Test hơi thở HP là phương pháp đơn giản và không xâm lấn giúp phát hiện vi khuẩn H. pylori – tác nhân chính gây viêm loét và các bệnh lý dạ dày. Với độ chính xác cao và an toàn cho mọi đối tượng, kể cả phụ nữ mang thai và trẻ em, test hơi thở HP ngày càng trở nên phổ biến. Vậy phương pháp này được thực hiện ra sao, ai nên thực hiện, và chi phí bao nhiêu? Cùng Yumangel tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!
Mục lục
- I. Test hơi thở HP dạ dày là gì?
- II. Các dạng test hơi thở tìm kiếm vi khuẩn HP
- III. Ai cần thực hiện xét nghiệm hơi thở HP?
- IV. Đánh giá ưu – nhược điểm của xét nghiệm hơi thở HP
- V. Quy trình thực hiện test hơi thở tìm HP dạ dày
- VI. Test vi khuẩn hp bằng hơi thở giá bao nhiêu? Nên thực hiện ở đâu?
- VII. Câu hỏi thường gặp
I. Test hơi thở HP dạ dày là gì?
Định nghĩa
Xét nghiệm hơi thở HP (Urea Breath Test) còn được gọi là xét nghiệm hơi thở ure, là phương pháp giúp phát hiện và chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP, đồng thời đánh giá hiệu quả sau điều trị nhiễm trùng HP.
Vi khuẩn H. pylori sản sinh enzyme urease, phân hủy urê thành CO2 và amoniac. Amoniac được sử dụng để trung hòa axit dạ dày, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào niêm mạc dạ dày. CO2 được hấp thụ vào máu, vận chuyển đến phổi và thải ra qua hơi thở.
Khi test hơi thở Hp, bệnh nhân uống dung dịch chứa urê và thở vào thiết bị chuyên dụng. Nếu lượng CO2 trong mẫu hơi thở sau khi uống dung dịch cao hơn mẫu hơi thở trước khi uống, đó là dấu hiệu của nhiễm trùng H. pylori.
II. Các dạng test hơi thở tìm kiếm vi khuẩn HP
Có hai loại thử nghiệm test hơi thở HP là xét nghiệm hơi thở HP 14C và xét nghiệm hơi thở HP 13C.
Xét nghiệm hơi thở HP C13 |
Xét nghiệm hơi thở HP C14 |
|
Loại đồng vị sử dụng | Sử dụng đồng vị carbon-13, là một đồng vị ổn định, không phóng xạ. | Sử dụng đồng vị carbon-14, là một đồng vị phóng xạ nhẹ. |
Mức độ an toàn | Không có bất kỳ nguy cơ liên quan đến phóng xạ nên hoàn toàn an toàn và thường được ưu tiên sử dụng cho các đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai và trẻ em. | Mặc dù lượng phóng xạ sử dụng rất nhỏ và an toàn theo tiêu chuẩn y tế, nhưng vẫn có thể bị hạn chế cho một số đối tượng. |
Độ chính xác và phổ biến | Được xem là có độ chính xác cao và sử dụng rộng rãi hơn do tính an toàn tuyệt đối. | Độ chính xác cũng cao nhưng thường ít phổ biến hơn so với C13 do liên quan đến phóng xạ, mặc dù nguy cơ là rất thấp. |
Chi phí | Thường có chi phí cao hơn so với C14 do yêu cầu công nghệ sản xuất phức tạp hơn và mức độ an toàn cao hơn. | Có chi phí thấp hơn, do đó, đôi khi được chọn khi vấn đề kinh phí cần được cân nhắc. |
Thời gian thực hiện | Khoảng 30 phút | Khoảng 30 phút |
Tóm lại, xét nghiệm hơi thở Hp C13 phù hợp hơn cho những đối tượng cần đảm bảo an toàn tuyệt đối, như trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, trong khi xét nghiệm Hp C14 có thể được sử dụng cho các đối tượng không có chống chỉ định với phóng xạ và cần xét nghiệm với chi phí thấp hơn.
III. Ai cần thực hiện xét nghiệm hơi thở HP?
Test hơi thở Hp là phương pháp an toàn, không xâm lấn, và có độ chính xác cao, giúp phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn H. pylori mà không cần thực hiện các thủ thuật phức tạp. Phương pháp này phù hợp với những đối tượng sau:
Người có triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng: Những người thường xuyên có các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, ợ chua nên thực hiện test hơi thở HP để xác định nhiễm khuẩn H. pylori.
Người đã từng điều trị H. pylori: Test hơi thở HP cũng được sử dụng để kiểm tra hiệu quả sau điều trị nhiễm khuẩn, đảm bảo vi khuẩn đã được loại bỏ hoàn toàn.
Trẻ em từ 3 tuổi trở lên: Phương pháp này an toàn và có thể thực hiện cho trẻ em với sự chỉ định của bác sĩ.
Phụ nữ mang thai: Đây là phương pháp không xâm lấn và không gây hại, phù hợp cho phụ nữ mang thai cần kiểm tra nhiễm khuẩn H. pylori.
Người không muốn thực hiện các xét nghiệm xâm lấn: Test hơi thở HP là lựa chọn phù hợp cho những ai không muốn làm nội soi dạ dày
⇒ Đừng bỏ qua: Viêm loét dạ dày khi mang thai
IV. Đánh giá ưu – nhược điểm của xét nghiệm hơi thở HP
Xét nghiệm hơi thở HP là một trong những phương pháp phổ biến để phát hiện vi khuẩn H. pylori. Mặc dù được đánh giá cao về tính an toàn và hiệu quả, phương pháp này vẫn có những ưu và nhược điểm cần xem xét. Việc hiểu rõ các điểm mạnh và hạn chế sẽ giúp người bệnh và bác sĩ lựa chọn phương pháp phù hợp nhất trong chẩn đoán và theo dõi điều trị.
1. Ưu điểm
- Không xâm lấn: Test hơi thở HP không yêu cầu sử dụng thiết bị nội soi hay lấy mẫu mô, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và ít sợ hãi hơn so với các phương pháp test Hp dạ dày xâm lấn.
- Độ chính xác cao: Phương pháp này có độ chính xác cao trong việc phát hiện nhiễm H. pylori, nhất là khi được thực hiện đúng quy trình.
- An toàn: Đặc biệt an toàn cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và phụ nữ mang thai (nhất là với xét nghiệm C13 không phóng xạ).
- Nhanh chóng: Quy trình thực hiện đơn giản và kết quả có thể có trong khoảng 30 phút.
- Theo dõi sau điều trị: Có thể dùng để kiểm tra hiệu quả điều trị sau khi điều trị H. pylori.
2. Nhược điểm
Một số nhược điểm của phương pháp test hơi thở tìm HP dạ dày là:
- Chi phí cao: Chi phí xét nghiệm qua hơi thở tìm vi khuẩn HP trong dạ dày cao hơn (khoảng 500.000 – 1.000.000 VNĐ/lần) so với xét nghiệm máu (150.000 – 250.000 VNĐ/lần) hoặc xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP (150.000 – 300.000 VNĐ/lần.
- Yêu cầu chuẩn bị trước khi xét nghiệm: Bệnh nhân cần kiêng một số loại thuốc (như kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton) và nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định trước khi làm xét nghiệm để đảm bảo kết quả chính xác.
- Không xác định mức độ nhiễm trùng: Phương pháp này chỉ phát hiện sự hiện diện của H. pylori chứ không đánh giá mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng hay tổn thương dạ dày.
- Ảnh hưởng từ các yếu tố khác: Một số thuốc và thực phẩm có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, dẫn đến khả năng dương tính hoặc âm tính giả.
Phương pháp này là lựa chọn lý tưởng cho việc chẩn đoán nhiễm H. pylori nhờ tính chính xác và an toàn, nhưng cần chú ý đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả để đảm bảo độ tin cậy.
V. Quy trình thực hiện test hơi thở tìm HP dạ dày
Toàn bộ quy trình thực hiện test hơi thở tìm HP dạ dày được thực hiện trong khoảng 40 phút nên người bệnh sẽ không mất quá nhiều thời gian chờ đợi.
1. Chuẩn bị trước khi xét nghiệm
Ngừng dùng một số loại thuốc:
Trước khi xét nghiệm hơi thở HP, người bệnh có thể cần ngừng dùng một số loại thuốc kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton (PPI), và các loại thuốc giảm axit dạ dày trong khoảng 2-4 tuần trước khi xét nghiệm để tránh ảnh hưởng đến kết quả.
- Thuốc kháng sinh: Ít nhất 4 tuần trước khi xét nghiệm.
- Các chế phẩm bismuth: Ít nhất 2 tuần trước khi thử nghiệm (bismuth tripotassium dicitrate – Inbionet Deanol® hoặc Ducas®).
- Thuốc ức chế bơm proton: Ít nhất 2 tuần trước khi xét nghiệm, chẳng hạn như esomeprazol (Nexium®), omeprazole (Mepraz®, Losec®), pantoprazole (Pantoloc®), rabeprazole (Pariet®).
- Thuốc đối kháng thụ thể histamin H2: Ít nhất 1 ngày trước khi xét nghiệm, chẳng hạn như ranitidine (Zantac®, Ratidin®).
- Thuốc kháng axit: Ít nhất 1 ngày trước khi xét nghiệm, chẳng hạn như nhôm phosphat (Phosphalugel®), nhôm hydroxit + magie hidroxit (Maalox®), rebamipide (Mucosta®), natri alginate + natri bicarbonate + canxi cacbonat (Gaviscon®), natri hydrocarbonat (Natri Bicarbonat®).
Nhịn ăn
Người thực hiện test hơi thở HP 14C phải nhịn ăn trong 6 giờ. Đối với xét nghiệm 13C, bệnh nhân cần nhịn ăn trong khoảng 2 giờ trước khi làm xét nghiệm.
Đồng thời kiêng một dùng một số thực phẩm dưới đây để tránh ảnh hưởng đến độ chính xác của xét nghiệm:
- Bia rượu.
- Nước ngọt có ga.
- Thuốc lá, thuốc lào.
2. Quy trình thực hiện xét nghiệm
Lấy mẫu hơi thở ban đầu: Bệnh nhân được yêu cầu thở vào một túi chuyên dụng để lấy mẫu hơi thở ban đầu, đây là mẫu đối chứng.
Uống dung dịch urê: Bệnh nhân sẽ uống một dung dịch chứa urê có đánh dấu đồng vị (C13 hoặc C14), chất này không có mùi vị và an toàn. Sau đó rồi nằm nghiêng bên trái trong 5 phút.
Chờ đợi: Sau khi uống dung dịch, bệnh nhân cần chờ từ 15 đến 30 phút để dung dịch được phân hủy bởi vi khuẩn H. pylori (nếu có) trong dạ dày.
Lấy mẫu hơi thở lần hai: Sau khoảng 20 phút, nhân viên y tế sẽ lấy lại hơi thở của bệnh nhân bằng túi đựng mẫu thứ hai. Bệnh nhân tiếp tục thở vào túi chuyên dụng để thu thập mẫu hơi thở sau khi uống dung dịch urê.
3. Phân tích mẫu
Xét nghiệm hơi thở tìm vi khuẩn Helicobacter pylori là xét nghiệm không xâm lấn và có nguy cơ rủi ro thấp. Vì vậy, người bệnh có thể về nhà ngay và trở lại sinh hoạt cũng như ăn uống bình thường sau khi xét nghiệm kết thúc. Trừ khi người bệnh được lên lịch thực hiện các xét nghiệm khác, bác sĩ sẽ yêu cầu hạn chế về chế độ ăn uống.
Mẫu hơi thở được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích mức độ CO2.
- Nếu mức CO2 thứ hai cao hơn mức cơ bản: điều đó cho thấy sự hiện diện của urease từ H. pylori, đây là một kết quả dương tính (có HP).
- Ngược lại, nếu hai mẫu hơi thở chứa cùng một lượng CO2: điều đó cho thấy không có urease và kết quả là âm tính (không có HP).
4. Nhận kết quả
Kết quả test hơi thở HP dạ dày thường có ngay trong ngày. Bác sĩ tiêu hóa sẽ thông báo cho bệnh nhân quyết định phương pháp điều trị thích hợp nếu cần thiết.
VI. Test vi khuẩn hp bằng hơi thở giá bao nhiêu? Nên thực hiện ở đâu?
Test vi khuẩn Hp bằng hơi thở giá bao nhiêu?
Chi phí test HP hơi thở dạ dày thường dao động trong khoảng từ 500.000 – 1.000.000 VNĐ/lần, tùy theo tình trạng sức khỏe, mức độ bệnh cũng như đơn vị thực hiện.
Test Hp bằng hơi thở ở đâu?
Xét nghiệm hơi thở dạ dày hiện đang được thực hiện tại nhiều cơ sở y tế và bệnh viện trên cả nước. Tuy nhiên, người bệnh nên tìm đến địa chỉ uy tín, chất lượng tốt, trang thiết bị hiện đại để có kết quả chính xác nhất.
Dưới đây là một số gợi ý về địa chỉ thực hiện xét nghiệm HP dạ dày tốt người bệnh có thể tham khảo:
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện 198, Bệnh viện Việt Đức…
- Tại TPHCM: Test hơi thở HP ở đâu TPHCM? Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 175, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Hòa Hảo, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á…
Xem chi tiết tại: Test vi khuẩn HP bằng hơi thở giá bao nhiêu? Test thở HP ở đâu uy tín?
VII. Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là câu trả lời cho một số câu hỏi thường gặp của người bệnh khi thực hiện kiểm tra hơi thở tìm HP dạ dày:
1. Có thể tự test hơi thở HP ở nhà không?
Các xét nghiệm hơi thở HP dạ dày có thể được thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh nên kiểm tra với bác sĩ trước khi mua.
Chi phí kiểm tra vi khuẩn HP qua hơi thở tại nhà ít tốn kém hơn khi thực hiện tại các cơ sở y tế, phòng khám hoặc bệnh viện.
2. Xét nghiệm hơi thở HP dạ dày có rủi ro, tác dụng phụ nào không?
Chưa có báo cáo nào về những tác dụng phụ và rủi ro khi thực hiện xét nghiệm hơi thở tìm HP. Tuy nhiên, nếu khi thực hiện gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
3. Kết quả test HP hơi thở có chính xác không?
Kết quả xét nghiệm hơi thở có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tiền sử sức khỏe, cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, trang urmc.rochester.edu khẳng định, xét nghiệm ure trong hơi thở có độ chính xác hơn 95%.
Một đánh giá năm 2018 của 101 nghiên cứu cho thấy, xét nghiệm hơi thở H. pylori là phương pháp kiểm tra nhiễm trùng không xâm lấn chính xác nhất.
4. Điều gì có thể ảnh hưởng đến kết quả test HP dạ dày qua hơi thở?
Nếu xét nghiệm này được thực hiện quá sớm sau khi điều trị, bạn có thể nhận được kết quả dương tính giả. Điều này có nghĩa là xét nghiệm có thể cho thấy H. pylori vẫn hiện diện mặc dù chúng không tồn tại. Để có kết quả tốt nhất, bạn nên xét nghiệm lại ít nhất 4 tuần sau khi điều trị H. pylori.
Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả test HP dạ dày là: dùng thuốc kháng sinh, bismut và thuốc ức chế bơm proton (PPI) trong thời gian gần đây.
5. Cần làm gì nếu kết quả test hơi thở HP dương tính?
Nếu kết quả test hơi thở HP dương tính, điều đó cho thấy bạn đang bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Dưới đây là những bước bạn nên thực hiện:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định tình trạng và lên kế hoạch điều trị. Bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp chẩn đoán bổ sung nếu cần, như nội soi dạ dày, để đánh giá mức độ viêm loét hoặc tổn thương trong dạ dày.
- Điều trị theo phác đồ kháng sinh được chỉ định (thường từ 10-14 ngày). Phác đồ này thường bao gồm sự kết hợp của hai loại kháng sinh (như amoxicillin, clarithromycin hoặc metronidazole) và một thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm độ axit trong dạ dày.
- Tuân thủ đúng liệu trình và không tự ý ngừng thuốc giữa chừng vì có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc.Kiểm tra lại sau 4-8 tuần để đảm bảo đã loại bỏ HP.
- Duy trì vệ sinh và lối sống lành mạnh để ngăn tái nhiễm.
- Theo dõi triệu chứng lâu dài: Ngay cả khi đã loại bỏ HP, bạn nên tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe dạ dày của mình. Nếu có bất kỳ dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, hoặc khó tiêu, bạn nên quay lại bác sĩ để kiểm tra
Tài liệu tham khảo:
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/h-pylori-breath-test#summary
- https://www.healthline.com/health/digestive-health/h-pylori-breath-test
- https://www.ureabreathtests.com/news/comparison-of-urea-breath-test-13c-and-14c-for-35692759.html
Test hơi thở HP là một phương pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả để phát hiện vi khuẩn H. pylori, giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh lý dạ dày. Dù có một số hạn chế cần cân nhắc, lợi ích mà phương pháp này mang lại vẫn vượt trội, đặc biệt là khả năng phát hiện sớm để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Nếu cần được tư vấn thêm các vấn đề liên quan đến sức khỏe và bệnh lý dạ dày, bạn có thể liên hệ với dược sĩ của Yumangel qua hotline 1800 1125 (miễn phí cước) hoặc bình luận ở ngay bên dưới để được dược sĩ giải đáp trực tiếp nhé!