Skip to main content

Bệnh viêm đại tràng cấp tính là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị

Tác giả: Đinh Thị Hiền

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thị Thu

Viêm đại tràng cấp tính nếu không được điều trị dễ dẫn đến viêm đại tràng mãn tính. Trong khi đó, viêm đại tràng mãn tính rất khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát. Vì thế, nên điều trị viêm đại tràng cấp tính ngay sau khi phát hiện. Bài viết này, Thuốc dạ dày chữ Y sẽ chia sẻ đến bạn một số thông tin về căn bệnh này, cùng theo dõi nhé!

I. Bệnh viêm đại tràng cấp tính là gì?

Đại tràng (ruột già) là bộ phận quan trọng trong hệ thống đường ruột và hệ tiêu hóa. Chức năng chính của đại tràng là chứa các chất cặn bã của quá trình tiêu hóa thức ăn từ ruột non xuống và tống ra ngoài. Trước khi chất cặn bã được tống ra ngoài, đại tràng hấp thụ một phần nước từ các chất cặn bã đó.

Do thường xuyên tiếp xúc với chất thừa của thức ăn, nên khu vực đại tràng dễ trở thành một trong những môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.

Viêm đại tràng cấp tính chính là tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây ra làm tổn thương khu trú hoặc xuất hiện và phát triển ở phần niêm mạc đại tràng.

Viêm đại tràng cấp tính chính là tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây ra

II. Nguyên nhân gây viêm đại tràng cấp tính 

Có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh mắc viêm đại tràng cấp tính hoặc làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến:

1. Ngộ độc thực phẩm

Thường liên quan đến ký sinh trùng hoặc vi khuẩn. Các biểu hiện của viêm đại tràng cấp có thể xuất hiện ngay trong vòng 12 – 72h. Tuy nhiên, một số người có thể mất vài ngày mới xuất hiện các dấu hiệu viêm đại tràng cấp tính đầu tiên.

2. Vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo

Thực phẩm và nguồn nước bẩn thường chứa nhiều loại vi sinh vật gây bệnh. Do vậy, những người không chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị viêm đại tràng cấp tính.

3. Sử dụng thuốc kháng sinh

Kháng sinh có khả năng tiêu diệt một số vi khuẩn bên trong hệ tiêu hóa và cơ thể. Việc này dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium Difficile. Trong khi đó, Clostridium Difficile lại là vi khuẩn có khả năng gây viêm đại tràng cấp tính.

4. Xạ trị và hóa trị ung thư

Việc xạ trị và hóa trị ung thư ảnh hưởng đến hệ vi sinh trong hệ tiêu hóa và cơ thể, nên làm tăng nguy cơ bị viêm đại tràng cấp tính.

5. Thiếu máu cục bộ

Một số vấn đề của sức khỏe có thể gây đông máu ở động mạch bụng, làm giảm lượng máu cung cấp cho thành ruột, dẫn đến tích tụ chất nhầy máu và gây viêm đại tràng cấp tính.

6. Tắc nghẽn đại tràng

Viêm túi thừa hoặc táo bón có thể gây tắc nghẽn đại tràng và viêm đại tràng cấp.

Viêm đại tràng cấp do ngộ độc thực phẩm, dùng thuốc kháng sinh…

III. Triệu chứng viêm đại tràng cấp tính

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương nặng hay nhẹ mà đại tràng sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Dưới đây sẽ là các biểu hiện viêm đại tràng cấp tính, giúp chúng ta có thể dễ dàng nhận biết khi mắc bệnh.

1. Đau bụng

Đau bụng là triệu chứng đặc trưng của viêm đại tràng cấp tính. Đặc điểm của cơn đau bụng là có thể đau quặn thắt bụng dưới hoặc dọc theo khung đại tràng, đôi khi gây đầy hơi, cứng bụng, căng tức bụng,…

2. Tiêu chảy

Viêm đại tràng cấp tính thường gây rối loạn đại tiện, trong đó phổ biến nhất là tiêu chảy. Người bệnh bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, thậm chí có thể lên tới cả chục lần. Tình trạng phân thường là phân nát hoặc toàn nước, có thể kèm theo máu.

Tiêu chảy liên tục khiến người bệnh mất nước, dù đã đi xong vẫn không có cảm giác thoải mái. Triệu chứng này thường xảy ra hơn khi người bệnh ăn thức ăn lạ, đồ tái sống, thực phẩm cay nóng hoặc hải sản.

3. Chán ăn

Thức ăn đi vào đại tràng khi tiếp xúc với các ổ viêm gây đau, khó chịu khiến người bệnh ăn không ngon, chán ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, sụt cân nhanh chóng, không muốn làm việc…

4. Sốt kèm buồn nôn 

Trong số ít trường hợp, bệnh nhân viêm đại tràng cấp có thể bị sốt đi kèm cảm giác buồn nôn.

5. Các triệu chứng khác 

Ngoài ra, dấu hiệu viêm đại tràng cấp tính còn phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh, chẳng hạn như:

  • Viêm đại tràng cấp tính do lỵ amip: Buồn đi đại tiện liên tục, đau quặn bụng từng cơn, mỗi lần đi đại tiện chỉ được 1 ít, kèm theo máu và chất nhầy.
  • Viêm đại tràng cấp tính do lỵ trực khuẩn Shigella: Bị sốt, đau bụng, đại tiện phân lỏng và có máu nhiều lần trong 1 ngày đêm.
  • Viêm đại tràng cấp tính do các nguyên nhân khác: Đau bụng là triệu chứng phổ biến, có khi tiêu chảy đột ngột, phân toàn nước, người gầy gò, mệt mỏi.
Bệnh nhân viêm đại tràng cấp bị đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, sốt kèm buồn nôn

IV. Bệnh viêm đại tràng cấp tính có nguy hiểm không?

Bệnh viêm đại tràng cấp tính được xem là một trong những bệnh lý rất nguy hiểm:

  • Nguy hiểm nhất là viêm đại tràng cấp tính do amip nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm đại tràng mãn tính, trụy tim mạch, thậm chí là tử vong.
  • Viêm đại tràng cấp tính do nhiễm khuẩn lỵ có thể gây viêm loét đại tràng, thủng đại tràng hoặc nhiễm trùng máu.
  • Một số trường hợp viêm đại tràng cấp tính còn có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, gây nhiễm trùng gan, dẫn đến viêm gan hoặc áp xe gan.
  • Một số trường hợp viêm đại tràng cấp tính nặng còn có thể dẫn đến lao ruột, tăng nguy cơ bán tắc ruột, tắc ruột, giả tắc đại tràng cấp tính, viêm phúc mạc, thủng ruột,…

Vì thế, việc chữa viêm đại tràng cấp tính sớm và phù hợp là rất cần thiết, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan.

Viêm đại tràng cấp tính được xem là một trong những bệnh lý rất nguy hiểm

V. Phương pháp chẩn đoán viêm đại tràng cấp tính 

Sau khi thực hiện thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng cấp tính như:

  • Xét nghiệm máu: Mục đích để kiểm tra tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng, hoặc các nguyên nhân miễn dịch khác.
  • Xét nghiệm mẫu phân: Hồng cầu, bạch cầu hoặc ký sinh trùng trong phân có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính xác hơn.
  • Nội soi đại tràng: Cho phép bác sĩ xem toàn bộ ruột kết, lấy các mẫu mô nhỏ (sinh thiết) nhằm khẳng định chẩn đoán chính xác hơn
  • Nội soi đại tràng sigma: Sử dụng ống nội soi mảnh và có ánh sáng để kiểm tra trực tràng và đại tràng xích ma – phần dưới của đại tràng.
  • Chụp X-quang: Nếu các triệu chứng bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể chụp X-quang vùng bụng để loại trừ các biến chứng nghiêm trọng, ví dụ như thủng ruột kết, tắc ruột.
  • Chụp cắt lớp CT: Chụp CT vùng bụng hoặc xương chậu có thể được bác sĩ chỉ định nếu nghi ngờ biến chứng từ viêm đại tràng. Bên cạnh đó, chụp CT cũng có thể tiết lộ mức độ viêm của ruột kết.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) ruột non và cộng hưởng từ (MR) ruột: Bệnh nhân cần thực hiện phương pháp này khi bác sĩ muốn loại trừ bất kỳ chứng viêm nào trong ruột non.
Bác sĩ có thể cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng cấp

VI. Điều trị bệnh viêm đại tràng cấp tính 

Khi có những dấu hiệu sớm của viêm đại tràng cấp, bạn nên tới các cơ sở y tế để thăm khám, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa viêm đại tràng cấp phù hợp. Cụ thể:

1. Điều trị bằng thuốc 

Việc chỉ định thuốc sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ của triệu chứng. Các loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm đại tràng cấp gồm:

  • Nhóm thuốc giảm đau, chống co thắt đại tràng.
  • Nhóm thuốc giảm tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Nhóm thuốc kháng khuẩn và chống viêm.
  • Nhóm thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, kháng nấm, ký sinh trùng.
  • Nhóm bổ sung nước và các chất điện giải.

Bên cạnh uống thuốc, người bệnh cần được bổ sung nước vì bị mất đi 1 lượng nước đáng kể do tiêu chảy. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được nghỉ ngơi để hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh.

2. Điều trị phẫu thuật

Giai đoạn viêm đại tràng cấp tính được coi là “thời điểm vàng” để điều trị dứt điểm bệnh với tỷ lệ thành công cao. Vì vậy, phương pháp điều trị ngoại khoa rất ít khi được chỉ định trong giải đoạn này.

Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết (bệnh nhân không đáp ứng thuốc và bệnh diễn tiến nặng), bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần bị viêm hoặc toàn bộ đại tràng. Hiện nay, có 2 phương pháp được sử dụng chủ yếu là phẫu thuật mổ mở và phẫu thuật nội soi.

Điều trị viêm đại tràng cấp bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

VII. Cách phòng tránh bệnh viêm đại tràng cấp tính

Bạn có thể chủ động phòng tránh bệnh viêm đại tràng cấp tính bằng cách lưu ý những vấn đề trong ăn uống và sinh hoạt sau:

1. Chế độ ăn uống

Trong chế độ ăn uống, bệnh nhân viêm đại tràng cấp cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Thực phẩm mua về cần có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn từ khâu sản xuất, bảo quản cho tới chế biến. Không nên ăn các thực phẩm còn sống chưa được nấu chín như: nem chua, rau sống, nem chạo, gỏi cá, lòng lợn…
  • Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ: Nên tăng cường ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, củ, quả, hoa quả giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá, uống cà phê, thức ăn chiên rán, chua cay…
  • Ăn uống khoa học: Bên cạnh đó cần ăn đủ bữa, không nên nhịn ăn; khi ăn cần nhai kỹ, không nên ăn quá no và quả nhiều, đặc biệt là vào buổi tối…

2. Chế độ sinh hoạt 

Trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, người bệnh viêm đại tràng cấp cần lưu ý 2 vấn đề sau:

  • Tránh căng thẳng, lo lắng kéo dài: Tình trạng căng thẳng, lo lắng kéo dài có thể gây trầm cảm và làm giảm nhu động ruột. Vì vậy hãy cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái và lạc quan nhất có thể.
  • Tăng cường vận động thể thao, uống đủ nước: Cần hình thành thói quen tập luyện và vận động thể thao đều đặn mỗi ngày đồng thời uống đủ nước để sức khỏe luôn ở trạng thái tốt nhất.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học giúp phòng ngừa viêm đại tràng cấp tính hiệu quả.

Viêm đại tràng cấp tính có tỷ lệ chuyển hóa mãn tính cao nếu không được điều trị. Do đó, ngay khi phát hiện có triệu chứng mới bị viêm đại tràng, bạn nên chủ động thăm khám ngay để tránh bệnh trở nặng gây biến chứng.

Nếu bạn cần được tư vấn thêm, vui lòng gọi đến hotline 1800.1125 (miễn phí cước) để được dược sĩ của Yumangel tư vấn trực tiếp.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (3 bình chọn)
Đinh Thị Hiền

Tác giả:

Đinh Thị Hiền (Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2014-2018). Cô có 6 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copy Write tại các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, làm đẹp,… Hiện nay, Đinh Thị Hiền được biết đến với vai trò biên tập viên cho nhãn hàng Yumangel, với mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến sản phẩm cũng như các phương pháp trị đau dạ dày. Hy vọng, những nội dung mà Hiền truyền tải sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin hữu ích, giúp bạn có được những phương pháp chăm sóc dạ dày phù hợp.

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.