Viêm loét dạ dày cấp tính thường khởi phát tức thì và diễn biến nhanh chóng gây các cơn đau bụng dữ dội. Nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh viêm loét dạ dày có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân thường bỏ qua các triệu chứng và chủ quan không đi khám khiến bệnh diễn biến phức tạp hơn gây biến chứng nguy hiểm.
Mục lục
- I. Viêm loét dạ dày cấp tính là gì?
- II. Nhận biết sớm và đúng dấu hiệu nghi ngờ viêm loét dạ dày cấp
- III. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây loét dạ dày cấp
- IV. Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày cấp tính?
- V. Sẽ ra sao nếu viêm loét dạ dày cấp không được xử trí kịp thời?
- VI. Viêm loét dạ dày cấp khi nào cần thăm khám?
- VII. Làm thế nào để chẩn đoán viêm loét dạ dày cấp?
- VIII. Điều trị viêm loét dạ dày cấp theo đúng chỉ định càng sớm càng tốt
- IX. Làm gì để phòng ngừa viêm loét dạ dày cấp?
- X. Câu hỏi thường gặp
I. Viêm loét dạ dày cấp tính là gì?
Bệnh viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm sưng, tổn thương kéo dài gây viêm loét. Bệnh được phân thành 2 loại là viêm loét dạ dày cấp tính và viêm loét mạn tính.
Trong đó, viêm loét dạ dày cấp là tình trạng xuất hiện viêm hoặc sưng đột ngột trong niêm mạc thành dạ dày. Đặc tính của viêm loét dạ dày cấp là khởi phát tức thì và diễn biến nhanh chóng gây các cơn đau bụng dữ dội và có thể là cả biến chứng nguy hiểm.
Viêm loét dạ dày cấp có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính nhưng phổ biến hơn là ở người già và trung niên. Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vi khuẩn, virus xâm nhập, chấn thương, căng thẳng hoặc chế độ ăn uống sinh hoạt không khoa học.
Ở giai đoạn cấp tính, nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh viêm loét dạ dày có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân thường bỏ qua các triệu chứng và chủ quan không đi khám khiến bệnh diễn biến phức tạp hơn.
II. Nhận biết sớm và đúng dấu hiệu nghi ngờ viêm loét dạ dày cấp
Triệu chứng của viêm loét dạ dày cấp thường xuất hiện rầm rộ trong 3-4 ngày đầu, sau đó giảm dần trong 1-2 tuần tiếp theo và đa số khỏi hoàn toàn trong vòng 1 tháng.
Các dấu hiệu điển hình của viêm loét dạ dày cấp là đau vùng thượng vị dữ dội kèm theo cảm giác nóng rát (có thể lan lên cổ họng) kết hợp với buồn nôn, nôn ói (trong dịch nôn có thức ăn, dịch dạ dày hoặc có thể nôn máu đỏ tươi). Dưới đây là thông tin cụ thể về từng dấu hiệu:
1. Đau thượng vị dữ dội kèm nóng rát
Bệnh nhân viêm loét dạ dày cấp tính bị đau vùng thượng vị dữ dội kèm theo cảm giác cồn cào và nóng rát. Tính chất của cơn đau thượng vị khi ở giai đoạn viêm loét dạ dày cấp như sau:
- Thời điểm: Xuất hiện sau ăn (khoảng 2-3 tiếng) do các vết loét niêm mạc dạ dày bị tác động bởi thức ăn. Đôi khi đau lúc bụng đói, lúc nửa đêm, gần sáng khiến bệnh nhân bị mất ngủ, mệt mỏi.
- Mức độ: Cơn đau thượng vị có thể dữ dội, âm ỉ, bỏng rát, đôi có cơn đau quặn lên.
- Vị trí: Cơn đau xuất phát từ vùng thượng vị sau đó có thể lan ra cả sau lưng.
2. Buồn nôn và nôn ói
Dấu hiệu tiếp theo ở bệnh nhân viêm loét dạ dày cấp tính đó là buồn nôn và nôn ói nhiều. Đặc điểm của triệu chứng như sau:
- Đa số bệnh nhân bị nôn ngay sau bữa ăn, nôn hết thức ăn kèm đau bụng.
- Cơn đau bụng giảm dần nhưng một lúc lại quay trở lại.
Tình trạng nôn ói nhiều khiến người bệnh mất nước, mất các chất điện giải, nhợt nhạt, hốc hác, mệt mỏi và sụt cân.
3. Nôn ra máu, tiêu phân đen
Xuất huyết dạ dày là biến chứng nguy hiểm của viêm loét dạ dày cấp tính. Khi bị xuất huyết dạ dày, người bệnh sẽ có các biểu hiện nôn ra máu đỏ tươi, đau bụng thượng vị nghiêm trọng, đi tiêu phân đen hoặc có lẫn máu. Đây là tình trạng nguy hiểm cần được điều trị y tế ngay.
4. Triệu chứng khác
Bên cạnh triệu chứng ở trên, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày cấp còn xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như: đầy hơi hoặc trướng bụng, ợ hơi, ợ chua, tiêu lỏng, trung tiện nhiều, chán ăn, ăn nhanh no, khó ngủ, ngủ không ngon giấc…
Nếu có bất cứ triệu chứng nào kể trên, người bệnh nên trao đổi ngay với bác sĩ để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh bệnh tiến triển nghiêm trầm trọng hơn và ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
III. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây loét dạ dày cấp
Bệnh viêm loét dạ dày cấp tính xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter. Pylori (HP), sử dụng lâu dài thuốc chống viêm không steroid.
1. Nguyên nhân chính
Có 2 nguyên chính gây viêm loét dạ dày cấp gồm:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter. pylori (HP): Đây là nguyên nhân hàng đầu gây loét dạ dày cấp nói riêng và viêm loét dạ dày nói chung. Theo thống kê, tỷ lệ viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP gây ra chiếm tới 90% số ca bệnh. Sau khi xâm nhập vào dạ dày, vi khuẩn HP sẽ tấn công vào lớp nhầy của niêm mạc của dạ dày và tiết ra độc tố gây tổn thương. Đồng thời còn ức chế sản sinh các yếu tố bảo vệ của niêm mạc dạ dày dẫn đến hình thành sẹo, loét.
- Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) kéo dài: Một số thuốc NSAID như naproxen, ibuprofen, diclofenac khi sử dụng kéo dài sẽ gây tổn thương dạ dày. Nguyên nhân là do các thuốc này ức chế sự tổng hợp prostaglandin, làm giảm công dụng bảo vệ của niêm mạc dạ dày nên dạ dày dễ bị loét.
2. Nguyên nhân ít gặp hơn
Một số nguyên nhân khác gây viêm loét dạ dày cấp tính ít gặp hơn gồm:
- Tăng tiết axit ở dạ dày: Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ví dụ như yếu tố di truyền, căng thẳng, hút thuốc hoặc tiêu thụ một số loại thực phẩm không tốt cho dạ dày.
- Hội chứng Zollinger-Ellison: Đây là một hiện tượng hiếm gặp gây ra tình trạng dư thừa axit trong dạ dày.
- Yếu tố tự miễn: Viêm loét dạ dày cấp do tự miễn xảy ra khi cơ thể người bệnh có xu hướng tự sinh ra các chất chống lại các tế bào bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày và dần gây ra bệnh.
>> Tìm hiểu chi tiết hơn Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
3. Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày cấp tính gồm:
- Uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá: Các chất này đều có nguy cơ gây kích thích và làm tiêu mòn niêm mạc dạ dày. Vì vậy dạ dày dễ bị hư hại nhanh hơn bởi các dịch tiêu hóa.
- Căng thẳng (stress) kéo dài: Tâm lý căng thẳng khiến dạ dày hoạt động mạnh hơn và kích thích tiết chất dịch nhiều hơn. Tình trạng này diễn ra liên tục gây bào mòn niêm mạc dạ dày và lâu dần hình thành vết loét.
- Chế độ ăn uống không khoa học: Ăn nhiều đồ dầu mỡ, cay nóng, đồ quá chua; ăn nhanh, không nhai kỹ; ăn quá no hoặc để bụng quá đói; thường xuyên bỏ bữa, nhịn ăn, ăn uống thất thường…
- Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh: Ví dụ như hay thức khuya, ngủ muộn; ngủ không đủ giấc; hay ăn đêm, ít vận động…
- Chấn thương, tiếp xúc tia xạ, thiếu máu cục bộ dạ dày, trào ngược dịch mật, suy gan, suy thận… cũng làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày cấp.
IV. Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày cấp tính?
Viêm loét dạ dày cấp tính có thể xảy ở bất kỳ ai, không phân biệt giới tính và tuổi tác. Tuy nhiên, một số đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
– Người trên 50 tuổi: Vì khi tuổi cao, lớp bảo vệ niêm mạc cũng bị suy yếu và mỏng dần. Ngoài ra, người cao tuổi cũng dễ bị vi khuẩn HP tấn công hơn so với người trẻ.
– Người thường xuyên hút thuốc lá: Thuốc lá chứa nhiều chất độc hại có thể khiến cơ chế bảo vệ dạ dày suy yếu, làm cơ quan này dễ bị tổn thương.
– Người uống nhiều rượu bia và thức uống có cồn khác: Không chỉ kích thích tiết axit để tạo các vết loét dạ dày, nhóm đồ uống này còn khiến các vết loét có sẵn lâu lành.
– Người mắc vừa trải qua cuộc phẫu thuật lớn, chấn thương, bỏng, nhiễm trùng nặng.
– Người bệnh bị suy thận, suy hô hấp, suy gan, trào ngược dịch mật, thiếu máu cục bộ dạ dày, suy gan, suy thận, HIV/AIDS, bệnh Crohn, nhiễm ký sinh trùng…
V. Sẽ ra sao nếu viêm loét dạ dày cấp không được xử trí kịp thời?
Ở giai đoạn cấp tính, tình trạng viêm loét dạ dày chỉ là các tổn thương nông trên bề mặt của lớp niêm mạc nên không nguy hiểm. Nếu được kiểm soát đúng cách, các triệu chứng của viêm loét dạ dày cấp tính cũng như nhanh chóng biến mất, các tổn thương dễ dàng lành lại.
Tuy nhiên, nếu điều trị muộn hoặc quá trình điều trị không phù hợp, các tổn thương niêm mạc dạ dày sẽ nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Bệnh sẽ từ viêm loét dạ dày cấp tính phát triển thành viêm loét dạ dày mạn tính.
Viêm loét dạ dày mãn tính không điều trị ngay có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như: hẹp môn vị, chảy máu trong, thủng dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.
VI. Viêm loét dạ dày cấp khi nào cần thăm khám?
Bác sĩ khuyên người bệnh nên đi thăm khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bị viêm loét dạ cấp với đặc trưng là các cơn đau bụng vùng thượng vị.
Chẩn đoán và điều trị sớm giúp điều trị bệnh nhanh chóng và triệt để, ngăn chặn bệnh tiến triển sang giai đoạn mãn tính gây biến chứng nguy hiểm. Ngược lại, trì hoãn điều trị để bệnh kéo dài, viêm loét dạ dày cấp có thể dẫn tới viêm dạ dày mạn tính, chảy máu, thủng dạ dày…
VII. Làm thế nào để chẩn đoán viêm loét dạ dày cấp?
Để chẩn đoán loét dạ dày mãn tính, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử cùng với các triệu chứng và bất kỳ loại thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn nào người bệnh đang sử dụng.
Sau đó, nếu cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu dưới đây:
1. Xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở
Để loại trừ nhiễm vi khuẩn H. pylori, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở. Với xét nghiệm máu và phân, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu và phân của bệnh nhân nhằm tìm kháng thể kháng HP, để kiểm tra có sự xuất hiện của vi khuẩn HP hay không.
Với xét nghiệm hơi thở, người bệnh sẽ được hướng dẫn uống một chất lỏng trong suốt và thở vào một chiếc túi, sau đó được niêm phong lại. Nếu có H. pylori, mẫu hơi thở sẽ chứa hàm lượng carbon dioxide cao hơn bình thường.
2. Nội soi (EGD)
Một ống nội soi mỏng, có camera và có ánh sáng được đưa qua miệng vào dạ dày và phần đầu của ruột non. Xét nghiệm này được sử dụng để tìm kiếm vết loét, chảy máu và bất kỳ mô nào có vẻ bất thường.
Người bệnh sẽ được dùng thuốc để làm tê cổ họng và giúp thư giãn trong quá trình kiểm tra.
3. Sinh thiết nội soi
Trong quá trình nội soi, nếu cần thiết hoặc nghi ngờ bất thường, bác sĩ sẽ lấy một mảnh mô dạ dày được lấy ra để phân tích trong phòng thí nghiệm. Mục đích là để kiểm tra các dấu hiệu tổn thương niêm mạc, thiếu máu, nhiễm H.pylori hoặc khối u ác tính.
4. Nuốt bari/ Chụp X-quang GI trên
Chụp X-quang GI trên để kiểm tra dạ dày và tá tràng thông qua tia X. Bệnh nhân uống một chất lỏng đặc màu trắng (bari) giúp bao phủ đường tiêu hóa trên (dạ dày, thực quản và tá tràng).
Barium giúp cơ quan tiêu hóa của bạn hiển thị tốt hơn trong hình ảnh đen trắng. Điều này cho phép bác sĩ nhìn thấy dạ dày và ruột non trên tia X.
5. Chụp CT
Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân chụp CT nếu họ cần xem các cơ quan một cách chi tiết hơn. Chụp CT có thể cho thấy các biến chứng như thủng dạ dày hoặc thành ruột. Để kiểm tra, người bệnh sẽ phải nằm trên bàn bên trong máy quét khi chụp X – quang.
VIII. Điều trị viêm loét dạ dày cấp theo đúng chỉ định càng sớm càng tốt
Khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ mắc viêm loét dạ dày cấp, người nên đi thăm khám ngay để được kết luận bệnh chính xác. Khi đã chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cụ thể.
Cách điều trị viêm loét dạ dày phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể:
- Ví dụ bệnh nhân loét dạ dày cấp tính do sử dụng các thuốc NSAID hoặc lạm dụng rượu bia, có thể thuyên giảm bằng cách ngưng sử dụng những chất đó.
- Trường hợp viêm loét dạ dày cấp do nhiễm vi khuẩn H. pylori tấn công cần được điều trị bằng các loại kháng sinh theo đúng phác đồ của bác sĩ.
- Đồng thời, tất cả bệnh nhân viêm loét dạ dày cấp tính đều cần tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, hạn chế tối đa căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi.
1. Dùng thuốc điều trị
Các loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày cấp tính có thể gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Tác dụng giảm tiết acid bằng cơ chế ức chế hoạt động bơm proton trong các tế bào bài tiết acid dạ dày. PPI bao gồm các thuốc như Lansoprazole, Omeprazole, Pantoprazole, Rabeprazole, Esomeprazole…
- Thuốc ức chế histamin H2: Công dụng tương tự như nhóm PPI là giảm lượng axit sản xuất tại dạ dày. Thuốc histamin H2 thường dùng là Cimetidine, Ranitidine, Nizatidine hoặc Famotidine.
- Thuốc kháng sinh: Nếu bị nhiễm HP hoặc nhiễm vi khuẩn khác, bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc kháng sinh kết hợp để tiêu diệt vi khuẩn. Thuốc kháng sinh phổ biến gồm: Tetracycline, Clarithromycin, Metronidazol, Amoxicillin.
- Thuốc bao phủ và bảo vệ niêm mạc dạ dày: Giúp điều trị và ngăn ngừa loét dạ dày liên quan đến việc sử dụng NSAID. Thuốc thường dùng gồm: Sucralfate, Misoprostol, Bismuth subsalicylate.
Có thể sử dụng thuốc kháng sinh cùng lúc với thuốc kháng axit, kháng H2 và thuốc ức chế bơm Proton. Phác đồ điều trị thường kéo dài từ 10 – 28 ngày. Khi được điều trị bằng thuốc đúng cách, các triệu chứng của viêm loét dạ dày cấp tính sẽ nhanh chóng thuyên giảm.
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý:
– Trao đổi kỹ với bác sĩ về việc dùng thuốc điều trị viêm loét dạ dày cấp để hạn chế tối đa các vấn đề cũng như tác dụng phụ không mong muốn.
– Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ngừng sử dụng tất cả các thuốc NSAID (nếu được) để đẩy nhanh quá trình phục hồi.
– Có thể gặp một số tác dụng phụ của thuốc như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này thường là tạm thời và sẽ biến mất sau khi kết thúc liệu trình điều trị. Nếu gặp các tác dụng phụ gây khó chịu cực độ, bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ để xem xét thay đổi liệu trình điều trị.
– Tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ, không tự ý giảm liều hoặc ngừng uống thuốc. Điều này giúp đảm bảo loại bỏ vi khuẩn HP triệt để, ngăn tình trạng nhờn, kháng thuốc.
2. Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống hàng ngày lành mạnh hơn cũng có thể góp phần hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày cấp tính. Một số giải pháp hữu ích có thể kể đến như:
– Thay đổi lối sống: Hạn chế tối đa uống rượu bia; bỏ hút thuốc lá; kiểm soát cảm xúc, tránh căng thẳng; giảm cân nếu cơ thể đang bị thừa cân….
– Thay đổi chế độ ăn uống: Tránh thức ăn chứa nhiều gia vị, dầu mỡ, chua, cay nóng vì dễ gây kích ứng bao tử; ăn 4-5 bữa nhỏ/ngày thay vì ăn 3 bữa; tích cực bổ sung các thực phẩm có lợi cho dạ dày như nước dừa, chuối, sữa chua, rau củ, gừng, ngũ cốc…
IX. Làm gì để phòng ngừa viêm loét dạ dày cấp?
Để phòng ngừa viêm loét dạ dày cấp, bạn cần nắm được các nguyên nhân gây bệnh để tránh xa hoặc hạn chế. Một số biện pháp dưới đây có thể giảm nguy cơ mắc viêm loét dạ dày cấp tính hiệu quả:
1. Phòng ngừa và điều trị vi khuẩn HP nếu đã nhiễm
Nếu trong gia đình có người bị nhiễm vi khuẩn HP, cần lưu ý không sử dụng chung các vật dụng cá nhân. Đồng thời vệ sinh kỹ bát đũa, sát trùng dụng cụ ăn uống bằng nước sôi để tránh lây nhiễm.
Nếu người bệnh đã được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP, cần điều trị theo liệu trình chỉ định của bác sĩ, tránh bệnh nặng và biến chứng.
2. Dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau theo chỉ dẫn
Chỉ dùng các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh, giảm đau khi có sự cho phép của bác sĩ điều trị. Tuân thủ tuyệt đối các chỉ định về liều lượng, thời gian, cách uống, không tự ý tăng giảm hoặc thay đổi loại để tránh ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.
3. Ngủ nghỉ đủ giấc
Không nên thường xuyên thức quá khuya sau 23 giờ, dậy quá sớm. Đảm bảo thời gian ngủ mỗi ngày là 7 – 8 tiếng để cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi tối đa.
3. Ăn uống lành mạnh
Hình thành các thói quen ăn uống tốt như: ăn đúng bữa; ăn chậm nhai kỹ; ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Tích cực ăn các món ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho niêm mạc dạ dày như: sữa, cháo, thịt nạc, cá, bí xanh, đậu phụ…
Không quá chua hoặc quá cay; hạn chế rượu bia và các thức uống kích thích. Hạn chế dùng các loại nước có ga, thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng; giảm ăn chất béo…
5. Kiểm soát căng thẳng, tập thể dục
Tránh căng thẳng, stress bằng cách sắp xếp thời gian làm việc – nghỉ ngơi hợp lý duy trì luyện tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày.
Tập luyện với các bài tập phù hợp vừa giúp quá trình tiêu hóa vừa hỗ trợ lưu thông máu diễn ra tốt hơn. Điều này sẽ giúp dạ dày luôn khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả.
X. Câu hỏi thường gặp
Một số thông tin giải đáp dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm loét dạ dày cấp tính:
1. Viêm loét dạ dày cấp tính có chữa khỏi triệt để được không?
Viêm loét dạ dày cấp tính hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được kiểm soát đúng cách khi các triệu chứng mới khởi phát, các tổn thương nông hẹp trên bề mặt niêm mạc dạ dày ở mức độ nhẹ.
Ngược lại, nếu không điều trị hoặc điều trị sai cách, các tổn thương cấp tính có thể tiến triển nặng hơn chuyển thành mãn tính gây biến chứng nguy hiểm và khó điều trị dứt điểm.
2. Viêm loét dạ dày cấp tính kéo dài bao lâu?
Thời gian điều trị viêm loét dạ dày mãn tính phụ thuộc vào mức độ viêm loét, phương pháp và thời gian bắt đầu điều trị cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Thông thường, nếu điều trị viêm loét dạ dày ở giai đoạn cấp tính với triệu chứng nhẹ, người bệnh chỉ cần điều trị uống thuốc từ 1-2 tháng và có thể chữa khỏi triệt để.
3. Bệnh viêm loét dạ dày cấp có lây không?
Viêm loét dạ dày cấp tính có khả năng lây nhiễm nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn HP/Helicobacter Pylori.
Vi khuẩn HP có thể lây qua ăn uống (ăn thực phẩm chưa nấu chín, sống); tiếp xúc gần với người nhiễm HP…
4. Bị viêm loét dạ dày cấp nên ăn gì?
Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày cấp nên tăng cường ăn các thực phẩm tốt cho dạ dày gồm:
- Nhóm thực phẩm giàu chất xơ: hoa quả (trừ hoa quả chua, nhiều axit), rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu…
- Nhóm thực phẩm ít chất béo: cá, rau, thịt nạc.
- Nhóm thực phẩm chứa probiotic có lợi cho sức khỏe: sữa chua, kim chi, kombucha…
5. Viêm loét dạ dày cấp tính không nên ăn gì?
Ngược lại, người bệnh viêm loét dạ dày cấp tính tính nên tránh ăn các thực phẩm có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn dưới đây:
- Thức uống có gas, cồn, chất kích thích: bia rượu, cà phê, trà, nước ngọt có ga…
- Thịt nguội được chế biến sẵn: dăm bông, lạp xưởng, xúc xích…
- Hoa quả có vị chua: chanh, cóc, xoài, sấu.
- Gia vị/món ăn cay, nóng: tiêu, tỏi, ớt, mì cay.
- Các thực phẩm muối chua: cà muối, dưa muối.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
6. Sau điều trị, viêm loét dạ dày cấp có tái phát không?
Viêm loét dạ dày cấp tính sau khi điều trị khỏi vẫn có thể tái phát. Nguyên nhân có thể là do bệnh nhân bị tái nhiễm vi khuẩn HP; người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, hay bỏ dở giữa chừng khi thấy triệu chứng thuyên giảm hoặc tự ý mua kháng sinh để trị bệnh; lối sống không khoa học như ăn nhiều chất chua, cay; ăn uống không đúng giờ; uống nhiều rượu bia; làm việc căng thẳng, hay bị stress…
Do đó, để tránh bệnh tái phát sau điều trị, người mắc viêm loét dạ dày cấp cần tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Viêm loét dạ dày cấp tính nếu phát hiện và điều trị ngay khi mức độ tổn thương còn nhẹ có thể khỏi nhanh chóng và triệt để. Do đó, người bệnh không nên chủ quan khi nghi ngờ có dấu hiệu mắc viêm loét dạ dày cấp tính, hãy chủ động thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh bệnh tiến triển gây biến chứng.
Để được tư vấn kỹ hơn về các bệnh lý liên quan đến dạ dày, bạn đừng quên bình luận bên dưới hoặc gọi đến hotline miễn cước 1800.1125 gặp dược sĩ của thuốc dạ dày chữ Y – Yumangel nhé.
Chưa có bình luận!