Vi khuẩn HP là gì? Nguy hiểm không? Điều trị và phòng ngừa

I. Vi khuẩn HP là gì?

Tổng quát

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là một loại trực khuẩn Gram âm, ái khí, tồn tại và phát triển mạnh trong dạ dày. Chúng được phát hiện lần đầu vào năm 1982 bởi hai nhà khoa học người Úc, Barry Marshall và Robin Warren, những người đã nhận giải Nobel Y học năm 2005 vì khám phá này. Đây là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày-tá tràng và có liên quan đến ung thư dạ dày.

Chủng khuẩn HP có tới 200 loại khác nhau và không phải loại nào cũng gây ra bệnh lý liên quan đến dạ dày. Trên thực tế, chỉ có một số vi khuẩn Hp mang mã gen CagA mới gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng.

Đặc điểm của vi khuẩn HP

đặc điểm vi khuẩn HP

Đặc điểm vi khuẩn HP

Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) có nhiều đặc điểm độc đáo giúp nó tồn tại và gây bệnh trong môi trường khắc nghiệt của dạ dày. Dưới đây là các đặc điểm chính:

  • Đặc điểm hình thái học: Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một loại vi khuẩn với hình dạng xoắn ốc hoặc cong nhẹ, kích thước nhỏ (dài 2.5 – 5 µm, đường kính 0.5 – 1 µm), và được trang bị 4-6 lông roi ở một đầu, giúp nó di chuyển linh hoạt trong lớp chất nhầy của niêm mạc dạ dày.
  • Đặc điểm sinh học: HP là vi khuẩn gram âm, nghĩa là có vách tế bào mỏng và lớp lipopolysaccharide, giúp nó chống lại một số yếu tố miễn dịch của cơ thể. HP cần một lượng nhỏ oxy để tồn tại, giúp nó thích nghi với môi trường ít oxy như niêm mạc dạ dày.
  • Khả năng tồn tại trong môi trường khắc nghiệt: HP nổi bật với khả năng sống sót trong môi trường axit mạnh của dạ dày nhờ enzyme urease, phân hủy ure thành amoniac để trung hòa axit xung quanh. Đặc biệt, HP có khả năng bám dính chặt vào niêm mạc dạ dày thông qua các protein bề mặt như BabA và SabA
  • Đặc điểm gây bệnh: Vi khuẩn Hp có khả năng tiết độc tố như CagA và VacA, gây tổn thương tế bào và kích thích phản ứng viêm. Ngoài ra, HP kích thích sản xuất cytokine viêm như IL-8, làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
  • Tính chất di truyền và biến đổi: Với cơ chế đột biến nhanh chóng và đa dạng di truyền, HP có thể tránh né hệ miễn dịch và phát triển kháng thuốc nếu điều trị không đúng cách.
  • Khả năng lây nhiễm: Khả năng lây truyền qua đường tiêu hóa và vệ sinh kém khiến vi khuẩn này trở thành một tác nhân phổ biến gây bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Con đường lây nhiễm vi khuẩn Hp

Con đường lây truyền HP

Vi khuẩn HP lây qua 4 con đường chính

Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) lây nhiễm qua bốn con đường chính:

Đường dạ dày-dạ dày: Qua các dụng cụ y tế không được khử khuẩn đúng cách, như ống nội soi, dẫn đến truyền HP từ người bệnh sang người lành.

Đường miệng-miệng: Lây qua nước bọt khi dùng chung dụng cụ ăn uống, hôn hoặc tiếp xúc gần.

Đường phân-miệng: Vi khuẩn từ phân người bệnh xâm nhập vào nguồn nước, thực phẩm hoặc tay, sau đó vào cơ thể qua đường ăn uống.

Đường dạ dày-miệng: HP từ dạ dày bị trào ngược lên miệng qua dịch tiêu hóa, sau đó lây sang người khác qua tiếp xúc gần hoặc hôn.

Điều kiện vệ sinh không đảm bảo và thói quen sinh hoạt không lành mạnh làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HP.

Tìm hiểu chi tiết: Vi khuẩn HP lây qua đường nào?

II. Vi khuẩn Hp có nguy hiểm không?

Theo 1 thống kê vào năm 2021, có đến 50% dân số thế giới nhiễm vi khuẩn Hp, trong đó con số này ở Việt Nam là 70 – 80%. Đây là 1 con số rất lớn, chứng minh người nhiễm H. pylori rất phổ biến. Vậy H. pylori có thực sự nguy hiểm?

Phân biệt giữa nhiễm vi khuẩn Hp và nhiễm trùng Hp

Để trả lời được câu hỏi này, trước hết bạn phải phân biệt được nhiễm vi khuẩn Hp và nhiễm trùng Hp.

Bị nhiễm vi khuẩn H.pylori:

Đây là tình trạng khi vi khuẩn Helicobacter pylori đã xâm nhập và tồn tại trong dạ dày của một người. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HP cũng bị bệnh hoặc có triệu chứng. Phần lớn người nhiễm HP ở trạng thái “mang mầm bệnh” nhưng không có biểu hiện lâm sàng, do cơ thể vẫn kiểm soát được sự phát triển của vi khuẩn.

Bị nhiễm trùng HP:

Là giai đoạn mà vi khuẩn HP không chỉ tồn tại mà còn gây ra các tổn thương cho niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng, dẫn đến các bệnh lý như viêm dạ dày, loét dạ dày-tá tràng, hoặc nặng hơn là ung thư dạ dày. Đây là tình trạng có triệu chứng rõ ràng và cần được điều trị y tế.

Khi nào vi khuẩn Hp gây nguy hiểm đối với con người?

Vi khuẩn HP có nguy hiểm không?

Vi khuẩn HP chỉ trở nên nguy hiểm khi gây tổn thương niêm mạc dạ dày hoặc kích thích phản ứng viêm mạn tính

Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) không phải lúc nào cũng gây hại. Nó chỉ trở nên nguy hiểm khi gây tổn thương niêm mạc dạ dày hoặc kích thích phản ứng viêm mạn tính. HP có khả năng tránh né hệ miễn dịch, khi hệ miễn dịch không kiểm soát được vi khuẩn, phản ứng viêm sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, dẫn đến tổn thương lan rộng. Dưới đây là các trường hợp cụ thể mà vi khuẩn HP gây nguy hiểm:

Vi khuẩn HP gây viêm niêm mạc dạ dày

HP bám vào lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và tiết ra các enzyme như urease, phá vỡ lớp bảo vệ làm niêm mạc dạ dày tiếp xúc trực tiếp với axit dịch vị, gây kích thích và viêm.

H.pylori gây ra bệnh viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính, với các dấu hiệu như đau bụng, nóng rát vùng thượng vị, buồn nôn.

Vi khuẩn HP gây loét dạ dày – tá tràng

HP tiết ra các độc tố như CagA (Cytotoxin-associated gene A) và VacA (Vacuolating cytotoxin A), làm tổn thương trực tiếp tế bào niêm mạc. Gây ra vết loét dạ dày – tá tràng với các triệu chứng như đau thượng vị, đặc biệt sau khi ăn, hoặc đau về đêm.

Vi khuẩn HP liên quan đến ung thư dạ dày

HP gây viêm mạn tính kéo dài, tạo điều kiện cho các tổn thương tiền ung thư (như viêm teo dạ dày, dị sản ruột) phát triển thành ung thư dạ dày. Theo WHO, HP là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư dạ dày. Trong đó, ung thư biểu mô tuyến dạ dày là loại phổ biến nhất.

HP gây thiếu máu hoặc bệnh lý ngoài dạ dày

HP cản trở hấp thụ sắt hoặc gây chảy máu vi thể ở đường tiêu hóa, dẫn đến thiếu máu.

Viêm teo niêm mạc dạ dày do HP làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B12.

Nghiên cứu cho thấy HP có thể liên quan đến một số bệnh lý tim mạch, đái tháo đường type 2, hoặc bệnh tự miễn như ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

III. Làm gì khi bị nhiễm vi khuẩn Hp?

Triệu chứng nhiễm vi khuẩn Hp

Dấu hiệu nhiễm trùng HP

Dấu hiệu nhiễm trùng HP

Vi khuẩn H. pylori có mặt ở khoảng 50% đến 75% dân số thế giới. Nhưng chỉ khoảng 20% trong số họ là xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng và dấu hiệu (nếu có) thường là triệu chứng của các tổn thương do vi khuẩn HP gây ra, bao gồm:

  • Đau âm ỉ hoặc đau rát ở dạ dày: Thường xuất hiện sau bữa ăn vài giờ hoặc vào ban đêm. Cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ và tái phát theo chu kỳ, kéo dài vài ngày đến vài tuần.
  • Đầy hơi, khó tiêu: Rối loạn tiêu hóa, cảm giác bụng căng chướng, khó chịu.
  • Buồn nôn và nôn: Có thể nôn ra máu khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng.
  • Ợ hơi liên tục: Liên quan đến việc tăng áp lực và kích thích niêm mạc dạ dày.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân: do cảm giác khó chịu khi ăn, mất cảm giác thèm ăn…
  • Phân sẫm màu: Biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa do loét hoặc viêm nặng
  • Một số triệu chứng khác như: Hơi thở có mùi, thiếu máu…

Các triệu chứng này có thể giống với các bệnh lý dạ dày khác, vì vậy khi xuất hiện các dấu hiệu trên, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nhiễm trùng Hp được chẩn đoán thế nào?

Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh và khám sức khỏe cũng như yêu cầu bạn làm các xét nghiệm để chẩn đoán:

Phương pháp xét nghiệm HP

Phương pháp xét nghiệm HP

Test Hp hơi thở

Xét nghiệm hơi thở là phương pháp phát hiện vi khuẩn HP thông qua khả năng phân hủy ure thành CO₂ của enzyme urease mà HP tiết ra. Khi test hơi thở Hp, bệnh nhân uống dung dịch chứa urê và thở vào thiết bị chuyên dụng. Nếu lượng CO2 trong mẫu hơi thở sau khi uống dung dịch cao hơn mẫu hơi thở trước khi uống, đó là dấu hiệu của nhiễm trùng H. pylori.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp phát hiện kháng thể chống lại vi khuẩn HP trong máu, cho thấy cơ thể đã từng nhiễm loại vi khuẩn này. Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện và thường dùng trong các trường hợp sàng lọc ban đầu.

Xét nghiệm kháng nguyên HP trong phân

Xét nghiệm này phát hiện kháng nguyên của vi khuẩn HP trong mẫu phân, cho biết sự hiện diện của nhiễm trùng HP hiện tại.

Nội soi dạ dày test HP

Nội soi dạ dày là phương pháp trực tiếp quan sát niêm mạc dạ dày và lấy mẫu sinh thiết để xét nghiệm HP. Đây là cách chẩn đoán chính xác, đồng thời phát hiện tổn thương như viêm, loét hoặc nguy cơ ung thư.

Xem chi tiết: Test HP dạ dày là gì? Có những phương pháp nào? Khi nào cần?

Điều trị Hp

Điều trị vi khuẩn H.pylori

Điều trị vi khuẩn H.pylori

Việc điều trị hp sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi, mức độ nghiêm trọng và sức khỏe của người bệnh.

Nếu không có triệu chứng, bạn không cần phải điều trị. Nếu bạn đã được chẩn đoán nhiễm trùng H. pylori, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng sự kết hợp giữa thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton giảm axit.

  • Thuốc chẹn H-2: Thuốc này được sử dụng để giảm lượng axit trong dạ dày bằng cách ức chế hoạt động của thụ thể histamin H2 trên tế bào thành dạ dày. Thụ thể H2 là nơi histamin gắn vào để kích thích tiết axit clohydric (HCl)
  • Thuốc ức chế bơm proton: là nhóm thuốc được sử dụng để giảm sản xuất axit trong dạ dày bằng cách ức chế hoạt động của bơm proton tại tế bào thành dạ dày..
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi axit và giúp tiêu diệt vi khuẩn

Bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp để loại bỏ vi khuẩn HP. Đôi khi phác đồ dùng thuốc có thể phức tạp, nhưng điều quan trọng là phải tuân theo hướng dẫn để loại bỏ HP tận gốc.

IV. Cách phòng ngừa lây nhiễm Hp

Phòng tránh nhiễm vi khuẩn HP

Các biện pháp phòng tránh nhiễm vi khuẩn HP

Không thể xác định chắc chắn bạn sẽ nhiễm vi khuẩn HP theo con đường nào. Nhưng bạn có thể giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm HP bằng cách tạo thói quen vệ sinh tốt. Những thói quen này bao gồm:

  • Rửa tay kỹ (20 giây) bằng xà phòng và nước trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Đảm bảo mọi thực phẩm bạn ăn đều được rửa sạch và nấu chín hoàn toàn.
  • Đảm bảo nước uống của bạn an toàn và sạch sẽ.
  • Không dùng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân, đồ dùng ăn uống.
  • Đặc biệt lưu ý trong sinh hoạt khi chăm sóc, tiếp xúc với người nhiễm vi khuẩn HP.
  • Dinh dưỡng đầy đủ: Đảm bảo các bữa ăn hàng ngày cung cấp đủ carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, chất khoáng và nước.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp tăng đề kháng, đảo thải độc tố ra khỏi cơ thể, ngăn vi khuẩn xâm nhập và tấn công cơ thể.
  • Tránh căng thẳng tâm lý, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ.
  • Thăm khám tiêu hóa định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ.

V. Câu hỏi thường gặp về Helicobacter pylori

1. Ai có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP. Theo ước tính, hiện có khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, khu vực địa lý, thói quen sinh hoạt và chất lượng sống.

Trẻ nhỏ cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao do bố mẹ hay người thân nhiễm vi khuẩn có thói quen hôn môi trẻ, mớm thức ăn cho trẻ…

2. Vi khuẩn HP có tự hết không?

Vi khuẩn HP không thể tự khỏi hoàn toàn mà không được điều trị. Các phương pháp chăm sóc tại nhà chỉ nhằm giảm đau, giảm các triệu chứng tức thời.

Vì vậy, người bệnh nên tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, dùng thuốc đúng chỉ dẫn, đồng thời kết hợp với lối sống khoa học, để tiêu diệt triệt để vi khuẩn, ngăn ngừa tái phát.

Xem câu trả lời chi tiết tại: Vi khuẩn HP có tự hết không? Điều trị mất bao lâu?

3. Vi khuẩn HP có tái phát không?

Tình trạng tái xuất hiện vi khuẩn HP là rất cao, xuất hiện dưới hai dạng:

Tái nhiễm: Xảy ra khi đã điều trị thành công và khỏi hoàn toàn, sau đó, bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn HP mới.

Tái phát: Sau khi dùng thuốc, số lượng vi khuẩn HP giảm thấp đến mức không thể phát hiện. Tuy nhiên một thời gian sau, vì nguyên nhân nào đó, vi khuẩn lại nhân lên và có thể phát hiện thông qua xét nghiệm

Xem chi tiết câu trả lời tại: Vi khuẩn HP có tái nhiễm không

4. Vi khuẩn HP có chữa khỏi được không?

Người bị nhiễm khuẩn HP thường rất băn khoăn liệu có diệt được vi khuẩn Hp không. Theo các chuyên gia, việc chữa khỏi hoàn toàn vi khuẩn HP là có thể, nhưng khá khó khăn.

Thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp điều trị và phương pháp dự phòng sau điều trị, tình trạng bệnh, thể chất của người bị nhiễm vi khuẩn HP…

Theo nghiên cứu, tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn vi khuẩn HP là rất cao. Đây là 1 thông tin rất tích cực. Vì thế, nếu bạn nhiễm vi khuẩn HP hãy cố gắng tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ để sớm loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn Hp nhé.

5. Ngoài dạ dày, vi khuẩn HP sống được trong môi trường nào?

Mặc dù Helicobacter pylori (HP) chủ yếu sống và phát triển trong môi trường dạ dày, một số nghiên cứu cho thấy vi khuẩn này có thể tồn tại trong một số môi trường khác, tuy nhiên khả năng sống sót và gây bệnh bị hạn chế hơn.

1. Miệng và khoang miệng

HP có thể được tìm thấy trong mảng bám răng và khoang miệng của người nhiễm. Đây là lý do vi khuẩn HP có khả năng lây qua đường miệng-miệng (như dùng chung bát đũa, hôn). HP có thể hiện diện tạm thời trong nước bọt, nhưng môi trường này không thuận lợi cho sự phát triển lâu dài.

2. Đường ruột

HP có thể di chuyển qua hệ tiêu hóa và xuất hiện trong phân, đặc biệt ở người bị nhiễm nặng. Điều này hỗ trợ cơ chế lây nhiễm qua đường phân-miệng, ví dụ qua nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm.

3. Nước và môi trường bên ngoài

Nước: Vi khuẩn HP có thể tồn tại trong môi trường nước không sạch (ao, hồ, sông, nước giếng) nhưng chỉ trong thời gian ngắn vì thiếu điều kiện sinh trưởng thích hợp.

Đất: Một số nghiên cứu phát hiện HP trong đất ở những vùng có điều kiện vệ sinh kém, nhưng thời gian sống trong đất cũng không dài.

4. Các môi trường khác (ít phổ biến)

Dụng cụ y tế: Nếu không được khử trùng đúng cách, vi khuẩn HP có thể tồn tại trên các dụng cụ như ống nội soi dạ dày.

Thực phẩm sống: HP có thể bám trên thực phẩm không được bảo quản hoặc chế biến vệ sinh, nhưng khả năng nhân lên rất hạn chế.

Vi khuẩn HP không chỉ là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng ở dạ dày như viêm loét, ung thư dạ dày, mà còn tiềm ẩn khả năng lây lan qua nhiều con đường khác nhau như dạ dày – dạ dày, miệng – miệng, và phân – miệng. Việc hiểu rõ đặc điểm, con đường lây nhiễm, triệu chứng, và phương pháp chẩn đoán là bước quan trọng để phát hiện và điều trị kịp thời. Qua đó, giúp bảo vệ bản thân và góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Theo dõi Yumangel.vn để thường xuyên cập nhật các thông tin hữu ích về các bệnh lý dạ dày!

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ

Nguyễn Thị Thu

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Đinh Thị Hiền (Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2014-2018). Cô có 6 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copy Write tại các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, làm đẹp,… Hiện nay, Đinh Thị Hiền được biết đến với vai trò biên tập viên cho nhãn hàng Yumangel, với mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến sản phẩm cũng như các phương pháp trị đau dạ dày. Hy vọng, những nội dung mà Hiền truyền tải sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin hữu ích, giúp bạn có được những phương pháp chăm sóc dạ dày phù hợp.

0/5 (0 lượt bình chọn)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *