếu máu sắt, và thiếu vitamin B12.
  • Biến chứng cấp tính: Viêm ruột non cấp tính người bệnh có thể bị đau bụng, sốt, mất nước nhanh chóng và tiêu chảy nặng. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây rối loạn điện giải và nguy hiểm tới tính  mạng.
  • Vết loét và tổn thương ruột non: Viêm ruột  non kéo dài không điều trị có thể gây ra các vết loét trên niêm mạc ruột non. Hậu quả là khiến ruột non mất khả năng xử lý thức ăn, bài tiết chất thải và hấp thụ nước gây đau và tiêu chảy.
  • Tắc mạch và hoại tử ruột: Trong trường hợp bệnh nhân viêm ruột non do tắc mạch, có thể xảy ra hoại tử ruột và phá vỡ niêm mạc ruột. Điều này dẫn đến việc vi sinh vật gây bệnh thoát ra ngoài ổ bụng.
  • Ung thư: Viêm ruột non có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư ruột kết, ung thư hậu môn.

1.4. Chẩn đoán

Các phương pháp chẩn đoán viêm ruột non gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng gặp phải cũng như tiền sử bệnh lý.
  • Xét nghiệm máu: Để đánh giá mức độ viêm và tình trạng chức năng gan và thận.
  • Siêu âm: Giúp quan sát  hình ảnh của ruột non.
  • Chụp X-quang CT hoặc MRI: Để quan sát hình ảnh chi tiết của ruột non giúp bác sĩ xác định tổn thương.
  • Điều tra ruột: Đưa một đầu dò linh hoạt qua đường tiêu hoá để lấy mẫu và xem xét một phần của ruột non.
  • Nội soi: Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp bên trong ruột non. Từ đó đánh giá mức độ tổn thương, tìm ra các vết loét, polyp, khối u hoặc những dấu hiệu khác của bệnh lý.

1.5. Điều trị

Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh viêm ruột non. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu tập trung làm giảm triệu chứng và các biến chứng xảy ra. Tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ bệnh bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp:

  • Điều trị bằng thuốc: Hai loại thuốc thường dùng là thuốc chống viêm, chất ức chế miễn dịch. Bệnh nhân bị tiêu chảy được chỉ định bổ sung dung dịch điện giải hoặc truyền dịch.
  • Điều trị bằng phẫu thuật: Được sử dụng khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả hoặc bệnh trở nặng gây biến chứng.
Viêm ruột non là tình trạng thành ruột non bị viêm, phù nề, viêm mủ và tổn thương tại các vùng bị ảnh hưởng.

2. Viêm túi thừa Meckel

Viêm túi thừa Meckel hay viêm túi thừa xảy ra khi các túi nhỏ trong ruột non phình ra ngoài. Bệnh xảy ra ở ở 2% dân và phổ biến hơn ở nam giới.

2.1. Triệu chứng

Các triệu chứng phổ biến của bệnh gồm:

  • Đau quanh rốn hoặc đau quặn bụng. 
  • Đi ngoài phân lẫn máu.
  • Nôn và buồn nôn.
  • Xuất huyết dạ dày.
  • Tắc ruột do ứ đọng thức ăn gây tiêu chảy hoặc táo bón, đầy hơi.

2.3. Mức độ nguy hiểm/Biến chứng

Viêm túi thừa Meckel không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Chảy máu tiêu hóa: Dấu hiệu nhận biết là các tạng bụng nhợt nhạt do thiếu máu, ruột non trắng, đại tràng và một phần dưới của hồi tràng chứa đầy máu đen.
  • Viêm túi thừa Meckel thủng vào bàng quang: Người bệnh sẽ có triệu chứng như: đi tiểu đau rát, nước tiểu đục; tiểu ra các hạt lợn cợn như phân, nhưng đại tiện vẫn bình thường, không có máu; sốt, đau bụng…
  • Biến chứng khác: Xoắn ruột, rò ống rốn bẩm sinh, rò rỉ dịch tiêu, tắc nghẽn hai lá van giữa rốn và ruột non.

2.4. Chẩn đoán

Bệnh viêm túi thừa Meckel thường khó chẩn đoán, bên cạnh thăm khám lâm sàng bác sĩ có chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như sau:

  • Chụp phim có chất Technetium: Giúp phát hiện ra túi thừa Meckel bằng cách được tiêm chất phóng xạ technetium vào người bệnh.
  • Nội soi đại tràng: Sử dụng một ống mềm có camera ở đầu để đưa vào trực tràng, đại tràng.
  • Nội soi không dây: Bệnh nhân nuốt một máy camera nhỏ để tìm ra nguyên nhân gây chảy máu.

2.5. Điều trị

  • Điều trị bằng thuốc: Tùy thuộc vào loại biến chứng và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp.
  • Điều trị phẫu thuật: Viêm túi thừa Meckel gây chảy máu bệnh nhân sẽ cần thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ bỏ túi thừa kèm theo đoạn hồi tràng gần kề.
Viêm túi thừa Meckel hay viêm túi thừa xảy ra khi các túi nhỏ trong ruột non phình ra ngoài.

3. Tắc ruột non 

Tắc ruột non thực thể cấp tính thường hay xảy ra ở bộ phận hồi tràng của ruột non. Bệnh lý này có thể gây viêm phúc mạc và tử vong nếu ruột non bị tắc hoàn toàn.

3.1. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây tắc ruột non gồm 2 loại là do liệt ruột và do nguyên nhân cơ học. Trong đó:

  • Tắc ruột non do liệt ruột vô động lực: Xảy ra phổ biến hơn nhưng thường tự giới hạn và không cần phải điều trị phẫu thuật. 
  • Tắc ruột non cơ học: Có thể do tác động bên trong hoặc bên ngoài.

Một số nguyên nhân khác gây tắc ruột gồm: thoát vị, dính ruột, viêm túi thừa, sỏi phân; nguyên nhân ít gặp hơn là xoắn ruột, do giun, lồng ruột, áp-xe, sỏi mật, các thương tổn bẩm sinh…

3.2. Triệu chứng

Dấu hiệu nhận biết khi bị tắc ruột non thực thể cấp tính gồm:

  • Đau bụng từng cơ, tập trung chủ yếu ở vùng xung quanh rốn sau đó có thể lan rộng ra xung quanh. 
  • Người bệnh có thể bị táo bón, nôn mửa, chướng bụng, đổ mồ hôi, cơ thể suy nhược, bí trung, đại tiện… 

3.3. Mức độ nguy hiểm/Biến chứng

Tắc ruột non là bệnh lý nguy hiểm cần được cấp cứu và điều trị y tế ngay. Nếu được chẩn đoán và can thiệp kịp thời thì tiên lượng tốt. 

Ngược lại, nếu điều trị muộn thì khả năng phục hồi của ruột sau điều trị càng thấp. Bệnh nhân bị nhiễm trùng nhiễm độc có thể bị sốc nặng, thấm chí là tử vong.

3.4. Chẩn đoán 

Bên cạnh thăm khám lâm sàng qua triệu chứng và tiền xử bệnh, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm bao gồm:

  • Chụp X-quang bụng.
  • CT scan cho hình ảnh chi tiết hơn để xác định đoạn ruột bị tắc.
  • Siêu âm thường dùng để xác định tắc ruột ở trẻ em.
  • Chụp cản quang.
  • Nội soi.

3.5. Điều trị

Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ bệnh để tư vấn phương pháp điều trị tắc ruột non phù hợp và hiệu quả:

  • Điều trị nội khoa: Hồi sức tích cực nếu người bệnh bị sốc, nhịn ăn uống, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch sonde dạ dày, dùng thuốc kháng sinh, giảm đau… 
  • Phẫu thuật can thiệp ổ bụng: Được sử dụng khi ruột non bị tắc hoàn toàn, điều trị nội khoa không hiệu quả. 
Tắc ruột non thực thể cấp tính thường hay xảy ra ở bộ phận hồi tràng của ruột non.

4. U ruột non

U ruột non là tình trạng xuất hiện một hoặc nhiều khối u trong ruột non. U ruột non cũng gồm 2 loại là u lành tính và u ác tính (hay còn gọi là ung thư ruột non).

4.1. Triệu chứng

Các triệu chứng u ruột non gồm: 

  • Đau bụng.
  • Chuột rút.
  • Giảm cân không rõ lý do.  
  • Nôn mửa, ói.
  • Có máu trong phân, phân màu đen.
  • Nổi khối u ở bụng.

4.2. Mức độ nguy hiểm/Biến chứng

Các biến chứng u ruột non khi không được điều trị kịp thời có thể kể đến như:

  • Tắc dòng di chuyển thức ăn, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
  • Tắc ruột.
  • Chảy máu khối u kéo dài gây thiếu máu.
  • Vỡ thủng tạng rỗng.
  • Suy giảm hệ miễn dịch.

4.3. Chẩn đoán

Để xác định có phải là u ruột non hay không, người bệnh cần thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ:

  • Nội soi: Để thu được hình ảnh trong ruột non và cả đường tiêu hóa. Nếu có khối u cần lấy mẫu sinh thiết để xét nghiệm để xác định xem khối u là lành hay ác tính.
  • Siêu âm nội soi: Để xác định vị trí có thể có khối u trong thành ruột.
  • Xquang ổ bụng: Cung cấp các hình ảnh chính xác hơn ở vùng ruột non.
  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra số lượng huyết sắc tố, hồng cầu xem bệnh nhân có bị chảy máu đường tiêu hóa không. Kết hợp kiểm tra chức năng thận, gan xem có bị ảnh hưởng bởi khối u ruột non không.
  • Chụp CT hoặc MRI: Để phát hiện các bất thường trong đường tiêu hóa và giúp loại trừ các bệnh lý khác.

4.4. Điều trị

Tùy thuộc vào loại khối u ruột non là lành tính hay ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường, các khối u sẽ được phẫu thuật để cắt bỏ.

Trường hợp khối u là ác tính, có thể phải sử dụng một hoặc nhiều phương pháp kết hợp bao gồm: cắt u ruột non, liệu pháp miễn dịch, xạ trị, hóa trị tùy thuộc vào tình trạng khối u.

U ruột non là tình trạng xuất hiện một hoặc nhiều khối u trong ruột non.

5. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng của ruột non tái phát nhiều lần. Đây là một trong các bệnh đường ruột phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc từ 5-20% dân số.

5.1. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích hiện chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như căng thẳng, rối loạn nội tiết tố, ăn uống không phù hợp; tiền sử gia đình có người bị bệnh…

5.2. Triệu chứng

Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích gồm: 

  • Đau bụng.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy. 
  • Bụng đầy hơi, nặng,
  • Mất ngủ.
  • Nhức đầu.
  • Đi đại tiện có cảm giác chưa hết phân.
  • Chuột rút.
  • Đau mỏi cơ.
  • Mệt mỏi.

5.3. Mức độ nguy hiểm/Biến chứng

Hội chứng ruột kích thích không phải là một bệnh nguy hiểm. Trường hợp bệnh nhẹ có thể tự khỏi bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, không cần dùng thuốc điều trị. Rất hiếm các trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất.

Tuy nhiên, bệnh nhân không nên chủ quan. Việc trì hoãn điều trị để bệnh kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến những cơ quan trong hệ tiêu hóa khác. 

5.4. Chẩn đoán

Các phương pháp chẩn đoán ruột kích thích gồm:

  • Thăm khám lâm sàng: Thông qua triệu chứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân.
  • Nội soi tiêu hóa: Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng và đại trực tràng, nếu phát hiện tổn thương cần tiến hành sinh thiết.
  • Xét nghiệm: Để tìm ra nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích, bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm phân, máu và không dung nạp lactose.

5.5. Điều trị 

Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích tập trung chủ yếu vào chế độ ăn và dinh dưỡng, kết hợp uống thuốc điều trị triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ.

Các loại thuốc dùng trong điều trị hội chứng ruột kích thích gồm: thuốc chống co thắt; thuốc điều trị tiêu chảy; thuốc điều trị táo bón…

Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng của ruột non tái phát nhiều lần.

6. Ung thư ruột non

Ung thư ruột non xảy ra khi các tế bào ruột bị biến đổi và phát triển không có kiểm soát, tạo thành khối u ruột non. 

6.1. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ung thư ruột non hiện vẫn chữa được xác định chính xác và rõ ràng. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

  • Bệnh viêm mạn tính đường tiêu hóa (Crohn).
  • Bệnh Celiac gây phá vỡ biểu mô ở ruột non.
  • Hội chứng đa polyp tuyến gia đình có tiền sử bệnh (FAP). 

6.2. Triệu chứng

Một số dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư ruột non gồm: 

  • Đau bụng. 
  • Có máu trong phân.
  • Tiêu chảy.
  • Nổi khối u ở bụng.
  • Sụt cân không rõ lý do.
  • Buồn nôn hoặc nôn.  

6.3. Mức độ nguy hiểm

Ung thư ruột non là bệnh lý nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao hơn so với ung thư ruột kết có giai đoạn tương đương. Theo thống kê, tỷ lệ sống sót trung bình  của bệnh nhân ung thư ruột non sau 5 năm là khoảng 80% nếu các tổn thương có thể cắt bỏ được.

6.4. Chẩn đoán

Các biện pháp được bác sĩ dùng để chẩn đoán bệnh ung thư ruột non gồm:

  • Nội soi ruột non kết hợp làm sinh thiết nếu cần.
  • Xét nghiệm máu.
  • Kiểm tra hình ảnh: chụp X-quang khu vực ổ bụng, chụp CT và/hoặc MRI, PET-CT, xạ hình xương.

6.5. Điều trị

Điều trị ung thư ruột non phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, các bệnh lý kèm theo và thể trạng bệnh nhân. Có các phương pháp điều trị là:

  • Phẫu thuật: Để cắt bỏ 1 phần hoặc toàn bộ dạ dày.
  • Hóa trị: Dùng hóa chất để tiêu diệt và ngăn cản tế bào ung thư phát triển. 
  • Xạ trị: Sử dụng sóng năng lượng cao như tia X để tiêu diệt các tế bào ung thư, thu nhỏ khối u và làm giảm các triệu chứng bệnh.
  • Điều trị đích: Sử dụng các loại thuốc thay đổi cách thức hoạt động của tế bào và giúp cơ thể kiểm soát sự lây lan của ung thư.
Ung thư ruột non xảy ra khi các tế bào ruột bị biến đổi và phát triển không có kiểm soát, tạo thành khối u ruột non.

III. Nên làm gì khi mắc các bệnh lý ở ruột non? 

Khi có dấu hiệu mắc các bệnh lý ở ruột non kể trên, tốt nhất bạn nên đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Tùy từng trường hợp của bệnh nhân, nguyên nhân và tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị phù hợp. Các bệnh lý ở ruột non sẽ không thể tự khỏi mà cần điều trị y tế bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Người bệnh nên đi thăm khám sớm khi có dấu hiệu mắc các bệnh lý ở ruột non

IV. Giải pháp giúp ruột non khoẻ mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh

Để chủ động phòng tránh các bệnh lý xảy ra ở ruột non, các bạn cần chú ý những vấn đề dưới đây trong chế độ sinh hoạt và ăn uống hàng ngày:

1. Chế độ sinh hoạt lành mạnh

Nên đi ngủ sớm (trước 23h) và ngủ đủ giấc (7-8 tiếng mỗi đêm), tránh thức khuya ngủ muộn liên tục.

Kiểm soát căng thẳng, lo lắng, stress; cố gắng giữ tinh thần vui vẻ thoải mái. Kết hợp tập luyện thể thao đều đặn hàng ngày giúp tăng sức đề kháng và sức khỏe.

2. Chế độ ăn uống hợp lý

Cần uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để tránh cơ thể bị thiếu nước, mất nước. Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, vitami, khoáng chất và kali như: gạo, khoai tây, cá, sữa đậu nành, rau xanh, trái cây, củ quả.

Hạn chế tối đa ăn tiết canh, nem chua, lòng lợn, các loại gỏi, uống rượu bia, cà phê, thức ăn chiên rán khó tiêu. Không hút thuốc lá, thuốc lào. 

3. Thăm khám sức khỏe định kỳ

Nên thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm các nguy cơ có thể gây bệnh nguy hiểm ở ruột non nói riêng và các bệnh lý khác nói chung. 

Trên đây là những thông tin chúng tôi tổng hợp được về bộ phận ruột non ở người. Ruột non là bộ phận dễ xảy ra tổn thương do một ngày phải “xử lý” một lượng thức ăn lớn. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện bộ phận này có triệu chứng bất thường, bạn hãy đi khám bác sĩ sớm để được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)
Hà Thị Kim Liên

Tác giả:

Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.