Skip to main content

Viêm loét dạ dày nôn ra máu nguy hiểm không? Nguyên nhân và giải pháp

Viêm loét dạ dày nôn ra máu là hậu quả của việc để bệnh loét dạ dày kéo dài không điều trị gây biến chứng xuất huyết dạ dày (chảy máu dạ dày, chảy máu trong). Tình trạng chảy máu dạ dày nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tử vong do mất nhiều máu. 

I. Viêm loét dạ dày nôn ra máu là tình trạng gì?

Theo nhsinform.scot, loét dạ dày là vết loét hở phát triển trên niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân chính là do nhiễm vi khuẩn HP và lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Viêm loét dạ dày là bệnh lý tiêu hóa phổ biến và có tỷ lệ người mắc bệnh cao. Trang en.wikipedia.org cho biết, viêm loét dạ dày tá tràng hiện diện ở khoảng 4% dân số thế giới. Theo Hội khoa học Tiêu hóa, tại Việt Nam có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

Khi bị viêm loét dạ dày, người bệnh gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu như đau bụng vùng thượng vị, khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn, nôn… làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, công việc và học tập của người bệnh. 

Viêm loét dạ dày nôn ra máu là dấu hiệu viêm loét dạ dày nặng và báo động cần điều trị y tế ngay. Khi bị chảy máu ổ loét dạ dày, bệnh nhân có thể nôn ra dịch đỏ sẫm, có lẫn thức ăn hoặc với dịch vị chua. 

Triệu chứng nôn ra máu ở bệnh nhân viêm loét dạ dày xuất hiện là do biến chứng xuất huyết dạ dày (chảy máu trong, chảy máu dạ dày). Theo trang nhs.uk, chảy máu trong là biến chứng của viêm loét dạ dày. Biến chứng này có thể xảy ra khi vết loét phát triển ở vị trí mạch máu. Chảy máu có thể là:

  • Chảy máu chậm và lâu dài: Dẫn đến thiếu máu gây mệt mỏi, khó thở, da nhợt nhạt và tim đập nhanh.
  • Chảy máu nhanh và nghiêm trọng: Khiến người bệnh nôn ra máu, đại tiện ra máu hoặc phân có màu đen, dính và giống như nhựa đường.

Viêm loét dạ dày nôn ra máu là tình trạng nguy hiểm, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay để được điều trị kịp thời. Vì nếu để xuất huyết tiêu hóa kéo dài có thể gây mất máu nghiêm trọng, dẫn đến sốc, nặng nhất là tử vong.

Triệu chứng nôn ra máu ở bệnh nhân viêm loét dạ dày xuất hiện là do biến chứng xuất huyết dạ dày. 
Triệu chứng nôn ra máu ở bệnh nhân viêm loét dạ dày xuất hiện là do biến chứng xuất huyết dạ dày.

II. Cách nhận biết viêm loét dạ dày nôn ra máu và triệu chứng kèm theo

Dưới đây là các đặc điểm dấu hiệu viêm loét dạ dày nôn ra máu và triệu chứng kèm theo giúp người bệnh dễ dàng nhận biết hơn:

1. Đặc điểm của dấu hiệu nôn ra máu

Nôn ra máu là dấu hiệu xuất huyết dạ dày thường gặp, hầu như bệnh nhân viêm loét dạ dày nào cũng có biểu hiện này. Cụ thể:

  • Nôn ra máu tươi hoặc dịch đỏ sẫm.
  • Dịch nôn có thể lẫn thức ăn hoặc với dịch vị chua. 
  • Một số người có thể nôn ra thức ăn rồi mới trào ra máu.
  • Có cảm giác no, khó chịu, buồn nôn, kèm theo vị tanh trong miệng. ‘
  • Bị đầy bụng, chướng bụng.

Nôn ra máu là dấu hiệu hết sức nguy hiểm. Nếu tình trạng nôn ra máu nặng, bệnh nhân có thể bị mất máu nhiều, đe dọa đến tính mạng. Vì vậy trong trường hợp này người bệnh cần được cấp cứu kịp thời để cầm máu.

2. Triệu chứng kèm theo

Bệnh nhân viêm loét dạ dày khi xuất hiện biến chứng chảy máu dạ dày có thể gặp các triệu chứng khác dưới đây:

  • Phân đen: Bệnh nhân đi ngoài phân đen như bã cà phê; phân nhớt và có mùi hôi rất khó chịu. Triệu chứng này thường xuất hiện ngay sau khi người bệnh nôn ra máu. 
  • Đau bụng: Người bệnh đau âm ỉ, nóng rát vùng rốn trên (thượng vị). Cơn đau có thể lan rộng khắp vùng bụng, mức độ đau dữ dội, bụng căng cứng. Triệu chứng này có thể xuất hiện vài ngày trước khi chảy máu trong xảy ra.
  • Triệu chứng toàn thân: Chóng mặt, choáng váng do thiếu máu sau khi nôn ra máu. Người bệnh có thể bị sốc hoặc ngất xỉu, da nhợt nhạt, đổ mồ hôi, ù tai, khát nước, mạch nhanh…
Người bệnh nôn ra máu tươi hoặc dịch đỏ sẫm, có lẫn thức ăn. 
Người bệnh nôn ra máu tươi hoặc dịch đỏ sẫm, có lẫn thức ăn.

III. Nguyên nhân khiến bệnh nhân viêm loét dạ dày bị nôn ra máu

Khi dạ dày bị viêm loét đồng nghĩa với việc lớp niêm mạc dạ dày đang phải chịu tổn thương. Các tổn thương này sẽ chuyển từ viêm sang loét nếu người bệnh không điều trị và để bệnh diễn ra trong thời gian dài hoặc khi các điều kiện thuận lợi như: đồ uống có chứa cồn, lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, căng thẳng quá độ, sự tấn công của vi khuẩn Hp, ăn nhiều đồ cay nóng, thức khuya…

Viêm loét dạ dày lâu ngày khiến cho tĩnh mạch ở niêm mạc dạ dày bị tổn thương, gây ra chảy máu. Bên cạnh nôn ra máu, người bệnh còn có thể bị đau dữ dội ở vùng thượng vị, toát mồ hôi lạnh, đi ngoài ra phân đen, chóng mặt, bụng cứng. Theo các chuyên gia thì đây là biến chứng xuất huyết dạ dày (chảy máu dạ dày, chảy máu trong) do viêm loét dạ dày mãn tính gây ra.

Trang nidirect.gov.uk cho hay, nôn ra máu kèm theo cảm giác cồn cào và nóng rát ở bụng rất có thể là do viêm loét dạ dày nghiêm trọng. Chảy máu xảy ra khi vết loét hoặc viêm làm tổn thương động mạch bên dưới (mạch máu).

Theo verywellhealth.com, chảy máu trong xảy ra nếu có mạch máu bị vỡ ở dạ dày hoặc ruột non. Điều này có thể dẫn đến giảm huyết áp và các triệu chứng như chóng mặt, suy nhược, da nhợt nhạt, nhịp tim nhanh và ngất xỉu. Một số người bị nôn ra máu, số khác có thể bị đi ngoài ra máu dưới dạng phân đen (màu sẫm như hắc ín) hoặc có máu đỏ tươi.

Một số thông tin khác cho rằng, có khoảng 15 – 16% loét dạ dày sẽ có biến chứng chảy máu dạ dày. Các vết loét có dạng sợi, làm thủng các mô xung quanh vị trí loét và mạch máu dạ dày, gây chảy máu dạ dày. Chảy máu niêm mạc dạ dày có thể xuất hiện ở một vài điểm hoặc chảy máu toàn bộ niêm mạc dạ dày.

Nguyên nhân khiến bệnh nhân viêm loét dạ dày bị nôn ra máu là do biến chứng chảy máu dạ dày.
Nguyên nhân khiến bệnh nhân viêm loét dạ dày bị nôn ra máu là do biến chứng chảy máu dạ dày.

IV. Viêm loét dạ dày nôn ra máu có nguy hiểm không? 

Viêm loét dạ dày có nguy hiểm hay không và nguy hiểm thế nào phụ thuộc vào lượng máu và số lần nôn ra máu của bệnh nhân. Có 2 dạng nôn ra máu do viêm loét dạ dày gồm:

  • Dạng thứ nhất: Nôn nhiều lần trong ngày, mỗi lần nôn một ít máu.
  • Dạng thứ hai: Cách vài hôm mới nôn nhưng nôn ồ ạt và nôn ra nhiều máu tươi.

Trong 2 dạng nôn ra máu do viêm loét dạ dày ở trên, dạng thứ hai có độ nguy hiểm cao hơn vì máu chảy nhiều và ồ ạt liên tục. 

Tuy nhiên, người bệnh không được chủ quan với cả hai dạng chảy máu do viêm loét này. Vì tình trạng chảy máu dạ dày nếu không được kiểm soát ngay và kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất máu nghiêm trọng và gây suy kiệt, sụt cân, thiếu máu cấp tính, mất khả năng tự đông máu, tụt huyết áp, ngất xỉu và trầm trọng hơn là tử vong.

Viêm loét dạ dày nôn ra máu là tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không  được điều trị ngay. 
Viêm loét dạ dày nôn ra máu là tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không  được điều trị ngay.

V. Phải làm gì khi bệnh nhân viêm loét dày nôn ra máu?

Viêm loét dạ dày nôn ra máu là tình trạng nguy hiểm nên người bệnh tuyệt đối không được chủ quan. Người nhà bệnh nhân cần phải tiến hành các bước xử lý sau đây để tránh dẫn đến trường hợp xấu nhất:

1. Sơ cứu

Trong trường hợp bệnh nhân bị nôn ra máu nhiều hơn 2 lần/ ngày, hãy tiến hành các bước sơ cứu cơ bản như sau:

  • Đặt bệnh nhân nằm thẳng trên giường, hạn chế vận động để tránh việc vết loét bị va chạm và tiếp tục ra máu. 
  • Sau khi người bệnh cảm thấy đỡ hơn, hãy cho bệnh nhân uống một ít trà gừng để ngăn nôn mửa.

2. Gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện

Sau các bước sơ cứu, hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện uy tín gần nhất. 

Trong trường hợp bệnh viện cách nhà quá xa, hãy cho bệnh nhân uống thuốc cầm máu theo hướng dẫn của dược sĩ. Trong thời gian chờ đợi, nên cho người bệnh ăn cháo loãng để có thể trung hòa được acid trong dịch vị và xoa dịu vết thương. 

Bệnh nhân viêm loét dạ dày bị nôn ra máu nên nằm chờ trên giường trước khi cấp đến. 
Bệnh nhân viêm loét dạ dày bị nôn ra máu nên nằm chờ trên giường trước khi cấp đến.

VI. Chẩn đoán viêm loét dạ dày nôn ra máu bằng phương pháp nào?

Sau khi thăm khám lâm sàng qua triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số kỹ thuật và xét nghiệm cận lâm sàng dưới đây:

1. Nội soi dạ dày

Nội soi là phương pháp chẩn đoán quan trọng và chính xác nhất khi xác định xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày. Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi mềm có gắn đèn và camera ở đầu đưa vào dạ dày của người bệnh. 

Phương pháp nội soi có thể giúp xác định nguyên nhân gây chảy máu, vị trí chảy máu chính xác. Khả năng xác định tổn thương của nội soi có độ chính xác lên tới 95%. 

Ngoài ra, nội soi dạ dày cũng có thể giúp cầm máu bằng các phương pháp chích xơ, đốt điện, laser Trong 24 – 72 giờ đầu cấp cứu có thể thực hiện nội soi.

2. Xét nghiệm số lượng hồng cầu và bạch cầu 

Xét nghiệm Hematocrit, tỷ lệ prothrombin tiểu cầu, xét nghiệm nhóm máu…  giúp đánh giá số lượng bạch cầu và hồng cầu của bệnh nhân.

3. Siêu âm 

Phương pháp này giúp xác định nguyên nhân chảy máu có phải do loét dạ dày hay không. Đồng thời phát hiện các bệnh lý đi kèm như viêm gan, xơ gan, vàng da tắc mật… 

4. Chụp CT

Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân  chụp CT nếu họ cần xem các cơ quan một cách chi tiết hơn. Chụp CT có thể cho thấy các biến chứng như thủng dạ dày hoặc thành ruột. Để kiểm tra, người bệnh sẽ phải nằm trên bàn bên trong máy quét khi chụp X – quang.

Nội soi là phương pháp chẩn đoán quan trọng và chính xác nhất khi xác định xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày.
Nội soi là phương pháp chẩn đoán quan trọng và chính xác nhất khi xác định xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày.

VII. Cách điều trị viêm loét dạ dày nôn ra máu

Khi được đưa tới bệnh viện cấp cứu, bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp để cầm máu cho bệnh nhân đang bị xuất huyết dạ dày trước. Sau khi cấp cứu xong thì bệnh nhân sẽ được tiến hành các bước nội soi (nếu cần thiết) và tiến hành điều trị bệnh đến khi khỏi hoàn toàn.

Tùy theo tình trạng nôn ra máu mà bệnh nhân viêm loét dạ dày sẽ được bác sĩ cho nằm lại điều trị hoặc cho thuốc điều trị tại nhà. Đối với người bệnh được cho về nhà, cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và lưu ý không tùy tiện thêm bớt thuốc, không uống các loại thuốc khác song song để tránh những phản ứng không mong muốn.

Bệnh nhân viêm loét dạ dày nôn ra máu do biến chứng chảy máu trong thường được bác sĩ chỉ định 1 trong 2 phương pháp điều trị dưới đây tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh:

1.  Điều trị nội khoa (bằng thuốc)

Trong trường hợp nhẹ, triệu chứng nôn máu thường ít gặp và không điển hình, người bệnh có thể điều trị viêm loét dạ dày bằng thuốc kết hợp điều chỉnh chế độ ăn.

Trang my.clevelandclinic.org cho hay, căn cứ vào thể trạng và mức độ viêm loét dạ dày nôn ra máu, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn các nhóm thuốc dưới đây:

  • Thuốc bao phủ và bảo vệ niêm mạc dạ dày: Giúp điều trị và ngăn ngừa loét dạ dày liên quan đến việc sử dụng NSAID. Thuốc thường dùng gồm: Sucralfate, Misoprostol, Bismuth subsalicylate.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Công dụng làm giảm axit dạ dày, đồng thời bao phủ và bảo vệ niêm mạc dạ dày để thúc đẩy quá trình lành vết thương. PPI bao gồm: Esomeprazol, Dexlansoprazol, Lansoprazol, Omeprazol, Pantoprazol, Rabeprazole.
  • Thuốc chẹn thụ thể histamin (thuốc chẹn H2): Tác dụng làm giảm axit dạ dày bằng cách ngăn chặn chất hóa học yêu cầu cơ thể bạn sản xuất ra nó. Thuốc dùng phổ biến là: Famotidin, Cimetidin, Nizatidine.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu bị nhiễm H. pylori hoặc nhiễm vi khuẩn khác, bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc kháng sinh kết hợp để tiêu diệt vi khuẩn. Thuốc kháng sinh phổ biến điều trị nhiễm H. pylori gồm: Tetracycline, Metronidazol, Clarithromycin và Amoxicillin.

Khi được điều trị bằng thuốc đúng cách, các triệu chứng của viêm loét dạ dày nôn ra máu sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Trong quá trình điều trị viêm loét dạ dày nôn ra máu bằng thuốc, người bệnh cần lưu ý:

– Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh ngừng sử dụng tất cả các thuốc NSAID (nếu được) để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

– Có thể gặp một số tác dụng phụ của thuốc như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này thường là tạm thời và sẽ biến mất sau khi kết thúc liệu trình điều trị. Nếu gặp các tác dụng phụ gây khó chịu cực độ, bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ để xem xét thay đổi liệu trình điều trị.

– Tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ, không tự ý giảm liều hoặc ngừng uống thuốc. Điều này giúp đảm bảo loại bỏ vi khuẩn HP triệt để, ngăn tình trạng nhờn, kháng thuốc.

Trong trường hợp nhẹ, triệu chứng nôn máu thường ít gặp, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc. 
Trong trường hợp nhẹ, triệu chứng nôn máu thường ít gặp, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc.

2. Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)

Trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả, chảy máu kéo dài gây thiếu máu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng tiêu hoá bình thường của dạ dày thì người bệnh cần được phẫu thuật.

Tùy vào mức độ viêm loét dày, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện 1 trong 3 loại phẫu thuật dưới đây:

  • Phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày: Bác sĩ cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày bị viêm loét nặng. Sau khi cắt dạ dày, phần ruột non sẽ được nối thẳng vào phần còn lại. Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất.
  • Mổ cắt dây thần kinh phế vị: Dây thần kinh phế vị hay còn gọi là dây thần kinh X – dây thần kinh điều hoà việc tiết acid dịch vị, làm bình thường hoá giai đoạn rút với dạ dày. Theo đó, cắt dây thần kinh phế vị đồng nghĩa với việc giảm tiết acid dịch vị và hạn chế nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.
  • Mổ tạo hình môn vị: Kỹ thuật này giúp nới rộng môn vị do biến chứng hẹp môn vị gây ra. Phương pháp này thường được thực hiện bằng nội soi. 
Trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả, nôn ra máu kéo dài gây thiếu máu người bệnh có thể cần thực hiện phẫu thuật
Trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả, nôn ra máu kéo dài gây thiếu máu người bệnh có thể cần thực hiện phẫu thuật

VIII. Chăm sóc bệnh nhân viêm loét dạ dày nôn ra máu như thế nào?

Đối với bệnh nhân viêm loét dạ dày nôn ra máu do chảy máu trong, người chăm sóc cần chú ý những vấn đề sau:

1. Theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe 

Người chăm sóc bệnh nhân viêm loét dạ dày nôn ra máu cần theo dõi một số tình trạng sức khỏe khi chăm sóc bệnh nhân. Cụ thể:

  • Người bệnh cần được đánh giá tổng trạng toàn thân và đo các dấu hiệu sinh tồn bao gồm huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ và nhịp thở sau 30 đến 60 phút.
  • Cho bệnh nhân đi tiểu vào một bình chứa và đo lượng nước tiểu hàng ngày của để kịp thời phát hiện tình trạng thiểu niệu hoặc vô niệu là dấu hiệu triển nặng của bệnh.
  • Theo dõi các triệu chứng nôn ra máu, đau bụng và tính chất phân sau khi đại tiện.
  • Phát hiện kịp thời các dấu hiệu của tình trạng mất máu như nhịp tim nhanh, da xanh, hạ huyết áp…
  • Thông báo ngay cho bác sĩ ngay khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu bất thường hoặc triệu chứng đột ngột nặng hơn.
Người chăm sóc bệnh nhân cần theo dõi các triệu chứng nôn ra máu, đau bụng và tính chất phân sau khi đại tiện.
Người chăm sóc bệnh nhân cần theo dõi các triệu chứng nôn ra máu, đau bụng và tính chất phân sau khi đại tiện.

2. Chế độ ăn uống, dinh dưỡng

Chế độ ăn cho bệnh nhân viêm loét dạ dày nôn ra máu do xuất huyết dạ dày cầu đảm bảo dễ tiêu hóa và không gây kích thích đường tiêu hóa. Do đó, người chăm sóc cần chú ý những vấn đề sau:

  • Uống nhiều nước: Trong quá trình điều trị, người bệnh cần uống nhiều nước, vì nhiều lần nôn ói không chỉ thất thoát lượng thức ăn, dịch vị mà còn gây mất nước đáng kể. Có thể uống nước nhiều hơn mức bình thường, nhưng không uống trên 4 lít, không tốt cho thận.
  • Thực phẩm nên ăn: Người bị viêm loét dạ dày nôn ra máu nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hoá như cháo, súp, bánh mì mềm, trứng, các loại thịt như cá, gà hoặc bò.
  • Thực phẩm không nên ăn: Tránh ăn các loại thực phẩm khó tiêu hoặc có tính kích thích đường tiêu hóa như cà rốt, củ cải, rau cải,  cà chua, ớt, tỏi, hành tây, nấm, đậu và các loại gia vị cay nóng. Không nên ăn rau sống, các loại thực phẩm chưa được chế biến; thực phẩm dai và nhiều chất xơ như gân, sụn, rau củ quả già; thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo như lạp xưởng, xúc xích, gà rán; các thực phẩm muối chua, ủ lâu ngày như cải chua, củ kiệu, dưa muối…
  • Chế biến thực phẩm: Ưu tiên chế biến thực phẩm dưới dạng mềm, lỏng dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ và gia vị. Hạn chế chiên, rán, nướng, xào. 
  • Thói quen ăn uống: Ăn chín uống sôi; nên chia nhỏ các bữa ăn (khoảng 4-5 bữa/ngày); không nên ăn quá no, không nhịn đói; ăn chậm nhai kỹ; ăn đúng giờ. Hạn chế ăn khuya; không ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh, thức ăn nên khoảng 40 đến 45 độ C; không vận động mạnh ngay sau khi ăn…
Người bị viêm loét dạ dày nôn ra máu nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hoá như cháo, súp
Người bị viêm loét dạ dày nôn ra máu nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hoá như cháo, súp

3. Lưu ý khác trong sinh hoạt

  • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng hoàn toàn, nơi ở cần thông thoáng và yên tĩnh.
  • Tốt nhất là người bệnh nằm tại giường, đầu kê gối thấp.
  • Bệnh nhân nên đi đại tiện ngay tại giường để quan sát kỹ tính chất của phân, từ đó gián tiếp theo dõi tình trạng xuất huyết.
  • Tránh để người bệnh bị xúc động, căng thẳng, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

IX. Có thể phòng ngừa viêm loét dạ dày nôn ra máu không?

Để phòng ngừa viêm loét dạ dày nôn ra máu, người bệnh nên điều trị bệnh sớm khi mới phát hiện dấu hiệu mắc bệnh kết hợp với ăn uống sinh hoạt khoa học, lành mạnh.

1. Điều trị bệnh sớm 

Để ngăn ngừa viêm loét dạ dày nôn ra máu do biến chứng xuất huyết dạ dày, cách tốt nhất là cần điều trị viêm loét dạ dày sớm ở giai đoạn cấp tính khi các triệu chứng còn nhẹ. Điều trị sớm thì khả năng chữa khỏi và phòng bệnh tái phát càng cao.

2. Loại bỏ H.pylori

Hầu hết những người bị nhiễm H. pylori đều không biết mình đang bị nhiễm. Bạn có thể kiểm tra bằng xét nghiệm hơi thở, phân hoặc máu. Nếu vậy, bạn có thể chủ động loại bỏ vi khuẩn HP triệt để trước khi vi khuẩn này gây ra bất kỳ vấn đề gì cho sức khỏe.

3. Sử dụng thuốc NSAID theo chỉ dẫn

Nếu bạn đang có thói quen kiểm soát cơn đau nhức hàng ngày bằng  thuốc chống viêm không steroid (NSAID), hãy đảm bảo không dùng nhiều hơn liều khuyến cáo.

Trường hợp dùng thuốc NSAID trong điều trị bệnh, hãy trao đổi với bác sĩ để được đổi thuốc, giảm liều lượng hoặc dùng các loại thuốc khác để bảo vệ niêm mạc dạ dày. 

4. Giảm các chất kích thích 

Hút thuốc, sử dụng rượu bia và một số loại thuốc khác có thể làm tăng nguy cơ loét nếu bạn cũng bị nhiễm H. pylori hoặc dùng NSAID. Vì vậy, hãy giảm thiểu tối đa nhất có thể nếu không muốn bị viêm loét dạ dày nôn ra máu. 

5. Ăn uống khoa học

Nên xây dựng thực đơn với các món ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho niêm mạc dạ dày như: sữa, cháo, thịt nạc, cá, bí xanh, đậu phụ… 

Hạn chế dùng các loại nước có ga, thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng; giảm ăn chất béo; đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, đóng hộp..

6. Sinh hoạt lành mạnh, tránh căng thẳng 

Tránh căng thẳng, stress bằng cách sắp xếp thời gian làm việc – nghỉ ngơi hợp lý duy trì luyện tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày. 

Tập luyện với các bài tập phù hợp vừa giúp quá trình tiêu hóa vừa hỗ trợ lưu thông máu diễn ra tốt hơn. Điều này sẽ giúp dạ dày luôn khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả.

Điều trị viêm loét dạ dày ngay khi phát hiện bệnh kết hợp ăn uống khoa học giúp phòng ngừa viêm loét dạ dày nôn ra máu hiệu quả. 
Điều trị viêm loét dạ dày ngay khi phát hiện bệnh kết hợp ăn uống khoa học giúp phòng ngừa viêm loét dạ dày nôn ra máu hiệu quả.

Viêm loét dạ dày nôn ra máu là tình trạng nguy hiểm và nghiêm trọng do biến chứng xuất huyết dạ dày gây ra. Do đó, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan, hãy đi thăm khám ngay khi gặp triệu chứng nôn ra máu để được bác sĩ điều trị kịp thời, tránh đe dọa tính mạng. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt để nâng cao hiệu quả chữa bệnh và phòng ngừa tái phát.

Tài liệu tham khảo: 

  • https://www.nidirect.gov.uk/conditions/vomiting-blood-haematemesis#:~:text=assessment%20and%20treatment.-,Stomach%20ulcer%20or%20severe%20gastritis,underlying%20artery%20(blood%20vessel).
  • https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/stomach-liver-and-gastrointestinal-tract/stomach-ulcer/#:~:text=Stomach%20ulcers%20(gastric%20ulcers)%20are,are%20sometimes%20called%20peptic%20ulcers.
  • https://www.nhs.uk/conditions/stomach-ulcer/complications/#:~:text=Internal%20bleeding%20is%20the%20most,and%20heart%20palpitations%20(noticeable%20heartbeats)
  • https://www.verywellhealth.com/symptoms-of-peptic-ulcer-complications-1742819

Đánh giá
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.