Skip to main content

Ăn sáng xong đau bụng do đâu? Dấu hiệu bệnh gì?

Tình trạng ăn sáng xong đau bụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Phần lớn là từ nguồn thức ăn tiêu thụ, nhưng một số trường hợp có thể liên quan đến các bệnh lý nền về dạ dày và tiêu hóa. 

I. Ăn sáng xong bị đau bụng do đâu?

Ngay sau khi ăn xong bữa sáng, nếu cơn đau bụng xuất hiện có thể là do bạn đã ăn quá no gây quá tải cho hệ tiêu hóa. Cơn đau sẽ thuyên giảm sau khi một phần thức ăn được tiêu hóa.

Tuy nhiên, nếu cơn đau bụng có đặc điểm như đau phần bụng dưới, cơn đau có thể mang tính chất âm ỉ hay quặn thắt, dữ dội. Kèm theo đó là có các dấu hiệu bất thường khác như buồn nôn, mệt mỏi, ợ hơi, ợ nóng, đầy bụng, khó nuốt,  tiêu chảy và sốt nhẹ… thì rất có thể nguyên nhân xuất phát từ tình trạng cấp tính hoặc bệnh lý nào đó ở hệ tiêu hóa.

Ăn sáng xong bị đau bụng khiến nhiều người lo lắng.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng sau khi ăn sáng, cụ thể gồm:

1. Do ăn quá no

Ăn quá nhiều và quá no có thể dẫn đến chứng khó tiêu, tiêu chảy và đau dạ dày. Nguyên nhân là do hệ thống tiêu hóa phải hoạt động liên tục và quá mức để tiêu hóa một lượng lớn thức ăn.

2. Thực phẩm không phù hợp, không an toàn

Tiêu thụ các thực phẩm không phù hợp và không an toàn là nguyên nhân khiến bạn ăn sáng xong bị đau bụng. Cụ thể:

  • Tiêu thụ nhiều thực phẩm khó tiêu như hành tây, cải bắp, bông cải xanh, các loại đậu, cải xoăn, ngũ cốc… khiến hệ tiêu hóa chứa nhiều hơi. 
  • Tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, đồ ăn cũ để qua đêm hoặc bị ôi thiu… có thể gây ngộ độc thực phẩm.
  • Ăn đồ ăn tái, sống hoặc chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, gỏi cá… khiến vi khuẩn có hại tấn công gây đau bụng.
  • Ăn thức ăn quá cay, nhiều axit vào bữa sáng khiến dạ dày bị kích ứng, gây đau bụng. 
  • Sử dụng quá nhiều đồ uống có chất cồn, rượu bia hoặc đồ lạnh trong bữa ăn sáng.
  • Ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc không chỉ gây đau bụng sau khi ăn sáng mà còn kèm theo nhiều triệu chứng khác như: đi ngoài, đầy hơi, chướng bụng…

3. Dị ứng thức ăn

Dị ứng thức ăn thường xảy ra sau khi tiêu thụ thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như: đậu nành, trứng, lúa mì, hải sản…

Trường hợp đau bụng sau khi ăn sáng không kèm theo bất kỳ triệu chứng gì thì chỉ là rối loạn tiêu hóa nhẹ. Ngược lại, nếu đau bụng xuất hiện kèm theo dấu sưng, khó thở kèm đau bụng, tiêu chảy, phân lỏng hoặc nước, người ngứa ngáy, khó chịu thì đó là dị ứng thực phẩm.

4. Không dung nạp lactose

Không dung nạp được lactose là một dạng rối loạn tiêu hóa do cơ thể không có khả năng tiêu hóa lactose – đây là một loại carbohydrate có trong sữa và các chế phẩm từ sữa.

Các biểu hiện của hội chứng không dung nạp lactose gồm: chướng bụng, đầy hơi, đau quặn bụng, đi ngoài phân lỏng sau khi uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa. Những triệu chứng này sẽ tự hết khi bạn ngừng sử dụng các sản phẩm trên.

5. Do căng thẳng, stress

Căng thẳng và lo lắng có thể kích thích nhu động ruột dẫn đến tình trạng ăn sáng xong bị đau bụng hay cảm giác đau, âm ỉ khó chịu ở dạ dày.  Theo nghiên cứu, não và ruột có mối liên hệ mật thiết với nhau nên khi tâm lý căng thẳng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các vấn đề về tiêu hóa.

6. Do bệnh lý

Nguyên nhân tiếp theo gây ra hiện tượng ăn sáng xong bị đau bụng đó là do các bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa như: hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, bệnh Corhn, rối loạn tiêu hóa, táo bón, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, sỏi mật…

Các bệnh lý này nếu không được điều trị  kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh nên chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để tránh bệnh trở nặng.

7. Nguyên nhân khác

  • Tuyến giáp hoạt động quá mức có thể gây triệu chứng đau dạ dày và tiêu chảy.
  • Người thường xuyên dùng thuốc điều trị huyết áp có thể gặp tác dụng phụ như đau dạ dày, táo bón.
  • Thời tiết thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng đến thần kinh ruột dẫn đến tình trạng bị đau bụng sau khi ăn sáng.
Tình trạng ăn sáng xong đau bụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, phần lớn là từ nguồn thức ăn tiêu thụ hoặc có thể do bệnh lý

II. Ăn sáng xong bị đau bụng là dấu hiệu của bệnh gì?

Hiện tượng ăn sáng xong bị đau bụng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm cần can thiệp điều trị y tế. Cụ thể:

1. Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng đường tiêu hóa xuất hiện các dấu hiệu bất thường về cấu trúc hoặc hoạt động. Nguyên nhân gây hội chứng rối loạn tiêu hóa có thể do ăn uống không phù hợp hoặc do bệnh lý ở dạ dày và tiêu hóa.

Ngoài đau bụng, hội chứng rối loạn tiêu hóa còn gây nhiều triệu chứng khác như đau bụng, đau ngực, đau lưng, táo bón, tiêu chảy, đại tiện mất kiểm soát, buồn nôn, ăn không ngon…

2. Táo bón

Táo bón cũng có thể gây các cơn đau bụng sau khi ăn sáng do cơ thể phải cố gắng để tiêu hóa thức ăn mới. 

Các triệu chứng táo bón gồm: đau bụng, đại tiện khó, phải rặn nhiều, phân cứng, tỏn mỏn, chướng bụng, sờ thấy bụng cứng….

3. Bệnh Celiac/không dung nạp gluten

Celiac là bệnh không dung nạp gluten – một loại protein có trong lúa mạch, lúa mì và lúa mạch đen. Nếu người mắc Celiac tiêu thụ những loại thực phẩm này dễ khiến các triệu chứng đau dạ dày nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác.

4. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây kích ứng niêm mạc thực quản. Đây cũng là lý do tại sao sau khi ăn sáng xong bạn bị đau bụng, ngoài ra còn kèm theo các tổn thương dạ dày khác.

5. Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích còn gọi là đại tràng co thắt. Đây là bệnh lý mãn tính phổ biến ảnh hưởng đến ruột già, dễ khiến bạn gặp phải tình trạng ăn sáng xong đau bụng.

6. Bệnh Crohn

Crohn là bệnh viêm ruột mãn tính, gây viêm ở những bộ phận khác nhau của đường tiêu hóa. Hậu quả làm xuất hiện các đau dữ dội kèm theo  tiêu chảy, đi phân có máu và nhiều các triệu chứng khác.

7. Viêm loét dạ dày

Ăn sáng xong đau bụng cũng là dấu hiệu cảnh báo của bệnh viêm loét dạ dày. Cơn đau thừng xuất hiện ở vùng giữa rốn và xương ức, có thể xuất hiện cả lúc đói và sau ăn no.

Bệnh viêm loét dạ dày xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: nhiễm vi khuẩn HP trong đường ruột; thói quen ăn uống không lành mạnh (ăn nhiều đồ cay, chua; thói quen sinh hoạt không khoa học (bỏ bữa, ăn uống thất thường, thức khuya); căng thẳng, stress kéo dài; lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm.

8. Sỏi mật

Sỏi mật cũng có thể gây đau buốt đột ngột ở vùng bụng sau khi ăn sáng xong. Vị trí xảy ra cơn đau là ở giữa hoặc ở vùng hạ sườn phải, sau đó có thể lan lên vai phải hoặc lan ra sau lưng.

 Bệnh nhân bị sỏi mật có thể bị đau bụng sau khi ăn kèm buồn nôn, nôn. Đôi khi, cơn đau do sỏi mật cũng có thể xuất hiện khi bụng đói kèm theo triệu chứng sốt.

9. Tiềm ẩn nguy cơ ung thư dạ dày

Tình trạng đau bụng sau khi ăn sáng thường xuyên xuất hiện và kéo dài có thể là dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ ung thư dạ dày, Ngoài đau bụng, bệnh nhân ung thư dạ dày còn bị tiêu chảy, sốt nhẹ, đi tiêu ra máu, sụt cân…

Hiện tượng ăn sáng xong bị đau bụng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày…

III. Bị đau bụng sau khi ăn sáng có nguy hiểm không?

Nếu tình trạng ăn sáng xong đau bụng do nguyên nhân sinh lý bình thường thì bạn không cần lo lắng vì sẽ tự hết mà không cần phải điều trị. 

Tuy nhiên, nếu cơn đau bụng sau khi ăn sáng do bệnh lý gây ra với những cơn đau quặn và mức độ đau nặng hơn thì người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan. Hãy chủ động đi thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời, tránh bệnh gây biến chứng nguy hiểm.

Hãy cẩn thận với những cơn đau bụng sau khi ăn sáng do bệnh lý

IV. Ăn sáng xong bị đau bụng khi nào cần thăm khám?

Theo các chuyên gia sức khỏe, hiện tượng đau bụng sau khi ăn sáng thường không quá nghiêm trọng nếu không có triệu chứng khác kèm theo. Ngược lại, nếu xuất hiện kèm các triệu chứng dưới đây hãy đến bệnh viện thăm khám ngay:

  • Đau bụng và đi ngoài sau khi ăn sáng kéo dài liên tục 3 tuần.
  • Bị tiêu chảy, sốt cao trên 38 độ C.
  • Đau bụng dữ dội, xuất hiện cơn đau ở trực tràng.
  • Cơ thể có dấu hiệu mất nước.
  • Bị chuột rút.
  • Nước tiểu có màu sẫm.
  • Đi ngoài phân có màu đen, xám hoặc lẫn máu. 
Bạn nên đi thăm khám bác sĩ nếu tình trạng đau bụng và đi ngoài sau khi ăn sáng kéo dài liên tục 3 tuần.

V. Cách điều trị đau bụng sau khi ăn sáng

Hiện tượng ăn sáng xong đau bụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, nếu tình trạng kéo dài không tự khỏi, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.

1. Điều trị dùng thuốc Tây

Trong trường hợp bị đau bụng sau khi ăn sáng do bệnh lý như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích… gây ra, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng một số loại thuốc điều trị dưới đây:

  • Thuốc giảm đau.
  • Thuốc chống viêm.
  •  Thuốc chống co thắt.
  • Thuốc điều hòa nhu động ruột.

Những loại thuốc diệt khuẩn, nấm, ký sinh trùng đường ruột.

  • Nhóm thuốc cầm tiêu chảy, chống loạn khuẩn đường ruột.
  • Nhóm thuốc giảm đầy hơi, chướng bụng.

Khi điều trị bằng thuốc Tây y, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng hoặc lạm dụng thuốc vì có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Khi điều trị bằng thuốc Tây y điều trị đau bụng sau khi ăn sáng, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ,

2. Điều trị không dùng thuốc

Với trường hợp đau bụng sau khi ăn sáng do nguyên nhân sinh lý và không kèm theo triệu chứng nào khác, bạn có thể áp dụng một số bài thuốc giảm đau dân gian dưới đây:

  • Chườm nóng: Bạn có thể sử dụng túi giữ nhiệt, khăn ấm hoặc chai nước nóng, chườm lên vùng bụng để kích thích lưu thông máu, bớt những cơn co bóp thành ruột.
  • Uống trà gừng: Hãm 2-3 lát gừng vào 100ml nước nóng trong khoảng 5 phút rồi uống để giảm cảm giác đau. Ngoài ra, bạn cũng có thể giã nát gừng sau đó massage nhẹ nhàng lên vùng bụng theo chiều kim đồng hồ.
  • Uống trà hoa cúc: Trà hoa cúc có đặc tính chống co thắt nên có khả năng giảm đau bụng và cải thiện hội chứng ruột kích thích. Bạn hãm 2-3 bông cúc trong nước sôi khoảng 15 phút và uống khi còn ấm.
Chườm nóng giảm đau bụng

Dù điều trị dùng thuốc hay không dùng thuốc, khi thường xuyên gặp phải tình trạng đau bụng sau khi ăn sáng, bạn cũng cần chú ý thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học hơn theo hướng dẫn sau:

  • Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn bữa sáng vào khoảng 2 giờ sau khi ngủ dậy để quá trình tiêu hóa và trao đổi chất hiệu quả nhất. Điều này giúp cải thiện và phòng tránh hiệu quả tình trạng bị đau bụng sau khi ăn sáng. 
  • Thiết lập chế độ ăn sáng lành mạnh bằng cách chọn thực phẩm giàu tinh bột; hạn chế thực phẩm giàu chất xơ; không nên uống sữa khi chưa ăn sáng nếu gặp tình trạng ăn sáng xong đau bụng.
  • Tránh hoặc hạn chế tiêu thụ các thực phẩm gây kích thích dạ dày vào bữa sáng như: tiêu, ớt, chanh, các thức uống có cồn, gas, bia, rượu…
  • Không nên ăn bữa sáng với các thực phẩm chưa được chế biến kỹ như thịt cá tái, tiết canh, thức ăn nhiều dầu mỡ. 
  • Nên ăn chín uống sôi, tránh ăn thực phẩm sống.
  • Hạn chế uống trà, cà phê trước bữa ăn sáng.
  • Giữ tâm lý luôn vui vẻ, lạc quan, tránh stress và căng thẳng kéo dài.
  • Luyện tập thể dục thể thao hợp lý, không nên tập thể dục, chạy nhảy hoặc vận động mạnh sau khi ăn sáng.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn bữa sáng vào khoảng 2 giờ sau khi ngủ dậy để quá trình tiêu hóa và trao đổi chất hiệu quả nhất.

Đa phần các trường hợp ăn sáng xong đau bụng có liên quan đến thực phẩm ăn uống hoặc ăn uống không cách nên không gây nguy hiểm. Trường hợp thường xuyên bị đau bụng quặn thắt sau khi ăn sáng kèm đi ngoài, sốt cao, phân sẫm màu, mất nước, bạn nên đi khám sớm để chữa trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm:

Đánh giá
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.