Skip to main content

Polyp đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, điều trị

Tác giả: Đinh Thị Hiền

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thị Thu

Polyp đại tràng là tình trạng các tế bào trên niêm mạc đại tràng tăng trưởng tạo thành khối u lồi. Không phải tất cả polyp đại tràng đều có thể tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp polyp gây ung thư nên cần theo dõi cẩn thận và điều trị kịp thời. 

Mục lục

I. Polyp đại tràng là gì? 

Polyp đại tràng là khái niệm chỉ sự tăng trưởng của tế bào trên niêm mạc đại tràng, tạo thành khối u lồi. 

Hầu hết polyp đại tràng đều lành tính và không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên vẫn có trường hợp polyp đại tràng không được điều trị đúng cách gây ung thư.

Hình ảnh polyp trong đại tràng.

II. Polyp đại tràng phổ biến như thế nào? 

Polyp đại tràng rất phổ biến, đặc biệt là khi bạn già đi. Chúng ảnh hưởng đến khoảng 20% ​​người lớn nói chung, khoảng 40% người trên 50 tuổi và 6% trẻ em. 

Mọi người thuộc mọi chủng tộc và giới tính đều có nguy cơ bị polyp đại tràng. Tuy nhiên,  polyp đại tràng phổ biến hơn một chút ở các quốc gia phương Tây.

Polyp đại tràng ảnh hưởng đến khoảng 20% ​​người lớn nói chung, khoảng 40% người trên 50 tuổi và 6% trẻ em.

III. Đối tượng có nguy cơ cao mắc polyp đại tràng 

Bệnh polyp đại tràng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nhóm đối tượng có nguy cơ mắc cao nhất thường là:

  • Người từ 50 tuổi trở lên.
  • Người có khối u trước đó. 
  • Những người ăn nhiều thịt hoặc đồ béo.
  • Người nghiện thuốc lá, rượu bia và đồ uống có cồn.
  • Những người thừa cân, béo phì.
  • Những người lười vận động, ngồi hoặc nằm nhiều.
  • Có người thân trong gia đình bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.
Người trên 50 tuổi có nguy cơ cao bị polyp đại tràng

IV. Polyp đại tràng gồm những loại nào? 

Không phải bệnh polyp đại tràng nào cũng giống nhau. Polyp đại tràng được phân chia theo nhiều cách khác nhau như sau:

1. Phân loại theo nguy cơ phát triển thành ung thư 

Polyp đại tràng thường được phân loại theo nguy cơ phát triển thành ung thư. Theo cách phân chia này, polyp đại tràng có 2 loại là:

1.1. Polyp đại tràng lành tính

Gần như không có khả năng gây ung thư, bao gồm nhiều dạng như polyp đại tràng tăng sản, polyp viêm…

1.2. Polyp đại tràng có khả năng hóa ung thư 

 Bao gồm polyp tuyến ống, polyp nhung mao, polyp tuyến ống nhung mao… Khả năng ung thư của nhóm polyp này lại phụ thuộc vào kích thước của polyp:

  • Polyp đại tràng dưới 1cm: Nguy cơ phát triển thành ung thư là 0 – 2%. Các kích thước thường gặp là: polyp đại tràng 3mm, polyp đại tràng 5mm, polyp đại tràng 1cm.
  • Polyp đại tràng 1 – 2cm: Nguy cơ phát triển thành ung thư là 10 – 20%.
  • Polyp đại tràng lớn hơn 2cm: Nguy cơ phát triển thành ung thư là 30 – 50%.
Phân loại polyp đại tràng lành tính và ác tính.

2. Phân loại polyp đại tràng theo tính chất 

Khi phân loại theo tính chất, polyp đại tràng sẽ gồm 2 loại là tăng sản và u tuyến.

2.1. Polyp đại tràng tăng sản

Đây là loại polyp đại tràng không có nguy cơ trở tiến triển sang giai đoạn ác tính thành ung thư. Polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ dưới 5mm, thường xuất hiện ở vị trí cuối trực tràng hoặc đại tràng sigma.

2.2. Polyp đại tràng u tuyến 

Đây là loại polyp đại tràng có thể tiến triển thành ung thư đại tràng. Kích thước polyp u tuyến càng lớn thì nguy cơ trở thành ung thư càng cao.  U tuyến được chia thành các loại nhỏ hơn như sau:

  • Polyp u tuyến ống (tubular adenoma): Đây là loại thường gặp nhất, chiếm khoảng 80%, kích thước lớn hơn 25 mm, có cuống và bề mặt tương đối láng.
  • Polyp u tuyến nhánh (villous adenoma): Loại u tuyến này chiếm tỉ lệ 5-15%, chủ yếu gặp ở trực tràng (50- 55%), đại tràng chậu hông (30%) và đại tràng xuống (10%). Kích thước u tuyến nhánh khoảng trên 3cm và có thể đạt đến 100mm), không có cuống và sần sùi như bông cải.
  • Polyp u tuyến ống-nhánh (tubulo-villous adenoma): Chiếm khoảng 5-15%, là dạng hỗn hợp của hai loại u tuyến trên. Kích thước có thể thay đổi, có thể có cuống hoặc không.
  • Polyp u tuyến răng cưa: Có cấu trúc răng cưa, thường gặp ở trực tràng, đại tràng sigma và có thể có cuống hoặc không cuống. 

3. Phân loại polyp đại tràng theo hình thái

Ngoài ra, polyp đại tràng cũng có thể phân biệt theo hình thái, bao gồm polyp đại tràng có cuống và polyp đại tràng không cuống.

  • Polyp đại tràng có cuống: Hình dáng trông giống như một cây nấm, có “đầu” và “thân”.
  • Polyp đại tràng không cuống: Loại polyp này có cuống và trông giống một cục u nhô cao với phần đế rộng.
Một số loại poply đại tràng phổ biến.

V. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ hình thành polyp đại tràng

Polyp được tìm thấy trong khoảng 15-20% dân số trưởng thành. Dưới đây là nguyên nhân và yếu tố tăng nguy cơ gây polyp đại tràng: 

1. Nguyên nhân chính 

Nguyên nhân gây polyp đại tràng hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, đột biến gen, sự phân chia và phát triển tế bào nhiều hơn bình thường được xem là nguyên nhân  chính. 

Cụ thể hơn, polyp là hậu quả của các thay đổi di truyền trong tế bào niêm mạc đại tràng ảnh hưởng đến chu kỳ sống của tế bào bình thường. Một số đột biến gen do di truyền và một số là  do các yếu tố nguy cơ môi trường gây ra.

Các rối loạn di truyền gây ra polyp đại tràng bao gồm:

  • Bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP) .
  • Hội chứng Peutz-Jeghers .
  • Bệnh polyp liên quan đến MUTYH .
  • Hội chứng Gardner .
  • Hội chứng khối u hamartoma PTEN .
  • Hội chứng Turcot .
  • Hội chứng polyp răng cưa .
  • Hội chứng polyp thiếu niên .

Các yếu tố nguy cơ môi trường có thể góp phần gây ra polyp đại tràng bao gồm:

  • Sự lão hóa.
  • Sử dụng rượu nặng.
  • Hút thuốc.
  • Chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ.
  • Ít tập thể dục.
  • Béo phì.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Bệnh viêm ruột.

2. Yếu tố nguy cơ 

Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị polyp đại tràng gồm:

  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Sử dụng thức ăn không đảm bảo vệ sinh, ăn nhiều thức ăn gây sưng viêm, nhiều dầu mỡ…
  • Tiền sử gia đình: Bạn có nguy cơ bị polyp đại tràng cao hơn nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý này hoặc ung thư đại tràng. 
  • Tuổi tác: Người từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ bị polyp đại tràng cao hơn.
  • Hút thuốc và uống rượu quá mức: Thường xuyên uống rượu/hút thuốc hoặc kết hợp cả hai sẽ làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển polyp đại tràng.
  • Một số rối loạn di truyền: Một số bệnh nhân polyp đại tràng có liên quan tới Lynch (một căn bệnh làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, trong đó có cả ở ruột), Gardner (hội chứng đa polyp gia đình), Polyposis vị thành niên (bệnh gây ra nhiều khối u lành tính trong ruột), hội chứng Peutz-Jeghers (bệnh gây ra polyp ruột, làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng),…
  • Béo phì, tiêu thụ nhiều chất béo, ít vận động: Các yếu tố này cũng làm tăng nguy cơ bị polyp đại tràng.
  • Yếu tố khác: Người có tiền sử polyp hoặc ung thư đại tràng, bệnh nhân đái tháo đường type 2… 
Nguyên nhân gây polyp đại tràng hiện vẫn chưa được xác định chính xác.

VI. Các triệu chứng của polyp đại tràng là gì?

Thực chất, ban đầu dấu hiệu của polyp đại tràng rất khó nhận biết. Sau 1 thời gian phát triển, thì chúng ta có thể nhận ra thông qua một số triệu chứng điển hình hơn như: máu lẫn trong phân; đi ngoài phân có màu đen hoặc vệt đỏ; tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài hơn 1 tuần; thường xuyên đau bụng; bị khó thở và mệt mỏi do thiếu máu.

Dưới đây là các triệu chứng polyp đại tràng có thể xảy ra, mặc dù không phổ biến, bao gồm:

1. Chảy máu trực tràng

Trực tràng bị chảy máu, khi đi đại tiện, máu có thể dính trên giấy vệ sinh sau khi đi ngoài hoặc trên đồ lót. Máu chảy chậm có thể không nhìn thấy nhưng sau một thời gian, bạn có thể cảm nhận được. 

Triệu chứng chảy máu trực tràng do polyp đại tràng dễ bị nhầm lẫn với trĩ, táo bón và nứt hậu môn.

2. Phân có màu bất thường

Phân có màu đen hoặc vệt đỏ là dấu hiệu của tình trạng chảy máu trong đại tràng. Ngoài ra, sự thay đổi màu sắc của phân cũng có thể do một số loại thực phẩm, thuốc hoặc thực phẩm bổ sung gây ra.

3. Thay đổi thói quen đại tiện

Người bệnh bị tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài bất thường hơn 1 tuần không thuyên giảm và cũng không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, một số tình trạng khác cũng có thể gây ra những thay đổi trong thói quen đại tiện.

4. Đau bụng

Kích thích polyp đại tràng lớn có thể gây tắc ruột khiến người bệnh thường xuyên và liên tục thấy đau quặn bụng kèm theo nôn, bí trung đại tiện.

5. Thiếu máu

Chảy máu polyp có thể diễn ra âm thầm trong thời gian dài khiến người bệnh bị thiếu hụt sắt, giảm các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy. Chảy máu mãn tính có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và khó thở.

6. Đau, buồn nôn hoặc nôn

Triệu chứng này hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Polyp đại tràng lớn có thể gây cản trở đường ruột dẫn đến quặn đau bụng, buồn nôn và ói mửa (tắc ruột).

Người bệnh bị tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài bất thường hơn 1 tuần không thuyên giảm.

VII. Polyp đại tràng nguy hiểm thế nào? 

Không phải tất cả polyp đại tràng đều có thể tiến triển thành ung thư. Nhưng vẫn có trường hợp polyp gây ung thư nên bạn phải luôn cẩn thận, theo dõi và điều trị kịp thời. 

Ngoài ra, polyp đại tràng còn làm nhiều người bị thiếu máu nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Vì vậy, tốt hơn hết cần thực hiện loại bỏ polyp càng sớm càng tốt.

Polyp đại tràng có nguy cơ tiến triển thành ung thư nên cần loại bỏ càng sớm càng tốt.

VIII. Bao nhiêu % polyp đại tràng là ung thư?

Hầu hết các polyp đại tràng đều có khả năng trở thành ung thư, đây lý do tại sao bác sĩ sẽ loại bỏ chúng khi nội soi. Tuy nhiên, rất ít polyp đại tràng thực sự phát triển thành ung thư và phải mất một thời gian dài mới phát triển thành ung thư. Nội soi định kỳ sẽ loại bỏ polyp trước khi chúng có cơ hội trở thành ung thư. 

Thống kê cho thấy, có khoảng 75% bệnh ung thư đại trực tràng bắt đầu từ polyp tuyến và khoảng 80% polyp đại tràng là u tuyến. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5% u tuyến thực sự là ác tính. Nguy cơ một polyp đại tràng ngẫu nhiên, kích thước trung bình trở thành ung thư được ước tính là 8% trong 10 năm và 24% trong 20 năm.

Thống kê cho thấy, có khoảng 75% bệnh ung thư đại trực tràng bắt đầu từ polyp tuyến và khoảng 80% polyp đại tràng là u tuyến.

IX. Chẩn đoán và xét nghiệm polyp đại tràng

Chẩn đoán và phát hiện sớm các polyp đại tràng là điều rất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ ung thư đại trực tràng. Ngoài thăm khám lâm sàng qua triệu chứng và tiền sử bệnh lý, người bệnh có thể cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát polyp đại tràng dưới đây:

1. Nội soi đại tràng

Giúp bác sĩ quan sát rõ nét hình và tình trạng bên trong đại tràng. Nội soi có khả năng loại bỏ hầu hết các polyp để kiểm tra nguy cơ ung thư đại tràng. 

2. Nội soi đại tràng sigma

Xét nghiệm này tương tự như phương pháp nội soi đại tràng. Nếu bệnh nhân có polyp thì nội soi đại tràng sigma có thể loại bỏ được.

3. Xét nghiệm phân

Xét nghiệm máu ẩn trong phân dựa trên guaiac (FOBT) và(xét nghiệm miễn dịch hóa học trong phân (FIT) để tìm kiếm những dấu vết máu nhỏ trong phân. Xét nghiệm DNA trong phân kiểm tra sự thay đổi gen.

Trường hợp xét nghiệm phân có vấn đề bệnh nhân sẽ cần thực hiện nội soi.

4. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) có thể tìm thấy bằng chứng thiếu máu do chảy máu mãn tính. Đồng thời chẩn đoán xem người bệnh có bị mất cân bằng điện giải hay không.

5. Chụp cắt lớp CT

Chụp cắt lớp CT còn được gọi là nội soi đại tràng ảo, mục để chụp ảnh đại tràng từ bên ngoài. 

6. Thuốc xổ bari

Nhân viên y tế tiêm bari lỏng vào trực tràng của bệnh nhân sau đó dùng tia X để chụp lại hình ảnh ruột kết. Bari làm cho ruột kết có màu trắng, nếu có polyp sẽ hiển thị hình ảnh các đốm sẫm.

Bác sĩ thực hiện nội soi chẩn đoán polyp đại tràng.

X. Polyp đại tràng được điều trị như thế nào?

Phương pháp điều trị tiêu chuẩn là loại bỏ polyp đại tràng, trừ khi bạn chỉ có các loại polyp không phải ung thư. Loại bỏ polyp giúp giảm 80% nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng.

Bác sĩ căn cứ loại polyp đại tràng được phát hiện và chẩn đoán để tư vấn phương pháp loại bỏ và điều trị phù hợp – hiệu quả:

1. Cắt polyp trong lúc nội soi

Trong quá trình nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ sử dụng thòng lọng (snare) hoặc kẹp để cắt polyp đại tràng. Trường hợp kích thước polyp đại tràng lớn, bác sĩ sẽ tiêm một loại chất lỏng bên dưới để nâng và cô lập khối polyp khỏi mô xung quanh rồi tiến hành cắt.

Quy trình cắt polyp đại tràng (polypectomy) qua nội soi được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Đầu tiên, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định uống một số loại thuốc hoặc thủ thuật đơn giản để thụt và làm sạch ruột.
  • Bước 2: Bệnh nhân được bác sĩ gây mê để giảm đau trong quá trình phẫu thuật.
  • Bước 3: Bác sĩ sử dụng kẹp/kìm sinh thiết (forceps) hoặc vòng dây (wire loop-snare) thông qua nội soi để cắt đốt và cầm máu trong lòng ruột.
  • Bước 4: Trường hợp polyp to có thể tiêm chất lỏng vào bên dưới niêm mạc để nâng và cô lập polyp khỏi các mô xung quanh để có thể loại bỏ.
  • Bước 5: Nếu polyp đại tràng cuống to thì các bác sĩ có thể dùng dòng điện cắt kiểu Blend Cut hoặc Coagulation với cường độ thấp để hạn chế chảy máu.
  • Bước 6: Trường hợp polyp nằm ở những vị trí khó và khuất thì sẽ được cắt sau khi đầu máy soi đã được gắn ống nhựa trong.
  • Bước 7: Sau khi cắt bỏ, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết để phát hiện tế bào ung thư.
  • Bước 8: Cuối cùng, nếu không có gì bất thường, bệnh nhân có thể xuất viện.

Phương pháp cắt polyp đại tràng (polypectomy) qua nội soi có nhiều ưu điểm như: hạn chế mở hở, giảm viêm nhiễm, an toàn, hạn chế chảy máu, thủng ruột; nhanh phục hồi.

Tuy nhiên, phương pháp cắt polyp đại tràng chỉ nên thực hiện trong các trường hợp polyp có kích thước nhỏ từ vài mm đến khoảng 1cm và có ít polyp trong đại tràng. Trường hợp bệnh nhân càng nhiều polyp thì chi phí thực hiện càng cao.

2. Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu

Đối với các khối polyp đại tràng có kích thước quá lớn hoặc không thể loại bỏ an toàn khi nội soi, bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Theo đó, bác sĩ sử dụng phẫu thuật nội soi chuyên dụng đưa vào bụng để loại bỏ phần ruột có polyp.

3. Cắt bỏ đại tràng

Trường hợp bệnh nhân có tình trạng di truyền như polyposis tuyến gia đình hoặc  polyp phát triển thành ung thư thì có thể cần phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng.

Sau khi cắt bỏ, các loại polyp đại tràng sẽ được gửi đi làm xét nghiệm mô bệnh học. để phân tích và đánh mức độ nghịch sản của polyp và bờ cắt có còn tế bào u hay không.

Đối với các polyp lớn, khi cắt bỏ có thể tiềm ẩn một số biến chứng như: thủng đại tràng, chảy máu hoặc chảy máu dữ dội gây tử vong…

XI. Theo dõi và chăm sóc sau cắt polyp đại tràng

Sau điều trị cắt polyp đại tràng bệnh nhân cũng cần làm thêm các xét nghiệm sàng lọc sau này. Căn cứ vào số lượng, kích thước và kết quả phân tích mà thời điểm và tần suất làm xét nghiệm như sau:

  • Trong 5-10 năm: Nếu có 1 hoặc 2 u tuyến nhỏ.
  • Trong 3 đến 5 năm: Khi có từ 3 hoặc 4 u tuyến.
  • Trong 3 năm: Nếu có 5-10 u tuyến, kích thước u hơn 10mm.
  • Trong vòng 6 tháng đến 1 năm: Khi có trên 10 polyp u tuyến hoặc 1 khối u kích thước lớn hoặc u tuyến cần phải cắt bỏ từng phần.
Phẫu thuật cắt bỏ polyp đại tràng

XII. Làm thế nào để ngăn ngừa polyp đại tràng?

Polyp đại tràng thường không gây ra triệu chứng. Điều quan trọng là phải xét nghiệm sàng lọc thường xuyên vì polyp đại tràng được phát hiện ở giai đoạn đầu thường có thể được loại bỏ một cách an toàn và hoàn toàn. 

Do đó, biện pháp phòng ngừa bệnh polyp đại tràng hữu hiệu và tốt nhất là thường xuyên tầm soát và loại bỏ polyp ngay nếu có. Đồng thời xây dựng các thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

1. Chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý

Nên xây dựng một chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý với nhiều rau quả, rau xanh, hoa quả tươi, các loại đậu, ngũ cốc giàu chất xơ.

Không nên ăn quá nhiều các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò, thịt dê, thịt cừu, thịt trâu. Hạn chế ăn các đồ thực/thực phẩm quá giàu chất béo.

2. Thường xuyên tập luyện thể thao

Nên tập thể dục đều đặn hàng với cường độ vừa phải với các môn thể thao nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội, đạp xe, chạy…để tăng cường sức khỏe và nâng cao sức đề kháng.

Đồng thời, duy trì cân nặng ở mức hợp lý, cần giảm cân nếu béo phì hoặc thừa cân thông qua chế độ ăn uống khoa học. 

3. Tránh stress kéo dài, giữ tinh thần thoải mái

Khi tâm trí bị căng thẳng và lo lắng sẽ khiến cơ chế chuyển hoá và nội tiết của cơ thể cũng bị thay đổi theo. Hậu quả là làm tăng nguy cơ xuất hiện polyp đại trực tràng. 

4. Hạn chế rượu bia, thuốc là, các chất kích thích

Rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích gây ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe đường ruột và làm tăng nguy cơ mắc polyp đại tràng. Vì vậy, hãy hạn chế hoặc tốt nhất là nên bỏ sử dụng các sản phẩm này.

5. Khám sức khỏe định kỳ

Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm những bất thường của cơ thể. Từ đó, tầm soát bệnh hiệu quả và phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, trong đó có polyp đại tràng. 

Biện pháp phòng ngừa bệnh polyp đại tràng hữu hiệu và tốt nhất là thường xuyên tầm soát và loại bỏ polyp ngay nếu có.

XIII. Khi nào cần đi khám và điều trị polyp đại tràng?

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ bị polyp đại tràng như: 

  • Đau bụng.
  • Có máu trong phân.
  • Thay đổi thói quen đi ngoài kéo dài hơn 1 tuần.

Bạn nên kiểm tra polyp thường xuyên và định kỳ  nếu: 

  • Bạn từ 50 tuổi trở lên.
  • Bạn có các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư ruột kết. 
  • Một số người có nguy cơ cao nên bắt đầu sàng lọc thường xuyên sớm hơn nhiều so với tuổi 50.
Nên đi khám bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ bị polyp đại tràng như đau bung, thay đổi thói quen đi đại tiện

XIV. Giải đáp 12 thắc mắc khác về polyp đại tràng

Những thắc mắc về polyp đại tràng và phương pháp cắt polyp đại tràng của bệnh nhân sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết dưới đây: 

1. Có nên cắt polyp đại tràng không?

Cắt polyp là phương điều trị polyp đại tràng phổ biến nhất hiện nay. Việc có lựa chọn cắt polyp đại tràng hay không còn phụ thuộc vào số lượng và kích thước của polyp: 

  • Không cần cắt: Nếu polyp thuộc nhóm lành tính, không có khả năng gây ung thư thì không nhất thiết phải cắt bỏ.
  • Cần cắt: Nếu polyp thuộc nhóm có khả năng gây ung thư thì nên cắt bỏ. Số lượng polyp không nhiều, bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi, mỗi lần có thể cắt từ 5 – 10 polyp.

Trường hợp số lượng polyp nhiều tới hàng trăm polyp dọc theo đại tràng, bệnh nhân có thể được chỉ định cắt bỏ 1 đoạn đại tràng.

Thông thường, polyp đại tràng kích thước từ 5mm trở lên sẽ được mổ nội soi và đồng thời sinh thiết xem có chứa tế bào ung thư không.

Những polyp có kích thước bé hơn 5mm có thể không cần cắt nhưng cần được theo dõi định kỳ bằng phương pháp nội soi.

2. Polyp đại tràng sigma có nguy hiểm không? 

Mức độ nguy hiểm của polyp đại tràng sigma tương tự với các polyp đại tràng thông thường. Sự khác biệt chỉ nằm ở vị trí polyp xuất hiện.

3. Polyp đại tràng không cuống có nguy hiểm không? 

So với polyp đại tràng có cuống, polyp đại tràng không cuống có chân rộng hơn và nguy cơ phát triển thành ung thư cũng cao hơn. Vì thế, bạn nên cẩn thận.

4. Bệnh polyp đại tràng ở trẻ em có sao không?

Polyp đại tràng trẻ em là một bệnh lý cũng khá phổ biến. Thường gặp ở trẻ từ 4 – 7 tuổi. Trẻ từ 2 – 3 tuổi cũng có thể mắc polyp đại tràng nhưng hiếm hơn.

Đa phần, polyp đại tràng ở trẻ em đều lành tính. Nhưng nếu không được phát hiện kịp thời, polyp đại tràng sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, gây sụt cân và còi cọc.

Ngoài ra, polyp đại tràng còn khiến trẻ dễ mắc các bệnh tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, chảy máu tiêu hóa, thậm chí là ung thư tiêu hóa. Vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi các dấu hiệu ở trẻ để đưa trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

5. Cắt polyp đại tràng bao lâu thì khỏi?

Do quá trình mổ polyp đại tràng có thể gây mê nên bệnh nhân cần 1 thời gian ngắn để tỉnh lại. Sau đó, người bệnh có thể nghỉ ngơi 1 chút rồi về nhà trong ngày nếu mổ polyp có kích thước nhỏ và số lượng ít.

Thông thường, bệnh nhân sẽ mất 2 tuần để phục hồi hoàn toàn. Thời gian này tương đối ngắn vì thủ thuật cắt u polyp đại tràng khá đơn giản.

6. Nên ăn gì sau khi cắt polyp đại tràng? 

Ngay sau khi cắt đại tràng, bạn KHÔNG NÊN ăn gì để đại tràng ổn định lại. Sau đó khoảng 2 – 3 tiếng, bạn có thể bắt đầu uống nước và sữa để lấy lại năng lượng.

Ngày đầu tiên và ngày thứ 2, bạn tập ăn trở lại bằng thực phẩm dạng lỏng, tốt nhất nên là cháo, sữa, súp… để đại tràng ổn định trở lại.

Sau khi đại tràng đã ổn định, bạn có thể bổ sung các thực phẩm giàu đạm như trứng, cá, thịt bò;  chất xơ hòa tan như củ quả xanh non; uống nhiều nước lọc để không bị táo bón.

Đồng thời, người bệnh nên kiêng các đồ ăn cứng như măng, ngô; đồ ăn nhiều muối, cay, mặn, không uống rượu bia, cà phê, đồ uống có gas…

7. Bị polyp đại tràng nên kiêng ăn gì để hạn chế tái phát?

Sau khi mổ, polyp đại tràng có thể tái phát. Vậy sau khi cắt polyp đại tràng bệnh nhân nên kiêng ăn các thực phẩm sau:

  • Tập chế độ ăn kiêng với nhiều rau củ quả và thực phẩm chứa nhiều chất xơ như đậu lăng, đậu Hà Lan, ngũ cốc…
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin D và canxi sao cho phù hợp. Vì việc bổ sung 2 dưỡng chất này có thể giảm nguy cơ ung thư đại tràng.
  •  Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, các loại thịt đã được chế biến sẵn và thực phẩm chứa nhiều chất béo.

8. Cắt polyp đại tràng có mọc lại không?

Có tới 25 – 30% trường hợp nội soi tìm thấy polyp đại tràng bổ sung sau khi cắt. Vì thế, bệnh nhân cần quay lại khám định kỳ, theo dõi hiện tượng polyp đại tràng sát sao để kiểm soát bệnh kịp thời.

9. Cắt polyp đại tràng phải nằm viện bao lâu?

Nếu số lượng polyp không nhiều và kích thước nhỏ, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày. 

Ngược lại, khi polyp có kích thước lớn hơn 1cm và có khoảng 3 polyp, bệnh nhân cần ở viện thêm 1 – 2 ngày để thực hiện sinh thiết và theo dõi thêm.

10. Cắt polyp đại tràng bao lâu cần tái khám? 

Thời gian tái khám phụ thuộc nhiều vào kích thước polyp được phát hiện vào lần đầu tiên kiểm tra sau khi mổ. Cụ thể:

  • Một hoặc 2 polyp có kích thước nhỏ hơn 5mm: Bệnh nhân nên tái khám sau ít nhất 5 năm hoặc lâu hơn.
  • Xuất hiện nhiều polyp, có kích thước lớn hơn 10mm: Bệnh nhân nên tái khám sau 3 năm hoặc sớm hơn.
  • Nếu lần đầu tiên tái khám không thấy polyp: Bệnh nhân có thể chỉ cần khám lại sau 10 năm.

11. Cắt polyp đại tràng bao nhiêu tiền?

Chi phí cắt polyp đại tràng qua nội soi thường giao động từ 2 – 5 triệu đồng bao gồm cả xét nghiệm, nội soi, phẫu thuật, hậu phẫu. Tuy nhiên, chi phí có thể chênh lệch giữa các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau.

12. Điều trị polyp đại tràng ở đâu uy tín?

Khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh polyp đại tràng, người bệnh nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Người bệnh có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:

  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn… 
  • Tại TPHCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng I… 

Polyp đại tràng có nguy cơ tiến triển thành ung thư đại tràng nêu nếu không may có polyp đại tràng, cần loại bỏ càng sớm càng tốt. Bệnh nhân cần cắt bỏ hay phẫu thuật polyp đại tràng hãy đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả. 

Như vậy, chúng ta đã hiểu hơn về polyp đại tràng, cách chữa polyp đại tràng và chế độ ăn uống phù hợp sau khi mổ polyp đại tràng. Nếu bạn còn bất kỳ băn khoăn nào về bệnh polyp đại tràng, vui lòng liên hệ đến hotline 1800 1125 (miễn phí cước) để được dược sĩ giải đáp trực tiếp nhé!

5/5 - (5 bình chọn)
Hà Thị Kim Liên

Tác giả:

Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.