Skip to main content

Đặt sonde dạ dày ( ống thông dạ dày): Mục đích, quy trình và lưu ý

Đặt sonde dạ dày hay đặt ống thông dạ dày là kỹ thuật đặt ống thông vào trong dạ dày người bệnh để nuôi dưỡng thức ăn, hút dịch, theo dõi bệnh trong trường hợp bệnh nhân không có khả năng nuốt và ăn uống bằng đường miệng. Để hiểu rõ hơn về thủ thuật này, hãy cùng đọc những thông tin được Yumangel.vn tổng hợp dưới đây nhé! 

I – Đặt sonde dạ dày là gì?

Đặt sonde dạ dày là kỹ thuật đưa 1 ống thông vào dạ dày của người bệnh. Có mấy cách đặt sonde dạ dày? Kỹ thuật đặt sonde dạ dày được phân thành 2 loại gồm: 

  • Cách đặt sonde dạ dày qua mũi.
  • Cách đặt sonde dạ dày đường miệng.

kỹ thuật đặt sonde dạ dày bộ y tếHình ảnh đặt sonde dạ dày.

Trong đó, cách đặt sonde dạ dày qua đường miệng ít được sử dụng hơn do có nhiều nhược điểm như: bệnh nhân dễ cắn phải ống dẫn, không nói chuyện được…

Cách đặt ống thông dạ dày bằng đường miệng chỉ được sử dụng khi mũi của bệnh nhân bị tổn thương hoặc chỉ cần cắm ống thông dẫn trong thời gian ngắn.

II – Mục đích đặt sonde dạ dày để làm gì?

Kỹ thuật đặt ống thông dạ dày được bác sĩ sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Dưới đây là một số mục đích chính:

  • Mổ đặt ống thông dạ dày để lấy dịch dạ dày nhằm chẩn đoán và xét nghiệm các bệnh đường tiêu hóa.
  • Cung cấp thức ăn để nuôi dưỡng người bệnh mất khả năng nuốt như: bất tỉnh hôn mê, tiêu hóa không hiệu quả.

mục đích đặt sonde dạ dày để làm gìNgoài mục đích cung cấp thức ăn nuôi dưỡng bệnh nhân không thể nuốt, đặt sonde dạ dày còn để lấy dịch dạ dày để chẩn đoán các bệnh đường tiêu hóa.

  • Làm giảm áp lực của dịch ứ đọng trong dạ dày sau khi phẫu thuật, tránh gây khó chịu và chướng bụng.
  • Bơm rửa và làm sạch dạ dày cho bệnh nhân bị ngộ độc.

(>> Xem thêm: Phẫu thuật mở thông dạ dày: Quy trình, cách chăm sóc bệnh nhân)

III – Chỉ định đặt sonde dạ dày

Đặt sonde dạ dày trong trường hợp nào? Chỉ định đặt ống thông dạ dày thường được bác sĩ áp dụng trong các trường hợp dưới đây:

  • Nuôi ăn bệnh nhân bị co giật, hôn mê.
  • Nuôi ăn trẻ sinh non do phản xạ mút, nuốt kém.
  • Người có đường tiêu hóa bị dị dạng bẩm sinh nghiêm trọng, nếu ăn bằng đường miệng có thể gây suy hô hấp hoặc ngạt thở.
  • Bệnh nhân bị ngộ độc cấp đường tiêu hóa do uống thuốc bảo vệ thực vật, uống quá liều thuốc ngủ … cần rửa dạ dày 
  • Người bị tắc ruột, liệt ruột cơ năng.
  • Bệnh nhân sau phẫu thuật đường tiêu hóa.
  • Người bệnh cần theo dõi tình trạng chảy máu tiêu hóa, chảy máu dạ dày.
  • Cần lấy dịch dạ dày để làm xét nghiệm.

kỹ thuật đặt ống thông dạ dày qua đường mũiKỹ thuật đặt sonde dạ dày được chỉ định trong nhiều trường hợp khác nhau. 

Chống chỉ định đặt ống thông dạ dày gồm: 

  • Người đang bị tổn thương ở thực quản.
  • Bệnh nhân nghi bị thủng dạ dày.
  • Người bị áp xe thành họng.
  • Bệnh nhân bị tổn thương ở vùng hàm mặt.
  • Người bị mắc bệnh lý ở thực quản: co thắt, phình tĩnh mạch, chít hẹp, động mạch thực quản.

IV – Quy trình đặt ống thông dạ dày

Việc nắm rõ quy trình đặt sonde dạ dày sẽ giúp bệnh nhân có những chuẩn bị tốt nhất trước khi tiến hành thủ thuật. Kỹ thuật đặt sonde dạ dày Bộ Y tế bao gồm 5 bước cụ thể như sau: 

  • Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ đặt sonde dạ dày 
    • Nhân viên y tế chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ đặt sonde dạ dày gồm: ống thông dạ dày có kích thước phù hợp, dầu nhờn, túi dẫn lưu ống thông dạ dày, bơm tiêm, máy hút, ống nghiệm, giấy xét nghiệm, ống nghe, bộ đo huyết áp, hộp thuốc xử lý sốc, gạc vô trùng, gang tay y tế, băng dính…
    • Đối với bệnh nhân có răng giả thì cần tháo ra trước khi đặt sonde dạ dày. Đối với bệnh nhân có nguy cơ bị sặc hoặc đang hôn mê thì cần đặt thêm nội khí quản có bóng chèn và tiến hành bơm căng bóng.
  • Bước 2: Tư thế đặt ống thông dạ dày, đo độ dài của ống thông
    • Bước thứ 2 trong quy trình kỹ thuật đặt ống thông dạ dày là đặt bệnh nhân ở tư thế nửa nằm nửa ngồi (đối với người bệnh tỉnh) hoặc nằm đầu thấp, mặt nghiêng về bên trái (đối với bệnh nhân hôn mê).
    • Đo độ dài của ống thông: Đo từ cánh mũi đến dái tai vòng xuống mũi ức, khoảng 45- 50 cm là ngang phần đáy dạ dày hoặc từ răng cho đến rốn.
    • Bôi trơn khoảng 5cm phần đầu ống thông, không để dầu đọng trong ống khiến bệnh nhân sặc.
  • Bước 3: Thực hiện đặt sonde dạ dày
    • Bác sĩ đưa đầu ống thông nhẹ nhàng vào lỗ mũi, đẩy ống theo hướng lỗ mũi từng đoạn, yêu cầu người bệnh nuốt phối hợp đẩy ống để ống dễ vào thực quản. Khi ống thông tới được vị trí đánh dấu thì dừng lại.
    • Trong quá trình đặt ống thông dạ dày qua đường mũi hoặc miệng nếu người bệnh bị sặc, tái mặt, ho dữ dội hoặc tím môi thì cần rút ống thông qua và đặt lại.
  • Bước 4: Kiểm tra ống thông
    • Bước tiếp theo trong quy trình đặt sonde dạ dày là kiểm tra xem ống thông đã vào đúng dạ dày chưa. Có thể sử dụng 1 trong 3 cách: bơm khí khoảng 30 ml và nghe vùng thượng vị thấy tiếng sục của khí qua nước; sử dụng bơm tiêm hút dịch vị;  nhúng đầu ngoài của ống thông vào cốc nước sạch không thấy sủi khí.
    • Sử dụng băng dính để cố định ống thông dạ dày. Lắp túi dẫn lưu vào đầu ống thông dạ dày. 
  • Bước 5: Ghi hồ sơ bệnh án

Ghi các thông tin của hồ sơ bệnh án: loại ống thông, kích cỡ, sự hợp tác của  bệnh nhân và phương pháp kiểm tra vị trí của ống thông.

>> Xem chi tiết VIDEO kỹ thuật đặt sonde dạ dày <<

video kỹ thuật đặt sonde dạ dày qua mũi

Những lưu ý khi đặt sonde dạ dày:

  • Chỉ bơm thức ăn vào khi chắc chắn ống thông đã vào đúng vị trí dạ dày.
  • Kinh nghiệm đặt sonde dạ dày hữu ích không nên bỏ qua đó là: Rút dịch và thử trên giấy quỳ là 2 cách xác định vị trí đặt sonde dạ dày có độ chính xác cao. 
  • Nếu bệnh nhân bị sổ mũi, chảy máu cam hoặc viêm mũi, bác sĩ có thể áp dụng cách đo đặt sonde dạ dày qua đường miệng. 
  • Khi cố định ống thông cần phải chừa ra một khoảng cách nhất định để bệnh nhân có thể cử động phần cánh mũi, tránh chèn ép gây hoại tử.
  • Thời gian đặt sonde dạ dày trong cơ thể thường là 5 đến 7 ngày để tránh xảy ra viêm nhiễm từ ống dẫn. Trường hợp bệnh nhân đặt sonde dạ dày tại nhà cần thời gian lưu ống thông để thay mới.

V – Biến chứng đặt sonde dạ dày 

Đặt ống thông dạ dày có nguy hiểm không? Tai biến đặt sonde dạ dày vẫn có thể xảy ra gồm:

  • Người bệnh bị sặc, nôn mửa.
  • Ngất xỉu, nhịp tim chậm do kích thích dây X.

những lưu ý khi đặt sonde dạ dàyBiến chứng của đặt sonde dạ dày vẫn có thể xảy ra nên cần theo dõi cẩn thận. 

  • Đặt nhầm ống dẫn vào khí quản với các biểu hiện ho, sặc, tím môi.

VI – Chăm sóc bệnh nhân đặt sonde dạ dày 

Bệnh nhân sau khi đặt sonde dạ dày cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận, đặc biệt là thức ăn đưa vào cần lưu ý nhiều vấn đề. Cụ thể:

1. Xây dựng thực đơn phù hợp

  • Thức ăn cần phải chế biến ở dạng mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như sữa, cháo, súp, sinh tố.
  • Người chăm sóc nên căn cứ vào tình trạng của người bệnh để lựa chọn những loại thức ăn phù hợp với tình trạng bệnh. 
  • Thay vì cho bệnh nhân ăn nhiều trong 1 bữa, bạn nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày để tránh bị nôn trớ. Mỗi lần ăn tối đa là 400ml, một ngày có thể ăn từ 4-6 bữa, riêng với trẻ em thì chỉ nên ăn mỗi bữa tối đa 20ml.

2. Lưu ý trong quá trình chăm sóc

  • Không nên cho người bệnh ăn quá nhanh để tránh bị trào ngược và nôn ói.
  • Hãy đảm bảo thức ăn không bị nhiễm khuẩn.
  • Sau khi cho bệnh nhân ăn xong cần vệ sinh ống thông sạch sẽ.
  • Nên thay ống thông khi đã có hiệu bị bẩn hoặc kết thời gian sử dụng.
  • Vệ sinh khoang miệng cho bệnh nhân bằng nước muối sinh lý mỗi ngày. 

3. Cách xử trí khi bệnh nhân đặt sonde dạ dày gặp tai biến

Bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng của đặt sonde dạ dày, vì vậy người chăm sóc cần nắm được cách xử trí cho từng trường hợp như sau:

  • Trào ngược thức ăn: Hút dịch trong dạ dày trước khi ăn để kiểm tra thức ăn còn dư thừa và thông báo cho bác sĩ. Khi cho bệnh nhân ăn cần thực hiện từ từ, nâng cao đầu khoảng 30 độ trong và sau khi ăn khoảng 1 tiếng.
  • Hít sặc: Nên đặt bệnh nhân nằm cao đầu 30 phút trước và sau khi ăn.
  • Nôn: Bạn cần hút dịch ở phế quản và họng cho bệnh nhân.

quy trình đặt ống thông dạ dày qua đường mũiKhi chăm sóc bệnh nhân đặt sonde dạ dày cần chú ý với thực đơn ăn uống và cách cho ăn.

  • Tiêu chảy: Kiểm tra thức ăn, giảm chế độ ăn và tốc độ truyền thức ăn vào cơ thể.
  • Sụt cân: Nếu bệnh nhân bị sụt cân bất thường, bạn cần xem lại chế độ dinh dưỡng.

Đặt sonde dạ dày là một thủ thuật xâm lấn nên cần được thực hiện bởi nhân viên y tế. Bệnh nhân chỉ được đặt ống thông dạ dày khi bác sĩ chỉ định, sau khi đật cần theo dõi thường xuyên để hạn chế tối đa xảy ra các biến chứng do đặt ống trong thời gian dài như: như viêm loét thực quản, viêm phổi hít, trào ngược dạ dày thực quản, dò thực quản,…

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)
Hà Thị Kim Liên

Tác giả:

Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.