Sinh thiết đại tràng là gì? Chỉ định, quy trình, rủi ro, chi phí

Sinh thiết đại tràng là kỹ thuật chẩn đoán bệnh lý liên quan đến đại tràng tiên tiến và chính xác nhất hiện nay. Vậy kỹ thuật này có quan trọng không và ai nên thực hiện kỹ thuật này? Cùng khám phá qua bài viết dưới đây bạn nhé!

I. Kỹ thuật sinh thiết đại tràng là gì?

Sinh thiết (Biopsy) là kỹ thuật xét nghiệm y khoa tiên tiến nhất hiện nay, độ chính xác được đánh giá cao hơn các phương pháp chẩn đoán thông thường như chụp X – quang, siêu âm, chụp MRI, nội soi.

Sinh thiết đại tràng (Colon Biopsy) là phương pháp lấy mẫu mô từ đại tràng mang đi xét nghiệm, giải phẫu bệnh. Từ đó, giúp các y bác sĩ xác định chính xác được các vấn đề bệnh lý ở đại tràng.

Kỹ thuật sinh thiết đại tràng sẽ được tiến hành thông qua quá trình nội soi đại tràng. Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi mềm, dài khoảng 120 – 180cm, có gắn kèm camera và đèn, camera sẽ truyền hình ảnh đến máy kết nối để quan sát. Tổng thời gian nội soi và lấy mẫu kéo dài khoảng 30 – 45 phút.

Khi thực hiện nội soi đại tràng sinh thiết, bác sĩ sẽ dùng kìm sinh thiết, thòng lọng hoặc chổi quét thông qua ống nội soi để lấy tế bào bị tổn thương. Sau đó, tế bào sẽ đi cùng ống nội soi ra ngoài và được mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi, đồng thời phân tích về mặt hóa học.

Sinh thiết đại tràng là phương pháp lấy mẫu mô từ đại tràng mang đi xét nghiệm, giải phẫu bệnh. 

Sinh thiết đại tràng là phương pháp lấy mẫu mô từ đại tràng mang đi xét nghiệm, giải phẫu bệnh.

II. Mục đích của sinh thiết đại tràng 

Mục đích và tác dụng của kỹ thuật sinh thiết đại tràng là xác định chính xác các vấn đề bệnh lý ở đại tràng. Đồng thời kiểm tra các biểu hiện bất thường trong mô, như tế bào tiền ung thư hoặc tế bào ung thư đại tràng.

Việc sinh thiết đại tràng cũng giúp các y bác sĩ đưa ra những phương án điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân.

III. Ưu – Nhược điểm của phương pháp

Phương pháp sinh thiết đại tràng là kỹ thuật y khoa hiện đại nhất hiện nay. Dưới đây là một số ưu – nhược điểm của kỹ thuật này: 

1. Ưu điểm

Kỹ thuật sinh thiết đại tràng qua phương pháp nội soi cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ niêm mạc phía trong của hậu môn, đại – trực tràng. Từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác cùng những can thiệp điều trị kịp thời nếu cần.

Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm khi có nghi ngờ hoặc cần chẩn đoán xác định bệnh. Đồng thời giúp phát hiện cũng như tầm soát sớm ung thư và một số bệnh lý khác.

2. Nhược điểm

Nhược điểm của nội soi sinh thiết đại tràng là người bệnh có thể cảm thấy đau và một vài khó chịu như đầy bụng, chướng hơi sau khi thực hiện thủ thuật. 

Mặt khác, thủ thuật này cũng có thể gây tổn thương đường tiêu hóa, chảy máu và nhiễm trùng nếu thực hiện không đúng cách.

Kỹ thuật sinh thiết đại tràng cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ niêm mạc phía trong của hậu môn, đại trực tràng để đưa ra những chẩn đoán chính xác. 

Kỹ thuật sinh thiết đại tràng cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ niêm mạc phía trong của hậu môn, đại trực tràng để đưa ra những chẩn đoán chính xác.

IV. Khi nào cần sinh thiết đại tràng? Đối tượng được chỉ định  

Với những người có nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm ở đại tràng, bác sĩ sẽ yêu cầu chọc sinh thiết vì đây phương pháp tối ưu nhất đến chẩn đoán chính xác bệnh, đặc biệt là ung thư. 

1. Tầm soát ung thư 

Tác dụng nổi bật nhất của sinh thiết là tầm soát ung thư đại tràng. Vì thế,  những người có nguy cơ bị ung thư đại tràng như người ngoài 50 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng hoặc bản thân mắc các bệnh ung thư/ polyp đại tràng được khuyến khích kiểm tra sức khỏe định kỳ bằng kỹ thuật này.

2. Trường hợp khác   

Bên cạnh đó, kỹ thuật sinh thiết đại tràng cũng được áp dụng cho một số đối tượng sau đây để chẩn đoán các bệnh lý liên quan: 

  • Người có tổn thương ở đại trực tràng gây rối loạn tiêu hóa kéo dài (tiêu chảy hoặc táo bón), đau bụng, đi ngoài ra máu, sụt cân không rõ nguyên nhân…
  • Người có khối u trong đại tràng: Nếu phát hiện khối u, polyp trong đại tràng trên siêu âm, CT, X-quang,… bác sĩ cần sinh thiết để kiểm tra đó là u lành tính hay ác tính.
  • Người được chỉ định cắt bỏ polyp (cắt polyp đại tràng sinh thiết): Với polyp nhỏ và không có cuống, bác sĩ sử dụng kìm sinh thiết. Polyp lớn và có cuống thường được cắt theo kiểu blend để kiểm soát sự chảy máu. Sau khi cắt polyp, bác sĩ sẽ mang đi quan sát dưới kính hiển vi để xác định lành tính hay ác tính.
  • Thiếu máu nhược sắc/số lượng hồng cầu giảm quá mức trung bình: Tình trạng này có thể do viêm teo ruột, viêm ruột, dị sản ruột dẫn đến giảm hấp thu sắt của cơ thể gây nên. Những bệnh lý này cần sinh thiết tế bào để kiểm tra cho chẩn đoán chính xác.
  • Bị viêm loét đại tràng mạn hoặc bệnh Crohn (viêm ruột mạn tính không rõ nguyên nhân): Các tổn thương mạn tính làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng ở bệnh nhân. Thực hiện nội soi đại tràng có sinh thiết để kiểm tra giúp tầm soát ung thư sớm.
  • Người bị đi ngoài lẫn máu hoặc phân có màu bã cà phê.
Sinh thiết đại tràng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý ở đại tràng, đặc biệt là ung thư. 

Sinh thiết đại tràng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý ở đại tràng, đặc biệt là ung thư.

V. Các trường hợp chống chỉ định sinh thiết đại tràng 

Nội soi sinh thiết đại tràng chống chỉ định tuyệt đối với các trường hợp sau:

  • Nghi ngờ bị viêm phúc mạc, thủng ruột.
  • Trường hợp trụy tim mạch, suy hô hấp. 
  • Người bệnh có tắc mạch phổi.
  • Người bị tắc ruột.
  • Người đang bị viêm túi thừa đại tràng cấp tính.

Chống chỉ định tương đối của kỹ thuật sinh thiết đại tràng gồm:

  • Người bị giảm tiểu cầu nặng.
  • Bệnh nhân có các bệnh lý khác gây chảy máu.
  • Người bị nhiễm trùng máu.
  • Bệnh nhân mới phẫu thuật ống tiêu hóa. 
  • Phình lớn động mạch chủ bụng.
  • Người bệnh đang có thai (3 tháng đầu và 3 tháng cuối).
  • Trường hợp ngộ độc.

Trường hợp cần thận trọng khi thực hiện sinh thiết đại tràng gồm: 

  • Người già > 85 tuổi.
  • Các trường hợp cản trở không đưa ống nội soi vào được.
Sinh thiết đại tràng chống chỉ định cho người bị viêm phúc mạc, thủng ruột, tắc ruột… 

Sinh thiết đại tràng chống chỉ định cho người bị viêm phúc mạc, thủng ruột, tắc ruột…

VI. Quy trình thực hiện sinh thiết đại tràng

Sinh thiết đại tràng được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Mẫu tế bào sau khi lấy ra khỏi cơ thể sẽ được đưa đi xét nghiệm sinh thiết. Quy trình thực hiện sinh thiết gồm các bước như sau: 

1. Chuẩn bị trước khi sinh thiết

Trước khi thực hiện sinh thiết đại tràng, người bệnh cần thông báo, trao đổi với bác sĩ những điều dưới đây:

  • Tình trạng sử dụng thuốc hiện tại: thuốc tiểu đường, thuốc theo đơn, đặc biệt là các loại thuốc làm loãng máu nếu có.
  • Tiền sử dị ứng thuốc: bao gồm cả thuốc gây mê.
  • Có hay bị chảy máu hoặc khó cầm máu không.
  • Có chụp X-quang có bơm thuốc cản quang trong vòng 4 ngày trước sinh thiết không. 
  • Có đang mang thai hoặc có nghi ngờ có thai không.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần tuân thủ thực hiện những lưu ý dưới đây trước khi sinh thiết:

  • Ngừng ăn uống trước khoảng 6 – 8h trước khi thời điểm sinh thiết. 
  • Dừng uống 1 số loại thuốc như aspirin từ 7 – 14 ngày trước khi nội soi sinh thiết.
  • Nếu đại tràng chưa được làm sạch trước khi nội soi cần thụt tháo để làm sạch đại tràng hoàn toàn. Điều này giúp giúp bác sĩ dễ dàng quan sát được niêm mạc đại trong khi nội soi, sinh thiết. 
  • Khám tiền mê hoặc xét nghiệm máu theo yêu cầu của bác sĩ.
Bệnh nhân cần trao đổi và thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe cũng như loại thuốc đang sử dụng.

Bệnh nhân cần trao đổi và thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe cũng như loại thuốc đang sử dụng.

2. Trong khi thực hiện sinh thiết đại tràng

Bệnh nhân được gây mê qua đường tĩnh mạch nên không bị đau hay khó chịu trong suốt quá trình sinh thiết đại tràng. Quy trình thực hiện cụ thể như sau:

  • Bước 1: Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành xem xét hồ sơ bệnh án xem các xét nghiệm đã đáp ứng đủ yêu cầu chưa.
  • Bước 2: Tiếp theo, bác sĩ sẽ kiểm tra người bệnh, đánh giá mức độ đáp ứng của người bệnh đối với kỹ thuật nội soi sinh thiết.
  • Bước 3: Bệnh nhân sau khi gây mê được đặt nằm ở tư thế nghiêng, một chân co và một chân duỗi. 
  • Bước 4: Bác sĩ sử dụng ngón tay đã đeo găng tay và chất bôi trơn chuyên dụng để kiểm tra hậu môn của bệnh nhân. Mục đích là để xác định xem có thể đưa ống nội soi vào quan sát hay không. Kích thước của ống nội soi bằng ngón tay nhỏ, mềm và có độ dài khoảng 120-180cm. Ở đầu ống nội soi có nguồn sáng và camera được kết nối trực tiếp với màn hình. 
  • Bước 5: Bác sĩ di chuyển ống nội soi vào sâu bên trong. Hình ảnh thu được có thể giúp bác sĩ thấy polyp, vết loét, khối u hoặc những tổn thương khác xuất hiện trên lớp niêm mạc đại tràng (nếu có).
  • Bước 6: Trong lúc thực hiện nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ dùng kìm sinh thiết, chổi quét qua ống soi vào vị trí bị tổn thương để lấy mẫu bệnh phẩm. Sau khi lấy xong mẫu mô, bác sĩ sẽ từ từ đưa ống nội soi ra khỏi của bệnh nhân.
  • Bước 7: Đưa mẫu tế bào vừa lấy được đi giải phẫu trong phòng thí nghiệm dưới kính hiển vi.  

Toàn bộ quá trình thực hiện nội soi diễn ra khoảng 30 – 45 phút hoặc kéo dài lâu hơn.  

Bác sĩ thực hiện sinh thiết đại tràng cho bệnh nhân.

Bác sĩ thực hiện sinh thiết đại tràng cho bệnh nhân.

3. Sau khi sinh thiết đại tràng 

Sau khi nội soi, bệnh nhân sẽ được tiếp tục quan sát 1 – 2 giờ tại phòng hồi sức nơi có nhân viên y tế theo dõi. Nếu không có dấu hiệu gì bất thường, bệnh nhân có thể về nhà khi đã hoàn toàn tỉnh táo. 

Trong khoảng 12 – 24h sau sinh thiết, bệnh nhân không được lái xe hoặc điều khiển máy móc. Đồng thời, bệnh nhân nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất do làm sạch đại tràng trước khi nội soi.

Vì trong quá trình thực hiện sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm, không khí được đưa vào đại tràng nên bệnh nhân có thể bị vài cơn co thắt và xì hơi nhưng sẽ tự hết nên người bệnh không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bị chóng mặt, đau bụng, run rẩy, số, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ. 

Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên cho người bệnh về chế độ ăn uống sau sinh thiết. Nhưng hầu hết bệnh nhân đều có thể ăn uống bình thường và tránh uống rượu bia, dùng các chất kích thích. 

Sau khi nội soi, bệnh nhân sẽ được tiếp tục quan sát 1 – 2 giờ tại phòng hồi sức nơi có nhân viên y tế theo dõi. 

Sau khi nội soi, bệnh nhân sẽ được tiếp tục quan sát 1 – 2 giờ tại phòng hồi sức nơi có nhân viên y tế theo dõi.

4. Nhận kết quả sinh thiết đại tràng

Thời gian kiểm tra và giải phẫu mẫu bệnh phẩm có thể mất từ 1-2 ngày hoặc 7-10 ngày tùy trường hợp. Đa phần bác sĩ sẽ thông báo kết quả sinh thiết cho bệnh nhân vào lần hẹn tái  khám tiếp theo. 

Thời gian trả kết quả sinh thiết đại tràng kéo dài lâu hơn có thể là vì bác sĩ cần phân tích mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp khác hoặc phải kiểm tra thêm mẫu mô khác.

Sau khi thực hiện phân tích mẫu tế bào, bác sĩ có thể đưa ra các kết quả như: 

  • Vị trí tổn thương ở đại tràng chính xác.
  • Xác định được loại polyp, khối u là ác tính hay lành tính: Trường hợp chẩn đoán là ác tính, bác sĩ sẽ cần xác định xem đó là loại ung thư gì.
  • Đánh giá được cấp độ đột biến của các mô và được dùng để xác định giai đoạn ung thư, đồng thời xác định được mức độ lan rộng của ung thư vào các mô khoẻ mạnh.
Thời gian kiểm tra và giải phẫu mẫu bệnh phẩm có thể mất từ 1-2 ngày hoặc 7-10 ngày tùy trường hợp. 

Thời gian kiểm tra và giải phẫu mẫu bệnh phẩm có thể mất từ 1-2 ngày hoặc 7-10 ngày tùy trường hợp.

VII. Rủi ro và biến chứng khi thực hiện sinh thiết đại tràng

Theo verywellhealth.com, tương tự như các thủ thuật y khoa khác, kỹ thuật sinh thiết đại tràng cũng có thể xảy ra các biến chứng và rủi ro không mong muốn nhưng thường không quá nghiêm trọng. Các rủi ro có thể xảy ra (không nhiều) bao gồm:

  • Chảy máu, khó cầm máu. 
  • Nhiễm trùng.
  • Rách ruột/thủng ruột. 
  • Biến chứng do gây mê.
  • Biến chứng do ngưng dùng thuốc làm loãng máu trước khi sinh thiết.
  • Biến chứng sau cắt polyp: hóa mắt, sốt, đau bụng, chóng mặt, phân đen như bã cà phê…

Hầu hết các biến chứng và rủi ro ở thường ít khi xảy ra nếu được thực hiện sinh thiết đại tràng bởi bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, các rủi ro và biến chứng khi sinh thiết có nguy cơ cao hơn ở những người có tiền sử bệnh lý phức tạp, bệnh nhân lớn tuổi. 

Người bệnh sau khi sinh thiết đại tràng có thể bị chảy máu, nhiễm trùng…

Người bệnh sau khi sinh thiết đại tràng có thể bị chảy máu, nhiễm trùng…

VIII. Chăm sóc bệnh nhân sau sinh thiết cần lưu ý những gì?

Sau quá trình sinh thiết đại tràng, người bệnh có thể bị khó chịu, đầy hơi, đi ngoài phân có vết máu nhỏ. Nhưng người bệnh không cần quá lo lắng vì đa phần chảy máu sinh thiết sẽ tự cầm nếu chức năng đông cầm máu của bệnh nhân bình thường.

Tuy nhiên trong quá trình chăm sóc người bệnh, nếu phát hiện xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau bụng dữ dội, chảy máu kéo dài, sốt, bụng căng cứng, nôn và buồn nôn thì cần thông báo cho bác sĩ hoặc đưa đi cấp cứu ngay để xử trí kịp thời.

Bên cạnh đó, để giúp đại tràng phục hôi và ổn định nhanh chóng, bệnh nhân thực hiện sinh thiết đại tràng cần lưu ý một số điều trong trong chế độ ăn uống và sinh hoạt: 

  • Chế độ ăn uống: Vài ngày sau khi nội soi sinh thiết, người bệnh nên ưu tiên ăn các thực phẩm mềm, lỏng, nhiều chất xơ và dễ tiêu hóa. Hạn chế những thực phẩm khó tiêu, cay nóng, nhiều dầu mỡ, các món ăn sống, tanh, lạnh; không uống rượu, bia, hút thuốc lá…
  • Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi: Người bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn; tránh các công việc hoặc lao động nặng nhọc, stress căng thẳng.
Bệnh nhân sau sinh thiết đại tràng nên ăn thức ăn loãng, mềm và dễ tiêu hóa.

Bệnh nhân sau sinh thiết đại tràng nên ăn thức ăn loãng, mềm và dễ tiêu hóa.

IX. Câu hỏi thường gặp 

Một số câu hỏi của mọi người về sinh thiết đại tràng sẽ được thuốc dạ dày chữ Y giải đáp dưới đây: 

1. Sinh thiết đại tràng bao lâu có kết quả?

Kết quả sinh thiết thường có sau 1 hoặc 2 ngày lấy mẫu, nhưng cũng có thể lâu hơn tùy thuộc trường hợp xét nghiệm. Thời gian cho kết quả lâu hơn vì bác sĩ có thể cần phân tích mẫu bằng phương pháp khác hoặc cần kiểm tra thêm một mẫu mô khác.

2. Sinh thiết đại tràng có chẩn đoán được ung thư không?

Phương pháp sinh thiết hữu ích cho việc tầm soát và chẩn đoán nhiều bệnh lý ở đại tràng, đặc biệt là ung thư đại tràng. Thông qua kết quả sinh thiết mẫu mô, bác sĩ có thể xác định bệnh nhân có bị ung thư đại tràng hay không. Đồng thời còn giúp xác định mức độ và giai đoạn của ung thư. 

4. Bao nhiêu % sinh thiết đại tràng là ung thư?

Theo mdanderson.org, có ít hơn 1% số ca nội soi dẫn đến phát hiện ung thư. Nếu bác sĩ phát hiện bất cứ điều gì đáng ngờ trong quá trình nội soi sinh thiết, điều đầu tiên họ sẽ làm là lấy mẫu mô và gửi đến phòng thí nghiệm để sinh thiết.

5. Thời gian hồi phục sau sinh thiết là bao lâu?

Theo blog.logansportmemorial.org, hầu hết bệnh nhân đều có thể hoạt động bình thường trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, nên vận động nhẹ nhàng và làm việc hợp lý.

6. Có thể ăn ngay sau khi sinh thiết không?

Trang healthline.com cho hay, vài giờ đầu sau khi nội soi sinh thiết đại tràng, bệnh nhân không nên ăn hoặc có thể ăn ít. Lưu ý nên ăn thức ăn lỏng, mềm và ít chất cặn.

7. Sinh thiết đại tràng có đau không?

Cũng theo healthline.com, nội soi sinh thiết đại tràng thường không gây đau đớn cho bệnh nhân trong cả quá trình thực hiện thủ thuật. Vì trước khi thực hiện, người bệnh đã được gây mê toàn thân nên sẽ không có bất kỳ cảm giác gì khi thực hiện thủ thuật này.

8. Kết quả sinh thiết dương tính là sao?

Kết quả sinh thiết đại tràng âm tính chứng tỏ là đại tràng của bạn không có bất kỳ bất thường nào và đang rất khỏe mạnh. Ngược lại, nếu kết quả dương tính, điều này có nghĩa là bác sĩ đã phát hiện ra một polyp hoặc những bất thường khác ở đại tràng – thông tin từ trang colon90210.com

9. Sinh thiết đại tràng bao nhiêu tiền? 

Mỗi bệnh viện, cơ sở y tế sẽ có mức chi phí sinh thiết khác nhau, phụ thuộc vào phương pháp sử dụng, kỹ thuật, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, số lượng mẫu, bác sĩ thực hiện, thời gian trả kết quả…

Theo tìm hiểu, chi phí thực hiện nội đại trạng hiện là khoảng trên 1.000.000 VNĐ/lần nếu không tiến hành sinh thiết. Nếu nếu có sinh thiết sẽ phát sinh thêm vài trăm nghìn. Thực hiện sinh thiết ở các bệnh viện lớn với trang thiết bị hiện đại thì chi phí sẽ cao hơn so với các cơ sở y tế nhỏ.  

10. Nên sinh thiết đại tràng ở đâu?

Kết quả sinh thiết có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh và giúp bác sĩ đề ra phác đồ điều trị hiệu quả – phù hợp. Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn các bệnh viện/cơ sở y tế uy tín  để đảm bảo an toàn, mang đến kết quả chính xác. 

Một số địa chỉ thực hiện sinh thiết đại tràng uy tín người bệnh có thể tham khảo là:

  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Thanh Nhàn…
  • Tại TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115…

Sinh thiết đại tràng là phương pháp giúp chẩn đoán các bệnh lý ở đại tràng, đặc biệt là ung thư đại tràng. Để đảm  bảo an toàn, hạn chế rủi ro biến chứng và cho kết quả chính xác, người bệnh nên thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín.

Nếu bạn cần tư vấn kỹ hơn về phương pháp này cũng như các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa, vui lòng gọi đến hotline 1800.1125 (miễn cước) để gặp dược sĩ của thuốc dạ dày chữ Y – Yumangel nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ

Nguyễn Thị Thu

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…

0/5 (0 lượt bình chọn)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *