Ăn Tết thế nào để giảm trào ngược dạ dày thực quản?

Hạn chế uống bia rượu, nước ngọt có ga, cà phê, trà đặc; giảm tiêu thụ đồ ăn chua cay nóng; ăn nhiều đủ bữa, đúng giờ, không ăn quá no… là những cách giảm nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản khởi phát hoặc tái phát ngày Tết hiệu quả.

Theo các chuyên gia sức khỏe, nguy cơ bệnh trào ngược dạ dày thực quản gia tăng dịp Tết do thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày bị thay đổi, ăn nhậu liên miên, mất kiểm soát. 

Bình thường, cơ thắt thực quản (một ống cơ cho phép thức ăn đi vào dạ dày và sau đó thắt chặt lại để ngăn không cho thức ăn trào ngược lên) bảo vệ thực quản khỏi axit dạ dày. Tuy nhiên, nếu cơ thắt giãn ra, thức ăn có thể đẩy lên qua lỗ mở bị nới lỏng và gây trào ngược axit.

Để giảm nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản khởi phát hoặc bùng phát dịp Tết, bạn cần có lối sống khoa học và điều độ trong những ngày Tết theo hướng dẫn dưới đây:

1. Hạn chế tiêu thụ bia rượu 

Trong các buổi tiệc liên hoan ngày Tết, rượu bia là thức uống không thể tránh khỏi. Vì tâm lý và không khí vui vẻ dịp Tết nên chúng ta có thể uống nhiều rượu bia hơn so với bình thường.

Các nghiên cứu cho thấy, uống nhiều rượu bia khiến mọi người có nguy cơ cao mắc nhiều biến cố sức khỏe bất lợi, có khả năng bao gồm trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Tiêu thụ rượu có thể làm tăng các triệu chứng của GERD và gây tổn thương niêm mạc thực quản. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng của GERD có thể được kiểm soát sau khi ngừng đồ uống có cồn.

Các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị, nên hạn chế tiêu thụ đồ uống bia rượu ngay cả khi Tết rất vui. Điều này giúp làm giảm nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.

2. Tránh ăn nhiều món ăn ngày Tết giàu chất béo, dầu mỡ

Thức ăn nhiều dầu mỡ và đồ chiên rán được sử dụng liên tục trong các bữa cơm tất niên và Tết. Có thể kể đến như bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, giò chả, nem rán, lạp xưởng… Những thức ăn này khó tiêu nên sẽ lưu lại lâu trong dạ dày, khiến axit dạ dày dễ trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng GERD khó chịu.

Tránh ăn nhiều thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, chiên rán có thể giúp dạ dày khỏe mạnh, giảm nguy cơ trào ngược axit ngày Tết.

3. Giảm ăn thực phẩm có tính axit cao, chua, cay, nóng

Các thực phẩm chua, cay và nóng cũng được sử dụng nhiều trong mâm cơm ngày Tết như: dưa hành muối, kim chi, tiêu, ớt, đồ ăn có tính axit cao như cam, chanh, bưởi, canh chua. 

Các thực phẩm này giúp “chống ngán” bữa cơm giàu đạm và chất béo ngày Tết tốt. Nhưng nếu ăn nhiều có thể kích ứng niêm mạc dạ dày và thực quản, gián tiếp làm trầm trọng các triệu chứng ợ chua, ợ nóng.

Vậy nên, hãy ăn các thực phẩm chua, cay nóng một cách có kiểm soát với lượng vừa phải. Riêng người có tiền sử hoặc đang bị trào ngược dạ dày thực quản, các chuyên gia sức khỏe khuyên không nên tiêu thụ các thực phẩm này.

4. Không uống quá nhiều cà phê, trà đặc, nước ngọt có ga 

Không uống quá nhiều cà phê, trà đặc, nước ngọt có ga cũng là cách giảm nguy cơ trào ngược dạ dày dịp Tết hiệu quả bạn nên áp dụng.

Cà phê, trà đặc, nước ngọt có ga là những thức uống được sử dụng nhiều trong dịp Lễ Tết cổ truyền của người Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều các đồ uống này có thể gây khó chịu cho dạ dày và trào ngược axit:

– Cà phê: Một số nghiên cứu cho thấy, uống nhiều cà phê có khả năng làm giãn cơ thắt thực quản. Khi cơ thực quản đóng mở một cách bất thường sẽ làm axit dạ dày trào ngược gây ra các triệu chứng khó chịu. Mặt khác, caffeine có trong cà phê cũng kích thích lên dây thần kinh X gây tăng tiết acid dạ dày, khiến triệu chứng bệnh trào ngược nặng thêm.

– Trà đặc: Uống nhiều trà đặc cũng liên quan đến một số triệu chứng lâm sàng bao gồm ợ nóng và trào ngược. Việc tiêu thụ trà được báo cáo là có liên quan đến GERD, đặc biệt là ở người châu Á. Theophylline, một thành phần của trà, có thể góp phần làm giãn cơ LES, dẫn đến trào ngược axit thực quản.

– Nước ngọt có ga: Thức uống này chứa nhiều khí cacbondioxit, gây ợ hơi liên tục sau khi uống sẽ tạo cơ hội cho axit từ dạ dày trào ngược lên trên.

5. Ăn đủ bữa, đúng giờ ngày Tết  

Thói quen ăn uống ngày Tết có thể bị đảo lộn do các hoạt động chuẩn bị, vui chơi, du xuân, gặp mặt, chúc tết người thân và bạn bè. Điều này là một trong các nguyên nhân chính làm khởi phát hoặc tái phát trào ngược dạ dày thực quản.

Một số nghiên cứu cho thấy, thói quen ăn uống của một người có thể ảnh hưởng đến thời điểm xuất hiện các triệu chứng GERD. Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng ăn nhiều bữa, ăn trước khi đi ngủ và chế độ ăn uống không đều đặn có thể là yếu tố nguy cơ gây ra các triệu chứng GERD.

Do đó, dù Tết bận rộn đến mấy, chúng ta cũng cần cố gắng ăn uống đủ bữa (3 bữa/ngày) và đúng giờ. Tránh để dạ dày quá đói, vì để giúp phân hủy thức ăn, dạ dày của bạn sản xuất axit clohydric. Nếu bạn không ăn trong thời gian dài, axit đó có thể tích tụ trong dạ dày và có khả năng dẫn đến trào ngược axit và buồn nôn.

6. Không ăn quá no, quá nhiều

Bữa cơm ngày Tết với nhiều món ăn ngon và hấp dẫn khiến bạn có thể ăn quá no và quá nhiều trong một bữa. Cộng với việc ăn bánh kẹo, bánh mứt và nhiều đồ ăn vặt khác khiến dạ dày luôn trong tình trạng “căng đầy” thức ăn.

Các bữa ăn lớn khiến dạ dày giãn ra, ngăn không cho cơ thắt ở đỉnh dạ dày đóng lại hoàn toàn, khiến thức ăn trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản. Vì vậy, ngay cả vào những ngày Tết, bạn cũng cần chú ý ăn với no vừa đủ, nên ngừng ăn khi bạn cảm thấy no 75%. Điều này giúp dạ dày của bạn rỗng nhanh hơn, giảm nguy cơ xảy ra GERD.

7. Lưu ý khác khi ăn Tết

Một số cách khác giúp hỗ trợ giảm nguy cơ trào ngược dạ dày dịp Tết bạn nên tham khảo gồm:

– Nên ăn chậm, nhai kỹ.

– Thư giãn sau bữa ăn bằng cách đi dạo hoặc ngồi nghỉ ngơi.

– Tránh nằm xuống ngay sau khi ăn.

– Nên ăn bữa tối trước giấc ngủ ít nhất 3 tiếng để đảm bảo hệ tiêu hóa giảm hoạt động khi đến giờ ngủ. 

– Tránh một số hoạt động sau khi ăn: cúi gập người, thay đổi tư thế liên tục, vận động mạnh…

– Tránh mặc quần áo chật, đặc biệt với quần áo siết chặt vùng bụng hay thắt lưng vì sẽ tăng thêm áp lực cho dạ dày. 

– Nên chọn các trang phục thoải mái, giúp bụng và dạ dày được thư giãn.

– Nên ăn nhiều bữa nhỏ, tránh các bữa ăn với lượng thức ăn lớn.

– Ngồi thẳng khi ăn tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiêu hóa thức ăn.

– Cố gắng đi ngủ trước 23h đêm, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.

– Chia sẻ công việc chuẩn bị Tết với các thành viên trong gia đình để tránh bị căng thẳng stress. 

– Duy trì vận động ngày Tết, nâng cao đầu so với phần thân khi nằm ngủ.

– Ưu tiên nằm nghiêng sang bên trái trong khi ngủ, ở tư thế này dạ dày sẽ ở trạng thái thấp hơn thực quản giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.Ngược lại, nếu nằm nghiêng về bên phải, axit dịch vị sẽ dễ dàng trào ngược qua cơ thắt thực quản, gây ra các triệu chứng bệnh.

– Một số loại thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng trào ngược, đặc biệt là làm giảm ợ nóng. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để phù hợp với mức độ trào ngược và thể trạng của từng người.

Trên đây là một số lưu ý giúp chúng ta giảm nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản trong dịp Tết, hạn chế tái phát các triệu chứng bệnh để ăn Tết khỏe mạnh và vui vẻ. Tết Nguyên đán 2025 đang cận kề, chúc bạn một năm mới yên vui và khỏe mạnh bên gia đình!

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *