Miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp bác vấn đề sức khỏe cần điều trị. Dưới đây là tổng hợp 16 nguyên nhân chính khiến miệng tiết nhiều nước bọt và buồn nôn kèm theo hướng dẫn điều trị.
Mục lục
- I. 16 nguyên nhân khiến miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn
- 1. Trào ngược dạ dày thực quản
- 2. Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- 3.Viêm dạ dày
- 4. Loét dạ dày tá tràng
- 5. Chứng khó nuốt
- 6. Viêm thực quản
- 7. Nhiễm toan ceton do đái tháo đường
- 8. Ung thư tuyến tụy
- 9. Rối loạn lo âu lan tỏa
- 10. Không dung nạp lactose
- 11. Táo bón
- 12. Ngộ độc thực phẩm
- 13. Quai bị
- 14. Đột quỵ
- 15. Ngộ độc carbon monoxide
- 16. Tác dụng phụ của thuốc
- II. Miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn khi nào cần đi khám?
- III. Cách điều trị tình trạng miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn
- IV. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bị buồn nôn và miệng tiết nhiều nước bọt
I. 16 nguyên nhân khiến miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn
Miệng tiết nhiều nước bọt kèm cảm giác buồn nôn có thể xuất phát từ một trong 16 nguyên nhân dưới đây:
1. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân phổ biến gây buồn nôn, miệng tiết nhiều nước bọt. Nguyên nhân là do niêm mạc dạ dày bị kích thích do lượng axit sản sinh nhiều vào có thể trào lên cả khoang miệng. Lúc này, miệng của người bệnh tiết nhiều nước bọt để trung hòa lượng axit – đây cũng là cơ chế tự bảo vệ của khoang miệng.
Dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn, nôn, ợ chua, ợ hơi và nuốt nước bọt liên tục. Các triệu chứng khác của trào ngược dạ dày như: ợ chua, có vị đắng trong miệng, đau tức thượng vị, đầy bụng, khó tiêu…
Bệnh trào ngược dạ dày kéo dài không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm thực quản, loét thực quản, hẹp thực quản, thực quản Barrett, thậm chí là ung thư biểu mô tuyến thực quản…
2. Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng này lành tính, tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hội chứng ruột kích thích là một nhóm các triệu chứng đường ruột dẫn đến khó chịu mãn tính ở dạ dày. Hội chứng này có thể gây tiêu chảy, táo bón mãn tính hoặc cả hai. Ngoài ra, buồn nôn, tiết nhiều nước bọt cũng xuất hiện trên bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích.
3.Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm cấp tính hoặc mãn tính. Triệu chứng chính của bệnh nhân viêm dạ dày là buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày và có thể gây tăng tiết nước bọt.
Viêm dạ dày cấp tính không nguy hiểm, có thể điều trị nội khoa dứt điểm bằng thuốc. Tuy nhiên viêm dạ dày mãn tính nếu không điều trị có thể gây xuất huyết tiêu hóa với các biểu hiện như: nôn ra máu, đi ngoài phân đen, thiếu máu.
Nguy hiểm hơn, viêm dạ dày mạn tính cũng là một trong các nguyên nhân gây teo niêm mạc dạ dày dẫn đến dị sản ruột, loạn sản và nặng nhất là ung thư dạ dày.
4. Loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày và tá tràng bị loét gây đau rát khắp ngực và dạ dày. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân loét dạ dày tá tràng là: buồn nôn dẫn đến tăng tiết nước bọt, nôn mửa, đau vùng thượng vị, khó tiêu, có máu trong phân.
Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hoàn toàn có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan không điều có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, ung thư dạ dày…
5. Chứng khó nuốt
Khó nuốt là thuật ngữ y khoa chỉ sự khó khăn khi nuốt của bệnh nhân do do các bệnh lý ở vùng thực quản hoặc vùng hầu họng gây ra. Ngoài cảm giác khó nuốt và nuốt vướng, một số triệu chứng khác của bệnh là buồn nôn khiến khoang miệng tiết nước bọt nhiều hơn.
Trường hợp chứng khó nuốt dẫn đến nghẹt thở, khó thở, thay đổi giọng nói, sụt cân không rõ nguyên nhân thì người bệnh hãy đi khám ngay.
6. Viêm thực quản
Viêm thực quản là hiện tượng niêm mạc thực quản bị viêm. Bệnh lý này có thể khiến người bệnh buồn nôn và nôn ói gây chảy nước miệng.
Một số dấu hiệu khác của bệnh như: khàn tiếng, nuốt đau, khó nuốt, cảm giác nóng rát ở ngực, đau họng, cảm giác chua trong họng do acid dạ dày bị trào ngược, chán ăn…
Có nhiều nguyên nhân gây viêm thực quản như trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm trùng, do tác dụng phụ của thuốc, dị ứng. Viêm thực quản thường không quá nghiêm trọng khi điều trị kịp. Tuy nhiên, triệu chứng của viêm thực quản có thể nguy hiểm ở các bệnh nhân mắc cao huyết áp, đái tháo đường hoặc tim mạch.
7. Nhiễm toan ceton do đái tháo đường
Nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA) là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường. Biến chứng này xảy khi cơ thể biến chất béo thành xeton để làm nhiên liệu do thiếu insulin.
Khi bị nhiễm toan ceton do tiểu đường, người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay khi cảm thấy buồn nôn và nôn kèm theo các triệu chứng như: khá, tăng đi tiểu, thở nhanh, lượng đường huyết và xeton cao…
8. Ung thư tuyến tụy
Nguyên nhân tiếp theo gây tình trạng miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn là do ung thư tuyến tụy. Ung thư tụy hay ung thư ngoại tiết có nguồn gốc từ tế bào nội tiết hoặc ngoại tiết của tuyến tụy. Vị trí thường bị ung thư tuyến tụy nhất là ở đầu tụy.
Buồn nôn, nôn ói nhiều là một triệu chứng phổ biến của ung thư tuyến tụy. Bệnh cũng có thể gây ra sự gia tăng axit trong dạ dày, dẫn đến chảy nước miệng. Các triệu chứng khác của ung thư tuyến tụy gồm: giảm cân không có lý do; đau bụng; khó tiêu, đau lưng, nước tiểu sậm màu…
Theo số liệu của Globocan 2020, ung thư tuyến tụy là bệnh ác tính phổ biến thứ 12 (chiếm 2,6% trong tổng số bệnh ung thư) và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ thứ 7 (chiếm 4,7% trong tổng số bệnh ung thư). Tỷ lệ sống sau 5 năm của tất cả các giai đoạn là 12% và giai đoạn di căn xa chỉ 3%. Do đó, khi nghi ngờ cơ thể có triệu chứng bị ung thư tuyến tụy, người bệnh cần thăm khám để được điều trị ngay.
9. Rối loạn lo âu lan tỏa
Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là tình trạng sức khỏe tâm thần của người bệnh luôn ở trạng thái sợ hãi, lo lắng về các hoạt động hàng ngày. Hội chứng này có thể dẫn đến một số triệu chứng ở đường ruột, trong đó có buồn nôn.
Tâm lý lo lắng quá mức thậm chí có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc loét dạ dày do căng thẳng. Cả hai đều có thể gây tăng tiết nước bọt. Bên cạnh đó, hội chứng rối loạn lo âu lan tỏa còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như: đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, táo bón…
Không chỉ làm giảm chất lượng công việc và cuộc sống, hội chứng rối loạn lo âu lan tỏa có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng sức khỏe thể chất khác như: hội chứng ruột kích thích, loét dạ dày, nhức đầu và đau nửa đầu, chứng mất ngủ, các bệnh mãn tính và tim mạch.
10. Không dung nạp lactose
Nguyên nhân không dung nạp lactose là do cơ thể người bệnh không có khả năng sản xuất lactase – một loại enzyme phân hủy lactose. Các triệu chứng thường gặp của bệnh gồm: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng…
Hội chứng không dung nạp lactose tuy không quá nguy hiểm nhưng lại gây nhiều khó chịu và phiền toái cho người bệnh. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện từ 30 phút đến 2 tiếng sau bữa ăn hoặc sau khi uống sữa và các chế phẩm từ sữa.
11. Táo bón
Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, khiến bệnh nhân đi phân không đều, khó đi ngoài và cảm giác đau, cứng. Người lớn không đi đại tiện quá 3 ngày; trẻ em một tuần không thể đi đại tiện 3 lần thì được coi là táo bón.
Các triệu chứng khi bị táo bón là đau khi đi đại tiện, phân cứng và cảm giác không thể thoát được hết. Một số nghiên cứu cho thấy, buồn nôn cũng là một triệu chứng phổ biến của chứng táo bón mãn tính, ngoài ra còn có ợ chua, khó nuốt gây tăng tiết nước bọt.
Táo bón cấp tính có thể gây tắc ruột, thậm chí người bệnh có thể phải phẫu thuật. Vì vậy bệnh nhân táo bón không nên chủ quan, hãy đi thăm khám khi thấy táo bón kéo dài trên 1 tuần.
12. Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn phải các thức bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các l thực phẩm bị biến chất, ôi thiu.
Buồn nôn là một trong các triệu chứng sớm nhất khi bị ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như sốt, nôn mửa, tiêu chảy…
Khi bị ngộ độc thực phẩm người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh chủ quan gây biến chứng nguy hiểm như: rối loạn thần kinh, rối loạn tim mạch…
13. Quai bị
Bệnh quai bị do virus Mumps gây ra, có thể lây theo đường hô hấp. Bệnh gây ảnh hưởng và sưng tuyến nước bọt dẫn đến chảy nước miếng. Người mắc bệnh quai bị còn bị khó nuốt, buồn nôn, nôn, đau bụng, sốt, đau nhức cơ thể…
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh quai bị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn, viêm buồng trứng, nhồi máu phổi, viêm tụy cấp tính, viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não…
14. Đột quỵ
Đột quỵ/tai biến mạch máu não (stroke) xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, suy giảm hoặc gián đoạn. Đây là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Đột quỵ cũng là nguyên nhân gây tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị đột quỵ còn bị sụp mí, tê hoặc yếu ở một bên của cơ thể, nói lắp, đau đầu, chóng mặt…
15. Ngộ độc carbon monoxide
Carbon monoxide là một chất khí không mùi và không màu, được sinh ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu. Người bị ngộ độc carbon monoxide có thể bị tử vong.
Carbon monoxide có thể gây tổn thương thần kinh dẫn đến miệng tăng tiết nước bọt. Các triệu chứng phổ biến khi bị ngộ độc carbon monoxide gồm: Buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, lú lẫn, chóng mặt…
16. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc dùng điều trị bệnh có thể gây tác dụng phụ miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn. Khi gặp tình trạng này hãy ngừng uống thuốc và đến gặp bác sĩ để được tư vấn cách khắc phục.
II. Miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn khi nào cần đi khám?
Nếu tình trạng miệng tiết nước bọt và buồn nôn chỉ thi thoảng mới xuất hiện sau đó tự biến mất thì người bệnh không cần quá lo lắng. Chỉ cần chú ý ăn uống và sinh hoạt khoa học để cải thiện và phòng ngừa hiện tượng miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn tái phát.
Tuy nhiên, với trường hợp buồn nôn và tăng tiết nước bọt diễn ra trong thời gian dài, người bệnh nên đi thăm khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân chính xác và đưa ra lời khuyên cụ thể. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc điều trị vì có thể làm gia tăng tình trạng bệnh và gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
III. Cách điều trị tình trạng miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tình trạng miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn mà bác sẽ chỉ định cách điều trị hiệu quả và phù hợp. Ví dụ:
- Đối với nguyên nhân do các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa như viêm dạ dày ruột, ngộ độc thực phẩm, một số bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị.
- Với các nguyên nhân viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, viêm thực quản: Người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống.
- Với nguyên nhân do quai bì: Bệnh lý này cần thời gian, bổ sung chất lỏng và nghỉ ngơi.
- Nguyên nhân do ung thư tuyến tụy: Đòi hỏi điều trị y tế bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Nguyên nhân do rối loạn lo âu: Việc điều trị cần sự trợ giúp của chuyên gia sức khỏe tâm thần.
IV. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bị buồn nôn và miệng tiết nhiều nước bọt
Khi miệng tiết nhiều nước bọt và buồn nôn, người bệnh nên đi khám để được các bác sĩ kiểm tra và tư vấn điều trị. Đồng thời có chế độ ăn uống khoa học và sinh hoạt lành mạnh để giảm thiểu tình trạng buồn nôn và tăng tiết nước bọt.
1. Chế độ ăn uống
Về chế độ ăn uống hàng ngày, người bệnh cần chú ý những vấn đề sau:
1.1. Thực phẩm nên ăn
Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm có khả năng hỗ trợ giảm buồn nôn, nôn, chảy nước miếng dưới đây:
- Gừng tươi: Gừng tính ấm, tác dụng giảm sưng, kháng viêm, giảm cảm giác buồn nôn hiệu quả. Uống 1 cốc trà gừng ấm giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dịu đi cơn buồn nôn.
- Dưa hấu: Mất nước là nguyên nhân gây tăng tiết nước bọt và ảnh hưởng đến hệ thần.Uống 1 ly nước ép dưa hấu có thể giúp giải quyết tình trạng này nhanh chóng. Các hoạt chất có trong dưa hấu như magnesium hay kali đều là các khoáng chất rất cần thiết khi cơ thể bị mất nước.
- Khoai tây: Khoai tây giàu kali – khoáng chất giúp giảm buồn nôn. Bạn có thể ăn khoai tây luộc, hấp chế biến thành các món ăn đa dạng trong bữa ăn hàng ngày.
- Chuối: Chuối rất giàu alkaloid nên khi người bệnh ăn giúp giảm căng thẳng, tăng hưng phấn, từ đó cải thiện tình trạng đau đầu, buồn nôn và mệt mỏi.
- Táo: Hàm lượng chất xơ dồi dào trong táo giúp làm giảm cảm giác buồn nôn.
- Bánh quy: Bánh quy giúp hấp thụ axit trong dạ dày, từ đó giảm buồn nôn hiệu quả. Bạn nên ăn bánh có vị nhạt.
1.2. Thực phẩm nên kiêng
Người bị buồn nôn và miệng tiết ra nhiều nước nên tránh tiêu thụ các thực phẩm sau:
- Đồ ăn chiên rán, nướng, xào nhiều dầu mỡ.
- Đồ ăn cay nóng như tiêu, mù tạt, tỏi, ớt…
- Thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp như xúc xích, thịt hun khói…
- Đồ uống chứa đường hóa học như nước có gas, nước ngọt, …
- Đồ uống chứa cồn, các chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu, cà phê.
Tất cả các thực phẩm kể trên đều có thể kích ứng tăng tiết axit dạ dày, khiến cho tình trạng buồn nôn và tiết nước bọt trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy bạn cần kiêng hoặc hạn chế ăn.
2. Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi
Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý cũng hỗ trợ giảm thiểu tình trạng buồn nôn và tiết nhiều nước bọt. Người bệnh nên lưu ý thực hiện một số vấn đề dưới đây:
- Ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya ngủ muộn.
- Hạn chế áp lực, căng thẳng, lo lắng và stress kéo dài.
- Cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, thoải mái.
- Tập luyện đều đặn hàng ngày với các bài tập phù hợp.
Tình trạng miệng tiết nhiều nước bọt buồn nôn kéo dài và liên tục xuất hiện gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý. Việc thăm khám và điều trị lúc này là điều người bệnh nên làm.
Có thể bạn quan tâm:
Chưa có bình luận!