Skip to main content

Viêm loét dạ dày ở trẻ em: 6 nguyên nhân, 4 biến chứng, điều trị

Tác giả: Đinh Thị Hiền

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thị Thu

Viêm loét dạ dày không phải là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ trẻ mắc viêm loét dạ dày có xu hướng gia tăng. Các triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em khác biệt so với người lớn nên khó phát hiện. Tình trạng bệnh kéo dài khiến trẻ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Mục lục

I. Tổng quan về viêm loét dạ dày ở trẻ em

Viêm loét dạ dày là bệnh lý tiêu hóa phổ biến và thường gặp ở người lớn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, trẻ em cũng có thể bị viêm loét dạ dày, chủ yếu hay gặp ở lứa tuổi từ 10 – 15 tuổi.

Viêm loét dạ dày ở trẻ em được phân thành 2 loại như sau:

  • Viêm loét dạ dày tá tràng nguyên phát: Hầu hết liên quan đến nhiễm Helicobacter Pylori (vi khuẩn HP).
  •  Viêm loét dạ dày tá tràng thứ phát: Thường do tổn thương dạ dày sau các nguyên nhân: stress, sốc, nhiễm trùng nặng, thuốc.

Các nghiên cứu cho thấy, viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em hầu hết do nguyên nhân vi khuẩn HP, chiếm khoảng 60 – 90% số trẻ bị bệnh.

Viêm loét dạ dày có xu hướng gia tăng ở trẻ em.

II. Viêm loét dạ dày ở trẻ em do nguyên nhân nào? 

Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương lâu ngày tạo thành những vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc. Bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn HP. Một số nguyên nhân khác là do tác dụng của thuốc giảm đau và kháng viêm; ăn uống không khoa học, stress và học hành căng thẳng…

1. Do nhiễm vi khuẩn HP/H.Pylori 

Các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 60-90% số trẻ em bị viêm loét dạ dày tá tràng là do nhiễm vi khuẩn HP. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn HP sẽ sống trong lớp niêm mạc dạ dày. Khi gặp các điều kiện thuận lợi, vi khuẩn HP sẽ tiết ra độc tố khiến dạ dày tá tràng bị kích thích gây ra viêm loét.

Vi khuẩn HP có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa như ăn uống, vệ sinh kém. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn HP do chưa biết vệ sinh trong ăn uống kèm theo đó là thói quen ăn uống chung.

Các nhà khoa học cũng ghi nhận rằng, vi khuẩn HP khi xâm nhập vào cơ thể trẻ, chúng có thể sống đến tận khi đứa trẻ trưởng thành và gây tái phát bệnh nếu như không được điều trị triệt để.

2. Do chế độ ăn uống không khoa học

So với người lớn, dạ dày của trẻ yếu hơn nên niêm mạc dạ dày dễ bị kích ứng. Vì vậy, nếu trẻ thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ và cay nóng, thực phẩm có tính chua, đồ uống có ga rất dễ gây viêm loét dạ dày.

3. Do môi trường sống không được đảm bảo

Các nghiên cứu cho thấy, viêm loét dạ dày tá tràng thường xảy ra chủ yếu tại các nước đang phát triển. Tại những nước này, vẫn còn  thói quen nhai và mớm cơm cho trẻ gây truyền nhiễm vi khuẩn từ người lớn sang trẻ em.

4. Do trẻ uống thuốc không đúng chỉ định

Trẻ em uống thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ hoặc tự ý dùng thuốc khiến niêm mạc dạ dày dày bị kích ứng dẫn đến viêm loét.

5. Do stress, áp lực học hành kéo dài

Stress, căng thẳng và áp lực học hành kéo dài khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, mệt mỏi. Cộng thêm việc ăn uống thất thường, ngủ không đủ giấc, thường xuyên thức khuya ngủ muộn gây ra viêm loét dạ dày.

6. Do bệnh lý

Trẻ em mắc các bệnh như suy thận, nhiễm trùng cũng có thể là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng.

Viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em hầu hết do nguyên nhân vi khuẩn HP, chiếm khoảng 60 – 90% số trẻ bị bệnh.

Yumangel gợi ý: Dạ dày trẻ sơ sinh nằm ngang hay dọc?

II. Triệu chứng nào giúp nhận biết viêm loét dạ dày ở trẻ em? 

Các triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em khác biệt so với người lớn nên khó phát hiện. . Vì vậy, các bố mẹ cần hết sức lưu ý tới một số dấu hiệu đặc trưng dưới đây nhằm giúp con phát hiện bệnh sớm. 

1. Đau bụng

Đau bụng là triệu chứng hay gặp nhất khi trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng, chiếm khoảng 81 – 97%. Cơn đau thường tập trung ở quanh rốn, trên vùng rốn, đau thất thường, có thể đau trước hoặc sau bữa ăn. 

Đau bụng do viêm loét dạ dày ở trẻ thường dễ bị nhầm lẫn với đau do rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng giun. Vì vậy, bố mẹ thường chủ quan không đưa trẻ đi khám, đến khi phát hiện hiện thì bệnh đã trở nặng.

Theo thống kê, có đến 60% trẻ nhập viện do viêm loét dạ dày thì hầu hết đều đau bụng kéo dài trên 3 tháng nhưng chưa được điều trị. Do đó, bố mẹ cần đặc biệt chú ý đến các cơn đau bụng bất thường của con để thăm khám và điều trị kịp thời.

2. Rối loạn tiêu hóa

Dạ dày là một bộ phận rất quan trọng trong bộ máy tiêu hóa. Vì vậy, khi dạ dày bị viêm loét, thức ăn sẽ không được nghiền nát kỹ gây ra các vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Trẻ có thể bị táo bón, tiêu chảy, đi ngoài phân sống…

3. Buồn nôn, nôn mửa

Trẻ em bị viêm loét dạ dày thường bị buồn nôn hoặc nôn mửa sau khi ăn no, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân là do những vết viêm loét dạ dày co bóp.

Trường hợp trẻ bị nôn ói ra máu cần đưa tới bệnh viện để điều trị ngay tránh mất nhiều máu dẫn tới tử vong.

4. Ợ hơi, ợ chua

Khi dạ dày bị viêm loét, thức ăn không được tiêu hóa kịp sẽ tích tụ, lên men, tạo thành hơi đẩy lên gây ợ chua, ợ hơi. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì các bé rất khó có thể miêu tả triệu chứng này nên thường bị bỏ qua.

5. Khó tiêu, chán ăn

Dạ dày bị tổn thương và viêm loét khiến việc co bóp, nghiền nát thức ăn không hiệu quả. Điều này khiến thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày gây khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng. 

Trẻ bị khó tiêu sẽ dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, chậm tăng cân, thậm chí là sụt cân, suy dinh dưỡng. Hậu quả là ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần của trẻ.

6. Đi ngoài phân đen hoặc có máu

Một số trường hợp trẻ nhập viện do xuất huyết bao tử với tình trạng đi ngoài phân có máu tươi hoặc phân đen. Nguyên nhân là do bố mẹ không chú ý, đến khi bệnh nặng mới phát hiện ra. 

7. Xanh xao, mệt mỏi, hay chóng mặt

Trẻ bị viêm loét dạ dày nếu bị xuất huyết kéo dài không điều trị dễ dẫn tới tổn thương mạch máu, thiếu máu mạn tính. 

Các triệu chứng nhận biết trẻ bị thiếu máu gồm: niêm mạc nhợt nhạt, xanh xao; lòng bàn tay và chân màu trắng nhợt; trẻ hay kêu chóng mặt, mệt mỏi, khó tập trung.

Ngay khi thấy trẻ xuất hiện 1 trong các dấu hiệu bị viêm loét dạ dày kể trên, bố mẹ cần đưa con đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ chuyên khoa tư khắc phục. 

Trẻ mắc viêm loét dạ dày thường bị đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu…

III. Viêm loét dạ dày ở trẻ em có nguy hiểm không? Biến chứng

Viêm loét dạ dày tuy không gây nguy hiểm tính mạng ngay lập tức nhưng nếu để lâu dài và không được điều trị theo đúng phác đồ sẽ gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

1. Xuất huyết dạ dày tá tràng

Khi niêm mạc dạ dày hoặc thành tá tràng bị bào mòn, các mạch máu có thể bị tổn thương, gây chảy máu.Đây là biến chứng phổ biến nhất, khi bị xuất huyết dạ dày tá tràng trẻ dễ bị thiếu máu, mệt mỏi, choáng ngất. 

Nếu không được điều trị kịp thời và chống loét tích cực, trẻ có nguy cơ biến chứng thủng dạ dày, dẫn tới viêm phúc mạc, thậm chí tử vong.

2. Thủng dạ dày

Vết loét liên tục bị ăn mòn bởi axit cuối cùng có thể trở thành lỗ trên dạ dày hoặc thành ruột. Biến chứng này không chỉ khiến trẻ đau đớn mà còn rất nguy hiểm.

Thủng dạ dày tạo điều kiện thuận lợi cho phép vi khuẩn từ đường tiêu hóa xâm nhập vào khoang bụng gây nhiễm trùng khoang bụng (viêm phúc mạc). Nguy hiểm hơn tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể rất nguy hiểm.

3. Hẹp môn vị

Môn vị có vị trí nằm ở cuối dạ dày, nơi tiếp nối với hành tá tràng. Viêm loét dạ dày có thể làm hình thành các mô viêm xơ ở vị trí này, ngăn cản quá trình vận chuyển của thức ăn trong hệ tiêu hóa. Một số dấu hiệu thường gặp của hẹp môn vị là sụt cân nhanh, nôn ói, bụng óc ách.

4. Ung thư dạ dày

Theo thời gian, một số vết loét dạ dày có thể trở thành ác tính. Điều này dễ xảy ra hơn khi vết loét là do vi khuẩn HP gây ra. Vi khuẩn HP là tác nhân chính gây ung thư dạ dày.

Viêm loét dạ dày kéo dài không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

IV. Những phương pháp nào được dùng để chẩn đoán viêm loét dạ dày ở trẻ?

Bệnh lý viêm loét dạ dày ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường sử dụng các phương pháp sau:

1. Chẩn đoán triệu chứng, tiền sử

Bác sĩ thăm khám bằng các câu hỏi để xác định tình trạng bệnh ở trẻ:

  • Vị trí đau.
  • Thời gian đau.
  • Đau cơn hay đau liên tục.
  • Đau có lan đi nơi khác không.
  • Cường độ đau.
  • Đau có liên hệ đến đi tiểu hay bữa ăn không.
  • Cơn đau có tăng lên khi ăn không.
  • Những cách giúp giảm đau.
  • Triệu chứng kèm theo khi đau.
  • Số lần đau trong tuần, trong tháng.
  • Trong gia đình có ai đau như thế không?
  • Trẻ có uống thuốc gì ảnh hưởng đến bao tử không?
  • Có thay đổi chế độ ăn của trẻ trước khi đau không? 
  • Trẻ có bị sốt không? 
  • Có bị tiểu vàng không? 
  • Có bị tiểu đau không?
Chẩn đoán triệu chứng, tiền sử

2. Chẩn đoán loại trừ

Vì các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của viêm loét dạ dày ở trẻ không nhiều nên bác sĩ cần thực hiện chẩn đoán loại trừ. Cụ thể:

  • Bác sĩ sẽ thực hiện tìm dấu hiệu thiếu máu.
  • Khám tất cả các cơ quan: gan, tiết niệu, túi mật, thăm trực tràng. 
  • Tìm dấu hiệu suy dinh dưỡng. 
  • Đôi khi, thấy dấu hiệu biến chứng như xuất huyết tiêu hoá (ói máu, tiêu phân đen, thiếu máu) hay hẹp môn vị.
Chẩn đoán loại trừ

3. Đề nghị xét nghiệm

Bác sĩ có thể đề nghị trẻ thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu dưới đây:

  • Nội soi dạ dày tá tràng: Kiểm tra nội soi trên là phù hợp vì cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong đường tiêu hóa của người bệnh và cũng lấy mẫu mô để phân tích trong phòng thí nghiệm. Phương pháp được thực hiện bằng cách đưa một ống mỏng có gắn một camera nhỏ vào cổ họng, rồi xuống dạ dày và tá tràng. Bạn sẽ được dùng thuốc để làm tê cổ họng và giúp bạn thư giãn trong quá trình kiểm tra. Bác sĩ có thể sử dụng ống nội soi để lấy mô với mục đích kiểm tra các dấu hiệu tổn thương niêm mạc, thiếu máu, nhiễm H.pylori hoặc khối u ác tính.
  • Chụp X-quang GI trên: Chụp X-quang GI trên để kiểm tra dạ dày và tá  tràng thông qua tia X. Cách làm này sẽ ít xâm lấn hơn so với nội soi. Khi chụp X- quang, trẻ sẽ nuốt một chất lỏng màu phấn gọi là bari, chất này sẽ bao phủ thực quản, dạ dày và tá tràng. Barium giúp cơ quan tiêu hóa của bạn hiển thị tốt hơn trong hình ảnh đen trắng.
  • Chụp CT: Bác sĩ có thể đề nghị chụp CT nếu họ cần xem các cơ quan của bạn một cách chi tiết hơn. Chụp CT có thể cho thấy các biến chứng như thủng dạ dày hoặc thành ruột. Để kiểm tra, người bệnh sẽ phải nằm trên bàn bên trong máy quét khi chụp X – quang.
  • Xét nghiệm vi khuẩn H.pylori: Bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu trẻ thực hiện xét nghiệm xem có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không. Các xét nghiệm có thể bao gồm: xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm phân.
  • Kiểm tra hơi thở: Xét nghiệm hơi thở HP là một xét nghiệm chính xác để chẩn đoán nhiễm H.pylori. Để kiểm tra, trẻ sẽ uống dung dịch có chứa hợp chất hóa học hữu cơ, gọi là urê. Nếu vi khuẩn HP có mặt trong đường tiêu hóa của bạn, chúng sẽ phân hủy urê và chuyển nó thành carbon dioxide. Chất khí này sẽ thoát ra theo hơi thở của người bệnh. Khi người bệnh hở vào túi, bác sĩ có thể đo được nó.
  • Xét nghiệm khác: Công thức máu, men gan, amylase máu, phân tích nước tiểu, soi phân, siêu âm cũng có thể được bác sĩ chỉ định khi cần loại trừ các nguyên nhân đau bụng khác.
Xét nghiệm vi khuẩn H.pylori qua máu hoặc phân giúp chẩn đoán viêm loét dạ dày ở trẻ em.

4. Chẩn đoán nguyên phát hay thứ phát

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm loét dạ dày ở trẻ em nguyên phát hay thứ phát.

5. Chẩn đoán phân biệt

Viêm loét dạ dày ở trẻ em cũng có thể cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác dưới đây:

  • Đau bụng chức năng: đau quanh rốn đột ngột hay  buổi chiều tối; có cử động bất thường trong cơn đau, nhức đầu, chóng mặt.
  • Rối loạn co thắt đường mật: Đau vùng túi mật, điểm Murphy, ói, vàng mắt.
  • Viêm túi mật: đau, vàng da, ói, sốt, siêu âm bất thường.
  • U nang ống mật chủ: đau bụng, siêu âm có nang dịch.
  • Viêm gan: sốt nhẹ, gan to đau, tiểu vàng, men gan tăng, vàng kết mạc. 
  • Tiêm tuỵ: amylase tăng, cơn đau cấp tính dữ dội. 

V. Điều trị viêm loét dạ dày ở trẻ em bằng cách nào?

Viêm loét dạ dày ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vì vậy việc điều trị sớm là điều cần thiết.

1. Nguyên tắc điều trị

Các nguyên tắc chung trong điều trị viêm loét dạ dày cho trẻ em gồm:

  • Dựa trên cơ sở bệnh lý để loại trừ các yếu tố gây bệnh như: vi khuẩn HP, stress, xoắn khuẩn, tăng tiết HCl.
  • Đưa chức năng của dạ dày về trạng thái bình thường.
  • Tái tạo niêm mạc dạ dày, loại trừ các bệnh lý đi kèm.

2. Mục đích điều trị

Mục đích điều trị viêm loét dạ dày ở trẻ em phải căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, thường là:

  • Giảm yếu tố gây loét: dùng thuốc ức chế bài tiết HCl và Pepsin; thuốc trung hòa HCl đã được tiết vào dạ dày.
  • Tăng cường các yếu tố bảo vệ: sử dụng các loại thuốc bao phủ niêm mạc và băng ổ loét; thuốc kích thích sản xuất chất nhầy.
  • Diệt trừ vi khuẩn HP: thuốc kháng sinh.

3. Phác đồ điều trị 

Khi trẻ đã được chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng, bố mẹ cần thực hiện nghiêm túc các phác đồ điều trị để không bị kháng thuốc. Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em hiện nay như sau:

2.1. Sử dụng kháng sinh diệt vi khuẩn HP

Một số loại kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn HP gồm: 

  • Amoxicillin: Công dụng ngăn cản sự tổng hợp và vận chuyển qua màng của chất Mucopeptid nhờ phong bế Transpeptidase, dẫn đến mất vách vi khuẩn.
  • Metronidazole: Tác dụng làm giảm dạng dẫn xuất.
  • Hydroxylamin: Gây tổn thương ADN của vi khuẩn.
  • Tetracycline: Gắn vào ARNm ở phần 30s Ribosome của HP -> RL tổng hợp Protein của vi khuẩn.
  • Clarithromycin: Tác động vào ARNt và phần 50s của Ribosom -> RL tổng hợp Protein của vi khuẩn.

2.2. Phác đồ lựa chọn 1

Trẻ em bị viêm loét dạ dày có thể điều trị bệnh theo phác đồ sau:

  • Amoxicillin + Metronidazole + PPI (omeprazole).
  • Amoxicillin + Clarithromycin + PPI (omeprazole).
  • Clarithromycin + Metronidazole + PPI (omeprazole).

Liều dùng tham khảo như sau: 

  • Amoxicillin: Liều dùng 50mg/kg/ngày tối đa 1g/ngày x 2 lần/ngày.
  • Clarithromycin: Liều dùng 15mg/kg/ngày tối đa 500mg/ngày x 2 lần/ngày.
  • PPI (omeprazole): Liều dùng 1 mg/kg/ngày, tối đa 20mg x 2 lần/ngày.

2.3. Phác đồ lựa chọn 2

Trong trường hợp trẻ không thể sử dụng phác đồ lựa chọn 1, bác sĩ có thể tư vấn điều theo phác đồ sau:

Bismuth subsalicylate (262mg x 4 lần/ngày) + Metronidazole + PPI (omeprazole) 1 mg/kg/ngày tối đa 20mg x 2 lần/ngày + một trong các thuốc sau:

  • Amoxicillin: Liều dùng 50mg/kg/ngày tối đa 1g/ngày x 2 lần/ngày.
  • Tetracycline: Liều dùng 15 mg/kg/ngày tối đa 500mg x 2 lần/ngày.
  • Clarithromycin: Liều dùng 15mg/kg/ngày tối đa 500mg/ngày x 2 lần/ngày.
  • Ranitidine bismuth citrate (1 viên x 4 lần/ngày)+ Metronidazole + Clarithromycin.
Bố mẹ cần cho trẻ dùng thuốc điều trị viêm loét dạ dày theo đúng chỉ định của bác sĩ.

2.4. Đánh giá hiệu quả diệt HP

Sau khi kết thúc điều trị ≥ 4 – 6 tuần, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để đánh giá hiệu quả diệt HP. Các phương pháp được sử dụng là mô bệnh học, test hơi thở, test urease nhanh, nuôi cấy vi khuẩn và test phát hiện kháng nguyên trong phân (KT đơn dòng).

Lưu ý khi điều trị viêm loét dạ dày cho trẻ em, bố mẹ nên: 

– Vi khuẩn HP đề kháng kháng sinh, vì vậy trong quá trình điều trị ba mẹ cần đặc biệt tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc kháng sinh. Cần dùng đúng loại kháng sinh, liều lượng, cách dùng, thời gian dùng thuốc để tránh vi khuẩn bị kháng thuốc.

– Cần kiểm soát tốt chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt và cả các hoạt động tinh thần của trẻ. Tránh để trẻ bị căng thẳng lo lắng, kích động và tổn thương tinh thần. Chế độ ăn cần hạn chế thức ăn nhanh, chế biến sẵn, nhiều chất béo; không cho trẻ uống bia, rượu, nước ngọt có ga, cà phê; không nên vừa ăn vừa xem ti vi, điện thoại…

VI. Chế độ ăn uống và chăm sóc trẻ bị viêm loét dạ dày bố mẹ cần biết

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày, hỗ trợ trẻ phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Một chế độ ăn đủ dinh dưỡng, khoa học và phù hợp giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm tiết acid dịch vị và cung cấp dinh dưỡng cho trẻ. Vì vậy, các bố mẹ cần chú ý những vấn đề sau:

1. Thực phẩm nên ăn

Các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa và dạ dày bố mẹ nên cho trẻ ăn khi bị viêm loét dạ dày gồm:

  • Thực phẩm có tính chất bọc, hút và thấm niêm mạc dạ dày: Sữa, gạo tẻ, bánh mỳ, bánh quy…
  • Thực phẩm giúp trung hòa acid, ức chế tiết dịch dạ dày: sữa, trứng…
  • Thực phẩm giúp giảm tiết acid dịch vị: Mật ong, bánh quy, dầu thực vật…
  • Sử dụng nguồn protein từ trứng (hấp, dạng kem caramen, súp); thịt (nạc vai lợn, lườn gà); sữa…
  • Nên dùng chất béo từ cá (mỡ cá, cá mỡ) vì cung cấp nhiều acid béo tố thiết yếu và năng lượng cho cơ thể.
  • Thức ăn giàu kẽm (hàu, sò, thịt, cá…) giúp mau lành vết thương.
  • Thực phẩm vitamin A giúp sinh trưởng lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày.
  • Sử dụng nguồn vitamin C và beta-caroten từ rau củ như khoai tây, khoai lang, cà rốt…
  • Các loại rau lá nên chọn ăn lá non và mềm như rau mồng tơi, rau đay, rau dền…
  • Riêng với trẻ đang bú mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần trong ngày.
Nên cho trẻ viêm loét dạ dày ăn các thực phẩm có khả năng bao phủ niêm mạc dạ dày và ức chế tiết axit.

2. Thực phẩm không nên ăn

Để tránh tình trạng bệnh trở nặng và sức khỏe lâu hồi phục, bố mẹ không nên cho trẻ ăn các thực phẩm dưới đây khi đang bị viêm loét dạ dày:

  • Các thức ăn khó tiêu hóa: Ví dụ như thức ăn chứa hàm lượng đạm cao, dầu mỡ động vật. Những loại này sẽ khiến dạ dày khó tiêu hóa khiến trẻ bị khó chịu.
  • Các thức ăn gây tổn thương niêm mạc: Những đồ ăn/thực phẩm cứng khó tiêu hóa rau muống, mướp, bí đỏ, cc loại thịt chứa nhiều gân sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày gây đau và khiến tình trạng lóe nghiêm trọng hơn.
  • Thực phẩm gây acid dạ dày: Chẳng hạn như trái cây chua (cam, chanh, quýt, xoài, khế…); thực phẩm chua (dấm, mẻ) gây kích thích dạ dày tăng tiết acid nhiều hơn.
  • Đồ ăn gây chướng bụng: Giá đỗ, dưa cà muối, hành, hẹ, cần tây… sẽ làm nặng hơn triệu chứng đầy hơi, chướng bụng ở trẻ. 
  • Thực phẩm khác: Các loại nước ngọt, nước trái cây có ga; đồ ăn sẵn, đồ ăn đóng hộp như xúc xích… đều có thể gây kích thích dạ dày.
Không nên cho trẻ đang bị viêm loét dạ dày ăn thức ăn cứng, rắn, nhiều dầu mỡ khó tiêu hóa.

3. Thói quen ăn uống

Bên cạnh thực phẩm việc nắm được thực phẩm nên ăn và không nên ăn, khi chăm sóc cho trẻ bị viêm loét dạ dày, các bố mẹ cần lưu ý những thói quen ăn uống dưới đây:

  • Chế biến thức ăn cho trẻ nên thái nhỏ và nấu chín kỹ để dạ dày dễ dàng tiêu hóa.
  • Nên chế biến thức ăn dưới dạng luộc, hấp hay om để trẻ dễ tiêu hóa và dễ hấp thu hơn các món xào, rán, nướng.
  • Tập cho trẻ thói quen ăn chậm và nhai kỹ, hạn chế tối đa cho trẻ ăn cơm chan canh vì sẽ khiến trẻ không chịu nhai mà nuốt chửng gây ảnh hưởng tới dạ dày.
  • Tránh cho trẻ vừa ăn vừa đọc sách, báo, xem phim… để giúp gia tăng bài tiết của nước bọt, tiêu hoá dễ dàng hơn.
  • Nên cho trẻ ăn 5-6 bữa nhỏ/ngày thay vì ăn quá no trong 1 bữa để giúp dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa được acid.
  • Không để trẻ quá đói khiến dạ dày trống rỗng dẫn đến tăng tiết acid và co bóp mạnh gây đau, thậm chí là chảy máu.
  • Không cho cho trẻ ăn quá no vì sẽ khiến dạ dày dạ dày căng to, co bóp yếu ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn thức ăn, tăng cọ xát làm gia tăng cơn đau.
  • Tránh nấu đồ ăn cho trẻ quá đặc vì sẽ làm dịch vị khó thấm vào giữa khối thức ăn. Cũng không nên ăn quá lỏng và nhiều nước quá làm pha loãng dịch vị, giảm khả năng tiêu hóa.
  • Tránh cho bé ăn thức ăn quá lạnh quá hoặc quá lạnh vì đều khiến dạ dày co bóp mạnh hơn gây đau. Nên cho trẻ ăn thức ăn ấm khoảng 40-50 độ C tốt cho tiêu hóa và hấp thu.
Thái nhỏ thức ăn và nấu chín mềm để giúp trẻ dễ tiêu hóa.

4. Đảm bảo vệ sinh

Bố mẹ cần chú ý đến nguyên tắc vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt cho trẻ khi bị viêm loét dạ dày. 

Bởi vì vi khuẩn HP có thể lây lan và con đường lây chủ yếu qua tiêu hóa. Nếu ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không rửa tay trước khi ăn, bát đũa rửa chưa sạch, mớm thức ăn cho trẻ sẽ làm tăng khả năng khiến trẻ bị lây nhiễm vi khuẩn HP.

VII. Lưu ý giúp phòng ngừa viêm loét dạ dày ở trẻ em bố mẹ nên biết

Viêm loét dạ dày ở trẻ em có thể được hạn chế và phòng ngừa nếu bố mẹ cùng con thực hiện các biện pháp phòng tránh dưới đây:

  • Tuyệt đối không mớm cơm hoặc thức ăn cho trẻ..
  • Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Hỗ trợ trẻ giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ. 
  • Sử dụng đồ dùng cá nhân (bát đũa, khăn mặt, thìa cốc…) riêng để hạn chế lây lan vi khuẩn qua việc dùng chung đồ.
  • Không cho trẻ vui chơi ở những nơi ô nhiễm, bãi rác bẩn vì chứa rất nhiều ttác nhân gây bệnh.
  • Ăn đủ bữa, đúng giờ, không để trẻ quá đói hoặc quá no, nên ăn nhiều bữa nhỏ, không vận động chạy nhảy mạnh sau khi ăn no. 
  • Chế biến thức ăn cho trẻ cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên thái nhỏ thức ăn và nấu chín mềm.
  • Đảm bảo thức ăn của bé được nấu chín kỹ và bảo quản đúng cách.
  • Ăn uống đủ chất, tăng cường nhiều rau xanh và hoa quả tươi. 
  • Không cho trẻ ăn đồ sống, tái để tránh bị nhiễm khuẩn, vi rút.
  • Không cho trẻ ăn nhiều thức ăn quá chua, quá nóng, quá cay, quá nhiều gia vị chua cay; nước tăng lực, đồ uống có ga…
  • Chỉ cho trẻ uống nước đã đun sôi để nguội, không uống nước lã.
  • Tập cho trẻ thói quen nhai kỹ trước khi nuốt thức ăn, không nuốt chửng.
  • Khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao vừa sức để tạo đề kháng cho cơ thể.
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc (8-10 tiếng/ngày)  và ngủ trước 22h.
  • Hạn chế thời gian xem ti vi, điện thoại của trẻ.
  • Bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện cùng con để trẻ có thể giải tỏa căng thẳng trong học tập và cuộc sống. 
  • Tránh tạo áp lực điểm số, học tập và thi cử cho trẻ. Trẻ cần được học tập và vui chơi cân bằng, tạo không khí học tập vui vẻ khi đến trường. 
  • Chỉ cho trẻ uống thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Đưa trẻ đi thăm khám ngay khi bị đau bụng bất thường, đau bụng tái diễn, đau tức thượng vị, đau bụng kéo dài, ăn khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, mệt mỏi, sụt cân…
  • Những trẻ đã mắc bệnh viêm loét dạ dày cần tuân thủ chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, uống thuốc theo đơn và tái khám theo hẹn.
  • Nên thăm khám sức khỏe cho trẻ định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
Bố mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh đồng thời giữ gìn vệ thân thể sạch sẽ.

Viêm loét dạ dày ở trẻ em khó nhận biết hơn so với người lớn vì vậy bố mẹ thường phát hiện muộn. Tình trạng bệnh kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển thể chất và sức khỏe của trẻ mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Do đó, bố mẹ cần quan tâm đến con hơn để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi khám sớm.

Có thể bạn quan tâm:

Đánh giá
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.