Skip to main content

Xuất huyết tiêu hóa nguy hiểm thế nào? Nguyên nhân, điều trị

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng nội thương nguy hiểm cần được cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và vị trí xuất huyết cũng có thể ở bất kỳ đâu trong ống tiêu hóa. Tuy nhiên, bệnh vẫn có những triệu chứng đặc trưng giúp chúng ta nhận biết và xử lý kịp thời. 

Mục lục

I. Xuất huyết tiêu hoá là gì?

Bệnh xuất huyết tiêu hóa (Gastrointestinal Bleeding/GIB) còn được gọi bằng cái tên khác là chảy máu tiêu hóa. Đây là tình trạng máu thoát ra khỏi lòng mạch rồi chảy vào ống tiêu hóa. 

Xuất huyết tiêu hóa có thể gặp ở bất kỳ phân đoạn nào của đường ống tiêu hóa bao gồm: Thực quản, dạ dày, ruột, đại tràng, hậu môn. Hội chứng chảy máu tiêu hóa cần được cấp cứu và can thiệp kịp thời, nếu không sẽ đe dọa tới tính mạng người bệnh. 

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng máu thoát ra khỏi lòng mạch rồi chảy vào ống tiêu hóa. 
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng máu thoát ra khỏi lòng mạch rồi chảy vào ống tiêu hóa.

II. Phân loại xuất huyết tiêu hóa 

Dựa theo vị trí xuất huyết ở ống tiêu hóa mà người ta phân loại bệnh thành 2 dạng là xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới. Cụ thể:

1. Xuất huyết tiêu hóa trên

Xuất huyết tiêu hóa trên hay chảy máu tiêu hóa trên là chảy máu tiêu hóa xuất hiện tại vị trí nằm trong khoảng từ thực quản đến đoạn đầu của ruột non (chính xác là vị trí D4 thuộc dây chằng Treitz). 

Theo ncbi.nlm.nih.gov, xuất huyết tiêu hóa trên (UGIB) phổ biến hơn xuất huyết tiêu hóa dưới (LGIB). Tỷ lệ mắc UGIB là khoảng 67/100.000 dân số trong khi tỷ lệ mắc LGIB là khoảng 36/100.000 dân số. 

2. Xuất huyết tiêu hóa dưới

Xuất huyết tiêu hóa dưới hay chảy máu tiêu hóa dưới là tình trạng chảy máu tiêu hóa xuất hiện tại vị trí từ góc Treitz của ruột non cho đến hậu môn. 

Xuất huyết tiêu hóa dưới (LGIB) phổ biến ở nam giới hơn nữ giới vì các bệnh về mạch máu và bệnh túi thừa phổ biến hơn ở nam giới.

Xuất huyết tiêu hóa được phân thành xuất huyết tiêu hóa trên và dưới.
Xuất huyết tiêu hóa được phân thành xuất huyết tiêu hóa trên và dưới.

Bên cạnh đó, my.clevelandclinic.org còn phân loại xuất huyết tiêu hóa theo mức độ và thời gian như sau: 

– Xuất huyết tiêu hóa cấp tính: Chảy máu đột ngột, nghiêm trọng là dấu hiệu của trường hợp cấp cứu y tế.

– Xuất huyết tiêu hóa mãn tính: Chảy máu đến và đi trong một thời gian dài.

– Xuất huyết tiêu hóa huyền bí: Chảy máu không thể nhìn thấy được vì nó rất nhỏ, nhưng có thể thấy các dấu hiệu mất khi xét nghiệm.

– Xuất huyết tiêu hóa công khai: Các dấu hiệu rõ ràng về chảy máu tiêu hóa, bao gồm màu sắc bất thường hoặc các chất trong phân. Người bệnh cũng có thể nôn ra máu.

– Xuất huyết tiêu hóa hiếm gặp: Khi xét nghiệm nội soi tiêu chuẩn không phát hiện được nguồn chảy máu đường tiêu hóa.

III. 22 nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa

Bị xuất huyết tiêu hoá có rất nhiều lý do. Dưới đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới.

1. 7+ nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên 

Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng xuất huyết từ thực quản đến phía trên của dây chằng Treitz. Có 6 nguyên nhân dẫn chính đến xuất huyết tiêu hóa trên gồm:

  1. Do viêm loét dạ dày hành tá tràng: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở chứng bệnh xuất huyết tiêu hóa. Chúng khiến bệnh nhân nôn ra máu và đi ngoài phân đen.  Trong trường hợp này, lượng máu chảy thường nhiều nên gây ra tình trạng mất máu và bệnh nhân có thể bị đau vùng thượng vị. 
  2. Do tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Đây là trường hợp xuất huyết tiêu hóa cao ở vị trí thực quản, thường gặp ở người bị xơ gan. Tình trạng xuất huyết xảy ra do máu ở tĩnh mạch cửa đến gan bị cản trở, chúng sẽ đi qua  hệ để trở về tĩnh mạch chủ, khiến tĩnh mạch chủ phải giãn nở và phình to để chứa máu, gây ra tăng áp lực tĩnh mạch cửa và chảy máu thực quản. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân hiếm gặp hơn như viêm dạ dày cấp, ung thư dạ dày, viêm loét thực quản, ngộ độc chì, thủy ngân, hay do ure máu cao…
  3. Hội chứng Mallory-Weiss: Hội chứng Mallory-Weiss là tình trạng rách ở thực quản (thường gặp nhất là phần giao nhau giữa thực quản với dạ dày) vì nôn ọe quá mạnh và nhiều. Hội chứng này thường gặp ở những người uống bia rượu và bị ói liên tục.
  4. Chảy máu thực quản: Thường là do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây giãn tĩnh mạch thực quản, gây vỡ tĩnh mạch thực quản đột ngột. Ngoài ra còn do các nguyên nhân khác như loét thực quản, HC Mallory weiss…
  5. Xuất huyết dạ dày-tá tràng: Chủ yếu là do loét dạ dày – tá tràng. Loét dạ dày thường ở bờ cong nhỏ, vùng tâm vị, mặt sau dạ dày. Tỷ lệ xuất huyết trong loét dạ dày là từ 15-16%. Loét tá tràng hiếm gặp hơn, vị trí thường ở hành tá tràng. Tỷ lệ loét tá tràng có biến chứng chảy máu là 25%. Nguyên nhân khác như ung thư dạ dày, polyp dạ dày tá tràng.
  6. Viêm thực quản: Do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây ra. Bệnh nhân bị viêm thực quản cũng có khả năng bị xuất huyết tiêu hóa trên. 
  7. Nguyên nhân khác: Ung thư thực quản, khối u mô đệm đường tiêu hóa (GIST), trào ngược dạ dày thực quản mãn tính (GERD), ung thư gan, ung thư tuyến tụy, ung thư dạ dày… 
Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên do viêm loét dạ dày tá tràng, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, chảy máu thực quản…
Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên do viêm loét dạ dày tá tràng, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, chảy máu thực quản…

 2. 15+ nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa dưới

Xuất huyết tiêu hóa dưới là từ dưới dây chằng Treitz trở xuống đến hậu môn. Có 14 nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa dưới gồm:

  1. Do lỵ trực trùng: Đây là nguyên nhân thường gặp gây xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em. Biểu hiện là trẻ bị sốt cao, đau quặn bụng một cách dữ dội, đi đại tiện nhiều lần (khoảng từ 15-20 lần/ngày) kèm theo đau hậu môn. Phân lỏng, không rắn, có ít hoặc nhiều máu, màu đỏ sẫm như máu của cá. 
  2. Do viêm loét đại trực tràng: Viêm loét đại trực tràng gây xuất huyết thường xảy ra ở phụ nữ trẻ tuổi. Biểu hiện điển hình bao gồm: Sốt từng đợt, đau quặn bụng ở dọc khung đại tràng, đau khớp, đại tiện ra máu (thường là máu tươi). Bên cạnh đó, chảy máu tiêu hóa thấp còn gặp ở bệnh trĩ, polyp, nứt kẽ hậu môn…
  3. Do lỵ amip: Xuất huyết tiêu hóa do lỵ amip thường có biểu hiện nhẹ gồm có: Sốt nhẹ, đại tiện phân có chứa máu nhầy (máu thường chỉ dính bên ngoài phân màu và có màu đỏ tươi), đau quặn bụng ở vùng hạ vị và dọc khung đại tràng, cộng thêm các dấu hiệu rặn, đau hậu môn sau đại tiện.  Bệnh lỵ amip là bệnh lý mà đường ruột bị nhiễm ký sinh trùng gây ra bởi các vật đơn bào mang tên Entamoeba histolytica (E.histolytica). 
  4. Ung thư đại tràng: Ung thư đại tràng thường gây ra xuất huyết tiêu hóa thấp ở người già. Biểu hiện dễ nhận biết là phân lỏng và máu có màu đỏ sẫm kèm theo dấu hiệu táo bón, đại tiện phân có màu đỏ tươi. 
  5. Do viêm ruột xuất huyết hoại tử: Đây cũng là nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trẻ em. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là cơ thể sốt cao, bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, bụng đau và chướng, đại tiện phân màu đen thối khắm. 
  6. Do thương hàn: Thương hàn có thể gây ra biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Dấu hiệu thường gặp là đau bụng, đại tiện phân màu đỏ sẫm hoặc đỏ gạch. 
  7. Bệnh Crohn: Bệnh Crohn là tình trạng viêm ruột xuyên thành mãn tính. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của đường tiêu hóa nhưng hồi tràng và đại tràng là thường gặp nhất. Crohn có thể gây ra biến chứng xuất huyết tiêu hóa ở giai đoạn 2, 3 của bệnh. Triệu chứng điển hình là đau bụng, sốt, đại tiện phân lỏng thành từng đợt, máu lắng tăng.
  8. Viêm túi thừa: Sự phát triển của các túi nhỏ, phình ra trong đường tiêu hóa hình thành nên các túi thừa. Viêm túi thừa có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa dưới.
  9. Bệnh viêm ruột (IBD): Viêm loét đại tràng, bệnh Crohn… đều có thể là nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa.
  10.  Loạn sản mạch máu, các dị dạng mạch máu. Gây chảy máu ồ ạt nhiều khi khó tìm thấy nơi xuất phát.
  11.  Khối u: Các khối u ác tính/lành tính hoặc ung thư thực quản, ruột kết, dạ dày hay trực tràng có thể làm suy yếu lớp niêm mạc của đường tiêu hóa và gây chảy máu.
  12.  Bệnh trĩ: Là tình trạng các tĩnh mạch sưng phồng ở hậu môn hoặc trực tràng dưới, tương tự như chứng giãn tĩnh mạch và có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
  13.  Nứt ở hậu môn: Đây cũng có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa.
  14.  Viêm niêm mạc trực tràng (Proctitis): Viêm niêm mạc trực tràng có thể gây chảy máu trực tràng.
  15.  Nguyên nhân khác: Ung thư hậu môn, bệnh túi thừa, khối u mô đệm đường tiêu hóa (GIST)…
Viêm loét đại trực tràng, ung thư đại tràng, lỵ trực trùng là những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh
Viêm loét đại trực tràng, ung thư đại tràng, lỵ trực trùng là những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh

Ngoài ra, xuất huyết tiêu hóa trên và dưới còn do một số nguyên nhân hiếm gặp hơn như lao ruột, ung thư ruột non, chảy máu ở ruột non do bệnh sốt xuất huyết, lồng ruột, loét túi thừa Meckel… 

Như vậy, có nhiều nguyên nhân chảy máu tiêu hóa cao và thấp, mỗi nguyên nhân sẽ có phương án xử lý và điều trị khác nhau. 

IV. Triệu chứng lâm sàng xuất huyết tiêu hóa trên và dưới

Việc nắm được triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa giúp người bệnh phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời. Dưới đây chúng tôi sẽ thông tin về triệu chứng lâm sàng của xuất huyết tiêu hóa trên và dưới. 

1. 4 Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa thường gặp 

Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh mà xuất huyết tiêu hóa có những biểu hiện khác nhau. Dưới đây là 4 biểu hiện thường gặp nhất ở bệnh nhân mắc chảy máu tiêu hóa: 

  • Nôn ra máu: Tùy vào vị trí xuất huyết mà lượng máu chảy cũng như tính chất nôn khác nhau. Lượng máu: Ít là vài chục ml, nhiều có thể 1-2 lít hoặc nhiều hơn. Màu sắc: Có thể có màu đỏ tươi, đỏ sẫm hay hồng (có thể lẫn cả thức ăn). Tính chất: Máu nôn ra có thể là máu tươi (nôn ra ngoài mới đông), có thể là cục bằng hạt lạc, hạt ngô, có thể chỉ là các gợn màu đen lấm tấm lẫn trong thức ăn hay dịch nhầy. 
  • Đi ngoài ra máu: Quan sát phân sau khi đại tiện, có thể thấy phân có máu đỏ tươi hoặc phân có màu đen hắc, mùi tanh. 
  • Mất máu: Triệu chứng mất máu dễ nhận thấy nhất là người bệnh bị hoa mắt, chóng mặt, người xanh xao, gầy yếu. Trường hợp người bệnh bị mất máu quá nhiều có thể dẫn đến ngất xỉu, khó thở, tụt huyết áp…
  • Sốc: Người trưởng thành có khoảng 4-4,5 lít máu trong cơ thể. Nếu mất 20% thể tích máu của cơ thể, người bệnh sẽ bị sốc. Biểu hiện là da tím tái, người lạnh, mạch đập nhanh, huyết áp giảm xuống dưới 90mmHg. 
Nôn ra máu là triệu chứng thường gặp
Nôn ra máu là triệu chứng thường gặp

2. 6+ Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa trên

Khi bị xuất huyết tiêu hóa trên, người bệnh thường gặp các triệu chứng như nôn rau máu, đi ngoài phân đen, mất máu cùng một số biểu hiện khác:

– Nôn ra máu: Có thể là máu đỏ, máu cục hoặc máu đen, có thể lẫn thức ăn trong máu. Số lượng máu từ ít đến nhiều tùy thuộc vào nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa. 

– Đi ngoài phân đen: Một số bệnh nhân không bị nôn ra máu nhưng đi ngoài phân đen. Phân thường có mùi khắm và đen như bã cà phê. Nếu chảy máu nhiều, phân thường loãng và có nước màu đỏ. Ngược lại, nếu chảy máu ít, phân vẫn thành khuôn nhưng dính, mùi khắm và đen như nhựa đường.

– Dấu hiệu mất máu: Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nặng bị mất máu nhiều có thể bị sốc mất máu với các dấu hiệu như: hoa mắt, chóng mặt, khát, niêm mạc nhớt, thiểu niệu, da xanh,mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt. Nặng hơn, có thể rơi vào tình trạng vật vã, li bì hoặc hôn mê. Trường hợp mất máu ít, bệnh nhân chỉ bị đau đầu, chóng mặt, một số người không có triệu chứng. 

– Sốt: Theo ghi nhận, triệu chứng sốt xuất hiện trên khoảng 80% số bệnh nhân xuất huyết đường tiêu hóa trên.

– Rối loạn huyết động: Đa số các trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên bị mất máu nhiều, gây rối loạn huyết động. Đặc trưng của tình trạng này là vã mồ hôi, da nhợt nhạt hoặc xanh tái, chi lạnh; ý thức mất, huyết áp hạ hoặc không đo được; người bệnh thở nhanh kèm khó thở, nhịp tim nhanh; tiểu ít hoặc bí tiểu.

– Triệu chứng khác: Tùy theo nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên mà người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như: vàng da, tuần hoàn bàng hệ, người mệt mỏi (trường hợp xuất huyết thực quản do giãn tĩnh mạch thực quản); đau vùng thượng vị, nôn, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua (do loét dạ dày-tá tràng); ăn nhanh no, mệt mỏi, giảm cân không lý do (do các nguyên nhân ác tính).

Khi bị xuất huyết tiêu hóa trên, người bệnh thường gặp các triệu chứng như nôn rau máu, đi ngoài phân đen, mất máu
Khi bị xuất huyết tiêu hóa trên, người bệnh thường gặp các triệu chứng như nôn rau máu, đi ngoài phân đen, mất máu

3. 5+ Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa dưới

Các triệu chứng xuất thường gặp ở bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa dưới gồm:

– Đi ngoài ra máu đỏ tươi: Máu có thể lẫn ở trong phân hoặc đi sau phân.

– Đi ngoài phân đen: Nếu máu lưu động trong ruột đủ thời gian thì sẽ đi ngoài phân đen, có thể lẫn máu. 

– Đi ngoài máu đỏ: Trong một số trường hợp, người bị xuất huyết tiêu hóa trên nặng cũng gây ra đi ngoài máu đỏ. 

– Các dấu hiệu mất máu: Tùy vào số lượng máu bị mất mà các biểu hiện khác nhau. Nếu chảy máu ít và nhẹ người bệnh có thể không có biểu hiện gì. Ngược lại, nếu chảy máu nhiều và nặng hơn xuất hiện các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, da xanh, niêm mạc nhớt, khát, thiểu niệu, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt. Trường hợp mất máu rất nặng thì vật vã, li bì, hôn mê.

Ngoài ra, xuất huyết tiêu hóa dưới còn có nhiều triệu chứng khác liên quan đến nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:

  • Do viêm loét đại tràng, bệnh Crohn: đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
  • Do lỵ: Nếu là lỵ trực khuẩn sẽ gây sốt, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, có lẫn máu. Lỵ amip gây mót rặn, đau bụng, đi ngoài ra phân nhầy máu.
  • Ung thư đại tràng: Phân lỏng, đi ngoài ra máu nhầy máu cá, mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Do bệnh lý hậu môn: Trĩ chảy máu tươi, có thể chảy thành tia;  búi trĩ lòi ra ngoài.
  • Nứt kẽ hậu môn: Đau khi đi đại tiện, chảy máu sau khi đi đại tiện, đặc biệt là khi bị táo bón.
Bệnh nhân có thể bị đi ngoài ra máu đỏ tươi. 
Bệnh nhân có thể bị đi ngoài ra máu đỏ tươi. 

Trên đây là các triệu chứng có thể gặp của bệnh xuất huyết tiêu hóa trên và chảy máu tiêu hóa dưới. Để điều trị hiệu quả, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để tìm được vị trí xuất huyết và nguyên nhân chính xác.

V. 3 Biến chứng nguy hiểm của xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa là một dạng cấp cứu nội thương nguy hiểm, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Người bệnh bị sốc do mất máu quá nhiều, khó thở và có thể co giật do thiếu oxy lên não… và nghiêm trọng nhất có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. 

1. Thiếu máu mãn tính

Chảy máu tiêu hóa kéo dài có thể dẫn đến thiếu huyết sắc tố và hồng cầu, gây hội chứng thiếu máu mãn tính. 

Các triệu chứng của hội chứng thiếu máu mãn tính gồm: 

  • Chóng mặt.
  • Đau ngực.
  • Mệt mỏi.
  • Nhức đầu.
  • Khó thở.
  • Suy nhược.
  • Kém tập trung.
  • Tinh thần không minh mẫn.
  • Giảm năng suất học tập và lao động.

2. Thiếu máu cấp tính

Trường hợp mất máu nghiêm trọng có thể gây khó khăn cho việc bơm máu của tim. Các dấu hiệu mất máu cấp tính gồm:

  • Da lạnh và xanh.
  • Vã mồ hôi.
  • Đầu óc lú lẫn hoặc bị kích động.
  • Giảm lượng nước tiểu.
  • Thở nhanh.
  • Mất ý thức. 

3. Sốc – Tử vong

Chảy máu cấp tính có thể làm tổn thương các cơ quan và gây suy nội tạng. Nếu không được điều trị ngay, tình trạng sốc có thể gây ra những tổn thương không thể phục hồi hoặc dẫn đến tử vong. 

Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc bao gồm:

  • Huyết áp thấp, tụt, hoặc không đo được.
  • Môi và móng tay hơi xanh.
  • Đau ngực.
  • Lú lẫn, chóng mặt.
  • Lo lắng, da xanh xao.
  • Lượng nước tiểu giảm hoặc không có.
  • Mạch đập nhanh nhưng yếu.
  • Thở nông và bất tỉnh.
Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa có thể bị tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. 
Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa có thể bị tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

VI. Chẩn đoán mức độ xuất huyết tiêu hóa được thực hiện thế nào? 

Theo my.clevelandclinic.org, các phương pháp được bác sĩ sử dụng trong chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa gồm:

1. Dựa vào triệu chứng lâm sàng 

Bác sĩ cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng như: Nôn ra máu, đi ngoài phân đen, mất máu cấp tính cùng một số biểu hiện khác như đã kể trên.

2. Xét nghiệm máu

Cụ thể là xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, thận và một số xét nghiệm  khác để đánh giá tình trạng thiếu máu.

Ở người bệnh mắc hội chứng xuất huyết tiêu hóa, số lượng hồng cầu thường giảm, tỷ lệ huyết sắc tố và hematocrit cũng giảm.

3. Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT)

Là một xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu của máu trong mẫu phân.

4. Chụp CT

Là một nghiên cứu hình ảnh phức tạp sử dụng công nghệ để tạo ra hình ảnh 3D, nâng cao về đường ruột của người bệnh. 

5. Chụp X-quang GI

Chụp ảnh đường tiêu hóa trên hoặc dưới của bệnh nhân để kiểm tra các dấu hiệu chảy máu hoặc các tình trạng khác. Xét nghiệm sử dụng dung dịch tương phản bari giúp quan sát đường tiêu hóa trên tia X dễ dàng hơn.

6. Nội soi đường tiêu hóa

Bác sĩ có thể chỉ định nội soi dạ dày hoặc nội soi toàn bộ đại tràng để kiểm tra triệu chứng, tìm ra vị trí cũng như nguyên nhân gây chảy máu tiêu hóa.

7. Nội soi bóng

Tương tự như nội soi đường tiêu hóa, sử dụng ống nội soi dài, có gắn đèn và camera ở đầu. Tuy nhiên, những quả bóng nhỏ ở đầu ống nội soi sẽ phồng lên để giúp bác sĩ kiểm tra phần ruột non khó tiếp cận.

8. Nội soi đại tràng hoặc soi đại tràng sigma

Là một thủ thuật để kiểm tra các dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa dưới. Thủ thuật này  sử dụng ống nội soi được đưa qua hậu môn.

9. Chụp cắt lớp vi tính mạch máu

Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, cho phép bác sĩ xác định một mạch đang bị chảy máu.

10. Xét nghiệm khác

Thêm vào đó, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm thêm một số xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây chảy máu như:

– Nếu nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa trên: 

  • Chụp Xquang thực quản, dạ dày, tá trạng nếu bệnh nhân đủ sức khỏe và ổn định.
  • Làm các xét nghiệm chức năng gan, mật nếu nghi ngờ xơ gan, do chảy máu đường mật.
  • Xác định nhóm máu để truyền máu khi cần.

– Nếu nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa dưới:

  • Xem phân để xác định tính chất của máu.
  • Xét nghiệm phân: cấy phân, ký sinh trùng đường ruột, máu ẩn.
  • Thăm trực tràng, hậu môn.
  • Soi trực tràng tìm các tổn thương đặc hiệu như: hình ấn móng tay, hình cúc áo gặp trong lỵ amip.
  • Soi đại tràng ống mềm.
  • Chụp X-quang khung đại tràng có thuốc cản quang.
Nội soi chẩn đoán xuất huyết ở đường tiêu hóa.
Nội soi chẩn đoán xuất huyết ở đường tiêu hóa.

Dựa vào các tiêu chí khối lượng máu bị mất, tình trạng huyết động và kết quả xét nghiệm huyết học, bệnh chảy máu tiêu hóa được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, vừa và nặng. 

Xuất huyết tiêu hóa được gọi là nặng khi: 

  • Mạch nhanh trên 120 lần/phút.
  • Huyết áp tâm thu dưới 90mmHG.
  • Lượng hồng cầu dưới 2 triệu.
  • Lượng máu mất đi khoảng từ 1.5 – 2 lít (khó xác định chính xác)
  • Hemoglobin dưới 10g/dl.
  • Hematocrit dưới 30%.
  • Phải truyền ít nhất 3 đơn vị máu để duy trì huyết áp động mạch.

VI. Cách điều trị bệnh xuất huyết tiêu hóa

Nguyên tắc trong điều trị xuất huyết tiêu hóa là bảo vệ đường hô hấp, bù dịch, truyền máu (nếu bị mất máu nhiều); kết hợp dùng thuốc. Một số trường hợp bệnh nhân có thể cần nội soi hoặc nút mạch.

1. Bảo vệ đường hô hấp

Người bị xuất huyết tiêu hóa trên có thể bị tàu phế hoặc tử vong nếu hít phải máu. Vì vậy, để phòng tránh rủi ro này, những người bệnh bị hôn mê, phản xạ nôn kém, nội soi dạ dày hoặc mất ý thức sẽ được bác sĩ xem xét áp dụng phương pháp đặt nội khí quản giúp thở để bảo vệ đường hô hấp.

2. Bù dịch và truyền máu

Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nhiều hoặc bị hạ huyết áp cần được bù dịch thông qua đường tĩnh mạch càng sớm càng tốt. Lượng dịch truyền trung bình từ 500-1000ml nước muối sinh lý và ở trẻ em tối đa là 2 lít (20 ml/kg).

Dưới đây bảng tham khảo lượng dịch cần bù theo mức độ nặng nhẹ của xuất huyết: 

Bảng tham khảo lượng dịch cần bù theo mức độ nặng nhẹ của xuất huyết:
Bảng tham khảo lượng dịch cần bù theo mức độ nặng nhẹ của xuất huyết:

Thể tích dịch truyền, tốc độ truyền tùy thuộc vào sức khỏe tim mạch và mức độ mất máu của từng người:

  • Với mức độ xuất huyết tiêu hóa vừa: Bệnh nhân được truyền dung dịch muối đẳng trương (NaCl 0.9%), có thể dùng Ringerlactat. Đa số bệnh nhân truyền 1 – 2 lít dịch là bù lại được lượng dịch bị mất.
  • Với mức độ xuất huyết tiêu hóa nặng: Bệnh nhân thường được truyền dung dịch muối đẳng trương (2/3) và truyền máu (1/3). Truyền máu khi Hb <7g/dl. Mục tiêu Truyền đến khi, Hb 8-10g/dl, chỉ số Hct > 20%, hồng cầu > 2 triệu, mạch và huyết áp ổn định ở mức ≥ 90 mmHg.

Bên cạnh đó, với bệnh nhân bị thiếu máu nghiêm trọng sẽ được truyền máu. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân mắc bệnh suy tim mãn, mạch vành, trẻ em, người cao tuổi, cần cẩn trọng khi truyền máu để tránh các biến chứng.

3. Thuốc

Tùy thuộc nguyên nhân và tình trạng xuất huyết tiêu hóa mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị phù hợp. Ví dụ:

  • Đối với xuất huyết tiêu hóa trên: Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton đường tĩnh mạch (PPI).
  • Đối với các trường hợp xuất huyết tiêu hóa do giãn tĩnh mạch trong bệnh lý xơ gan: Bệnh nhân được dùng thuốc co mạch tạng. .

4. Cầm máu

Theo nghiên cứu, có khoảng 80% số người bị xuất huyết tiêu hóa có thể tự cầm máu, 20% số bệnh nhân còn lại cần có biện pháp y tế đặc hiệu. 

Điều trị cầm máu ở mỗi bệnh nhân là khác nhau, tùy thuộc vào vị trí chảy máu. Nên thực hiện cầm máu càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ tử vong, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi.

Các phương pháp cầm máu dùng trong điều trị xuất huyết tiêu hóa hiện nay gồm:

  • Loét dạ dày, đang chảy máu hoặc chảy máu tái phát: Điều trị bằng nội soi cầm máu tại chỗ bằng nhiều phương tiện khác nhau như dùng nhiệt điện, hoá chất gây tắc mạch, co mạch, kẹp clip. Trường hợp khó khăn hơn cần cầm máu bằng phương pháp nút mạch hoặc phẫu thuật.
  • Xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch: Điều trị bằng thắt vòng, tiêm xơ hoặc phẫu thuật nối thông 2 hệ tĩnh mạch cửa chủ (TIPS).
  • Xuất huyết tiêu hóa thấp nặng, kéo dài do bệnh lý túi thừa hoặc giãn mạch: Nội soi bằng kẹp clips, đốt điện, cầm máu bằng nhiệt  hoặc tiêm epinephrine pha loãng để cầm máu. Nếu có Polyp thì có thể được cắt bỏ polyp.
  • Xuất huyết do trĩ nội cấp hoặc mạn tính: Có thể áp dụng phương pháp soi hậu môn để phẫu thuật hoặc thắt dây cao su, tiêm xơ cầm máu.
  • Phẫu thuật cắt một phần đại tràng: Có thể được áp dụng tùy trường hợp.
Bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân bị xuất huyết
Bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân bị xuất huyết

VII. Triển vọng của bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa là gì?

Hầu hết bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa đều hồi phục hoàn toàn sau điều trị. Thời gian để ruột phục hồi và lành lại có thể phải mất vài tháng.

Để dự phòng chảy máu trở lại, người bệnh nên thay đổi lối sống, chẳng hạn như: tránh các loại thuốc có thể gây chảy máu nếu có thể; điều trị các nguyên nhân gây loét, như nhiễm trùng Helicobacter pylori (HP); giảm căng thẳng , có thể liên quan đến các kỹ thuật thư giãn, như thở sâ; duy trì lối sống năng động và chế độ ăn uống cân bằng để có cân nặng khỏe mạnh… 

Hầu hết bệnh nhân đều hồi phục hoàn toàn sau điều trị.
Hầu hết bệnh nhân đều hồi phục hoàn toàn sau điều trị.

VIII. Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa

Khi chăm sóc người bị xuất huyết tiêu hóa, bác sĩ khuyên người bệnh và người nhà nên:

1. Nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, tránh căng thẳng 

Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa cần dành thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, tránh căng thẳng tinh thần và thể chất.

Nếu bệnh nhân bị mất ngủ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc an thần: Seduxen hoặc Tranxene theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Chế độ ăn và dinh dưỡng

Trong chế độ ăn xuất huyết tiêu hóa, bệnh nhân cần sử dụng các món ăn mềm, chia thành 5-6 bữa/ngày thay vì ăn 3 bữa lớn. Tránh ăn quá no gây áp lực lên ống tiêu hoá và cũng không được để bụng quá đói. 

Nên ăn nhiều cơm, mỳ, khoai (thực phẩm chứa nhiều tinh bột) và hoa quả chín (không chua), rau, củ, quả (chứa nhiều vitamin và khoáng chất). Nên chế biến thành các món ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, canh hầm nhừ, uống sữa, nước ép hoa quả…

Tránh xa các loại đồ uống có ga, có cồn, cà phê đen và các loại chất kích thích. Không nên ăn các thức ăn dai, cứng, khó tiêu hóa, gia vị cay nóng… 

3. Vận động nhẹ nhàng

Người bệnh chỉ nên đi lại nhẹ nhàng khi vết thương đã bắt đầu ổn định. Không nên di chuyển nhiều hoặc vận động mạnh. 

Bệnh nhân sau điều trị nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, tránh căng thẳng và ăn uống thức ăn mềm dễ tiêu.
Bệnh nhân sau điều trị nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, tránh căng thẳng và ăn uống thức ăn mềm dễ tiêu.

IX. Phải làm gì để phòng tránh xuất huyết tiêu hóa? 

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng nguy hiểm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Để phòng tránh, chúng ta nên thực hiện tốt những điều dưới đây: 

1. Ăn uống điều độ và khoa học

Ăn uống điều độ và khoa học, không bỏ bữa, không ăn quá no và không để bụng quá đói. Nếu bạn mắc các vấn đề về dạ dày, bạn nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa. 

Tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi để tránh bị ngộ độc cũng như nhiễm ký sinh trùng gây ra các bệnh về tiêu hóa có thể gây xuất huyết. Hạn chế chế vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn để giảm nguy cơ đau dạ dày, trào ngược dạ dày.

Bổ sung thêm chất xơ, vitamin từ rau xanh và hoa quả. Uống đủ nước mỗi ngày giúp cơ thể thanh lọc độc tố và tiêu hóa tốt hơn. Không nên sử dụng rượu, bia, nước chè đặc, thuốc lá, cà phê, đặc biệt là rượu mạnh. 

Hạn chế một số thực phẩm có tác động xấu đến hệ tiêu hóa như: thức ăn có chứa nhiều gia vị chua, cay, đồ chiên xào, thức ăn chứa nhiều muối (thịt muối, cá kho); đồ ăn chế biến sẵn (có chứa nhiều chất bảo quản)… 

2. Tránh căng thẳng lâu ngày

Nên dành thời gian để giải trí hoặc luyện tập thể dục thể thao nhằm giải tỏa stress do công việc hay gia đình…  Vì căng thẳng stress kéo dài lâu ngày là yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề ở hệ tiêu hóa và dạ dày. 

3. Không lạm dụng thuốc 

Tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không lạm dụng các thuốc kháng sinh hay chống viêm…  Cẩn trọng khi uống các thuốc có khả năng gây kích thích dạ dày như: Aspirin, các loại corticoid.

4. Ngủ đủ giấc, vận động hàng ngày

Duy trì thói quen vận động ít nhất 30 phút/ngày để giúp hoạt động của nhu động ruột luôn khỏe mạnh và ổn định.

Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng mỗi đêm), không nên thức khuya (nên ngủ trước 23h) để cơ thể và hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi, phục hồi sau một ngày làm việc.

5. Chăm sóc hệ tiêu hóa 

Chăm sóc tốt cho hệ tiêu hóa nhằm nâng cao hệ miễn dịch bằng cách ăn sữa chua, bổ sung vitamin và men tiêu hóa, tẩy giun định kỳ…

6. Thăm khám sức khỏe định kỳ

Nên khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần để dự phòng xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt là các đối tượng mắc các bệnh về gan, dạ dày, thực quản, đại tràng. 

Riêng đối với bệnh nhân viêm loét dạ dày, xơ gan cần khám và nội soi thực quản thường xuyên để kiểm soát các biến chứng của bệnh.

Ăn uống điều độ và khoa học, sinh hoạt lành mạnh giúp phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa. 
Ăn uống điều độ và khoa học, sinh hoạt lành mạnh giúp phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa.

X. Câu hỏi thường gặp về xuất huyết tiêu hóa

Một số câu hỏi mọi người thường đặt ra khi bị xuất huyết tiêu hóa sẽ được chúng tôi giải đáp dưới đây: 

1. Xuất huyết tiêu hóa khi nào cần thăm khám bác sĩ? 

Ngay khi thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường như choáng váng nhẹ, mệt, mạnh nhanh, bạn nên đi thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm tránh những biến chứng nguy hiểm.

Đặc biệt, theo trang mayoclinic, nếu có triệu chứng sốc dưới đây, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay:

  • Suy nhược hoặc mệt mỏi.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Da lạnh, ẩm ướt, nhợt nhạt.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Không đi tiểu hoặc đi tiểu mỗi lần một ít.
  • Môi hoặc móng tay có màu xám hoặc hơi xanh.
  • Bất tỉnh.
  • Mạch nhanh.
  • Thở nhanh.
  • Giảm huyết áp.
  • Đồng tử mở rộng.
  • Lo lắng hoặc kích động.

2. Nên làm gì khi bị xuất huyết tiêu hóa? 

Ngay khi phát hiện tình trạng xuất huyết tiêu hóa, hãy đặt người bệnh nằm trên giường hoặc trên cáng, đầu để thấp, không gối. Sau đó gọi cấp cứu chảy máu tiêu hóa (115) ngay lập tức. 

Đồng thời ngưng sử dụng một số loại thuốc Tây có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn như Aspirin, Ibuprofen hay các loại NSAID khác, các loại thuốc làm loãng máu (thường gặp nhất là Warfarin). 

Tùy vào tình trạng thực tế của bệnh nhân mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng các phương pháp điều trị xuất huyết tiêu hóa trên và dưới phù hợp. 

Mục tiêu chung trong điều trị chảy máu tiêu hóa là cầm máu, chống sốc và khôi phục lượng máu đã mất đồng thời điều trị nguyên nhân gây bệnh.  Trong trường hợp xuất huyết từ dạ dày, việc điều trị chảy máu tiêu hóa cao phải sử dụng thuốc ức chế acid như thuốc ức chế proton IV (PPI). 

3. Xuất huyết tiêu hóa có nguy hiểm không?

Xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng nguy hiểm, người bệnh có nguy cơ bị sặc máu nếu xuất huyết nhiều. Sặc máu có thể gây chết não và tử vong nhanh chóng. 

Mặt khác, xuất huyết tiêu hóa cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một loại ung thư tiêu hóa nào đó. Vì vậy, bạn nên đi thăm khám càng sớm càng tốt.

4. Xuất huyết tiêu hóa có tự khỏi được không?

Xuất huyết tiêu hóa không thể tự khỏi, người bệnh cần phải can thiệp điều trị bằng các phương pháp đặc hiệu để tránh biến chứng hoặc tái phát.

5. Sau điều trị xuất huyết tiêu hóa có tái phát không?

Sau khi điều trị xuất huyết tiêu hóa thành công, bệnh vẫn có thể tái phát lại. Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ bệnh tái phát, người bệnh cần chăm sóc đường tiêu hóa cẩn thận và điều trị, tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng nghiêm trọng, là cấp cứu nội ngoại khoa cần được điều trị kịp thời để không gây biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Vì thế, khi có các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa như phân đen, phân lẫn máu, giấy vệ sinh có máu, người bệnh nên đi thăm khám ngay để được điều trị kịp thời, tránh tử vong cho bệnh nhân.

4.9/5 - (8 bình chọn)
Hà Thị Kim Liên

Tác giả:

Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.