Trẻ rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì?

Trẻ thường có đường ruột nhạy cảm, chỉ một món ăn không phù hợp cũng có thể khiến bé rối loạn tiêu hóa. Chính vì vậy, “trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên kiêng ăn gì?” luôn là câu hỏi khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Hiểu được nỗi băn khoăn đó, Yumangel xin chia sẻ những thông tin chi tiết về chủ đề trên, mời bạn đọc cùng tham khảo.

I. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em thường biểu hiện qua các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đau bụng hoặc nôn mửa. Những vấn đề này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Chế độ ăn không phù hợp: Thực phẩm nhiều đường, chất béo hoặc khó tiêu hóa có thể làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột.
  • Dị ứng thực phẩm: Một số trẻ không dung nạp lactose hoặc dị ứng với sữa, gây ra các vấn đề tiêu hóa.
  • Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn hoặc virus từ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể khiến bé tiêu chảy hoặc đau bụng.
  • Căng thẳng: Trẻ em cũng có thể gặp rối loạn tiêu hóa do áp lực tâm lý, thay đổi môi trường.

Việc hiểu rõ nguyên nhân giúp phụ huynh điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, từ đó giảm thiểu triệu chứng và cải thiện sức khỏe tiêu hóa cho trẻ. Đặc biệt, việc loại bỏ các thực phẩm không phù hợp đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

II. Trẻ rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì?

Bên cạnh nguyên nhân thì vấn đề “trẻ rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì” cũng cần được ba mẹ hết sức quan tâm. Bởi, trẻ nhỏ khi gặp vấn đề về tiêu hóa cần được chăm sóc kỹ lưỡng trong chế độ ăn uống hằng ngày. Nhìn chung, cần hạn chế các loại thực phẩm khó tiêu, gây đầy hơi, kích thích ruột như: đồ ngọt, thức ăn chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, rau sống, thực phẩm chưa nấu chín và gia vị cay nóng.

Tuy nhiên, tùy theo triệu chứng rối loạn tiêu hóa cụ thể mà chế độ ăn cho bé cần điều chỉnh phù hợp. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết theo từng tình trạng.

1. Trẻ bị nôn trớ nhiều

 Khi trẻ nôn trớ liên tục, cơ thể dễ mất nước và điện giải, dẫn đến suy giảm thể lực. Vì vậy:

  • Sau khi nôn 30–60 phút, mẹ nên cho trẻ uống nước lọc hoặc dung dịch Oresol để bù nước và điện giải.
  • Sau 12–24 giờ, nếu trẻ không còn nôn nữa, có thể bắt đầu cho ăn lại với thức ăn loãng, dễ tiêu.

Những thực phẩm cần tránh:

  • Đồ uống có gas: Nước ngọt có gas, soda, nước tăng lực – gây đầy hơi và làm tăng cảm giác buồn nôn.
  • Thức ăn cứng, thô: Các loại hạt cứng, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc thô, rau sống – dễ gây phản xạ nôn ọe.
  • Đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ: Khoai tây chiên, gà rán – khó tiêu, làm nặng thêm tình trạng rối loạn tiêu hóa.
  • Đồ ngọt nhiều đường: Bánh kẹo, socola – có thể gây tăng axit trong dạ dày, dễ kích thích nôn.

2. Trẻ bị táo bón

Trẻ bị táo bón thường có biểu hiện đi ngoài ít hơn 3 lần mỗi tuần, phân khô cứng, phải rặn nhiều khi đi tiêu, đôi khi kèm theo cảm giác đau bụng hoặc chướng bụng. Tình trạng này khiến trẻ khó chịu, ăn uống kém và dễ mệt mỏi. Để cải thiện, cha mẹ cần lưu ý hạn chế các loại thực phẩm sau:

  • Thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ: Khoai tây chiên, gà rán, xúc xích, hamburger – làm chậm nhu động ruột.
  • Thực phẩm giàu đạm, khó tiêu: Thịt bò, thịt cừu, hải sản như tôm, mực; sữa công thức đặc.
  • Đồ khô, cay nóng, ít nước: Bánh mì khô, bánh quy, kẹo cứng, snack, trái cây sấy khô, mì gói.

Thay vào đó ba mẹ nên bổ sung chất xơ (rau xanh như mồng tơi, rau dền; hoa quả chín như chuối, đu đủ), thức ăn mềm, nhiều nước để kích thích nhu động ruột, giúp phân mềm và dễ đào thải.

3. Trẻ bị tiêu chảy

Tiêu chảy ở trẻ nhỏ thường biểu hiện qua việc đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, có thể kèm theo sốt, đau bụng và dấu hiệu mất nước như khô miệng, khát nhiều, tiểu ít. Nguyên nhân phổ biến là do nhiễm khuẩn hoặc ngộ độc thực phẩm, đặc biệt từ các món ăn không đảm bảo vệ sinh. Khi đó, ba mẹ không nên cho bé sử dụng các thực phẩm:

  • Thịt chế biến sẵn, đồ hộp: Xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội, đồ hộp sẵn – có nhiều muối và chất bảo quản gây kích ứng ruột.
  • Thực phẩm chứa phụ gia nhân tạo: Chất tạo ngọt: Aspartame, sorbitol – làm tăng thẩm thấu ruột, gây tiêu chảy kéo dài. Bên cạnh đó nên tránh thực phẩm chứa chất bảo quản và tạo đặc: Carrageenan, sulfite – gây tổn thương niêm mạc ruột.
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: Nếu trẻ có hiện tượng không dung nạp lactose sau tiêu chảy.

4. Trẻ bị dị ứng thực phẩm

Khi bị dị ứng thực phẩm trẻ phần lớn sẽ có các biểu hiện như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón sau ăn. Đồng thời, trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ, có thể kèm sưng môi, mặt, khó thở trong trường hợp nặng.Khi đó, ba mẹ cần loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm gây dị ứng, như:

  • Dị ứng lactose: Sữa bò, bơ, phô mai, kem chua, sữa đặc có đường.
  • Dị ứng đạm bò: Sữa công thức từ sữa bò, sữa tươi, phô mai cứng, sữa chua.
  • Dị ứng đậu và lạc: Đậu phộng (lạc), bơ đậu phộng, dầu lạc, một số loại snack và bánh có thành phần đậu.
  • Dị ứng hải sản: Tôm, cua, mực, sò, hàu – các loại động vật giáp xác và có vỏ.

5. Trẻ bị hội chứng ruột kích thích kèm đau bụng

Trẻ bị hội chứng ruột kích thích thường có biểu hiện đau bụng quặn sau ăn, đầy hơi, khó chịu, kèm theo sự thay đổi trong thói quen đi tiêu như tiêu chảy xen lẫn táo bón. Ba mẹ không nên cho bé ăn các thực phẩm như:

  • Nhóm giàu fructose: Táo, lê, xoài, dưa hấu, nước ép trái cây đóng hộp.
  • Thực phẩm chứa lactose: Sữa, kem, phô mai mềm, sữa đặc.
  • Giàu fructans: Hành, tỏi, lúa mì, lúa mạch đen, măng tây, atiso.
  • Giàu polyols: Lê, đào, mận, mơ, nấm, đậu tuyết, kẹo không đường (thường chứa sorbitol/xylitol)
  • Giàu galactans: Các loại đậu (đậu gà, đậu đen, đậu đỏ), hạt điều, đậu nành

III. Hướng dẫn chăm sóc trẻ rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt trong những giai đoạn bé bắt đầu ăn dặm, mọc răng hoặc thay đổi khẩu phần ăn. Bên cạnh việc theo dõi sức khỏe và nắm rõ các thực phẩm cần tránh, việc chăm sóc ăn uống hàng ngày của bé đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục và phòng ngừa rối loạn tiêu hóa. Dưới đây là những lưu ý quan trọng dành cho ba mẹ:

1. Ưu tiên thực phẩm dễ tiêu, chế biến mềm và loãng

  • Khi bé bị rối loạn tiêu hóa, hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả hơn bình thường. Vì vậy, nên ưu tiên cháo loãng, súp, cơm nát, các món hấp hoặc luộc.
  • Tránh dùng thức ăn chiên rán, nướng hoặc có lớp vỏ cứng khiến bé khó nhai, dễ đầy bụng và khó tiêu.

2. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày

  • Thay vì ép bé ăn nhiều trong 1-2 bữa, nên chia thành 5-6 bữa nhỏ để giảm tải áp lực cho hệ tiêu hóa.
  • Mỗi bữa không cần quá no, miễn bé ăn đủ chất và ăn được là tốt.

3. Bổ sung nước và điện giải đầy đủ

  • Trẻ dễ bị mất nước khi tiêu chảy hoặc nôn nhiều. Ngoài nước lọc, có thể cho bé uống nước cháo, nước hoa quả loãng hoặc dung dịch Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tránh cho bé uống nước có gas, nước ngọt công nghiệp vì có thể làm tình trạng rối loạn tiêu hóa nặng hơn.

4. Tránh các thực phẩm gây kích ứng hệ tiêu hóa

  • Tạm ngưng những món ăn dễ gây đầy hơi, chướng bụng như: đậu, rau sống, sữa chưa tiệt trùng, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Đặc biệt chú ý nếu bé có dấu hiệu dị ứng thực phẩm, cần loại bỏ ngay những món nghi ngờ và đưa bé đi khám nếu tình trạng rối loạn tiêu hóa không đỡ.

5. Không tự ý kiêng khem quá mức

Nhiều phụ huynh vì lo sợ nên cắt giảm quá nhiều thực phẩm, khiến bé thiếu chất. Thực tế, khi rối loạn tiêu hóa, bé vẫn cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, vitamin và khoáng chất để phục hồi nhanh chóng.

Cần duy trì đa dạng thực đơn sau khi bé ổn định, đồng thời tăng dần độ thô của thức ăn phù hợp với khả năng tiêu hóa của con.

6. Theo dõi phân và dấu hiệu cơ thể để điều chỉnh kịp thời

  • Màu sắc, hình dạng và mùi của phân là “tín hiệu” quan trọng cho thấy hệ tiêu hóa của bé có ổn không.
  • Nếu thấy bé tiêu chảy kéo dài, phân có nhầy, máu hoặc mùi bất thường, cần đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị đúng cách.

7. Không ép ăn, không la mắng nếu bé biếng ăn

Khi đang mệt mỏi hoặc khó chịu trong người, bé thường ăn ít hơn bình thường. Ba mẹ không nên ép, vì sẽ khiến bé sợ ăn và dễ nôn trớ. Hãy kiên nhẫn, tạo môi trường ăn uống thoải mái, thay đổi món thường xuyên để kích thích vị giác của bé.

8. Hạn chế sử dụng men tiêu hóa hoặc thuốc khi chưa có chỉ định

Một số phụ huynh tự ý mua men tiêu hóa hay thuốc cầm tiêu chảy về cho con dùng. Tuy nhiên, điều này có thể làm đảo lộn hệ vi sinh đường ruột, không xác định rõ bệnh lý của trẻ. Tốt nhất, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay men hỗ trợ nào.

Lời kết: Trên đây là chia sẻ của Yumangel về chủ đề “trẻ bị rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì”. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục tiêu hóa của trẻ. Hạn chế những món ăn không phù hợp chính là cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp trẻ nhanh khỏe và ăn ngon trở lại.

Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…

0/5 (0 lượt bình chọn)