Đừng để dạ dày làm việc quá tải, hãy ăn Tết lành mạnh!

Ăn không tiêu, đầy bụng, thường xuyên ợ hơi, buồn nôn là những dấu hiệu cảnh báo dạ dày bị quá tải do ăn uống ngày Tết không lành mạnh. Để tránh tình trạng dạ dày phải làm việc quá tải, hãy chú ý ăn Tết lành mạnh bằng cách kiểm soát lượng bia rượu, ăn uống điều độ, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và cố gắng dành thời gian tập luyện mỗi ngày.

Tết là dịp mọi người được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, người thân và bạn bè với những bữa tiệc họp mặt. Tuy nhiên, việc nạp vào cơ thể quá nhiều thức ăn giàu chất béo, dầu mỡ, bia rượu, nước ngọt có ga, cà phê, thực phẩm chua cay… sức khỏe có thể bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là dạ dày.

Do đó, để tận hưởng trọn vẹn niềm vui ngày Tết cổ truyền của dân tộc nhưng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày, bạn cần chú ý ăn Tết lành mạnh thông qua những lưu ý dưới đây:

1. Kiểm soát khi uống rượu bia

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao. Một số người lạm dụng bia rượu trong dịp Tết có thể gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là việc gây tai nạn và mất kiểm soát khi tham gia giao thông. Với sức khỏe dạ dày, uống nhiều bia rượu ngày Tết còn gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe dạ dày.

Các nghiên cứu cho thấy, uống quá nhiều rượu và thường xuyên có thể dần dần gây kích ứng và bào mòn niêm mạc dạ dày. Điều này gây ra các triệu chứng viêm dạ dày như: đau và nóng rát ở dạ dày; đau liên tục giữa rốn và xương sườn, ợ hơi, cảm giác đầy bụng, chướng bụng, buồn nôn, nôn, mất cảm giác thèm ăn…

 

Để tránh dạ dày bị quá tải do uống nhiều rượu bia ngày Tết, khi không thể từ chối uống rượu, bạn cần chú ý tiêu thụ loại đồ uống có cồn này một cách có kiểm soát:

– Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, một người có thể uống rượu vang đỏ mỗi ngày 1 ly, 2-3 lon bia/ngày với nam hay 1-2 lon/ngày với nữ là đảm bảo sức khỏe. 

– Tùy vào tình trạng thực tế của mỗi người cần cân nhắc lượng rượu bia uống cho phù hợp, tránh say xỉn mất kiểm soát.

Đặc biệt, những bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị viêm loét dạ dày không nên phá lệ uống bia rượu trong ngày xuân. Vì chất cồn trong rượu bia được xem là “kẻ thù” của dạ dày.

2. Cân bằng dinh dưỡng, nên ăn nhiều trái cây và rau xanh 

Trước Tết, đã có rất nhiều bữa tiệc tất niên với các món ăn giàu đạm và chất béo. Sau đó, các bữa ăn ngày Tết cũng thường là các món ăn này như bánh chưng, bánh tét, giò chả, thịt gà, thịt đông, thịt kho tàu… khiến dạ dày rơi vào tình trạng quá tải,  chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu. 

Do đó, bạn nên chú ý cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn ngày Tết. Để cơ thể dễ dàng tiêu hóa các thực phẩm giàu chất đạm và béo, bạn nên ăn kèm với các thực phẩm tốt cho tiêu hóa như cải chua, củ kiệu, củ hành. Bên cạnh đó, cần chú ý ăn nhiều trái cây và rau xanh để bổ sung chất xơ cũng như vitamin, chất khoáng giúp dạ dày khỏe mạnh và tiêu hóa trơn tru.

3. Duy trì ăn đủ 3 bữa/ngày

Vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, vì mải chuẩn bị và chúc Tết nên nhiều người ăn uống thất thường không đúng giờ và đủ bữa. Điều này có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa và dạ dày.

Cụ thể hơn, chế độ ăn uống không đều đặn có thể ảnh hưởng đến tốc độ thức ăn di chuyển qua dạ dày và ruột của bạn. Ăn chậm có thể dẫn đến tích tụ dịch vị dạ dày, có khả năng gây khó chịu hoặc trào ngược axit. Mặt khác, ăn không ăn đúng giờ có thể phá vỡ sự cân bằng của các hormone như ghrelin (kích thích sự thèm ăn) và leptin (báo hiệu no), dẫn đến tăng cảm giác đói và thèm ăn.

Để duy trì dạ dày khỏe mạnh và không bị quá tải, bạn nên ăn các bữa ăn cân bằng và đều đặn. Theo đó, mặc dù Tết bận rộn đến mấy cũng cần duy trì ăn đủ 3 bữa mỗi ngày để tránh việc ăn dồn dập, dẫn đến lúc quá đói hoặc quá no. Đặc biệt, nếu nạp một lượng lớn thức ăn liên tục trong thời gian ngắn khiến có thể khiến dạ dày và hệ tiêu hóa bị quá tải ngày Tết. 

4. Uống đủ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày 

Việc nạp quá nhiều năng lượng trong những ngày Tết là nguyên nhân khiến dạ dày bị quá tải và khó chịu. Uống đủ nước sẽ giúp cơ thể cân bằng và thải độc tốt hơn.

Các nghiên cứu cho thấy, uống đủ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể phân hủy và tiêu hóa thức ăn dễ dàng, nhanh chóng hơn. Đồng thời nước cũng làm phân mềm hơn, giúp ngăn ngừa táo bón.

5. Hạn chế cà phê, trà đặc 

Cà phê, trà đặc là 2 loại thức uống được sử dụng phổ biến trong những ngày Tết. Việc tiêu thụ liên tục cà phê và trà đặc dịp Tết có thể gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe dạ dày.

Các nghiên cứu cho thấy, hàm lượng caffeine trong một tách cà phê đủ để gây ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa của một người. Thứ hai, cà phê và đồ uống có cà phê là đồ uống có tính axit. Uống cà phê có thể làm tăng mức axit trong dạ dày hoặc đường tiêu hóa, có thể dẫn đến viêm dạ dày.

Mặc dù trà có thể có một số lợi ích cho sức khỏe, nhưng việc tiêu thụ quá nhiều trà trong những ngày Tết, đặc biệt là khi bụng đói có thể không tốt cho dạ dày. Nguyên nhân là do trà có chứa caffeine, một chất kích thích có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày. Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể dẫn đến trào ngược axit, ợ nóng hoặc kích ứng niêm mạc dạ dày ở một số người.

Vì vậy, để dạ dày Yên trong mùa Tết, hãy chú ý tiêu thụ cà phê và trà đặc với lượng vừa phải:

– Cà phê: Các chuyên gia sức khỏe đồng ý rằng mức tiêu thụ caffein an toàn trong ngày là 300 mg. Một cốc cà phê chứa khoảng 10 mg caffeine, vậy nên mỗi người không nên uống quá 3 ly/ngày.

– Trà đặc: Uống 2-3 tách trà mỗi ngày được đánh giá là an toàn cho hầu hết người lớn.

6. Giảm tiêu thụ đồ ngọt

Bánh kẹo, bánh mứt, nước ngọt có ga… là những thực phẩm ngọt không thể thiếu trong ngày Tết. Nếu tiêu thụ quá mức đồ ngọt có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày. Từ đó, gây hại cho niêm mạc dạ dày và thường dẫn đến chứng ợ nóng và các triệu chứng trào ngược axit khác.

Một số nghiên cứu cho thấy, nước ngọt có ga có thể tạo ra lượng khí dư thừa trong dạ dày, có thể dẫn đến ợ hơi, đầy hơi hoặc chướng bụng, khiến tình trạng đau dạ dày trở nên tồi tệ hơn. Nhiều loại đồ uống có ga cũng có tính axit. Chúng có thể làm thay đổi độ axit của đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu hóa kém, ợ nóng và trào ngược.

Vì vậy, để dạ dày không bị quá tải ngày Tết, bạn nên hạn chế ăn đồ ngọt, đặc biệt là những người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh lý ở dạ dày.

7. Sinh hoạt và nghỉ ngơi đúng giờ

Việc duy trì lịch sinh hoạt đều đặn trong dịp Tết, đặc biệt là đi ngủ đúng giờ giúp dạ dày cũng như cơ thể được nghỉ ngơi thư giãn tốt hơn. Giấc ngủ vào ban đêm là vô cùng quan trọng, không chỉ có tác dụng ức chế quá trình tiết axit dịch vị mà còn thúc đẩy thời gian phục hồi niêm mạc dạ dày.

Theo các chuyên gia sức khỏe, căng thẳng, sinh hoạt và nghỉ ngơi không đúng giờ  có làm tăng tiết dịch vị dạ dày, gây đau dạ dày, đầy hơi, axit và nóng rát. Vậy nên để dạ dày khỏe mạnh ngày Tết, bạn hãy cố gắng duy trì lịch sinh hoạt đều đặn như thường ngày, dành thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng lo lắng, đặc biệt là ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm, hạn chế thức khuya ngủ muộn.

8. Dành thời gian tập luyện trong dịp Tết

Việc tập luyện thể dục thể thao có thể bị gián đoạn vì các bữa tiệc và hoạt động mua sắm, vui chơi ngày Tết. Thiếu vận động cộng với việc ăn uống liên tục có thể khiến hoạt động tiêu hóa thức ăn của dạ dày bị chậm lại gây chướng bụng, khó tiêu.

Chỉ cần dành khoảng 15-30 phút vận động mỗi ngày trong những ngày Tết có thể hỗ trợ cải thiện hiệu quả chứng khó tiêu, đầy bụng, giảm ợ chua, trào ngược axit, đau ngực và nhiều triệu chứng khác. 

 

Tết là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa, bạn hãy tận dụng thời gian này để vui vẻ bên người thân và gia đình bằng cách ăn uống và sinh hoạt điều độ. Hãy ăn Tết lành mạnh để chuẩn bị một chiếc dạ dày thật khỏe mạnh chào đón năm mới bạn nhé!

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *