Ban đầu, biểu hiện bệnh viêm loét đại trực tràng rất giống với một số bệnh tiêu hóa thông thường khiến nhiều người chủ quan mà không đi khám. Bệnh không được điều trị sớm sẽ tiến triển nặng và có thể gặp những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng con người.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về bệnh viêm loét đại trực tràng một cách rõ ràng và dễ hiểu nhất, để sớm nhận biết bệnh và điều trị hiệu quả.
Mục lục
- I – Viêm loét đại trực tràng là gì?
- II – Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng
- III – Biểu hiện viêm loét đại trực tràng
- IV – Bị loét đại trực tràng có nguy hiểm không?
- V – Viêm loét đại trực tràng nên ăn gì và kiêng ăn gì?
- VI – Cách điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu
- VII – Cách phòng tránh bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu
I – Viêm loét đại trực tràng là gì?
Bệnh viêm loét đại trực tràng (chảy máu) là tình trạng lớp niêm mạc và cả lớp dưới niêm mạc bị loét và chảy máu.
Vị trí tổn thương lúc đầu chỉ tập trung tại trực tràng, sau đó lan dần vào trong gây tổn thương cho các bộ phận khác của đại tràng. Thậm chí, ở một số trường hợp tổn thương còn lan sang cả đoạn cuối của ruột non.
Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu được xếp vào nhóm bệnh viêm ruột IBD (Inflammatory Bowel Disease) cùng với bệnh Crohn. Đây là bệnh viêm mạn tính và có tính chất tự miễn.
II – Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng
Cấu tạo của đại tràng
Đại tràng là cơ quan cuối cùng của đường tiêu hóa. Tại đây, phân sẽ được hình thành và chứa đựng trước khi đào thải ra ngoài cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại trực tràng xuất huyết vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra được bệnh có liên quan đến một số yếu tố sau:
- Yếu tố di truyền: Theo thống kê, khoảng 20% người bệnh có người thân trong gia đình từng bị viêm loét đại trực tràng này.
- Yếu tố miễn dịch: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có khoảng 80% bệnh nhân dương tính với tự kháng thể ASCA (Anti – Sacharomyces Cerevisiae Antibodies) và pANCA (perinuclear Antineutrophil Cytoplasmic Antibodies ).
- Yếu tố nhiễm khuẩn: Nhiễm khuẩn có thể là nguyên nhân gây khởi phát hoặc tái phát bệnh. Trong trường hợp tái phát, bệnh nhân thường bị nhiễm khuẩn đường ruột như Shigella, E.Coli hay Campylobacter…
- Ngoài ra, các yếu tố về môi trường (ăn uống thiếu khoa học, sử dụng thuốc tránh thai,..), yếu tố tâm sinh lý (căng thẳng, lo âu…) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu.
Bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ trong độ tuổi khoảng 15-30 tuổi, 60-70 tuổi.
III – Biểu hiện viêm loét đại trực tràng
Dấu hiệu của viêm loét đại trực tràng còn tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Dưới đây là các dấu hiệu thường gặp và dễ dàng nhận thấy:
- Đau bụng: Người bị viêm loét đại trực tràng có thể cảm thấy đau bụng, đặc biệt là ở phần dưới bụng hoặc vùng hậu môn. Đau có thể từ nhẹ đến nặng và kéo dài trong thời gian dài.
- Rối loạn phân: Phân của người bệnh viêm loét đại trực tràng thường lỏng và có nhầy máu, thường mót rặn khi đại tiện. Kích thước phân nhỏ hơn bình thường. Nếu bệnh nặng, phân thường chỉ toàn nhầy máu, không có phân.
- Số lần đại tiện tăng lên: Trong trường hợp nhẹ, người bệnh có thể đi đại tiên khoảng 4 lần, nặng hơn là khoảng 6 lần và có máu.
- Sốt: Người bệnh có thể bị sốt nhẹ (38-39 độ C) ở trường hợp nặng và có thể sốt cao khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn
- Chảy mủ từ hậu môn: Một số người có thể có cảm giác chảy mủ từ hậu môn, đặc biệt sau khi đi tiêu..
- Cảm giác khó chịu vùng hậu môn: Người bị viêm loét đại trực tràng có thể cảm thấy ngứa ngáy, đau hoặc khó chịu ở vùng hậu môn.
- Cơ thể gầy yếu, xanh xao, mệt mỏi do bị mất máu qua đường phân.
Ngoài vấn đề về tiêu hóa, triệu chứng viêm loét đại trực tràng còn có đau khớp, viêm xơ hóa đường mật, viêm màng bồ đào.
IV – Bị loét đại trực tràng có nguy hiểm không?
Viêm loét đại trực tràng nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển nặng hơn mỗi ngày và gặp các biến chứng nguy hiểm dưới đây:
- Phình giãn đại tràng: Ở trường hợp nặng, toàn bộ đại tràng đã bị tổn thương. Đại tràng bị giãn to, chủ yếu ở phần đại tràng ngang, với kích thước khoảng 6cm và có nguy cơ thủng đại tràng.
- Mất máu: Viêm loét đại trực tràng có thể gây ra chảy máu trong ruột và dẫn đến mất máu. Nếu lượng máu mất đi lớn, có thể dẫn đến suy kiệt, thiếu máu và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
- Thủng đại tràng: Là tình trạng cấp cứu ngoại khoa.
- Xuất huyết tiêu hóa: Chảy máu là triệu chứng điển hình của bệnh viêm loét đại trực tràng. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển ở mức nghiêm trọng, tình trạng xuất huyết sẽ trở nên nặng hơn, phân có màu đỏ tươi với số lượng nhiều, cơ thể mất máu.
- Ung thư hóa: Tỷ lệ ung thư của loét đại tràng chiếm khoảng 10-15% sau 10 năm. Đặc biệt là các trường hợp viêm loét toàn bộ đại tràng.
- Nhiễm trùng: Loét đại trực tràng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể và gây ra biến chứng nghiêm trọng.
Trên đây đều là các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét đại trực tràng. Nếu không được cấp cứu hoặc điều trị kịp thời, người bệnh có thể sẽ tử vong.
V – Viêm loét đại trực tràng nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Chế độ ăn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hồi phục của đại trực tràng khi loét. Vậy khi bị loét đại trực tràng nên ăn và tránh ăn những gì? Theo dõi nội dụng dưới đây:
1. Viêm loét đại trực tràng nên ăn gì?
Về cơ bản, người bị viêm loét đại trực tràng nên ăn các món ăn mềm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng, cụ thể như:
- Cháo, cơm nhão
- Thịt nạc: Thịt trắng từ gia cầm không có da, thịt thăn từ bò hoặc lợn đều có chứa nhiều protein nhưng ít chất béo rất tốt cho người bệnh.
- Quả bơ: Là nguồn cung cấp dinh dưỡng, năng lượng lành mạnh cho người bệnh kém dinh dưỡng. Trong bơ có chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn tốt cho cơ thể.
- Bí (bí đỏ, bí ngô, bí xanh, bí đao…): Có chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, beta-carotene hỗ trợ làm lành các tổn thương do viêm loét gây ra. Đồng thời hàm lượng chất xơ cao trong quả bí sẽ hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.
- Cá hồi: Là thực phẩm giàu omega – 3 có tác dụng giảm viêm, tốt cho người bệnh đang trong đợt viêm bùng phát. Ngoài ra, quả óc chó, cá ngừ, dầu đậu nành, dầu hạt lanh cũng là nguồn cung cấp omega-3 mà người bệnh có thể sử dụng. Lưu ý, người bệnh nên ăn cá hồi chín, không nên ăn các món, tái sống.
- Sữa chua: Trong sữa chua có chứa probiotics, một loại lợi khuẩn rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp cân bằng và duy trì lợi khuẩn cho đường ruột. Tuy nhiên, người bệnh nên ăn sữa chua không đường thay vì có đường. Nếu không quen có thể cho thêm hoa quả hoặc một chút mật ong vào.
2. Viêm loét đại trực tràng nên kiêng ăn gì?
- Thực phẩm kích thích: Tránh ăn các loại thực phẩm kích thích niêm mạc đại trực tràng như các loại gia vị cay nóng, hành tây, tỏi, ớt, đinh hương, và các loại gia vị nhiều cay.
- Thức ăn giàu chất xơ: Dù chất xơ có lợi cho tiêu hóa nhưng trong trường hợp viêm loét đại trực tràng, các loại thực phẩm chứa chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, hạt hướng dương, hạt chia, hạt lanh, và các loại hạt có vỏ cứng nên được hạn chế.
- Thực phẩm giàu chất béo: Tránh ăn các loại thực phẩm có nhiều chất béo như thịt mỡ, đồ chiên, thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến, bơ, kem và các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ.
- Thực phẩm có hàm lượng cao đường: Hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều đường như đồ ngọt, bánh ngọt, đồ ăn nhanh, nước ngọt, nước ép trái cây có đường, và các loại bánh kẹo.
- Cà phê và rượu: Các loại đồ uống có cafein như cà phê và rượu có thể kích thích đại trực tràng và tăng nguy cơ viêm loét.
- Sữa và sản phẩm từ sữa: Một số người bị viêm loét đại trực tràng có thể không dung nạp lactose (đường trong sữa), do đó nên hạn chế sử dụng sữa và sản phẩm từ sữa.
>> Xem VIDEO cách ăn uống tránh ung thư đại trực tràng <<
VI – Cách điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu
Tùy vào tình trạng nặng nhẹ mà các bác sĩ sẽ sử dụng phác đồ điều trị viêm loét đại trực tràng khác nhau.
1. Nguyên tắc điều trị cơ bản
- Trường hợp điều trị lần đầu: Bắt đầu điều trị bằng một loại thuốc trị viêm loét đại trực tràng, sau khoảng 10-15 ngày sẽ đánh giá lại hiệu quả dựa vào các triệu chứng lâm sàng.
- Trường hợp đang điều trị nhưng bệnh nặng hơn: Sử dụng thuốc đang điều trị kết hợp thêm một loại thuốc khác.
- Trường hợp đã từng điều trị nhưng đã ngưng sử dụng thuốc trong một thời gian dài: Bắt đầu điều trị lại như trường hợp điều trị lần đầu nhưng sử dụng thuốc điều trị viêm loét đại trực tràng khác với thuốc điều trị trước đây.
- Trường hợp đại tràng sigma và trực tràng bị tổn thương nhẹ tối thiểu: Kết hợp điều trị tại chỗ bằng thuốc thụt hoặc viên đặt hậu môn.
- Nên kết hợp điều trị tấn công và điều trị duy trì.
2. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là phương pháp đem lại tiện lợi và hiệu quả cao hiện nay. Tuy nhiên có một số lưu ý trong điều trị nội khoa như sau:
- Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nên truyền máu cho bệnh nhân nếu chảy máu nặng.
- Điều chỉnh chế độ ăn phù hợp, ăn đồ dễ tiêu, chín mềm.
3. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được sử dụng trong các trường hợp bệnh biến chứng nặng gồm có: Thủng đại tràng, phình giãn đại tràng nhiễm độc, chảy máu ồ ạt khó cầm máu, ung thư hóa hay dị sản ở mức độ nặng.
VII – Cách phòng tránh bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu
Qua tìm hiểu về bệnh, chắc các bạn đã biết tính chất nguy hiểm và các biến chứng của viêm loét đại trực tràng. Nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh, thay vì cố gắng chữa trị, tốt nhất chúng ta nên thực hiện tốt những điều dưới đây để ngăn ngừa bệnh:
- Ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng: Ưu tiên các món dễ tiêu hóa, chứa nhiều chất xơ và ít dầu mỡ. Tránh các chất kích thích, đồ ăn cay nóng, đồ uống có cồn.
- Thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
- Sinh hoạt điều độ: Ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc cần hợp lý, không nên làm việc quá sức hoặc căng thẳng kéo dài. Giữ tinh thần lạc quan.
- Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần là cách tốt để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin cơ bản về viêm loét đại trực tràng chảy máu bệnh học. Nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc phải chứng bệnh này, đừng chần chừ, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám sớm.
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…