H.Pylori là loại vi khuẩn hiếm hoi có khả năng tồn tại và sinh sôi tại dạ dày trong thời gian dài. Vậy, vì sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày? Cách HP thích nghi với môi trường axit đậm đặc và phát triển mạnh mẽ là gì? Hãy cùng Yumangel tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Mục lục
I. Vi khuẩn HP sống ở môi trường nào?
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori/ H.pylori) trước đây có tên là Campylobacter pylori. Đây là một loại xoắn khuẩn gram âm, hình xoắn ốc, sống trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. H. pylori được Robin Warren và Barry Marshall phát hiện thấy năm 1982.
Vi khuẩn HP hầu như chỉ tìm thấy trong cơ thể người, đặc biệt ở dạ dày, tá tràng, và đôi khi ở thực quản nếu có tổn thương hoặc môi trường phù hợp.
1. Dạ dày
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) chủ yếu sống và phát triển trong dạ dày của con người, nơi có những điều kiện đặc biệt hỗ trợ sự tồn tại của nó như điều kiện về pH, dinh dưỡng và sự bảo vệ khỏi axit dạ dày.
H. pylori thường cư trú ở lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đây là nơi có môi trường ít axit hơn so với dịch dạ dày bên dưới, giúp vi khuẩn tránh bị tiêu diệt.
Vi khuẩn tận dụng chất nhầy và tế bào chết từ niêm mạc dạ dày làm nguồn dinh dưỡng để tồn tại và phát triển.
2. Nơi sinh sống khác
Ngoài dạ dày, vi khuẩn HP còn được tìm thấy trong một số môi trường khác như:
- Khoang miệng: Vi khuẩn được phát hiện trong mảng bám răng và nước bọt. Khoang miệng có thể là nơi trú ẩn tạm thời và là nguồn lây nhiễm.
- Khoang xoang: Một số nghiên cứu nhỏ đã phát hiện H. pylori trong các mô của khoang xoang, đặc biệt ở những người bị viêm xoang mãn tính.
- Thực quản: H. pylori đôi khi được tìm thấy ở những người bị viêm thực quản hoặc trong trường hợp dạ dày có tình trạng trào ngược.
- Tá tràng: H. pylori có thể cư trú trong lớp niêm mạc của tá tràng, đặc biệt ở những người bị loét tá tràng.
- Những nơi có dị sản dạ dày: H. pylori có thể xâm nhập và tồn tại tại các khu vực dị sản dạ dày ở những cơ quan khác, như tá tràng, thực quản, hoặc trong túi thừa Meckel. Dị sản tạo ra mô giống niêm mạc dạ dày, cung cấp môi trường phù hợp cho vi khuẩn sinh sống.
- Vi khuẩn HP còn được phát hiện trong ao hồ, thức ăn, kênh rạch, nước uống…
- Môi trường phân: H. pylori có thể tồn tại trong phân người, cho thấy đường tiêu hóa dưới cũng có khả năng chứa vi khuẩn này, đặc biệt trong các trường hợp lây truyền qua đường phân – miệng.
Nói chung, ngoài dạ dày là nơi cư trú chính, H. pylori cũng có thể tồn tại ở các vị trí khác trong cơ thể, chủ yếu là hệ tiêu hóa và khoang miệng. Điều này góp phần vào khả năng lây nhiễm và tái phát của vi khuẩn.
Đừng bỏ qua: Hp lây qua đường nào?
II. Vì sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày?
Axit dạ dày có tính axit rất cao, với độ pH nằm trong khoảng từ 1 – 2, chỉ thấp hơn axit trong bình acquy. Vậy vì sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày? Yếu tố nào giúp H. pylori tồn tại trong môi trường khắc nghiệt này? Câu trả lời là nhờ chiến lược “đào hang, bám trụ, né tránh” để sống sót và gây hại trong môi trường dạ dày đầy axit.
1. Xâm nhập và trốn tránh môi trường axit
Vi khuẩn Hp được trang bị 4-6 lông roi ở một đầu, giúp nó di chuyển linh hoạt, giúp nó có thể xâm nhập sâu vào lớp niêm mạc dạ dày.
Đặc điểm nổi bật của vi khuẩn Hp là enzyme urease, một enzyme giúp chuyển hóa ure trong dạ dày thành amoniac để trung hòa axit xung quanh nó, tạo ra môi trường “dễ chịu” hơn với pH trung tính (độ pH khoảng 5–6).
2. Bám chặt vào niêm mạc dạ dày
H.pylori sử dụng các protein đặc biệt trên màng ngoài (như nhóm protein HOP kết hợp với các protein bám dính khác) để bám chặt vào tế bào dạ dày, ngăn bị cuốn trôi bởi dịch tiêu hóa.
3. Thích nghi và “né tránh” hệ miễn dịch
HP là vi khuẩn gram âm, có vách tế bào mỏng và lớp lipopolysaccharide, giúp nó chống lại một số yếu tố miễn dịch của cơ thể. HP cần một lượng nhỏ oxy để tồn tại, giúp nó thích nghi với môi trường ít oxy như niêm mạc dạ dày.
Đặc biệt, vi khuẩn Hp có khả năng thay đổi gen để tạo ra các biến thể mới, giúp nó thích nghi với cơ thể và tránh bị hệ miễn dịch tiêu diệt.
4. Một số yếu tố độc lực khác
Các gen đặc biệt (babA2, horB, homB, iceA2, cagA, và dupA…) giúp H. pylori tồn tại lâu dài trong cơ thể người. Dù chức năng của tất cả các yếu tố này chưa được hiểu rõ hoàn toàn, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những gen này, phần lớn mang tính chất gây viêm, có khả năng thay đổi sinh lý và hình thái của tế bào biểu mô dạ dày.
III. Trong môi trường dạ dày, vi khuẩn HP sống được bao lâu?
Môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của vi khuẩn HP. Trên thực tế, con người quyết định tuổi thọ của vi khuẩn HP. Nói cách khác, trong môi trường dạ dày, vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) có thể tồn tại suốt đời nếu không được điều trị. Vì vậy, để loại bỏ H. pylori, cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ, bao gồm kháng sinh và thuốc ức chế axit.
Ngoài môi trường dạ dày, vi khuẩn HP trong môi trường tự nhiên (đất, nước và không khí) chỉ có thể tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định:
- Trong môi trường đất: Vi khuẩn HP có thể tồn tại vài giờ sau khi rời khỏi cơ thể. Chúng cũng có thể thay đổi cấu trúc để tồn tại lâu hơn.
- Trong môi trường không khí: Thời gian sống của vi khuẩn HP được xác định là 60 phút đến 4 giờ.
- Trong nước: Thời gian vi khuẩn HP có thể tồn tại trong nước khác nhau tùy thuộc vào nhiệt độ nước. Nếu HP ở dạng hình cầu, nó có thể tồn tại rất lâu, trong môi trường nước như ao hồ, kênh rạch vi khuẩn HP có thể sống tới hơn 1 năm. Khi nước sôi ở 100 độ, vi khuẩn HP sẽ chết.
Như vậy, dù ra khỏi cơ thể con người, vi khuẩn HP vẫn có thời gian tồn tại nhất định, khả năng lây nhiễm của chúng vẫn rất cao khi người khác tiếp xúc.
IV. Vi khuẩn Hp sinh sôi bằng cách nào?
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) không chỉ tồn tại mà còn có thể sinh sôi trong môi trường dạ dày nhờ các cơ chế bảo vệ, thích nghi, và tận dụng nguồn dinh dưỡng từ niêm mạc dạ dày. Đây là lý do vì sao nhiễm H. pylori thường kéo dài và khó tự khỏi nếu không được điều trị.
Giống như các vi khuẩn khác, H. pylori sinh sôi qua cơ chế phân đôi (binary fission). Quá trình này bao gồm:
- Sao chép ADN: H. pylori bắt đầu nhân lên bằng cách sao chép toàn bộ vật liệu di truyền của nó.
- Phân chia tế bào: Sau khi ADN được sao chép, màng tế bào và thành tế bào bắt đầu co thắt, chia tế bào mẹ thành hai tế bào con hoàn chỉnh.
- Tăng trưởng tế bào con: Các tế bào con tiếp tục phát triển kích thước, tạo thành các vi khuẩn mới sẵn sàng lặp lại chu trình.
Quá trình này diễn ra liên tục trong điều kiện thuận lợi và là cơ chế chính giúp H. pylori tăng số lượng trong môi trường dạ dày.
Có thể thấy, trong môi trường dạ dày, vi khuẩn HP không chỉ có sức sống rất mạnh mẽ mà còn có thể sôi phát triển nhanh chóng do loại vi khuẩn này có khả năng trung hòa được axit của dạ dày. Hy vọng bài viết đã giúp bạn biết chính xác vì sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày, thời gian có thể sinh sống của loại vi khuẩn này trong dạ dày cũng như cách chúng sinh sôi nảy nở.