Skip to main content

Cảnh bảo: 4 biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng

Hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày và ung thư dạ dày là 4 biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng. Đây đều là các biến chứng rất nguy hiểm, có thể đe doạ tính mạng người bệnh. Cùng Thuốc dạ dày Yumangel tìm hiểu kỹ hơn về những biến chứng này nhé! 

I. Viêm loét dạ dày tá tràng là gì và nguy hiểm như thế nào?

Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày, tá tràng (phần đầu của ruột non) bị viêm, loét. Các nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn Hp; lạm dụng thuốc kháng viêm, giảm đau; thói quen ăn uống không lành mạnh, căng thẳng thần kinh kéo dài…

Các triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm loét dạ dày gồm:

  • Đau bụng vùng thượng vị. 
  • Buồn nôn.
  • Đầy bụng, khó tiêu.
  • Ợ hơi, ợ chua và nóng rát.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Mất ngủ.
  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, sụt cân.
  • Chán ăn, ăn xong có thể buồn nôn. 

Viêm loét dạ dày phát triển qua 2 giai đoạn là viêm loét cấp tính và viêm loét mạn tính. Trong đó, viêm loét dạ dày ở giai đoạn cấp tính không quá đáng ngại, có thể chữa trị khỏi hẳn bằng các biện pháp phù hợp. 

Tuy nhiên, viêm loét dạ dày mãn tính không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị, loét, tỷ lệ ung thư hoá 5 – 10% và thời gian loét kéo dài trên 10 năm.

Viêm loét dạ dày tá tràng kéo dài không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

II. 4 biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng

Biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng xảy ra khi người bệnh chủ quan không điều trị dứt điểm khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét dạ dày gồm:

1. Hẹp môn vị

Viêm loét dạ dày tá tràng kéo dài khiến niêm mạc bị phù nề, tạo sẹo co kéo gây chít hẹp khiến thức ăn khó đi qua môn vị và hành tá tràng. 

  • Tỷ lệ mắc: Theo thống kê, có khoảng 5 – 15% trường hợp bệnh nhân viêm loét dạ dày gặp phải biến chứng này. 
  • Dấu hiệu nhận biết: Khi xuất hiện chứng hẹp môn vị, người bệnh có triệu chứng nôn mửa dữ dội, dịch nôn có mùi hôi, đau bụng. Khi hẹp môn vị tiến triển nặng bệnh nhân có triệu chứng đau thượng vị nhiều hơn với biểu hiện đau âm ỉ hoặc dữ dội. 
  • Mức độ nguy hiểm: Triệu chứng nôn mửa nhiều do hẹp môn vị cũng khiến người bệnh bị mất nước, mất cân bằng điện giải dẫn tới mệt mỏi và khó chịu. Nếu không được điều trị ngay và để lâu, người bệnh sẽ sụt cân nhanh chóng, da xanh tái và thường xuyên mệt mỏi.

>> Chi tiết bệnh hẹp môn vị dạ dày

2. Xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết xảy ra do niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng khiến mạch máu bị vỡ và dẫn đến chảy máu. Tình trạng này thường xuất hiện ở hang vị vì đây là vùng niêm mạc nằm ngang, phải chịu áp lực lớn từ thức ăn và dịch vị.

  • Tỷ lệ mắc: Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng với tỷ lệ khoảng 15% trường hợp.  
  • Dấu hiệu nhận biết: Tình trạng viêm loét kéo dài, vết loét sẽ càng sâu, axit dạ dày càng làm bào mòn vết loét nhiều hơn, gây tổn thương các tế bào, mạch máu gây chảy máu vào ống tiêu hóa. Hậu quả là dẫn tới triệu chứng bệnh nhân bị nôn ra máu, đau dữ dội ở vùng thượng vị, cơn đau có thể lan ra khắp bụng kèm theo đó là bụng cứng, toát mồ hôi,… 
  • Mức độ nguy hiểm: Trường hợp bị loét tá tràng, máu có thể chảy ồ ạt hoặc âm ỉ, bệnh nhân đi đại tiện ra phân đen (mùi tanh nồng hoặc hôi) hoặc phân màu đỏ tươi. Xuất huyết tiêu hóa nặng khiến người bệnh mất máu nhiều có thể đe dọa tính mạng.
Xuất huyết xảy ra do niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng khiến mạch máu bị vỡ và dẫn đến chảy máu

>> Chi tiết bệnh xuất huyết dạ dày

3. Thủng dạ dày

Khi thành niêm mạc bị ăn mòn, dạ dày có thể xuất hiện lỗ thủng do vết loét tiến triển. Lỗ thủng thường xuất hiện ở mặt trước hành tá tràng hoặc bờ cong nhỏ dạ dày. 

  • Dấu hiệu nhận biết: Đau dữ dội, đột ngột như dao đâm ở vùng thượng vị, bụng gồng cứng, tăng nhịp thở, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, tụt huyết áp…
  • Mức độ nguy hiểm: Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, thủng dạ dày có thể dẫn tới viêm phúc mạc, dễ dẫn đến tử vong. Đặc biệt, biến chứng này có thể xảy ra rất đột ngột, khiến người bệnh n và người nhà không kịp phản ứng. 

>> Chi tiết bệnh thủng dạ dày

Khi thành niêm mạc bị ăn mòn, dạ dày có thể xuất hiện lỗ thủng do vết loét tiến triển.

4. Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng vì có tỷ lệ tử vong cao. 

  • Tỷ lệ mắc: Tỷ lệ ung thư hóa dạ dày gặp ở 5 – 10% bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, chủ yếu ở người bị viêm loét trên 10 năm.
  • Dấu hiệu nhận biết: Dấu hiệu của ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu không điển hình, dễ nhầm lẫn với viêm dạ dày nên bệnh nhân thường chủ quan và chỉ phát hiện bệnh khi đã bước sang giai đoạn muộn. 
  • Đối tượng dễ gặp biến chứng: Các dạng viêm loét tiền môn vị, môn vị, viêm loét hang vị dạ dày, viêm loét bờ cong nhỏ có nguy cơ biến chứng ung thư dạ dày cao hơn. 
  • Khả năng sống sót: Ung thư dạ dày nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, thời gian sống thêm 5 – 10 năm của bệnh nhân khá cao.

>> Chi tiết bệnh ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng vì có tỷ lệ tử vong cao.

Các biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng đều rất nghiêm trọng, có thể cần can thiệp cấp cứu. Do đó, khi nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ mắc 1 trong các biến chứng trên, người bệnh nên đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

III. Viêm loét dạ dày tá tràng gây biến chứng điều trị thế nào?

Bệnh nhân viêm loét dạ dày hầu hết đều có thể kiểm soát bằng cách dùng thuốc điều trị và điều chỉnh lối sống và hạn chế các yếu tố kích thích lên dạ dày. Nếu tuân thủ theo đúng chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, bệnh có thể thuyên giảm nhanh sau khoảng 4 – 8 tuần.

Vậy, viêm loét dạ dày có phải mổ không? Can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật/mổ) chỉ được bác sĩ chỉ định trong trường hợp điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả tích cực hoặc bệnh đã phát sinh một trong các biến chứng kể trên. 

Tùy theo biến chứng mà bệnh nhân viêm loét dạ dày gặp phải, bác sĩ sẽ chỉ định lựa chọn 1 trong các phương pháp mổ dưới đây:

1. Nội soi cầm máu

Nội soi cầm máu được sử dụng cho bệnh nhân viêm loét dạ dày bị biến chứng xuất huyết dạ dày. Kỹ thuật này sử dụng ống nhỏ có gắn camera ở đầu đưa bên trong dạ dày qua đường rạch nhỏ ở ổ bụng. 

Thông qua hình ảnh thu được bác sĩ có thể quan sát rõ niêm mạc dạ dày, xác định vị trí xuất huyết để tiến hành cầm máu bằng các phương pháp như: sử dụng đầu dò nhiệt, tiêm chất đông máu, đốt điện, laser, tiếp kẹp mạch máu với vòng cao su…

2. Phẫu thuật mổ mở cầm máu 

Trường hợp phương pháp nội soi cầm máu không thể xác định được vị trí xuất huyết, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để xác định nguồn gốc tình trạng xuất huyết nhằm can thiệp cầm máu để tránh bệnh nhân bị mất máu quá nhiều.

3. Cắt 1 phần hoặc toàn bộ dạ dày

Cắt 1 phần hoặc toàn bộ dạ dày thường được chỉ định cho bệnh nhân viêm loét dạ dày nghi ngờ ác tính hóa hoặc xác định ung thư dạ dày trong giai đoạn đầu. Phương pháp cách giúp loại bỏ triệt để tổ chức tế bào ác tính và ngăn ngừa hiện tượng di căn.

Bên cạnh đó, phẫu thuật cắt một phần dạ dày cũng có thể cân nhắc dùng cho bệnh nhân viêm loét dạ dày bị biến chứng thủng dạ dày.

4. Khâu lỗ thủng dạ dày

Đây là phương pháp điều trị ưu tiên cho bệnh nhân bị thủng dạ dày do loét xuất hiện đột ngột (thường do uống rượu bia mạnh, dùng thuốc chống viêm liều cao).Mổ khâu lỗ thủng dạ dày áp dụng bệnh nhân vào viện muộn, bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý  hoặc đã xuất hiện các triệu chứng viêm phúc mạc.

Đối với các trường hợp khác, người bệnh có thể được chỉ định khâu lỗ thủng dạ dày tá tràng qua nội soi ổ bụng hoặc kết hợp khâu lỗ thủng với tạo hình môn vị, nối vị tràng và cắt dây thần kinh X.

5. Cắt dây thần kinh X/dây thần kinh phế vị

Dây thần kinh X/dây thần kinh phế vị là dây thần kinh hỗn hợp có chức năng dẫn truyền cảm giác và chi phối khả năng vận động của các tạng nằm ở vùng cổ, ngực và bụng. Trong đó, dây thần kinh phế vị phân nhánh vào dạ dày đến 60%.

Dây thần kinh X chi phối nhu động và khả năng bài tiết dịch vị ở dạ dày. Vì vậy, với trường hợp các loét dai dẳng hoặc đã phát sinh biến chứng xuất huyết, hẹp môn vị và thủng ổ loét, các bác sĩ có thể phẫu thuật xử lý biến chứng kết hợp với thủ thuật cắt dây thần kinh X.

6. Phẫu thuật nối vị tràng

Phẫu thuật nối vị tràng nhằm mục đích nối thông dạ dày và tá tràng khi đường lưu thông bị tắc nghẽn hoặc cản trở. Phương pháp này thường được thực hiện đồng thời với cắt dây thần kinh X và xử lý hẹp môn vị để đảm bảo cho quá trình lưu thông.

Ngoài ra, phẫu thuật nối vị tràng cũng được bác sĩ cân nhắc chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có u ở tá tràng, hang vị và túi thừa tá tràng lớn nhưng không thể cắt bỏ.

Tùy theo biến chứng mà bệnh nhân viêm loét dạ dày gặp phải, bác sĩ sẽ chỉ định lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp

Lưu ý: Khi thực hiện phẫu thuật mổ viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh nhân có thể phải đối mặt với một số biến chứng sớm hoặc muộn như sau:

  • Biến chứng sớm: Chảy máu sau mổ, chảy máu trong ổ bụng, tắt miệng nối, rò rỉ miếng nối – mỏm tá tràng, viêm tụy cấp.
  • Biến chứng muộn: Hội chứng quai tới, viêm miệng nối, lồng quai đi, hội chứng dumping, thoát vị trong, thiếu máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như phổi, lao, rối loạn tâm thần; rối loạn hấp thu mỡ, đường hoặc đạm,…

Do đó, sau mổ viêm loét dạ dày, người chăm sóc bệnh nhân cần chú ý theo dõi sát sao bệnh nhân để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường và thông báo ngay để bác sĩ xử lý kịp thời.

IV. Giải pháp phòng ngừa biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng

Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt kết hợp thăm khám sức khoẻ định kỳ là các biện pháp hỗ trợ điều trị và phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng đồng giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Cụ thể:

1. Thay đổi chế độ ăn uống

Về chế độ ăn uống, bệnh nhân viêm loét dạ dày nên chú ý các vấn đề sau:

  • Ăn chậm, nhai kỹ; ăn uống đúng giờ, tránh bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng; không ăn sau 8 giờ tối; không ăn quá no hoặc để quá đói.
  • Tránh ăn đồ quá chua, lạnh, cay, nóng, khô, ngọt, dầu mỡ, nhiều muỗi, uống rượu, bia, trà, cà phê, hút thuốc lá,…
  • Tăng cường bổ sung vitamin A, D, B12, K, sắt, canxi, kẽm… từ các thực phẩm như ngũ cốc, rau củ quả tươi; tinh bột dễ tiêu, dầu thực vật nhằm trung hòa axit dạ dày.
Bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng nên hình thành thói quen ăn uống khoa học

2. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Một số lưu ý trong thói quen sinh hoạt bệnh nhân viêm loét dạ dày nên áp dụng và thực hiện là:

  • Vận động hợp lý, tập thể dục đều đặn khoảng 30 phút/ngày với tần suất 5 lần/tuần để có sức khỏe thể chất tốt và tinh thần thoải mái. Hoạt động thể chất đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh có hiệu quả điều hòa nhu động và hạn chế hiện tượng dạ dày tăng tiết quá mức. 
  • Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, giữ tâm trạng thư giãn cũng giúp phòng ngừa viêm loét dạ dày – tá tràng hiệu quả.
Vận động hợp lý kết hợp kiểm soát căng thẳng giúp phòng ngừa bệnh viêm loét dạ dày gây biến chứng

3. Chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ

Để giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng, người bệnh cần:

  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh gây ảnh hưởng xấu tới niêm mạc dạ dày. 
  • Chủ động thăm khám và điều trị ngay khi thấy phát sinh các triệu chứng bất thường. Khi điều trị bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị viêm loét dạ dày theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tái khám thường xuyên theo lịch hẹn để được theo dõi và đánh giá tiến độ phục hồi.
Bệnh nhân cần thăm khám sức khỏe định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ

Các biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng đều rất nguy hiểm và việc phát hiện cũng như điều trị sớm là điều quan trọng giúp tăng hiệu quả. Để phòng ngừa biến chứng do viêm loét dạ dày tá tràng gây ra, người bệnh nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và tái khám đúng hẹn.

Đánh giá
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.