Bệnh Crohn là một bệnh thường gặp ở đường ruột. Đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh nên khó điều trị khỏi hoàn toàn. Vì thế, bạn nên hiểu rõ về căn bệnh này để sớm phòng tránh nó.
Mục lục
- I. Bệnh Crohn là gì?
- II. Nguyên nhân gây bệnh Crohn
- III. Dấu hiệu nhận biết bệnh Crohn
- IV. Những đối tượng/trường hợp dễ mắc bệnh Crohn
- V. 7 biến chứng của bệnh Crohn
- V. Phương pháp chẩn đoán bệnh Crohn
- VI. Cách điều trị bệnh Crohn hiệu quả
- VII. Giải pháp phòng ngừa bệnh Crohn
- VIII. Giải đáp thắc mắc thường gặp về bệnh Crohn
- 1. Bệnh Crohn có nguy hiểm không?
- 2. Bệnh Crohn có lây không?
- 3. Bệnh nhân Crohn khi nào thì đi khám bác sĩ?
- 4. Bệnh Crohn có chữa được không?
- 5. Bệnh Crohn có chết không?
- 6. Bệnh Crohn sống được bao nhiêu năm?
- 7. Người mắc bệnh Crohn nên ăn gì?
- 8. Người bị bệnh Crohn kiêng ăn gì?
- 9. Bệnh nhân Crohn cần lưu ý gì trong chế độ ăn uống và sinh hoạt?
I. Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn là bệnh viêm đường ruột mãn tính từng vùng, tiếng Anh gọi là Inflammatory Bowel Disease (IBD). Bệnh này được xem là một trong những nguyên nhân gây viêm loét, chảy máu bên trong đường tiêu hóa
Bệnh Crohn có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong đường ruột, nên người ta chia bệnh Crohn theo vị trí mắc như: bệnh Crohn đại tràng, bệnh Crohn ruột non…
Bệnh Crohn được chia thành 3 giai đoạn gồm:
- Giai đoạn viêm.
- Giai đoạn hẹp, tắc đường ruột.
- Giai đoạn xuyên thành hoặc tạo đường rò thành ruột.
II. Nguyên nhân gây bệnh Crohn
Tới nay, y học hiện đại vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh Crohn. Vì thế, việc điều trị bệnh tương đối khó.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng các yếu tố dưới đây có liên quan chặt chẽ đến bệnh Crohn:
1. Hệ thống miễn dịch đường ruột suy yếu
Hệ miễn dịch đường ruột suy yếu khiến cho vi khuẩn và virus gây hại tấn công đường ruột gây viêm nhiễm.
2. Do di truyền
Nếu trong gia đình ba mẹ từng bị bệnh Crohn thì con cái cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Theo thống kê năm 2022, tỷ lệ người bệnh Crohn do di truyền trong gia đình là 15%.
3. Môi trường sống không đạt chuẩn
Chất lượng môi trường sống không đạt chuẩn là một trong các nguyên gây các bệnh nhiễm trùng, viêm nhiễm, trong đó có bệnh Crohn.
Cụ thể khu vực sống, nhà ở có chất lượng vệ sinh kém, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh từ vi khuẩn và virus gây hại. Khi tiếp xúc thường xuyên sẽ phát sinh nhiều loại bệnh.
4. Chế độ ăn uống thiếu khoa học
Chế độ ăn uống thiếu khoa học với thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, viêm nhiễm do vi khuẩn và virus gây hại…
III. Dấu hiệu nhận biết bệnh Crohn
Dấu hiệu của bệnh Crohn có thể xuất hiện từ nhẹ đến nặng hoặc có thể từ không có dấu hiệu gì đến dấu hiệu nặng.
Bệnh Crohn được phân thành 2 giai đoạn là cấp tính và mãn tính. Vì thế, chúng ta sẽ xem xét triệu chứng trong từng giai đoạn.
1. Triệu chứng của bệnh Crohn cấp tính
- Đau bụng, nhất là ở vùng hố chậu phải. Cơn đau có thể nhầm lẫn với viêm ruột thừa, viêm đại tràng, sỏi niệu đạo…
- Một số trường hợp có thể bị sốt cao khoảng 39 – 40 độ C.
- Cơn đau bụng thường xuất hiện sau khi ăn. Sau khi đi đại tiện, cơn đau giảm xuống.
- Thường đi ngoài phân lỏng, có thể kèm theo máu.
- Có thể cảm thấy buồn nôn và nôn.
2. Triệu chứng của bệnh Crohn mãn tính
Bệnh Crohn mãn tính thường đã phát triển trong thời gian dài. Lúc này, các triệu chứng đã xuất hiện rõ nét hơn, có cường độ mạnh hơn, tần suất nhiều hơn.
Ngoài các triệu chứng tương tự giai đoạn cấp tính, bệnh Crohn giai đoạn mãn tính còn có thêm các triệu chứng như:
- Da xanh.
- Mệt mỏi.
- Suy sụp.
- Thiếu máu.
- Thèm ăn.
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài nên bị mất nước, mất chất điện giải.
IV. Những đối tượng/trường hợp dễ mắc bệnh Crohn
Bệnh Crohn có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào và thuộc mọi độ tuổi. Tuy nhiên, theo thống kê, phần lớn các ca bệnh Crohn nằm ở độ tuổi từ 16 – 30 và 60 – 80. Những nhóm đối tượng dễ mắc bệnh Crohn hơn cả là:
- Người có người thân bị bệnh Crohn.
- Người da trắng và người Đông Âu có tỷ lệ mắc bệnh crohn cao nhất. Ngày nay, số lượng người da đen sống ở Anh và Bắc Âu bị crohn đang tăng lên.
- Người sống ở đô thị có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người sống ở nông thôn. Có thể do môi trường nước, không khí ở đô thị ô nhiễm nhiều hơn nông thôn.
- Người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Người lạm dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không chứa steroid, thuốc tránh thai.
- Người có chế độ ăn nhiều chất béo xấu.
- Với bệnh Crohn ở trẻ em, bé trai thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái.
V. 7 biến chứng của bệnh Crohn
Vì chưa xác định được nguyên nhân nên việc điều trị dứt điểm bệnh Crohn rất khó. Ngoài ra, đây còn là bệnh lý nguy hiểm vì nếu không được chữa trị phù hợp, có thể gây ra nhiều biến chứng như:
1. Tắc ruột
Theo thời gian, các ổ viêm có thể khiến thành ruột bị xơ cứng, làm cho ruột bị hẹp lại. Từ đó, thức ăn sẽ khó di chuyển trong ruột. Các triệu chứng nhận biết biến chứng tắc ruột là bí trung tiện và đại tiện, nôn, đau thắt.
2. Loét ruột non và đại tràng
Tình trạng viêm kéo dài lâu ngày không được điều trị dẫn biến chứng loét ruột non, đại tràng.
3. Nứt hậu môn
Bệnh lý này thường liên quan đến việc đi đại tiện đau đớn và hình thành lỗ rò quanh hậu môn. Biến chứng này có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng vì vết nứt này là nơi dễ tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh, cũng khiến chúng dễ xâm nhập vào cơ thể.
Người bệnh khi bị nứt hậu môn sẽ xuất hiện các cơn đau khi đi đại tiện. Nếu không phát hiện và điều trị ngay, bệnh sẽ phát triển thành biến chứng lỗ rò hậu môn.
4. Lỗ rò
Đôi khi, vết viêm loét do bệnh Crohn có thể kéo dài qua thành ruột tạo thành lỗ rò. Lỗ rò có thể hiểu là một kết nối bất thường giữa các bộ phận trong cơ thể.
Ở đây, lỗ rò sẽ nối giữa ruột và một bộ phận khác trong cơ thể như da… Lỗ rò xung quanh hoặc gần khu vực hậu môn phổ biến hơn cả.
Trong một vài trường hợp, lỗ rò có thể bị nhiễm trùng và áp xe, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
5. Suy dinh dưỡng
Tiêu chảy, đau bụng, khiến bệnh nhân Crohn cảm thấy chán ăn. Dần dần, bệnh nhân sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng, cơ thể gầy gò, xanh xao.
6. Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu hay cục máu đông xuất hiện trong tĩnh mạch sâu hoặc vùng chậu cũng là biến chứng do bệnh Crohn gây ra. Cục máu đông có thể nằm ở đùi, tĩnh mạch bắp chân hoặc các khu vực vùng chậu.
Biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu làm tổn thương nội mạc, rối loạn chức năng hoặc gây tăng động cho bệnh nhân.
7. Ung thư ruột kết
Bệnh Crohn ảnh hưởng đến đại tràng, làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết. Đây được xem là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân.
Qua đó, có thể thấy bệnh Crohn thực sự nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, bạn cần phải đến cơ sở y tế thăm khám ngay khi có những dấu hiệu bệnh đầu tiên để được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
V. Phương pháp chẩn đoán bệnh Crohn
Quy trình chẩn đoán bệnh Crohn hiện gồm 3 bước là: chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt và chẩn đoán biến chứng. Cụ thể từng bước như sau:
1. Chẩn đoán xác định
Bác sĩ dựa vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân để đưa ra đánh giá chung. Tiếp đó là chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết luận về loại bệnh Crohn và giai đoạn bệnh.
Các xét nghiệm cận lâm sàng dùng để chẩn đoán bệnh Crohn gồm:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra protein phản ứng, tốc độ máu lắng, các yếu tố viêm và kết quả hóa sinh máu.
- Xét nghiệm phân: Kiểm tra hồng cầu, bạch cầu, ký sinh trùng và procaltectin trong phân.
- Nội soi dạ dày và đại tràng: Để trực tiếp tiếp cận tổn thương trên đường tiêu hóa trên và dưới đồng thời sinh thiết các tổn thương nghi ngờ.
- Chụp transit ruột non có cản quang: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ quan sát được những tổn thương của ruột non như lát đá, đoạn ruột chít hẹp.
- Chụp CT: Để xác định bệnh nhân có các biến chứng như xuất hiện đường rò trong ruột – bàng quang, áp xe ổ bụng, xuất huyết ruột – niệu quản hay không.
- Giải phẫu bệnh: Nhằm phân tích các tế bào viêm trên tổn thương sinh thiết từ nội soi.
2. Chẩn đoán phân biệt
Bác sĩ dựa vào kết quả từ bước chẩn đoán xác định để phân biệt hai bệnh chính là bệnh ruột non vùng hồi manh tràng và các bệnh đại tràng liên quan khác.
3. Chẩn đoán biến chứng
Đây là bước chẩn đoán cuối cùng, bác sĩ kết hợp sử dụng các phương tiện để đánh giá mức độ và biến chứng của bệnh nhân. Các biến chứng bệnh nhân Crohn có thể gặp là:
- Thủng, rò, áp xe ruột.
- Hẹp đường ruột.
- Các bệnh lý vùng quanh trực tràng: rò, trĩ, da thừa…
- Ung thư hóa vào giai đoạn sau của bệnh.
VI. Cách điều trị bệnh Crohn hiệu quả
Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh Crohn. Việc điều trị nhằm giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.
1. Điều trị nội khoa bằng thuốc
Điều trị nội khoa bằng thuốc được bác sĩ ưu tiên trong các phác đồ điều trị cho người bệnh Crohn. Những loại thuốc sử dụng đều giúp kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát.
Một số loại thuốc có thể được chỉ định sử dụng trong điều trị bệnh Crohn là:
- Thuốc kháng viêm: Nhằm ngăn chặn tình trạng viêm ruột nặng hơn.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Ngăn chặn hệ thống miễn dịch tự tấn công đường ruột.
- Thuốc kháng sinh: Ngăn chặn nhiễm trùng.
- Thuốc cầm tiêu chảy: Được dùng khi bệnh nhân bị tiêu chảy nặng. Đồng thời có thể uống thêm oresol để bổ sung chất điện giải.
- Sắt và vitamin B12: Để phòng thiếu máu.
- Canxi và vitamin D: Để giảm thiếu chất gây ảnh hưởng đến xương khớp.
Lưu ý: Bệnh nhân chỉ được sử dụng các loại thuốc trên khi có chỉ định của bác sĩ, không tự ý uống thuốc.
2. Điều trị phẫu thuật
Nếu việc sử dụng thuốc không có tác dụng, bệnh chuyển biến nặng hoặc xuất hiện biến chứng (hẹp đường ruột, áp xe, các bệnh vùng quanh trực tràng), bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Mích đích của điều trị phẫu thuật là để loại bỏ một phần viêm ruột bị viêm ra khỏi cơ thể sau đó nối các phần ruột khỏe mạnh lại với nhau.
Trong hoặc sau quá trình điều trị, bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để bệnh không chuyển biến nặng hơn.
VII. Giải pháp phòng ngừa bệnh Crohn
Ngoại trừ yếu tố di truyền và nhóm nguy cơ dễ mắc bệnh thì bạn có thể chủ động phòng tránh bệnh Crohn thông qua chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để nâng cao hệ miễn dịch và đề kháng cho cơ thể.
- Uống đủ nước: Lượng nước nên uống đủ mỗi ngày là 1,5 đến 2 lít.
- Bổ sung đủ vitamin: Tăng cường ăn nhiều rau củ và hoa quả tươi để bổ sung đầy đủ vitamin cho cơ thể.
- Không nên quá no hoặc để bụng quá đói: Nên ăn đủ bữa và đúng giờ; không nên nhịn đói, ăn uống thất thường. Cũng không nên ăn quá no, hãy chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày để giảm áp lực lên dạ dày.
- Hạn chế thuốc lá, bia rượu: Nếu không thể cai nghiện ngay rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích như cà phê, hãy cố gắng sử dụng ít nhất có thể.
- Nên giảm chất béo, các sản phẩm từ sữa trong khẩu phần ăn uống hàng ngày.
- Tập thể dục: Dành thời gian để tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn.
- Hạn chế căng thẳng, ức chế thần kinh: Cố gắng giữ tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái và suy nghĩ tích cực.
VIII. Giải đáp thắc mắc thường gặp về bệnh Crohn
Bệnh Crohn nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi mắc bệnh lý này, người bệnh có rất nhiều thắc mắc cần giải đáp:
1. Bệnh Crohn có nguy hiểm không?
Bệnh Crohn là một bệnh tiêu hóa nguy hiểm, không có nguyên nhân rõ ràng nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Người bệnh cần nghiêm túc điều trị theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian dài.
Đặc biệt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh Crohn sẽ lan sang các bộ phận khác và làm tăng rủi ro gặp các biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, ung thư đại tràng…
2. Bệnh Crohn có lây không?
Bệnh crohn không phải là bệnh truyền nhiễm, không lây từ người này sang người khác. Vì thế, bạn có thể tiếp xúc thoải mái với người bị bệnh crohn.
Tuy nhiên, bệnh crohn lại có thể lan rộng trong đường ruột của người bệnh. Do vậy, khi mắc bệnh, bạn cần chữa trị để bệnh không lây lan rộng hơn.
3. Bệnh nhân Crohn khi nào thì đi khám bác sĩ?
Người bệnh nên đi khám ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường như: cơn đau kéo dài trên 1 tuần kèm rối loạn đại tiện, tiêu chảy, suy nhược cơ thể.
4. Bệnh Crohn có chữa được không?
Bệnh Crohn không thể chữa khỏi hoàn toàn vì nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ giúp làm giảm các triệu chứng và cải thiện tình trạng bệnh.
Người bệnh nên đi thăm khám sớm ngay khi có triệu chứng nghi ngờ để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng gây khó khăn cho việc điều trị.
5. Bệnh Crohn có chết không?
Theo thống kê, bệnh có tỷ lệ tử vong khá thấp và hầu như không gây tử vong trực tiếp. Tuy nhiên, Crohn lại là yếu tố làm tăng nguy cơ rủi ro mắc các bệnh ung thư tiêu hóa, ung thư đại tràng khi tình trạng viêm kéo dài, nhất là ở những bệnh nhân lớn tuổi, có sức đề kháng yếu.
6. Bệnh Crohn sống được bao nhiêu năm?
Bệnh Crohn không được điều trị kịp thời có thể gây u xơ hoặc ung thư. Tuy nhiên như chúng tôi đã chia sẻ ở trên, số lượng người bệnh tử vong vì bệnh Crohn không nhiều. Do đó, người bệnh có thể yên tâm điều trị và không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề bệnh Crohn sống được bao nhiêu năm.
7. Người mắc bệnh Crohn nên ăn gì?
Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng chỉ ra thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh crohn. Tuy nhiên, thực phẩm lại có tác dụng làm giảm hoặc làm tăng triệu chứng khó chịu của bệnh lý này. Vì thế, bạn nên lựa chọn thực phẩm một cách phù hợp để làm giảm triệu chứng, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Những thực phẩm tốt cho người mắc bệnh Crohn gồm:
- Cá hồi: cá hồi chứa nhiều omega 3 có tác dụng chống viêm. Nếu bạn sử dụng cá hồi, bạn nên hạn chế thêm gia vị, dầu mỡ khi chế biến để hạn chế khó tiêu.
- Trứng: trứng là nguồn cung cấp protein tuyệt vời. Đồng thời thực phẩm này cũng dễ tiêu hóa.
- Sữa hạnh nhân: Đây sẽ là một lựa chọn phù hợp cho người bất dung nạp lactose trong sữa bò. Đồng thời sữa hạnh nhân cũng chứa nhiều axit béo bão hòa đơn nên có tác dụng chống viêm.
- Súp rau xanh: Những loại rau sống có thể khiến triệu chứng bệnh nặng hơn. Vì thế, bạn có thể chế biến rau thành các loại súp thơm ngon.
- Bơ: Bơ có nhiều chất dinh dưỡng và các loại axit bão hòa đơn, đồng thời rất dễ tiêu hóa.
- Khoai lang: Khoai lang chứa nhiều chất dinh dưỡng và có khả năng chống viêm nên người mắc bệnh crohn có thể sử dụng.
- Sữa chua: Đây là nguồn cung cấp lợi khuẩn dồi dào, giúp tăng cường miễn dịch cho hệ đường ruột.
8. Người bị bệnh Crohn kiêng ăn gì?
Các thực phẩm/thức ăn người mắc bệnh Crohn nên kiêng ăn để tránh tình trạng bệnh nặng hơn gồm:
- Sữa bò: Sữa bò chứa lactose, dễ khiến người bệnh bị đau bụng và đi ngoài.
- Thực phẩm giàu chất béo: Nếu crohn xảy ra ở ruột non, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa chất béo, khiến người bệnh bị tiêu chảy nặng nề. Vì thế, người bệnh nên kiêng thực phẩm chiên rán, kem, bơ…
- Chất xơ: Một số người có thể không dung nạp chất xơ, vì thế nếu ăn chất xơ, triệu chứng có thể nặng hơn. Trong trường hợp chỉ không dung nạp trái cây và rau sống, bạn nên nấu chín rồi sử dụng.
- Các loại thực phẩm gây kích thích đường ruột: Ví dụ như đồ ăn cay nóng, rượu bia, cà phê, thực phẩm chua cay…
9. Bệnh nhân Crohn cần lưu ý gì trong chế độ ăn uống và sinh hoạt?
Bệnh nhân Crohn cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng và hợp lý. Chế độ ăn cần phải cân bằng giữa các nhóm dưỡng chất, đặc biệt cần hạn chế hấp thụ các chất béo xấu. Mặt khác, cần hạn chế dùng các chế phẩm từ sữa động vật có chứa lactose.
- Đối với người bị bệnh Crohn có biến chứng xơ tắc ruột, nên áp dụng theo chế độ ăn uống ít dư lượng.
- Bệnh nhân bị viêm tại vị trí ruột non hoặc ruột non bị tổn thương nên hạn chế những đồ ăn nhiều dầu mỡ và thực phẩm béo.
Hy vọng với những thông tin ở trên, các bạn đã hiểu rõ hơn về bệnh Crohn đồng thời yên tâm hơn để điều trị bệnh. Vì bệnh Crohn không thể chữa khỏi hoàn toàn nên cách tốt nhất là hãy chủ động phòng ngừa mắc bệnh nhé!
Nếu bạn cần được dược sĩ tư vấn trực tiếp về bệnh Crohn cũng như các bệnh lý liên quan đến dạ dày, vui lòng gọi đến hotline miễn cước 1800.1125 hoặc để lại bình luận bên dưới nhé.
Chưa có bình luận!