Skip to main content

U manh tràng: Nguyên nhân, biến chứng, tiên lượng, điều trị

Tác giả: Đinh Thị Hiền

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thị Thu

U manh tràng có thể lành tính nhưng cũng có thể là ác tính gây ung thư manh tràng. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn cần thăm khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bị u manh tràng để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm. 

I. U manh tràng là gì?

Manh tràng chính là đoạn đầu của bộ phận đại tràng (ruột già) nối liền với đoạn hồi tràng ở phần ruột non. Giữa các manh tràng và hồi manh tràng thường có van hãm để chặn các chất ở trong ruột non sang bộ phận đại tràng quá nhanh đồng thời ngăn không cho các chất ở đại tràng chảy ngược trở lại bộ phận ruột non.

U manh tràng là tình trạng u ở manh tràng –  đoạn đầu của ruột già. Vùng này bao gồm cả ruột thừa nhưng thông thường u manh tràng sẽ không tính các u của ruột thừa vì đặc điểm bệnh lý khác bệnh của manh tràng.

Các khối u manh tràng thường là lành tính (polyp, u lao ở manh tràng), hình thành khi có sự quá triển quá mức của những tế bào hoặc viêm dạng u. Tuy nhiên, cũng có thể là những khối u ác tính (ung thư manh tràng). Với các khối u ác tính, cần được xử lý ngay để tránh ung thư di căn (xâm lấn và làm tổn thương các vùng lân cận hoặc cơ quan xa) và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

U manh tràng là tình trạng xuất hiện các khối u ở đoạn đầu của ruột già

II. Phân loại u manh tràng

U manh tràng được phân thành 2 loại chính gồm u manh tràng lành tính và u manh tràng ác tính. Cụ thể:

1. U manh tràng lành tính

Đây là một tập hợp bất thường của những tế bào ở manh tràng. Khối u hình thành khi những tế bào nhân lên quá mức hoặc không chết đi như những tế bào bình thường. 

Các loại u manh tràng lành tính gồm: Polyp, viêm dạng u, u lao ở manh tràng. Hầu hết u lành tính không chuyển thành ung thư manh tràng. 

Tuy nhiên, một số loại có thể trở thành ác tính khi đến một thời điểm nhất định. Chúng có thể liên quan đến viêm, di truyền và nhiều yếu tố khác. 

2. U manh tràng ác tính 

U manh tràng cũng có thể là ác tính, bao gồm ung thư manh tràng hoặc u manh tràng lành tính chuyển thành ác tính sau một thời gian phát triển.

U manh tràng được phân thành 2 loại chính gồm u manh tràng lành tính và u manh tràng ác tính.

III. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ hình thành u manh tràng

Nguyên nhân chính xác gây u manh tràng hiện vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên,  các chuyên gia đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ chính khiến u manh tràng hình thành và phát triển trong cơ thể.

1. Nguyên nhân

Hiện nay, y học hiện đại vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra các khối u ở manh tràng. Tuy nhiên, một số thông tin cho rằng, các khối u manh tràng  chúng có thể liên quan đến di truyền, tiếp xúc với hóa chất hoặc bức xạ.

Các khối u hình thành khi các tế bào ở manh tràng phát triển quá mức. U manh tràng cũng có thể xảy ra do gen đột biến khiến các tế bào không chết đi, chúng vẫn tồn tại trong khi các tế bào bình thường chết đi. Điều này khiến các các tế bào tích tụ tạo thành những tế bào bất thường và hậu quả là hình thành khối u.

Nguyên nhân chính xác gây u manh tràng hiện vẫn chưa được tìm ra.

2. Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xuất hiện của các khối u manh tràng gồm: 

  • Tuổi tác: Nguy cơ bị u manh tràng tỷ lệ thuận với tuổi tác, cụ thể những người ngoài 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Di truyền: Trong gia đình nếu có người thân bị ung thư man thì khả năng xuất hiện u ở manh tràng cũng khá cao.
  • Hút thuốc lá, uống nhiều bia: Uống rượu bia, hút thuốc lá quá nhiều cũng kích thích các khối u ở manh tràng phát triển. 
  • Lười vận động: Thường xuyên ngồi một chỗ, không hoạt động đều ảnh hưởng không tốt tới chức năng tiêu hóa.
  • Thừa cân, béo phì: Những người béo phì hay thừa cân có nguy cơ bị u manh tràng và các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa cao hơn so với người bình thường.
  • Tiếp xúc bức xạ: Tiếp xúc với bức xạ hoặc xạ trị có thể kích thích sự phát triển quá mức của những tế bào ở manh tràng.
  • Môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất: Môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc hóa chất có thể tăng nguy cơ hình thành các khối u trong cơ thể, bao gồm cả u manh tràng. 
  • Chế độ ăn uống: Thói quen ăn ít chất xơ, rau củ và hoa quả là yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện các khối u ở manh tràng và tăng nguy cơ ung thư manh tràng. Nguy cơ cũng tăng cao ở những người ăn quá nhiều chất béo.
  • Bị các bệnh lý về viêm đường ruột (IBD): Bệnh nhân có tiền sử các bệnh về viêm đường ruột như: bệnh viêm ruột từng phần (Crohn), viêm loét đại tràng, có nguy cơ cao bị u manh tràng. 
  • Viêm manh tràng: Tình trạng viêm manh tràng không được điều trị sẽ tạo điều kiện cho khối u phát triển.
  • Tiểu đường: Bệnh nhân bị tiểu đường hoặc kháng insulin thường có nhiều khả năng bị ung thư đại tràng, có thể xảy ra ở manh tràng.
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xuất hiện của các khối u manh tràng như uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, ăn ít chất xơ, tiếp xúc bức xạ…

IV. Triệu chứng nhận biết u manh tràng

Thông thường, u manh tràng không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi khối u manh tràng xâm lấn sang các vùng lân cận (ung thư) hoặc phát triển đủ lớn, người bệnh sẽ có các triệu chứng sau:

  • Rối loạn đại tiện: Táo bón, tiêu chảy hoặc cả hai.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài.
  • Xuất huyết, đi ngoài ra máu tươi kèm theo chất nhầy.
  • Phân sẫm màu, hắc ín.
  • Bị đau ở vị trí hố chậu bên phải.
  • Đau đầu.
  • Đầy hơi, chướng bụng.
  • Nôn hoặc buồn nôn.
  • Sụt cân bất thường.
Rối loạn đại tiện, xuất huyết, đau ở hố chậu bên phải là các triệu chứng thường gặp ở người bị u manh tràng.

V. Biến chứng và tiên lượng bệnh u manh tràng

U manh tràng có thể là u manh tràng lành tính: u lành, hoặc là viêm dạng u, như u lao ở manh tràng nhưng cũng có thể là u manh tràng ác tính như: ung thư manh tràng. 

Phẫu thuật sớm có thể giúp loại bỏ u manh tràng và không để lại biến chứng, người bệnh vẫn có thể sống và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, u manh tràng thường có triệu chứng muộn gây khó khăn cho việc phát hiện cũng như điều trị.

Trường hợp các khối u manh tràng phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng dưới đây:

  • Xuất huyết.
  • Tắc ruột.
  • Thiếu máu.
  • Ung thư manh tràng.
  • Ung thư di căn và tử vong.

Do đó, tốt nhất ngay khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường liên quan tới manh tràng, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm, phòng tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

U manh tràng nếu phát hiện và điều trị muộn có thể gây xuất huyết, tắc ruột, thiếu máu, ung thư manh tràng….

VI. Phương pháp chẩn đoán u manh tràng

Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng cho người bệnh thông qua hỏi các triệu chứng, tiền sử bệnh lý và chấn thương. Trường hợp nghi ngờ có khối u bất thường hoặc viêm loét ở manh tràng, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm để kết luận chẩn đoán.

Các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng dùng trong chẩn đoán bệnh u manh tràng hiện nay gồm:

1. Nội soi đại tràng

Một ống nội soi linh hoạt và mảnh sẽ được bác sĩ đưa vào đại tràng qua hậu môn. Ống nội soi có gắn camera và đèn ở đầu giúp quan sát và chụp lại các bất thường trong manh tràng và đại tràng.

2. Sinh thiết

Trường hợp nội soi phát hiện có khối u, bác sĩ sẽ thực hiện cắt khối u hoặc lấy mẫu mô nhỏ. Mẫu bệnh phẩm sẽ được kiểm tra để xác định là u lành tính hay ác tính.

3. Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)

Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính ở vùng bụng. Căn cứ vào hình ảnh thu được, bác sĩ có thể xác định bất thường tại khu vực manh tràng.

4. Xét nghiệm máu và phân

Trong một số trường hợp, bệnh nhân u manh tràng được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm phân và máu để loại trừ nguy cơ nhiễm trùng.

5. Nội soi đại tràng sigma

Mục đích của nội soi đại tràng sigma là để sàng lọc ung thư ruột kết. Phương pháp này cũng giúp xác định chính xác và đánh giá kỹ vị trí vị ung thư trong đại tràng.

U manh tràng thường được bác sĩ chẩn đoán phân biệt với các tình trạng sức khỏe và bệnh lý sau:

  • Xoắn manh tràng.
  • Viêm ruột thừa cấp.
  • Bệnh viêm ruột.
Bác sĩ thực hiện nội soi chẩn đoán u manh tràng.

VII.  Cách điều trị bệnh u manh tràng 

Sau khi thăm khám và chẩn đoán bệnh, tùy thuộc vào kích thước và vị trí khối u mà bác sĩ sẽ có những chỉ định khác nhau về phương pháp điều trị ở từng bệnh nhân.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân có khối u lành tính ở manh tràng. Riêng với các u manh tràng ác tính, bệnh nhân có thể cần phải xạ trị hoặc/ và hóa trị để đảm bảo triệt tiêu triệt để các tế bào ung thư.

1. Phẫu thuật

Những khối u manh tràng nhỏ và số lượng thường được cắt bỏ ngay trong quá trình nội soi đại tràng). Nếu kích thước khối u quá hoặc ung thư, bác sĩ có thể thực hiện một trong các kỹ thuật sau:

  • Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Với các khối u manh tràng lớn, bác sĩ sẽ phẫu thuật nội soi cho người bệnh. Theo đó, bác sĩ tạo một vài vết rạch nhỏ ở bụng để đưa thiết bị nội soi vào nhằm loại bỏ hoàn toàn khối u bất thường ở manh tràng.
  • Cắt bỏ manh tràng: Trường hợp khối u manh tràng phát triển không bình thường hoặc xác định là khối u ung thư, bác sĩ có thể cân nhắc cắt bỏ toàn bộ manh tràng cũng như các mô khỏe mạnh xung quanh. Mục đích là để loại bỏ triệt để khối u ác tính và ngăn ung thư xâm lấn đến các bộ phận khác. Nếu ung ung thư đã lây lan, cần cắt bỏ các tế bào và hạch bạch huyết bị ảnh hưởng. Sau khi cắt bỏ manh tràng, bác sĩ sẽ nối lại các phần của đại tràng lại với nhau để bệnh nhân có thể sinh hoạt và đại tiện bình thường.
Phẫu thuật cắt bỏ u manh tràng.

2. Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Mục đích của phương pháp này là điều trị hoặc thu nhỏ kích thước khối u đồng thời ngăn chặn các tế bào ác tính phân chia và lây lan.

Phương pháp hóa trị có thể được thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật:

  • Trước phẫu thuật: Dùng cho bệnh nhân có khối u lớn với mục đích thu nhỏ kích thước, tạo điều kiện thuận lợi để loại bỏ ung thư hoàn toàn. 
  • Sau phẫu thuật: Hóa trị có thể kết hợp với xạ trị sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ác tính còn sót lại.
Hóa trị điều trị u manh tràng ác tính.

3. Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ ion hóa để loại bỏ khối u ung thư. Tác dụng chính là thu nhỏ khối u, phá tủy và tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời ngăn chặn phân chia – phát triển.

Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh và sức khỏe của từng bệnh nhân để chỉ định phương pháp xạ trị phù hợp:

  • Xạ trị áp sát: Nguồn phóng xạ được đưa vào cơ thể và gần với vị trí của khối u cần xạ trị.
  • Xạ trị ngoài: Chùm tia năng lượng cao chiếu vào khối u ung thư từ một thiết bị bên ngoài. 
Phương pháp xạ trị giúp loại bỏ các khối u manh tràng ác tính.

VIII. Biện pháp phòng ngừa u manh tràng 

Không có biện pháp ngăn ngừa triệt để và hoàn toàn các khối u manh tràng xuất hiện. Tuy nhiên, để giảm nguy cơ hình thành các khối u manh tràng, song song với việc thăm khám sức khỏe định kỳ thì những người thuộc nhóm nguy cơ cao bị u manh tràng nên thay đổi thói quen ăn và lối sống sinh hoạt hàng ngày của bản thân. Cụ thể:

  • Áp dụng chế độ ăn ít chất béo, dầu mỡ. 
  • Tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa như: hoa quả, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt…
  • Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và đồ uống chứa chất kích thích. 
  • Tăng cường tập thể dục, vận động cơ thể hàng ngày (ít nhất 30 phút/ngày) để tăng sức khỏe đề kháng và hệ miễn dịch phòng ngừa bệnh tật. 
  • Duy trì cân nặng phù hợp, tránh để thừa cân hoặc béo phì. 
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ phát triển khối u bất thường, ví dụ như tiểu đường, viêm manh tràng, bệnh viêm ruột từng phần (Crohn), viêm loét đại tràng. 
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ theo tư vấn của bác sĩ, thường là 6 tháng 1 lần để phát hiện kịp thời các bất thường về sức khỏe. 
  • Những người trên 45 tuổi hoặc có nguy cơ cao bị u manh tràng nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện và điều trị sớm các bất thường.
Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường là cách tốt nhất để phòng ngừa hình thành các khối u manh tràng.

Theo các chuyên gia sức khỏe, các bệnh ung thư thông thường đều phát triển từ những khối u một cách âm thầm không có dấu hiệu rõ rệt. Chính vì vậy, ngay khi nghi ngờ có dấu hiệu bị u manh tràng hay bất kỳ u ở bộ phận nào trong cơ thể bạn cũng cần tiến hành thăm khám với bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

5/5 - (2 bình chọn)
Đinh Thị Hiền

Tác giả:

Đinh Thị Hiền (Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2014-2018). Cô có 6 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copy Write tại các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, làm đẹp,… Hiện nay, Đinh Thị Hiền được biết đến với vai trò biên tập viên cho nhãn hàng Yumangel, với mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến sản phẩm cũng như các phương pháp trị đau dạ dày. Hy vọng, những nội dung mà Hiền truyền tải sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin hữu ích, giúp bạn có được những phương pháp chăm sóc dạ dày phù hợp.

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.