Vi khuẩn HP có tái nhiễm không? Thống kê cho thấy, tỷ lệ người Việt bị tái nhiễm HP là khoảng 23,5% sau khoảng 11 tháng điều trị khỏi hoàn toàn. Vi khuẩn có thể xuất hiện trở lại trong dạ dày do môi trường sống, thói quen ăn uống, chưa được tiêu diệt hoàn toàn hoặc kháng thuốc kháng sinh.
Mục lục
I. Bạn biết gì về vi khuẩn HP?
Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori/H.pylori) có khả năng sống sót trong môi trường axit đậm đặc và cư trú chủ yếu ở lớp niêm mạc trên bề mặt niêm mạc dạ dày. H.pylori có xu hướng tấn công niêm mạc dạ dày, gây ra tình trạng viêm dạ dày cấp và mạn tính. Ngoài ra còn gây ra tình trạng loét tá tràng, polyp ruột, ung thư tuyến tiết của dạ dày.
Theo thống kê, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP ở Việt Nam khá cao, khoảng hơn 70% dân số. Tỷ lệ nhiễm HP khoảng 70-90% dân số ở các nước đang phát triển và 25-50% ở các nước phát triển. Phương pháp điều trị hiệu quả là sử dụng thuốc kết hợp thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Tuân thủ phác đồ điều trị HP của bác sĩ, người bệnh có thể loại bỏ triệt để vi khuẩn HP.
Nhiều người thắc mắc, sau khi điều trị thành công, vi khuẩn HP có tái nhiễm không? Câu hỏi này sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết ở phần II, cùng đọc để có câu trả lời nhé!
II. Vi khuẩn HP có tái nhiễm không?
Một nghiên cứu về tỷ lệ tái xuất hiện vi khuẩn HP trong dạ dày cho thấy, ở Việt Nam vi khuẩn HP có khả năng tái nhiễm và tái phát cao. Thực tế, ngay cả khi đã được phát hiện nhiễm vi khuẩn HP kịp thời và điều trị thành công, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái nhiễm lại.
Tình trạng tái xuất hiện của HP dạ dày rất phổ biến và có thể xảy ra dưới 2 hình thức:
– Tái nhiễm: Điều này xảy ra khi một người đã được điều trị thành công và không còn vi khuẩn HP trong dạ dày của họ. Sau đó, họ bị nhiễm vi khuẩn HP mới.
– Tái phát: Sau một đợt điều trị bằng kháng sinh, lượng vi khuẩn HP trong dạ dày của người bệnh giảm xuống mức không thể phát hiện qua xét nghiệm. Tuy nhiên, sau một thời gian, do một số nguyên nhân nào đó, vi khuẩn có thể tăng lên lại và có thể phát hiện thông qua xét nghiệm.
III. Tỷ lệ tái nhiễm vi khuẩn HP
Tỷ lệ tái nhiễm HP tại Việt Nam và thế giới
Một nghiên cứu năm 2005 về tỷ lệ tái nhiễm vi khuẩn HP đã đưa ra các thông số về tỷ lệ tái nhiễm HP như sau:
– Tại Việt Nam: Trung bình 11 tháng sau diệt hoàn toàn, vi khuẩn H.P tái xuất hiện trong dạ dày là 23,5%. Trong đó, tái nhiễm (là tình trạng đã điều trị khỏi hoàn toàn sau đó lại nhiễm mới) là 9,7% và tái phát là 13,8%.
– Ở các nước phát triển: Ngược lại với nước ta, tỷ lệ tái nhiễm và tái phát HP trong dạ dày ở các nước phát triển như Mỹ, Phần Lan, Nhật Bản là rất thấp. Một số nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 0,2-2% – con số này thấp hơn ở Việt Nam rất nhiều.
Một số kết quả nghiên cứu về tỷ lệ tái nhiễm vi khuẩn HP
1. Một nghiên cứu mới đây cũng khẳng định, ngay cả khi điều trị vi khuẩn HP khỏi hoàn toàn thì vẫn có khoảng 10% người tái nhiễm lại sau trung bình 1 năm.
2. Trang pmc.ncbi.nlm.nih.gov thông tin về kết quả của nghiên cứu 1050 bệnh nhân có triệu chứng đường tiêu hóa trên được chẩn đoán là nhiễm HP bằng nội soi dạ dày và đã trải qua liệu pháp tiệt trừ từ tháng 4 năm 2013 đến tháng 1 năm 2014.
Kết quả cho thấy:
- Tổng cộng có 743 bệnh nhân hoàn thành theo dõi 1 năm và tỷ lệ tái phát 1 năm là 1,75%.
- Trong số 607 bệnh nhân hoàn thành theo dõi 3 năm, 28 bệnh nhân tái phát và tỷ lệ tái phát 3 năm là 4,61%.
- Thu nhập thấp, điều kiện vệ sinh kém ở nơi ăn uống bên ngoài và sự kết hợp của các chẩn đoán hoặc điều trị xâm lấn là các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ tái nhiễm HP.
IV. Nguyên nhân gây tái nhiễm vi khuẩn HP
Lý giải nguyên nhân vi khuẩn HP có khả năng tái nhiễm, các chuyên gia sức khỏe cho biết, có 3 lý do cần xem xét dưới đây:
1. Không tuân thủ phác đồ điều trị
Nguyên nhân đầu tiên gây tái nhiễm vi khuẩn HP là do người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị.
Người bệnh chỉ dùng thuốc đến khi thấy triệu chứng giảm hoặc tự ý mua kháng sinh khác về điều trị dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Điều này khiến cho việc điều trị chưa được dứt điểm, bệnh dễ dàng tái phát.
Đừng bỏ qua: 4 phương pháp điều trị HP dứt điểm, tránh tái phát hiệu quả
2. Tiếp xúc với nguồn lây nhiễm HP
Sau khi điều trị thành công vi khuẩn HP, nếu bệnh nhân vẫn tiếp xúc với nguồn lây nhiễm của loại vi khuẩn này thì hoàn toàn có nguy cơ tái nhiễm.
Người bệnh sau khi được tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn HP, họ có thể tái nhiễm trong khi sinh hoạt chung cùng gia đình và cộng đồng, tức vi khuẩn HP mới xâm nhập vào.
Vi khuẩn HP có thể lây nhiễm, tái nhiễm qua nhiều con đường như:
- Đường miệng – miệng: Đây là con đường lây nhiễm HP phổ biến nhất. Do vi khuẩn HP tồn tại trong nước bọt, khoang miệng, răng của người bệnh nên khi chúng ta hôn nhau, dùng chung bát đĩa loại vi khuẩn này có thể lây lan dễ dàng.
- Đường dạ dày – miệng: Vi khuẩn HP gây loét dạ dày, khiến người bệnh bị trào ngược axit, ợ nóng. Khi người bệnh hắt hơi hoặc thở mạnh, vi khuẩn HP có thể lây lan sang những người tiếp xúc gần gũi với người bệnh.
- Đường phân – miệng: Trong phân mà người bệnh thải ra có chứa một lượng lớn vi khuẩn HP. Sau khi đi vệ sinh, nếu người bệnh không vệ sinh sạch sẽ có thể khiến vi khuẩn HP lây lan khi họ cầm thức ăn bằng tay, chạm vào các vật dụng, bề mặt khác…
Ngoài ra, các động vật trung gian như muỗi, ruồi, gián, chuột,… cũng góp phần lây lan vi khuẩn HP qua những con đường này.
3. Vi khuẩn HP chưa được tiêu diệt hoàn toàn
Nguyên nhân thứ hai là khi diệt HP, vi khuẩn chưa hoàn toàn bị tiêu diệt hết mà chỉ giảm về số lượng.
Lúc này các xét nghiệm HP không thể phát hiện ra nên vi khuẩn vẫn còn tồn tại dạ dày và cơ thể sau đó vi khuẩn lại nhân lên và tái phát.
Đừng bỏ qua: Điều trị HP bao lâu thì xét nghiệm lại?
4. Tình trạng kháng kháng sinh cao
Thứ ba, tình trạng vi khuẩn HP kháng thuốc kháng sinh cao khiến tiêu diệt vi khuẩn HP trở nên khó khăn hơn, làm tăng tỷ lệ tái xuất hiện HP. Nguyên nhân này đặc biệt phổ biến ở nước ta.
Vi khuẩn HP trước đây rất nhạy cảm với kháng sinh nên dễ bị tiêu diệt. Những năm 1990 – 2000, tỷ lệ tiêu diệt HP thành công rất cao. Chỉ với 2 trong 2 loại kháng sinh là Amoxicillin, Clarithromycin và Metronidazole, hiệu quả diệt khuẩn đạt trên 95% chỉ sau 7 ngày điều trị.
Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam rất cao, trung bình:
- Amoxicillin 24,9%.
- Levofloxacin 27,9%.
- Clarithromycin 34,1%.
- Metronidazole 69,4%.
- Tetracycline 17,9%.
Đồng thời kháng nhiều loại kháng sinh khác có tỷ lệ kháng thuốc trung bình 47,4%. Như vậy, việc điều trị HP trở nên khó khăn hơn, cần phải có chỉ định đúng và chỉ tiêu diệt khi thực sự cần thiết.
5. Do thói quen ăn uống thiếu khoa học
Thói quen ăn uống thiếu khoa học cũng là nguyên nhân khiến vi khuẩn HP tái nhiễm. Nếu bệnh nhân liên tục tiêu thụ đồ ăn chua cay, mặn, uống nhiều rượu bia, ăn uống không đúng giờ thì việc điều trị HP sẽ trở về con số 0. Và việc tái nhiễm HP chỉ là thời gian.
V. Tái nhiễm HP dạ dày có nguy hiểm không?
Tình trạng tái nhiễm HP có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh dạ dày lên gấp 4 lần. Đồng thời cũng có thể làm tăng tỷ lệ xảy ra biến chứng loét dạ dày tá tràng lên 15 – 20%.
Nếu không được điều trị thành công, HP thường sẽ tồn tại trong niêm mạc dạ dày của bạn suốt đời, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý dạ dày và tiêu hóa. Do đó, người bệnh cần tìm biện pháp phù hợp để điều trị HP triệt để, tránh tình trạng tái nhiễm vi khuẩn HP.
Sau khi hoàn tất quá trình điều trị, người bệnh có thể được yêu cầu xét nghiệm hơi thở để kiểm tra xem thuốc có hiệu quả không. Điều quan trọng là phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị để loại bỏ nhiễm trùng.
Đôi khi, phương pháp điều trị đầu tiên không hiệu quả vì vi khuẩn không bị ảnh hưởng bởi thuốc kháng sinh. Điều này được gọi là kháng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp này, bác sĩ chuyên khoa có thể kê đơn thuốc khác cho người bệnh để chắc chắn loại bỏ triệt để vi khuẩn HP.
VI. Có thể phòng ngừa tái nhiễm vi khuẩn HP không?
Để tránh nguy cơ lây nhiễm hoặc tái nhiễm vi khuẩn HP, bạn cần chú ý những vấn đề dưới đây trong điều trị, vệ sinh, ăn uống và sinh hoạt hàng ngày:
1. Tuân thủ phác đồ điều trị
Đi khám và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị HP mà bác sĩ chỉ định. Hiện nay, phác đồ diệt vi khuẩn HP thường kết hợp nhiều loại kháng sinh dùng trong khoảng từ 4-6 tuần.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc về loại thuốc, thời điểm, thời gian và cách uống để đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn HP, giảm nguy cơ tái nhiễm hoặc tái phát về sau. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng để tránh tình trạng kháng thuốc.
Sau khi điều trị khỏi, nên thường xuyên kiểm tra tình trạng bệnh để kịp thời phát hiện nguy cơ tái nhiễm và có hướng xử trí kịp thời.
2. Tránh tiếp xúc với người nhiễm HP, chủ động điều trị sớm
- Nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý dạ dày tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP, cùng với việc điều trị, người bệnh cần tầm soát nhiễm khuẩn HP cho tất cả các thành viên trong gia đình để có biện pháp phòng ngừa tái nhiễm.
- Khi nghi ngờ bị nhiễm vi khuẩn HP, nên đi thăm khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn cách can thiệp phù hợp. Trong quá trình chữa trị, cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt, tránh nguy cơ tái nhiễm vi khuẩn HP hoặc các bệnh lý nguy hiểm ở dạ dày.
3. Vệ sinh tốt
- Hình thành thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy để tránh vi khuẩn HP lây qua đường tiêu hóa. Mỗi lần rửa tay nên rửa ít nhất trong 20 giây. Các thời điểm nhất định phải rửa tay sạch gồm: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi chế biến thực phẩm.
- Hạn chế tiếp xúc tay ở những nơi thường có vi khuẩn HP trú ngụ như cầu thang, bàn ăn…
- Không dùng nước bọt để lật giấy, đếm tiền…
4. Thay đổi thói quen ăn uống
- Vi khuẩn HP có thể lây nhiễm qua đường nước bọt để ngăn tái nhiễm HP hiệu quả, bạn không nên ăn uống và sử dụng chung các đồ dùng cá nhân với người khác.
- Người Việt thường hay có thói quen gắp thức ăn cho nhau, chấm chung bát… tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến lây nhiễm HP. Nếu muốn không tái nhiễm HP, cần phải thay đổi thói quen ăn uống này.
- Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, lành mạnh; nên chia khẩu phần ăn thành phần nhỏ cho từng người để hạn chế tối đa chung đụng trong bữa ăn. Các mẹ hoặc người chăm sóc cũng nên bỏ thói quen mớm cơm cho trẻ.
- Hạn chế các loại thực phẩm cay nóng, chiên rán, chứa nhiều axit như chanh, cam, quýt…
- Nên bổ sung các nhóm thực phẩm sau vào bữa ăn hàng ngày: rau củ (ớt chuông, bông cải xanh, cải bó xôi,…); các sản phẩm sữa lên men (sữa chua, sữa chua uống…); hoa quả giàu chống oxy hóa cao (táo, mâm xôi, dâu tây…).
5. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
- Đảm bảo ăn chín, uống sôi, tránh dùng đồ ăn còn tái sống hoặc nước chưa đun sôi.
- Không sử dụng thực phẩm chưa nấu chín kỹ hoặc có dấu hiệu nấm mốc, nhiễm khuẩn, ôi thiu.
- Uống nước sạch và sử dụng nước sạch trong quá trình chế biến thực phẩm.
- Hạn chế ăn ở những nơi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Tuân thủ lối sống lành mạnh
- Nên ngủ sớm, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ; giảm căng thẳng, kiểm soát stress.
- Kiêng sử dụng cà phê, nước có gas, các loại bia rượu, chất kích thích.
Tóm lại, vi khuẩn HP có tái nhiễm không? Vi khuẩn HP có khả năng tái nhiễm nhưng bạn có thể giảm nguy cơ tái nhiễm của vi khuẩn này bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Việc duy trì thói quen vệ sinh tốt, ăn uống đảm bảo vệ sinh và khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tái nhiễm vi khuẩn HP. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề vi khuẩn HP có tái nhiễm sau điều trị không, bạn vui lòng gọi đến hotline miễn cước 1800 1125 để được tư vấn cụ thể nhé!
Tài liệu tham khảo:
https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC6595863/
https://www.healthdirect.gov.au/helicobacter-pylori
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...