Về lý do vì sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày, các chuyên gia cho biết, vi khuẩn HP khi ở dạ dày có thể tiết ra một loại enzyme có tên là urease giúp trung hòa axit trong dạ dày. Cùng với đó là khả năng di chuyển nhanh; có thể chui vào lớp chất nhầy và bám vào các tế bào lót bề mặt bên trong; cản trở phản ứng hệ miễn dịch tại chỗ. Đây là những lý do giúp vi khuẩn HP có thể sinh sống và phát triển trong môi trường dạ dày có độ axit cao.
Mục lục
I. Vi khuẩn HP sống ở môi trường nào?
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori/ H.pylori) trước đây có tên là Campylobacter pylori. Đây là một loại xoắn khuẩn gram âm, hình xoắn ốc, sống trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. H. pylori được Robin Warren và Barry Marshall phát hiện thấy năm 1982.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ước tính rằng khoảng 2/3 dân số thế giới mang vi khuẩn này. Theo thống kê, có tới 70% người dân Việt Nam nhiễm HP. Đáng nói, hiện nay số lượng người nhiễm vi khuẩn HP dạ dày ngày càng gia tăng.
Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày, viêm loét tá tràng, đặc biệt là ung thư dạ dày. H. pylori chủ yếu lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc bằng miệng với phân (phân-miệng), nước bọt (miệng-miệng) hoặc chất nôn mửa (dạ dày-miệng).
Về nơi sinh sống và trú ngụ, vi khuẩn HP thường có mặt ở các môi trường sau:
1. Nơi cư trú chính
Dạ dày là nơi cư trú chính của vi khuẩn HP. Trong môi trường axit đậm đặc trong dạ dày con người, HP loài vi khuẩn duy nhất có khả năng tồn tại và phát triển.
Để tồn tại, vi khuẩn HP phải tiết ra một loại enzyme gọi là Urease để trung hòa độ axit trong dạ dày. Loại vi khuẩn này có khả năng tồn tại và phát triển ở lớp giữa giữa chất nhầy và niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó chúng còn tạo ra các chất đối kháng riêng, tránh khả năng miễn dịch của cơ thể.
Khi xâm nhập vào dạ dày, vi khuẩn HP sẽ giải phóng độc tố đồng thời nhân lên trong niêm mạc dạ dày và tấn công phần đầu tiên của tá tràng (ruột non). Hậu quả là làm suy yếu lớp niêm mạc dạ dày tá tràng, gây đỏ sưng, viêm và loét. Tuy nhiên, nhiều người nhiễm vi khuẩn sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào.
2. Nơi sinh sống khác
Ngoài dạ dày, vi khuẩn HP còn được tìm thấy trong một số môi trường khác như:
- Khoang miệng: cao răng, nước bọt.
- Khoang xoang.
- Đường ruột.
- Thực quản.
- Tá tràng.
- Đại tràng.
- Túi thừa Meckel.
- Những nơi có dị sản dạ dày.
- Vi khuẩn HP còn được phát hiện trong ao hồ, thức ăn, kênh rạch, phân, nước uống…
Vi khuẩn HP dù có khả năng sống mãnh liệt và phát triển mạnh mẽ trong dạ dày con người nhưng ngoài môi trường tự nhiên sức sống của chúng khá yếu và tuổi thọ ngắn.
Trong môi trường tự nhiên, vi khuẩn HP tồn tại ở dạng xoắn khuẩn và cầu khuẩn. Helicobacter pylori chỉ có thể tồn tại trong nước vài giờ nếu ở dạng xoắn ốc, còn ở dạng hình cầu, vi khuẩn HP có thể tồn tại trong nước tới 1 năm.
II. Vì sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày?
Axit dạ dày có tính axit rất cao, với độ pH nằm trong khoảng từ 1 – 2, chỉ thấp hơn axit trong bình acquy. Vậy nhưng vi khuẩn HP vẫn có thể sinh sống phát triển trong môi trường dạ dày và gây bệnh. Vì sao vậy?
1. Thông tin, nghiên cứu, báo cáo tham khảo
Về lý do vì sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày, dưới đây là một số thông tin và nghiên cứu chúng tôi tổng hợp được:
– Theo vinmec.com
Trang vinmec.com cho hay, có hai lý do giúp vi khuẩn HP có thể sống trong môi trường dạ dày luôn chứa đầy axit gồm:
- Nhờ hệ thống tiên mao linh hoạt, vi khuẩn HP có thể tránh được tác động của axit dạ dày, vừa có thể di chuyển nhanh trong môi trường dạ dày.
- Vi khuẩn HP còn có thể tiết ra các enzyme Urease giúp điều chỉnh độ pH của môi trường dạ dày xung quanh vi khuẩn.
– Theo ncbi.nlm.nih.gov
Trang ncbi.nlm.nih.gov thông tin về việc các nhà khoa học khám phá cách vi khuẩn Helicobacter tồn tại trong axit dạ dày như sau:
- Các nhà khoa học tại Đại học California ở Los Angeles đã phát hiện ra rằng, H pylori có một kênh màng cổng axit độc đáo, kiểm soát hiệu quả lượng kiềm do vi khuẩn tạo ra để chống lại axit dạ dày. Điều này cho phép nó tồn tại và phát triển trong axit dạ dày.
- HP là loại vi khuẩn duy nhất có khả năng phát triển mạnh trong dạ dày con người. Nó thực hiện điều này bằng cách kích hoạt urease tế bào chất của chính nó, chất này chuyển đổi urê thành carbon dioxide và amoniac. Đầu tiên, amoniac trung hòa axit dạ dày xâm nhập vào màng ngoài của vi khuẩn, ngăn chặn quá trình axit hóa ở màng bên trong cho phép vi khuẩn xâm chiếm dạ dày.
– Theo cancer.gov
HP là một loại vi khuẩn hình xoắn ốc phát triển trong lớp chất nhầy bao phủ bên trong dạ dày con người. Mặc dù nhiều vi khuẩn không thể tồn tại trong môi trường axit của dạ dày, nhưng H. pylori lại có thể vì:
- HP có thể trung hòa tính axit của môi trường cục bộ trong dạ dày, mặc dù không phải toàn bộ dạ dày. Sự trung hòa cục bộ này giúp vi khuẩn HP tồn tại và sinh sôi trong dạ dày
- Một cách khác để H.pylori tồn tại trong môi trường axit của dạ dày là chui vào lớp chất nhầy và bám vào các tế bào lót bề mặt bên trong của nó. Điều này cũng giúp nó tránh được sự phá hủy miễn dịch, bởi vì dù các tế bào miễn dịch thường nhận biết và tấn công vi khuẩn xâm nhập tích tụ gần các vị trí nhiễm HP nhưng chúng không thể tiếp cận được niêm mạc dạ dày.
- Vi khuẩn HP cũng cản trở các phản ứng miễn dịch tại chỗ, khiến chúng không có hiệu quả trong việc loại bỏ vi khuẩn này.
– Theo hopkinsmedicine.org
Trang hopkinsmedicine.org cho hay, vi khuẩn HP tấn công lớp màng bảo vệ dạ dày và tạo ra một loại enzyme gọi là urease. Enzyme này làm cho axit dạ dày của bạn ít axit hơn (trung hòa axit dạ dày). Nhờ vậy, vi khuẩn HP có thể dễ dàng sống sóng trong môi trường dạ dày có độ axit cao.
Vi khuẩn HP làm suy yếu niêm mạc dạ dày. Khi đó, các tế bào dạ dày có nguy cơ bị tổn thương cao hơn bởi axit và pepsin, những chất dịch tiêu hóa mạnh. Hậu quả là có thể dẫn đến vết loét hoặc loét ở dạ dày hoặc tá tràng.
– Theo nature.com
Trang nature.com cho hay, dạ dày là nơi đặc biệt khó khăn cho vi khuẩn cư trú. Ở ruột dưới, nơi có độ pH trung tính hoặc hơi kiềm, mật độ vi khuẩn cao nhất trong lòng ruột. Ngược lại, việc sản xuất axit trong dạ dày dẫn đến độ pH là 1–2, giúp hạn chế nghiêm trọng sự xâm chiếm ở lòng dạ dày.
H.pylori chỉ có thể tồn tại vài phút trong lòng dạ dày và phải di chuyển nhanh chóng đến bề mặt biểu mô dạ dày. Tương tự như ruột, lớp nhầy trong dạ dày tạo thành một rào cản vật lý ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và có thể hoạt động như một giàn giáo để liên kết các hợp chất kháng khuẩn của vật chủ.
Dưới đây là cách thức xâm lấn của vi khuẩn HP với niêm mạc dạ dày:
- Việc sản xuất urease của vi khuẩn HP là cần thiết để kháng axit thông qua việc sản xuất các ion amoni cục bộ và sự vận động của vi khuẩn cho phép sự xâm nhập của chất nhầy.
- Hơn nữa, hoạt động của urease tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của vi khuẩn qua lớp chất nhầy bằng cách thay đổi đặc tính đàn hồi nhớt của chất nhầy dạ dày. Ở độ pH thấp, chất nhầy dạ dày tạo thành một loại gel có khả năng bẫy vi khuẩn hiệu quả. Nhưng việc sản xuất các ion amoni được xúc tác bởi urease làm tăng độ pH lên gần trung tính và chất nhầy chuyển tiếp thành dung dịch nhớt đàn hồi mà H. pylori có thể bơi qua đó.
– Theo news-medical.net
Theo news-medical.net, để xâm nhập thành công vào dạ dày, vi khuẩn HP phải trải qua 4 bước rất quan trọng:
- Sống sót trong dạ dày axit.
- Di chuyển tới biểu mô qua trung gian roi.
- Gắn vào tế bào chủ bằng tương tác chất kết dính/thụ thể.
- Gây tổn thương mô thông qua giải phóng độc tố.
Trong đó, điều giúp HP sống sót trong môi trường dạ dày nhiều axit là: vi khuẩn HP chứa các kênh urê điều chỉnh hoạt động urease bên trong vi khuẩn. Các kênh này kiểm soát dòng urê đi vào để cho phép vi khuẩn tồn tại ở độ pH thấp của dạ dày.
2. Kết luận lý do vì sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày
Với những thông tin ở trên, có thể đưa ra kết luận về việc tại sao vi khuẩn HP có thể sống được trong dạ dày như sau:
– Trung hòa axit dạ dày: Vi khuẩn HP khi ở trong môi trường dạ dày có thể tiết ra một loại enzyme có tên là urease giúp trung hòa axit trong dạ dày.
– Khả năng di chuyển nhanh: Nhờ hệ thống tiên mao linh hoạt, vi khuẩn HP có thể tránh được tác động của axit dạ dày, vừa có thể di chuyển nhanh trong môi trường dạ dày.
– Có thể chui vào lớp chất nhầy và bám vào các tế bào lót bề mặt bên trong: Giúp vi khuẩn HP tránh được sự phá hủy miễn dịch.
– Cản trở phản ứng miễn dịch tại chỗ: Vi khuẩn HP cũng cản trở các phản ứng miễn dịch tại chỗ, khiến chúng không có hiệu quả trong việc loại bỏ vi khuẩn.
III. Vi khuẩn HP trong dạ dày lây truyền qua con đường nào?
Vi khuẩn HP trong dạ dày hoàn toàn có khả năng lây từ người mang mầm bệnh sang người khỏe mạnh. Thông thường chúng lây lan qua 3 con đường như sau:
1. Đường dạ dày – dạ dày
Con đường lây nhiễm vi khuẩn HP này khá phổ biến nhưng lại ít người biết đến. Cụ thể bạn có thể bị nhiễm HP nếu dùng chung các dụng cụ y tế như nội soi dạ dày hoặc các dụng cụ này không được khử trùng cẩn thận.
Do đó, vi khuẩn HP sẽ bám dính và tồn tại trên thiết bị nội soi. Sau đó, chúng được sử dụng để thăm khám cho người không bị bệnh dẫn đến hiện tượng lây nhiễm tăng cao.
2. Đường dạ dày – miệng
Vi khuẩn HP cũng có khả năng lây nhiễm qua đường dạ dày – miệng nhưng tỷ lệ lệ lây nhiễm thấp.
Thông thường, các trường hợp bị viêm loét dạ dày, đau dạ dày, trào ngược dạ dày do vi khuẩn HP gây ra thường xuất hiện các triệu chứng ợ hơi, ợ chua hay buồn nôn…
Điều này có nghĩa là vi khuẩn HP sẽ theo đường dạ dày trào ngược lên miệng và thoát ra ngoài. Nếu người bệnh không biết cách vệ sinh sạch sẽ và khử trùng đúng cách sẽ làm tăng tình trạng lây nhiễm sang cho người thân hoặc những người xung quanh.
3. Đường miệng – miệng
Đây là con đường lây truyền chính của vi khuẩn HP. Vi khuẩn này có thể lây lan qua tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa của người nhiễm bệnh.
Thông thường, nếu trong gia đình có người nhiễm HP dạ dày thì khả năng những người khác cũng bị nhiễm HP là rất cao.
4. Đường phân-miệng
Vi khuẩn HP được đào thải qua phân và là nguồn lây lan ra cộng đồng. Cách lây nhiễm cụ thể như sau:
- Tiếp xúc với phân hoặc chất nôn bị nhiễm khuẩn HP.
- Người bị nhiễm vi khuẩn HP trong phân, nếu sau khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn có thể làm tăng khả năng lây lan vi khuẩn khi bạn dùng tay bốc thức ăn.
- Do thói quen ăn đồ sống, chưa chín kỹ và không đảm bảo vệ sinh nên có thể bị nhiễm vi khuẩn.
- Ăn thực phẩm bị ô nhiễm hoặc uống nước bị ô nhiễm, hoặc bơi trong vùng nước bị ô nhiễm.
- Ngoài ra, các động vật trung gian như ruồi, gián, chuột,… cũng chính là tác nhân làm tăng khả năng lây truyền vi khuẩn Hp từ người này sang người khác. Bởi chúng có thể tiếp xúc với môi trường bẩn và bám vào thức ăn của bạn khi bạn không che đậy cẩn thận.
5. Con đường lây lan khác
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị lây nhiễm vi khuẩn HP dạ dày khi dùng chung các dụng cụ y tế như soi tai, dụng cụ nha khoa… với người bệnh nhiễm HP.
IV. Trong môi trường dạ dày, vi khuẩn HP sống được bao lâu?
Môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của vi khuẩn HP. Trên thực tế, con người quyết định tuổi thọ của vi khuẩn HP. Nói cách khác, nếu chúng ta không tác động gì đến nó thì nó vẫn sống và tăng trưởng, khi chúng ta tiêu diệt nó thì nó sẽ chết.
Do có khả năng miễn dịch rất cao nên vi khuẩn HP trong dạ dày sẽ không bao giờ tự chết nếu không điều trị. Niêm mạc dạ dày chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn HP sinh sôi và phát triển. Vì vậy, để tiêu diệt hoàn toàn HP dạ dày cần đến bệnh viện để có biện pháp điều trị phù hợp và đúng cách.
Ngoài môi trường dạ dày, vi khuẩn HP trong môi trường tự nhiên (đất, nước và không khí) chỉ có thể tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định:
– Trong môi trường đất: Vi khuẩn HP có thể tồn tại vài giờ sau khi rời khỏi cơ thể. Chúng cũng có thể thay đổi cấu trúc để tồn tại lâu hơn. Do đó, vi khuẩn HP vẫn có khả năng lây nhiễm cao cho người khác nếu tiếp xúc với môi trường có vi khuẩn HP.
– Trong môi trường không khí: Thời gian sống của vi khuẩn HP sau khi rời khỏi cơ thể được xác định là 60 phút đến 4 giờ.
– Trong nước: Thời gian vi khuẩn HP có thể tồn tại trong nước khác nhau tùy thuộc vào nhiệt độ nước. Nếu HP ở dạng hình cầu, nó có thể tồn tại rất lâu, trong môi trường nước như ao hồ, kênh rạch vi khuẩn HP có thể sống tới hơn 1 năm. Khi nước sôi ở 100 độ, vi khuẩn HP sẽ chết.
Như vậy, dù ra khỏi cơ thể con người, vi khuẩn HP vẫn có thời gian tồn tại nhất định, khả năng lây nhiễm của chúng vẫn rất cao khi người khác tiếp xúc. Vì vậy, bạn cần chú ý đến nguồn nước và thực phẩm để giảm nguy cơ nhiễm HP.
V. Có thể phát hiện và điều trị dứt điểm vi khuẩn HP trong dạ dày không?
Khoảng 70-80% trường hợp nhiễm HP dạ dày không có triệu chứng. Nhưng khi loét dạ dày gây ho sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
- Đau hoặc khó chịu ở vùng thượng vị.
- Cảm thấy đầy hơi sau khi chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn.
- Không có cảm giác đói.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Phân đen.
- Cảm thấy mệt.
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy mình có một trong các triệu chứng kể trên để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh gây biến chứng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
1. Cách phát hiện
Để kiểm tra xem người bệnh có bị nhiễm HP dạ dày hay không, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau:
– Nội soi sinh thiết kiểm tra HP: Đâu là cách phổ biến và hiệu quả nhất để biết dạ dày có nhiễm HP hay không. Bác sĩ sẽ dùng một ống nhỏ đưa vào dạ dày qua thực quản, sau đó lấy mẫu sinh thiết xung quanh vị trí tổn thương của dạ dày để làm xét nghiệm clo hoặc nuôi cấy vi khuẩn. Phương pháp này không chỉ giúp kiểm tra được tình trạng nhiễm HP mà còn cho phép bác sĩ quan sát rõ nhất và đánh giá được tổn thương nếu có của đường tiêu hóa trên.
– Kiểm tra hơi thở ure: Bệnh nhân sẽ được cung cấp một thiết bị thở và thổi vào đó. Có hai loại thiết bị kiểm tra hơi thở: kiểm tra hơi thở bằng bóng bay (thở vào thiết bị có hình dạng giống quả bóng bay) và kiểm tra hơi thở bằng thẻ (thổi vào thiết bị có hình dạng giống thẻ ATM).
– Xét nghiệm phân: HP hiện diện trong dạ dày và được bài tiết qua phân. Xét nghiệm phân bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang sẽ giúp phát hiện HP. Do những hạn chế và bất tiện nên bài kiểm tra này hiếm khi được thực hiện.
– Xét nghiệm máu tìm HP: Vì độ chính xác không cao và có thể bị dương tính giả nên xét nghiệm này hiện ít được sử dụng.
Khi kết quả xét nghiệm dương tính, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ để có phác đồ điều trị HP phù hợp. Tuân thủ phác đồ điều trị HP bằng nhiều loại thuốc phối hợp, sử dụng đúng liều lượng và thời gian quy định giúp điều trị HP hiệu quả.
2. Cách điều trị
Vi khuẩn HP có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc. Hầu hết bệnh nhân sẽ dùng 3 loại thuốc trở lên trong 2 – 4 tuần, bao gồm:
– Thuốc làm giảm lượng axit tiết ra trong dạ dày: Tác dụng điều trị nhiễm trùng và chữa lành vết loét. Các loại thuốc phổ biến là ranitidin, omeprazol, cimetidin, lansoprazol.
– Các loại kháng sinh khác nhau: Tiêu diệt vi khuẩn HP. Loại thuốc phổ biến gồm: clarithromycin, amoxicillin, metronidazol và levofloxacin.
Việc điều trị HP bằng thuốc cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Cần báo ngay cho bác sĩ ngay nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nào. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh, thay đổi liều lượng, thời gian và loại thuốc để tránh tình trạng bị kháng thuốc kháng sinh, tăng nguy cơ tái nhiễm HP.
Sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân nên quay lại kiểm tra xem đã tiêu diệt HP thành công chưa. Nếu chưa bác sĩ có thể chỉ định phác đồ điều trị tiếp theo nhằm loại bỏ hoàn toàn HP.
Có thể thấy, trong môi trường dạ dày, vi khuẩn HP không chỉ có sức sống rất mạnh mẽ mà còn có thể sôi phát triển nhanh chóng do loại vi khuẩn này có khả năng trung hòa được axit của dạ dày. Hy vọng bài viết đã giúp bạn biết chính xác vì sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày, thời gian có thể sinh sống của loại vi khuẩn này trong dạ dày cũng như cách lây lan để chủ động phòng ngừa bị nhiễm HP.
Để được tư vấn kỹ hơn về sức khỏe dạ dày, bạn vui lòng gọi đến hotline 1800.1125 (miễn phí cước) để gặp trực tiếp dược sĩ của Yumangel nhé.
Tài liệu tham khảo:
https://www.webmd.com/digestive-disorders/h-pylori-helicobacter-pylori
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1117475/#:~:text=H%20pylori%20is%20unique%20in,acidification%20at%20the%20inner%20membrane.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8544542/#:~:text=It%20is%20mostly%20found%20in,transmission%20and%20infection%20of%20H.
https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/infectious-agents/h-pylori-fact-sheet#:~:text=Although%20many%20bacteria%20cannot%20survive,neutralization%20helps%20the%20bacterium%20survive.
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/helicobacter-pylori#:~:text=The%20H.%20pylori%20bacteria%20can,stomach%20to%20make%20more%20acid.
https://www.news-medical.net/life-sciences/Helicobacter-pylori-Life-Cycle.aspx#:~:text=pylori%20adapts%20and%20resides%20in,peptic%20ulcer%2C%20or%20gastric%20malignancies.
https://www.nature.com/articles/nrmicro3016#Sec2
https://careplusvn.com/en/how-do-you-get-hpylori-symptoms-test#:~:text=Endoscopy%20to%20check%20for%20Hp,chlorine%20test%20or%20bacterial%20culture.
https://www.vinmec.com/vi/gastroenterology-hepatobiliary/health-news/is-hp-bacteria-dangerous/
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...