Skip to main content

Viêm đại tràng màng giả mạc: Nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng, điều trị

Tác giả: Đinh Thị Hiền

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thị Thu

Viêm đại tràng màng giả mạc là tình trạng đại tràng bị viêm do nhiễm khuẩn, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như sốt, đi ngoài, nôn mửa. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng đại tràng, viêm phúc mạc, suy nội tạng, nhiễm trùng huyết. Vì thế, bạn nên nắm rõ các triệu chứng để phát hiện bệnh càng sớm càng tốt.

Mục lục

I. Viêm đại tràng màng giả mạc là gì?  

Màng giả phát triển trên màng nhầy, khi tế bào chết hệ thống miễn sẽ gửi các tế bào bạch cầu đến vị trí vết thương. Các mảnh vụn tế bào còn sót lại kết hợp với các tế bào bạch cầu gọi là bạch cầu trung tính để tạo thành màng giả. Chúng là những vùng nổi lên trên niêm mạc, rộng tới 2 cm và có màu trắng vàng.

Viêm đại tràng màng giả mạc (tên tiếng Anh là Pseudomembranous Colitis) còn được gọi là: viêm đại tràng giả mạc, viêm đại tràng màng giả, viêm đại tràng Clostridium difficile, viêm đại tràng liên quan đến kháng sinh.

Viêm đại tràng giả mạc là một bệnh nhiễm khuẩn ở đại tràng nặng, có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như đau bụng, khó chịu, ợ chua, đầy bụng, tiêu chảy và sốt,  ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

Bệnh viêm đại tràng giả mạc thường gặp nhất ở những người đã sử dụng kháng sinh hoặc ở những người bệnh nằm viện trong thời gian dài.

Bệnh thường không nguy hiểm đến tính mạng và được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm phân. Điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc thường bao gồm sử dụng kháng sinh và/hoặc vi sinh vật có lợi.

Hình ảnh viêm đại tràng màng giả mạc. 
Hình ảnh viêm đại tràng màng giả mạc.

II. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm đại tràng giả mạc

Tất cả mọi người  đều có thể bị mắc viêm đại tràng giả. Tuy nhiên, các đối tượng dưới đây có nguy cơ cao hơn:

  • Người đã dùng kháng sinh phổ rộng, dùng kháng sinh kéo dài hoặc một số loại kháng sinh khác nhau cùng một lúc.
  • Người làm việc ở nhà chăm sóc, cơ sở y tế, bệnh viện trong thời gian dài.
  • Người cao tuổi, trên 65 tuổi.
  • Người có tiền sử bệnh viêm ruột (IBD), bệnh thận hoặc ung thư.
  • Người có hệ thống miễn dịch yếu.
  • Người mắc bệnh tiểu đường.
  • Người đã từng hóa trị liệu hoặc thuốc steroid.
  • Người đang dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm axit dạ dày.
  • Người đã phẫu thuật trên hệ thống tiêu hóa.
  • Phụ nữ có nhiều khả năng bị nhiễm C. difficile hơn nam giới. 
Viêm đại tràng màng giả mạc phổ biến hơn ở người hay uống kháng sinh, người trên 65 tuổi. 
Viêm đại tràng màng giả mạc phổ biến hơn ở người hay uống kháng sinh, người trên 65 tuổi.

III. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm đại tràng giả mạc

Nguyên nhân chính gây viêm đại tràng giả là do vi khuẩn C. Difficile. Ngoài ra bệnh xuất hiện còn do một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác. 

1. Do vi khuẩn C. Difficile

Vi khuẩn C. Difficile (Clostridium difficile/C. diff) là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm đại tràng màng giả mạc. Theo my.clevelandclinic.org, khoảng 10% trường hợp nhiễm C. diff tiến triển thành viêm đại tràng  màng giả mạc. 

Với khả năng kháng lại một số loại kháng sinh thông thường, vi khuẩn này có thể tồn tại trong đường tiêu hóa hoặc ra ngoài. Khi nhiễm vào đại tràng, vi khuẩn C. Difficile sẽ tiết ra độc tố gây hại cho tế bào và ruột, gây ra tình trạng viêm và tạo thành lớp màng giả.

Vi khuẩn C. Difficile (Clostridium difficile/C. diff) là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm đại tràng màng giả mạc.
Vi khuẩn C. Difficile (Clostridium difficile/C. diff) là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm đại tràng màng giả mạc.

2. Do sử dụng kháng sinh

Hầu hết các loại kháng sinh có thể gây ra viêm đại tràng giả mạc. Tuy nhiên, có một số loại kháng sinh có mối liên hệ với viêm đại tràng giả mạc nhiều hơn so với những loại khác, bao gồm:

  • Clindamycin.
  • Ampicillin.
  • Cephalosporins: Cefotaxime, Ceftriaxone, Cefuroxime và Ceftazidime.
  • Fluoroquinolones: Ciprofloxacin, Levofloxacin và Moxifloxacin.
  • Các loại Penicillin/β-lactamase-inhibitor kết hợp (như Ticarcillin/Clavulanate và Piperacillin/Tazobactam) đều có khả năng gây viêm đại tràng giả mạc.

Cơ chế chính gây viêm đại tràng giả mạc của thuốc kháng sinh là do sự ảnh hưởng tiêu cực của kháng sinh đối với hệ vi sinh đường ruột, gây ra sự chênh lệch và mất cân bằng vi khuẩn, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn gây viêm.

Bên cạnh thuốc kháng sinh, việc sử dụng các thuốc điều trị khác đôi khi cũng gây ra viêm đại tràng giả mạc. Các thuốc sử dụng trong hóa trị để điều trị ung thư cũng có khả năng làm mất sự cân bằng bình thường của hệ vi khuẩn trong đại tràng.

Lạm dụng thuốc kháng sinh gây viêm đại tràng giả mạc.
Lạm dụng thuốc kháng sinh gây viêm đại tràng giả mạc.

3. Do bệnh lý

Viêm đại tràng giả mạc có thể phát triển ở những người bị bệnh ung thư hoặc các bệnh lý đại tràng như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.

4. Do hóa trị, điều trị ung thư 

Hóa trị liệu điều trị ung thư cũng có thể tác động đến sự phát triển của viêm đại tràng giả mạc. Trong quá trình hóa trị, thuốc chống ung thư và tác động phụ của chúng có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây viêm phát triển.

5. Nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến viêm đại tràng giả mạc, bao gồm: nhiễm tụ cầu vàng, nhiễm E. coli, nhiễm Cytomegalovirus, viêm đại tràng vi thể, bệnh của Behcet, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, thuốc hóa trị, sử dụng cocain, viêm mạch, ngộ độc kim loại nặng…

6. Yếu tố nguy cơ

Có một số yếu tố nguy cơ có thể tăng khả năng phát triển viêm đại tràng giả mạc. Ví dụ như:

  • Sử dụng kháng sinh một cách không cần thiết, đặc biệt là trong thời gian dài.
  • Nằm viện hoặc sinh sống tại nhà dưỡng lão cũng tăng nguy cơ mắc viêm đại tràng giả mạc do tiếp xúc với vi khuẩn từ môi trường bệnh viện hoặc cộng đồng.
  • Tuổi cao, đặc biệt là trên 65 tuổi, liên quan đến sự suy giảm chức năng ruột và hệ vi sinh đường ruột.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu cũng là yếu tố nguy cơ, vì hệ thống miễn dịch yếu dẫn đến sự tăng cường phản ứng viêm.
  • Các bệnh lý đại tràng như viêm ruột, viêm loét đại tràng, ung thư đại tràng, bệnh Crohn tạo điều kiện cho sự phát triển của viêm đại tràng giả mạc.
  • Hóa trị liệu điều trị ung thư cũng tạo điều kiện cho phát triển viêm đại tràng giả mạc do ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột.
Viêm đại tràng màng giả mạc do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. 
Viêm đại tràng màng giả mạc do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

IV. Triệu chứng nhận biết viêm đại tràng màng giả mạc 

Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện sau khi sử dụng kháng sinh 1 – 2 ngày, nhưng cũng có thể xuất hiện sau vài tuần ngừng sử dụng kháng sinh.

1.  Triệu chứng viêm đại tràng màng giả mạc thường gặp

Các triệu chứng viêm đại tràng màng giả mạc điển hình gồm:

  • Bệnh nhân có thể bị sốt tới 38 – 39 độ C.
  • Buồn nôn và nôn. 
  • Phân lỏng, có thể kèm theo mủ, chất nhầy, máu.
  • Đau bụng: Các cơn đau bụng có thể kéo dài hoặc thay đổi vị trí. Đau thường được cảm thấy ở bên trái của bụng.
  • Tiêu chảy: Tiêu chảy có thể kéo dài và có thể kèm theo chất bã.
  • Táo bón: Ngược lại với tiêu chảy, táo bón khiến cho việc đi tiêu trở nên khó khăn.
  • Khó tiêu: Cảm giác đầy hơi và khó tiêu sau khi ăn.
  • Đầy hơi: Cảm giác đầy bụng sau khi ăn.
  • Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi và kiệt sức.
Tiêu chảy là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm đại tràng giả mạc.
Tiêu chảy là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm đại tràng giả mạc.

2. Triệu chứng viêm đại tràng giả mạc từ nhẹ đến trung bình

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khi viêm đại tràng ở mức độ từ nhẹ đến trung bình là:

  • Tiêu chảy không kiểm soát, đi hơn 3 lần/ngày.
  • Đi phân toàn nước 2 ngày trở lên.
  • Đau quặn bụng và đau.
  • Cơ thể bị mất nước: suy nhược, mệt mỏi.

3. Triệu chứng viêm đại tràng giả mạc nặng

Ở mức độ nặng, người bị viêm đại tràng giả mạc sẽ có các triệu chứng vô cùng nghiêm trọng:

  • Tiêu chảy nước từ 10-15 lần/ngày.
  • Phân có kèm máu và mủ. 
  • Đau bụng và đau quặn dữ dội không thể chịu nổi.
  • Nhịp tim đập nhanh.
  • Buồn nôn.
  • Sốt.
  • Mất nước, kiệt quệ.
  • Chán ăn.
  • Sụt cân.
  • Suy thận. 
  • Bạch cầu tăng.
  • Bụng sưng. 
Đau bụng và đau quặn dữ dội không thể chịu nổi là dấu hiệu viêm đại tràng giả mạc nặng.
Đau bụng và đau quặn dữ dội không thể chịu nổi là dấu hiệu viêm đại tràng giả mạc nặng.

V. 9 Biến chứng của viêm đại tràng giả mạc

Theo mayoclinic, viêm đại tràng giả mạc có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Thống kê cho thấy, khoảng 3-8% bệnh nhân có biến chứng nặng như: phình đại tràng nhiễm độc, viêm phúc mạc, thủng đại tràng, rối loạn nước điện giải, sốc nhiễm khuẩn…

Dưới đây là một số thông tin bổ sung về các biến chứng có thể xảy ra trong trường hợp nặng của viêm đại tràng giả mạc:

1. Hạ kali máu

Tiêu chảy kéo dài và mất chất lỏng có thể dẫn đến mất nhiều kali trong cơ thể. Hạ kali máu có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, cơ bắp yếu, co giật và nhịp tim không ổn định.

2. Mất nước, mất điện giải

Tiêu chảy mạnh và mất chất lỏng kéo dài có thể dẫn đến mất nước và giảm chất điện giải trong cơ thể. Điều này khiến cơ thể khó có thể hoạt động bình thường và  dẫn đến tụt huyết áp.

3. Rò rỉ chất lỏng

Lớp niêm mạc đại tràng bị tổn thương có thể u rò rỉ chất lỏng vào khoang bụng dẫn đến sưng. Bệnh nhân cũng có thể mất protein từ ruột kết, chẳng hạn như albumin. Albumin thấp có thể khiến mạch máu bị rò rỉ, gây phù nề (sưng tay và chân).

4. Suy thận

Trong một số trường hợp, tình trạng mất nước có thể diễn tiến rất nhanh gây suy thận và các vấn đề về chức năng thận.

5. Thủng ruột kết

Trong trường hợp nặng, viêm đại tràng giả mạc có thể gây thủng ruột kết. Thủng ruột kết có thể dẫn đến nhiễm trùng và tình trạng nguy hiểm. Việc phát hiện và can thiệp kịp thời là quan trọng để tránh biến chứng này.

6. Phình đại tràng nhiễm độc

Biến chứng này tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân là do đại tràng không có nhu động để đẩy phân và hơi xuống dưới, khiến chúng ứ lại và làm cho đại tràng dãn to (phình đại tràng). 

Nếu không được điều trị, đại tràng phình to có thể vỡ ra, gây nhiễm khuẩn khoang ổ bụng. Phình đại tràng và trường hợp phình đã bị vỡ là cấp cứu ngoại khoa cần can thiệp phẫu thuật vì có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

7. Thủng đại tràng

Biến chứng này tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Thủng đại tràng là hậu quả của tổn thương lan rộng của đại tràng hoặc của phình đại tràng nhiễm độc. 

Thủng đại tràng sẽ khiến vi khuẩn từ lòng đại tràng xâm nhập vào khoang ổ bụng và gây viêm phúc mạc.

8. Nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng máu có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết – một phản ứng toàn cơ thể đe dọa tính mạng đối nếu nhiễm trùng nặng. Nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, gây suy đa cơ quan và tử vong.

9. Tử vong

Nhiễm khuẩn C. difficile dù là ở mức độ nhẹ hay trung bình nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển rất nhanh và có thể dẫn tới tử vong.

Khoảng 3-8% bệnh nhân có biến chứng nặng như: phình đại tràng nhiễm độc, viêm phúc mạc, thủng đại tràng, rối loạn nước điện giải, sốc nhiễm khuẩn…
Khoảng 3-8% bệnh nhân có biến chứng nặng như: phình đại tràng nhiễm độc, viêm phúc mạc, thủng đại tràng, rối loạn nước điện giải, sốc nhiễm khuẩn…

Vì vậy, rất quan trọng khi bạn phát hiện có dấu hiệu của viêm đại tràng giả mạc, hãy tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị sớm. Điều trị sớm không chỉ giúp rút ngắn thời gian điều trị mà còn tránh bệnh tiến triển nặng gây biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.

VI. Phương pháp nào giúp chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc? 

Để chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc và phát hiện biến chứng, ngoài thăm khám lâm sàng qua triệu chứng và tiền sử bệnh, bác sĩ có thể tiến hành chẩn đoán cận lâm sàng thông qua xét nghiệm phân và máu, nội soi đại tràng, xét nghiệm hình ảnh. 

1. Xét nghiệm phân

Đại tràng là nơi chứa chất thải của cơ thể, vì vậy bác sĩ lấy một số mẫu phân khác nhau để xét nghiệm. Mục đích của xét nghiệm là giúp phát hiện vi khuẩn C. Difficile có trong đại tràng hay không.

2. Xét nghiệm máu

Một trong các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc là số lượng bạch cầu tăng. Xét nghiệm máu có thể giúp tìm ra sự bất thường của bạch cầu trong máu.

3. Nội soi toàn bộ đại tràng hoặc soi đại tràng sigma

Hai phương pháp này giúp tìm ra các dấu hiệu của viêm đại tràng màng giả như vết sưng, mảng màu vàng…

Kỹ thuật nội soi 2 phương pháp trên tương tự nhau, bác sĩ sẽ dùng một ống có gắn một máy ảnh thu nhỏ ở đầu để kiểm tra bên trong ruột già và đưa ra chẩn đoán. 

4. Chẩn đoán hình ảnh

Phương pháp chẩn đoán này giúp tìm ra các biến chứng như thủng đại tràng, phình đại tràng, vỡ ruột…Người bệnh có thể được chỉ định chụp X-quang hoặc quét CT bụng.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm đại tràng giả mạc.
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm đại tràng giả mạc.

VII. Điều trị bệnh viêm đại tràng màng giả mạc 

Để điều trị viêm đại tràng giả mạc, người bệnh sẽ bắt đầu ngừng sử dụng kháng sinh đang sử dụng và chuyển sang sử dụng kháng sinh có tác dụng tiêu diệt C. Difficile. Một số trường hợp có thể phải chỉ định phẫu thuật.

Dưới đây là các cách điều trị viêm đại tràng màng giả có thể được áp dụng:

1. Dừng uống thuốc kháng sinh hiện tại

Đây thường là biện pháp đầu tiên được áp dụng khi bệnh nhân bị viêm đại tràng giả mạc và ít nhất nó có thể làm giảm triệu chứng của bệnh, nhất là tình trạng tiêu chảy.

2. Thay đổi thuốc kháng sinh 

Nếu các triệu chứng bệnh không được cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân uống kháng sinh tiêu diệt C. Difficile. Kháng sinh tiêu diệt C. Difficile vẫn cho phép các loại vi khuẩn khác bình phục trở lại, nhằm cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Đa phần bệnh nhân sẽ được chỉ định kháng sinh thông qua đường uống. Một số trường hợp đặc biệt có thể được chỉ định tiêm kháng sinh thông qua tĩnh mạch hoặc ống mũi dạ dày. 

Tùy mức độ nặng – nhẹ của viêm đại tràng giả mạc, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị bằng thuốc như sau: 

  • Thể nhẹ: Bệnh nhân viêm đại tràng giả mạc thể nhẹ có thể không cần điều trị kháng sinh. Nếu việc điều trị là cần thiết, metronidazole uống được đề xuất (liều: 400-500mg 3 lần/ngày 10-14 ngày).
  • Thể trung bình: Phác đồ uống metronidazole từ 10 đến 14 ngày là điều trị được đề xuất (liều: 400-500mg 3 lần/ngày). Lý do là vì thuốc rẻ hơn so với vancomycin đường uống và có lo ngại rằng việc lạm dụng vancomycin có thể dẫn đến việc lựa chọn enterococci kháng vancomycin.
  • Thể nặng: Vancomycin uống được khuyến cáo (liều 125mg 4 lần ngày trong 10-14 ngày). Trong trường hợp không đáp ứng với vancomycin, Fidaxomicin uống (200mg 2 lần ngày) nên được xem xét. Ngoài ra, liều cao uống vancomycin (lên đến 500 mg 4 lần/ngày cho qua ống thông mũi dạ dày) cộng tiêm tĩnh mạch metronidazole 500 mg 3 lần là một lựa chọn. Việc bổ sung bằng đường uống rifampicin (300 mg 2 lần/ngày) hoặc IV immunoglobulin (400 mg/kg) cũng có thể được xem xét.

3. Cấy ghép vi sinh vật trong phân (FMT)

Cấy ghép vi sinh vật trong phân (fecal microbial transplantation – FMT) được bác sĩ chỉ định trong trường hợp bệnh viêm đại tràng giả mạc nặng. 

Nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sẽ được cấy ghép phân từ người khỏe mạnh để hệ vi sinh cân bằng trở lại. Đồng thời, bệnh nhân vẫn tiếp tục sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn C. Difficile.

4. Phẫu thuật

Phương pháp điều trị này được bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân gặp phải biến chứng nặng như phình đại tràng, thủng đại tràng, vỡ đại tràng, suy nội tạng, viêm phúc mạc. 

Trong các trường hợp này, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cấp cứu, tránh đe dọa đến tính mạng. Cắt đại tràng là cần thiết trong một số bệnh nhân megacolon (giãn> 10 cm), thủng hoặc sốc nhiễm trùng và nên được thực hiện trước khi lactate máu tăng trên 5 mmol /L.

Bệnh nhân viêm đại tràng giả mạc có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật tùy theo mức độ bệnh.
Bệnh nhân viêm đại tràng giả mạc có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật tùy theo mức độ bệnh.

VII. Tiên lượng cho bệnh nhân viêm đại tràng giả mạc 

Theo my.clevelandclinic.org, tỷ lệ tử vong do viêm đại tràng giả mạc nhiễm C. difficile là khoảng 2%. Tỷ lệ này là gần 15% ở những người ở các cơ sở chăm sóc dài hạn, những người đã bị suy giảm miễn dịch. 

IX. Chăm sóc, dự phòng viêm đại tràng giả mạc tái phát sau điều trị

Sau điều trị viêm đại tràng giả mạc, người bệnh và người chăm sóc cần chú ý những điều sau để giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan:

  • Uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều hoặc thêm bớt thuốc.
  • Uống nhiều nước lọc, nước ép rau củ và hoa quả tươi; tránh đồ uống nhiều đường, chứa cồn hoặc chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước ngọt có ga…
  • Nên ăn thức ăn mềm và dễ tiêu hóa, ví dụ như gạo, chuối, táo, mì… 
  • Tránh thức ăn gây kích thích, không ăn đồ cay, béo, chiên rán để tránh triệu chứng bệnh nặng hơn.
  • Tránh một loại thực phẩm giàu chất xơ như: đậu, các loại hạt và rau quả. 
  • Nên ăn 4-5 bữa ăn nhỏ thay vì ăn quá no trong 3 bữa chính.
  • Không dùng thuốc chống tiêu chảy.
  • Rửa tay, vệ sinh đồ vật, nhà cửa thường xuyên.
  • Nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh làm việc nặng nhọc ngay sau điều trị.
  • Nếu người bệnh có dấu hiệu bất thường, cần thông báo ngay cho bác sĩ.
Người bệnh cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều hoặc thêm bớt thuốc.
Người bệnh cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều hoặc thêm bớt thuốc.

X. Biện pháp phòng tránh bệnh viêm đại tràng màng giả

Theo mayoclinic và my.clevelandclinic, cách quan trọng nhất để ngăn ngừa viêm đại tràng màng giả mạc là ngăn chặn sự lây lan của C. diff. Đồng thời cần cẩn trọng khi dùng thuốc kháng sinh và duy trì lối sống lành mạnh. 

1. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh

Kháng sinh có thể gây ra viêm đại tràng giả mạc, vì vậy hãy sử dụng kháng sinh chỉ khi thật cần thiết và theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bạn được kê đơn kháng sinh, hãy đảm bảo tuân thủ liều lượng và thời gian uống kháng sinh theo hướng dẫn.

2. Duy trì vệ sinh tốt

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Điều này giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn gây viêm đại tràng giả mạc.

3. Tránh tiếp xúc với vi khuẩn gây nhiễm trùng

Hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng như Salmonella, Shigella, và Campylobacter. Đảm bảo thực phẩm được chế biến đúng cách, uống nước sạch và tránh ăn các thực phẩm có nguồn gốc không an toàn.

4. Không tiếp xúc với người bệnh

Người khỏe mạnh cần tránh tiếp xúc với người mắc viêm đại tràng giả mạc do vi khuẩn C. difficile. Vì C. difficile có thể lây truyền qua tay người hoặc các bề mặt, đồ vật chứa vi khuẩn. 

5. Sử dụng chế phẩm probiotics

Probiotics có thể giúp cân bằng vi sinh đường ruột và giảm nguy cơ viêm đại tràng giả mạc. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng chế phẩm probiotics phù hợp cho bạn.

6. Duy trì lối sống lành mạnh

Hãy duy trì một lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất dinh dưỡng và tập thể dục đều đặn. Tránh tiếp xúc với chất kích thích đại tràng như rượu, cafein, và thuốc lá.

7. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng

Khi điều trị bệnh hoặc sau phẫu thuật, tuân thủ các quy trình vệ sinh, sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ.

00Giữ vệ sinh tốt giúp phòng ngừa viêm đại tràng giả mạc.

XI. Câu hỏi thường gặp

Một số thắc mắc thường gặp của người bệnh về viêm đại tràng giả mạc sẽ được thuốc dạ dày chữ Y giải đáp chi tiết dưới đây: 

1. Khi nào viêm đại tràng giả mạc cần đến bệnh viện? 

Nếu đang uống kháng sinh và bị tiêu chảy, hãy đến gặp bác sĩ ngay kể cả khi tình trạng tiêu chảy chỉ ở mức độ nhẹ.

Ngoài ra, hãy đến gặp bác sĩ bất cứ khi nào bị tiêu chảy nặng kèm theo sốt, đau quặn bụng, sốt cao trên 39 độ C, đi ngoài phân có máu, mủ, không ị trong 3 ngày…

2. Viêm đại tràng giả màng mạc có lây không? 

Có, nếu nguyên gây bệnh là do vi khuẩn C. difficile. Để tránh lây nhiễm, cần chú ý vệ sinh và tránh tiếp xúc với người mắc bệnh.

3. Viêm đại tràng màng giả mạc có tái phát sau điều trị không? 

Phần lớn bệnh nhân viêm đại tràng màng giả mạc hồi phục tốt sau điều trị. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát bệnh khá cao, khoảng 15-30%, có thể sau vài ngày hoặc thậm chí là nhiều tuần kể từ khi điều trị thành công.

4. Thuốc kháng sinh nào gây viêm đại tràng giả mạc?

Theo my.clevelandclinic.org, tất cả các loại kháng sinh đều có thể gây viêm đại tràng màng giả mạc. Tuy nhiên, một số loại kháng sinh có nguy cơ cao hơn là:

  • Clindamycin .
  • Cephalosporin .
  • Penicillin .
  • Fluoroquinolone .
  • Aztreonam .
  • Carbapenem.

5. Loại thuốc dùng điều trị viêm đại tràng màng giả do C. diff?

Thuốc điều trị viêm đại tràng màng giả mạc do nhiễm C. diff bao gồm: Metronidazol, Vancomycin và Fidaxomicin. 

6. Viêm đại tràng màng giả mạc có chữa khỏi được không?

Có, điều trị có thể làm giảm viêm đại tràng màng giả, hầu hết các triệu chứng sẽ thuyên giảm nhanh chóng.

Một trường hợp nhiễm C. diff dai dẳng tái phát có thể cần một thủ thuật nhỏ. Một số trường hợp bệnh phức tạp có thể phải phẫu thuật.

Viêm đại tràng màng giả mạc là tình trạng viêm đại tràng nặng, vì vậy người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan. Hãy chủ động thăm khám bệnh sớm để tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Nếu bạn cần tư vấn thêm, đừng quên liên hệ tới hotline miễn phí cước 1800.1125 (miễn phí cước) để gặp dược sĩ của thuốc dạ dày chữ Y – Yumangel nhé.

5/5 - (4 bình chọn)
Hà Thị Kim Liên

Tác giả:

Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.