Phẫu thuật Linx được xem là là một phương pháp điều trị mang tính cách mạng cho người bị trào ngược dạ dày thực quản. Cùng yumangel đánh giá quy trình thực hiện, hiệu quả, biến chứng và rủi ro khi thực hiện phương pháp phẫu thuật này qua bài viết sau!
Mục lục
I. Phẫu thuật Linx là gì?
Phẫu thuật Linx là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu giúp tăng cường cơ vòng thực quản dưới, từ đó chống trào ngược ở bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Linx là một vòng các hạt từ tính nhỏ được được quấn quanh cơ vòng thực quản, ngăn trào ngược từ dạ dày. Linx được phẫu thuật cấy ghép quanh đầu dưới của thực quản. Nó được sử dụng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở những bệnh nhân có các triệu chứng trào ngược axit kéo dài mặc dù đã sử dụng liệu pháp y tế (thuốc ức chế bơm proton) để điều trị nhưng không hiệu quả.
Cơ chế hoạt động của vòng Linx? Vòng LINX được đặt xung quanh cơ thắt thực quản dưới (cơ thắt là một cơ vòng siết chặt lỗ mở của cơ thể) để gia cố cho cơ thắt yếu. Thiết bị này giúp ngăn không cho thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Bằng cách hạn chế dòng chảy của thức ăn từ dạ dày vào thực quản, bệnh nhân sẽ giảm các triệu chứng ợ nóng và trào ngược (nôn, ợ hơi, ợ chua), thậm chí có thể không cần dùng thuốc để điều trị.
II. Lợi ích của phẫu thuật Linx
Không giống như thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản, hệ thống Linx được thiết kế để khắc phục nguyên nhân gây ra vấn đề trào ngược axit.
Thiết bị Linx bao gồm một loạt các hạt titan, mỗi hạt có một lõi từ tính, được kết nối với nhau bằng dây titan để tạo thành hình vòng. Tác dụng của các hạt nam châm là cung cấp thêm lực để giữ cho cơ vòng thực quản đang yếu có thể đóng lại sau khi nuốt thức ăn. Tuy nhiên, thức ăn vẫn có thể đi qua bình thường.
Khi bệnh nhân nuốt, áp lực trong thực quản tăng lên và các hạt từ tính tách ra trên dây titan. Khi các hạt tách ra, lực từ giảm. Sự tách biệt của các hạt này cho phép thức ăn hoặc chất lỏng đi vào dạ dày một cách bình thường. Sau khi thức ăn hoặc chất lỏng đi vào dạ dày, các hạt từ tính trở lại vị trí đóng.
Phẫu thuật Linx đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng liên quan đến bệnh trào ngược, bao gồm:
- Ợ nóng
- Trào ngược.
- Khàn tiếng.
- Đau họng.
- Ho.
- Đau ngực.
- Hụt hơi.
- Khó nuốt.
- Hen suyễn.
III. Ưu điểm của phẫu thuật Linx
Phẫu thuật LINX giúp ngăn không cho lượng axit bất thường từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính an toàn, hiệu quả và độ bền lâu dài của phương pháp điều trị này. Trong một nghiên cứu theo dõi 5 năm gần đây trên những bệnh nhân được cấy ghép thiết bị LINX như một phần của thử nghiệm FDA, không ghi nhận bất kỳ trường hợp bào mòn, di chuyển hoặc trục trặc nào của thiết bị. Chỉ có 1% bệnh nhân báo cáo bị trào ngược sau 5 năm.
Các ưu điểm nổi bật của phẫu thuật Linx trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản gồm:
- Xâm lấn tối thiểu: Bác sĩ phẫu thuật chỉ rạch một vết mổ nội soi nhỏ (nhỏ như cục tẩy bút chì) ở bụng bệnh nhân, ngay phía trên dạ dày.
- Không có thay đổi nào về dạ dày và thực quản: Vì thiết bị Linx được cấy quanh thực quản và không yêu cầu phẫu thuật thay đổi hệ thống tiêu hóa.
- Thực hiện nhanh chóng: Quá trình thực hiện thủ thuật Linx chỉ mất rất ít thời gian (dưới 1 tiếng đồng hồ).
- Không phải nằm viện lâu: Bệnh nhân thường về nhà vào cùng ngày hoặc ngày hôm sau.
- Không ảnh hưởng đến ăn uống: Phẫu thuật Linx không ảnh hưởng đến ăn uống và không gây đầy hơi do hạn chế luồng không khí đi qua dạ dày.
- Có thể tháo rời: Dễ dàng tháo bỏ thiết bị Link khi bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị khác.
IV. Khi nào cần phẫu thuật Linx?
Thiết bị LINX được sử dụng cho các bệnh nhân vẫn tiếp tục có triệu chứng trào ngược dạ dày (GERD) như ợ nóng và trào ngược, mặc dù đã được điều trị nội khoa tối đa (dùng thuốc hàng ngày như thuốc ức chế bơm proton). Nó được chỉ định cho những bệnh nhân cũng được coi là đối tượng phù hợp cho phẫu thuật chống trào ngược dạ dày.
V. Quy trình thực hiện phẫu thuật Linx
Quy trình thực hiện phẫu thuật Linx thường mất chưa đầy một giờ. Nó được thực hiện bằng nội soi, dưới gây mê toàn thân.
1. Trước phẫu thuật
Bệnh nhân có thể cần thực hiện một số xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ để chắc chắn có phù hợp với phẫu thuật Linx hay không:
- Kiểm tra hơi thở: Để xem liệu có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc dạ dày hay không.
- Nội soi: Nhằm đánh giá giải phẫu thực quản và dạ dày. Đồng thời cho phép tìm kiếm các dấu hiệu của vấn đề do trào ngược gây ra, chẳng hạn như thực quản Barrett, viêm hoặc thu hẹp thực quản.
- Kiểm tra độ pH và trở kháng BRAVO: Thực hiện bằng cách đưa một ống thông nhỏ vào thực quản qua mũi trong 24 giờ.
- Đo áp lực: Để đánh giá hoạt động của các cơ và dây thần kinh trong thực quản kiểm soát hoạt động nuốt.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thực hiện một số lưu ý sau:
- Hãy thảo luận với bác sĩ phẫu thuật để có sự chuẩn bị tốt nhất.
- Nhịn ăn và uống trước thời điểm phẫu thuật 6-8 tiếng để đảm bảo an toàn cho ca phẫu thuật.
- Kiêng hút thuốc ít nhất hai tuần trước ngày làm thủ thuật.
2. Thực hiện phẫu thuật
Phẫu thuật Linx là quy trình xâm lấn tối thiểu, được thực hiện bằng nội soi và người bệnh được gây mê hoàn toàn. Toàn bộ quy trình được thực hiện trong chưa đầy 1 tiếng đồng hồ với các bước như sau:
- Bác sĩ gây mê tiến hành gây mê toàn thân cho bệnh nhân.
- Bác sĩ phẫu thuật tạo bốn đến năm vết rạch nhỏ ở bụng.
- Đưa một ống nội soi (dụng cụ nhỏ có camera) vào bụng.
- Thông qua hình ảnh camera, bác sĩ sử dụng các dụng cụ phẫu thuật để đặt một vòng nam châm nhỏ linh hoạt được đặt xung quanh cơ thắt thực quản dưới (LOS), ngay phía trên lỗ thông vào dạ dày.
3. Sau phẫu thuật
Vì không cần phẫu thuật thay đổi thực quản hoặc dạ dày nên hầu hết bệnh nhân đều có thể về nhà vào ngày sau phẫu thuật.
Người bệnh cũng có thể tiếp tục chế độ ăn bình thường ngay lập tức mà không cần phải kiêng cữ.
VI. Rủi ro và biến chứng khi phẫu thuật Linx
Phẫu thuật Linx tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Vì vậy, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường để có cách xử lý kịp thời.
Các biến chứng cụ thể của phẫu thuật Linx là:
- Chứng khó nuốt dai dẳng.
- Xói mòn/di chuyển thiết bị Linx.
- Đau ngực.
- Chấn thương dây thần kinh phế vị.
- Xuất huyết.
Tác dụng phụ của phẫu thuật trào ngược Linx có thể gồm:
- Đau vai.
- Chậm làm rỗng dạ dày gây buồn nôn/nôn.
- Khó chịu ở ngực/đau khi nuốt.
VII. Đánh giá hiệu quả của phẫu thuật Linx
Trong các nghiên cứu về hệ thống Linx điều trị trào ngược được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt vào năm 2012: 90% bệnh nhân cho biết sự cải thiện các triệu chứng trào ngược hoặc có thể ngừng dùng thuốc một năm sau khi điều trị.
Một nghiên cứu khác kéo dài 5 năm được công bố trên tạp chí Lâm sàng Tiêu hóa và Gan mật (tháng 5 năm 2016; Tập 14 Số 5, trang 671-677) đã xác nhận kết quả lâu dài của hệ thống quản lý trào ngược Linx trong việc kiểm soát các triệu chứng liên quan đến trào ngược và kết luận Linx nên hiện được coi là liệu pháp chống trào ngược hàng đầu cho những bệnh nhân thích hợp.
Cụ thể theo nghiên cứu, sau khi điều trị bằng LINX:
- 99% bệnh nhân đã loại bỏ tình trạng trào ngược.
- 88% bệnh nhân cho biết chứng ợ nóng đã được loại bỏ.
- 85% bệnh nhân không còn phụ thuộc vào thuốc điều trị trào ngược hàng ngày.
- Cải thiện đáng kể tình trạng đầy hơi và chướng bụng.
VIII. Giải đáp thắc mắc về phẫu thuật Linx
Có khá nhiều câu hỏi, băn khoăn và thắc mắc của bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản trước khi thực hiện phẫu thuật Linx. Dưới đây là giải đáp của chúng tôi:
1. Có phải tất cả bệnh nhân trào ngược đều phải phẫu thuật Linx?
Không phải tất cả những người bị trào ngược dạ dày thực quản đều nhất thiết phải thực hiện phẫu thuật Linx. Một số bệnh nhân có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống hoặc phương pháp phẫu thuật khác.
Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phương pháp điều trị trào ngược phù hợp và hiệu quả nhất.
2. Thiết bị Linx có tuổi thọ bao lâu?
Thiết bị Linx được làm bằng titan kết hợp nam châm vĩnh cửu và được thiết kế để cấy ghép suốt đời. Nếu cần, có thể được loại bỏ thiết bị bằng thủ thuật nội soi bổ sung.
3. Thời gian hồi phục sau phẫu thuật Linx là bao lâu?
Phẫu thuật Linx hạn chế tối đa xâm lấn nên đa phần bệnh nhân được xuất viện cùng ngày hoặc ngày hôm sau sau phẫu thuật.
Trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy hơi khó chịu và đau. Tuy nhiên, sức khỏe sẽ hồi phục sau khoảng từ 3 đến 6 tháng.
4. Có thể ăn uống bình thường sau phẫu thuật Linx không?
Người bệnh có thể ăn uống bình thường ngay sau khi hoàn thành thủ thuật đặt thiết bị Linx. Điều quan trọng là phải ăn chậm và chia làm nhiều bữa nhỏ, ăn thức ăn mềm nhỏ, dễ nuốt và dễ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, bệnh nhân sau phẫu thuật Linx cũng cần tránh uống nước quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể gây khó chịu.
5. Cần tránh làm gì sau phẫu thuật Linx?
Sau khi phẫu thuật Linx, người bệnh nên tránh chụp MRI lớn hơn 1,5 Tesla để tránh gây thương tích nghiêm trọng. Nếu được chỉ định chụp MRI, hãy thông báo cho bác sĩ để có điều chỉnh phù hợp.
Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản bằng phẫu thuật Linx có tỷ lệ thành công cao và được chứng minh lâm sàng mang lại kết quả lâu dài. Nếu dùng thuốc không hiệu quả, phẫu thuật Linx có thể là lựa chọn tốt cho người bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Tìm hiểu thêm:
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...