Tổng hợp hình ảnh viêm hang vị dạ dày kèm giải thích chi tiết

Để chẩn đoán và điều trị bệnh, các bác sĩ thường dùng kỹ thuật nội soi để xem được hình ảnh của niêm mạc hang vị dạ dày. Dưới đây là hình ảnh viêm hang vị dạ dày kèm giải thích chi tiết mà Thuốc chữ Y muốn chia sẻ để bạn hiểu hơn về các mức độ khác nhau của bệnh. 

I. Viêm hang vị dạ dày: Triệu chứng và mức độ nguy hiểm

Hang vị dạ dày là phần cuối cùng của dạ dày, nơi thức ăn từ dạ dày chuyển vào ruột chủ yếu để tiếp tục quá trình tiêu hóa. Viêm hang vị dạ dày là tình trạng hang vị dạ dày bị viêm nhiễm.

Các nguyên nhân gây viêm hang vị dạ dày gồm: do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp); thường xuyên sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau; stress, trầm cảm kéo dài; hút thuốc lá, sử dụng rượu bia; ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh…

Triệu chứng viêm hang vị dạ dày thường gặp gồm: 

  • Ăn uống khó tiêu, đầy bụng. 
  • Ợ hơi, ợ chua.
  • Phân có màu đen.
  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
  • Chán ăn.
  • Vùng bụng có cảm giác đau, nóng rát.
  • Có thể đau ở vùng rốn từ đau nhẹ đến đau dữ dội.

Nếu không được phát hiện sớm, viêm hang vị dạ dày kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến những biến chứng vô cùng khó lường như:

  • Xuất huyết tiêu hóa trên.
  • Thủng hoặc dò ổ loét.
  • Hẹp môn vị.
  • Ung thư hóa.

Nếu không được phát hiện sớm, viêm hang vị dạ dày kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến những biến chứng vô cùng khó lường

II. Phương pháp chẩn đoán viêm hang vị dạ dày

Viêm hang vị dạ dày thường được chẩn đoán bằng phương pháp nội soi dạ dày, đôi khi là chụp X quang. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào nhu cầu, triệu chứng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp.

  • Với hình ảnh thu được từ nội soi dạ dày: Bác sĩ có thể quan sát niêm mạc, sự chuyển động và màu sắc của nó cũng như ảnh hưởng của sóng nhu động lên các nếp nhăn. Cùng với đó, các tổn thương như viêm, xước hay loét bề mặt có thể thấy rõ trên nội soi dạ dày.
  • Với hình ảnh X-quang: Giúp bác sĩ có thể nghiên cứu độ dày và chuyển động của lớp niêm mạc đồng thời có thể phát hiện vết loét khi vết loét đủ sâu để gây ra miệng hố loét.

Những hình ảnh viêm hang vị dạ dày thu được từ nội soi dạ dày và chụp X- quang sẽ hỗ trợ bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh cho từng trường hợp. Đồng thời, qua các kết luận từ chẩn đoán hình ảnh người bệnh cũng sẽ được biết một số khái niệm đi kèm như:

  • Viêm trợt: Đây là là vết trượt dài phổ biến và thường thấy trong các bệnh lý về dạ dày như: viêm trợt hang vị dạ dày hay trào ngược dạ dày. Vết trợt là tổn thương niêm mạc dạ dày nhẹ, chưa xuyên qua lớp cơ niêm. Viêm trợt có 2 loại là viêm trợt lồi và viêm trợt phẳng. Vị trí hay gặp nhất là hang vị dạ dày.
  • Ăn mòn: Đây là tình trạng nhẹ hơn loét. Ăn mòn là tổn thương dày và sâu hơn vết trợt nhưng chưa xuyên qua lớp cơ niêm.
  • Xung huyết: Là tình trạng niêm mạc hang vị dạ dày bị viêm nhiễm, gây ra các triệu chứng như sưng tấy, xung huyết, đau rát, đôi khi còn kèm theo cả phù nề…
  • Loét: Vết loét là tổn thương có xuất huyết. Đây là tổn thương niêm mạc dạ dày sâu nhất, xuyên qua lớp cơ niêm và có thể đến lớp bì.

III. Hình ảnh viêm hang vị dạ dày kèm giải thích chi tiết

Phần nội dung tiếp theo của bài viết, chúng tôi sẽ cung cấp các hình ảnh viêm dạ dày qua nội soi và chụp X-quang kèm theo đó là những thông tin giải thích chi tiết để bạn có thể hiểu rõ hơn về bệnh viêm hang vị dạ dày.

1. Hình ảnh viêm hang vị dạ dày qua chụp X quang 

Trong một số trường hợp, cụ thể là bệnh nhân bị nôn liên tục, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X quang. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách chiếu tia X vào vùng tiêu hóa trên từ ngang bụng lên đến ngực để thu được hình ảnh gồm cả dạ dày và ruột non.

Trước khi thực hiện, người bệnh phải nuốt một chất lỏng màu phấn có chứa bari – đây là chất giúp cải thiện khả năng hiển thị bất kỳ vết loét nào trên hình ảnh X-quang.

Hình ảnh viêm hang vị dạ dày ở mức nhẹ phát hiện qua chụp X quang

Cụ thể trong hình ở trên có thể thấy: 

  • Các vết loét ứng với các chấm sáng nhỏ kích thước 2-3 mm nên được dùng với thuật ngữ xói mòn. 
  • Trường hợp điểm sáng lớn hơn được gọi là vết loét.

Tuy nhiên, hình ảnh thu được từ chụp X quang giúp chẩn đoán chính xác hơn khi các vết viêm đã tạo thành ổ loét. Với trường hợp viêm hang vị dạ dày nhẹ thì cần đến hình ảnh từ nội soi đến đánh giá chính xác hơn.

2. Hình ảnh viêm hang vị dạ dày qua nội soi

Dưới đây là hình ảnh viêm hang vị dạ dày chúng tôi tổng hợp được thông qua kỹ thuật nội soi đường tiêu hóa trên.

2.1. Hình ảnh hang vị dạ dày bình thường

Trước tiên hãy cùng quan sát hình ảnh hang vị dạ dày khỏe mạnh, bình thường chưa có dấu hiệu viêm hay tổn thương. Từ đó bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy sự khác biệt với hình ảnh hang vị dạ dày bị viêm.

Hình ảnh nội soi cận cảnh niêm mạc dạ dày bình thường, không bị tổn thương

Nhìn vào hình trên có thể thấy, các tĩnh mạch thu thập ở niêm mạc hang vị có hình dạng giống như sao biển và được sắp đặt đều đặn.

2.2. Hình ảnh viêm hang vị liên quan đến HP dương tính

Như đã nói ở trên, viêm hang vị dạ dày do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất là do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori/HP. Vi khuẩn HP sau khi xâm nhập vào dạ dày sẽ cư trú và làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Hậu quả là gây viêm và dẫn đến các triệu chứng bệnh.

Hình ảnh viêm hang vị dạ dày liên quan đến HP dương tính chụp qua nội soi .

Hình ảnh cung cấp ở trên  là một loạt các hình ảnh từ kết quả nội soi của 1 trường hợp viêm hang vị dạ dày do nhiễm khuẩn HP. Cụ thể hơn là:

  • Có nốt sần ở hang vị.
  • Có sự gia tăng của xói mòn. 
  • Không những ở hang vị, thân của dạ dày cũng bị tổn thương với biểu hiện là xuất hiện những đốm đỏ. 
  • Có xuất hiện phù nề kèm lớp tiết dịch mỏng ở nếp gấp dạ dày.

2.3. Hình ảnh viêm trợt hang vị dạ dày

Viêm trợt hang vị dạ dày có viêm trợt  nông và viêm trợt lồi:

  • Viêm trợt nông: Các vết viêm trợt trầy xước nhẹ, khi nhìn thấy phẳng hoặc nông (hơi lồi 1 chút). Điều trị sớm viêm trợt nông sẽ nhanh khỏi vì đây là mức độ tổn thương mức độ nhẹ nhất của viêm loét hang vị dạ dày.
  • Viêm trợt lồi: Là các vết trầy xước hình thành do tiếp xúc liên tục với thức ăn và dịch vị. Quan sát có thể viêm trợt lồi giống như vết sẹo, phồng lồi dần lên và rất khó phục hồi. Thức ăn và dịch vị dạ dày rất dễ bị bám vào vết trợt lồi khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.

Hình ảnh viêm trợt lồi và viêm trợt phẳng trên niêm mạc hang vị dạ dày.

Phía trên là hình ảnh nội soi của niêm mạc hang vị dạ dày trong trường hợp viêm trợt nông ảnh A và viêm trợt lồi ảnh B. 

2.4. Hình ảnh viêm hang vị dạ dày ăn mòn

Viêm hang vị dạ dày xói mòn thường xuất hiện các tổn thương trượt dài trên các nếp gấp ở bề mặt niêm mạc. 

Các tổn thương giống các vết chấm đỏ dọc theo các nếp gấp. Không chỉ gây khó chịu, viêm hang vị dạ dày ăn mòn còn dẫn đến triệu chứng như chảy máu, đau bụng, buồn nôn,tiêu chảy.

Nguyên nhân chủ yếu của viêm hang vị dạ dày ăn mòn là do dùng thuốc chống viêm không có steroid (NSAID), rượu và căng thẳng kéo dài. 

Hình ảnh nội soi niêm mạc dạ dày trong trường hợp ăn mòn.

Trên đây là hình ảnh niêm mạc hang vị dạ dày bị xói mòn với:

  • Phần ảnh A: Là niêm mạc hang vị dạ dày bị xói mòn kèm nhiều vết xung huyết đỏ xuất hiện xung quanh hang vị.
  • Phần ảnh B: Là niêm mạc hang vị xói mòn cấp tính có xuất hiện vết loét.

2.5. Hình ảnh viêm xung huyết hang vị dạ dày

Khi bị viêm xung huyết hang vị dạ dày, hình ảnh thu được từ nội soi thường có các vết thương dạng đốm đỏ xâm chiếm vùng hang vị. Lúc này các mạch máu bị giãn nở do ứ quá nhiều máu gây ra xung huyết hình ảnh sẽ có màu đỏ hơn các vùng khác.

Dạng viêm hang vị dạ dày xung huyết thường gặp ở những người lứa tuổi trung niên trở lên, đặc biệt là người cao tuổi.

Hình ảnh nội soi niêm mạc hang vị dạ dày khi bị xung huyết

Trên đây là hình ảnh niêm mạc hang vị dạ dày xuất hiện các vết xung huyết:

  • Phần ảnh A: Là xung huyết ở mức độ nhẹ mới chỉ có các vết hồng ban dạng đốm. 
  • Phần ảnh B: Là trường hợp nặng hơn, không chỉ xung huyết mà còn xuất hiện cả phù nề. Lớp niêm mạc lúc này đã bị nhiễm trùng gây xung huyết, phù nề và ứa máu.

2.6. Hình ảnh biến chứng viêm hang vị dạ dày

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm hang vị dạ dày có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: xuất huyết tiêu hoá, hẹp môn vị, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.

Hình ảnh các biến chứng của viêm hang vị dạ dày

Căn cứ vào hình ảnh trên có thể thấy:

  • Xuất huyết tiêu hóa: Tương ứng với phần ảnh A, có thể thấy lúc này máu chảy ra khỏi lòng mạch của đường tiêu hóa.
  • Hẹp môn vị: Tương ứng với phần ảnh B, quan sát có thể thấy tình trạng ách tắc lưu thông thức ăn và dịch vị từ dạ dày xuống tá tràng.
  • Thủng dạ dày: Tương ứng với phần ảnh C, lúc này thành dạ dày bị vỡ, xuất hiện một hoặc nhiều lỗ thủng.
  • Ung thư dạ dày: Tương ứng với phần ảnh D, có thể thất khối u ác tính đã phát triển, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

IV. Cách điều trị viêm hang vị dạ dày hiệu quả

Tuỳ theo mức độ bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Với trường hợp viêm dạ dày nhẹ và mới khởi phát, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân điều trị không dùng thuốc bằng cách thay đổi thói quen ăn uống khoa học hơn.

Trường hợp cách điều trị không dùng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị sau:

1. Điều trị bằng thuốc

Với các bệnh nhân bị viêm hang vị dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị diệt vi khuẩn bằng kháng sinh trước. Phác đồ điều trị vi khuẩn HP thông thường kéo dài 14 ngày, phối hợp ít nhất 2 kháng sinh đường uống và thuốc ức chế acid dạ dày. 

Các thuốc kháng sinh thường được dùng để tiêu diệt vi khuẩn HP gồm:

  • Amoxicillin
  • Tetracycline
  • Metronidazole
  • Tinidazole
  • Fluoroquinolone
  • Bismuth

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân kết hợp điều trị bằng các loại thuốc có công dụng làm giảm tác động của acid lên thành hang vị dạ dày và tăng bảo vệ lớp niêm mạc. 

Một số loại thuốc thường được dùng trong điều trị viêm hang vị dạ dày gồm:

  • Thuốc ức chế thụ thể histamin H2.
  • Thuốc ức chế bơm proton.
  • Thuốc trung hòa acid dịch vị.

2. Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật chỉ được bác sĩ chỉ định trong trường hợp bệnh nhân viêm hang vị dạ dày xuất hiện biến chứng như hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày hay ung thư hoá. 

Trong quá trình điều trị viêm hang vị dạ dày, người bệnh nên thay đổi thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh để hỗ trợ quá trình điều trị  và hạn chế tối đa khả năng tái phát bệnh. 

Trên là các hình ảnh viêm hang vị dạ dày chúng tôi tổng hợp được kèm theo đó là những thông tin giải thích chi tiết. Hy vọng sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng hơn về các mức độ của bệnh viêm hang vị dạ dày để có cách phòng tránh hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm:

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ

Nguyễn Thị Thu

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

0/5 (0 lượt bình chọn)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *