Thuốc muối dạ dày có vị mặn và tính kiềm, được biết đến với nhiều công dụng khác nhau, trong đó có cải thiện các triệu chứng của bệnh đau dạ dày. Cùng tìm hiểu công dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc muối dạ dày để biết cách sử dụng đúng, tránh gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng.
Mục lục
- I. Thuốc muối dạ dày là gì?
- II. Thuốc muối dạ dày có tác dụng gì?
- III. Vì sao muối NAHCO3 được dùng để chế thuốc đau dạ dày?
- IV. Hướng dẫn dùng thuốc muối dạ dày chữa đau dạ dày đúng cách
- V. Phản ứng phụ của thuốc muối dạ dày khi sử dụng sai cách
- VI. Lưu ý khi sử dụng thuốc muối dạ dày
- VII. Mua muối dạ dày ở đâu? Giá bao nhiêu?
I. Thuốc muối dạ dày là gì?
Thuốc muối dạ dày hay còn được biết đến với tên gọi khác là thuốc muối Nabica. Tên khoa học của thuốc là natri bicarbonate (NAHCO3), đây cũng là thành phần chính có trong muối dạ dày.
Thuốc muối dạ dày được sản xuất bởi Công ty cổ phần Hóa dược Việt Nam được sử dụng phổ biến trong ngành thực phẩm. Loại thuốc này có nhiều dạng bào chế như viên nén, viên nang, dạng dung dịch, dạng cốm và cả dạng bột.
Ngoài muối dạ dày nabica, người ta còn gọi nó với nhiều tên khác như baking soda, cooking soda hoặc ít phổ biến hơn là bread soda.
II. Thuốc muối dạ dày có tác dụng gì?
Thuốc muối dạ dày có vị mặn và tính kiềm, được biết đến với nhiều công dụng khác nhau như:
- Điều trị chứng khó tiêu.
- Giảm táo bón, giúp việc đại tiện dễ dàng hơn.
- Cải thiện tình trạng hôi miệng.
- Đào thải độc tố trong cơ thể.
- Hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh phụ khoa như ngứa âm đạo, vùng kín ra nhiều khí hư…
- Cải thiện hiệu suất thể thao.
- Hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh đau dạ dày.
Về công dụng cải thiện các triệu chứng của bệnh đau dạ dày, khá nhiều người nhầm lẫn thuốc muối dạ dày là thuốc chữa bệnh. Sự nhầm lẫn này có thể mang đến nhiều hậu quả tai hại và khiến cho bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn. Thực tế, muối dạ dày chỉ là thuốc có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh đau dạ dày, giúp làm giảm cơn đau dạ dày.
Vậy vì sao muối NAHCO3 được dùng để chế thuốc đau dạ dày – hãy cùng đến phần III của bài viết để có câu trả lời.
III. Vì sao muối NAHCO3 được dùng để chế thuốc đau dạ dày?
Sở dĩ muối natri bicarbonate (NAHCO3) được dùng để chế thuốc đau dạ dày vì những lý do sau:
1. Khả năng giảm và trung hòa axit dạ dày
Natri bicarbonate là một loại muối phân hủy thành natri và bicarbonate trong nước. Điều này làm cho dung dịch có tính kiềm, nghĩa là nó có khả năng trung hòa axit.
Khả năng trung hòa axit của natri bicarbonate giúp điều trị các tình trạng liên quan đến tính axit cao trong dịch cơ thể, chẳng hạn như: chứng khó tiêu, ợ nóng và đau dạ dày do quá nhiều axit trong dạ dày.
2. Kháng axit, giảm đau
Natri bicarbonate là một chất kháng axit tác dụng rất nhanh, thường được dùng để giảm đau tạm thời do axit dạ dày gây ra. Tuy nhiên, thuốc không tác động trục tiếp vào nguyên nhân gốc rễ của bệnh đau dạ dày, đó là vi khuẩn Hp, và cũng không thúc đẩy quá trình làm lành niêm mạc dạ dày.
Do đó, nếu bạn cần điều trị các vấn đề về axit dạ dày lâu dài như bệnh loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản/GERD, hãy trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc khác.
IV. Hướng dẫn dùng thuốc muối dạ dày chữa đau dạ dày đúng cách
Natri bicarbonate thường được người lớn sử dụng với liều lượng 100-400 mg/kg qua đường uống hàng ngày trong 3-7 ngày.
Hãy sử dụng đúng thuốc muối dạ dày theo chỉ dẫn trên nhãn hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Không sử dụng với lượng lớn hơn hoặc nhỏ hơn hoặc lâu hơn khuyến cáo. Hãy gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng bệnh không cải thiện hoặc trở nên trầm trọng hơn khi sử dụng natri bicarbonate.
Để xoa dịu cơn đau dạ dày, người bệnh có thể sử dụng một lượng muối nabica vừa đủ theo hai cách dưới đây:
1. Cách 1
– Pha khoảng 1 muỗng cà phê muối nabica với 1 cốc nước ấm, khuấy đều đến khi muối tan hét.
– Uống nước muối pha loãng để sớm giảm nhẹ cơn đau và ổn định loại chức năng dạ dày đang bị rối loạn.
– Nên uống sau bữa ăn khoảng 2 – 3 giờ để giảm cơn đau và cải thiện các vấn đề tiêu hóa.
– Sau khi uống, tình trạng ợ hơi, đầy hơi, đau bụng, ợ chua, khó chịu dạ dày được cải thiện đáng kể.
2. Cách 2
– Cho một ít muối natri bicarbonate vào chảo rồi rang nóng lên.
– Đổ muối vào một mảnh vài bọc lại rồi chườm lên bụng để giảm đau.
Nếu đã áp dụng 2 cách chữa đau dạ dày bằng natri bicarbonate ở trên nhưng cơn đau không thuyên giảm, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
V. Phản ứng phụ của thuốc muối dạ dày khi sử dụng sai cách
Việc sử dụng không đúng cách thuốc muối dạ dày có thể không mang lại kết quả mong muốn hoặc gây ra các phản ứng phụ dưới đây:
– Tác dụng phụ thường gặp: Buồn nôn, đầy hơi, khô miệng, khát nước hoặc đi tiểu nhiều hơn bình thường.
– Tác dụng phụ nghiêm trọng: Đau dạ dày dữ dội, sưng tay, sưng mắt cá chân, sưng bàn chân, tăng cân bất thường, đau ngực, co giật.
– Hội chứng sữa-kiềm: chóng mặt, đau nhức cơ/co thắt, thay đổi về tinh thần/tâm trạng (như lú lẫn, cáu kỉnh, vấn đề về trí nhớ), nôn mửa, yếu ớt, dấu hiệu của các vấn đề về thận (như thay đổi lượng nước tiểu).
– Phản ứng dị ứng nghiêm trọng: thường rất hiếm gặp nhưng hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm: phát ban , ngứa /sưng (đặc biệt là ở mặt/ lưỡi /họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở .
Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào trong số này kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn, hãy đến gặp ngay bác sĩ để được điều trị phù hợp.
VI. Lưu ý khi sử dụng thuốc muối dạ dày
Để sử dụng thuốc muối hiệu quả và an toàn, bạn cần tuân thủ một số lưu ý dưới đây:
1. Trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc
Trước khi dùng thuốc muối dạ dày natri bicarbonate, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với nó; hoặc nếu bạn có bất kỳ dị ứng nào khác. Sản phẩm này có thể chứa các thành phần không hoạt động, có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề khác.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần trao đổi tiền sử bệnh của mình với bác sĩ trước khi dùng thuốc muối dạ dày, đặc biệt là các vấn đề về thận, suy tim, nồng độ canxi thấp, mắt cá chân /chân/bàn chân bị sưng do giữ nước (phù ngoại biên).
2. Đối tượng chống chỉ định hoặc cần cẩn trọng
Vì thuốc muối dạ dày có chứa muối (natri) nên không sử dụng nếu bạn đang ăn kiêng muối. Không sử dụng thuốc này mà không có lời khuyên của bác sĩ nếu đang cho con bú.
Trong thời kỳ mang thai, chỉ nên dùng thuốc muối dạ dày khi thực sự cần thiết. Vì loại thuốc này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng huyết áp cao trong thời kỳ mang thai.
3. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi cách hoạt động của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ về tất cả các sản phẩm đang sử dụng (bao gồm thuốc theo toa/không kê đơn và các sản phẩm thảo dược).
Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc muối dạ dày là: aspirin và các salicylate khác (như salsalate), corticosteroid (như prednisone ), memantine, thuốc có lớp phủ đặc biệt để bảo vệ dạ dày.
Thuốc muối dạ dày cũng có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc cần axit dạ dày để hoạt động, bao gồm ampicillin, atazanavir, một số thuốc chống nấm nhóm azole (như ketoconazole, itraconazole), thuốc bổ sung sắt, pazopanib, sucralfate…
4. Tuân thủ liều lượng
Không bắt đầu sử dụng thuốc, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc muối dạ dày khi không có sự chấp thuận của bác sĩ.
5. Quá liều
Nếu dùng thuốc quá liều và có các triệu chứng nghiêm trọng như ngất xỉu, co thắt cơ, co giật hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
6. Quên liều
Nếu bạn quên uống một liều, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời điểm uống liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên. Uống liều tiếp theo vào thời điểm thông thường. Không tăng gấp đôi liều để bù lại.
7. Bảo quản
Bảo quản thuốc muối dạ dày ở nhiệt độ phòng, tránh xa ánh sáng và độ ẩm. Không bảo quản trong phòng tắm. Để tất cả các loại thuốc tránh xa trẻ em và vật nuôi.
Không xả thuốc xuống bồn cầu hoặc đổ thuốc vào cống trừ khi được hướng dẫn. Vứt bỏ đúng cách sản phẩm này khi hết hạn hoặc không còn cần thiết.
8. Lưu ý khác
– Thuốc muối dạ dày natri bicarbonate chỉ thích hợp dùng trong thời gian ngắn, việc lạm dụng trong thời gian có thể gây phản tác dụng.
– Nếu sử dụng thuốc muối dạ dày ở dạng viên nén, bạn cần nhai trước khi nuốt hoặc hòa tan thuốc với nước trước khi uống.
– Thuốc muối dạ dày chưa được kiểm chứng an toàn đối với phụ nữ có thai.
– Nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học; đặc biệt là hạn chế những đồ ăn cay nóng và nhiều dầu mỡ trong trình sử dụng thuốc muối dạ dày chữa đau dạ dày.
VII. Mua muối dạ dày ở đâu? Giá bao nhiêu?
Thuốc muối dạ dày natri bicarbonate hiện được bán tại nhiều nhà thuốc tại Việt Nam nên có thể dễ dàng tìm mua. Giá bán của sản phẩm hiện dao động khoảng 5.000 VNĐ/túi 100g.
Tóm lại, thuốc muối dạ dày chỉ là giải pháp hỗ trợ làm giảm cơn đau dạ dày tạm thời nhờ đặc tính kiềm, không có khả năng chữa khỏi bệnh. Trước khi sử dụng thuốc muối dạ dày, việc tham khảo ý kiến bác sĩ là thực sự cần thiết để đảm bảo sử dụng đúng liều lượng, đúng cách, đảm bảo hiệu quả và an toàn. Trường hợp bệnh dạ dày hoặc cơn đau dạ dày nghiêm trọng hơn sau khi dùng thuốc muối natri bicarbonate, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị chuyên sâu.
Tài liệu tham khảo:
https://www.webmd.com/drugs/2/drug-11325/sodium-bicarbonate-oral/details
https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-1470/sodium-bicarbonate
https://www.drugs.com/mtm/sodium-bicarbonate.html
https://thuocdantoc.vn/benh/muoi-nabica-chua-dau-da-day
https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/thuoc-muoi-da-day-co-giup-dieu-tri-dut-diem-benh-dau-da-day-khong.html
https://trungtamthuocdantoc.com/muoi-nabica-chua-dau-da-day.html#ftoc-heading-4
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...