Đơn thuốc điều trị dạ dày HP với mỗi người bệnh là không giống nhau. 5 Đơn thuốc điều trị HP dạ dày mới nhất của Bộ Y tế mà Yumangel chia sẻ dưới đây hy vọng sẽ giúp ích cho bạn!
Mục lục
I. Tìm hiểu về vi khuẩn HP dạ dày
Vi khuẩn HP tên đầy đủ là Helicobacter pylori, đây là loại vi khuẩn dạng xoắn khuẩn gram âm thường sinh sống và phát triển trong dạ dày.
Vi khuẩn HP được xem là tác nhân chính gây ra các bệnh viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày. Loại vi khuẩn này có thể tồn tại được trong môi trường axit đậm đặc như dạ dày nhờ có khả năng tiết ra enzyme (urease) để trung hòa môi trường axit xung quanh.
Vi khuẩn HP dạ dày có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua các con đường khác nhau:
- Đường miệng khi ăn uống, sử dụng chung bát đũa.
- Đường phân – miệng nếu rửa tay không sạch sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với bề mặt có chứa vi khuẩn nhưng lại đưa tay lên miệng.
- Sử dụng dụng cụ y tế không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình thăm khám nội soi dạ dày.
- Lây truyền qua vật trung gian như chuột, gián, ruồi… khi chúng bám vào thức ăn.
Để điều trị HP dạ dày tận gốc là điều không hề đơn giản vì khả năng và tốc độ sinh sôi phát triển của loại vi khuẩn này là rất nhanh. Không chỉ vậy, vi khuẩn HP còn có khả năng đề kháng với thuốc kháng sinh, đặc biệt là rất dễ lây lan.
II. Các nhóm thuốc được dùng trong điều trị dạ dày HP
Nếu cơ thể thường xuyên xuất hiện các triệu chứng liên quan đến dạ dày như đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, nôn ói,… bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm. Từ kết quả chẩn đoán bác sĩ sẽ tư phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Trong điều trị HP dạ dày, ngoài việc loại trừ tác nhân chính là vi khuẩn HP thì cần phải làm giảm yếu tố khác gây bất lợi (là axit dạ dày) đồng thời làm tăng các yếu tố bảo vệ và tái tạo niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó là điều trị hỗ trợ triệu chứng, nâng đỡ sức khỏe cho bệnh nhân.
Có 4 nhóm thuốc thường được sử dụng trong phác đồ điều trị vi khuẩn dạ dày HP gồm:
- Thuốc diệt vi khuẩn HP: Các loại thuốc diệt vi khuẩn HP thường được sử dụng bao gồm amoxicillin, clarithromycin, tetracycline, levofloxacin, furazolidone, metronidazole, tinidazole, rifabutin
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Tác dụng của thuốc là hạn chế lượng axit tạo ra trong dạ dày: omeprazole, pantoprazole, esomeprazole, lansoprazole, rabeprazole
- Thuốc bao phủ và bảo vệ niêm mạc dạ dày: Muối Bismuth subsalicylate được chỉ định sử dụng nhằm bao phủ và bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Các thuốc hỗ trợ làm giảm triệu chứng đau, khó chịu ở dạ dày như: thuốc trung hòa axit dịch vị, thuốc giảm đau co thắt…
Thời gian điều trị dạ dày HP tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, thông thường các phác đồ điều trị HP dạ dày có thời gian dùng thuốc từ 7 -14 ngày.
III. 5 đơn thuốc điều trị dạ dày HP mới nhất của Bộ Y tế
5 đơn thuốc điều trị dạ dày HP mới nhất của Bộ Y tế dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh không nên tự ý sử dụng. Nên đến bệnh viện thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn đơn thuốc điều trị HP dạ dày phù hợp.
1. Đơn thuốc 3 thuốc chuẩn
Đơn thuốc này áp dụng với những bệnh nhân mới điều trị lần đầu hoặc mức độ nhiễm khuẩn nhẹ. Thời gian sử dụng thuốc từ 7- 14 ngày.
- PPI: 2 lần/ ngày.
- Clarithromycin: 500mg x 2 lần/ ngày.
- Amoxicillin 1g x 2 lần/ ngày hoặc metronidazole 500mg x 2 lần/ ngày.
2. Đơn thuốc 4 thuốc chuẩn
Đơn thuốc này được áp dụng khi đơn thuốc 3 loại thuốc không hiệu quả hoặc người bệnh đã dùng kháng sinh nhóm macrolid (clarithromycin). So với đơn thuốc 3 thì đơn số 4 thiên về các loại thuốc đặc trị vi khuẩn dạng HP. Thời gian dùng thuốc cũng từ 7 -14 ngày.
- PPI: 2 lần/ngày.
- Tetracycline: 500mg x 4 lần/ngày.
- Metronidazole (500mg x 2 lần/ ngày) hoặc amoxicillin (1g x 2 lần/ngày)
- Bismuth: 4 lần/ngày
3. Đơn thuốc điều trị dạ dày HP nối tiếp
Đơn thuốc này dùng cho trường hợp bệnh nhân không đạt hiệu quả điều trị ở liệu pháp trên. Thời gian dùng thuốc rút ngắn còn trong 10 ngày.
- 5 ngày đầu: PPI (2 lần/ngày); Amoxicillin (1g x 2 lần/ngày).
- 5 ngày tiếp theo: PPI (2 lần/ngày); Clarithromycin (500mg x 2 lần/ngày); Tinidazole (500mg x 2 lần/ngày).
4. Đơn thuốc điều trị HP dạ dày có Levofloxacin
Vẫn là liệu pháp 3 thuốc nhưng điểm khác biệt ở chỗ, phác đồ này có kèm theo kháng sinh levofloxacin. Được sử dụng khi phác đồ 4 thuốc và phác đồ nối tiếp không có tác dụng loại bỏ HP hoặc gặp thất bại trong điều trị. Thời gian dùng thuốc liên trục trong 10 ngày.
- PPI (2 lần/ngày)
- Levofloxacin (500mg x 2 lần/ngày)
- Amoxicillin (1g x 2 lần/ ngày)
5. Đơn thuốc có chứa thuốc furazolidone và rifabutin
Đơn thuốc này có chứa thuốc furazolidone và rifabutin, được sử dụng cuối khi các đơn thuốc điều trị dạ dày HP ở trên mang lại kết quả điều trị tốt cho người bệnh.
- PPI + Levofloxacin + Rifabutin: 150mg x 2 lần/ngày.
- PPI + Amoxicillin + Rifabutin: 150mg x 2 lần/ngày.
- PPI + Amoxicillin + Furazolidone: 100mg x 4 lần/ngày.
- PPI + Amoxicillin: Liều cao 1g x 3 lần/ngày.
- PPI + Bismuth + Tetracycline + Furazolidone: 100mg x 4 lần/ngày.
Sau mỗi đợt dùng thuốc, để kiểm tra hiệu quả, người bệnh sẽ được kiểm tra thông qua xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm phân hoặc nội soi dạ dày. Với người bệnh không được loại trừ vi khuẩn HP sẽ được bác sĩ chỉ định với một liệu pháp khác.
- Yumangel gợi ý: Đơn thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản
IV. Tác dụng phụ khi dùng thuốc trị vi khuẩn HP
Sử dụng thuốc diệt vi khuẩn HP có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn như sau:
- Amoxicillin: Sau 7 ngày dùng thuốc có thể gây ngoại ban. Một số tác dụng phụ ít gặp hơn của loại thuốc trị vi khuẩn HP dạ dày này có thể kể đến như: buồn nôn, mề đay, tiêu chảy, ban đỏ, hội chứng Stevens-Johnson.
- Tetracycline: Có thể gây tiêu chảy, nôn, buồn nôn; một số tác dụng phụ ít gặp khác là phù Quincke, nổi mề đay, tăng nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh nắng.
- Clarithromycin: Có thể gây nôn mửa, rối loạn tiêu hóa; một số trường hợp ít gặp bị nổi mề đay, rối loạn chức năng gan, viêm gan, chóng mặt, mẩn ngứa, ngủ,…
- Metronidazole/Tinidazole: Gây chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn.
- Thuốc bao phủ niêm mạc Bismuth: Tác dụng phụ ít gặp như nôn mửa, bệnh não, buồn nôn, gây độc tính lên thận và thần kinh.
- Thuốc kháng histamin H2: Người bệnh dùng thuốc có thể bị choáng váng, mệt mỏi, tiêu chảy, phát ban, giảm bạch cầu, tăng transaminase huyết thanh và tăng creatinin huyết nhẹ.
- Thuốc ức chế bơm proton: Gây tác dụng phụ táo bón, khô miệng, đau bụng. Thuốc cũng có thể khiến một số vi khuẩn có hại phát triển mạnh như Clostridium difficile, gây viêm đại tràng giả mạc.
Người bệnh cũng có thể gặp một số tác dụng phụ không được đề cập ở trên khi dùng thuốc điều trị HP dạ dày. Khi gặp tác dụng phụ hoặc thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, bạn nên thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
V. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị dạ dày HP
Muốn đạt được hiệu quả điều trị bệnh như mong muốn, người bệnh phải có sự phối hợp với bác sĩ bằng cách tuân thủ những điều sau:
- Chỉ sử dụng thuốc trị vi khuẩn HP trong dạ dày khi đã được chẩn đoán chính xác nhiễm HP thông qua các xét nghiệm vi khuẩn HP.
- Người bệnh tuyệt đối tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều dùng, thời điểm và thời gian uống thuốc. Không tự ý thay đổi vì có thể làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, gây khó khăn trong điều trị.
- Có chế độ ăn uống khoa học và sinh hoạt điều độ để mau khỏi bệnh: Trong thời gian dùng thuốc điều trị dạ dày HP, người bệnh không nên ăn các thức ăn chua, cay nóng, đồ ăn cứng, nhiều dầu mỡ, khó tiêu; thức uống chứa cồn vì có thể gây tương tác có hại; tránh uống nhiều rượu bia, không hút thuốc, ăn các thức ăn lành mạnh, tăng cường ăn rau, hoa quả tươi …
- Đặc biệt, không được tự ý ngừng sử dụng thuốc, vì nếu không tuân thủ điều trị rất dễ xảy ra hiện tượng kháng thuốc, lờn thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị sau này.
- Người bệnh trước khi dùng thuốc điều trị HP dạ dày cần thông báo với bác sĩ các thuốc đang sử dụng, kể cả các loại thực phẩm chức năng hay sản phẩm bổ sung khác để tránh tương tác bất lợi.
- Theo dõi tác dụng phụ của thuốc để thông báo với các bác sĩ kịp thời và có cách khắc phục nhanh chóng.
- Bệnh nhân trong thời gian điều trị HP dạ dày bằng thuốc nếu thấy có triệu chứng như nôn mửa, đau quặn bụng, đi ngoài phân đen, yếu mệt, nôn ra máu… thì cần đến bệnh viện ngay.
Việc loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn HP trong dạ dày không phải điều dễ dàng nhưng không phải là không thể. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng đơn thuốc điều trị dạ dày HP và hướng dẫn của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm:
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...