Hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng có nhiều triệu chứng tương đồng nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, đây lại là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Để hiểu rõ sự khác biệt của 2 bệnh lý này, hãy đọc ngay bài viết sau!
Mục lục
- I. Tìm hiểu về hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng
- II. Hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng khác nhau thế nào?
- III. Phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng
- IV. Điều trị hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng
- V. Biện pháp phòng ngừa các bệnh lý về đường tiêu hóa
I. Tìm hiểu về hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng
Trước khi đến với phần nội dung phân biệt hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng khác nhau thế nào, hãy cùng tìm hiểu thông tin về 2 bệnh lý này để hiểu rõ hơn.
1. Thông tin về hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng tiêu hóa gây đau bụng, khó chịu, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy.
1.1. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích chưa được xác định rõ, nhưng theo nghiên cứu, một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến hội chứng này:
- Thực phẩm: Một số loại thực phẩm như các loại đậu, chất béo, socola, bông cải xanh, bông cải trắng, sữa, rượu bia, đồ uống có ga, cải bắp… có thể làm tăng triệu chứng bệnh lý ở nhiều người bệnh.
- Căng thẳng, stress: Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thể tăng lên và nghiêm trọng hơn khi người bệnh gặp nhiều căng thẳng, stress…
- Nội tiết tố: Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao gấp 2 lần đàn ông. Một số phụ nữ nhận thấy triệu chứng của hội chứng ruột kích thích tăng lên trước, trong và sau giai thời gian kinh nguyệt.
- Bệnh lý khác: Một số bệnh lý như viêm dạ dày ruột, loạn khuẩn có thể gây khởi phát hội chứng ruột kích thích ở đại tràng.
Hội chứng ruột kích thích có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, một số người có đặc điểm dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn đàn ông.
- Độ tuổi nhỏ hơn 45.
- Gia đình có người thân mắc hội chứng ruột kích thích.
- Người gặp những vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo lắng, trầm cảm, stress…
1.2. Triệu chứng
Hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng có nhiều triệu chứng tương đồng nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên khác với bệnh viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích không gây các tổn thương thực thể trên nhu mô ruột và không làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Người mắc hội chứng ruột kích thích có các dấu hiệu và triệu chứng như sau:
- Đau bụng, đau quặn bụng, nhất là sau khi ăn.
- Đầy hơi, chướng bụng.
- Táo bón hoặc tiêu chảy.
- Có thể vừa bị táo bón vừa tiêu chảy.
- Phân chứa chất nhầy.
- Hay bị đau đầu, khó ngủ, mất ngủ, mệt mỏi.
1.3. Mức độ nguy hiểm
Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý lành tính và không nguy hiểm. Hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng thường được phát hiện ở mức độ nhẹ với triệu chứng là cơn đau bụng tái phát và rối loạn đại tiện, rất hiếm các trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất.
Ở một số trường hợp nhẹ, bệnh nhân hội chứng ruột kích thích có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng thuốc, chỉ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan vì nếu không nghiêm túc điều trị, các triệu chứng bệnh sẽ nặng thêm ảnh hưởng đến những cơ quan trong hệ tiêu hóa khác.
2. Thông tin về bệnh viêm đại tràng
Viêm đại tràng là hiện tượng viêm dẫn đến tổn thương lan tỏa hoặc khu trú ở niêm mạc đại tràng với các mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ, bệnh viêm đại tràng có thể gây viêm đau, nếu ở mức độ nặng có thể gây các ổ loét, áp xe đại tràng, xuất huyết, thậm chí là ung thư đại tràng.
2.1. Nguyên nhân
Bệnh lý viêm đại tràng được phân thành viêm đại tràng cấp tính và viêm đại tràng mãn tính. Bệnh lý này do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm:
- Viêm đại tràng cấp tính: Do ngộ độc thức ăn; dị ứng với thức ăn lạ; ăn thức ăn bị nhiễm bẩn hoặc chứa vi khuẩn, virus gây bệnh; thói quen sinh hoạt không đảm bảo vệ sin; dùng thuốc kháng sinh kéo dài; liên tục bị khó tiêu, táo bón; căng thẳng, stress…
- Viêm đại tràng mãn tính: Viêm đại tràng cấp tính nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến nhiễm trùng, nấm và chất độc xâm nhập dẫn đến viêm đại tràng mãn tính. Một số trường hợp người bệnh bị viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên nhân.
2.2. Triệu chứng
Tuy có nhiều triệu chứng tương đồng với hội chứng ruột kích thích nhưng bệnh viêm đại tràng vẫn có một số dấu hiệu đặc trưng sau:
- Đau bụng: Cơn đau quặn thắt vùng bụng dưới hoặc dọc khung đại tràng.
- Đầy hơi, chứng bụng: Trong một số trường hợp, bệnh nhân còn bị đau bụng kèm theo đầy hơi, cứng bụng…
- Tiêu chảy: Thường gặp ở bệnh nhân viêm đại tràng cấp tỉnh, tiêu chảy khoảng 4 – 5 lần trong ngày kèm phân lỏng, nát và đôi khi có kèm máu… Triệu chứng này kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi.
- Táo bón: Bệnh nhân bị táo bón với phân khô, cứng, phổ biến ở phụ nữ và người cao tuổi.
- Đại tiện bất thường: Bệnh nhân viêm đại tràng có thể đi đại tiện từ 4 – 5 lần/ngày; không thoải mái sau khi đi vệ sinh, còn cảm giác muốn đi.
- Chán ăn: Hệ tiêu hóa suy yếu gây cảm giác chán ăn, không muốn ăn.
- Sốt nhẹ: Có thể xảy ra ở một số bệnh nhân.
2.3. Mức độ nguy hiểm
Bệnh viêm đại tràng nếu để kéo dài không điều trị có dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:
- Xuất huyết ồ ạt.
- Thiếu máu cục bộ.
- Thủng đại tràng.
- Ung thư đại tràng.
- Có thể bạn quan tâm: Hội chứng ruột ngắn: nguyên nhân và dấu hiệu
II. Hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng khác nhau thế nào?
Từ thông tin trên có thể thấy, hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng tuy có nhiều điểm tương đồng về triệu chứng nhận biết nhưng đây là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Dưới đây là bảng so sánh sự khác biệt của hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm đại tràng:
Tiêu chí | Hội chứng ruột kích thích | Viêm đại tràng |
Nguyên nhân | Còn được gọi là viêm đại tràng co thắt, là một rối loạn cơ năng của đại tràng. | Tình trạng bị viêm chủ yếu do nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng (xâm nhập qua đường ăn uống) gây nên. |
Nội soi đại tràng | Đại tràng bình thường, không xuất viêm viêm, loét. | Xuất hiện các ổ viêm, loét, xung huyết trong đại tràng. |
Đau bụng |
|
Đau bụng âm ỉ và thường cố định một chỗ, thường là ở hố chậu phải hoặc trái. |
Đại tiện |
|
|
Yếu tố thần kinh | Bệnh nhân thường xuyên bị lo lắng, stress, căng thẳng… | Ít gây tác động đến yếu tố thần kinh |
Đầy hơi, chướng bụng | Tình trạng khá trầm trọng, đặc biệt là sau bữa ăn và chỉ giảm đi khi đi trung tiện hoặc đại tiện. | Diễn ra ở mức độ vừa phải và không gây trầm trọng nhiều |
Triệu chứng khác | Các triệu chứng toàn thân như mất ngủ, tim đập nhanh, hồi hộp, đau đầu, chóng mặt… | Thường chỉ gây triệu chứng trong đường tiêu hóa. |
III. Phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng
Không chỉ khác về triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng còn khác nhau về phương pháp chẩn đoán. Cụ thể:
1. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Vì chưa có xét nghiệm đặc hiệu trong chẩn đoán hội chứng ruột kích thích nên quá trình chẩn đoán bệnh sẽ dựa trên nguyên tắc loại trừ các bệnh lý liên quan khác. Cụ thể, các chuyên gia thường dựa vào hai bộ tiêu chí chẩn đoán sau:
- Tiêu chuẩn Manning: Dựa trên các dấu hiệu gồm cơn đau bụng giảm sau khi đi đại tiện, cảm giác đi đại tiện không hết phân, khởi phát đau bụng sau đó đi đại tiện nhiều lần, đầy hơi chướng bụng, khởi phát đau bụng sau đó đi đại tiện phân lỏng, phần chứa nhiều nhầy, mót rặn.
- Tiêu chuẩn Rome: Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng gồm: ; khó chịu ở bụng; tái phát hoặc liên tục đau bụng; rối loạn đi đại tiện (thay đổi số lần đi đại tiện, tính chất phân thay đổi, phân nhầy hoặc nhớt); đầy hơi và chướng bụng.
- Một số xét nghiệm: Một số xét nghiệm được thực hiện giúp chẩn đoán bệnh gồm: nội soi đại tràng, nội soi đại tràng xích ma bằng ống mềm, chụp CT, chụp X – quang, xét nghiệm máu, test hơi thở, xét nghiệm phân, xét nghiệm không dung nạp glucose…
2. Chẩn đoán bệnh viêm đại tràng
Để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng, bác sĩ thường kết hợp thăm khám lâm sàng qua triệu chứng và kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu: Đánh giá tình trạng thiếu máu gây ra do tình trạng viêm nhiễm hoặc chảy máu đại tràng.
- Nội soi đại tràng: Để lấy mẫu mô kiểm tra và kiểm tra các dấu hiệu viêm loét.
- Xét nghiệm mẫu phân: Giúp loại trừ các bệnh lý viêm nhiễm do vi khuẩn, siêu vi hoặc ký sinh trùng gây ra. Sự hiện diện bạch cầu trong phân giúp chẩn đoán bệnh.
- Chụp X-quang: Kiểm tra vùng bụng và các cơ quan lân cận.
- Chụp CT: Chụp bụng và xương chậu theo chỉ định nếu nghi ngờ biến chứng viêm loét đại tràng.
IV. Điều trị hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng
Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm đại tràng cũng khác nhau. Cụ thể:
1. Điều trị hội chứng ruột kích thích
Điều trị hội chứng ruột kích thích chủ yếu tập trung vào làm giảm triệu chứng giúp bệnh nhân bớt khó chịu và cải chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích ở mức độ nhẹ đa phần đều có thể kiểm soát bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, lối sống kết hợp kiểm soát cảm xúc và tâm lý.
Trong trường hợp bệnh hội chứng ruột kích thích ở mức độ trung bình hoặc nặng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân điều trị bằng thuốc. Một số thuốc dùng trong điều trị hội chứng ruột kích thích gồm:
- Thuốc trị táo bón: Được dùng khi bệnh nhân bị táo bón. Các nhóm thuốc dùng như thuốc nhuận tràng kích thích, nhuận tràng thẩm thấu, thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ.
- Thuốc trị tiêu chảy: Một số thuốc giúp kiểm soát tình trạng tiêu chảy như cholestyramine, loperamid…
- Thuốc giảm đau chống co thắt, thuốc kháng acetylcholin: Tác dụng giảm đau co thắt ở ruột.
2. Điều trị viêm đại tràng
Viêm đại tràng là bệnh lý dễ tái phát và có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Do đó, người bệnh tuyệt đối không chủ quan, nên điều trị sớm để đạt hiệu quả cao.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng hiện nay gồm:
- Điều trị nội khoa: Điều trị bằng thuốc do bác sĩ kê đơn. Một số thuốc thường dùng là: thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau chống co thắt, thuốc kháng ký sinh trùng, thuốc điều trị táo bón, tiêu chảy…
- Điều trị ngoại khoa: Phương pháp điều trị phẫu thuật được dùng khi tình trạng viêm đại tràng diễn biến nghiêm trọng và có xu hướng xuất hiện các biến chứng. Điều trị phẫu thuật chủ yếu là cắt bỏ phần đại tràng bị viêm.
V. Biện pháp phòng ngừa các bệnh lý về đường tiêu hóa
Hai bệnh lý hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, để hạn chế nguy cơ tiến triển và phòng tránh mắc 2 bệnh lý này, bạn cần chú ý xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống đảm bảo vệ sinh và hợp lý như sau:
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa và sản phẩm từ sữa: Để cải triệu chứng tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng… do hội chứng kích thích ruột và viêm đại tràng gây ra.
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo: Tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo như thức ăn chiên dầu, bơ, nước sốt kem… có thể khiến tình trạng bệnh viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích nghiêm trọng hơn.
- Tránh kết hợp thực phẩm tương kỵ: Sử dụng các thực phẩm tương kỵ trong cùng thời gian có thể làm nặng thêm triệu chứng bệnh. Ví dụ như đậu bắp, bắp cải, bông cải xanh, các loại hoa quả họ cam quýt, đồ ăn cay…
- Uống đủ nước: Nên uống đủ khoảng ,5 – 2 lít nước mỗi ngày; ưu tiên uống nước lọc, nước ép hoa quả và rau củ…
- Hạn chế uống rượu, bia; các loại đồ uống chứa caffein, thức uống có ga: Vì sẽ làm nặng hơn tình trạng tiêu chảy, đầy hơi…
- Không lạm dụng thuốc điều trị tiêu chảy và thuốc nhuận tràng: Sử dụng thuốc kéo dài sẽ gây tác dụng phụ nghiêm trọng đối với hệ tiêu hóa.
Như vậy, hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng là hai bệnh lý trên đường tiêu hóa thường gặp. Tuy có khá nhiều điểm tương đồng về triệu chứng nhưng đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau về nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán cũng như cách điều trị.
Có thể bạn quan tâm:
Chưa có bình luận!