Skip to main content

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ với các triệu chứng như nôn trớ, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu khiến trẻ sợ ăn dẫn đến sụt cân, chậm tăng cân và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Cùng tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa qua bài viết sau!

I. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là bệnh gì?

Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường, gây đau bụng và có những thay đổi trong vấn đề tiêu hóa thức ăn. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi độ tuổi khác nhau nhưng phổ biến ở trẻ nhỏ. 

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ thường không gây nguy hại đến đến sức khỏe và tính mạng nhưng lại ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trẻ. Tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể khiến trẻ chán ăn dẫn đến chậm lớn, suy dinh dưỡng. Mặt khác, bệnh có thể diễn tiến thành mãn tính khiến trẻ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa khi lớn lên.

Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi độ tuổi khác nhau nhưng phổ biến ở trẻ nhỏ.

II. 8 triệu chứng nhận biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, các mẹ mẹ cần chú ý đưa bé đi thăm khám ngay khi bé có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như: nôn trớ, tiêu chảy, táo bón, ợ hơi chán ăn, đi ngoài phân nát, đau bụng, đi ngoài phân sống.

1. Nôn trớ

Trẻ thường bị nôn trớ sau khi ăn no hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Hầu hết trẻ nhỏ đều bị nôn trớ trong những tháng đầu đời và sẽ tự hết khi lớn lên.

Tuy nhiên, nếu trẻ lớn hơn nhưng tình trạng nôn trớ vẫn không cải thiện thì có thể đây là hiện tượng bệnh lý. Sau 1 tuổi, trẻ thường xuyên nôn trớ dẫn đến sợ ăn, chậm tăng cân… thì rất có thể là do con rối loạn tiêu hóa hay mắc phải các bệnh lý về tiêu hóa. Lúc này, bố mẹ nên đưa con đi thăm khám.

2. Táo bón

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể sẽ không đi ngoài thường xuyên, khoảng 2 – 3 ngày mới đi một lần. Phân cứng, rắn, khô, to và đóng khuôn. Điều này khiến trẻ bị đau bụng và khó khăn khi đại tiện: muốn đi nhưng đi được, đại tiện ra máu. Hậu quả của táo bón kéo dài là trẻ sợ ăn, biếng ăn, đau bụng và chậm lớn.

Nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón có thể là do ăn thức khó tiêu như: thức ăn cứng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn quá giàu đạm, uống ít nước, trẻ ăn ít chất xơ, không ăn trái cây… Bên cạnh đó, tâm lý căng thẳng cũng có thể khiến bé bị táo bón.

Trẻ sinh non, bị nứt hậu môn, suy giáp,  trẻ bị phình đại tràng bẩm sinh, uống nhiều thuốc kháng sinh… dễ phải tình trạng táo bón hơn trẻ khỏe mạnh.

3. Tiêu chảy

Tiêu chảy là hiện tượng trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần/ngày. Nguyên  nhân thường là do nhiễm virus gây bệnh đường ruột; nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng hoặc ăn phải thức ăn kém chất lượng, hỏng và ôi thiu.

Tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa nếu để kéo dài có thể dẫn đến mất nước, mất điện giải. Nếu không được bù nước và bù điện giải kịp thời có thể gây tử vong.

4. Đau bụng

Trẻ lớn bị rối loạn tiêu hóa có thể nói cho bố mẹ biết. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ chưa biết nói và mô tả về tình trạng đau, các mẹ có quan sát những biểu hiện cho thấy bé đang bị đau bụng như: chướng bụng, trẻ khóc, mặt đỏ, tay nắm chặt, chân co lên bụng…

5. Ợ hơi, đầy bụng, chán ăn

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể xuất hiện các triệu chứng như chướng hơi, đầy bụng khiến bụng căng to và bé ợ hơi liên tục. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ chán ăn, lười ăn do hệ tiêu hóa tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng kém.

6. Đi ngoài phân nát

Nguyên nhân gây triệu chứng này khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa là do hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề nên thức ăn sẽ không được tiêu hóa tốt. Hậu quả là dẫn đến đi ngoài phân nát

7. Đi ngoài phân sống

Hệ tiêu hóa của trẻ bị mất cân bằng lượng hại khuẩn tăng cao khiến cho quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thu dinh dưỡng và đào thải cặn bã bị rối loạn. Điều này khiến thức ăn không được tiêu hóa tốt dẫn đến đi ngoài phân sống.

Dấu hiệu nhận biết trẻ đi ngoài phân sống là phân lỏng và có chất nhầy. Trường hợp có máu trong phân của trẻ thì cần đi khám ngay.

8. Chậm tăng cân

Hệ tiêu hóa không khỏe mạnh làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn và hấp thu dinh dưỡng. Điều này khiến cơ thể bé không được cung cấp đủ dinh dưỡng dẫn đến tình trạng chậm tăng cân.

Các triệu chứng nhận biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa

III. 7 nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Quá trình tiêu hóa thức ăn bắt đầu từ miệng và đi đến trực tràng. Nếu có bất kỳ yếu tố nào làm đảo lộn quá trình tiêu hóa thức ăn này thì đều được gọi là rối loạn tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:

1. Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện

Hệ tiêu hóa của trẻ (đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi) chưa hoàn thiện nên dễ gặp các vấn đề khi cơ thể dung nạp thức ăn lạ, thực phẩm kém chất lượng và khó tiêu… 

Mặt khác, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu nên rất dễ bị vi khuẩn và, virus trong thức ăn tấn công gây bệnh.

2. Thức ăn không đảm bảo

Ngộ độc thức ăn có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân  khiến trẻ bị ngộ độc là do thức ăn không đảo bảo vệ sinh, ôi thiu, ăn đồ tái sống, nấu chưa chín hoặc do chế biến thực phẩm bằng nguồn nước nhiễm khuẩn.

Khi bị ngộ độc thức ăn, trẻ có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng. Một số trẻ có thể bị vừa bị táo bón vừa bị tiêu chảy; nặng hơn bé sẽ bị sốt, phân lẫn máu.

3. Dinh dưỡng không hợp lý

Trẻ tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm nhiều chất béo và dầu mỡ xúc xích, lạp xưởng, bánh kẹo, gà rán… cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa.

4. Môi trường sống không sạch sẽ

Môi trường sống của trẻ nhiều khói bụi, ô nhiễm, sử dụng nguồn nước ô nhiễm… tạo điều kiện cho vi khuẩn từ môi trường xâm nhập vào hệ tiêu hóa của trẻ và gây rối loạn.

5. Sử dụng kháng sinh

Trẻ uống thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể gặp phải những vấn đề trên tiêu hóa, trong đó có rối loạn tiêu hóa.

Nguyên nhân là do thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại nhưng nó cũng tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và dẫn đến rối loạn tiêu hóa do không còn đủ lợi khuẩn bảo vệ đường ruột.

6. Loạn khuẩn đường ruột

Hệ tiêu hóa của trẻ chỉ khỏe mạnh và hoạt động tốt khi tỷ lệ lợi khuẩn và hại khuẩn ở mức cân bằng (85:15). Trường hợp xảy ra mất cân bằng giữa hệ vi sinh đường ruột, khi tỷ lệ hại khuẩn nhiều hơn lợi khuẩn thì trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa.

7. Do bệnh lý

Một số bệnh lý trên đường tiêu hóa như viêm đại tràng, viêm dạ dày, viêm ruột viêm loét dạ dày tá tràng… cũng có thể là nguyên nhân gây hội chứng của rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

Nguyên nhân gây rối loạn ở trẻ

IV. Phương pháp chẩn đoán rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Bên cạnh thăm khám lâm sàng qua triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định trẻ thực hiện một số phương pháp chẩn đoán chuyên sâu để có kết luận chính xác. Một số xét nghiệm được sử dụng phổ biến gồm:

  • Các xét nghiệm chung về chức năng các cơ quan như huyết học, gan thận, sinh hoá máu khác và liên quan đến axit và hiện tượng trào ngược.
  • Nội soi ổ bụng.
  • Nội soi ống tiêu hoá.
  • Siêu âm.
  • Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ.
  • Chụp X-quang.
  • Đo áp lực nhu động, trở kháng thực quản.
  • Xét nghiệm máu ẩn trong phân.

Kết quả thu được từ các phương pháp chẩn đoán ở trên giúp bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ để tư vấn phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả. 

Một số xét nghiệm yêu cầu trẻ phải nhịn ăn hoặc đi đại tiện trước khi thực hiện.  Bố mẹ cần trao đổi chi tiết với bác sĩ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho trẻ trước khi tiến hành.

Bên cạnh thăm khám lâm sàng qua triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định trẻ thực hiện một số phương pháp chẩn đoán chuyên sâu để có kết luận chính xác.

V. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa phải làm sao? Cách điều trị

Tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nên để khắc phục cần căn cứ vào nguyên nhận cụ thể. Do đó, khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bị rối loạn tiêu hóa bố mẹ nên đưa con đi thăm khám bác sĩ để được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

1. Trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ

Trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ và các triệu chứng mới xuất hiện, bố mẹ có thể tham khảo và áp dụng một số mẹo điều trị tại nhà dưới đây:

  • Ăn thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa: Một số thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ như: sữa chua giúp bổ sung lợi khuẩn; hoa quả và rau xanh giúp bổ sung vitamin, chất khoáng; gạo trắng, khoai lang…
  • Ăn đu đủ chín: Enzyme papain trong đu đủ chín khi đi vào cơ thể chuyển đổi protein thành các axit amin. Nhờ papain, hệ tiêu hóa hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn nên ngăn ngừa các vấn đề khác của đường tiêu hóa.
  • Dùng lá ổi: Thành phần tanin trong lá ổi có tác dụng trị tiêu chảy tốt. Vì vậy mẹ có thể sử dụng lá ổi để chữa tiêu chảy cho con. Lấy vài búp ổi non sau đỏ rửa sạch rồi cho vào nấu với nước. Mỗi lần cho trẻ uống 1 cốc nhỏ và uống từng ít một để tránh bị sặc. Nên uống 3 lần/ngày và uống liên tục trong 3 ngày.
  • Uống trà bạc hà, hoa cúc: Hai loại trà này đều chứa hoạt chất chống viêm và giảm đau nên rất tốt cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa. 
  • Uống nước chanh: Không chỉ giúp giải khát, nâng cao sức đề kháng, nước chanh còn giúp giảm triệu chứng đầy bụng, khó tiêu. Mẹ có thể pha 1 thìa nước cốt chanh với 250ml nước ấm, thêm chút mật ong rồi cho bé uống. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý không cho trẻ uống nước chanh khi bụng đói có thể gây hại cho dạ dày do lượng axit trong chanh tương đối lớn. 
  • Trà gừng: Gừng giúp giảm đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn do rối loạn tiêu hóa gây ra. Mẹ có thể ngâm 2-3 lát gừng vào trong nước sôi khoảng 5-7 phút để lấy nước cho bé uống. Lưu ý: Không nên cho trẻ uống quá nhiều gừng vì có thể gây ợ chua, rát cổ họng.
  • Cam thảo: Theo các tài liệu Đông y, công dụng của cam thảo và chống viêm và  chống co thắt đường tiêu hóa. Ngoài ra, còn làm giảm đau bụng, khó tiêu nên hỗ trợ điều trị chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ hiệu quả. Mẹ có thể cho bé nhai trực tiếp cam thảo hoặc hãm cam thảo lấy nước cho bé uống trước bữa ăn khoảng 30 phút hoặc sau khi ăn 1 tiếng.
  • Chuối tiêu xanh: Gọt bỏ vỏ chuối tiêu xanh rồi cho vào xay nhuyễn sau đó đem nấu cho bé ăn. Nên ăn 2 lần/ngày và liên tục trong 3 ngày.
  • Hồng xiêm xanh: Hồng xiêm thường dùng trong các bài thuốc trị tiêu chảy và kiết lỵ. Cách làm như sau: thái hồng xiêm xanh thành từng lát mỏng sau đó đem sao vàng lên. Mỗi lần mẹ lấy 10 lát hồng xiêm cho vào sắc với nước để uống dần. Ngày uống 2 lần.
  • Cà rốt: Thái 500g cà rốt thành miếng nhỏ rồi cho vào nấu với 2 lít nước. Nấu cho đến khi còn 1 lít nước là được. Chắt lấy nước cho bé uống trực tiếp hoặc đem nấu cháo cà rốt cho bé ăn giúp giảm tiêu chảy.
Trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ và các triệu chứng mới xuất hiện, bố mẹ có thể tham khảo và áp dụng một số mẹo điều trị tại nhà

2. Trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa nặng và kéo dài

Trong trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, không thuyên giảm dù đã áp dụng các mẹo ở trên thì bố mẹ nên đưa con đi thăm khám ngay để được bác sĩ điều trị thích hợp.

Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc kháng sinh để tránh nguy cơ viêm nhiễm đường tiêu hóa. Khi dùng thuốc, bố mẹ cần cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh bệnh rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc kháng sinh để tránh nguy cơ viêm nhiễm đường tiêu hóa.

VI. Biện pháp phòng tránh rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Rối loạn tiêu hóa kéo dài với các triệu chứng khó chịu có thể khiến trẻ chán ăn, sụt cân hoặc chậm tăng cân và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Thay vì tìm cách khắc phục, bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để phòng bệnh cho con:

1. Cho trẻ bú mẹ

Với trẻ sơ sinh, bố mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, nếu có thể hãy cho bé bú càng lâu càng tốt. Bú mẹ giúp tăng cường sức đề kháng đường ruột và bảo vệ trẻ khỏi những yếu tố gây bệnh về đường tiêu hóa và nhiều bệnh lý khác.

2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng

 Bữa ăn của trẻ cần cung cấp đủ các thành phần dinh dưỡng quan trọng với tỷ lệ cân bằng. Mỗi bữa ăn cho trẻ nên có đủ 4 nhóm dưỡng chất là tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cha mẹ không nên cho bé ăn quá nhiều hoặc quá ít một loại dưỡng chất để tránh tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ;

3. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm

Thực phẩm mua và chế biến cho trẻ ăn cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sạch sẽ và không chứa hóa chất. Trong quá trình chế biến đồ cần sử dụng nguồn nước sạch và tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi.

4. Vệ sinh đồ chơi và nhà cửa

Bên cạnh việc giữ vệ sinh trong ăn uống, bố mẹ cũng cần chú ý đến việc vệ sinh cá nhân cho trẻ thật sạch sẽ. Đồng thời, vệ sinh đồ chơi của trẻ và nhà cửa thường xuyên để tránh lây nhiễm vi khuẩn từ đồ vật sang trẻ. 

5. Hình thành thói quen ăn chậm, nhai kỹ

Khi thực phẩm được nhai kỹ và nghiền nhỏ ở miệng, chúng sẽ hòa trộn tốt hơn với enzyme tiêu hóa. Vì vậy, khi thức ăn đi xuống dạ dày cũng được tiêu hóa nhanh hơn. Điều này giúp trẻ ăn ngon miệng hơn và cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. 

6. Khuyến khích trẻ vận động

Bên cạnh chế đồ ăn uống khoa học và đảm bảo vệ sinh thì bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ vận động hàng ngày. Có thể cho trẻ tập luyện với các bộ môn thể thao phù hợp với độ tuổi như đạp xe, đá bóng, chơi bóng rổ, bơi lội, đánh cầu lông…

Tập luyện không chỉ giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu, tăng đề kháng và hệ miễn dịch mà còn hỗ trợ tăng cường sự trao đổi chất, giúp trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt và tăng cân đều. 

7. Lưu ý khác

Một số lưu ý khác giúp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ như: hình thành thói quen đi đại tiện 1 lần/ngày vào cùng 1 thời điểm; bổ sung men vi sinh hoặc lợi khuẩn cho trẻ… 

Cho trẻ bú mẹ, ăn uống cân bằng và đảm bảo vệ sinh giúp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

VII. Giải đáp thắc mắc rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Một số thắc mắc về hội chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết dưới đây: 

1. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có nguy hiểm không?

Rối loạn tiêu hóa do nguyên nhân bệnh lý có thể gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Trường hợp rối loạn tiêu hóa do ăn uống không được kiểm soát kịp thời và đúng cách cũng rất dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về sau như viêm loét, ngộ độc…

2. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ khi nào cần thăm khám?  

Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị rối loạn tiêu hóa, bố mẹ nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt, tránh để bệnh trở nặng.  

Đặc biệt, nếu trẻ có những biểu hiện như sốt cao, đi ngoài ra máu,tiêu chảy mất nước,… bố mẹ nên đưa con nhập viện ngay để được điều trị kịp thời, tránh nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

3. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?

Một số thực phẩm trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gồm: 

  • Sữa chua: Chứa nhiều lợi khuẩn, cải thiện tình trạng rối loạn đường ruột và hỗ trợ quá trình tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên, cần cẩn trọng với trẻ gặp tình trạng bất dung nạp lactose.
  • Chuối: Chất pectin trong chuối giúp quá trình tiêu hóa, đại tiện dễ dàng hơn. Kali – một chất điện giải cần thiết cho cơ thể cũng có mặt trong chuối giúp cải thiện tình trạng bị mất nước do tiêu chảy, nôn mửa. Mặt khác, trẻ ăn chuối còn được cung 11 loại khoáng chất và 6 loại vitamin thiết yếu;
  • Thức ăn từ gạo: Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, bố mẹ nên cho bé ăn các món ăn được chế biến từ gạo như cháo, cơm… Nhóm thực phẩm này dễ tiêu nên không gây áp lực lên hệ tiêu hóa đồng thời kiểm tình trạng tiêu chảy hiệu quả. 
  • Rau xanh: Chế độ ăn của trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên tăng cường rau xanh để bổ sung vitamin và chất khoáng cho cơ thể. Đồng thời giúp tiêu hóa các chất béo không lành mạnh – nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó tiêu và rối loạn tiêu hóa;
  • Thịt gà: Loại thịt này có hàm lượng chất béo bão hòa khá thấp, lại dễ tiêu hóa và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Các enzyme trong thịt gà giúp làm dịu cảm giác khó chịu ở dạ dày.
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Cung cấp nhiều chất đạm, ngoài ra còn chứa các loại dầu thực vật tự nhiên giúp thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

4. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa kiêng ăn gì?

Một số thực phẩm trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn gồm:

  • Đồ ăn nhanh khó tiêu: Ví dụ như thịt hộp, pizza, thịt xông khói, xúc xích, hamburger, khoai tây chiên…
  • Trẻ bị tiêu chảy: Nên kiêng ăn thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, kẹo, nước ngọt, mứt; thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu…
  • Trẻ bị táo bón: Nên tránh ăn các thực phẩm giàu tinh bột như bắp, đậu; thức có hàm lượng chất  béo cao để phân khô hơn khiến trẻ đi tiêu khó khăn.
  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa do bất dung nạp lactose trong sữa: Bố mẹ nên tham khảo tư vấn từ bác sĩ để chọn sữa có hàm lượng lactose thấp hơn và phù hợp cho trẻ.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn chuối, sữa chua, rau xanh, khoai lang, thịt nạc…

Tốt nhất khi trẻ có dấu hiệu bị rối loạn tiêu hóa, bố mẹ nên đưa con đi kiểm tra để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị phù hợp. Đồng thời cần chú ý tới chế độ ăn uống của con để nâng cao sức đề kháng, hạn chế nguy cơ rối loạn tiêu hóa ở trẻ và các vấn đề sức khỏe khác. 

Có thể bạn quan tâm:

Đánh giá
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.