Skip to main content

Toàn bộ quy trình nội soi đại tràng Bộ Y tế giúp bạn an tâm thực hiện 

Quy trình nội soi đại tràng Bộ Y tế diễn ra nhanh chóng và chính xác với thời gian khoảng từ 30-60 phút. Trong quy trình này, bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ bao gồm trước, trong và sau nội soi đại tràng để đảm bảo quá trình thực hiện thủ thuật an toàn – hiệu quả. 

I. Tìm hiểu các phương pháp nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là một cuộc kiểm tra bên trong ruột già, bao gồm đại tràng, trực tràng và hậu môn. Phương pháp này sử dụng ống nội soi, một ống mềm có gắn camera có đèn ở đầu được đưa vào cơ thể qua hậu môn và trực tràng vào đại tràng. Trên đường đi, camera sẽ gửi hình ảnh bên trong ruột già của người bệnh đến màn hình để bác sĩ quan sát và chẩn đoán.

Nội soi đại tràng có thể giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như chảy máu từ hậu môn; những thay đổi trong nhu động ruột (chẳng hạn như tiêu chảy); đau ở bụng; giảm cân không rõ nguyên nhân. Bác sĩ cũng sử dụng nội soi đại tràng như một công cụ sàng lọc polyp đại tràng và ung thư đại tràng.

Nội soi đại tràng là một cuộc kiểm tra bên trong ruột già, bao gồm đại tràng, trực tràng và hậu môn.
Nội soi đại tràng là một cuộc kiểm tra bên trong ruột già, bao gồm đại tràng, trực tràng và hậu môn.

Hiện có 2 phương pháp nội soi đại tràng mà bệnh nhân có thể lựa chọn: nội soi đại tràng không đau (nội soi đại tràng có gây mê) và nội soi đại tràng thông thường (nội soi đại tràng không gây mê).

1. Nội soi đại tràng không đau (nội soi đại tràng có gây mê) 

Nội soi đại tràng gây mê là phương pháp gây mê cho bệnh nhân trước khi thực hiện thủ thuật nội soi đại tràng. Chính vì vậy, nội soi đại tràng không đau hoàn toàn không gây khó chịu cho người bệnh. Sau khi kết thúc nội soi, bệnh nhân sẽ tỉnh táo và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phương pháp nội soi đại tràng không đau được nhiều bệnh nhân lựa chọn vì những ưu điểm sau:

– Không có cảm giác khó chịu, không đau và có thể thăm dò hầu hết các bộ phận của đường ruột tiêu hóa.

– Hạn chế tối đa các rủi ro và biến chứng. 

– Không gây ám ảnh và sợ hãi cho bệnh nhân như các phương pháp nội soi truyền thống (nội soi không gây mê).

– Tiết kiệm thời gian và công sức hơn. 

– Phát hiện sớm các tác nhân gây ung thư và phương pháp điều trị hiệu quả.

Nội soi đại tràng có gây mê nên người bệnh không bị đau hay khó chịu trong suốt quá trình thực hiện. 
Nội soi đại tràng có gây mê nên người bệnh không bị đau hay khó chịu trong suốt quá trình thực hiện.

2. Nội soi đại tràng thông thường (nội soi đại tràng không gây mê) 

Nội soi đại tràng thông thường là phương pháp bác sĩ thực hiện nội soi đại tràng khi người bệnh hoàn toàn tỉnh táo. Do đó, ống nội soi di chuyển có thể khiến bệnh nhân cảm thấy căng tức, khó chịu.

Tuy nhiên, cảm giác khó chịu này sẽ giảm đi nếu thủ thuật được thực hiện bởi bác sĩ nội soi giàu kinh nghiệm, thao tác khéo léo. Đồng thời người bệnh thư giãn, thả lỏng để có quá trình thực hiện dễ dàng hơn.

Quy trình thực hiện nội soi đại tràng là một trong các vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm trước khi thực hiện thủ thuật này. Vì vậy, ở phần 2 của bài viết, chúng tôi sẽ thông tin về quy trình nội soi đại tràng Bộ Y tế cho cả 2 phương pháp: nội soi đại tràng không đau và nội soi đại tràng thông thường. 

II. Chi tiết quy trình nội soi đại tràng Bộ Y tế 

Nội soi đại tràng là một kỹ thuật chẩn đoán sử dụng ống nội soi mềm để quan sát bên trong đường ruột: trực tràng, đại tràng và phần cuối của ruột non. Nội soi đại tràng giúp phát hiện những bất thường ở đại tràng, bao gồm cả việc tầm soát ung thư đại tràng, phát hiện và cắt bỏ các tổn thương tiền ung thư ở đường ruột.

Dưới đây là thông tin chi tiết về quy trình của 2 phương pháp nội soi đại tràng đang được áp dụng hiện nay tại các cơ sở y tế:

1. Quy trình nội soi đại tràng có gây mê 

Quy trình nội soi đại tràng có gây mê theo Bộ Y tế gồm 10 bước lần lượt như sau:

1.1. Bước 1: Thăm khám ban đầu

Bệnh nhân đến gặp bác sĩ tại bệnh viện để được thăm khám trực tiếp. Căn cứ vào kết quả kiểm tra lâm sàng, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng và phương pháp nội soi phù hợp nhất.

1.2. Bước 2: Xét nghiệm máu

Bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm máu sàng lọc viêm gan B, viêm gan C, HIV để tránh nguy cơ bị lây nhiễm chéo các bệnh lý truyền nhiễm.

Riêng với những bệnh nhân được chỉ định cắt polyp đại trực tràng trong khi nội soi cần bổ sung xét nghiệm kiểm tra hiện tượng đông máu.

Bệnh nhân đến gặp bác sĩ tại bệnh viện để được thăm khám trực tiếp và làm những xét nghiệm cần thiết.
Bệnh nhân đến gặp bác sĩ tại bệnh viện để được thăm khám trực tiếp và làm những xét nghiệm cần thiết.

1.3. Bước 3: Làm hồ sơ 

Bệnh nhân cung cấp cho nhân viên điều dưỡng thông tin về tình trạng bệnh sử, sức khỏe. Điều dưỡng thực hiện đo huyết áp, đảm bảo quá trình gây mê khi nội soi đại tràng được an toàn.

1.4. Bước 4: Làm sạch đại tràng

Bệnh nhân được chỉ định nội soi đại tràng cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi nội soi. Đồng thời, phải làm sạch đại tràng để đảm bảo quá trình thực hiện nhanh chóng và chính xác.

Uống thuốc nhuận tràng là phương pháp làm sạch đại tràng phổ biến nhất tại các cơ sở y tế hiện nay. Nếu đại tràng không thể được làm sạch bằng thuốc, người bệnh sẽ tiến hành thụt tháo đại tràng.

– Thuốc nhuận tràng: Uống 3 gói Fortrans pha vào 3 lít nước nếu soi vào buổi sáng uống vào buổi tối hôm trước, nội soi vào buổi chiều uống vào buổi sáng ngày soi. Cần uống nhanh 3 lít trong vòng 1,5 – 3 giờ và chấm dứt ít nhất 3 giờ trước khi thủ thuật. Thường bệnh nhân đi tiêu sau khi uống 1 giờ, nếu bệnh nhân đi tiêu ra nước trong có thể ngừng uống. Nội soi đại tràng được thực hiện trong vòng 8 giờ kể từ liều cuối.

Hoặc uống 4 lít (4 gói fortrans hòa 4 lít nước) uống trong 2 giờ -4 giờ trước khi soi 3 giờ (thường dùng cho soi đại tràng buổi chiều) hoặc uống làm 2 lần 2 lít (2 gói 2 lít) buổi tối hôm trước và 2 lít (2 gói 2 lít) buổi sáng ngày soi.

Không dùng fortrans khi:

  • Bệnh nhân suy tim, suy thận, kiêng ăn muối.
  • Tắc ruột, chướng bụng, bệnh nhân không đi cầu được.
  • Phụ nữ có thai.
  • Trẻ em < 15 tuổi.

– Thụt tháo: Bằng dung dịch đẳng trương hoặc dung dịch có chất nhuận trường. 

Trong bước này, bệnh nhân tuyệt đối không ăn thêm bất cứ loại thực phẩm nào và chỉ uống nước theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Ngưng các thuốc chứa sắt trước đó 1-2 ngày. Ăn khẩu phần lỏng và trong không có chất xơ từ 24-48 giờ trước đó. Nếu bệnh nhân táo bón có thể dùng thuốc nhuận trường vài ngày trước soi.

Bệnh nhân làm sạch đại tràng bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 
Bệnh nhân làm sạch đại tràng bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

1.5. Bước 5: Đặt đường truyền

Điều dưỡng đặt một đường truyền trên tay của bệnh nhân để duy trì đường ven cho quá trình gây mê. Bên cạnh đó còn bệnh nhân đỡ cảm giác đói mệt vì phải nhịn ăn trong nhiều giờ.

1.6. Bước 6: Gây mê 

Bệnh nhân được bác sĩ gây mê và chìm vào giấc ngủ nên hoàn toàn không biết bất kỳ chuyện gì xảy ra trong quá trình nội soi đại tràng. 

1.7. Bước 7: Tiến hành nội soi đại tràng 

Người bệnh nằm ở tư thế nằm nghiêng trên bàn khám, thường là với đầu gối kéo về phía ngực. Bác sĩ thăm hậu môn trực tràng trước khi nội soi. Bôi trơn đầu ống soi và bờ hậu môn bằng lidocain.

Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi qua hậu môn vào đại tràng để quan sát. Dùng ống thông bơm không khí vào đại tràng để làm phồng đại tràng giúp quan sát tốt hơn niêm mạc đại tràng.

Ống nội soi đại tràng cũng chứa một camera video nhỏ ở đầu. Camera truyền video bên trong đại tràng của người bệnh đến màn hình. Hình ảnh thu được giúp bác sĩ phát hiện các bất thường tại đại trực tràng, chẩn đoán chính xác các bệnh lý. 

Trong quá trình nội soi đại tràng, bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật can thiệp như cắt polyp, cầm máu, sinh thiết…

Bác sĩ tiến hành nội soi đại tràng cho bệnh nhân sau khi đã gây mê. 
Bác sĩ tiến hành nội soi đại tràng cho bệnh nhân sau khi đã gây mê.

1.8. Bước 8: Bệnh nhân tỉnh mê và rút đường truyền

Bệnh nhân thường sẽ tỉnh táo trở lại ngay khi quá trình nội soi đại tràng hoàn thành. Nhân viên y tế sẽ chuyển bệnh nhân về phòng lưu viện để nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe và được rút đường truyền.

1.9. Bước 9: Nhận kết quả nội soi 

Lúc này bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, được nhân viên y tế kiểm tra huyết áp lần hai và nhận kết quả nội soi.  

1.10. Bước 10: Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa đọc kết quả và tư vấn

Căn cứ vào kết quả nội soi đại tràng thu được, bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa sẽ giải thích tình trạng bệnh, đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị. Đồng thời cũng như tư vấn chế độ ăn uống và sinh hoạt cho bệnh nhân.

– Kết quả âm tính: Nội soi đại tràng được coi là âm tính nếu bác sĩ không tìm thấy bất kỳ bất thường nào ở đại tràng. Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện nội soi đại tràng lần nữa:

  • Trong 10 năm nữa: nếu bạn có nguy cơ mắc ung thư ruột kết trung bình và không có yếu tố nguy cơ mắc ung thư ruột kết nào khác ngoài tuổi tác hoặc nếu bạn có polyp nhỏ lành tính.
  • Trong vòng 1 đến 7 năm, tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Số lượng, kích thước và loại polyp được cắt bỏ; bạn có tiền sử bị polyp trong các thủ thuật nội soi đại tràng trước đó không; bạn có mắc một số hội chứng di truyền nhất định không; hoặc bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng không.

Nếu có phân còn sót lại trong đại tràng khiến việc kiểm tra toàn bộ đại tràng không được hoàn tất, bác sĩ có thể đề nghị nội soi đại tràng lại. Thời gian nội soi sớm hay muộn sẽ phụ thuộc vào lượng phân và lượng đại tràng có thể nhìn thấy. Bác sĩ có thể đề nghị chế độ chuẩn bị đại tràng khác để đảm bảo đại tràng của bạn được làm rỗng hoàn toàn trước khi nội soi đại tràng tiếp theo.

– Kết quả dương tính: Nội soi đại tràng được coi là dương tính nếu bác sĩ tìm thấy bất kỳ polyp hoặc mô bất thường nào trong đại tràng.

Hầu hết các polyp không phải là ung thư, nhưng một số có thể là tiền ung thư. Các polyp được cắt bỏ trong quá trình nội soi đại tràng sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích nhằm xác định xem chúng có phải là ung thư, tiền ung thư hay không phải ung thư.

Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa đọc kết quả nội soi đại tràng và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh. 
Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa đọc kết quả nội soi đại tràng và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.

Tùy thuộc vào kích thước và số lượng polyp, người bệnh có thể cần tuân theo lịch trình theo dõi chặt chẽ hơn trong tương lai để phát hiện thêm polyp.

Nếu bác sĩ phát hiện một hoặc hai polyp có đường kính nhỏ hơn 1 cm, bác sĩ có thể đề nghị nội soi đại tràng lại sau 7 đến 10 năm, tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng khác của người bệnh. 

Bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh nội soi đại tràng sớm hơn nếu:

  • Có nhiều hơn hai polyp.
  • Một polyp có kích thước lớn hơn 1 cm. 
  • Polyp và phân còn sót lại trong đại tràng ngăn cản việc kiểm tra toàn bộ đại tràng.
  • Polyp có một số đặc điểm tế bào nhất định cho thấy nguy cơ mắc ung thư trong tương lai cao hơn.
  • Polyp ung thư.

Nếu bạn có polyp hoặc mô bất thường khác không thể loại bỏ trong quá trình nội soi đại tràng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tái khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có chuyên môn đặc biệt trong việc cắt bỏ các polyp lớn hoặc phẫu thuật.

2. Quy trình nội soi đại tràng không gây mê

Quy trình nội soi đại tràng không gây mê cũng gồm các bước tương tự như nội soi đại tràng có gây mê. Điểm khác biệt là ở nội soi đại tràng thông thường, bác sĩ sẽ không gây mê mà thực hiện nội soi khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh tháo.

Vì vậy, quy trình nội soi đại tràng không gây mê sẽ rút xuống còn 7 bước như sau:

  • Bước 1: Thăm khám ban đầu với bác sĩ chuyên khoa.
  • Bước 2: Làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. 
  • Bước 3: Làm hồ sơ trước nội soi đại tràng.
  • Bước 4: Làm sạch đại tràng bằng thuốc nhuận tràng mạnh hoặc thụt tháo.
  • Bước 5: Tiến hành nội soi đại tràng (bệnh nhân không được gây mê nên hoàn toàn tỉnh táo khi bác sĩ thực hiện thủ thuật) 
  • Bước 6: Nhận kết quả nội soi.
  • Bước 7: Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa đọc kết quả và tư vấn.

Lưu ý: 7 bước trên trong quy trình nội soi đại tràng không gây mê được thực hiện tương tự như nội soi đại tràng có gây mê. Vì vậy, người bệnh có thể tham khảo ở phần trên để biết được thông tin chi tiết cho từng bước. 

Nội soi đại tràng thông thường không được gây mê nên bệnh nhân sẽ tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.  
Nội soi đại tràng thông thường không được gây mê nên bệnh nhân sẽ tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.

III. Quy trình nội soi đại tràng Bộ Y tế mất bao lâu thời gian?

Nhiều người muốn biết thời gian nội soi đại tràng sẽ mất bao lâu để có kế hoạch sắp xếp thời gian tốt nhất. Thông thường, quy trình nội soi đại tràng sẽ mất khoảng từ  30-60 phút, tùy thuộc vào việc bác sĩ cần cắt bỏ polyp hay lấy sinh thiết. 

Tuy nhiên, bệnh nhân và người chăm sóc nên lên kế hoạch dành tổng cộng 2-3 giờ tại bệnh viện hoặc trung tâm nội soi để tính đến thời gian cần thiết cho việc chuẩn bị và phục hồi.

Trong quá trình chuẩn bị và hồi phục sau nội soi đại tràng, người chăm sóc sẽ đợi ở phòng chờ hoặc cung cấp số điện thoại cho nhân viên văn phòng để nhận cuộc gọi khi đến giờ đón bệnh nhân. 

Vì phải dùng thuốc an thần nên bệnh nhân sẽ cần thời gian còn lại trong ngày để nghỉ ngơi và hồi phục tại nhà; những người đi làm nên lên kế hoạch nghỉ ngơi trong ngày.

Khoảng thời gian dành cho các bước của quy trình nội soi đại tràng tham khảo như sau:

  • 30-60 phút để chuẩn bị cho bệnh nhân ngay trước khi tiến hành thủ thuật.
  • 30-60 phút cho nội soi đại tràng.
  • 30-60 phút để phục hồi tại bệnh viện hoặc trung tâm nội soi ngay sau khi thực hiện thủ thuật.
  • Phần còn lại của ngày để nghỉ ngơi và phục hồi tại nhà. 
Quy trình nội soi đại tràng diễn ra trong thời gian từ 30-60 phút.
Quy trình nội soi đại tràng diễn ra trong thời gian từ 30-60 phút.

IV. Cần lưu ý và chuẩn bị những gì cho quy trình nội soi đại tràng?

Để chuẩn bị tốt nhất cho quy trình nội soi đại tràng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về những việc cần làm trước khi thực hiện thủ thuật. Chuẩn bị cho nội soi bao gồm một số bước. Điều này bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, uống thêm nước và uống một loại đồ uống đặc biệt để giúp làm rỗng ruột.

1. 1 tuần trước nội soi

Bác sĩ có thể đề xuất những thay đổi chế độ ăn uống cụ thể trong tuần trước khi nội soi. Người bệnh nên tránh ăn các thực phẩm dưới đây:  

  • Ngũ cốc, bao gồm gạo lứt, bột yến mạch và bánh mì. 
  • Quả hạch.
  • Hạt giống, bao gồm hạt anh túc hoặc hạt vừng. 
  • Ngô nguyên hạt.
  • Trái cây và rau sống.

Bác sĩ cũng có thể khuyên người bệnh nên ngừng dùng một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi nội soi. Ví dụ bao gồm thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin và clopidogrel, và thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen.

Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ làm việc với bệnh nhân trong quá trình tư vấn để quyết định họ nên tạm dừng sử dụng một loại thuốc cụ thể trong bao lâu trước và sau khi nội soi.

Buổi tư vấn cũng là thời điểm tốt để hỏi bất kỳ câu hỏi nào về thủ thuật nội soi đại tràng, bao gồm cả những rủi ro và lợi ích.

Bác sĩ cũng có thể khuyên người bệnh nên ngừng dùng một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi nội soi. 
Bác sĩ cũng có thể khuyên người bệnh nên ngừng dùng một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi nội soi.

2. 2 ngày trước nội soi

Tại thời điểm này, người bệnh nên uống nhiều nước hoặc các chất lỏng khác để đảm bảo rằng họ không bị mất nước khi bắt đầu chuẩn bị đi tiêu. Uống khoảng 8-10 ly nước mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ mất nước.

Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên tránh thực phẩm màu đỏ hoặc cam vào thời điểm này vì chúng có thể khiến đại tràng của một người trông giống như đang chảy máu.

3. 24 giờ trước nội soi

Điều quan trọng là người bệnh chỉ được tiêu thụ chất lỏng trong suốt 24 giờ trước khi nội soi đại tràng. Ví dụ về chất lỏng trong suốt được chấp nhận bao gồm:

  • Nước lọc.  
  • Nước dùng trong. 
  • Đồ uống có chứa chất điện giải, chẳng hạn như đồ uống thể thao.
  • Gelatin
  • Nước ép trái cây không có bã và màu.

24 giờ trước nội soi đại tràng, bác sĩ thường kê toa dung dịch uống để giúp làm sạch ruột cho bệnh nhân. Dung dịch này sẽ khiến người bệnh phải đi tiêu thường xuyên cho đến khi không còn phân trong đại tràng.

Dung dịch làm sạch ruột có thể là:

  • GoLytely.
  • Colyte.
  • NuLytely.
  • TriLyte.
  • Suprep.
  • Clenpiq.

Thời gian và liều lượng sử dụng các dung dịch làm sạch ruột khác nhau. Đôi khi, bác sĩ sẽ kê đơn uống toàn bộ dung dịch vào đêm trước khi nội soi. Nhưng những lần khác, bác sĩ có thể sẽ khuyên nên uống một phần dung dịch vào đêm hôm trước và phần còn lại vào ngày khám.

4. Cảm giác sau nội soi 

Sau khi nội soi đại tràng, mất khoảng một giờ để bắt đầu phục hồi sau khi dùng thuốc an thần. Người bệnh sẽ cần ai đó đưa về nhà vì có thể mất đến một ngày để thuốc an thần hết tác dụng hoàn toàn. Không lái xe hoặc đưa ra quyết định quan trọng hoặc quay lại làm việc trong phần còn lại của ngày.

Bệnh nhân có thể cảm thấy đầy hơi hoặc xì hơi trong vài giờ sau khi nội soi đại tràng. Hoặc cũng có thể nhận thấy một lượng nhỏ máu khi đi tiêu lần đầu tiên sau khi nội soi. Tuy nhiên các triệu chứng này thường không đáng lo và sẽ tự khỏi sau một vài ngày.

Hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu bạn tiếp tục bị đi ngoài ra máu hoặc cục máu đông đau bụng dai dẳng và sốt. 

Bệnh nhân sau khi nội soi đại tràng không nên lái xe hoặc đưa ra quyết định quan trọng hoặc quay lại làm việc trong phần còn lại của ngày.
Bệnh nhân sau khi nội soi đại tràng không nên lái xe hoặc đưa ra quyết định quan trọng hoặc quay lại làm việc trong phần còn lại của ngày.

5. Rủi ro sau nội soi đại tràng 

Có thể có một số rủi ro liên quan đến nội soi đại tràng. Bác sĩ nên giải thích những điều này cho bệnh nhân trước khi làm thủ thuật. Những rủi ro này bao gồm:

  • Biến chứng liên quan đến gây mê (nếu nội soi đại tràng có gây mê). 
  • Chảy máu
  • Cảm giác đau.
  • Đầy hơi.
  • Nhiễm trùng.
  • Hội chứng đông máu sau cắt polyp (PPES)
  • Thủng thành đại tràng.
  • Xoắn đại tràng. 

Các biến chứng nghiêm trọng rất hiếm gặp và các chuyên gia cho rằng, thủ thuật nội soi đại tràng tương đối an toàn. Khi có dấu hiệu gặp rủi ro, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn xử lý kịp thời.

Có thể thấy, quy trình nội soi đại tràng Bộ Y tế diễn ra nhanh chóng, an toàn với độ chính xác cao. Điều quan trọng là người bệnh cần chuẩn bị tốt nhất những điều cần làm trước khi nội soi, tuân thủ các chỉ định của bác sĩ trong quá trình nội soi đại tràng để có trải nghiệm nhẹ nhàng, dễ chịu đồng thời nhận được kết quả chính xác nhất. 

Tài liệu tham khảo:

https://colorectalcancer.org/screening-prevention/colonoscopy-prep-tips/how-long-does-colonoscopy-take#:~:text=A%20colonoscopy%20procedure%20typically%20takes,needed%20for%20preparation%20and%20recovery.

https://colorectalcancer.org/screening-prevention/colonoscopy-prep-tips/what-expect-during-colonoscopy

https://www.medicalnewstoday.com/articles/321930#summary

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/colonoscopy/about/pac-20393569

https://bvdkquangnam.vn/index.php/tin-tc/y-hc-thng-thc/1790-quy-trinh-ni-soi-i-trang

https://hongngochospital.vn/vi/quy-trinh-noi-soi-dai-trang

https://benhvienthucuc.vn/quy-trinh-noi-soi-dai-trang-duoc-thuc-hien-nhu-the-nao/?srsltid=AfmBOopiliUL8RSLWXJFtz4BZFXTL7OEOZnTfYVw-QuUNarE3fnKZYMG

https://medlatec.vn/tin-tuc/quy-trinh-noi-soi-dai-trang-ban-nen-biet-de-an-tam-truoc-khi-noi-soi-s67-n33543

Đánh giá
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.