Rối loạn dạ dày thường gây ra các triệu chứng khó chịu như đau bụng, tiêu chảy, nóng rát dạ dày… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, rối loạn dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Mục lục
- I. Rối loạn dạ dày là gì?
- II. Phân loại rối loạn chức năng dạ dày
- III. 15 chứng bệnh rối loạn dạ dày phổ biến và thường gặp
- 1. Rối loạn chức năng vận động dạ dày
- 2. Rối loạn chức năng tiết dịch của dạ dày
- 3. Trào ngược dạ dày thực quản
- 4. Viêm loét dạ dày
- 5. Không dung nạp lactose
- 6. Viêm dạ dày
- 7. Nhiễm khuẩn dạ dày do HP/Helicobacter Pylori
- 8. Liệt dạ dày
- 9. Hội chứng Dumping
- 10. Nhạy cảm với gluten
- 11. Bệnh Crohn
- 12. Viêm đại tràng
- 13. Chứng khó tiêu chức năng
- 14. Viêm ruột thừa
- 15. Sỏi mật
- IV. 3 Nguyên nhân thường gặp gây rối loạn chức năng dạ dày
- V. 7 Biểu hiện của rối loạn dạ dày
- VI. Chẩn đoán và điều trị rối loạn dạ dày thế nào?
- VII. Cách phòng tránh rối loạn dạ dày
- VIII. Rối loạn dạ dày khi nào cần thăm khám bác sĩ?
I. Rối loạn dạ dày là gì?
Dạ dày có hai chức năng chính là vận động và tiết dịch. Trong đó:
- Chức năng vận động: Có sự tham gia của 2 bộ phận trong dạ dày là thân vị và hang vị. Thân vị, là phần phình ra to nhất của dạ dày, có nhiệm vụ co bóp thức ăn. Hang vị, nằm ngay phía dưới thân vị và trên môn vị. Sau khi quá trình tiêu hóa thức ăn ở thân vị hoàn tất, hang vị sẽ mở ra, giãn nở phù hợp để cho phép thức ăn đi qua, chuyển sang quá trình hấp thu dinh dưỡng.
- Chức năng tiết dịch: Là quá trình bài tiết dịch vị dạ dày của tế bào được chi phối bởi các yếu tố thần kinh cũng như thể dịch.
Vậy, rối loạn dạ dày được định nghĩa là tình trạng chức năng tiết dịch hoặc/và chức năng vận động của dạ dày vì một nguyên nhân nào đó mà hoạt động không bình thường dẫn đến hiện tượng rối loạn.
Theo thống kê, các bệnh lý rối loạn dạ dày chiếm đến 50% trong số những bệnh nhân gặp vấn đề tiêu hóa. Vấn đề này thường gặp ở người bị rối loạn thần kinh thực vật hoặc người có thần kinh dễ bị kích thích. Đặc biệt là các bạn trẻ ở lứa tuổi dậy thì.
II. Phân loại rối loạn chức năng dạ dày
Rối loạn dạ dày phân theo tính chất gồm 3 nhóm chính là: nhóm rối loạn vận động, nhóm rối loạn tiết dịch và nhóm rối loạn cảm giác. Khi phân theo nguyên nhân, rối loạn chức năng dạ dày gồm rối loạn dạ dày nguyên phát và thứ phát.
1. Phân loại theo nguyên nhân
- Rối loạn dạ dày nguyên phát: Thường là do các yếu tố thần kinh tâm thần gây nên. Ví dụ như lo lắng, căng thẳng, bực tức, phẫn nộ, sợ hãi hoặc các sang chấn tâm lý ở các mức độ khác nhau…
- Rối loạn dạ dày thứ phát: Thường xảy ra sau các bệnh mãn tính hoặc ăn uống không không khoa học.
2. Phân loại theo tính chất
- Nhóm rối loạn tiết dịch: gồm các vấn đề liên quan đến lượng tiết ra khỏi dạ dày, có thể là tăng, giảm hoặc không đều.
- Nhóm rối loạn vận động: gồm tăng hoặc giảm trương lực của dạ dày, co thắt hoặc giãn cơ quan này.
- Nhóm rối loạn cảm giác: thường gồm cảm giác đau ở dạ dày.
III. 15 chứng bệnh rối loạn dạ dày phổ biến và thường gặp
Các rối loạn dạ dày phổ biến và thường gặp hiện nay gồm: rối loạn chức năng vận động dạ dày, rối loạn chức năng tiết dịch của dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày,không dung nạp lactose, viêm dạ dày….
1. Rối loạn chức năng vận động dạ dày
Rối loạn chức năng vận động dạ dày liên quan đến những biến đổi về chức năng chứa thức ăn, co bóp và nghiền nát thức ăn của dạ dày. Các rối loạn chức năng vận động dạ dày gồm:
- Tăng trương lực dạ dày: Dạ dày có thể chứa được từ 1 – 1.5 lít nước. Trương lực chính là áp lực bên trong dạ dày, khoảng 8 – 10 cm H2O. Dạ dày co bóp nghiền nát thức ăn sẽ tạo nên áp lực – đó chính là trương lực. Khi xảy ra tình trạng rối loạn chức năng vận động dạ dày, trương lực dạ dày biến động không theo quy luật trên.
- Giảm hoặc mất trương lực dạ dày: Vào các thời điểm, dạ dày cần căng cơ ở một mức độ nhất định để đảm bảo các hoạt đông được diễn ra bình thường. Khi trương lực bị gảm hoặc mất đi, bệnh nhân sẽ bị trảo ngược dạ dày hay ợ hơi, ợ chưa.
- Giãn dạ dày cấp: Giãn dạ dày cấp tính là tình trạng rối loạn dạ dày nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh lý này gây tích tụ dịch ở trong dạ dày khiến khí có thể tích lớn hơn bình thường. Hậu quả là làm tăng kích thước dạ dày, phình to phía trên bụng, có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường. Giãn dạ dày cấp gây đau bụng liên tục, nôn nhiều dẫn đến giảm kali, mất ion trong máu và nhiều rối loạn chuyển hóa khác.
- Co thắt môn vị hoặc tâm vị: Tâm vị là bộ phận nằm ở phần phía trên của dạ dày, ngăn cách giữa thực quản và dạ dày. Rối loạn co thắt môn vị dạ dày khiến thực quản gặp khó khăn khi đẩy thức ăn xuống dạ dày và làm cơ vòng không hoạt động bình thường, mở ra không hoàn toàn. Từ đó gây ứ đọng thức ăn tại thực quản. Co thắt môn vị hoặc tâm vị dạ dày khiến người bệnh khó nuốt, hay nôn, buồn nôn, cảm giác tức và khó chịu ở ngực.
2. Rối loạn chức năng tiết dịch của dạ dày
Các rối loạn chức năng tiết dịch của dạ dày gồm:
- Tăng tiết dịch vị: Là tình trạng nồng độ aixt dạ dày tăng cao, vượt ngưỡng an toàn do các tuyến dạ dày tiết ra nhiều axit hơn bình thường. Đây cũng là lý do gây trào ngược dạ dày thực quản, nếu không điều trị để bệnh kéo dài sẽ dẫn đến loét, hẹp và chảy máu thực quản.
- Vô toan: Là hiện tượng dạ dày tiết ra ít axit (HCL), không đủ đáp ứng mức cần thiết. Tình trạng vô toan tiến triển nặng sẽ khiến dạ dày không thể tiết ra axit.
- Tăng toan: Ngược lại với vô toan, tăng toan là tình trạng axit dạ dày tăng tiết cao quá mức. Tình trạng này kéo dài sẽ là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề bệnh lý dạ dày khác như viêm loét dạ dày tá tràng.
- Vô dịch vị: Đây là vấn đề rối loạn dạ dày khiến các tuyến trong niêm mạc không tiết dịch vị dạ dày, hỗ trợ quá trình nghiền nát và tiêu hóa thức ăn.
3. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày là một chứng bệnh phổ biến trong rối loạn dạ dày. Đây là tình trạng dịch ở trong dạ dày (thức ăn, axit dạ dày, hơi) trào ngược lên thực quản. Nguyên nhân là do cơ vòng thực quản bị suy yếu hoặc dạ dày bị quá tải.
Các triệu chứng đặc trưng của bệnh trào ngược dạ dày gồm có: Nóng rát ở vùng ngực (ngay dưới xương ức), ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, ho khan, buồn nôn, khó thở, khó nuốt thức ăn,…
Tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, bạn cần phải thay đổi thói quen ăn uống của mình để giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh: Không ăn quá no trong một bữa, hạn chế các món ăn có chứa gia vị cay nóng, giảm đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, duy trì mức cân nặng hợp lý.
4. Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị viêm và loét. Các lớp niêm mạc bảo vệ bên trên bị bòn mòn, để lộ ra lớp thành dạ dày, thành ruột.
Triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày là đau vùng thượng vị, chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn, rối loạn tiêu hóa… Viêm loét dạ dày không được điều trị sẽ tiến triển thành mãn tính gây xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.
5. Không dung nạp lactose
Không dung nạp Lactose xuất phát từ tình trạng ruột non không sản xuất đủ enzyme lactase để tiêu hóa lactose, một thành phần của đường có trong sữa.
Do thiếu lactase nên thức ăn chứa lactose sẽ di chuyển vào đại tràng thay vì vào ruột non để được hấp thụ vào máu. Tại đại tràng, vi khuẩn sẽ tương tác với lactose chưa được tiêu hóa gây ra hiện tượng không dung nạp lactose.
Dấu hiệu đặc trưng của chứng rối loạn dạ dày ruột này là tiêu chảy, buồn nôn (đôi khi nôn), đau quặn bụng, bụng đầy khí, chướng bụng.
Hiện nay chưa có phương pháp nào làm tăng khả năng sản xuất enzyme lactase trong ruột non. Do đó, người bệnh thường tránh sử dụng các sản phẩm từ sữa hoặc ăn một phần nhỏ hay sử dụng các sản phẩm dành riêng cho người bất dung nạp lactose để giảm các khó chịu đến từ bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bổ sung probiotic qua các sản phẩm như sữa chua.
6. Viêm dạ dày
Viêm dạ dày còn được gọi là viêm niêm mạc dạ dày là tình trạng bề mặt niêm mạc bị tổn thương, bào mòn do vi khuẩn hoặc những tác nhân khác.
Triệu chứng viêm dạ dày điển hình nhất là cơn đau vùng thượng vị. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị nôn, buồn nôn, chán ăn, khó chịu trong bụng, ợ hơi, ợ chua, chán ăn…
7. Nhiễm khuẩn dạ dày do HP/Helicobacter Pylori
Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, hay H. pylori (viết tắt là H.p) là tình trạng rất phổ biến. Trong một số trường hợp, vi khuẩn HP có khả năng gây ra một số bệnh đường tiêu hóa, bao gồm viêm loét dạ dày tá tràng và ít phổ biến hơn là ung thư dạ dày.
Phần lớn những người bị nhiễm khuẩn dạ dày HP không có triệu chứng. Người bệnh chỉ nhận thấy triệu chứng khi xảy ra nhiễm trùng dẫn đến loét dạ dày hoặc tá tràng. Các triệu chứng gồm: Đau hoặc khó chịu (thường ở bụng trên); phình hoặc chướng bụng; ăn nhanh no, chán ăn; buồn nôn hoặc nôn; phân sẫm màu hoặc có lẫn máu…
8. Liệt dạ dày
Liệt dạ dày hay chậm làm rỗng dạ dày là tình trạng thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu hơn bình thường.
Triệu chứng điển hình của bệnh gồm: ợ chua hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD); bụng khó chịu; ăn không tiêu; ăn nhanh no, bụng phình to, chán ăn, sụt cân, đau bụng…
9. Hội chứng Dumping
Hội chứng Dumping còn được là hội chứng dạ dày rỗng nhanh. Bệnh xảy khi thức ăn, đặc biệt là đường, di chuyển từ dạ dày vào ruột non quá nhanh. Nguyên nhân thường liên quan đến sự thay đổi của dạ dày liên quan đến phẫu thuật, chẳng hạn như khi môn vị (dạ dày) đã bị cắt bỏ trong phẫu thuật.
Bệnh nhân mắc hội chứng Dumping đều có các triệu chứng như đau quặn bụng, tiêu chảy, thường xảy ra sau bữa ăn từ 10 đến 30 phút.
10. Nhạy cảm với gluten
Nhạy cảm với gluten là hiện tượng không dung nạp gluten. Theo ước tính, có khoảng 6-7% dân số bị nhạy cảm với gluten, nhưng những nhà nghiên cứu khác cho rằng số lượng có thể cao hơn – có thể là 50% dân số.
11. Bệnh Crohn
Bệnh Crohn còn được biết đến với tên gọi khác là viêm ruột mãn tính từng vùng (IBD). Đây là một bệnh tự miễn gây ra bởi tình trạng viêm ở đường tiêu hóa.
Khi mắc bệnh Crohn, người bệnh thường gặp các triệu chứng sau: đau quặn bụng, tiêu chảy hoặc tiêu chảy có máu; mót rặn, đầy bụng, sốt, sụt cân, suy nhược cơ thể…
12. Viêm đại tràng
Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị viêm. Thống kê cho thấy, có khoảng 20% dân số Việt Nam mắc bệnh viêm đại tràng, trong số đó có 4 triệu người mắc viêm đại tràng mãn tính.
Các triệu chứng của viêm đại tràng gồm: đau bụng; phân bất thường chủ yếu là phân lỏng và đi nhiều lần trong ngày; lẫn máu hoặc nhầy; cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sụt cân; đầy hơi, chướng bụng; có thể bị sốt nhẹ…
13. Chứng khó tiêu chức năng
Chứng khó tiêu chức năng (Functional Dyspepsia – FD) là một thuật ngữ mô tả tập hợp của các triệu chứng xảy ra trên thực quản, dạ dày và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non).
Các triệu chứng của chứng khó tiêu chức năng gồm: đầy bụng sau ăn, đau thượng vị, ợ hơi; ăn nhanh no, cảm giác nóng rát, buồn nôn, nôn ói, ợ hơi, đầy hơi, khó chịu sau bữa ăn.
14. Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm do vi khuẩn, vi rút xâm nhập, khối u, tắc nghẽn chất thải… khiến người bệnh bị đau bụng, sốt và buồn nôn.
Viêm ruột thừa nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như vỡ ruột thừa, áp xe…
15. Sỏi mật
Sỏi mật là các tinh thể rắn hình thành trong túi mật do sự mất cân bằng các thành phần trong dịch mật. Bệnh gây ra các cơn đau bụng trên bên phải, đau vùng giữa bụng trên, đau bụng trên bên phải lan ra vai phải hoặc lưng kèm buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh, vàng da, vàng mắt…
Các viên sỏi lớn có thể gây tắc nghẽn con đường vận chuyển mật tự nhiên, dẫn đến nhiều vấn đề đáng lo ngại cho sức khỏe. Trong một số trường hợp, sỏi mật liên quan trực tiếp đến các bệnh lý nguy hiểm như: thủng túi mật, viêm túi mật, ung thư túi mật…
IV. 3 Nguyên nhân thường gặp gây rối loạn chức năng dạ dày
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn dạ dày, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
1. Do yếu tố về thần kinh, tâm thần
Căng thẳng, sợ hãi, bực tức, phẫn nộ, sang chấn tâm lý… đều có thể làm niêm mạc dạ dày bị nhạt màu, làm giảm tiết dịch và nhu động.
2. Do bệnh lý
Do hậu quả mắc các bệnh như viêm tụy, viêm ruột thừa mãn tính, viêm đại tràng mãn tính, viêm túi mật, viêm gan, viêm tụy mãn tính, viêm túi mật mãn tính…
3. Do chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học
Chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học cũng là nguyên nhân dẫn đến rối loạn dạ dày. Cụ đó đó là: ăn nhanh, không nhai kỹ, vừa ăn vừa làm, giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ thất thường, làm ngay sau khi ăn, thường xuyên sử dụng rượu bia và ăn đồ cay, nóng…
V. 7 Biểu hiện của rối loạn dạ dày
Rối loạn dạ dày có thể biểu hiện bằng một hoặc nhiều dấu hiệu khác nhau. Dưới đây là các triệu chứng rối loạn dạ dày thường gặp nhất ở bệnh:
- Nóng ở ngực (ngay dưới xương ức).
- Đau bụng xung quanh vùng rốn.
- Đau nhói dưới xương sườn.
- Nóng rát ở dạ dày.
- Khó chịu vùng bụng và mót đại tiện.
- Đau quặn bụng, tiêu chảy kéo dài.
- Tiêu chảy ra máu, sốt.
Dưới đây là thông tin chi tiết về từng biểu hiện giúp người bệnh nhận biết bệnh rối loạn dạ dày sớm:
1. Nóng ở ngực
Phần lớn mọi người bệnh sẽ có cảm giác nóng rát ngay dưới xương ức. Nguyên nhân có thể là do trào ngược axit.
2. Đau bụng xung quanh rốn
Cơn đau ruột thừa có thể bắt đầu bằng các cơn đau âm ỉ ngay xung quanh rốn. Khi cơn đau nghiêm trọng và tồi tệ hơn, nó sẽ di chuyển về phía hông bên phải. Nguyên nhân có thể do viêm ruột thừa.
3. Đau nhói dưới xương sườn
Người bị rối loạn dạ dày có thể bị đau nhói ở dưới xương sườn. Cơn đau có thể tăng lên sau khi ăn. Nguyên nhân có thể là do sỏi mật.
4. Nóng rát dạ dày
Cảm giác nóng rát dạ dày thường xuyên xuất hiện, nhất là sau khi người bệnh ăn xong có thể là dấu hiệu bị viêm loét dạ dày. Khác với ợ nóng, người bệnh cảm thấy nóng ngay trong ruột chứ không phải ở ngực.
5. Khó chịu bụng và mót đại tiện
Người bệnh có cảm giác khó chịu ở toàn bộ vùng bụng, không tập trung ở bất kỳ khu vực cụ thể nào. Cảm giác khó chịu khiến người rối loạn dạ dày bị mót đại tiện phải liên tục vào nhà vệ sinh.
6. Đau quặn bụng, tiêu chảy kéo dài
Bệnh nhân rối loạn dạ dày còn bị đau quặn bụng kèm theo tiêu chảy kéo dài, đầy hơi và chướng bụng. Nguyên nhân có thể do mắc bệnh đường ruột hoặc dị ứng với gluten hoặc không dung nạp lactose.
7. Tiêu chảy ra máu, sốt
Cùng với đầy hơi co thắt, chứng bụng, người bị rối loạn dạ dày cũng có thể thấy máu trong phân, kèm theo buồn nôn và sốt. Nguyên nhân có thể do viêm đại tràng, hoặc bệnh Crohn.
VI. Chẩn đoán và điều trị rối loạn dạ dày thế nào?
Theo trang summahealth.org, cách chẩn đoán và điều trị rối loạn dạ dày cụ thể như sau:
1. Chẩn đoán
Các phương pháp dùng trong chẩn đoán rối loạn dạ dày gồm:
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ hỏi triệu chứng và kiểm tra tiền sử bệnh nhằm xác định xem bệnh nhân có bị bệnh dạ dày hay không.
- Thăm khám cận lâm sàng: Người bệnh có thể cần thực hiện nội soi thực quản dạ dày tá tràng (EGD). EGD là một thủ thuật để kiểm tra niêm mạc thực quản, dạ dày và phần đầu của ruột non.
2. Điều trị
Mỗi rối loạn dạ dày có phương pháp điều trị khác nhau. Tốt nhất, khi gặp các dấu hiệu của bệnh rối loạn dạ dày, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm, tránh để lâu ngày dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Có hai phương điều trị rối loạn dạ dày phổ biến là dùng thuốc và phẫu thuật. Trong đó, với phương pháp phẫu thuật, bác sĩ thường sử dụng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân như: ít đau sau phẫu thuật, ít chảy máu, ít để lại sẹo, thời gian hồi phục nhanh hơn.
VII. Cách phòng tránh rối loạn dạ dày
Các vấn đề về dạ dày thường xuất phát từ thói quen ăn uống, ngủ nghỉ của người bệnh. Ngoài ra, tinh thần cũng là một trong các yếu tố quan trọng tác động đến dạ dày.
Dưới đây là một số lưu ý giúp chúng ta phòng tránh các rắc rối đến từ dạ dày:
1. Ăn nhiều bữa nhỏ
Thay vì 3 bữa/ngày, bạ nên ăn 4-5 bữa nhỏ và ăn chậm rãi. Dành thời gian nhai thức ăn đúng cách giúp bạn cảm thấy no, giảm thiểu tình trạng ăn quá nhiều có thể gây ra đầy hơi, đầy hơi, ợ chua và khó tiêu.
2. Ăn uống cân bằng
Theo trang scripps.org, để không bị rối loạn dạ dày, bạn nên tránh xa đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, khó tiêu hóa, đồ ăn nhanh nhanh, các món ăn đường phố, các món ăn cay nóng. Hạn chế tối đa tiêu thụ các đồ uống kích thích hoặc có ga, đặc biệt là rượu, bia, thuốc lá.
Thay vào đó, hãy bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày những thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả, anh đào, nho, ớt chuông, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
Đặc biệt, nên thêm cá vào bữa ăn hàng ngày. Cá là thực phẩm lành mạnh rất giàu axit béo omega 3 – có tác giảm viêm và cải thiện các vấn đề về tiêu hóa. Các thực phẩm có chứa Probiotic như sữa chua, kefir, chứa vi khuẩn tốt có thể chống lại bất kỳ vi khuẩn xấu nào ẩn nấp trong ruột.
3. Uống nhiều nước, hạn chế rượu bia
Nước giúp cơ thể loại bỏ chất thải và độc tố, giúp ruột kết loại bỏ chất thải và ngăn ngừa táo bón. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn uống đủ nước mỗi ngày.
Ngược lại, cần hạn chế uống rượu vì đồ uống này làm cản trở quá trình tiết axit và hấp thụ chất dinh dưỡng. Uống quá nhiều rượu có thể gây ra chứng ợ nóng, tiêu chảy và các vấn đề về gan.
4. Quản lý căng thẳng
Một số nghiên cứu cho thấy, căng thẳng lo lắng kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý dạ dày. Nguyên nhân là do não có tác động trực tiếp đến dạ dày.
Theo trang scripps.org, hệ tiêu hóa được điều khiển bởi một hệ thống phức tạp gồm khoảng 100 triệu dây thần kinh bắt đầu trong não và kết thúc ở ruột. Do đó, cảm xúc sẽ gây ra các phản ứng hóa học và thể chất trong cơ thể, có thể dẫn đến đau bụng và khó chịu.
Do đó, nếu bị căng thẳng thường xuyên, bạn hãy sắp xếp thời gian để giải trí, thư giãn hoặc chia sẻ với bạn bè, người thân để được giải tỏa và có thể có phương án giải quyết vấn đề đang khúc mắc. Riêng với trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, bố mẹ hãy trò chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn để hiểu con hơn.
5. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
Cân nặng tăng gây áp lực lớn lên vùng bụng dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như ợ nóng, đầy hơi và ợ hơi trở nên tồi tệ hơn. Bạn sẽ cần giảm can nhưng nên thực hiện những thay đổi nhỏ để giảm cân khoa học.
6. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục, hoạt động thể chất hàng ngày có thể giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động loại bỏ chất thải hiệu quả hơn. Hãy thử đạp xe, đi bộ, bơi lội, chạy bộ hoặc sử dụng máy tập hình…
VIII. Rối loạn dạ dày khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Thăm khám và chữa trị càng sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao đồng thời phòng tránh được biến chứng nguy hiểm. Do đó, nếu thường xuyên bị nóng ở ngực, đau nhói dưới xương sườn, đau bụng xung quanh vùng rốn, cảm giác nóng rát ở dạ dày… người bệnh nên đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp.
Rối loạn dạ dày thường do ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh. Khi xuất hiện dấu hiệu bị rối loạn dạ dày, người bệnh không nên chủ quan, hãy chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để tránh bệnh tiến triển nặng gây biến chứng nguy hiểm.
Để được tư vấn thêm về bệnh dạ dày, bạn có thể gọi đến hotline dược sĩ: 1800 1125 (miễn phí cước) hoặc để lại bình luận dưới bài viết này để được tư vấn thêm.
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…