Skip to main content

Viêm trào ngược dạ dày thực quản độ A: Nguyên nhân, Dấu hiệu và cách điều trị

Tác giả: Đinh Thị Hiền

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thị Thu

Trào ngược dạ dày thực quản độ A là giai đoạn nhẹ nhất trong 5 giai đoạn của bệnh trào ngược. Phát hiện bệnh ở giai đoạn này sẽ thuận lợi cho việc điều trị bệnh khỏi dứt điểm. Cùng yumangel.vn tìm hiểu chi tiết về chứng viêm trào ngược thực quản độ a trong bài viết dưới đây.

I. Trào ngược dạ dày là gì

Trào ngược dạ dày là hiện tượng dịch dạ dày trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như: đau vùng thượng vị, ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn ói, khó nuốt, vướng nghẹn vùng cổ, đau tức ngực, đắng miệng, ho kéo dài, viêm họng kéo dài,…

Theo các tài liệu y học, bệnh trào ngược dạ dày được phân thành 5 cấp độ gồm:

  1. Cấp độ 0: Khi nội soi dạ dày không phát hiện rõ những vết viêm ở niêm mạc thực quản.
  2. Cấp độ A: Niêm mạc thực quản đã xuất hiện các vùng viêm, vết trượt, vết loét có độ dài không quá 5mm.
  3. Cấp độ B: Niêm mạc thực quản có vết trượt và vết loét lớn hơn 5mm, nằm lẻ tẻ; người bệnh bị đau khi ăn uống, vướng nghẹn do thực quản bị chít hẹp. 
  4. Cấp độ C: Các vết trợt, loét ở cấp độ B tập trung lại với nhau và mở rộng phạm kèm theo đó là loạn sản thực quản. Giai đoạn này còn gọi là Barrett thực quản hay giai đoạn tiền ung thư thực quản.
  5. Cấp độ D: Barrett thực quản đã tiến triển nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ chuyển sản thành vết viêm loét sâu, lớn hơn 75% chu vi thực quản.
Hình ảnh mô tả 5 cấp độ của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Hình ảnh mô tả 5 cấp độ của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

II. Viêm thực quản trào ngược độ A là gì

Trào ngược dạ dày thực quản độ A tức là giai đoạn bệnh mới khởi phát. Lúc này, niêm mạc thực quản có dấu hiệu bị tổn thương nhưng mức độ trợt loét và viêm nhẹ. 

Khi nội soi dạ dày thực quản, các vết trợt ở niêm mạc thực quản có chiều dài chưa tới 5mm. 

Trào ngược dạ dày thực quản độ A tức là giai đoạn bệnh mới khởi phát
Trào ngược dạ dày thực quản độ A tức là giai đoạn bệnh mới khởi phát

III. Triệu chứng trào ngược dạ dày cấp độ A

Bệnh nhân trào ngược độ A thường có các triệu chứng và biểu hiện sau:

1. Ợ hơi, ợ nóng và ợ chua

Ợ hơi thường xuất hiện sau khi ăn no, thậm chí là ngay cả khi bụng đói. Trường hợp trong dạ dày của người bệnh dư thừa axit, luồng hơi thoát ra sẽ có vị chua kèm theo cảm giác nóng rát. 

 2. Buồn nôn và nôn ói

Tần suất của triệu chứng nôn ói và buồn nôn thấp. Trong dịch nôn của người bệnh có thể là đồ ăn hoặc các loại thực phẩm gây buồn nôn. 

 3. Tiết nhiều nước bọt

Trào ngược dạ dày cấp độ A còn khiến tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể để trung hòa được tình trạng axit làm bào mòn niêm mạc thực quản. 

4. Nóng rát thượng vị dạ dày

Tình trạng viêm loét khiến niêm mạc tại thực quản bị tổn thương gây kích hoạt các cơn đau âm ỉ, nóng rát ở vùng thượng vị dạ dày. 

5. Đắng miệng, khó nuốt, vướng nghẹn vùng cổ

Dưới tác động liên tục của axit và dịch vị dạ dày, niêm mạc thực quản bị bào mòn và trầy gây ra các vết trượt, loét. Vì vậy người bệnh có cảm giác bị khó nuốt, đau khi nuốt thức ăn, vướng nghẹn vùng cổ.

Với trường hợp trào ngược dịch mật lên thực quản và khoang miệng, người bệnh sẽ có cảm giác bị đắng miệng.

6. Ho, đau họng

Dịch dạ dày trào ngược và xâm nhập vào đường hô hấp liên tục gây ho, đau họng và khàn tiếng.

Bệnh nhân trào ngược độ A thường có các triệu chứng ợ chua, ợ nóng, tiết nhiều nước bọt, nóng rát thượng vị…
Bệnh nhân trào ngược độ A thường có các triệu chứng ợ chua, ợ nóng, tiết nhiều nước bọt, nóng rát thượng vị…

Khi xuất hiện các triệu chứng trên của trào ngược dạ dày độ A, người bệnh nên chủ động đi thăm khám ngay để được bác sĩ điều trị bệnh sớm, hiệu quả. 

IV. Trào ngược dạ dày mức độ A có nguy hiểm không? 

Theo các chuyên gia y tế, trào ngược dạ dày – thực quản cấp độ A thường không quá đáng lo. Vì ở giai đoạn này, tình trạng viêm chỉ ở mức độ nhẹ, nếu phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh có thể khỏi dứt điểm.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chủ quan và không nghiêm túc trong quá trình điều trị thì bệnh trào ngược dạ dày mức độ A sẽ tiến triển rất nhanh. Khi bệnh đã có biểu hiện ở cấp độ nặng thì việc điều trị chắc chắn gặp nhiều khó khăn và dễ phát sinh các biến chứng nguy hiểm.

Dưới đây là một số biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi không được điều trị kịp thời và để kéo dài:

  • Loét thực quản: Nếu không được can thiệp kịp thời, các phản ứng viêm tại thực quản có thể phát triển nhanh chóng. Hậu quả là hình thành các vết loét tại niêm mạc thực quản với triệu chứng nghiêm trọng hơn so với tình trạng viêm. 
  • Barrett thực quản: Dịch vị dạ dày trào lên thực quản trong thời gian dài có nguy cơ dẫn đến Barrett thực quản. Theo thống kê, có khoảng 5% các trường hợp bị Barrett thực quản có nguy cơ mắc ung thư thực quản.
  • Ung thư thực quản: Nguy cơ cao với bệnh nhân trên 50 tuổi, người mắc bệnh nền, uống bia rượu, hút thuốc…
Bệnh trào ngược độ A thường không nguy hiểm nếu được điều trị ngay
Bệnh trào ngược độ A thường không nguy hiểm nếu được điều trị ngay

V. Phương pháp chẩn đoán trào ngược thực quản độ A

Để xây dựng phác đồ điều trị trào ngược độ A hiệu quả, đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh nhân về tình trạng bệnh, diễn biến và tiền sử bệnh. Sau đó chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng dưới đây:

  • Nội soi dạ dày thực quản: Nhằm xác định tình trạng viêm loét, tổn thương trong thực quản – dạ dày.
  • Chụp X – quang đường tiêu hóa: Để xác định tình trạng tổn thương của một số cơ quan hệ tiêu hóa. Phương pháp chẩn đoán này thường được dùng cho bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, giảm cân không rõ nguyên nhân…
  • Theo dõi pH thực quản trong vòng 24 tiếng đồng hồ: Mục đích để theo dõi chỉ số pH trong thực quản và đánh giá được nồng độ dịch dạ dày trào ngược.
Chụp X – quang đường tiêu hóa
Chụp X – quang đường tiêu hóa

VI. Cách điều trị trào ngược dạ dày độ A

Ở cấp độ A, bệnh nhân trào ngược dạ dày thường đáp ứng tốt với phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc Tây y. Mục đích của việc dùng thuốc là ức chế các phản ứng viêm và kích thích dạ dày giảm tiết axit.

Các nhóm thuốc có thể được chỉ định dùng cho bệnh nhân trào ngược dạ dày độ A gồm:

  • Thuốc trung hòa axit dịch vị. 
  • Thuốc ức chế bơm Proton. 
  • Thuốc hỗ trợ nhu động.

Khi sử dụng thuốc điều trị trào ngược độ A, bệnh nhân cần chú ý:

  • Tuân thủ về loại thuốc, thời gian và liều lượng dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Không tự ý dùng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc, liều lượng hoặc thời gian sử dụng. Vì việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị mà có hể gây ra một số tác dụng phụ khó lường.
  • Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khi dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày độ A, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Ở cấp độ A, bệnh nhân trào ngược dạ dày thường đáp ứng tốt với phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc Tây y
Ở cấp độ A, bệnh nhân trào ngược dạ dày thường đáp ứng tốt với phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc Tây y

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng góp phần hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa bệnh trào ngược tái phát. Cụ thể:

  • Giữ tâm lý vui vẻ, thoải mái lạc quan, loại bỏ căng thẳng, lo âu.
  • Bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe của dạ dày như: sữa chua, rau xanh, hoa quả, ngũ cốc, thịt trắng.
  • Hạn chế ăn thức ăn nhanh, đồ chua, đồ cay nóng, thức ăn nhiều gia vị hoặc nhiều dầu mỡ. 
  • Thay đổi các thói quen xấu trong ăn uống như: ăn quá nhanh, không nhai kỹ, vừa nằm vừa ăn, ăn quá no, để bụng quá đói.
  • Tập thể dục hàng ngày, duy trì cân nặng ở mức ổn định, tránh để thừa cân, béo phì
  • Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, không thức khuya, dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn. 
  • Nằm ngủ ở tư thế nghiêng về bên trái hoặc ngửa, kê cao đầu khi nằm.
  • Thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để nắm chính xác giai đoạn bệnh và có phương án điều trị kịp thời.

Nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, viêm trào ngược dạ dày thực quản độ A không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Do đó, ngay khi thấy cơ thể có biểu hiện bị trào ngược dạ dày, người bệnh nên chủ động thăm khám để được điều trị kịp thời.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.